Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

06/09/2023

Giáo dục Việt Nam "đáng lo ngại" khi hàng loạt giáo viên bỏ việc !

Quốc Phương

Giới quan sát thời sự và xã hội Việt Nam cho rằng hiện tượng giáo viên bỏ nghề, bỏ việc hàng loạt đang trở thành một vấn đề ‘thực sự đáng lo ngại’ và ‘báo động’ đối với giáo dục Việt Nam ngay vào đầu năm học mới, 2023-2024.

giaoduc1

Học sinh một trường Trung học cơ sở tại Hà Nội tham dự lễ khai giảng năm học mới 2016 - AFP

Trang mạng VTC News hôm 6/9/2023 có bài viết với tựa đề "Năm thách thức lớn với ngành giáo dục năm học 2023 - 2024", trong đó nêu rõ, RFA xin trích lược, ngành giáo dục sẽ phải tập trung giải quyết các vấn đề lớn như : lương giáo viên thấp, tỷ lệ bỏ việc vẫn tiếp diễn ; tình trạng quá tải sĩ số học sinh/lớp vẫn tồn tại ở hầu hết các thành phố lớn…

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và đào tạo, hiện ngành giáo dục có 1.234.124 giáo viên mầm non và phổ thông. Cả nước còn thiếu 118.253 thầy cô đứng lớp, trong đó, mức thiếu so với năm 2022 ở từng cấp cụ thể. Cấp mầm non tăng 7.887 giáo viên, cấp tiểu học tăng 169 người, cấp Trung học cơ sở tăng 1.207, cấp Trung học phổ thông tăng 2.045 người.

Bên cạnh việc thiếu giáo viên, ngành giáo dục cũng đối diện với bài toán hơn 9.000 giáo viên nghỉ việc, vẫn theo VTC News.

Cần những cải cách căn bản

Bình luận vấn đề giáo viên bỏ nghề, trong khi ngành giáo dục đang thiếu trầm trọng nguồn nhân lực sư phạm ở các cấp giáo dục, Tiến sĩ Xã hội học Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã Hội (ISDS), nói với Đài Á Châu Tự Do :

"Tôi cũng theo dõi vấn đề này trong thời gian vừa qua, tôi thực sự cảm thấy rất lo lắng, cho dù về mặt cá nhân gia đình tôi không còn người đi học nữa, tuy nhiên nếu nhìn từ góc độ xã hội, tôi thấy đó quả là một vấn đề đáng báo động. Giáo viên mà chán công việc của mình, hoặc không thấy công việc của mình đem lại cho họ mức sống để cho họ có thể tái sản xuất sức lao động và buộc phải bỏ nghề để đi làm công việc khác, thì thực sự rất là đáng tiếc. Đáng tiếc ở đây là cả một đội ngũ đã được đào tạo và làm việc trong nhiều năm, rất nhiều kinh nghiệm, bây giờ người ta lại từ bỏ, chúng ta lại phải tuyển một đội ngũ khác, mà tuyển chưa chắc đã tuyển được, nếu có một số lượng rất lớn giáo viên bỏ việc, chúng ta chẳng có thể hy vọng rằng chúng ta tuyển lại được số lượng như vậy".

Trước câu hỏi tại sao ở một số nước trong khu vực như ở Đông Nam Á, không thấy có hiện tượng như ở Việt Nam, mà theo đó nhiều giáo viên bỏ nghề, bỏ việc với số đông hay tràn lan như chính báo chí chính thống Việt Nam phản ánh, kể cả có nhiều trường hợp các cựu nhà giáo ở các địa phương đi ‘xuất khẩu lao động’ hàng loạt, bà Khuất Thu Hồng bình luận :

"Tôi nghĩ nó có nhiều lý do, lý do mà mọi người hay nói đến nhất, đó là lương thấp không đủ sống. Tôi còn thấy một lý do mà tôi nghĩ khá là quan trọng, đấy là áp lực : áp lực trong công việc, áp lực phải hoàn thành nhiệm vụ, trong khi nhiệm vụ của giáo viên quá nặng. Và nhiệm vụ của giáo viên quá nặng như vậy liên quan đến cách mà chúng ta (Việt Nam) xây dựng chương trình giáo dục của chúng ta. Bây giờ giáo viên vẫn phải dạy cho người học là từng li, từng tí một, giống như kiểu dạy của ngày xưa, đọc bài cho chép, rồi lo tất cả những thứ như chúng ta đã trải qua giáo dục trước đây, thì tôi thấy nó không hợp lý nữa và nó thừa.

