Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

dimanche, 14 mai 2023 13:53

Kiệt tác về cái ác đích thực

Ngày này từ "gulag" thường được dùng theo nghĩa bóng, nhưng vào thời Liên Xô, gulag - tên gọi tắt của chế độ trại tù cưỡng bức lao động - thì lại quá thực. Hàng triệu người đã sống và chết ở rất nhiều "đảo" của gulag, tức những trại tù nằm rải rác trên khắp đất nước bao la này. Những trại tù khắc nghiệt nhất là những trại tù vùng Kolyma ở miền đông bắc Siberia, nơi tù nhân lao động dưới 50, 60, thậm chí 70 độ âm nhưng lại ăn không đủ để tồn tại.

89868249

Alexander Solzhenitsyn trong ngày được trả tự do năm 1953, sau 8 năm trong Gulag - ảnh Getty

Hiện thực này khác với bất kỳ những gì trí thức Phương Tây tưởng tượng, và qua đó làm sụp đổ hoàn toàn uy tín của chủ nghĩa Mác vốn đang được ưa chuộng, nhất là tại Pháp nơi ý thức hệ Mác-xít mạnh nhất, đến mức người ta chế giễu lời kể của bao người sống sót qua các trại của gulag. Tất cả những điều ấy đã thay đổi khi lịch sử đầy chi tiết về gulag của Alexander Solzhenitsyn được đưa lén ra khỏi Liên Xô. "Quần đảo ngục tù", được xuất bản cách đây 50 năm, không chỉ là sự tường thuật chi tiết được sưu tập từ những lời chứng thực của hàng trăm người, mà theo thiển ý tác phẩm cũng là một tác phẩm văn xuôi phi tiểu thuyết vĩ đại nhất của thế kỷ hai mươi.

Đề tặng cho "tất cả những ai đã không sống" để kể lại chuyện họ, "Quần đảo ngục tù" cho ta thấy rõ ràng con người ở tận đáy có sự tàn ác hầu như không thể nào hiểu nổi. Trong một đoạn đáng nhớ, Solzhenitsyn nghĩ rằng nếu trí thức trong các vở kịch của Chekov mà muốn biết thời thế trong vài chục năm tới sẽ như thế nào biết rằng "những người tù sẽ bị những vòng sắt siết chặt vào sọ họ ; rằng con người bị thả vào bể tắm axit ; rằng cây thông nòng súng được hơ nóng trên chiếc lò nhỏ rồi thọc vào hậu môn họ (‘đóng dấu bằng sắt nung kín đáo) ; rằng cơ quan sinh dục nam bị đè bẹp từ từ dưới ngón chân của giày ống… thì không có vở kịch nào của Chekov được diễn trọn vẹn vì những vai chính sẽ rời bỏ sân khấu để đi đến nhà thương điên".

Những ai thừa nhận một số điều kinh hoàng này thường đổ lỗi hết cho Stalin, như thể Lenin sẽ không làm những chuyện như thế, nhưng, như Solzhenitsyn chứng minh, chính Lenin dựng nên chế độ khủng bố và chế độ lao tù gulag và còn nói rõ ràng rằng cả hai chế độ này sẽ là những đặc trưng thường xuyên của chế độ mới. Đối với những ai ở Phương Tây mà tưởng rằng chế độ trừng phạt kỳ quặc này không thể nào xảy ra ở nước họ, Solzhenitsyn dè dặt : "Than ôi, tất cả cái ác của thế kỷ hai mươi đều có thể xảy ra ở khắp mọi nơi trên thế giới".

gulag2

Sách "Quần đảo ngục tù" của Alexander Solzhenitsyn

Tại sao cái ác như thế lại có thể xảy ra ? Solzhenitsyn chỉ ra rằng rõ ràng Shakespeare và Schiller đã không thấu hiểu cái ác vì những nhân vật phản diện của họ "vẫn thừa nhận mình là những người làm điều ác, và họ biết tâm hồn họ đen tối", nhưng những kẻ gây ra tai họa lớn nhất thì lại cho mình là người tốt. Trước khi các điều tra viên có thể tra tấn những tù nhân mà họ thừa biết là vô tội, họ phải tìm ra sự biện minh cho hành động của họ. Những nhân vật phản diện của Shakespeare chỉ giết vài người "vì họ không có ý thức hệ", không có gì để so sánh với những giảng giải "mang tính khoa học" và không thể sai lầm về cuộc sống và đạo đức của chủ nghĩa Mác Lê. "Chính ý thức hệ mới ban cho kẻ làm ác sự kiên định và quyết tâm cần thiết… lý thuyết xã hội giúp làm cho hành vi của y trở nên tốt… dưới mắt của y và của bao người khác".

