Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Nhờ người quen đứng tên, Việt kiều bị cướp sạch nhà, đất ở Vũng Tàu (Người Việt, July 19, 2019)

Một bà Việt kiều bỏ tiền ra mua nhà, đất ở thành phố Vũng Tàu rồi nhờ người quen đứng tên, không ngờ bị vợ chồng người này chiếm đoạt. Bất lực, nhờ tòa án can thiệp nhưng suốt 12 năm vẫn chưa ngã ngũ.

vk1

Các căn nhà ở đường Chu Mạnh Trinh, thành phố Vũng Tàu mà hai bên tranh chấp suốt 12 năm qua. (Hình : Tuổi Trẻ)

Báo Tuổi Trẻ ngày 19/07/2019, cho biết một tòa án tại Sài Gòn vừa tiếp tục xét xử phúc thẩm lần 3 vụ án tranh chấp chủ quyền nhà, đất bà Trần Thị Liêng (70 tuổi, Việt kiều Mỹ, Pháp) và bị đơn là hai vợ chồng ông Phan Danh – bà Nguyễn Thị Du (cùng ngụ thành phố Vũng Tàu) đã kéo dài suốt 12 năm qua.

Theo đơn khởi kiện, vào năm 1998 bà Liêng có ý định đưa gia đình hồi hương. Trong khoảng thời gian từ 1998 đến 2001, bà cùng người thân trong gia đình về Việt Nam nhiều lần, mỗi lần về một người mang theo 5.000 USD đến 6.000 USD để mua nhà.

Thời điểm này luật pháp Việt Nam không cho phép người Việt có quốc tịch ngoại quốc đứng tên quyền sở hữu nhà, đất.

Do quen biết, tin tưởng vợ chồng ông Danh, bà Liêng nhờ hai người này đứng tên giùm một số nhà, đất nhưng giấy tờ tự mình cất giữ.

Tuy nhiên, đến tháng 5/2007, bà Liêng phát hiện toàn bộ giấy tờ nhà, đất đã bị vợ chồng ông Danh đánh cắp và mang đi thế chấp ngân hàng để vay 2,5 tỷ đồng (107.417 USD) nhưng do không trả nợ lãi và gốc nên đến nay số tiền nợ này đã lên tới 9,4 tỷ đồng (403.891 USD).

Không còn nhà để về, tháng 8/2007 bà Liêng đâm đơn kiện vợ chồng ông Danh đòi nhà. Vụ kiện đã kéo dài 12 năm, trải qua ba lần xét xử sơ thẩm, hai lần phúc thẩm nhưng vẫn chưa ngã ngũ…

Tại nhiều phiên tòa, ông Danh cho rằng các nhà, đất đang tranh chấp là do vợ chồng ông mua trực tiếp từ chủ đất và giao tiền ở phòng công chứng. Vợ chồng ông cho bà Liêng ở nhờ vì bà này "hứa sẽ bảo lãnh con ông đi du học". Từ đó, ông yêu cầu tòa bác đơn kiện của bà Liêng và bồi thường thiệt hại tiền cho thuê nhà 3,6 tỷ đồng (154.681 USD).

Thế nhưng, suốt quá trình xét xử từ phiên tòa đầu tiên vào năm 2008 đến nay, những chủ nhà, đất cũ đều khẳng định mình chỉ bán đất cho bà Liêng.

Cụ thể, căn nhà số 16 ở đường Chu Mạnh Trinh (phường 8, thành phố Vũng Tàu), vợ chồng ông Nguyễn Phan Giang xác nhận "vào năm 2001 bà Liêng mua của vợ chồng ông Hải và nhờ vợ chồng ông đứng tên giùm. Sau đó, bà Liêng yêu cầu sang tên cho vợ chồng ông Danh".

