Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

mercredi, 24 janvier 2024 14:54

Tản mạn cuối năm Quý Mão

Chỉ còn chưa đầy nửa tháng nữa là chúng ta chia tay năm Quý Mão, một năm không có nhiều biến động lớn, nhưng lại là năm thể hiện rõ nhất trạng thái xã hội giai đoạn ruỗng nát nhất của chế độ. Có thể nói, xã hội Việt Nam đang ở trạng thái hỗn loạn, rã đám và bế tắc. Rất nhiều người cảm nhận được trạng thái này, dù có nói ra hoặc im lặng.

conmeo1

Không rã đám sao được, khi thứ trưởng, bộ trưởng ngành nghề mình, thủ trưởng, thủ phó đơn vị mình đều ra trước vành móng ngựa. Ảnh minh họa

Sự hỗn loạn trước hết đến từ mong muốn kiểm soát người dân, kiểm soát nền kinh tế của chế độ toàn trị cộng sản. Trong khoảng hơn chục năm trở lại đây, với việc khôi phục đầy đủ và hoàn toàn cấu trúc toàn trị, với đầy đủ các cơ quan, ban ngành, ban bệ ở các cấp cũng là lúc mà luật pháp, chính sách, quy định bủa vây người dân trong tất cả các ngành nghề và lĩnh vực. Theo quán tính của việc bôi trơn, đút lót, hối lộ giai đoạn trước có thể nền kinh tế vẫn còn vận hành trôi chảy. Nhưng công cuộc chống tham nhũng và xử lý hàng loạt vụ việc, quan chức kéo dài gần chục năm khiến cho nền kinh tế bị tắc nghẽn, đứt gãy. Điều nguy hiểm nhất, là luật pháp và chính sách thiếu thực tế, được tạo ra với mục đích đánh đố người dân, để người dân và doanh nghiệp phải phụ thuộc vào các cơ quan quản lý, các cơ quan cấp phép đã không được thay đổi (và thay đổi đồng bộ) trong khi việc bôi trơn, đút lót hối lộ gặp khó khăn vì quan chức sợ vào lò, công chức chán nản không làm hết trách nhiệm… chúng ta đã chứng kiến các vụ việc của ngành xăng dầu, của ngành y tế trong việc mua sắm, đầu tư trang thiết, của ngành kinh doanh Karaoke... sự hỗn loạn đầu tiên là từ nền kinh tế.

Sự hỗn loạn đến từ một nguyên nhân quan trọng nữa, công cuộc chống tham nhũng, "đốt lò" của ông Tổng bí thư và của đảng. Đó là việc chống tham nhũng không xem xét, đoái hoài đến nguyên nhân nảy sinh tham nhũng, đến cơ chế hiện hành. Nếu xem xét tới nguyên nhân thực sự nảy sinh tham nhũng, nguyên nhân mà động vào đâu cũng thấy tham nhũng, tham nhũng thành quốc nạn thì việc chống tham nhũng trước hết phải là việc thay đổi cơ chế đã và đang nảy sinh tham nhũng. Vì tham nhũng là phổ biến và là phương thức tự tồn tại của tất cả những người có điều kiện tham nhũng nên toàn bộ hệ thống đã vô cùng hoang mang, lo sợ. Người ta không biết khi nào thì tới lượt mình, và càng sợ hơn nữa khi cơ chế này vẫn còn nguyên và không biết công cuộc đốt lò đến bao giờ mới ngừng lại.

Sự hỗn loạn còn đến từ các ứng xử không gương mẫu của những người có trách nhiệm cao nhất. Khi người đứng đầu đảng coi thường điều lệ đảng, để tái cử chức Tổng bí thư lần thứ ba. Khi người đứng đầu có những phát biểu hoàn toàn cảm tính "cảm thấy không xứng đáng thì đừng ngồi ghế đó nữa", "chót nhúng chàm thì từ bỏ chức vụ đi"… hay ứng xử của tòa án trong các vụ xử án tham nhũng, như khắc phục hậu quả (nộp lại tiền) thì giảm án, tham nhũng không vụ lợi thì được xem xét… đã tham nhũng mà lại không vụ lợi ? ! ? không thể hiểu nổi.

