Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Xã hội Việt ngày nay đã mất dần đi tính xấu hổ, ăn năn trong không ít người Việt. Đó là một điều rất đáng lo ngại bởi khi con người không biết xấu hổ khi làm sai, không ăn năn sau khi đã làm sai thì hết sửa chữa, cứu chuộc. Một dân tộc có nhiều người không biết xấu hổ, không biết ăn năn thì dân tộc đó chỉ có một con đường : tự diệt.

Tại sao người Việt mình bây giờ ít tự vấn lương tâm, ít xấu hổ, ăn năn như vậy ? Vì mỗi ngày chúng ta đều có thể đọc được những thông tin quan chức chính quyền các cấp-là thành phần quản lý và dẫn dắt đất nước-lại không hề xấu hổ khi phát ngôn sai, hành động sai, nói một đàng làm một ngã leo lẻo. Quan chống tham nhũng thì tham nhũng. Quan chống buôn lậu thì buôn lậu. Quan nói thương dân thì đem công an quân đội đi cưỡng chế cướp đất… Dân mình cũng quay cuồng trong công cuộc kiếm tiền bất chấp tất cả và ngụy biện bằng đủ mọi hình thức hòng xóa bỏ tính xấu hổ của bản thân để khỏi ăn năn khi làm điều sai, xấu.

Việc tự triệt tiêu sự xấu hổ và ăn năn của bản thân có vẻ có lợi trước mắt nhưng về lâu dài nó làm con người dần mất đi nhân tính. Dạy con biết xấu hổ, biết ăn năn là dạy con nhân tính và tiến bộ.

Trước hết, làm cha mẹ, cần hiểu rằng : không một đứa trẻ nào không phạm lỗi lầm. Khi con phạm lỗi lầm bất kỳ nào, cha mẹ cần phải bình tĩnh để suy xét các nguyên nhân dẫn đến lỗi lầm đó. Có mấy nguyên nhân cụ thể sau :

1. Do con trẻ thiếu kiến thức. Đây là nguyên nhân chính của mọi vấn đề của con trẻ

Trẻ em là những con người cần được học hỏi rất nhiều để định hình nhân cách, trưởng thành. Trong quá trình đó, có rất nhiều lần chúng có những lời nói và hành động sai do không có kiến thức trong việc đó. Hãy giúp con học hỏi kiến thức. Khi con có kiến thức đúng, đủ trong việc đó thì con sẽ không nói và làm sai nữa.

dayconxauho1

Dạy con biết xấu hổ, biết ăn năn là dạy con nhân tính và tiến bộ.

Một đứa trẻ làm sai một bài toán là vì nó chưa hiểu cách làm bài toán đó như thế nào cho đúng. Hãy dạy con thay vì chỉ trích chửi mắng nó ngu. Một đứa trẻ tuổi mới lớn học đòi hút thuốc vì nó bắt chước bạn, muốn tập làm người lớn, nó thiếu kiến thức để nhận biết làm người lớn là cần có trách nhiệm với bản thân và mọi người chứ cầm điếu thuốc không phải là người lớn. Hãy dạy con thay vì vội vàng đánh mắng nó học đòi. Một đứa trẻ ăn cắp tiền của cha mẹ để đi chơi là vì nó chưa hiểu được giá trị, mục đích của đồng tiền cũng như chưa hiểu rõ ăn cắp dù là của cha mẹ thì cũng là điều xấu. Hãy dạy con thay vì đánh đập chửi bới hoặc kêu gào khóc lóc nhà vô phúc.

2. Do con trẻ căng thẳng, ức chế về tâm lý. Đây là nguyên nhân chủ yếu thường gặp ở lứa tuổi mới lớn

Trẻ em trong gia đình có cha mẹ hòa thuận hay không hòa thuận thì vẫn có những lúc chúng bị căng thẳng, ức chế. Khi bị căng thẳng và ức chế, chúng sẽ cố tình làm ngược tất cả những gì được dạy để chống đối, với mục đích tạo căng thẳng, ức chế cho các thành viên khác trong gia đình. Sự cãi lời, ương bướng giúp trẻ đạt được hai yêu cầu bản thân : tạo sự chú ý của người lớn và giảm căng thẳng cho bản thân. Nhưng, với kiến thức nuôi dạy con ít ỏi, cha mẹ Việt thường sẽ chú ý tới trẻ bằng cách chửi mắng và tăng thêm căng thẳng cho trẻ. Nó là vòng lặp bệnh lý của cả gia đình, không có hướng giải quyết tốt đẹp.