Còn căn nhà số 18 liền kề, trước đây của vợ chồng ông Trần Văn Hường bán cho bà Liêng với giá 32.000 USD. Sau đó, bà Liêng cũng yêu cầu sang tên cho vợ chồng ông Danh.

vk2

Bà Trần Thị Liêng bị người quen đứng tên giùm cướp đoạt nhà đất. (Hình : Tuổi Trẻ)

Với khu đất khoảng 30 mét vuông của bà Phan Thị Quan, năm 2003 bà Quan bán cho bà Liêng với giá 50 triệu đồng (2.147 USD). Sau đó, bà Liêng dẫn ông Danh đến xem và chính bà Liêng là người trả tiền.

Hai căn nhà giáp ranh số 14/1 và 14/3 đường Chu Mạnh Trinh, chủ củ là bà Nguyễn Thị Phượng và bà Nguyễn Thị Bắc cũng cho biết họ bán cho bà Liêng với giá 700 triệu đồng (30.069 USD). Sau khi mua, bà Liêng sửa chữa nhà và khuôn viên. Năm 2004, mẹ bà Liêng qua đời tại một trong những căn nhà, đất đã mua này.

Ngoài ra ông Trần Bá Thu, cựu cảnh sát khu vực phường 8 ; bà Bùi Thị Cúc, tổ trưởng Tổ Dân Phố và bà Nguyễn Thị Quanh, người giúp việc cho bà Liêng cùng một số người là thợ xây dựng từng được bà Liêng thuê xây, sửa chữa nhà cũng xác nhận "bà Liêng là người mua nhà, ông Danh chỉ đứng tên giùm cho bà Liêng".

Ấy thế mà năm 2008 khi xử sơ thẩm, Tòa án Vũng Tàu đã bác yêu cầu khởi kiện của bà Liêng, công nhận số nhà, đất trên thuộc quyền sở hữu của vợ chồng ông Danh.

Bất bình, bà Liêng kháng cáo. Lần xử phúc thẩm này, Tòa án tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu lại tuyên y án sơ thẩm.

Bà Liêng tiếp tục khiếu nại lên giám đốc thẩm. Năm 2010, Tòa án Nhân dân Tối cao hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm của tòa án các cấp của Bà Rịa – Vũng Tàu, đề nghị làm rõ số tiền cụ thể của bà Liêng và cả ông Danh đã thanh toán khi mua các căn nhà bao nhiêu và "giải quyết số tiền bà Liêng đã bỏ ra mua nhà theo quy định".

Mặc dù có yêu cầu của tòa án cấp cao, nhưng những lần xét xử sau đó Tòa án thành phố Vũng Tàu vẫn tiếp tục giữ nguyên quyết định ban đầu.

Năm 2016, bị báo chí và dư luận lên tiếng phản đối, Tòa án Bà Rịa-Vũng Tàu xét thấy do vụ án "có tính chất phức tạp" nên mang ra giải quyết sơ thẩm lần 3, tuyên bố chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Liêng.

"Bà Liêng được quyền sở hữu, sử dụng các nhà, đất trên, hủy hợp đồng thế chấp tài sản giữa ngân hàng và vợ chồng ông Danh, buộc ngân hàng giao lại giấy tờ nhà, đất cho bà Liêng để bà chỉnh lý, sang tên theo quy định. Bà Liêng có nghĩa vụ thanh toán cho vợ chồng ông Danh 1,4 tỷ đồng (60.139 USD) tiền công sức trong việc giao dịch, mua bán, sang nhượng giùm bà Liên", phiên tòa kết luận.

Không đồng ý, cả hai bên và ngân hàng cùng kháng cáo.

Trong phiên xử phúc thẩm lần 3 kỳ này, Tòa án tại Sài Gòn, cho rằng "theo hồ sơ vụ án và lời khai tại tòa, có đủ căn cứ xác định nhà, đất trên do bà Liêng mua, nhờ vợ chồng ông Danh đứng tên".