Từ sự hoang mang, lo sợ và sự hỗn loạn nói chung, tất cả đều đưa tới cảm giác rã đám (mệt mỏi, uể oải, bỏ cuộc, mỗi người một kiểu…) của toàn bộ hệ thống. Không rã đám sao được khi tất cả các ngành nghề, lĩnh vực và địa phương, các quan chức cao cấp lần lượt nối đuôi nhau vào tù. Không rã đám sao được, khi thứ trưởng, bộ trưởng ngành nghề mình, thủ trưởng, thủ phó đơn vị mình đều ra trước vành móng ngựa. Không rã đám sao được, khi bí thư tỉnh mình, chủ tịch, phó chủ tịch, giám đốc, phó giám đốc sở tỉnh mình đều vướng vòng lao lý… và trong năm Quý Mão này, tất cả đều đã chứng kiến Chủ tịch nước mất chức vì tham nhũng, hai phó thủ tướng bay ghế cũng vì tham nhũng… một nguyên nhân vô cùng quan trọng nữa cho sự rã đám, họ không thấy chút cơ sở nào cho sự thay đổi tình trạng hiện nay, đó là một sự bế toắc toàn diện.

Sự bế tắc bao trùm xã hội do nó xuất phát từ đường lối của đảng, con đường mà nhà nước cộng sản đang đưa người dân đi. Tất cả các khuyết tật của chủ nghĩa xã hội, với cấu trúc toàn trị của nhà nước đã thất bại trong lịch sử, dẫn tới sự sụp đổ của Liên Xô và các nước Đông Âu. Việc sử dụng kinh tế thị trường, nhưng lại định hướng xã hội chủ nghĩa, thực chất vẫn là kiểm soát con người và nền kinh tế thị trường bằng cấu trúc toàn trị là nguyên nhân cho tất cả những đổ vỡ và ruỗng nát hiện nay ở Việt Nam. Vấn đề là, đảng cộng sản đã không nhìn vào nguyên nhân cốt lõi này, thậm chí còn bắt bỏ tù những người chỉ ra nguyên nhân này. Khi nguyên nhân cốt lõi không được nhìn nhận, không được mổ xẻ và không được giải quyết thì tất cả các giải pháp đều là tạm thời, đều là vá víu và cuối cùng là vô hiệu. Nguyên nhân của sự bế tắc này có lẽ những kẻ ngu nhất trong hệ thống cầm quyền cũng đã nhận ra, nhưng vẫn không được đề cập và giải quyết. Vậy là tất cả đều sẽ đi theo quy luật, cùng tắc biến, sự sụp đổ của các chế độ toàn trị cộng sản là hoàn toàn không tránh được.

Hà Nội, ngày 24/01/2024

Nguyễn Vũ Bình

Nguồn : RFA, 24/01/2024

Published in Diễn đàn

hanoi1

Khi đường phố vắng tanh, cả Hà Nội như nhuốm sự man mác buồn của một chiều hoàng hôn tím nhạt.

Biến đổi khí hậu

Miền Trung. Qua hạn 23/10 Âm "ông tha bà chẳng tha…", vẫn ngập lụt. Những cơn lụt "hậu 23" trắng đất trắng trời.

Bay Hà Nội. Sát Tết rồi, vẫn nóng quăn đầu lá, chưa thấy mùa Đông. 

Khái niệm "biến đổi khí hậu" đã không còn là những nguy cơ mông lung vời xa. Chẳng phải Cờ Lờ Mờ Vờ gì, nó hiển hiện chà cọ sát rạt bên mình, bắt đầu cảm ngấm chạm đến tận miếng ăn hơi thở.

Biển cá. Nghe bảo sạch rồi, vẫn chưa đủ tự tin thò đũa vào dĩa cá tôm. Vẫn gì đấy như... rờn rợn. Di họa Formosa - vẫn tựa lũ quái vật, chưa biết bất kể lúc nào lại có thể vùng dậy gầm gừ phun nhả. Rồi tiếp thêm mầm mống cả những bản sao Formosa khác...