Một đứa trẻ đánh em, la mắng quát nạt em vì nó đã bị đánh, la mắng trước đó và nó nghĩ đó là cách giải quyết tốt nhất. Một đứa trẻ hiểu rằng học hành là tốt cho bản thân nhưng ba mẹ trong gia đình bất hòa và luôn chửi mắng nhau, chửi trách đổ thừa con cái, thì trẻ sẽ chán chường việc học hành và không coi trọng bản thân. Nó sẽ có những hành động đôi lúc rất điên rồ, tự hủy.

Trong một gia đình bình thường, yêu thương nhau thì trẻ vẫn có những lúc bị căng thẳng, ức chế. Trẻ không được đáp ứng một điều gì đó như mua một món đồ chơi mới hay không được đi chơi với bạn. Trẻ có những va chạm với bạn bè. Trẻ có vấn đề với thầy cô…

Cha mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân vì sao con trẻ bị căng thẳng, ức chế và giải quyết rốt ráo nguyên nhân đó, không để kéo dài, không la mắng khi không rõ nguyên nhân và chưa giải quyết nguyên nhân.

3. Do ảnh hưởng từ chính gia đình, xã hội và môi trường sống

Đây là một nguyên nhân rất khó nhận diện bởi hầu hết gia đình, xã hội và nhà trường thường đổ lỗi vòng quanh cho nhau và tệ hơn là : đổ lỗi hết cho trẻ. Rất hiếm người tự nhận trách nhiệm và xem đó là lỗi của mình.

Sau khi tìm hiểu đúng nguyên nhân vì sao trẻ mắc lỗi lầm và giải quyết nguyên nhân, hãy phân tích cho trẻ để trẻ biết cho dù là vì nguyên nhân nào thì việc làm ra lỗi lầm cũng có một phần trách nhiệm của trẻ trong đó. Đó là lúc dạy trẻ biết xấu hổ, ăn năn và khắc phục.

Không một đứa trẻ nào không ham chơi hơn ham làm ham học. Cha mẹ dặn con rửa chén quét nhà, dọn phòng riêng… đi làm về thấy trẻ không thực hiện, cha mẹ cần nhắc trẻ làm cho xong. Có thể giúp trẻ bằng cách cùng làm với trẻ nhưng phải ồn tồn giải thích cho trẻ biết đó là việc của trẻ, lần sau cha mẹ sẽ không giúp nữa và trẻ cần tự giác đừng để cha mẹ nhắc. Có thể giúp trẻ lên thời khóa biểu việc nhà việc học và chơi để giúp trẻ biết lập kế hoạch. Hướng dẫn trẻ cách làm việc thế nào cho nhanh, gọn, hiệu quả để trẻ có thời gian chơi.

Nếu cha mẹ tự làm và chửi mắng mà trẻ vẫn ngồi chơi không quan tâm, không chạy lại phụ cha mẹ thì hãy biết lo lắng đi là vừa, vì trẻ đã không được dạy cho biết xấu hổ, trẻ đã đang tự triệt tiêu sự xấu hổ của bản thân để đạt lợi ích trước mắt. Không biết xấu hổ khi không làm tròn trách nhiệm trong việc nhỏ thì khi lớn trẻ sẽ không biết có trách nhiệm, không biết xấu hổ với những lỗi nghiêm trọng, không biết xin lỗi, sửa sai. Con trẻ sẽ đánh mất nhân cách khi không được dạy dỗ đúng cách ngay từ khi còn nhỏ. Dạy con biết xấu hổ là một phần rất quan trọng trong việc định hình nên con người của con sau này, thế nên đây là việc rất quan trọng không thể xem thường.

Nguyễn Thị Bích Ngà

(4/10/2019)

Published in Văn hóa

Một trong những lý do khiến các quốc gia Bắc Âu như Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển, Phần Lan, Iceland… luôn luôn nằm trong top những quốc gia hạnh phúc nhất, hay người dân cảm thấy hạnh phúc nhất, là vì đời sống tại các quốc gia này không quá căng thẳng, con người không phải chịu nhiều sức ép bất kể là từ đâu : gia đình, nhà trường, nơi làm việc hay dư luận xã hội.

concai1

Học sinh Việt Nam đi qua một bức hình trong đại sứ quán Mỹ trong một sự kiện hôm 9/11/2016.

Chẳng hạn, học sinh tại các quốc gia này không phải chịu sức ép về điểm số, kết quả học tập, học sinh đi học đến lớp 8 mới bắt đầu tính điểm nhưng điểm số cũng chỉ học sinh đó và mỗi giáo viên cho điểm biết, không công khai trước lớp hay toàn trường ! Các em có thể học giỏi hay bình thường hay kém cũng chả sao, thầy cô, nhà trường và ngay cả bố mẹ không bao giờ thúc ép hay la mắng, làm khổ con em vì những chuyện như vậy.