Bất chấp phán quyết của tòa, hiện ông Danh và ngân hàng tiếp tục kháng cáo. "Suốt 12 năm ròng rã theo đuổi vụ kiện, tôi đã khóc cạn nước mắt, có những lúc tưởng chừng hết hy vọng. Tôi chỉ mong giữ lại được mãnh đất để an dưỡng tuổi già, nhưng hành trình đi tìm công lý ở Việt Nam quả quá gian nan", bà Liêng bất bình nói với báo Tuổi Trẻ. (Tr.N)

****************

Thêm 2 người Việt nhận tội vụ kết hôn giả ở Houston (Người Việt, 16/07/2019)

Thêm hai người gốc Việt ở Houston, Texas, nhận tội đã thực hiện dịch vụ kết hôn giả để thay đổi tình trạng di trú.

vk3

Ảnh cưới của Nam Phuong Hoang và Brandy Lynn Esley. (Hình : US Attorney's Office)

Tờ báo địa phương Houston Chronicle cho biết hôm Thứ Hai, 15/07/2019.

Hai người này nhận tội đã tham gia vào đường dây làm hôn nhân giả quy mô lớn, đầy đủ những "thủ tục" cần thiết cho quá trình đổi quy chế pháp lý thường trú tại Hoa Kỳ. Đường dây này đã cung cấp nhẫn cưới, album cưới, đưa đi đăng ký kết hôn cho hàng chục di dân Việt Nam với mục đích có được thẻ xanh ở Hoa Kỳ.

Cho đến nay, theo Houston Chronicle, đã có 11 trong số 96 bị cáo nhận tội trước tòa liên bang, về những cáo buộc của luật sư đưa ra trong vụ án được gọi là một trong những vụ gian lận hôn nhân giả quy mô nhất từng xảy ra tại Hoa Kỳ.

Tất cả họ đều thừa nhận đã làm hoặc cung cấp những dịch vụ cho đường dây làm hôn nhân giả trên.

Người thứ nhất xuất hiện trước tòa và Thẩm Phán Kenneth Hoyt hôm 15/7 là bị cáo Minh Le Phạm, 24 tuổi, tốt nghiệp kỹ sư.

vk4

Ảnh cưới của Khanh Phuong Nguyen và Tam Cong Le được làm bằng chứng trước tòa trong vụ đường dây kết hôn giả. (Hình : US Attorney’s office)

Ông Minh nhận tội đồng lõa trong một cuộc hôn nhân giả. Dự kiến ông sẽ bị tuyên án vào ngày 7/10. Các công tố viên sau đó đã có thể hủy bỏ bảy tội trạng có liên quan ông.

Ông khai nhận đã đưa cho bà Ashley "Duyen" Yen Nguyen, 53 tuổi, 30.000 USD trong tổng số tiền 50.000 USD mà ông phải trả để làm đám cưới giả với cô dâu giả là đồng bị cáo Khrystyna Rea Gonzalez.

Theo lời thú tội của ông Minh, ông và "vợ" gặp nhau trong ngày làm đám cưới. Bà Gonzalez được phóng thích sau khi nộp 50.000 USD tiền tại ngoại.

Người thứ hai nhận tội là là Hoa Vinh Trương, 36 tuổi. Ông Hoa thú nhận đồng lõa về tội làm đám cưới giả. Ghi nhận của tờ Houston Chronicle cho biết bảy tội danh khác của ông Hoa có thể được bãi bỏ trong phiên tòa ngày 7/10 sắp tới.

Theo hồ sơ, ông Hoa trả cho người môi giới 29.000 USD trong tổng số tiền 45.000 USD để làm đám cưới giả với bà Chrystal Gates vào năm 2016. Tuy nhiên, không thấy tên của bà trong danh sách bị cáo của hồ sơ tòa án.

Trong thỏa thuận bào chữa, những bị cáo này thừa nhận họ sẵn sàng cung cấp thông tin cho các công tố viên về các cáo buộc đối với bà Ashley. Bà này là người chủ mưu đường dây kết hôn giả. Mọi chuyện được thực hiện trong chính căn nhà của bà Ashley. Mỗi "thân chủ" của bà phải trả từ 70.000 USD cho dịch vụ "trọn gói".

