Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Nước thải hôi thối gây ô nhiễm cả vịnh Nha Trang (Người Việt, 09/05/2019)

Nước thải đen ngòm, bốc mùi hôi thối từ hai cống xả khu phường Vĩnh Phước chảy thẳng ra thắng cảnh Hòn Chồng đổ vào vịnh Nha Trang.

onhiem1

Nước thải đen ngòm cả khúc sông Cái, trước khu dân cư Hà Ra, phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang. (Hình : Người Lao Động)

Theo báo Người Lao Động, sáng 9 tháng Năm, 2019, tại bãi biển Hòn Chồng (thành phố Nha Trang) dòng nước thải đen ngòm, bốc mùi hôi thối đổ ra biển, khu vực được biết đến là bãi tắm nổi tiếng, thu hút nhiều khách du lịch.

Nhiều người dân cho biết, từ chiều 8 tháng Năm, sau cơn mưa lớn hai cống xả nước thải của thành phố Nha Trang ở khu danh thắng Hòn Chồng và Đặng Tất (phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang) đã xuất hiện dòng nước đen, hôi thối chảy thẳng ra biển khiến nhiều du khách làm người dân "ớn lạnh" phải bỏ chạy lên bờ. Ngày hôm sau, nước thải vẫn tiếp tục đổ ra nhưng ít dần.

onhiem2

Cửa xả Đặng Tất sau cơn mưa, nước thải tràn ra biển đen ngòm, bốc mùi hôi thối sáng 9 tháng Năm, 2019. (Hình : Người Lao Động)

"Cống thải Đặng Tất trước đây thường xuyên thải nước có mùi hôi ra biển. Cứ sau mưa lớn lại xuất hiện nước thải hôi thối kèm rác thải khiến du khách và người dân ngao ngán", một người dân ở chúng cư Mường Thanh cho biết.

Nói với báo VnExpress, ông Nguyễn Văn Đàm, tổng giám đốc Công ty Cấp Thoát Nước Khánh Hòa, biện minh cho rằng do cửa xả Hòn Chồng trước đây không tính toán đến sự hình thành của các khách sạn và chúng cư dày đặc tại khu vực này nên cống xả bị tắc nghẽn.

"Các khách sạn, chúng cư nối vào cửa xả Hòn Chồng không thể kiểm soát được. Ngày trước chỉ tính cho một khu nhỏ, đâu tính đến chúng cư Mường Thanh, các khách sạn đâu. Đơn vị đã nâng công suất máy bơm, nhưng đó chỉ là biện pháp tạm thời, " ông Đàm phân trần.

Theo ông Đàm, trong cơn mưa lớn hôm qua, lưu lượng nước đổ về dồn dập nên các máy bơm quanh cửa xả hoạt động quá sức, khiến nước thải trong cống tuôn thẳng ra biển và cửa sông Cái.

Hiện nay, để khắc phục tình trạng ô nhiễm ở Nha Trang, Ngân Hàng Thế Giới (World Bank) đang phối hợp với Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Khánh Hòa triển khai dự án "Môi trường bền vững các thành phố Duyên hải – Tiểu dự án Nha Trang (CCSEP)".

Dự án này có tổng mức đầu tư $72 triệu, với bốn mục tiêu quan trọng : Nâng cao công suất hoạt động Nhà Máy Xử Lý Nước Thải Phía Nam ; Giải quyết tình trạng ngập lụt và ô nhiễm môi trường khu vực phía Bắc thành phố Nha Trang ; Cải thiện vệ sinh môi trường, tăng cường khả năng thoát lũ và chống sạt lở hai bên bờ sông Cái Nha Trang ; Kết hợp nâng cấp hạ tầng giao thông.

Trước đó, sau trận mưa lớn hồi tháng Chín, 2018, tại khu vực này cũng đã xuất hiện dòng nước đen ngòm, hôi thôi chảy thẳng ra Vịnh Nha Trang khiến du khách, người dân lo ngại. (Tr.N)

*********************

Dân Quảng Ngãi chặn xe vào khu công nghiệp phản đối ô nhiễm (RFA, 08/05/2019)

Người dân phản đối ô nhiễm, đã dùng cành cây, băng rôn chắn đường không cho xe ra vào Khu công nghiệp Quảng Phú, tỉnh Quảng Ngãi.

onhiem3

Người dân phản đối ô nhiễm, đã dùng cành cây, băng rôn chắn đường không cho xe ra vào Khu công nghiệp Quảng Phú, tỉnh Quảng Ngãi. Courtesy kinhtedothi

Chính quyền phường Quảng Phú, tỉnh Quảng Ngãi xác định thông tin vừa nói với truyền thông trong nước hôm 8/5.