Hà Nội chiều nay. Hồ Tây không còn xác cá. Bởi hết sạch rồi, còn con nào đâu để chết. Cho dù Hà Nội chẳng có Formosa.

"Thời tiết" văn hóa, nhát băm kiến trúc và những "thảm họa tiến dần"

Một cái Tết không pháo hoa. Là chỉ thị từ đảng cấm không cho bắn, nghe nói để... tiết kiệm ! 

Không còn pháo. Hà Nội bất ngờ nảy sáng kiến vận động nhà chùa gõ chuông, và kêu gọi dân chúng mỗi người tự sắm cho mình một cái chuông để... rung lúc giao thừa ! 

Là người thủ đô. Nơi tôi sinh Hà Nội. Tự thuở cái Hà Nội cỏn con xưa vắng của tôi đến giờ, (Mô Phật) không thể mường tượng nổi rồi sẽ đến một đêm toàn dân đồng loạt nháo nhào ra đường rung chuông đón Tết ?

Ô hô. Há cũng chẳng là một cách biến chuyển (hay "tự chuyển biến", "tự diễn biến" chi đó) của "thời tiết văn hóa " thủ đô sao ?

Qui hoạch băm Hà Nội. Nát tươm rồi. Tướng Chung Chủ tịch bảo vậy. Nhưng nói thế là "sang" cho các nhà qui hoạch. Bao nhiệm kỳ, có qui hoạch gì ? Ngon đâu rạch đó, xẻ vụn thủ đô.

Thêm một biến thái trong văn hóa  kiến trúc đô thị, khi loằng ngoằng lửng lơ giữa trời Hà Nội một quái thú : khối bê tông rắn khổng lồ Cát Linh - Hà Đông. Một "di sản quái vật" biểu trưng cho... tư duy kiến trúc Hà thành.

"Thảm họa tiến dần" là chữ dùng của Bí thư Hoàng Trung Hải. Ông nói một cách như không thể gì... hồn nhiên hơn : "Thấy được thảm họa tiến dần mà không biết phải làm thế nào ?".

Thật tình, cố ghìm nín một câu... văng, tĩnh tâm ngẫm hoài vẫn không thể hiểu tại sao đến một Ủy viên BCT như ông lại có thể "hồn nhiên" thế. Thấy, không biết làm sao - Sao không lùi bước, nhường cho người biết việc ? 

Không chỉ kiến trúc đô thị. Không chỉ "thời tiết" văn hóa, hay tư duy trị quản. Hà Nội còn đang rậm rịch "kiến trúc lại" theo một bộ chuẩn mới, tỉ mẩn đến tận từng xăng - ti - mét mỗi chiếc áo quần váy vú của công dân.

Không rõ lắm khái niệm "thảm họa tiến dần" của ông Hải. Nhưng giật mình thương cái... Hà Nội của tôi.

"Thời tiết" chính trường

Lại bắt đầu nghe rõ, từng hơi nóng hầm hập của "thời tiết" chính trường. Ông Trọng dừng, hay ngồi tiếp ? Có vẻ chưa rõ, đang căng. Ấy cũng là dân tình đoán đồn kháo nhau vậy. Trên nhiều trang "lề trái" và các sân đánh quen thuộc, đã bắt đầu nghe đâu đó vài tiếng kèn và "phát súng" khơi trận. 

Tôi rõ khá nhiều cuộc. Quen quá những mùi đạn khét ấy. Hoảng thì không, không có cảm giác đó. Nhưng bần thần, nhiều khi như... thoái chí. 

"Chuyện quyền lực... cả thế kỷ qua chỉ toàn có mày không tao. Cả chuỗi dài toàn tận lực giết, tận lực giành, tận lực thua đủ. Bất hạnh thay cho một thời đại tích cực "chiến đấu" và chỉ tìm kiếm bàn thắng bằng độc cách ấy" (Phạm Ngọc Cương).