Solzhenitsyn hoàn toàn không bào chữa cho mình khi ông kể rằng ông có thời chấp nhận ý thức hệ của chính quyền và hành xử một cách đáng ghê tởm. "Quần đảo ngục tù" không chỉ là lịch sử, mà cũng còn là tự truyện ghi chép lại quá trình thay đổi của tác giả. Trong gulag ông gặp phải "ngã ba lớn" trong đời tù. Phải chăng ta chọn "tồn tại bằng mọi giá", kể cả làm hại những người khác ? "Từ điểm này, con đường rẽ sang phải và sang trái… Nếu ta đi sang phải - ta mất mạng, còn nếu ta đi sang trái - ta mất lương tâm".

Những ai chấp nhận đạo đức cộng sản đều chế giễu chính ý niệm về "lương tâm". "Phải" là bất kể điều gì có lợi cho Đảng cộng sản. Theo quan điểm này, không có những giá trị nào cao hơn, không có thiện và ác tuyệt đối, và điều duy nhất mà quan trọng trong bất kỳ hành động nào chính là kết quả của hành động ấy. Ngược lại, Solzhenitsyn khẳng định, điều quan trọng nhất không phải là kết quả mà chính là tâm hồn của ta.

gulag3

Nếu ta đi sang phải - ta mất mạng, còn nếu ta đi sang trái - ta mất lương tâm".

Khi Solzhenitsyn đi đến kết luận này, ông cũng thừa nhận cái ác ở chính ông. Nhận thức về cuộc đời ở ông đã hoàn toàn thay đổi. Ông biết tha thứ và khám phá ra ý nghĩa tình bạn chân chính. Trên hết, ông hiểu ra "tại sao con người trở nên ác và tại sao trở nên thiện. Trong men say thành công của tuổi trẻ, tôi cảm thấy mình không bao giờ sai, và vì thế tôi đã tàn ác".

Nhưng ở trong tù Solzhenitsyn dần dần nhận thức ra sự dối trá cơ bản của tư duy ý thức hệ : tư tưởng cho rằng người xấu làm điều ác, cho nên chúng ta chỉ cần loại bỏ họ. Hoàn toàn không phải như vậy. "Biên giới giữa thiện và ác không đi qua giữa các nhà nước, và cũng không đi qua giữa các giai cấp hay giữa các đảng phái chính trị - mà đi ngay qua tim của mỗi người". Sau khi thấu hiểu sự thật này, Solzhenitsyn đi đến một kết luận khác - "sự thật của tất cả các tôn giáo trên thế giới : mọi tôn giáo đều đấu tranh với cái ác ở trong con người (ở trong mỗi người)".

Kỳ diệu thay, "Quần đảo ngục tù "trở thành câu chuyện lạc quan về sự tái sinh tâm hồn. "Tôi nuôi dưỡng tâm hồn tôi ở trong tù", Solzhenitsyn kết luận, "và tôi nói không do dự rằng : ‘Nhà tù ơi, cảm ơn ngươi đã hiện diện trong đời ta !".

Gary Saul Morson

Nguyên tác : ‘The Gulag Archipelago’ : An Epic of True Evil, The Wall Street Journal, số ra ngày 6/5/2023

Trần Quốc Việt dịch (14/05/2023)

Published in Văn hóa

30 năm sau khi Liên Xô sụp đổ, Putin dựng lại "quần đảo ngục tù"

L’Obstuần này đăng ảnh tổng thống Nga với dòng tựa "Ba mươi năm sau sự sụp đổ của Liên Xô, gu-lắc quay lại". Trong hồ sơ "Chế độ độc tài Putin" gồm 12 trang, tuần báo thiên tả nhận định, nước Nga ngày nay lại rơi vào chủ nghĩa toàn trị. Ông chủ điện Kremlin muốn tại vị cho đến cuối đời, dập tắt tất cả những tiếng nói khác biệt, cai trị một cách thô bạo đất nước rộng lớn nhất thế giới.

