Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trong Dự thảo nghị định ban hành Bộ quy tắc đạo đức công vụ, do Bộ Nội vụ gửi Bộ Tư pháp thẩm định được truyền thông nhà nước đăng tải hôm 24/5 đã đề xuất cán bộ, công chức chỉ được tiếp công dân, doanh nghiệp tại trụ sở cơ quan, không được hẹn gặp ngoài giờ làm việc ở bên ngoài hay tại nhà riêng.

canbo1

Người phu quét đường trước đồn công an - Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội. Reuters

Tiến sĩ Đào Mạnh Hoàn, Phó phòng Nghiên cứu tổ chức, Viện Khoa học tổ chức nhà nước thuộc Bộ Nội vụ, là cơ quan xây dựng dự thảo vừa nêu khi trả lời báo nhà nước trong ngày đã cho rằng ‘Đề xuất cán bộ không gặp công dân ngoài trụ sở’ là để chống tham nhũng.

Một Luật sư ở Việt Nam không muốn nêu tên vì lý do an toàn hôm 24/5 cho rằng đề xuất của Bộ Nội vụ chỉ nhằm tạo điều kiện cho các đối thủ chính trị triệt hạ lẫn nhau :

"Cán bộ công chức tiếp công dân ngoài trụ sở có ba loại : Một là không dính dáng công việc như bà con, bạn bè cũng là công dân nếu gặp ở ngoài trụ sở là bình thường, cái đó không có gì vi phạm pháp luật. Thứ hai người mà họ đang giải quyết mà tiếp xúc ở ngoài phạm trụ sở là vi phạm pháp luật. Vấn đề thứ ba không phải công chức đó giải quyết vấn đề mà là đồng nghiệp của họ, nhưng họ tiếp xúc để móc ngoặc, thì đó giống như là môi giới hối lộ. Vấn đề thứ hai và thứ ba thì luật pháp nghiêm cấm từ xưa tới giờ rồi".

Theo Luật sư này, nếu Bộ Nội vụ đề xuất xây dựng thành luật thì đã có Bộ Luật Hình sự về tiếp xúc… Ông giải thích :

"Ví dụ như một công dân tới nhà quan chức, người này đã tiếp xúc mà từ chối không nhận quà, nếu công dân để quà lại thì công chức báo cáo thủ trưởng cơ quan thì không có lỗi gì, đó là tiếp xúc ngoài ý muốn. Nhưng với điều kiện phải trung thực báo cáo và giao nộp tài sản người dân để lại nhà. Luật Bộ Nội vụ mới đề ra theo tôi chỉ áp dụng cho những đối thủ chính trị, chứ không phải cho toàn thể cán bộ công chức. Đối thủ chính trị người ta sẽ lấy căn cứ pháp luật để triệt hạ lẫn nhau".

Theo Bộ quy tắc đạo đức công vụ, ngoài đề xuất cán bộ chỉ được tiếp công dân, doanh nghiệp tại trụ sở cơ quan, không được hẹn gặp bên ngoài… còn quy định cán bộ, công chức giao tiếp với công dân phải chuẩn mực, rõ ràng ; không hạch sách, nhũng nhiễu, gây căng thẳng, bức xúc…

Cựu Trung tá Vũ Minh Trí, từng công tác tại Tổng cục II, hôm 24/5 khi đưa ra nhận định với RFA cho rằng, dự thảo này khó khả thi :

"Khi tôi còn làm bộ đội, đã có lần sếp yêu cầu tôi là cấp dưới phải đến nhà sếp trong ngày làm việc, để cùng nhau làm một việc gì đấy… Thì giữa họp gia ban đông người tôi nói : ‘công việc thì làm ở công sở, không làm ở chỗ khác’. Họ phải chịu, trong khi một số những người khác vẫn phải nghe theo. Đấy là giữa những người cùng cơ quan với nhau, cùng là sĩ quan quân đội, cùng là công chức… Còn việc tiếp dân ở bên ngoài thì theo tôi là hoàn toàn sai. Thực tế những quan hệ giao dịch mà có tính chất tiêu cực, hối lộ hay trao đổi về mặt tình dục để lấy quyền lợi thì đều diễn ra ở bên ngoài công sở. Đưa ra quy định như vậy là hoàn toàn phù hợp, không có gì sai, nhưng tính khả thi của nó là rất thấp, bởi vì những quy định như vậy chỉ có tác dụng để phòng người ngay, không đề phòng được người gian".