Bà Ashley xuất hiện trước tòa trong cùng ngày. Bà nói với một thẩm phán rằng bà không có đủ tiền để trả cho luật sư do tòa án chỉ định.

Theo yêu cầu của Thẩm Phán Frances H. Stacy, bà Ashley phải trả cho luật sư của bà 1.000 USD một tháng. (C.Lynh)

******************

Mỹ phá đường dây kết hôn giả lấy thẻ xanh do người Việt cầm đầu (VOA, 14/05/2019)

Các cơ quan thực thi pháp luật Mỹ vừa phá vỡ một đường dây lớn làm kết hôn giả ở Houston, Texas, do người gốc Việt cầm đầu để giúp người Việt Nam có được thẻ xanh một cách bất hợp pháp.

vk5

Các cuộc hôn nhân giả để làm thẻ xanh cho những cặp "vợ chồng hờ" trong một đường dây lừa đảo lớn do người gốc Việt tổ chức ở Houston, Texas, vừa bị phanh phui. (Ảnh từ trang web của ICE)

Theo thông báo của Cơ quan Hải quan và Di trú, gọi tắt là ICE, đưa ra chiều 13/5, một đại bồi thẩm đoàn liên bang đã khởi tố 96 người tham gia vào các hoạt động của đường dây này ở Houston và Việt Nam.

Người chủ mưu của đường dây này là Ashley Yen Nguyen, còn được biết là Duyen – 53 tuổi, sống ở Houston, theo thông cáo của ICE.

Các công tố viên cho biết bà Yen Nguyen điều hành tổ chức có trụ sở ở Houston từ căn nhà của bà ở High Star Drive và có những người cộng sự giúp điều hành hoạt động này trên khắp bang Texas và ở Việt Nam.

Đường dây này dựng ra các vụ kết hôn giả để giúp những người muốn vào Mỹ xin giấy thường trú nhân bằng các chứng từ giả mạo đó, theo các công tố viên.

"Vụ bắt giữ này đánh dấu đỉnh điểm của một cuộc điều tra kéo dài cả năm trời của các cơ quan thực thi pháp luật về một trong những âm mưu lừa đảo hôn nhân lớn nhất từng được ghi nhận ở khu vực Houston", theo đặc vụ tham gia cuộc điều tra Mark Dawson của HIS Houston. "Bằng cách cùng phối hợp với các đối tác từ nhiều cơ quan thực thi pháp luật, chúng tôi đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ rằng chúng tôi kết hợp chặt chẽ với nhau trong các nỗ lực triệt phá các tổ chức tội phạm tìm cách lách luật của Hoa Kỳ bằng cách lừa đảo".

Theo Luật sư di trú Khanh Phạm, hiện làm việc ở Houston và biết rõ về vụ việc, nghi phạm chủ mưu Yen Nguyen đã "lôi kéo những người Mexico và Mỹ da trắng làm đám cưới với những người Việt Nam".

Trang tin tức Khou 11 của Houston cho biết khoảng một nửa trong số 96 người bị khởi tố là những người nhập cư Việt Nam không có giấy tờ trước khi tham gia đường dây này để làm kết hôn giả. Một nửa còn lại là những người có quốc tịch Mỹ được tuyển dụng để kết hôn với những người Việt.

Cho tới ngày 13/5, có tất cả 50 người đã bị bắt giữ và khởi tố với 206 tội danh. Hồ sơ truy tố hiện vẫn còn giữ kín đối với những người bị truy nã nhưng chưa bị bắt.

Bà Yen Nguyen, cùng chồng và hàng chục bị cáo khác, đã có mặt tại tòa hôm 13/5, theo ABC.

"Kết hôn giả là một tội nghiêm trọng", theo ông Tony Bryson, giới chức của Sở Di trú và Nhập tịch Mỹ (USCIS).