L’Obputin1

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại điện Konstantin gần Petersburg. Ảnh tư liệu chụp ngày 30/04/2013.  AP - Alexei Nikolsky

Tù nhân chính trị tại Nga nhiều hơn cả những năm cuối Liên Xô

Hôm 23/01/2021, bàng hoàng trước việc Alexei Navalny vừa xuống máy bay là bị tống vào tù, đông đảo người dân Nga xuống đường đòi trả tự do cho nhà đối lập. Các cuộc biểu tình nhanh chóng bị lực lượng an ninh vũ trang tận răng đàn áp, một số đơn vị đặc biệt còn dùng cả vũ khí laser làm lóa mắt. Trên toàn quốc, 11.000 người biểu tình bị bắt, riêng tại Moskva là 4.000 người, có người còn bị cảnh sát đến tận nhà để giải đi. Họ bị nhận diện bởi những camera đặt trong các tòa nhà vài tháng trước đó, với lý do giám sát việc tôn trọng lệnh phong tỏa trong mùa dịch.

Tờ báo dẫn ra trường hợp anh sinh viên Said-Moukhamd Dzumayev, 21 tuổi, bị lãnh án 5 năm khổ sai chỉ vì đi biểu tình. Anh sẽ ra tù vào năm 2026, khi Vladimir Putin bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống thứ năm theo dự tính của ông ta, và như vậy sẽ lãnh đạo lâu hơn cả Stalin. Dzumayev nằm trong số 420 tù chính trị được tổ chức nhân quyền Memorial liệt kê trong danh sách tháng 11. Memorial ước tính con số thật sự cao gấp ba, nói cách khác, nước Nga ngày nay giam giữ nhiều tù nhân vì lý do chính trị hơn cả những năm sau cùng của Liên Xô cũ.

Người tù nổi tiếng nhất là Alexei Navalny, vừa được Nghị Viện Châu Âu tặng giải Sakharov hôm 02/10/2021, và như để trừng phạt, hai người có trách nhiệm trong Quỹ chống tham nhũng (FBK) của ông là Lilia Tchanycheva và Violeta Goudeva đã bị bắt giữ hôm 09/11, họ có thể lãnh án đến 10 năm tù. Năm 2017, quỹ này đã tiết lộ tài sản của Dimitri Medvedev, người từng thế vai tổng thống cho Putin, trong đó có một vườn nho và lâu đài ở Ý trị giá 81 triệu euro. Năm ngoái, FBK lại phạm tội "khi quân" khi công bố tòa dinh thự vô cùng sang trọng bên bờ Hắc Hải của Vladimir Putin, ước tính có giá trên 1 tỉ euro.

Nếu Lilia và Violeta bị kết án, họ sẽ không được ghi trong danh sách sắp tới của Memorial về tù chính trị, vì tổ chức nhân quyền do giải Nobel hòa bình Andrei Sakharov thành lập năm 1989, đã bị chính quyền yêu cầu giải thể.

Sửa Hiến pháp để làm tổng thống đến năm 84 tuổi

Từ giữa năm 2020, chiếc mặt nạ cuối cùng đã rơi xuống. Những án tù nặng nề chỉ vì đi biểu tình, tra tấn tù chính trị, buộc lưu vong các nhà đối lập, đóng cửa những tổ chức bảo vệ nhân quyền hiếm hoi còn hoạt động… Putin muốn đóng lại chương perestroika (đổi mới) và glasnost (minh bạch) cuối thập niên 80 của Mikhail Gorbachev - một giải Nobel hòa bình khác.

Tổng thống Nga vẫn chưa phải là Stalin, bạo chúa đã làm hàng triệu người chết trong ba thập niên trị vì, chưa thô bạo bằng Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng ông kiên quyết dập tắt mọi tiếng nói phản biện. Bộ máy đàn áp bắt đầu khởi động từ 2012, hạn chế tối đa quyền biểu tình. Sau đó Kremlin chế ra khái niệm "nhân tố nước ngoài", kiểu như "kẻ thù của nhân dân" thời Lênin năm 1917, rất hiệu quả để đè bẹp xã hội dân sự. Những "nhân tố nước ngoài" này còn bị hạ nhục bằng cách buộc truyền thông phải nêu ra tư cách này mỗi lần nhắc đến họ.

Putin lợi dụng đại dịch Covid để cho trưng cầu dân ý thông qua Hiến pháp sửa đổi, gian lận một cách thô thiển : có thể bỏ phiếu bất kỳ lúc nào và bất cứ đâu trong vòng một tuần lễ, thùng phiếu không được bảo vệ. Hiến pháp mới cho phép Putin tiếp tục làm tổng thống thêm 12 năm nữa, đến tận năm 2036, năm ông ta 84 tuổi !