Theo ông Trí, người gian sẽ nghĩ ra đủ mọi thứ ngụy trang để giao dịch liên hệ với nhau ở bên ngoài cơ quan nhà nước, lấy cớ là tình cờ gặp nhau… Ông Trí nói tiếp :

"Tôi thấy tính khả thi là rất thấp, cũng giống như chúng ta đang nói chống tham nhũng, nhưng thực tế tham nhũng vẫn tràn lan, nó xuất phát từ nhu cầu của cả hai phía, chứ không chỉ mỗi cán bộ nhà nước mà cả từ phía những người dân muốn có những quyền lợi cho bản thân mình, thì họ cũng muốn móc ngoặc với cán bộ công chức nhà nước để kiếm quyền lợi đấy".

Trước đó vào ngày 2/5/2023, Cơ quan tuyên truyền của Đảng cộng sản Việt Nam đã có bài về việc "Xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên" theo nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Bài viết cho rằng trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc xây dựng các chuẩn mực đạo đức cán bộ, đảng viên… Yêu cầu tiếp tục vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh để xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.

Cựu Trung tá Vũ Minh Trí trả lời RFA khi đó cho rằng, tiêu chuẩn của cán bộ hiện hoàn toàn xa rời với thực tế, vẫn lấy những tiêu chuẩn cũ từ thời kinh tế tập trung, quan liêu bao cấp, cách nay 50-60 năm áp dụng cho bây giờ, trong đó đòi hỏi cán bộ phải không có tham vọng quyền lực. Nhưng theo Ông Trí, lòng tham, động cơ cá nhân là một trong những động lực mạnh nhất giúp cho con người ta tiến bộ, phấn đấu.

Bà Trương Thị Mai, Trưởng Ban tổ chức Trung ương khi báo cáo tại hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng cộng sản Việt Nam diễn ra vào sáng ngày 9/12/2021 từng cho biết : "Trong nhiệm kỳ từ năm 2016 đến 2020, Đảng cộng sản Việt Nam đã phải xử lý kỷ luật hơn 25.000 đảng viên suy thoái hoặc có biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"... tham nhũng và tệ quan liêu vẫn còn...".

Cũng theo báo cáo, nếu chỉ tính riêng tội tham nhũng, trong giai đoạn 2016 – 2020 đã có hơn 1.600 đảng viên tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi.

Còn theo cổng thông tin chính phủ Việt Nam, trong năm 2022 đã thi hành kỷ luật 539 đảng viên do tham nhũng. Trong đó có 47 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, tăng 15 trường hợp so với năm 2021…

Mặc dù 'Đề xuất cán bộ không gặp công dân ngoài trụ sở’ nhằm mục đích chống tham nhũng, nhưng liệu có khả thi với những con số cán bộ vi phạm bị kỷ luật như vừa nêu ?

Nguồn : RFA, 24/05/2023

Published in Việt Nam

Đảng cộng sản Việt Nam có lập luận sắc bén nào để phản bác ý kiến trái ngược quan điểm ?

RFA, 14/12/2020

Những quan điểm sai trái, đi ngược lại quan điểm, đường lối của Đảng cần bị phản bác bằng những lập luận sắc bén.

phanbac1

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị Trung ương 14. VGP/Nhật Bắc

Đây chính là yêu cầu mà Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng nêu ra cho Trung ương đảng, khi phát biểu tại Hội nghị Trung ương 14 để xem xét việc tiếp thu ý kiến đóng góp, hoàn thiện các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.

Ông Vũ Minh Trí, trước đây từng là cán bộ Tổng cục Tình báo quốc phòng Tổng cục II, cho rằng :

"Tôi nghĩ rằng họ chẳng có lập luận sắc bén nào. Vì vậy qua nhiều kỳ đại hội có rất nhiều người, kể cả những người có trình độ, có tiếng nói, có uy tín trong xã hội, cũng như những người dân thường đóng góp nhưng tất cả những ý kiến đấy đều bị cho vào sọt rác. Có lẽ cái gọi là sắc bén nhất của đảng là những người hăng hái có ý kiến hoặc quyết liệt có ý kiến thì sẽ bị kết tội tuyên truyền chống chế độ hoặc suy thoái về đạo đức, lối sống. Từ đó nếu là đảng viên sẽ bị khai trừ, nặng hơn có thể bị bắt bỏ tù".

