Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Nếu chúng ta muốn đấu tranh cho công cuộc dân chủ hóa của đất nước, dứt khoát ta cần phải rũ bỏ ngay một thứ văn hóa độc hại, nguy hiểm đã ăn sâu vào máu của người Việt Nam : Văn hóa bạo lực.

baoluc1

Hãy giữ cho đạo đức của mình trong sáng như ngọn đèn dẫn lối cho quần chúng.

Đầu tiên, tôi xin bàn qua vài lời về cụm từ này. Bạo lực là hành vi sử dụng sức mạnh thể chất hoặc quyền lực, để nhằm đe dọa, chống lại một cá nhân, một nhóm người hay cộng đồng nào đó, dẫn đến các khả năng thương tích cao về thể chất lẫn tinh thần, hoặc đôi khi là tử vong cho những cá nhân hoặc cộng đồng bị tác động bởi nó.

Tôi gọi bạo lực là một loại văn hóa. Văn hóa là gì nếu không phải nó là tất cả những thứ tác động, ảnh hưởng đến lối tư duy và cách ứng xử của một cộng đồng người. Và suốt chiều dài lịch sử của chúng ta, chúng ta đã chỉ là tác nhân, và nạn nhân của chính thứ văn hóa nguy hiểm đó. Thậm chí đến cả chính quyền Việt Nam Cộng Hòa xưa kia hay chính quyền Cộng Sản Việt Nam bây giờ, cũng không ngoại lệ bởi thứ văn hóa đó. Ta hãy thử ngẫm nghĩ lại xem, trong lịch sử chúng ta, ngoại trừ các cuộc chiến tranh với những thế lực từ nơi khác đến điển hình là phương Bắc, thì chúng ta toàn chỉ là nội chiến, nồi da nấu thịt, anh em một nhà chém giết, thanh trừng lẫn nhau.

Nội chiến chỉ đơn giản là câu chuyện khi các phe phái trong một dân tộc, một đất nước không thể giải quyết vấn đề bằng phương pháp hội đàm để đi đến đồng thuận, trong một trạng thái bất lực đã phải quyết định lựa chọn sử dụng phương pháp bạo lực như xung đột vũ trang, thủ tiêu, ám sát,… để khuất phục phe kia và giành lấy quyền lực làm chủ. Những ví dụ như vậy không hiếm. Loạn 12 sứ quân, những cuộc giặc giã dưới thời Lý, Trần , rồi việc Hồ Qúy Ly cướp ngôi nhà Trần, sau đó là thời sau Hậu Lê, chiến tranh Lê – Mạc, Trịnh – Nguyễn phân tranh, Tây Sơn và Nguyễn Ánh, Cộng hòa và Cộng sản, tất cả đó chẳng phải là những ví dụ rõ nét về văn hóa bạo lực của chúng ta hay sao.

Nội chiến và bạo lực luôn để lại hậu quả tan tác, mất mát và những tổn thất khó có thể khôi phục được cho cả dân tộc. Ta trách đảng cộng sản, nhưng không nên phủ nhận rằng họ cũng chỉ là một sản phẩm của thứ văn hóa đó. Chúng ta là một dân tộc thiếu hụt về tư tưởng, nên việc chúng ta không thể ngồi đàm phán với nhau mà chỉ có thể nói chuyện bằng vũ lực, không phải là việc gì lạ lẫm. Nhận diện văn hóa bạo lực, để từ đó thấy rằng, chúng ta phải hết sức đề phòng và tránh xa bạo lực. Cho dù ở cấp độ nào, quy mô nào đi chăng nữa, lớn hay nhỏ, bạo lực luôn chỉ là phương án bất đắc dĩ thể hiện một sự bế tắc nhất thời của việc tranh chấp.

Đó là một trong những lý do mà Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên chúng tôi luôn theo đường lối bất bạo động, hòa giải và hòa hợp dân tộc. Chúng ta khác đảng cộng sản, vì chúng ta muốn dân chủ hóa đất nước. Vì vậy không thể sử dụng cái cách thức mà đảng cộng sản đã dùng để phục vụ cho cứu cánh của mình. Ngoài ra, chúng ta không thể giải quyết một vấn đề bằng chính thứ tư duy tạo ra nó.

Còn hai lý do cơ bản để ta thấy được rằng, trong cuộc đấu tranh cho dân chủ mà phía bên kia là đảng cộng sản, chúng ta không nên và không thể dùng bạo lực, hay bất kỳ hình thái nào khác tương tự.

