Cuộc biểu tình phản đối nạn tham nhũng và chế độ Putin trên gần 100 thành phố khắp nước Nga ngày Chủ nhật, 26/03/2017, gây bất ngờ đối với chính quyền. Đây là đợt biểu tình lớn nhất kể từ năm 2012, theo một số nhà quan sát. Điều nổi bật được giới quan sát ghi nhận đó là sự hưởng ứng của giới trẻ trước lời kêu gọi của lãnh đạo đối lập, một thế hệ trẻ trưởng thành chính trong thời kỳ cầm quyền của tổng thống Nga Putin, như hàng tựa của một bài viết trên Le Monde "Thế hệ Putin xuống đường" (1).
Thanh thiếu niên biểu tình phản đối chính quyền tham nhũng, độc đoán, tại Vladivostok, Nga, 26/03/2017. REUTERS/Yuri Maltsev
Theo nhà báo Nga Oleg Kachine (2), cùng với việc nhiều đô thị vốn được coi là "trì đọng" đã tham gia vào ngày phản kháng, việc đông đảo thanh thiếu niên dưới 18 tuổi hiện diện trong phong trào là điều mới mẻ thứ hai. Bởi những thiếu niên ấy đều sinh ra và lớn lên "dưới thời Putin".
Cách nay một tháng, vào lúc đối lập tuần hành tại Moskva để tưởng niệm Boris Nemtsov, hai năm sau ngày ông bị sát hại năm 2015, người ta đã không thấy những người trẻ như vậy.
Nhật báo Nga có xu hướng tự do Moskovski Komsomolets châm biếm : cuộc tuần hành hôm Chủ nhật trên khắp đất nước khiến cho đợt kỷ niệm 19 năm ngày Putin lên nắm quyền bị "lỡ dở".
Theo OVD-Info, một tổ chức phi chính phủ chuyên theo dõi các phong trào phản kháng tại Nga, trong số 1.030 người bị câu lưu hôm đó tại Moskva, ít nhất có 46 người dưới 18 tuổi. OVD-Info không có thống kê chính xác trên toàn quốc, nhưng ước tính tại mỗi trụ sở cảnh sát, ít nhất cũng có hai đến ba thiếu niên bị giữ.
Vịt nhựa, giày thể thao… : Các biểu tượng châm biếm
Những lời kêu gọi chống tham nhũng, trước hết là chống lại đế chế tham nhũng của thủ tướng Nga, do lãnh đạo đối lập Alexei Nalvany 40 tuổi khởi xướng, dễ dàng đến được với giới trẻ, do tính chất châm biếm. Hình ảnh những "kiểu giày thể thao" đắt tiền mà thủ tướng Dmitri Medvdev ưa dùng, các "con vịt nhựa" để nhắc đến các nơi ở sang trọng, với trang trại gia cầm của thủ tướng Nga... được tung lên mạng hồi đầu tháng ba.
"Vịt nhựa", "giày thể thao" của thủ tướng Nga là các biểu tượng được giới trẻ mang theo trong cuộc biểu tình.
Tại thành phố Tomsk, cũng ở Siberi, phát biểu của một thiếu niên tên Gleb, mới học lớp 6, lên án tệ nạn "chính trị hóa học đường" trong cuộc tuần hành hôm Chủ nhật đã lan truyền rộng rãi. Theo người thiếu niên này, "không quan trọng ai là người nắm quyền, Navalny, Putin hay ai khác. Điều quan trọng nhất là thay đổi hệ thống của chúng ta, chính trị, giáo dục, y tế.
Tôi ngạc nhiên khi thấy trường học của mình bị chính trị hóa như thế nào ! Học sinh có thể bị điểm xấu, chỉ vì không mô tả về chính quyền hiện nay đúng theo những gì đã được dậy dỗ".
Trong khi đó, trên đường phố Moskva, người ta có thể đọc thấy những khẩu hiệu mang phong cách bông đùa, như kiểu như "Đả đảo sự bất bình đẳng giữa những con vịt !".
Tố cáo nạn "chính trị hóa" học đường
Làn sóng châm biếm tràn đi trên mạng trước cuộc xuống đường hôm Chủ nhật. Một sinh viên Học viện Âm Nhạc Moskva đã biến thành trò cười một buổi dạy "văn hóa chính trị" của trường, về "lực lượng thứ năm" (thực chất là một hoạt động tuyên truyền chống lại các tổ chức phi chính phủ, bị tố làm gián điệp cho phương Tây). Đoạn video về buổi học được phổ biến rộng rãi trên mạng. Người sinh viên bị đe dọa đuổi học.