Đồng quan điểm cho rằng đảng cộng sản Việt Nam không có lập luận sắc bén nhưng có thể dùng những biện pháp rất sắc bén như lưỡi dao để có thể chặn những ý kiến trái chiều, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội dân sự từ Hà Nội bày tỏ :

"Trong mấy ngày vừa qua tôi thấy những ý kiến kiểu như thế từ ông Trọng rất được nhấn mạnh với mục đích siết chặt kỷ luật của họ và với mục đích để tạo ra một sự sợ hãi, hay để những người có ý kiến bất đồng im miệng, như thế có một sự "đồng tình" của quần chúng nhân dân chẳng hạn".

Theo đề nghị của ông Nguyễn Phú Trọng được truyền thông Nhà nước Việt Nam trích dẫn và đăng tải, Trung ương phải dành thời gian nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, góp ý cụ thể vào báo cáo tiếp thu, giải trình và toàn văn các dự thảo với tinh thần thật sự cầu thị, trân trọng các ý kiến đóng góp của toàn Đảng, các đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Ông Lê Văn Cuông, nguyên Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, đưa ra đề xuất trong việc hoàn thiện dự thảo và phản bác quan điểm ngược lại quan điểm, đường lối của Đảng như sau :

"Vấn đề làm thế nào để có được những lý lẽ thuyết phục mới chinh phục được dư luận và mới phản bác được luận điệu xuyên tạc thì tôi nghĩ là các nhà Tuyên giáo hay báo chí phải có cách nhìn thật khách quan và phải nắm được thực tế cũng như ý kiến của đông đảo nhân dân, qua đó phải có một lý lẽ xác đáng chứ không phải chỉ phủ nhận một cách chung chung hoặc mang tính áp đặt. Các lý lẽ sắc bén đó mới có tính thuyết phục người dân vì trình độ dân trí của Việt Nam ngày một cao nên không phải nêu cái gì người ta cũng chấp nhận hoặc đồng tình nên phải có tính thuyết phục, lý lẽ sắc bén".

Tuy nhiên, theo ông Vũ Minh Trí, trong thực tế, có rất nhiều người với ý muốn đóng góp và chỉ nêu lên sự thật nhưng lại bị chính phủ Hà Nội quy thành chống phá, thù địch :

"Kể cả khi họ có những ý kiến đóng góp hết sức ôn hòa, hoàn toàn không sử dụng bạo lực, làm các việc thực hiện tự do ngôn luận đúng theo quy định của pháp luật Việt Nam, chứ chưa nói tới phát luật của thế giới, thì họ cũng có thể bị bắt bỏ tù. Có những nhân vật rất nổi tiếng ví dụ như hiện nay có ông Trần Huỳnh Duy Thức đã ngồi tù cỡ khoảng chục năm vẫn chưa được thả, hoặc những người khác cũng bị bắt bỏ tù như Luật sư Lê Công Định, gần đây nhất là các vị trong Hội Nhà báo Độc lập và một số nhóm xã hội dân sự khác. Qua theo dõi tôi thấy họ chỉ thực hiện quyền tự do ngôn luận".

Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng bên cạnh việc bắt giam những tiếng nói phản biện, lãnh đạo nhà nước Việt Nam còn có thêm những cách thức khác nhằm thể hiện dân chủ, điển hình như :

"Có những người khác hoặc những người đã được đạo diễn sẵn lên phát biểu tán dương và họ bảo là có sự góp ý đồng tình rộng rãi của quần chúng với chính sách này, chính sách kia, ví dụ như văn kiện của đại hội đảng sắp tới chẳng hạn".

Người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam tại Hội nghị Trung ương 14 cũng cho rằng Trung ương cần tập trung cho ý kiến đối với các đề xuất bổ sung, chỉnh sửa và toàn văn Dự thảo các văn kiện, nhất là những vấn đề còn có ý kiến hoặc phương án lựa chọn khác nhau.

Theo quan điểm cá nhân, ông Vũ Minh Trí cho rằng những chính sách, đường lối hiện nay của đất nước hình chữ S đang đi ngược lại xu thế phát triển chung của xã hội loài người. Do đó, ông cho rằng sớm hay muộn thì những chính sách này cũng sẽ bị đào thải.