Cụ thể vào tối ngày 7/5/2019, Trạm xử lý nước thải tập trung Khu công nghiệp Quảng Phú trong quá trình xử lý đã gây ra mùi hôi thối nồng nặc, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sinh hoạt của người dân các tổ dân phố 23 và 24, nên hàng trăm người dân đã tập trung, chặn đường Lê Thánh Tông để phản đối.

Việc chặn đường kéo dài nhiều giờ cho đến khi lực lượng chức năng có mặt.

Tin cho biết, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư 42 tỷ đồng xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung tại khu công nghiệp này và đưa vào hoạt động năm 2012. Tuy nhiên, chỉ sau vài năm hoạt động, Trạm xử lý nước thải tại Khu công nghiệp Quảng Phú đã "quá tải", khiến tình trạng ô nhiễm ngày càng trầm trọng.

Người dân cho biết ngoài ô nhiễm mùi hôi, họ còn ngửi phải mùi thuốc khử của Trạm xử lý nước thải. Dân chúng yêu cầu đưa trạm xử lý nước thải gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư.

Đây là vụ mới nhất người dân phải tập trung biểu tình phản đối nhà máy xử lý rác và nước thải gây ô nhiễm cho cư dân địa phương.

***************

7 Bộ cùng quản lý chất thải rắn khiến ô nhiễm tràn lan (RFA, 08/05/2019)

Bộ Tài nguyên và môi trường Việt Nam vào ngày 8/5 tổ chức hai buổi hội thảo việc quản lý nhà nước về chất thải rắn và mô hình quản lý công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam. Tại hội thảo các chuyên gia môi trường nêu ra thực trạng công tác quản lý chất thải rắn trong nhiều năm qua gặp khó khăn do chồng chéo.

onhiem4

Buổi hội thảo quản lý nhà nước về chất thải rắn. Courtesy of Bộ Tài nguyên và môi trường

Theo quy định thì Bộ Xây dựng quản lý về việc quy hoạch, khu chôn lấp và xử lý chất thải. Bộ Tài nguyên và môi trường phụ trách về chất tải nguy hại, Bộ Công Thương bảo toàn chất thải công nghiệp, Bộ Y tế chịu trách nhiệm về các loại chất thải y tế, Bộ Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn lo về chất thải phân bón bảo vệ thực vật, Bộ Khoa học- Công nghệ quản lý chất thải nhiên liệu hạt nhân và phóng xạ…

Ông Nguyễn Hưng Thịnh phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường nhấn mạnh tại hội thảo rằng, việc quản lý chất thải rắn được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật của nhiều bộ khác nhau, nhưng sự phối hợp trong việc ban hành các quy định này nhằm đảm bảo thống nhất của hệ thống pháp luật thì lại chưa có.

Tiến sĩ Phùng Chí Sỹ, Giám đốc Trung tâm Công nghệ môi trường ENTEC, khẳng định rằng việc quản lý chất thải từ trước đến nay do nhiều bộ ngành quản lý, quản lý không tập trung đã dẫn đến việc quản lý không được chặt chẻ.

"Vừa rồi trong một nghị quyết của chính phủ có giao cho Bộ Tài nguyên và môi trường thống nhất việc quy hoạch toàn bộ các loại chất thải. Từ khi chính phủ giao cho Bộ Tài nguyên và môi trường thì Bộ này cũng đã chuẩn bị thu thập thông tin, điều tra, khảo sát, đánh giá. Tôi nghĩ rằng đây cũng chỉ là bước ban đầu thôi, chỉ là nghị quyết thôi để sắp tới Bộ Tài nguyên Môi trường sẽ trình chính phủ để ban hành nghị định về tổng hợp quản lý chất thải toàn quốc nên tôi nghĩ rằng nếu đưa ra được kế hoạch quản lý thì có thể hạn chế được việc chồng chéo trong cách quản lý, đùn đẩy trách nhiệm giữa các bộ ngành với nhau".