Thông báo của ICE nói rằng những cá nhân làm kết hôn giả nhằm mục đích lách luật di trú của Mỹ, họ không sống với nhau, và điều đó trái với những gì họ khai trong các giấy tờ chính thức nộp cho USCIS.

Theo bản cáo trạng, mỗi người tham gia kết hôn giả ký một thỏa thuận với bà Yen Nguyen, và họ phải trả từ 50.000 USD đến 70.000 USD để trở thành thường trú nhân ở Mỹ.

"Những người Việt tham gia kết hôn giả gồm những người đã qua (Mỹ) đang muốn xin thẻ xanh, những người làm đám cưới ở Việt Nam để được đưa qua (Mỹ), và làm fiance visa (thị thực theo diện hôn phu) ở Việt Nam để qua Mỹ", theo LS Khanh, người cho biết đây là 3 con đường qua Mỹ được thực hiện trong vụ lừa đảo này.

Hồ sơ truy tố cũng nói rằng đường dây này giả mạo hồ sơ thuế, điện nước và hồ sơ làm việc để chắc chắn rằng USCIS sẽ chấp thuận hồ sơ giả mạo xin làm thường trú nhân.

Một luật sư người Việt bị bắt trong vụ này có tên Trang Le Nguyen, còn được biết với tên Le Thien Trang, sống ở Pearland, Texas. Luật sư 45 tuổi này bị kết tội cản trở quá trình thực thi pháp luật, tác động đến nhân chứng, nạn nhân hoặc người mật báo. Mức án tối đa cho mỗi tội danh này là 10 năm tù.

Các tội liên quan đến làm hồ sơ giả, ảnh hưởng đến các nhân chứng, nạn nhân và người mật báo có thể nhận bản án lên đến 20 năm tù theo luật liên bang Mỹ.

"Những người đã có thẻ xanh qua hệ thống này rồi thì trong tương lai sẽ bị Bộ Tư pháp và Sở Di trú trả lại hồ sơ và nếu họ không chứng minh được rằng cuộc hôn nhân của họ là thật thì họ sẽ bị thu hồi thẻ xanh và bị trục xuất ra khỏi Mỹ", Luật sư Khanh cho VOA biết.

Ông Khanh lo ngại rằng vụ việc này sẽ ảnh hưởng đến danh tiếng của những người gốc Việt hành nghề luật ở Houston và Texas nói chung.

"Cộng đồng luật sư người Việt (ở Houston) làm việc cực khổ mới có được tiếng tăm và tạm ổn. Nay tự nhiên có một người làm như vậy thì người ngoài nhìn vào sẽ nghĩ mình làm ăn không đúng đắn. Có rất nhiều luật sư nên này lo lắng về vấn đề đó", theo LS Khanh.

Vị luật sư này cũng cho rằng điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến cộng đồng người Việt khi "sở di trú có thể sẽ làm khó dễ hơn cho người Việt trong lúc làm giấy tờ".

Published in Việt Nam

Lại khởi động dự án Đường sắt cao tốc Bắc-Nam (RFA, 20/06/2018)

Chính phủ Việt Nam mới đây chỉ đạo Bộ Giao thông- Vận tải và các bộ ngành liên quan tái khởi động các nghiên cứu tiền khả thi nhằm tiến tới triển khai dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam, một dự án đã từng bị Quốc hội bác bỏ do thiểu tính khả thi và không mang lại nhiều hiệu quả kinh tế. Việc tiếp tục xây dựng và triển khai một siêu dự án lên tới 56 tỷ đô la Mỹ liệu có thể triển khai trong bối cảnh ngân sách nhà nước liên tục thâm hụt như hiện nay ?

sat1

Dự án siêu dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam với mức vốn đầu tư ước tính 56 tỷ USD - Minh hoạ - VOV

Năm 2010, lần đầu tiên Quốc hội Việt Nam bác bỏ chủ trương thực hiện một dự án lớn do Chính phủ đề xuất : đó là xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam với số vốn đầu tư ước tính 56 tỷ đô la Mỹ. Vào thời điểm đó, siêu dự án nối liền trục Bắc-Nam này đã gây nên nhiều tranh cãi trong dư luận và ngay cả chính trên diễn đàn Quốc hội.