Đại hội đảng cộng sản lần thứ XIII sẽ được tổ chức vào tháng 1/2021 tới đây. Công tác hoàn thiện chính sách để trình trong đại hội vẫn luôn là đề tài được nhiều người quan tâm và nhận được nhiều ý kiến trái chiều thời gian này.

Nguồn : RFA tiếng Việt 14/12/2020

***********************

Mong gì vào tin Bộ trưởng Công an sẽ tiếp dân ít nhất một ngày/tháng ?

RFA, 14/12/2020

Bộ Công an, vào trung tuần tháng 12 cho biết vừa hoàn thành dự thảo Thông tư quy định về công an tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong Công an nhân dân. Trong đó, Bộ trưởng Công an Tô Lâm tiếp công dân ít nhất một ngày/tháng.

phanbac2

Bộ trưởng Công an Tô Lâm tại một buổi tiếp dân, ngày 15/11/2018. Courtesy of bocongan.gov.vn

Bộ trưởng Công an trực tiếp tiếp dân

Theo dự thảo vừa hoàn thành, việc tiếp công dân được thực hiện tại các địa điểm tiếp công dân của công an các cấp có thẩm quyền. Việc tiếp công dân được đảm bảo công khai, dân chủ, thủ tục đơn giản, giữ bí mật và đảm bảo an toàn cho người tố cáo theo quy định của pháp luật.

Thông tư quy định tổ chức tiếp công dân thường xuyên, định kỳ và đột xuất. Giám đốc Công an tỉnh và Bộ trưởng Công an tiếp công dân định kỳ ít nhất một ngày/tháng.

Văn phòng tiếp công dân của Bộ Công an ở Hà Nội được trang bị thiết bị ghi âm, ghi hình… và các điều kiện cần thiết, kể cả có lực lượng cảnh sát làm nhiệm

Đài RFA ghi nhận Báo cáo của Chính phủ trong năm 2019 phản ánh tình hình khiếu nại vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp tại một số địa phương liên quan. Khiếu nại gồm vi phạm trong lĩnh vực môi trường, tranh chấp đất đai, việc thu phí tại các trạm BOT, vấn đề mua bán và quản lý nhà chung cư ; đặc biệt nổi lên là một số vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc xem xét, giải quyết quyền lợi của người bị thu hồi đất đầu tư xây dựng khu đô thị, khu công nghiệp có quy mô lớn. 

Báo cáo này cho thấy vụ việc tố cáo ang 6,6%. Đặc biệt, những khiếu nại liên quan đến đất đai chiếm gần 68% tổng số đơn. Song song đó, số lượt công dân đến cơ quan nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, ang 4,3% trong năm ngoái.

Tại phiên họp lần thứ 37, diễn ra hồi tháng 9/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Qua báo cáo năm 2019, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương chủ động có các biện pháp cụ thể, phù hợp với tình hình mới để làm tốt công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

phanbac3

Ông Nguyễn Trường Chinh trong một lần đi kêu oan cho con trai, tử tù Nguyễn Văn Chưởng, ở Hà Nội. Hình do ông Nguyễn Trường Chinh cung cấp.

Dư luận nói gì ?

Luật sư Đặng Dũng, từng công tác tại Sở Lao động, thương binh và xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, vào tối ngày 14/12 lên tiếng với RFA về thông tin liên quan dự thảo công an tiếp công dân định kỳ hàng tháng.

"Việc ngành công an có hướng như thế thì tôi cũng hồ nghi rằng không rõ có phải nhân Đại hội Đảng nên họ làm việc tích cực hơn trước đây như là một ý đồ chính trị hay không. Nhưng dù sao đi nữa, ngành công an có biện pháp tiếp dân tốt hơn thì rất tốt. Bởi vì, tình hình an ninh trật tự ở Việt Nam và những việc như bắt bớ…thì cũng phải nói là người dân Việt Nam cũng rất lo lắng mỗi khi có việc gì đụng chạm đến pháp luật".

Trong khi đó, bà Ngô Thị Tuyết Hải, một cư dân tỉnh Phú Yên, trong cùng ngày 14/12 nói với RFA rằng bà không lạc quan khi nghe thông tin về công an tiếp dân định kỳ hàng tháng.

