Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Ngày 20/03/2019 là ngày quốc tế cộng đồng Pháp ngữ. Tạp chí Thế giới Đó đây Tuần này xin dành số đặc biệt điểm lại hiện trạng tiếng Pháp, ngôn ngữ thứ năm được sử dụng nhiều nhất trên thế giới hiện nay ; các giải pháp để quảng bá ngôn ngữ và văn hóa Pháp mà Việt Nam là một ví dụ điển hình và nhất là quyết định xây một "mái ấm" cho Cộng đồng Pháp ngữ của tổng thống Macron.

phap1

Ảnh minh họa : "Xin vui lòng nói bằng tiếng Pháp" : Khẩu hiệu Ngày Quốc Tế Pháp Ngữ 2019.OIF

Tiếng Pháp là ngôn ngữ thứ năm được sử dụng nhiều nhất trên thế giới hiện nay. Tầm mức ảnh hưởng của ngôn ngữ được mệnh danh là "Ngôn ngữ Molière" trên thế giới hiện nay ra sao. Nhà báo Ali Laidi, trên kênh truyền hình France 24 đưa ra vài con số tổng kết.

"Hiện có khoảng 300 triệu người sử dụng tiếng Pháp tại 88 quốc gia và chính phủ theo như tổng kết của Tổ chức Các nước nói tiếng Pháp OIF. Nhưng nếu thu hẹp lại tại những nước mà tiếng Pháp là ngôn ngữ chính thức, hoặc đồng chính thức, thì trên thực tế chỉ có khoảng 30 quốc gia.

Ngôn ngữ Molière là ngoại ngữ thứ năm được sử dụng nhiều trên thế giới đứng sau tiếng Hoa, Anh, Tây Ban Nha và Ả Rập. Tiếng Pháp cũng là thứ tiếng thứ hai được dùng trong giảng dậy, và ngôn ngữ thứ tư trên mạng Internet, sau tiếng Anh, Hoa và Tây Ban Nha".

Vẫn theo nhà báo Ali Laidi, không gian Pháp ngữ từ năm 2000 trở đi đã không ngừng mở rộng. Đây sẽ là một lợi thế cho việc phát triển và trao đổi hợp tác kinh tế bằng tiếng Pháp. Theo đó, thị trường tiêu thu tiềm tàng trong không gian Pháp ngữ ước tính có khoảng 545 triệu dân. Mức tăng trưởng này tiếp tục gia tăng trong những năm gần đây, nhất là tại các vùng Hạ Sahara của Châu Phi.

Tiếng Pháp đứng hàng thứ ba trong số các ngôn ngữ được sử dụng trong lĩnh vực kinh doanh, làm ăn. Tuy nhiên, tiếng Anh có trọng lượng rất lớn. đơn giản là vì ngôn ngữ được sử dụng trong kinh doanh là ngôn ngữ của luật pháp mà luật pháp được áp dụng rộng rãi, phổ biến trong kinh doanh làm ăn là hệ thống pháp luật Anglo-Saxon. Có thể tạm coi hệ thống luật Anglo Saxon có nguồn gốc từ những nước nói tiếng Anh, với Thông Luật – Common Law, chủ yếu dựa trên các án lệ và khác biệt với luật lệ của Châu Âu dựa vào các bộ luật, được gọi là luật của lục địa, luật La-tinh. Do vậy, người ta cho rằng việc áp dụng Thông Luật tốt hơn, linh hoạt hơn trong kinh doanh, làm ăn.

phap2

Trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội - L'Espace - Ảnh minh họa

Theo phân loại của Ngân Hàng Thế Giới về các nước môi trường thuận lợi cho kinh doanh, có nhiều nước nói tiếng Anh được xếp thứ hạng cao. Do vậy, theo nhận định của nhà báo Ali Laidi, vẫn còn có nhiều việc phải làm để tiếng Pháp có thể có vai trò quan trọng hơn trong tương lai.

Việt Nam : Hợp tác giáo dục khoa học để phát triển tiếng Pháp ?

Trong bối cảnh này, chính phủ Pháp phải làm gì để quảng bá hơn nữa cho tiếng Pháp ? Để tìm câu trả lời, phóng sự của đặc phái viên Stephane Lagarde đài RFI dẫn quý vị đến với Việt Nam, đất nước mà tiếng Pháp gần như đã mất ảnh hưởng trong những năm gần đây.