Tiến sĩ Trần Đình Bá, Hội Kinh tế vận tải Đường sắt Việt Nam cho biết :

"Đường sắt cao tốc Bắc – Nam hồi năm 2011 là một trận tơi bời khói lửa đấy, 56 tỷ đô la, tôi đã chiến đấu quyết liệt với cái đó và cuối cùng Quốc hội không thông qua. Tôi đã lấy được báo cáo của Chính phủ trình cho Quốc hội và tôi phân tích có đến 8-9 cái sai lầm và tôi đã có kiến nghị rất nghiêm túc cho nhà nước".

Tiến sĩ Bá chỉ ra rằng Luật cho phép đường sắt quốc gia sẽ được mở rộng , xây dựng khổ 1.435m có tốc độ thường 100-140 km/h và tiến tới tốc độ cao 150-200 km/h chứ chưa cho phép đường sắt cao tốc, siêu tốc 300-350 km/h. Hơn nữa, đây là loại đường sắt hạng nhẹ, chỉ chở được hành khách mà không chở được hàng hóa, công nghệ phức tạp và đắt tiền, dễ gây ra thảm họa. Trong khi đó, ngay cả các quốc gia văn minh cũng vẫn lựa chọn loại đường sắt phố biến hiện nay là đường sắt tiêu chuẩn 1.435m tốc độ cao 150-200 km/h (chiếm 60% tổng chiều dài đường sắt thế giới) với công nghệ hiện đại nhưng đơn giản dễ làm, dễ điều hành và giá rẻ chỉ bằng 20% đường sắt cao tốc 300 km/h để phát triển bền vững.

Ngoài vấn đề kỹ thuật thì nguồn vốn đầu tư cho dự án này cũng vấp phải nhiều ý kiến phản đối cho rằng hiệu quả kinh tế của dự án quá thấp, số vốn quá lớn, chiếm phân nửa GDP của Việt Nam, sẽ tạo gánh nặng nợ nần cho hậu thế. Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh, người đã từng thiết tha đề nghị ngừng dự án này giải thích :

"Vốn ngân sách thì chắc chắn là không có, mà vốn huy động vay nước ngoài thì rõ ràng hiện nay Việt Nam có thu nhập trung bình nên rất khó có thể được cho vay với lãi suất ưu đãi được nên sẽ gặp rất nhiều khó khăn".

Nhiều chuyên gia và các nhà chuyên môn cũng chỉ ra rằng việc tập trung vốn xây dựng dự án này đồng nghĩa với việc phải giảm đầu tư cho nhiều lĩnh vực khác quan trọng và cấp bách hơn như tăng cường an ninh quốc phòng, phát triển khoa học công nghệ hay xây dựng nâng cấp trường học, bệnh viện cho người dân… Tuy nhiên, việc ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ Giao thông- Vận tải khẩn trương lập báo cáo để trình Quốc hội thông qua dự án này vào đầu năm 2019 dường như báo trước một kịch bản đã từng xảy ra với các dự án Boxit Tây nguyên, quy hoạch mở rộng Hà Nội hay như dự luật An ninh mạng mới được thông qua hồi ngày 12 tháng 06 vừa qua. Nhà báo Võ Văn Tạo giải thích về điều này :