Giáo viên bây giờ chỉ cần hướng dẫn để cho học sinh có thể tìm được tài liệu, tìm được thông tin ở rất nhiều nguồn khác nhau, đặc biệt với sự phát triển của Internet, của kỹ thuật số như vậy. Thế thì nếu chúng ta cải cách giáo dục theo cách như vậy, sẽ giảm bớt gánh nặng công việc, áp lực cho giáo viên rất nhiều. Và như vậy, có thể không cần đến một số lượng giáo viên quá nhiều, mà là một số lượng giáo viên vừa đủ. Khi đó, lương của giáo viên tự nhiên sẽ tăng lên, gánh nặng công việc giảm bớt đi, giáo viên sẽ cảm thấy rằng mình làm công việc này, mình dạy và mình vẫn có thể sáng tạo, đây là một công việc sáng tạo, chứ không đơn thuần là một công việc mà hiện nay rất nặng nề, nhiều áp lực".

Theo Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, người cũng là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nếu không có cải cách thật căn bản, thì ‘bức tranh’ về giáo dục Việt Nam còn mất nhiều thời gian để có thể trở nên tươi sáng, bà nói tiếp với RFA Tiếng Việt trên quan điểm riêng :

"Trong một bối cảnh, nếu không có những thay đổi, cải cách rất căn bản về chế độ đãi ngộ cho giáo viên, về những cách quản lý, kể cả nhìn xa hơn là triết lý giáo dục, thì tôi nghĩ bức tranh mà chúng ta có thể nói là hơi buồn hiện nay chắc còn cần rất nhiều thời gian để khôi phục cho nó tươi sáng trở lại hoặc là tươi sáng hơn. Tôi cảm thấy rất là lo lắng".

‘Bệnh thành tích và mô hình Liên Xô cũ’

Theo Tiến sĩ Khuất Thu Hồng còn một nguyên nhân nữa đã làm tăng thêm đáng kể áp lực với người làm nghề giáo viên ở giáo dục phổ thông tại Việt Nam và gián tiếp làm nhiều người phải bỏ nghề, bỏ việc, bà nói tiếp với RFA :

"Lại còn thêm chủ nghĩa thành tích, ‘bệnh thành tích’ hiện nay đang áp đặt quá nhiều gánh nặng lên giáo viên, lên học sinh và lên toàn bộ hệ thống giáo dục, và tôi nghĩ tiền lương chỉ là một trong những lý do mà thôi, còn cái chính yếu chính là cách quản lý giáo dục, triết lý giáo dục, cách mà chúng ta dạy học tạo ra gánh nặng, áp lực về mặt công việc, áp lực về mặt tâm lý cho giáo viên rất nhiều và đấy cũng là thêm lý do để cho người ta cảm thấy là nếu mình tiếp tục công việc này, thì dường như nó không có tương lai".

Hôm 06/9/2023, từ Hà Nội ông Lê Văn Sinh, giảng viên và nhà nghiên cứu thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đưa ra bình luận của mình với Đài Á Châu Tự Do trên quan điểm riêng về điều mà ông tin là nguyên nhân cốt lõi của các thách thức trong giáo dục Việt Nam hiện nay, mà trong đó có liên quan việc nguồn nhân lực sư phạm đang thất thoát, thiếu hụt khá trầm trọng trong hệ thống giáo dục các cấp, ông nói :

"Một khi nền kinh tế đã vận hành theo mô hình thị trường và càng ngày các thành phần kinh tế tự do hoạt động theo thị trường càng mạnh mẽ, quản lý giáo dục không thể nào cứ sử dụng lối quản lý giáo dục cũ được nữa. Ngày nay giáo dục của chúng ta (Việt Nam) một phần là mới, nhưng phần cốt lõi và quản lý đó vẫn là của nền kinh tế chính trị cũ, đó là kế hoạch hóa, quản trị của nhà nước. Thành ra những vấn đề như bài báo trên VTC đưa ra với năm thách thức, toàn những điều liên quan quản lý ngành giáo dục, bởi vì trong khi nền kinh tế thị trường đang phát triển ngày càng mạnh mẽ, thì chúng ta thì chúng ta vẫn quản lý theo mô hình cũ, mô hình trước đây, trước đổi mới".

Chính vì lý do trên, theo ông Lê Văn Sinh, mới có chuyện các chương trình cải cách liên tục đưa ra, mà ‘không đi đến đâu’, ông nói tiếp với Đài Á Châu Tự Do trên quan điểm riêng :

"Thành thử ra chúng ta thấy vấn đề liên quan đến một điều gọi là hệ thống vận hành của nền giáo dục. Khi mà hệ thống này vẫn theo mô hình cũ, mô hình Xô Viết, thì theo cá nhân tôi, không có một cải tiến nào, không có một đổi mới nào hay cải cách nào mà có thể vận hành trơn tru được. Thành ra, theo quan điểm cá nhân của tôi, sự vận hành nền giáo dục Việt Nam phải tương xứng, khớp với nền tảng kinh tế của Việt Nam, mà hiện nay đó là kinh tế thị trường tự do".

Quốc Phương

Nguồn : RFA, 06/09/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Quốc Phương
Read 172 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)