Thế nhưng, nhờ vào các chương trình trao đổi học sinh với các nước nói tiếng Pháp, ngôn ngữ Molière đang dần thấy lại nụ cười. Ví dụ điển hình là chương trình kết nghĩa giữa trường Amsterdam, trường trung học phổ thông lớn nhất Hà Nội với trường trung học Louis Le Grand tại Paris, một trong những trường có uy tín nhất ở Pháp và Châu Âu. Cả hai trường này đều nổi tiếng trong phương diện đào tạo các ngành khoa học cơ bản.

"Tôi là Chloé Ledoux, giáo viên Vật Lý ở trường trung học Louis Le Grand. Chúng tôi đi công tác và làm việc tại Việt Nam trong ba ngày, để thảo luận về khả năng hợp tác, thiết lập quan hệ đối tác. Cụ thể là tổ chức các cuộc giao lưu cho các em học sinh ở hai bên, trước tiên là giữa học sinh trường Louis Le Grand và trường trung học Amsterdam Hà Nội.

Chúng tôi dự một số giờ giảng, như giờ dậy tiếng Pháp. Các em học sinh ở đây có trình độ tuyệt vời vì các em đã theo học các môn bằng tiếng Pháp từ nhiều năm, từ lớp bốn (tương đương CM1 tại Pháp). Các em học sinh rất chăm chỉ và được giảng dậy rất tốt.

Chúng tôi cũng muốn tìm hiểu việc giảng dậy các bộ môn khoa học vì chúng tôi rất khâm phục trình độ của học sinh Việt Nam trong các cuộc thi Olympic quốc tế. Học sinh Việt Nam đã đoạt nhiều giải, huy chương vàng trong các cuộc thi Olympic về toán, lý, hóa… trình độ lý thuyết của các em thật đáng khâm phục. Trình độ toán của các em ở đây tương đương như ở trường Louis Le Grand.

Ngược lại, điều mà chúng tôi có thể góp phần cải thiện, nâng cao là thực nghiệm. Các thiết bị, giáo cụ hơi cũ kỹ và không có nhiều. Do vậy, chúng tôi có thể thảo luận vấn đề tài chính để giúp các em học sinh có thêm thiết bị thực nghiệm".

phap3

Viện Pháp tại Thành phố Hồ Chí Minh - Ảnh minh họa

Theo giải thích của hiệu trưởng trường Amsterdam, cơ sở hiện tại có 6 lớp song ngữ Pháp – Việt, với khoảng gần 160 em học sinh. Trường Amsterdam là cơ sở duy nhất tại Hà Nội đón nhận nhiều học sinh học tiếp Pháp nhất. Còn theo ghi nhận của Stéphane Lagarde, đối với học sinh ưu tú của trường, việc chọn học tiếng Pháp được xem như là một "giấy thông hành" cho phép đăng ký vào học ở những trường có đẳng cấp ở nước ngoài.

Về phía Pháp, ngoài lợi thế mở rộng thêm không gian Pháp ngữ, đây còn là dịp để thu hút các nhân tài, trong bối cảnh có sự cạnh tranh gay gắt trong việc săn lùng các tài năng giữa các cường quốc lớn, như nhận định của ông Jean-Louis Perez, giáo sư về vật lý trường Louis Le Grand.

"Tôi nghĩ đúng như vậy và chúng tôi không thể từ chối, bác bỏ nhu cầu đào tạo có chất lượng cao. Hơn nữa, có sự ganh đua giữa những học sinh giỏi, ưu tú. Các em đăng ký vào trường Louis Le Grand và làm hết sức mình để được nhận vào trường. Các em đã được rèn luyện và có thái độ lịch sự… Chúng tôi phải đối mặt với sự cạnh tranh của Mỹ vì họ tìm kiếm trong các trường đại học, thu hút những học sinh giỏi, tài năng của Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan…

Do vậy, tôi cho rằng nước Pháp phải có đủ khả năng đáp ứng một cách thuận lợi các nhu cầu đào tạo. Do vậy, chúng tôi khai thác uy tín, chất lượng của trường Louis Le Grand, một trường trung học danh giá và chúng tôi rất tự hào, vinh dự. Chúng tôi rất muốn giúp đỡ các học sinh Việt Nam.

Chúng tôi cảm ơn các đồng nghiệp Việt Nam ở đây vì họ làm phần việc khó nhất, đó là đào tạo, dậy dỗ học sinh. Nói một cách ví von, như trong thể thao, chúng tôi muốn tiếp nhận các tay đua giỏi trong cuộc đua xe tốc độ cao Công Thức Một F1. Ông hiệu trưởng của trường chúng tôi đã không lầm khi ông tìm cách thu hút các học sinh giỏi nước ngoài".

Villers-Cotterêt : Dinh cơ của A. Dumas, mái ấm cho OIF ?