Dựng thành trì pháp lý, tìm cách viết lại lịch sử

Sau đó một loạt đạo luật được thông qua để khai tử các quyền tự do : trong một số trường hợp biểu tình một người cũng bị cấm, có thể chận Twitter, Facebook, YouTube nếu chỉ trích nhà cầm quyền… Để bảo vệ phe mình vĩnh viễn, một thành trì pháp lý được dựng lên. Các cựu tổng thống được hưởng quyền đặc miễn suốt đời, kể cả đối với những hành động trước và sau nhiệm kỳ, không thể bị câu lưu, thẩm vấn, khám nhà. Khái niệm vu khống được mở rộng đến nỗi không thể tố cáo một quan chức tham nhũng mà không có nguy cơ vào tù, cấm tiết lộ tài sản quan chức.

Khái niệm "nhân tố nước ngoài" không còn dành riêng cho tổ chức mà cả cá nhân. Nhãn này lập tức được dán cho một trong những nhân vật được kính trọng nhất nước Nga : Lev Ponomarev, nhà vật lý học 80 tuổi, từng là chủ tịch ủy ban điều tra của Quốc hội về âm mưu đảo chính Gorbachev tháng 8/1991. Một luật ra tháng 7/2021 cấm "so sánh các hành động của Liên Xô và Đức trong Đệ nhị Thế chiến". Chính quyền nhìn nhận đã có những vụ thảm sát thời cộng sản cũ, nhưng làm mọi cách giảm nhẹ vai trò của cơ quan mật vụ NKVD và sau đó là KGB, xuất thân của nhiều nhà lãnh đạo hiện nay.

Ý định viết lại lịch sử đã khiến nhà sử học Yuri Dimitriev, 65 tuổi trở thành nạn nhân. Ông phát hiện một trong những hố chôn tập thể quy mô nhất thời kỳ đại khủng bố của Stalin 1937-1938, định danh được 6.241 nạn nhân bị NKVD xử bắn. Chính quyền bèn quy cho ông tội quấy nhiễu tình dục và kết án 13 năm tù. Để chống chọi với Kremlin nay chỉ còn tờ báo Novaia Gazeta, nơi nhà báo Anna Politkovskaia từng làm việc (cô bị sát hại năm 2006). May thay, chủ nhiệm tờ báo, Dimitri Muratov, vừa được tặng giải Nobel Hòa bình hôm 10/12/2021 !

Chủ nghĩa cộng sản vẫn được trí thức tả khuynh phương Tây mơ đến

Le Figarocuối tuần đặt vấn đề "Chủ nghĩa cộng sản còn lại gì ở phương Tây". Vài ngày nữa sẽ đến dịp kỷ niệm 30 năm Liên Xô sụp đổ, diễn ra trong sự dửng dưng. Trong khi phương Tây không ngừng theo dõi mọi dấu hiệu trỗi dậy của phát-xít dù nhỏ nhất, chừng như người ta tin rằng chủ nghĩa cộng sản đã biến mất không để lại dấu vết.

Tất nhiên người ta nhớ đến Stalin, đến Solzhenitsyn ở quần đảo ngục tù, đến sự sụp đổ của bức tường Berlin, nhưng tất cả dường như đã thuộc về lịch sử xa xưa. Một số còn tiếc nuối một đế quốc mà theo họ đã mang lại sự thăng bằng cho thế giới. Nhưng cộng sản không chỉ có Liên Xô. Ở phương Tây trong nhiều thập niên, không ít trí thức vẫn ảo tưởng về chủ nghĩa cộng sản ở Moskva, La Havana, Bắc Kinh, thậm chí ở Phnom Penh, mơ rằng nó sẽ tái sinh với những tội ác đã được gột rửa. Đối với cánh tả lý tưởng hóa, nếu xưa kia phải lật đổ tư sản và chủ nghĩa tư bản, thì nay đối tượng là người da trắng và phương Tây.