Lớn lên một chút, nếu muốn học tiếp lên đại học, cao học, Tiến sĩ thì học, nếu muốn đi học trường nghề hay thậm chí đi làm những nghề bình thường trong xã hội như lau chùi, phục vụ trong nhà hàng, làm việc trong siêu thị, lái xe bus… cũng chả sao. Tại các quốc gia này mọi người đều bình đẳng, con người không bị đánh giá bởi bằng cấp, địa vị, và khoảng cảch giàu nghèo cũng không quá cách biệt, thậm chí học càng nhiều, lương càng cao thì càng bị đánh thuế nặng !

Và dù làm bất cứ công việc gì thì con người ta cũng đủ sống (chưa kể những việc lao động nặng nhọc lương lại nhiều), được hưởng mọi chế độ an sinh xã hội, giáo dục y tế miễn phí, về già có tiền giả, lương hưu…nên con người cứ thế mà thanh thản sống, không quá âu lo. Giàu có, thành đạt, xinh đẹp… càng tốt mà không giàu có, không thành đạt, không xinh đẹp, thậm chí bị tàn tật, khiếm khuyết về sức khỏe… cũng vẫn sống bình thường, không có gì phải mặc cảm ! Không việc gì phải đua chen cho bằng với người khác vì như đã nói, xã hội không đánh giá con người bởi bằng cấp hay những cái bên ngoài !

Chính vì thế mà người dân tại các quốc gia này thường cảm thấy hài lòng về cuộc sống, ít căng thẳng, ít lo âu, và do đó, họ hạnh phúc !

Việt Nam, trái lại, con người có quá nhiều nỗi lo từ khi còn ở tuổi mẫu giáo cho tới khi nhắm mắt lìa đời ! Sức ép đến từ xã hội, một xã hội quá chuộng bằng cấp, chuộng địa vị, chỗ đứng, cái danh cho tới những cái bên ngoài như phải có nhà lầu xe hơi, phải ăn mặc tiêu xài chưng diện cho bằng với người ta… Con người phải lao vào học, kiếm cái bằng, cái ghế, cái danh, và trên hết là kiếm tiền, vì nhà nước chỉ biết bóc lột, tận thu đủ loại thuế từ người dân mà chả lo cho dân cái gì, nên phải kiếm tiền phòng khi đau ốm, lúc thất nghiệp, khi gặp tai nạn rủi ro, khi về già, đám ma đám cưới, kiếm tiền cho con đi du học ở nước ngoài (cũng lại cho bằng với con người ta) !

Nhưng sức ép còn đến từ trong gia đình, từ trong suy nghĩ, quan niệm sống của đa số người Việt Nam. Bài viết này chỉ tập trung một khía cạnh : tâm lý kỳ vọng vào chuyện học hành từ các bậc phụ huynh người Việt đối với con em.

Ở trong nước, trẻ em Việt Nam khổ từ khi mới vào mẫu giáo cho tới suốt những năm đi học cấp một, cấp hai, cấp ba, rồi đại học, vì sự kỳ vọng này của cha mẹ. Học phải giỏi (hơn con nhà hàng xóm), phải điểm cao, phải vô được trường chuyên lớp chuyên, phải đậu đại học, phải học những ngành được xã hội đánh giá cao, trọng vọng như bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư, kinh tế… Hết học ở trường lại phải đi học thêm, hết học chữ lại học 1, 2 ngoại ngữ, học nhạc, học hát, học khiêu vũ, bơi, các loại môn thể thao v.v… quanh năm suốt tháng học, không có thời gian nghỉ, không có mùa hè, không có tuổi thơ, chỉ vì cha mẹ muốn con mình trở thành một con người hoàn hảo, cái gì cũng biết, cái gì cũng giỏi !

Đã trở thành quá bình thường hình ảnh những ông bố bà mẹ chở con từ trường qua lớp học thêm này rồi lớp học khác, đứa nhỏ ngồi sau tranh thủ ăn lấy sức hoặc gà gật ngù vì buồn ngủ quá sức ! Đã trở thành quá bình thường hình ảnh các ông bố bà mẹ đi thi cùng con, con ngồi trong thi thì bên ngoài bố mẹ vật vạ nằm ngồi chờ đợi ; vì muốn con phải vào bằng được đại học mà nhiều người sẵn sàng bán ruộng bán vườn, làm đủ thứ nghề nặng nhọc nuôi con, dù những năm sau này số lượng Cử nhân, Thạc sĩ ra trường rồi thất nghiệp đầy rẫy, nhưng cha mẹ vẫn tự an ủi con mình thất nghiệp nhưng mà có học, chứ không phải do thất học nên không kiếm được việc làm !

