Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

24/05/2023

Cấm cán bộ không gặp công dân ngoài trụ sở có khả thi ?

RFA tiếng Việt

Trong Dự thảo nghị định ban hành Bộ quy tắc đạo đức công vụ, do Bộ Nội vụ gửi Bộ Tư pháp thẩm định được truyền thông nhà nước đăng tải hôm 24/5 đã đề xuất cán bộ, công chức chỉ được tiếp công dân, doanh nghiệp tại trụ sở cơ quan, không được hẹn gặp ngoài giờ làm việc ở bên ngoài hay tại nhà riêng.

canbo1

Người phu quét đường trước đồn công an - Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội. Reuters

Tiến sĩ Đào Mạnh Hoàn, Phó phòng Nghiên cứu tổ chức, Viện Khoa học tổ chức nhà nước thuộc Bộ Nội vụ, là cơ quan xây dựng dự thảo vừa nêu khi trả lời báo nhà nước trong ngày đã cho rằng ‘Đề xuất cán bộ không gặp công dân ngoài trụ sở’ là để chống tham nhũng.

Một Luật sư ở Việt Nam không muốn nêu tên vì lý do an toàn hôm 24/5 cho rằng đề xuất của Bộ Nội vụ chỉ nhằm tạo điều kiện cho các đối thủ chính trị triệt hạ lẫn nhau :

"Cán bộ công chức tiếp công dân ngoài trụ sở có ba loại : Một là không dính dáng công việc như bà con, bạn bè cũng là công dân nếu gặp ở ngoài trụ sở là bình thường, cái đó không có gì vi phạm pháp luật. Thứ hai người mà họ đang giải quyết mà tiếp xúc ở ngoài phạm trụ sở là vi phạm pháp luật. Vấn đề thứ ba không phải công chức đó giải quyết vấn đề mà là đồng nghiệp của họ, nhưng họ tiếp xúc để móc ngoặc, thì đó giống như là môi giới hối lộ. Vấn đề thứ hai và thứ ba thì luật pháp nghiêm cấm từ xưa tới giờ rồi".

Theo Luật sư này, nếu Bộ Nội vụ đề xuất xây dựng thành luật thì đã có Bộ Luật Hình sự về tiếp xúc… Ông giải thích :

"Ví dụ như một công dân tới nhà quan chức, người này đã tiếp xúc mà từ chối không nhận quà, nếu công dân để quà lại thì công chức báo cáo thủ trưởng cơ quan thì không có lỗi gì, đó là tiếp xúc ngoài ý muốn. Nhưng với điều kiện phải trung thực báo cáo và giao nộp tài sản người dân để lại nhà. Luật Bộ Nội vụ mới đề ra theo tôi chỉ áp dụng cho những đối thủ chính trị, chứ không phải cho toàn thể cán bộ công chức. Đối thủ chính trị người ta sẽ lấy căn cứ pháp luật để triệt hạ lẫn nhau".

Theo Bộ quy tắc đạo đức công vụ, ngoài đề xuất cán bộ chỉ được tiếp công dân, doanh nghiệp tại trụ sở cơ quan, không được hẹn gặp bên ngoài… còn quy định cán bộ, công chức giao tiếp với công dân phải chuẩn mực, rõ ràng ; không hạch sách, nhũng nhiễu, gây căng thẳng, bức xúc…

Cựu Trung tá Vũ Minh Trí, từng công tác tại Tổng cục II, hôm 24/5 khi đưa ra nhận định với RFA cho rằng, dự thảo này khó khả thi :

"Khi tôi còn làm bộ đội, đã có lần sếp yêu cầu tôi là cấp dưới phải đến nhà sếp trong ngày làm việc, để cùng nhau làm một việc gì đấy… Thì giữa họp gia ban đông người tôi nói : ‘công việc thì làm ở công sở, không làm ở chỗ khác’. Họ phải chịu, trong khi một số những người khác vẫn phải nghe theo. Đấy là giữa những người cùng cơ quan với nhau, cùng là sĩ quan quân đội, cùng là công chức… Còn việc tiếp dân ở bên ngoài thì theo tôi là hoàn toàn sai. Thực tế những quan hệ giao dịch mà có tính chất tiêu cực, hối lộ hay trao đổi về mặt tình dục để lấy quyền lợi thì đều diễn ra ở bên ngoài công sở. Đưa ra quy định như vậy là hoàn toàn phù hợp, không có gì sai, nhưng tính khả thi của nó là rất thấp, bởi vì những quy định như vậy chỉ có tác dụng để phòng người ngay, không đề phòng được người gian".

Theo ông Trí, người gian sẽ nghĩ ra đủ mọi thứ ngụy trang để giao dịch liên hệ với nhau ở bên ngoài cơ quan nhà nước, lấy cớ là tình cờ gặp nhau… Ông Trí nói tiếp :

"Tôi thấy tính khả thi là rất thấp, cũng giống như chúng ta đang nói chống tham nhũng, nhưng thực tế tham nhũng vẫn tràn lan, nó xuất phát từ nhu cầu của cả hai phía, chứ không chỉ mỗi cán bộ nhà nước mà cả từ phía những người dân muốn có những quyền lợi cho bản thân mình, thì họ cũng muốn móc ngoặc với cán bộ công chức nhà nước để kiếm quyền lợi đấy".

Trước đó vào ngày 2/5/2023, Cơ quan tuyên truyền của Đảng cộng sản Việt Nam đã có bài về việc "Xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên" theo nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Bài viết cho rằng trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc xây dựng các chuẩn mực đạo đức cán bộ, đảng viên… Yêu cầu tiếp tục vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh để xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.

Cựu Trung tá Vũ Minh Trí trả lời RFA khi đó cho rằng, tiêu chuẩn của cán bộ hiện hoàn toàn xa rời với thực tế, vẫn lấy những tiêu chuẩn cũ từ thời kinh tế tập trung, quan liêu bao cấp, cách nay 50-60 năm áp dụng cho bây giờ, trong đó đòi hỏi cán bộ phải không có tham vọng quyền lực. Nhưng theo Ông Trí, lòng tham, động cơ cá nhân là một trong những động lực mạnh nhất giúp cho con người ta tiến bộ, phấn đấu.

Bà Trương Thị Mai, Trưởng Ban tổ chức Trung ương khi báo cáo tại hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng cộng sản Việt Nam diễn ra vào sáng ngày 9/12/2021 từng cho biết : "Trong nhiệm kỳ từ năm 2016 đến 2020, Đảng cộng sản Việt Nam đã phải xử lý kỷ luật hơn 25.000 đảng viên suy thoái hoặc có biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"... tham nhũng và tệ quan liêu vẫn còn...".

Cũng theo báo cáo, nếu chỉ tính riêng tội tham nhũng, trong giai đoạn 2016 – 2020 đã có hơn 1.600 đảng viên tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi.

Còn theo cổng thông tin chính phủ Việt Nam, trong năm 2022 đã thi hành kỷ luật 539 đảng viên do tham nhũng. Trong đó có 47 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, tăng 15 trường hợp so với năm 2021…

Mặc dù 'Đề xuất cán bộ không gặp công dân ngoài trụ sở’ nhằm mục đích chống tham nhũng, nhưng liệu có khả thi với những con số cán bộ vi phạm bị kỷ luật như vừa nêu ?

Nguồn : RFA, 24/05/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 155 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)