"Theo tôi, tất cả những quy định pháp luật nào về tiếp công dân ra đời chẳng qua là cho vui thôi, chứ công dân khiếu nại đi đến những chỗ mình cần khiếu nại là khó lắm. Như trường hợp gia đình tôi, hồi em tôi bị chết, gia đình đi khiếu nại từ cấp huyện, lên cấp tỉnh, lên cấp Trung ương mà đi chầu đi chực ở mấy nơi tiếp dân suốt cả ngày rồi họ nói dăm ba câu trớt quớt hết thôi. Liên quan mấy thắc mắc, khiếu nại của mình thì người ta chỉ đến chỗ nọ, chỉ đến chỗ kia chứ người ta không trả lời chính đáng điều mình cần hỏi đâu".

Bà Ngô Thị Tuyết Hải là chị của ông Ngô Thanh Kiều, một người đã bị công an thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên tra tấn đến chết hồi năm 2012. Bà Tuyết Hải lý giải với những gì đã xảy ra cho gia đình dẫn đến hậu quả của việc mất niềm tin vào công lý và pháp luật tại Việt Nam.

Đồng quan điểm với bà Ngô Thị Tuyết Hải, thân phụ của tử tù oan Nguyễn Văn Chưởng-ông Nguyễn Trường Chinh bày tỏ với RFA :

"Những gì họ nói thì họ không thực hiện đâu. Họ nói một đường, rồi họ làm một nẻo. Việc tiếp công dân một lần/tháng thì kể cả Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, chánh án Tòa án nhân dân tối cao và các vụ trưởng, bộ trưởng đều được quy định theo các thông tư đã ban hành lâu rồi, chứ không chỉ Bộ Công an đâu. Tất cả các ngành tư pháp, hành chính của chính quyền đều phải tiếp công dân, từ chủ tịch tỉnh đều phải tiếp công dân một lần/tháng. Quy định theo văn bản là như thế, cũng như Hiến pháp và pháp luật được ban hành đầy đủ nhưng có được thực hiện đâu".

Tình trạng thực tiễn mà ông Nguyễn Trường Chinh đề cập có thể trưng dẫn qua thông tin truyền thông Nhà nước Việt Nam loan tải hồi tháng 8/2018 rằng nhiều lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đã không tiếp công dân suốt 5 năm.

Riêng trường hợp khiếu nại kêu oan của tử tù Nguyễn Văn Chưởng, ông Chinh cho biết thực tế và những gì mà lãnh đạo nói hoàn toàn khác biệt :

"Trường hợp của tử tù Nguyễn Văn Chưởng, hồi năm 2015 là ông Trương Hòa Bình đã nói trước Quốc hội rằng ‘Bản thân tử tù Nguyễn Văn Chưởng và gia đình của tử tù đã không kêu oan và không làm đơn xin kêu oan’, mà trong khi đó tôi lăn lê kêu oan cả thành phố Hà Nội ai cũng biết".

Thân phụ tử tù Nguyễn Văn Chưởng chia sẻ với RFA rằng không chỉ mỗi gia đình ông mà những người dân Việt Nam cho rằng bị oan ức phải về thủ đô Hà Nội kêu cứu đến các cơ quan Trung ương tiếp dân. Họ mong muốn gióng lên tiếng nói với nhà nước và công luận xã hội rằng rất nhiều người dân bị oan khuất trong tuyệt vọng.

Trong khi những người bị oan khuất, như gia đình của nạn nhân bị đánh chết trong đồn công an Ngô Thanh Kiều hay tử tù Nguyễn Văn Chưởng kêu oan suốt 13 năm qua chỉ còn "niềm tin mong manh" vào công lý và pháp luật thì dưới góc độ luật pháp, luật sư Đặng Dũng cho rằng việc tiếp công dân của công an cần được đưa vào trong dự thảo quy định về cho phép luật sư được tham gia trong các buổi tiếp dân, vì đa số người dân không có kiến thức nhiều về luật pháp ; do đó các buổi tiếp dân sẽ đạt hiệu quả hơn nếu có sự hiện diện của luật sư để giải đáp những thông tin từ phía công an đến người dân.

Nguồn : RFA tiếng Việt, 14/12/2020

Published in Diễn đàn