"Tôi nhớ rằng mức độ phản đối dự án đường cao tốc Bắc Nam ý thì nó cũng dữ dội nhưng so với Boxit thì nó không dữ dội bằng. Boxit thì đã có hơn 200 nhà khoa học và chuyên gia người ta đã phản bác, đồng thời có cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc sinh thời còn viết thư can ngăn phân tích về sự lỗ lã, nguy hiểm với môi trường đồng thời tính nhạy cảm của địa bàn Tây Nguyên về mặt quân sự, an ninh quốc gia, thế nhưng mà đấy họ vẫn bất chấp, vẫn cứ làm, nên bây giờ thì nó lỗ… cho nên cái việc này là ý của mấy ông ở Đảng cứ đè Quốc hội ra… Thực ra nói Quốc hội Việt Nam là bù nhìn thì cũng đúng, chả sai chút nào, cứ Đảng quyết sao thì Quốc hội gật theo như vậy thôi".

Đối với Tiến sĩ Lê Đăng Doanh trong trường hợp "bất khả kháng" mà dự án này vẫn được thông qua thì cách tốt nhất nên chia làm nhiều giai đoạn và thực hiện từng bước một, đồng thời triển khai trước những phân đoạn có hiệu quả kinh tế khả thi nhất rồi tiếp tục huy động vốn và dần dần hoàn chỉnh cả dự án. Tuy nhiên, ông cũng nêu ra một số yêu cầu quan trọng trong quá trình thực hiện nhằm tránh những bức xúc gay gắt từ phía công luận tương tự như đối với những dự án đường sắt cao tốc Cát Linh – Hà Đông hay dự án metro Thành phố Hồ Chí Minh đội vốn và chậm tiến độ như hiện nay :

"Để mà làm thì tôi nghĩ điều quan trọng nhất là phải công khai minh bạch, phải có đấu thầu và đảm bảo có sự giám sát độc lập để tránh có lợi ích nhóm và có những công ty sân sau lạm dụng việc xây dựng dự án này để thu thêm lợi nhuận".

Kế hoạch vạch ra thuộc nhiệm kỳ quốc hội này đến khi thực hiện lại thuộc nhiệm kỳ khác và tình trạng đổ lỗi cho những người tiền nhiệm từng xảy ra. Đến nay, thực tế tại Việt Nam cho thấy vẫn chưa có những dự án, kế hoạch cấp nhà nước mang tính khoa học, khả thi, không bị lỗi thời trong tương lai gần 10, 20 năm ; chứ chưa nói đến 50 năm hay lâu hơn nữa.

**************

Cảnh sát Singapore phá đường dây kết hôn giả với phụ nữ Việt (RFA, 20/06/2018)

Một đường dây kết hôn giả giữa phụ nữ Việt và người Singapore bị lực lượng chức năng nước này phá vỡ. Có 17 nghi phạm liên can.

sat2

Hình minh họa. Ảnh cưới của một cô gái Việt Nam ở Cần Thơ, Việt Nam với chồng nước ngoài hôm 7/5/2008. AP

Mạng báo Strait Times của tiểu quốc Singapore loan tin này vào ngày 19 tháng 6. Theo đó Cơ Quan Cửa Khẩu & Nhập Cư Singapore bắt đầu tiến hành điều tra về đường dây vừa nêu từ tháng 3 năm ngoái sau khi nhận được tin báo về một cặp kết hôn giả.

Viên chức điều tra chính có tên Ong Teck Wee cho Strait Times biết qua thú nhận của một cặp đầu tiên, sau đó nhóm điều tra phát hiện thêm những cặp kết hôn giả khác.

Theo viên chức Ong Teck Wee thì động cơ chung của những người đàn ông Singapore tham gia đường dây là vì cần tiền.

Nhóm những người đàn ông liên can trong đường dây được cho biết có độ tuổi từ 23 đến 45. Họ nhận được khoản tiền từ 800 đến 4.500 đô la để tham gia. Một người trong nhóm này được viên chức điều tra Singapore tiết lộ là nhân viên khách sạn ở độ tuổi 45 tham gia vì đang bị nợ chừng 10 ngàn đô la.