Lãnh đạo đối lập Alexei Navalny đã sử dụng được các mạng xã hội, để thoát khỏi hệ thống kiểm duyệt truyền thông của chính quyền, trong bối cảnh mà cỗ máy truyền hình tuyên truyền của Nhà nước "không tác động được đến giới trẻ và chủ nghĩa bài ngoại dân tộc chủ nghĩa cực đoan chính thống chỉ còn khiến người ta ghê tởm. Giới trẻ (muốn) lên mạng Internet để tìm kiếm sự thật về những gì diễn ra trong nước" (theo nhà xã hội học Igor Eidmann).
Một khía cạnh khác của truyền thông trong giới trẻ cũng được Novai Gazeta (3) (một tờ báo Nga có xu hướng cởi mở) nhấn mạnh, đó là ngay cả các mạng xã hội, như Facebook cũng bị giới bảo thủ và những kẻ phá rối thao túng. Những thanh thiếu niên từ 14 đến 20 tuổi hiện nay thích sử dụng mạng xã hội Nga Vkontakte hoặc trao đổi qua các dịch vụ trò chuyện trực tuyến hơn là Facebook.
Tại thành phố Krasnoiarsk, ở Siberi, một giáo viên đại học đã bị buộc phải thôi việc, chỉ vì cho sinh viên xem cuốn phim trên mạng tố cáo thủ tướng Nga tham nhũng, do lãnh đạo đối lập thực hiện và đưa lên mạng Youtube hồi đầu tháng.
Báo Novaia Gazeta cũng ghi nhận trường học Nga hiện nay đang cố phong tỏa tinh thần của giới trẻ, với "các khóa học về lòng yêu nước, giảng dạy các nền tảng của văn hóa chính thống và kiểm duyệt". Ấn tượng của nhiều học sinh là sự ngự trị của cặp cầm quyền Putin-Medvedev, thái độ đối kháng với thế giới bên ngoài của chính quyền, tuyên truyền hung hăng và sự dối trá của người lớn.
Phẫn nộ về tình trạng bất công
Theo báo Libération, trước sự tham gia bất ngờ của đông đảo thanh thiếu niên trong phong trào phản kháng, chính quyền Moskva dường như đang tìm biện pháp ứng phó. Phát ngôn viên của chính quyền tố cáo những người tổ chức biểu tình hứa "thưởng tiền" cho các thiếu niên, nếu họ bị cảnh sát bắt bớ, nhưng không đưa ra bất cứ bằng chứng nào.
Đa số những ngưỡi bị bắt đã được trả tự do ngay trong đêm Chủ nhật qua sáng thứ Hai, sau khi ký vào một biên bản "xử phạt hành chính", vì tội tham gia vào một cuộc biểu tình không được phép. Tại một số địa phương khác, như Nijni Novgrod trên sông Volga, cha mẹ học sinh trung học tham gia biểu tình cũng bị phạt hành chính, vì tội "không thực hiện nghĩa vụ giáo dục" con cái, theo luật dân sự.
Theo nhà chính trị học Abbas Gallyamov (4), điện Kremlin hiện đang đứng ở ngã ba đường. Hoặc quyết định trừng phạt nặng nề những người trẻ tham gia biểu tình, và điều này sẽ hiến phong trào trở nên quyết liệt hơn, hoặc làm ngơ.
Một trang mạng thông tin địa phương Nga Znak (5) cho rằng vấn đề chủ yếu là sự nổi dậy của giới trẻ chống lại "tình trạng bất công của một chế độ cha truyền con nối" ở Nga, mà họ đang phải đối mặt hàng ngày. Suốt ngày phải nghe những rao giảng về đạo lý, về lòng yêu nước, nhưng trên thực tế họ không có triển vọng tương lai, các vị trí tốt nhất đã có con cái của tầng lớp tinh hoa xí phần.
Trọng Thành
(1) Le Monde, 20/03/2017
(2) Libération, 27/03.
(3) Le Courrier International, 28/03.
(4) Le Monde, 29/03.
(5) Le Courrier International, như trên.