Dù thống nhất để Bộ Tài nguyên và môi trường chịu trách nhiệm toàn bộ việc quản lý chất thải rắn ; nhưng khi thực hiện cần có phối hợp của các bộ khác là ý kiến của tiến sĩ Phùng Chí Sỹ.

"Tất nhiên khi thực hiện Bộ cũng phối hợp với các Bộ khác chứ một mình thì không làm được nên về sau này nếu có vấn đề liên quan đến chất thải thì Chính phủ chỉ cần gõ đầu Bộ Tài nguyên - Môi trường thôi. Thật ra xưa kia các bộ ngành khác họ cũng không chuyên lắm nên giao cho họ phụ trách họ lại không đủ cán bộ, nhân lực trong khi họ còn nhiều nhiệm vụ khác mà Bộ Tài nguyên và môi trường mà không nắm được tình hình thì giờ bàn giao thì chắc chắn nó sẽ cải thiện được, quy rõ trách nhiệm để sau này biết ai làm sai để còn xử lý".

Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Phạm Ngọc Đăng, Giám đốc Trung tâm Môi trường Đô thị và Công nghiệp trao đổi với RFA rằng nếu giao ngay cho Bộ Tài nguyên và môi trường về việc quản lý chất thải rắn thì bộ này cũng gặp nhiều trở ngại.

"Bởi vì việc quản lý chất thải rắn hiện nay có rất nhiều vấn đề còn tồn tại và nó cũng phân quyền tập quán mà thiếu sự thống nhất giữa các bộ với nhau. Giờ tập trung về Bộ Tài nguyên - Môi trường mà ngay cả Bộ này cũng chưa đủ thời gian để chuẩn bị lực lượng cả trình độ để đảm nhiệm công việc hết sức quan trọng và phức tạp như thế này".

onhiem5

Bãi chất thải nhựa. AFP

Ông Phạm Ngọc Đăng cho biết thêm khi Chính phủ có quyết định giao toàn bộ việc quản lý cho Bộ Tài nguyên - Môi trường thì ông là người trong cuộc.

"Khi Chính phủ có quyết định giao cho Bộ Tài nguyên - Môi trường thì chính tôi cũng đã gặp trực tiếp Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên - Môi trường cùng trao đổi một số vấn đề cũng được coi là rất bức xúc và cũng có đề nghị cần có một giải pháp về cơ chế chính sách và tổ chức cho phù hợp với tình hình mới như hiện nay".

Tại buổi hội thảo về quản lý chất thải rắn hôm ngày 8 tháng 5, bà Đỗ Thị Hương phó chi cục trưởng chi cục Bảo vệ Môi trường Hải Phòng phát biểu rằng, việc quản lý chất thải rắn khó khăn nhất là tại các khu vực nông thôn nhưng giao cho Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn phụ trách thì năng lực cán bộ là một vấn đề nan giải hiện nay.

Theo bà này để có thể phân công quản lý từng công đoạn cho các bộ ngành xuống tới tận cấp huyện, xã rồi cấp phòng cần phải sửa đổi Luật bảo vệ môi trường. Mục tiêu để đảm bảo thống nhất tránh chồng chéo và đùn đẩy trách nhiệm lẫn nhau.

Tiến sĩ Phùng Chí Sỹ khẳng định :

"Vừa năm ngoái mới ban hành về luật quy hoạch thì đã ba bảy luật khác phải sửa đổi rồi. Hiện nay đang sửa về luật bảo vệ môi trường và chắn chắn sẽ giao trách nhiệm cho rất nhiều bộ ngành khác trong việc quản lý môi trường. Các nghị định thông tư sau này cũng sẽ sửa theo hướng là tập trung quyền lực cho Bộ Tài nguyên và môi trường và các bộ khác chỉ là cơ quan phối hợp để quản lý chất thải".

Thống kê cho thấy, mỗi năm tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam là gần 16 triệu tấn. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom tại các đô thị đạt 85,5%, khu vực nông thôn từ 40-50%. Trong đó 28,9% được xử lý đốt hoặc sản xuất phân hữu cơ ,71,1% chôn lấp trực tiếp, còn 6 % chôn sau khi đốt, tổng lượng chôn lấp 77,5%.