Phía các phụ nữ Việt bị đường dây phát hiện có độ tuổi từ 22 đến 28. Họ chi cho người cầm đầu đường dây, ông Jeremy Tan Chin Hock, và những tay môi giới từ 6 ngàn đến 16 ngàn đô la để có thể tiếp tục sống ở Singapore.

Đường dây được hình thành cách đây 4 năm.

Vào tháng giêng năm nay, Jeremy Tan Chin Hock, bị kết án 24 tháng tù giam và phạt 42 ngàn đô la do vi phạm Luật Nhập cư của Singapore.

Bản án được đánh giá là nặng nhất sau khi Luật Nhập Cư của Singapore có sửa đổi vào năm 2012 ; theo đó hình thức ‘hôn nhân vụ lợi’ tức không cưới nhau vì tình bị hình sự hóa theo luật.

Ngoài ra còn 11 người khác gồm 6 người Singapore và 5 phụ nữ Việt Nam bị kết án từ 6 đến 18 tháng tù giam.

******************

Dân Việt đi xuất cảng lao động bỏ trốn ngày càng nhiều (Người Việt, 20/06/2018)

Tổng số tiền mà những người đi xuất cảng lao động làm việc ở ngoại quốc gửi về Việt Nam hàng năm khoảng 3 tỷ USD, tương đương hơn 76.000 tỷ đồng. Nhưng theo nhà cầm quyền Việt Nam, số người đi xuất cảng lao động bỏ trốn ở lại các nước sở tại ngày càng tăng.

sat3

Lao động Việt Nam đi xuất cảng lao động bỏ trốn ở lại nước sở tại ngày càng đông. (Hình : Báo Tài Chính)

Báo Người Lao Động ngày 20 tháng Sáu, dẫn thông tin từ Bộ Lao động, thương binh và xã hội cho hay tính đến nay, có khoảng nửa triệu người Việt Nam đang "lao động hợp tác" làm việc tại nước ngoài. Số người này gần đây có tăng lên, đặc biệt năm 2017 đã có hơn 134.000 người đi làm việc ở nhiều nước khác nhau "bằng 128% chỉ tiêu đặt ra".

Mỗi năm, tổng số ngoại tệ mà các lao động ở ngoại quốc gửi về cho gia đình ở Việt Nam khá lớn và đã giúp chính quyền cộng sản Việt Nam tăng thêm nguồn thu đáng kể.

Tờ Người Lao Động trích lời ông Đào Ngọc Dung, bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội nói tại phiên chất vấn ngày 5 tháng Sáu tại Quốc hội cho hay, việc xuất cảng lao động "đã đem lại lợi ích lớn, trong một năm giải quyết hơn 100.000 lao động và bình quân thu về khoảng hơn 76.000 tỷ đồng xấp xỉ 3 tỷ USD".

Ông Dung cho biết thêm, "Tỉnh có số lao động gửi về nhiều nhất hiện nay là 250 triệu USD/năm, tương đương 5.000 tỷ đồng đó là tỉnh Nghệ An".

Tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn ở nước ngoài đã khiến cho nhà chức tránh "đau đầu".

Bộ Lao động, thương binh và xã hội, thừa nhận rằng, tỷ lệ người lao động bỏ trốn, kết thúc hợp đồng không về nước, ở lại lao động bất hợp pháp vẫn xảy ra ở một số quốc gia. "Đặc biệt là Hàn Quốc có lúc tỉ lệ bỏ trốn lên đến 50% khiến việc ký kết tiếp nhận lao động giữa hai nước gặp nhiều khó khăn".

Tin cho hay, tình trạng cò mồi, môi giới, thu phí, trốn tránh trách nhiệm… của một số doanh nghiệp xuất cảng lao động cũng xảy ra khá phức tạp.

"Trước khi tham gia xuất khẩu lao động, phía chủ sử dụng chi 4.000 USD, nhưng người lao động chỉ nhận 2.000 và doanh nghiệp đưa đi tự cắt $2.000", ông Dung cho biết. (Tr.N)

Published in Việt Nam