Lý do thứ nhất là, ta không nên dùng bạo lực vì bạo lực chỉ gây đến sự đổ vỡ, mất mát, kể cả cho dù có đạt được dân chủ, thì ta phải mất rất nhiều tâm huyết, công sức để hàn gắn lại những đổ nát cả về vật chất lẫn tinh thần mà bạo lực gây ra. Đảng cộng sản đã làm mất thời giờ của đất nước, của dân tộc trong cuộc chạy đua về sự phồn vinh, cường thịnh của đất nước, thì chúng ta càng không thể làm chậm thêm tiến độ đó một lúc nào nữa. Chúng ta phải là tác nhân rút ngắn khoảng cách đó lại, mà bạo lực lại là thứ không phục vụ cho mục đích đó.

Lý do thứ hai, thực tế hơn, là chúng ta không thể có cơ hội sử dụng bạo lực với đảng cộng sản hay là chiến thắng đảng cộng sản bằng bạo lực. Trước kia một thời gian rất dài, các tổ chức đấu tranh hải ngoại luôn đề cao bạo lực và có tư tưởng bạo động để lật đổ đảng cộng sản. Tôi cảm thông cho họ, tôi thấy họ đáng thương vì họ cũng chỉ là nạn nhân của thứ văn hóa bạo lực. Chúng ta quá ghê sợ bạo lực đến mức tôn thờ cả bạo lực.

Nhưng hãy nhìn vào thực tế. Tôi đặt tình huống giả dụ nếu chúng ta muốn sử dụng bạo lực đi. Chúng ta không có binh lực, tiền bạc, nhân lực nào có chuyên môn trong tay. Trong khi đối đầu với chúng ta là cả một hệ thống công an, quân đội với lực lượng an ninh cài cắm ở mọi nơi. Sẽ không có chuyện chúng ta có thể tổ chức đánh bom, vũ trang, ám sát các quan chức cộng sản với hy vọng làm vậy là gây đòn suy yếu cho chế độ cộng sản.

Nên nhớ rằng ở đất nước này, họ là những ông vua con được bảo vệ không khác gì những lãnh chúa, vương hầu thời quân chủ chuyên chế xưa kia. Việc ám sát là một điều quá huyễn hoặc và ảo tưởng. Bên cạnh đó, nếu làm như vậy thì chúng ta đã trở thành khủng bố chứ không phải những con người lương thiện muốn đấu tranh vì dân chủ. Chúng ta cũng không có một đồng minh là quốc gia hay tổ chức quốc tế nào vì đơn giản đây là thế kỷ 21, thế kỷ của hội nhập, hợp tác và thỏa hiệp. Sẽ chẳng có ai ủng hộ chúng ta hết kể cả chúng ta có sử dụng bạo lực để lật đổ một chế độ độc tài đi chăng nữa.

Tại sao đảng cộng sản luôn nhắc đi nhắc lại "diễn biến hòa bình" mà không bao giờ sợ "diễn biến không hòa bình". Vì đó mới thật sự là điểm yếu nhất của họ. Nếu chúng ta sử dụng bạo lực, đảng cộng sản càng có sự chính đáng để sử dụng lực lượng vũ trang với mục đích đàn áp, dập tắt mọi phong trào, tổ chức hay cá nhân muốn dân chủ hóa đất nước. Như vậy, chúng ta chỉ thêm tổn thất. Tổn thất nặng nề. Đó là điều mà tôi nghĩ không ai muốn.

Văn hóa bạo lực là một thứ rất nguy hại. Khi khước từ bạo lực rồi, vũ khí duy nhất của chúng ta chính là lời nói và sự lương thiện. Ôn hòa chính là một loại sức mạnh. Nó có thể chữa lành các vết thương cũng như hất đổ các chế độ độc tài, mà ví dụ về việc đó không thiếu, sự sụp đổ của các chế độ cộng sản ở Đông Âu như là một bài học nhãn tiền trước mắt. Chúng ta hãy tranh thủ từng giờ từng phút học tập thêm kiến thức, hãy giữ cho đạo đức của mình trong sáng như ngọn đèn dẫn lối cho quần chúng. Chúng ta là hy vọng của một đất nước mà mọi sức lực đã rệu rã.

Nếu bạn đồng ý và muốn đồng hành cùng chúng tôi trong công cuộc dân chủ hóa đất nước, hãy liên hệ với chúng tôi. Hơn lúc nào hết, đất nước đang cần những con người lương thiện, quả cảm nhất, thông minh nhất và ôn hòa nhất để nhận trách nhiệm đứng ra dẫn dắt tất cả ra khỏi bóng đêm của độc tài, toàn trị. Đảng cộng sản là một quá khứ đổ máu với cốt lõi là bạo lực cần phải ra đi, chính chúng ta, những con người ôn hòa với sự cương quyết và tấm lòng với đất nước, mới là đại diện cho một tương lai mới tươi đẹp hơn phải đến của dân tộc này.