Mâu thuẫn, bất đồng, thậm chí đến oán thù thời nào chả có. Đến thù nhà, khó tìm lại "mối thù" nào lớn như thời Trần thế kỷ XIII, giữa thân phụ Trần Quốc Tuấn với thân phụ Trần Quang Khải. Vậy mà, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn vẫn có thể tự tay cởi áo, kỳ lưng tắm cho Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải, gạt thù nhà lo thù nước, bắt tay đồng tâm đánh đuổi tan tành xứ Nguyên Mông.

Bài toán đoàn kết tăng nội lực, là đấy chứ đâu.

Những đòn dèm pha sẽ ít hơn, nếu ông Trọng chọn dừng lúc này - cho dù cũng đã chậm. Chiến trận Ích - Xì (X) cũng đến thế là xong. Cuộc thắng ấy, hả hê vậy đủ rồi. Dừng. Nhường hẳn tay cờ, mở thế cho người khác, ván khác, vận khác.

Thủ tướng Phúc, lần đầu bạo miệng (hay lỡ mồm nói thật) chuyện nợ công vượt trần. Ông cảnh báo : không khéo có thể tới ngưỡng "sụp đổ tài khóa  quốc gia". 

Điểm dễ nhìn nơi ông là thiện chí muốn tạo dựng một khuôn diện chính phủ khác, thân thiện hơn để "lấy lại lòng dân". Ấy là tín hiệu cực quí ! Song, dường như vẫn chỉ dừng ở những động thái... xây dựng hình ảnh !

Khái niệm "chính phủ kiến tạo" được ông dùng nhiều, nhắc đi lặp lại, bất cứ diễn đàn nào có thể. Thực ra, chữ dùng này được nói từ triều Nguyễn Tấn Dũng. Khác là ông Dũng hô một lần rồi im. Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại, và "định vị" rõ hơn. Nhưng kiến tạo gì, kiến tạo ra sao và đã kiến tạo được những gì - Khi chưa "kiến tạo lại" giàn máy chính phủ ?

Miệng dân, miệng báo

Không chỉ miệng dân chủ dán bịt. "Diễn biến" đến cả cái miệng ăn của dân.

15 tỉnh phát đơn xin gạo cứu đói. Ngạc nhiên khi trong số đó, không hẳn nơi nào cũng nghèo. Có tỉnh, thu ngân sách hàng chục nghìn tỷ mỗi năm, vẫn há mồm xin gạo. Hàng chục nghìn tỷ thu ngân sách mỗi năm, vẫn chưa đủ lo dân hết đói. 

hanoi2

Hà Nội tản mạn những ngày không rét

Dân thế. Trong khi đảng miệt mài, hả hê với khúc ca "đất nước đã bao giờ... được thế này chưa ?".

Bay Hà Nội, dự 75 năm Đại Đoàn Kết. Vui, khi cảm được cái tình đầy ắp của những người còn ở lại dành cho mình. Dù thăng trầm, ghềnh thác gì, Đại Đoàn Kết với mình, vẫn luôn là một phần để nhớ.

Song cũng ngập ngụt, tràn trề tâm trạng nghề u ám. Cả làng báo, riêng gì một "đứa" nào. Não nề, chán nản. 

Làm sao có thể quên được "cú gạt tay" hộc máu mồm lịch sử làng báo. Làm sao, chả biết làm sao (nhại lời ông Hoàng Trung Hải Bí thư) ngóc đầu vượt mặt khỏi "cơn lũ mắm" ê chề nhục nhã ấy ?

Những sạp báo Xuân mấy ngày chẳng vơi nổi chục tờ. Ít còn thấy ai dừng lại, vói mua một tờ báo cầm tay.

Cá không còn. "Cụ" ruà cũng toi rồi. Mặt hồ lặng đến không thể sủi tăm. Tưởng được chạm rét. Vậy mà cận Tết, vẫn chưa thấy mùa Đông. "Biến đổi khí hậu", và không chỉ khí hậu, thấy... phủ nóng Ba Đình.

Trương Duy Nhất

Nguồn : RFA tiếng Việt, 07/01/2017 (truongduynhat's blog)

Published in Văn hóa