Cũng đã trở thành bình thường những câu chuyện bố mẹ chọn ngành học cho con, bất chấp con có thích, có phù hợp hay không. Có nhiều bậc cha mẹ thất bại trong cuộc đời, không làm được một công việc nào đó mà họ ao ước, thế là họ muốn con mình cũng theo nghề đó, nối tiếp ước mơ dang dở của họ !

Cũng đã dần dần trở thành bình thường những câu chuyện có những em học sinh bị trầm cảm vì sức ép trong học hành, thậm chí tự tử ! Mới đây nhất cái chết của một học sinh lớp 10 trường Nguyễn Khuyến (Thành phố Hồ Chí Minh) bằng việc gieo mình từ tầng cao, để lại những lá thư tuyệt mệnh nói lý do tự tử vì không học giỏi, không đáp ứng được kỳ vọng của bố mẹ khiến cả xã hội bàng hoàng ! Nhưng đó không phải là lần đầu tiên cũng không phải là lần cuối cùng, một câu chuyện kiểu như vậy xảy ra ! (Đọc thêm bài "Học sinh tự tử vì áp lực học : Chết trong kỳ vọng", báo Tiền Phong). 

Nhưng không phải chỉ do sống trong một môi trường xã hội như ở Việt Nam, nhiều bậc phụ huynh mới thúc ép con em học hành, mà ngay cả khi đã ra bên ngoài, sống trong một xã hội tự do, dân chủ như Mỹ, như các nước phương Tây, các bậc phụ huynh người Việt nói riêng và các nước Đông Á nói chung cũng nổi tiếng là hy sinh tất cả cho con, đặt kỳ vọng lên con, vì vậy mà học sinh các nước Đông Á như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… thường đạt thứ hạng cao hơn học sinh nhiều quốc gia khác ở bậc trung học, và thường học lên đại học ! Nhưng mặt trái là các em phải chịu áp lực từ gia đình, cho dù đã ra sống ở nước ngoài !

Câu chuyện một sinh viên người Mỹ gốc Việt giết mẹ vì bị ép trở thành bác sĩ cách đây đã mười năm ("Thảm kịch giết mẹ trong gia đình gốc Việt vì bị ép trở thành bác sĩ", VietnamNet, "Con giết mẹ vì bị ép học làm bác sĩ ? Báo Người Việt)… đã cho thấy phần nào cái mặt trái ấy.

Là bởi vì, tuy đã ra sống ở nước ngoài, nhưng không phải bậc phụ huynh nào cũng thay đổi, tiến bộ về nhận thức, quan điểm cho phù hợp với một xã hội tự do, dân chủ, văn minh. Trong khi đối với phụ huynh các nước Âu Mỹ, họ đã quen với việc coi trọng con từ khi còn bé, cho con tự lập, tự quyết định hầu hết mọi vấn đề trong cuộc sống, cha mẹ chỉ lắng nghe, góp ý, ủng hộ hoặc khuyên nhủ thêm, thì đa số các bậc phụ huynh Việt Nam, dù còn sống trong nước hay đã ra bên ngoài, vẫn xem con cái như trẻ nhỏ, thậm chí, như "tài sản", "vật sở hữu" của mình.

Con cái là phải nghe lời, phải tuân theo ý muốn của bố mẹ, phải học ngành này, chọn lấy người kia v.v…Và đối với đa số người Việt ở trong nước hay thuộc thế hệ thứ nhất, thứ hai ở nước người, bác sĩ vẫn là một nghề được trọng vọng, ước ao. Thành đạt với đa số những người Việt này sau nhiều năm sống ở nước ngoài là có một cái nhà, cái xe và có con học bác sĩ, cùng lắm thì dược sĩ, kỹ sư, luật sư ! Còn bao nhiêu cái nghề khác trong lĩnh vực media, điện ảnh, nghệ thuật…họ không biết tới hoặc cho là…tào lao !

Đến bao giờ thì nhiều bậc cha mẹ Việt Nam hiểu được một điều đơn giản : Hãy để con cái sống cuộc đời của chúng, chứ đừng sống thay chúng hoặc bắt chúng sống thay cho những giấc mơ, những kỳ vọng của chính mình ?

Song Chi

Nguồn : RFA, 01/05/2018 (songchi's blog)

Published in Diễn đàn