Hãy can đảm lên, các trí thức. Tương lai của tất cả đang phụ thuộc vào sự có mặt ngày hôm nay của chúng ta !

Việt Thủy

(7/9/2018)

Published in Quan điểm
mercredi, 08 août 2018 08:14

Văn hóa bạo lực

"Văn hóa" nó bao hàm rất lớn, hầu hết tất cả mọi lĩnh vực đều có bóng dáng của nó. 

Ngày nay người ta sử dụng cụm từ "văn hóa" này rất nhiều, từ thôn, xóm, làng, ấp cho đến khu phố, phường, xã văn hóa, gia đình văn hóa, và có thêm "văn hóa mới", "văn hóa du lịch", "văn hóa ẩm thực"… gì nữa đó, tôi không nhớ rõ hết. Tôi đã từng hỏi là gì, bởi thấy nó không rõ ràng, thấy cứ chung chung, cứ mơ hồ. Nhưng không được quan chức, những người có trách nhiệm giải đáp gì cả, ngay cả những cán bộ văn hóa họ cũng lặng im. 

danoan1

Văn hóa bạo lực - Ảnh minh họa

Tôi vẫn ấm ức lắm, nên tiếp rục lân la dò hỏi. Một hôm, ghé một quán nước bên đường trên đường đó đây với gió bụi, tôi lại đề cập tới vấn đề này. Một số người ngần ngừ chưa kịp trả lời thì có một anh bạn đưa cái trán sưng một cục bự chù vù ra chỉ :

"Văn hoa la… cai lon, đanh lôn". 

Vụ gì đây ? Sau khi giật mình cái thót, tôi phải nhíu mày cả chập mới à ra (may chưa diễn dịch trật quẻ, chứ không thì "biết ra sao ngày sao") anh bạn là người Châu Mạ ở Bảo Lâm, Lâm Đồng, nên giọng nói còn lo lớ, anh bị đám choi choi phóng xe bạt mạng đụng vào mình, mới cãi nhau có mấy tiếng thì nó đánh cho cái đầu "đội đèn pin". Vậy nên văn hóa là cãi lộn, đánh lộn. 

Tôi thấy có lý lắm, đâu đâu tôi cũng thấy chuyện này. Chỉ cần một cú quẹt nhẹ cũng có thể xảy ra cãi vả, đánh nhau. Cũng như vậy, người dân nghe người ta tuyên truyền cụm từ "văn hóa giáo thông" ra rả hàng ngày, và thấy rất nhiều, tuyên truyền trên báo đài, dựng pa nô, giăng biểu ngữ… khắp chốn.

Nhìn rộng ra, cãi lộn, đánh lộn, không chỉ từ va chạm giao thông, mà nó xảy ra từ bất cứ chuyện gì, từ chuyện lớn tới chuyện nhỏ. Đôi khi từ những chuyện không đâu lại gây hậu họa khôn lường. Đâm chém gây thương vong chẳng hạn. Như : không bằng lòng với cái nhìn của người đối diện, ngày nay gọi là nhìn đểu, hoặc mời uống rượu bia nhưng không uống bị coi là khinh khi… 

Những sự vụ đau lòng, ghê gớm tận cùng như cha con, vợ chồng… giết nhau, xảy ra cũng không ít. 

Đánh nhau, cãi nhau, không chỉ gói gọn trong tầng lớp dân đen nông cạn, kém hiểu biết. Mà nó còn xảy ra ngay cả ở chốn công sở, chốn quan trường, cũng không phải chỉ là những nhân viên quèn, cán bộ nhỏ mà cả cán bộ cấp cao. 

Xin kể sơ vài vụ bị phanh phui : 

8/2014, ông Ông Phạm Thành Chung, phó giám đốc sở Nội vụ và ông Bùi Quốc Khánh phó giám đốc sở Ngoại vụ cùng "thượng cẳng chân hạ cẳng tay" tại một quán karaoke ở thị xã Đồng Xoài, ông Khánh còn dùng ly bia đánh ông Chung khiến ông Chung bị tét đầu.

9/2016, ông Nguyễn Văn Dũng, phó trưởng phòng Bảo vệ chính trị nội bộ thuộc Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Thuận, đập ly bia vào đầu ông Huỳnh Nhật Khánh, nguyên cán bộ Ban Tổ chức Tỉnh ủy ở bàn nhậu, gây vết thương phải may đến 9 mũi.

