Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

4 người dân bị xử phạt vì "xúc phạm lãnh đạo đảng, nhà nước" trên Facebook (RFA, 19/05/2019)

Hôm 18/5/2019, 4 người dân ở huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa bị công an huyện xử phạt vi hạm hành chính tổng số tiền 30 triệu đồng vì bị cho là có hành vi "bình luận, nói xấu, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, làm ảnh hưởng uy tín đến các lãnh đạo đảng, Nhà nước và lực lượng Công an nhân dân trên mạng xã hội Facebook".

anm1

4 người dân ở Thanh Hóa bị xử phạt vì đăng bài chỉ trích lãnh đạo trên Facebook - Courtesy of Zing, RFA edit

Bốn người bị xử phạt gồm : anh Lê Quang Cường (40 tuổi), ở xã Hải Yến ; chị Nguyễn Thị Loan (28 tuổi), ở xã Trúc Lâm ; anh Lê Khắc Linh (37 tuổi), ở xã Phú Lâm và anh Đặng Nguyên Tùng (25 tuổi), ở xã Nguyên Bình.

Cũng theo Công an Thanh Hóa, những người này đã sử dụng trang Facebook cá nhân của mình để "đăng tải, chia sẻ, bình luận với những lời lẽ lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các đồng chí lãnh đạo đảng, nhà nước và lực lượng công an huyện Tĩnh Gia khi tham gia công tác cưỡng chế, giải phóng mặt bằng".

Không rõ những người này đã "xúc phạm" lãnh đạo nào và nói những gì khi có vụ cưỡng chế xảy ra.

Luật An ninh mạng mới của Việt Nam áp dụng từ đầu năm 2019 đến nay, dẫn đến nhiều người bị cơ quan chức năng xử phạt hay bắt giam chỉ vì các bài đăng trên Facebook.

Luật này khi mới soạn thảo và bắt đầu áp dụng đã vấp phải nhiều chỉ trích của các tổ chức quốc tế và người dân Việt Nam. Những người phản đối luật cho rằng những điều khoản của Luật mới vi phạm quyền riêng tư của người dùng Internet.

Mới đây, Ân xá Quốc tế công bố danh sách 128 tù nhân lương tâm người Việt, trong đó có 10% những người bị bỏ tù là do đăng bình luận trên các mạng xã hội như Facebook.

******************

Bộ Công thương kiến nghị xử lý những cá nhân cố tình xuyên tạc về việc tăng giá điện (RFA, 19/05/2019)

Hôm 19/5/2019, báo chí nhà nước dẫn văn bản của Bộ Công thương gửi Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng Trần Tuấn Anh ký, kiến nghị giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý những ai cố tình xuyên tạc về đợt "điều chỉnh giá điện" vừa qua.

anm2

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh. Hình minh họa - Photo : RFA

Bộ Công thương hồi tháng 3 vừa qua đã quyết định điều chỉnh giá điện tăng 8,36% và áp dụng mức giá luỹ tiến. Tuy nhiên nhiều người dân trong nước đã lên tiếng phản đối vì cho rằng việc tăng giá điện vào thời kỳ nắng nóng không hợp lý và khiến giá hóa đơn tiền điện tháng 4 của họ tăng lên gấp nhiều lần chứ không phải mức hơn 8% như thông báo của bộ.

"Vì vậy, Bộ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục chỉ đạo các cơ quan báo chí thực hiện công tác thông tin tuyên truyền về chủ trường đúng đắn của Đảng, Chính phủ trong việc điều chỉnh giá điện ; phản ánh chính xác, khách quan, không đưa thông tin trái chiều về giá điện.

Đồng thời có các biện pháp chấn chỉnh hoặc xử lý những cá nhân cố tình xuyên tạc, đưa thông tin không đầy đủ, khách quan về đợt điều chỉnh giá điện vừa qua nhằm kích động, gây rối trật tự, an toàn xã hội"- văn bản của Bộ Công Thương nêu rõ.

Theo bộ này, có 3 nguyên nhân khiến hóa đơn tiền điện sinh hoạt trong tháng 4/2019 của người dân tăng cao là do : sản lượng điện tiêu thụ của khách hàng tăng do thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao ; do tác động của việc điều chỉnh tăng giá điện 8,36% vào ngày 20/3 và kỳ ghi chỉ số công-tơ của tháng 4 cũng nhiều hơn 3 ngày so với tháng 3.

Published in Việt Nam