Tổ chức các nước nói tiếng Pháp OIF rồi cũng có nơi để đặt hành trang ? Nơi để giao lưu giữa các nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu ? Nơi để giới thiệu về lịch sử phát triển tiếng Pháp cũng như là quá trình hình thành cộng đồng Pháp ngữ trên thế giới ? Đây cũng chính là mong mỏi của tổng thống Pháp Emmanuel Macron, được thổ lộ trong kỳ trong Hội nghị các nước nói tiếng Pháp tại Erevan, Armenia ngày 12/10/2018.

Nếu Alexandre Dumas còn sống, chắc ông sẽ rất lấy làm hãnh diện. Bởi vì, không ở đâu khác, chính tại lâu đài Villers-Cotterêt, cách Paris 70km, nơi ông được sinh ra, tổng thống Macron đã chọn làm "tổng hành dinh" cho OIF. Quyết định này còn mang tính biểu tượng cao bởi vì, Villers-Cotterêt, vào thế kỷ 16, chính xác là vào năm 1539, hoàng đế François I, đã ký sắc lệnh quy định sử dụng tiếng Pháp trong các hoạt động hành chính và tư pháp. Bước đi quyết định này mở đường cho việc phổ quát tiếng Pháp trong cả nước và xây dựng tính thống nhất đất nước.

Đây có lẽ còn là một niềm an ủi to lớn cho đại văn hào người Pháp. Bởi vì trong vòng hai thế kỷ, Villers-Cotterêt gần như là bị "thất sủng". Năm 1808, tuy thuộc sở hữu thành Paris, nhưng lâu đài này đã bị biến thành kho chứa các phái "cái bang", nửa là nhà tù, nửa là nhà trọ, đón hàng nghìn người hành khất, tội phạm hay những người già mà Paris không muốn. Đến cuối thế kỷ XIX, Villers-Cotterêt lại bị biến thành nhà cho người già. Nhưng đến năm 2014, khu trang viên rộng 90.000 m² này lại một lần nữa bị bỏ rơi do tình trạng quá hư nát gây nguy hiểm.

Giờ đây, với quyết tâm xây dựng một "mái nhà chung" cho OIF, nhằm tạo điều kiện cho việc phát huy rộng rãi ngôn ngữ và văn hóa Pháp, chính phủ tổng thống Macron đã quyết định chi ra 200 triệu euro để trùng tu và cải tiến khu dinh thự. Theo France 24, điền trang của đại văn hào Pháp Alexandre Dumas dự kiến sẽ mở cửa cho công chúng vào năm 2022.

Mô hình trồng trọt ra đời, tiền đề cho sự phát triển tiếng nói

Cuối cùng, mục tạp chí hôm nay xin được khép lại với một nghiên cứu ngôn ngữ học khá kỳ thú và có nguy cơ gây bùng nổ tranh cãi dữ dội. Một nghiên cứu đăng trên tờ Science ngày 15/03/2019 cho rằng sự ra đời của ngành trồng trọt vào thời kỳ đồ đá, cùng với việc nguồn thực phẩm ít dai hơn dường như đã làm nảy sinh các âm [f] và [v] trong hệ thống âm vị nhân loại.

Nếu như phần lớn các ngôn ngữ nói tại Châu Âu đều có âm [f] và [v], mà giới nghiên cứu âm vị học gọi là các phụ âm môi răng, thì tại nhiều ngôn ngữ khác trên thế giới, hệ thống âm vị lại không có những phụ âm này. Vì sao như vậy ?

Bí ẩn này đã làm đau đầu các nhà ngôn ngữ học từ mấy thập niên qua. Năm 1985, ông Charles Hockett, nhà ngôn ngữ học người Mỹ từng giả định rằng con người trước thời kỳ đồ đá, sống theo mô hình săn bắn và hái lượm, do phải dùng các loại thực phẩm dai cứng, nên có bộ xương hàm khá rắn chắc và làm mòn răng khá nhanh. Kết quả là răng và nhất là răng cửa đã bị mòn ngay ở tuổi trưởng thành và hàm trên và dưới gần như sát vào nhau, gây khó khăn cho việc tạo ra các âm [f] và [v].

Xuất phát từ định đề này, các nhà khoa học trường đại học Lyon 2 tìm cách chứng minh rằng đến thời kỳ đồ đá, con người biết trồng trọt, sản xuất và chế biến thực phẩm, làm cho chúng mềm hơn và dễ nhai hơn. Lực nhai hầu như giảm hẳn và răng như vậy mòn chậm hơn. Điều đó cho phép duy trì vị trí của bộ xương hàm sao cho răng cửa hàm trên có thể che răng cửa hàm dưới. Theo giải thích của Dan Dediu, nhà ngôn ngữ học trường đại học Lyon 2 và đồng tác giả của nghiên cứu được Le Monde trích dẫn, với cấu hình này, "con người dễ dàng phát ra các âm [f] và [v]".