Hồng Kông : "Mamie Wong" lại đi chiến đấu

Nhìn sang Châu Á, Le Monde cuối tuần cho biết tại Hồng Kông, "Mamie Wong" nhất định không từ bỏ đấu tranh dân chủ. Hình ảnh bà Alexandra Wong, 65 tuổi với lá cờ Anh quấn quanh thân hình gầy yếu, luôn có mặt trong những cuộc biểu tình đòi dân chủ ở đặc khu, đã trở thành biểu tượng của phong trào. Bà bị chế độ Bắc Kinh coi là kẻ thù, bị tống giam tại Hoa lục 14 tháng mà không lý do cụ thể. Ra tù, quay lại Hồng Kông cuối 2020, bà thấy đặc khu đã hoàn toàn thay đổi. Bên cạnh những biện pháp chống Covid, tất cả các dạng thức biểu tình đều bị cấm. "Mamie Wong" bèn đi dự tất cả các phiên tòa xử người đấu tranh để ủng hộ họ.

Sự kiên cường chiến đấu cho các giá trị phổ quát trong bối cảnh ngày càng khó khăn khiến bà chiếm được trái tim của người dân Hồng Kông. Người qua đường cổ vũ, cảm ơn người phụ nữ đứng im lặng bên cạnh các biểu ngữ đòi dân chủ, nhưng cũng có lúc bà bị những kẻ lạ mặt tấn công còn cảnh sát thì làm ngơ. Bà có nguy cơ lại phải vào trại giam với hai bản án mới vào cuối tháng này. "Mamie Wong" nói với Le Monde : "Tôi ốm yếu như thế này, có buồn cười không khi một cường quốc như Trung Quốc lại không ngừng tấn công một bà già cao mét rưỡi ?".

Lào mắc kẹt với món nợ khổng lồ tàu cao tốc

Tại Đông Nam Á trên lãnh vực kinh tế, The Economist nói về tuyến đường xe lửa cao tốc do Trung Quốc xây dựng ở Lào. Vào cuối những năm 1860, các thủy thủ Pháp khởi hành từ Sài Gòn đi tìm nguồn sông Mêkông đã gặp phải thác Khone dựng đứng giữa Lào và Cam Bốt, và nhận ra rằng các tàu buôn lớn không thể vượt qua được. Giấc mơ đi đến miền nam Trung Quốc bằng đường sông tan thành mây khói.

Rốt cuộc ngày 03/12 vừa qua, một phần mơ ước đã được thực hiện với việc khai trương tuyến đường sắt cao tốc nối Côn Minh với Vientiane sau 5 năm xây dựng. Đây là một mắt xích của "Con đường tơ lụa mới", có chi phí lên đến 5,9 tỉ đô la, tương đương 1/3 GDP của Lào.

Trung Quốc rõ ràng có lý do khi quan hệ chặt chẽ hơn với Đông Nam Á, chuyển các cơ sở sản xuất ít phức tạp sang các nước có tiền lương thấp. Việt Nam từ vị trí thứ 15 cách đây một thập niên đã trở thành đối tác thương mại thứ tư của Trung Quốc về hàng hóa trung gian, thương mại với Cam Bốt và Lào cũng tăng.

Còn đối với Lào, tuyến đường xe lửa mới có ý nghĩa gì ? Đất nước không có đường ra biển này bị ảnh hưởng nhiều nhất vì sự kết nối hạn chế của Đông Nam Á. Ngân hàng Thế giới tỏ ra lạc quan thận trọng : Vientiane có thể trở thành trung tâm logistic, với điều kiện hệ thống quan thuế của Lào hiệu quả hơn, và phát triển được các tuyến đường kết nối.

Tuy nhiên các đánh giá khác kém lạc quan hơn, Ngân hàng Phát triển Châu Á cho rằng khó thể mang lại lợi nhuận. Đa số vốn đầu tư vay từ Bắc Kinh, thường bị nghi là giăng bẫy nợ ; và với chính sách zero Covid, đường tàu mới không thể mang đến các du khách Trung Quốc trong tương lai gần. Thái Lan đã phê duyệt giai đoạn đầu của tuyến tàu cao tốc Trung Quốc sẽ nối kết với Lào, nhưng khó thể hoàn thành trong 5 năm, còn Malaysia thì chỉ đang nghiên cứu. Cho đến khi những lợi ích lâu dài trở thành hiện thực, Lào vẫn kẹt cứng với món nợ khổng lồ.