Ngày 16/3/2017, ông Cao Minh Phương, trưởng phòng Tài nguyên nước và ông Diệp Xuân Vinh, chi cục phó chi cục Quản lý đất đai tỉnh Kon Tum, trên chuyến xe trên đường công tác từ thành phố Pleiku trở về đã choảng nhau, bởi không… phối hợp mời bia đoàn Pleiku, sau đó ông Vinh còn kéo quân tới nhà dọa giết ông Phương… 

Ở nơi có thể nói là có môi trường hòa nhã nhất, là chốn học đường cũng không thể tránh khỏi. Đã có nhiều cô giáo mần non đánh đập, hành hạ trẻ nhỏ, ngay cả khi có người phải vào chốn lao tù, sự vụ vẫn không dừng lại. 

Hơn thế nữa, nó lại xảy ra trong môi trường văn hóa, với cán bộ văn hóa. Có thể thấy môi trường văn hóa chỉ là cái gọi là. 

Hai sự vụ mới nhất, xảy ra cách đây không lâu : 

Ngày 22/6, vợ ông Phạm T.H., hiện đang là cán bộ phụ trách văn hóa thị trấn Lương Bằng, huyện Kim Động Tỉnh Hưng Yên, tố cáo ông ta đã ngoại tình còn đánh đập vợ, đòi đuổi vợ ra khỏi nhà.

Ngày 24/7, trong giờ làm việc tại cơ quan, do mâu thuẫn cá nhân, ông Trần Ngọc Châu, giám đốc Trung tâm Văn hóa thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh, đã đánh chị chuyên viên của trung tâm. Ông ta "khóc lóc" với báo chí, do áp lực công việc, và đâu có gì to tát (chỉ đánh… túi bụi vào đầu, mặt, vai, lên gối vô bụng, đủ để đi bệnh viện thôi chứ bao nhiêu) nên đòi xử lý nội bộ. Với người làm lãnh văn hóa mà có thói côn đồ, du côn, đáng lý phải đuổi việc ngay tức khắc, khởi tố vụ án, trái lại, chỉ bị đình chỉ 16 ngày để kiểm điểm. 

Gọi nôm na thì đây là văn hóa cãi lộn, đánh lộn. Gọi sách vở một chút thì đây là văn hóa bạo lực. 

Nó có từ đâu ? Vì đâu nên nổi như vậy ? Tôi cũng đem câu hỏi này hỏi nhiều người. Và lạ lùng là không khó để có câu giải đáp. Nhiều người trả lời ngày rằng, nó là nền móng từ bạo lực cách mạng.

Bạo lực cách mạng được gọi là kim chỉ nam của chế độ từ khi mới hình hành, từ thuở sơ khai đấu tranh cách mạng. Như vậy nó là một trong những tiêu chí hàng đầu của chế độ. Nó không chỉ nằm lòng ở cán bộ lãnh đạo mà được tuyên truyền, vận dụng rộng rãi đến mọi tầng lớp con người trong xã hội. Vận dụng bạo lực để chiến thắng bằng mọi giá, ngay cả "hy sinh tới giọt máu cuối cùng, hoặc đốt cháy cả dãy Trường Sơn…" 

Vì vậy, giáo dục đạo đức, giáo dục để nên người, giáo dục công dân đã không còn quan trọng nữa. 

Chủ trương chỉ có một con đường nó biến con người trở nên độc đoán, độc tài, luôn cho rằng lúc nào cũng đúng, không bao giờ sai. Những ai không theo hướng kim chỉ nam này, hoặc đi chệch phương ắt sẽ bị loại trừ, dĩ nhiên là bằng bạo lực, ngay cả những người từng là đồng chí, đồng đội, ăn cùng mâm nằm cùng chiếu với nhau. 

Chủ trương bạo lực này nó không chỉ gây độc đoán, độc tài, mà còn làm cho người ta hiếu thắng, rất tự hào với chiến thắng. Một khi mù quáng, mê muội với thắng thua càng dẫn đến con đường bạo lực. Bạo lực để chỉ có thắng, thắng trong mọi lĩnh vực.

Chủ trương này được xuyên suốt tiếp nối. Như đã thấy, hiện tại, chính quyền sẵn sàng đàn áp dân chúng không thương tiếc bằng bạo lực nếu có phản kháng, cho dù dân chúng phản kháng ôn hòa, cho dù phản kháng là đúng đắn. 

Và, cán bộ, quan chức lãnh đạo là tấm gương trong một xã hội. Dân chúng ảnh hưởng, học hỏi, noi theo những tấm gương đó. Những tấm gương xấu xí thì xã hội tràn đầy bạo lực đâu có gì là lạ. 

Thời bình nhưng không được bình yên. Vậy thì phải làm sao ? chỉ có mạnh dạn cắt bỏ cái gốc rễ hình thành nên nó, bắt đầu với tiêu chí giáo dục nên con người trước tiên mà thôi.

Dân Oan

Nguồn : VNTB, 08/08/2018

Published in Văn hóa