Đương nhiên, để kiểm chứng cho kết quả trên, các tác giả nghiên cứu đã so sánh bản đồ ngôn ngữ thế giới với bản đồ các sắc dân hiện vẫn sống theo mô hình săn bắt và hái lượm. Họ nhận thấy rằng về mặt bình quân, những nhóm người này tạo ra các phụ âm môi răng ít hơn những nhóm dân sống bằng trồng trọt.

Cuối cùng, các nhà khoa học còn "đi ngược thời gian", tái lập một dạng cây sinh học ngôn ngữ Ấn Âu. Việc tái lập quá trình tiến triển ngôn ngữ cho phép xác định "cách đây từ 2000 – 3000 năm, việc sử dụng các âm môi răng đã tăng lên một cách ngoạn mục trong dòng ngôn ngữ Ấn Âu". Đối với các nhà khoa học, yếu tố khởi đầu rất có thể là sự bùng nổ của các kỹ thuật chế biến thực phẩm như các loại cối xay chẳng hạn.

Dù vậy, các tác giả cũng ý thức được rằng kết luận nghiên cứu này chắc chắn sẽ làm dấy lên nhiều tranh cãi. Quá trình nghiên cứu vẫn còn một số thiếu sót về mặt phương pháp thống kê, so sánh cũng như là bỏ qua nhiều yếu tố khác như xã hội, tâm lý, cơ chế sinh học, môi trường, sinh lý học…

Miễn bình luận

Không rõ nhật báo Le Monde có đồng tình với các tác giả bài nghiên cứu hay không, chỉ biết rằng để minh họa cho bài viết, tờ báo đăng ảnh dàn hợp xướng quân đội Bắc Triều Tiên với dòng chú thích : "Trong tiếng Triều Tiên, các âm [f] và [v] hầu như không tồn tại".

Minh Anh

Nguồn : RFI, 23/03/2019

***************

Tiếng Pháp chật vật khẳng định chỗ đứng tại Việt Nam

Thu Hằng, RFI, 20/03/2017

Ngày 20/03 hàng năm được chọn là Ngày hội Pháp ngữ (Journée internationale de la Francophonie) của 56 nước thành viên và 19 thành viên không chính thức. Việt Nam gia nhập Cộng đồng Pháp ngữ ngay từ năm 1970, dù tiếng Pháp không phải là ngôn ngữ được sử dụng hàng ngày.

phap4

L'Espace, Viện Pháp (Institut français), phố Tràng Tiền, Hà Nội. CC/Nicolas Lannuzel

Theo thống kê của sứ quán Pháp tại Việt Nam, tính đến tháng 10/2016, tiếng Pháp được dạy tại 40 trên 63 tỉnh, chủ yếu ở các thành phố lớn, một số tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, miền trung và đồng bằng sông Cửu Long. Với khoảng 80.000 học sinh-sinh viên theo học, ngôn ngữ của Molière và Victor Hugo trở thành ngoại ngữ được dạy nhiều thứ hai tại Việt Nam song vẫn bị tiếng Anh bỏ xa.

Tiếng Pháp trong hệ thống giáo dục phổ thông

Trong những năm 1990, sứ quán Pháp, Tổ chức Quốc tế các Quốc gia nói tiếng Pháp (còn gọi là Cộng đồng Pháp ngữ, Organisation internationale de la Francophonie, OIF) và Cơ quan Đại học Pháp ngữ (Agence universitaire de la Francophonie, AUF) cùng điều phối việc giảng dạy tiếng Pháp trong chương trình phổ thông và đại học tại Việt Nam.

Ngay trong thời gian này, chương trình chuyên Pháp được triển khai ở một số trường trung học cơ sở (THCS, cấp II cũ) và đến năm 1994 là chương trình song ngữ bắt đầu từ lớp 1. Sứ quán Pháp cũng như Cộng đồng Pháp ngữ - hai đơn vị phụ trách dạy tiếng Pháp ở cấp phổ thông - muốn đặt trọng tâm vào chất lượng giáo dục để thu hút học sinh, như áp dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại, tổ chức nhiều hoạt động ngoại khoá, trang bị cơ sở vật chất...