Trong tổng số 660 bãi chôn lấp có quy mô lớn hơn 1 ha mới có 120 bãi chôn lấp hợp vệ sinh.

********************

Người dân dựng rào trên sông chống khai thác cát (RFA, 08/05/2019)

Hàng trăm hộ dân ở tổ dân phố Lại Bằng 2, phường Hương Vân, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế, đã dựng một hàng rào bằng tre và đá trên sông Bồ, để phản đối doanh nghiệp khai thác cát gây sạt lở bờ sông nghiêm trọng.

onhiem6

Dân dựng một hàng rào bằng tre và đá trên sông Bồ để phản đối doanh nghiệp khai thác cát gây sạt lở bờ sông nghiêm trọng. Courtesy plo

Báo chí trong nước loan tin vừa nói hôm 8/5.

Trước đó, người dân đã nhiều lần phản ánh lên chính quyền địa phương về trình trạng tàu khai tác cát sỏi diễn ra tấp nập trên sông Bồ nhưng không được cơ quan chức năng xử lý.

Theo người dân địa phương, trong vòng khoảng 2 năm qua, nhiều điểm sạt lở trên sông Bồ đã bị khoét sâu vào chân núi hàng chục mét, nên việc dựng cọc tre trên sông Bồ chỉ nhằm mục đích bảo vệ vườn tược, tính mạng của người dân.

Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế vào ngày 7 tháng 5 tiến hành cuộc họp khẩn và chỉ đạo cho lãnh đạo thị xã Hương Trà và huyện Phong Điền, vận động người dân tháo dỡ các cọc tre đã đóng xuống sông Bồ để đảm bảo an toàn cho tàu thuyền đi lại.

Tuy nhiên, khi trả lời báo chí trong nước, một số người dân cho rằng, việc tự tháo dỡ hàng rào nói trên chỉ diễn ra khi cơ quan chức năng có những biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác cát tại sông Bồ.

Vào tháng tư vừa qua tại xã Đông Khê, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ người dân cũng phải đến tại Ủy Ban Nhân Dân xã đánh trống, giăng biểu ngữ để phản đối nạn khai thác cát khiến đất canh tác ven sông của dân bị sụt lở. Người dân báo chính quyền giải quyết nhưng nhiều lần vẫn không được giải quyết nên họ phải biểu tình.

*********************

Việt Nam gia tăng nhập khẩu than để đáp ứng nhu cầu năng lượng (RFA, 08/05/2019)

Nhập khẩu than của Việt Nam từ các nước Nga, Australia và Indonesia đã tăng nhanh trong các tháng đầu năm nay, theo số liệu thống kê của chính phủ.

onhiem7

Hình minh họa. Mỏ than Quảng Ninh hôm 28/10/2007 - AFP

Trong các tháng 1 và 2, nhập khẩu than từ Nga vào Việt nam đã lên 852.000 tấn, tăng gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong 2 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 5 triệu tấn than, tăng gấp đôi con số than nhập khẩu vào cùng kỳ năm ngoái là 2,3 triệu tấn.

Việc nhập khẩu than gia tăng của Việt Nam được đánh giá là do nhu cầu cao của các nhà máy nhiệt điện trong khi lượng than khai thác trong nội địa không đủ để đáp ứng.

Kế hoạch phát triển năng lượng của Việt Nam cho biết đến năm 2025, nhu cầu về than của Việt Nam sẽ vượt quá con số 40 triệu tấn, và đến năm 2030, con số này sẽ là 75 triệu tấn.

Hiện Việt Nam có khoảng 20 nhà máy điện than đang hoạt động. Dự kiến đến năm 2030 sẽ có 80 nhà máy nhiệt điện than đi vào hoạt động. Điện than hiệm chiếm khoảng 45% tổng lượng Megawatt của Việt Nam.

Nhiều nhà hoạt động về môi trường ở Việt Nam đã lên tiếng cảnh báo chính phủ về việc quá lệ thuộc vào các nhà máy nhiệt điện than có thể gây ô nhiễm môi trường.

Published in Việt Nam