Nếu người khổng lồ Mỹ lại ngủ quên, thế giới sẽ nguy hiểm

Về địa chính trị, The Economist nhận định nếu Hoa Kỳ co cụm lại, thế giới có thể trở nên nguy hiểm hơn. Cách đây 80 năm, Nhật Bản oanh kích Trân Châu Cảng. Một đô đốc Nhật sáng suốt lo ngại "Những gì chúng ta đã làm là đánh thức một người khổng lồ đang say ngủ, khiến anh ta có một quyết định khủng khiếp". Sai lầm trầm trọng này đã dẫn đại cường mạnh nhất thế giới tham gia cuộc chiến và khiến đế chế Nhật rơi vào quên lãng.

Ngày nay, một nước Nhật giàu có, vươn lên từ tro tàn cuộc chiến nhờ sự giúp đỡ của người chiến thắng. Hoa Kỳ không chỉ là bà đỡ cho một nền dân chủ tự do ở Nhật Bản, mà còn lập ra một trật tự thế giới mới, tuy chưa hoàn hảo nhưng tốt hơn tất cả các hệ thống trước đó. Tiếc thay, giờ đây nước Mỹ tỏ ra mệt mỏi với vai trò người canh giữ yên bình cho thế giới tự do. Người khổng lồ chưa ngủ lại nhưng quyết tâm đã giảm sút, và các kẻ thù đang trắc nghiệm.

Vladimir Putin đưa quân ồ ạt đến biên giới Ukraine ; Trung Quốc cho hàng loạt phi cơ tiêm kích xâm nhập vùng nhận diện phòng không của Đài Loan, diễn tập với mô hình hàng không mẫu hạm Mỹ và thử nghiệm vũ khí siêu thanh ; Iran đưa ra những yêu sách quá đáng trong đàm phán nguyên tử. Thất bại của ông Biden trong vụ rút quân khỏi Afghanistan gây nghi ngờ về ý định bảo vệ đồng minh.

Theo tuần báo Anh, nghĩ rằng nước Mỹ sẽ trở lại như xưa là sai, vì ông Donald Trump vẫn có thể tái đắc cử tổng thống vào năm 2024. Các cường quốc khác cũng phải đóng góp phần mình nếu muốn duy trì trật tự hiện nay, đối phó với các chế độ toàn trị. Nhật và Úc đã cho biết sẽ giúp bảo vệ Đài Loan, Anh và Mỹ chia sẻ công nghệ tàu ngầm nguyên tử với Úc, tân chính phủ Đức có thể cứng rắn hơn với Nga và Trung Quốc. Bên cạnh đó, cũng nên dẹp bỏ những xung đột vô ích về lịch sử giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, Ấn Độ cần từ bỏ chính sách không liên kết để gắn bó với Bộ Tứ, các thành viên NATO giúp Ukraine vũ khí, tiền bạc và huấn luyện. Chỉ có quyết tâm và sự đoàn kết của các nền dân chủ mới tránh được nguy cơ thế giới bị rơi vào luật rừng mạnh được yếu thua.

Ba kịch bản cho đại dịch Covid

Trên lãnh vực y tế, L’Obs đưa ra ba giả thiết về đại dịch Covid, sau khi tham khảo các chuyên gia. Khả năng thứ nhất : con virus dần dần biến mất, và mọi sự trở lại như cũ. Không ai cấm ta mơ mộng, nhưng đây là kịch bản khó xảy ra nhất. Vac-xin đã từng tiêu diệt được bệnh đậu mùa, nhưng đây là con virus duy nhất bị trừ khử trong lịch sử, vì nó không truyền qua vật trung gian và hiếm khi biến đổi. Nếu phong tỏa tuyệt đối sẽ phải trả một cái giá rất đắt.

Giả thiết thứ hai : virus SARS-CoV-2 trở thành quen thuộc như cúm mùa. Trong trường hợp này, nó sẽ không gây ra thể nặng vì đã có được miễn nhiễm tập thể sau tiêm chủng và sau khi bị nhiễm, việc điều trị đã có nhiều tiến bộ. Mỗi mùa đông lại phải mang khẩu trang, và tổ chức lại hệ thống y tế để đối phó hàng năm.

Khả năng thứ ba : virus biến hóa và thoát khỏi mọi sự kiểm soát, phải bắt đầu từ con số không. Tuy giả thiết nguy hiểm này khó thể xảy ra, nhưng vẫn phải cảnh giác. Các phòng thí nghiệm phải khẩn cấp chế tạo vac-xin mới, và các chính phủ tổ chức tiêm chủng đại trà, đồng đều trên thế giới để tránh quả bom nổ chậm này.

Thụy My

Published in Quốc tế