Vì những lý do này, nhiều bậc phụ huynh sẵn sàng cho con em học song ngữ như trường hợp của An Nhân, cựu học sinh trường Hà Nội-Amsterdam, hiện là sinh viên ngành Y ở Pháp :

"Hồi xưa em được mẹ chọn cho vào học lớp song ngữ vì lúc đó sĩ số một lớp Pháp rất ít, chỉ tầm 20-30 bạn một lớp. Trong khi đó, trừ lớp chuyên, lớp chọn ra, thì mỗi lớp đều có trung bình từ 50 đến 60 học sinh. Thời điểm đó cũng là đợt đầu triển khai chương trình song ngữ ở Việt Nam, nên Pháp đầu tư cho đội ngũ giáo viên rất kĩ. Giáo trình Il était… une Petite Grenouille (Chú ếch nhỏ)hồi xưa được in màu cũng đều được phát miễn phí hết. Một hai khoá sau em, các bạn mới phải bỏ tiền ra mua hoặc dùng sách photo, rất khổ và xấu. 

Học song ngữ ngay từ cấp I, chương trình của em có các hoạt động rất hay, như cắt dán, làm bánh crêpe, đóng kịch, đi hát, đi diễn, vui hơn nhiều so với các chương trình bình thường".

Ngoài những lý do trên, theo kết quả một cuộc điều tra do CREFAP/OIF thực hiện năm 2013-2014, nhờ chương trình song ngữ, các bậc phụ huynh có thể đăng ký cho con em vào học trường tốt, trường điểm dù bị "trái tuyến". Đây cũng là trường hợp của Tuấn Khang, cựu học sinh trường Lê Hồng Phong, thành phố Hồ Chí Minh, hiện là sinh viên năm thứ 2 ngành Toán, đại học Paris-Diderot :

"Trường học mà ba con muốn cho con vô là trường điểm và có người bạn thân dạy trong đó. Trường đó ở quận 5 mà nhà con ở quận 8, vì khác quận nên phải vô lớp tiếng Pháp, từ lớp 1. Học xong 5 năm, thì cứ đi thẳng tiếp, sợ bỏ nó uổng cho nên đi tiếp lên cấp II rồi lên cấp III luôn, thành ra 12 năm học tiếng Pháp".

Một điểm lợi khác của chương trình song ngữ là học thông theo chương trình đã vạch sẵn, như giải thích của Thanh Thảo, cựu học sinh chuyên Pháp ở trường THPT Quốc gia Chu Văn An (Hà Nội) và Quang Hưng, cựu học sinh song ngữ ở trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội-Amsterdam :

Thanh Thảo : "Thường thì lớp song ngữ sẽ bắt đầu từ lớp 1 đến lớp 9. Khi học lớp 9 xong sẽ có một chương trình thi để xem học chuyên hay học song ngữ. Tại vì học song ngữ thường đầu tư nhiều thời gian hơn, vẫn phải học thêm Toán và Vật lý bằng tiếng Pháp, theo chương trình của Pháp. Học chương trình chuyên thì cần đầu tư ít thời gian hơn và theo chương trình của bộ Giáo Dục-Đào Tạo Việt Nam".

Quang Hưng : "Chương trình song ngữ là tiếp tục 3 năm chương trình song ngữ từ lớp 1 đến lớp 9 do bộ Giáo Dục Pháp tài trợ. Sau khi học chương trình song ngữ xong, sẽ có một bằng tốt nghiệp tú tài (baccalauréat francophone) tương đương với bằng "bac" (tú tài) ở Pháp".

Lý do cuối cùng là rất nhiều bậc phụ huynh định hướng cho con đi du học Pháp hoặc một nước trong cộng đồng Pháp ngữ. Tấm bằng tú tài Pháp ngữ là chiếc chìa khoá đưa thẳng các em đến một trường đại học và bớt bỡ ngỡ trong môi trường giáo dục Pháp. Nếu học chuyên Pháp, với vốn ngoại ngữ chắc chắn, các em dễ dàng vượt qua được kỳ kiểm tra kỹ năng tiếng.

phap5

Một lớp học song ngữ ở trường Trưng Vương, Sa Đéc, Việt Nam. CC/Jean-Pierre Dalbéra

Tiếng Pháp mất hơn 70% học viên trong vòng 10 năm

Điều đáng tiếc là càng lên cấp cao hơn số học sinh song ngữ giảm đi rõ rệt, "như hình kim tự tháp" theo so sánh của ông Pierre-Yves Turellier, tuỳ viên hợp tác giáo dục tại sứ quán Pháp. Lý do chính là chương trình học thường nặng hơn vì ngoài các môn học phổ thông, các em học thêm một số môn khác bằng tiếng Pháp.

Ngoài ra, trong 10 năm đầu hoạt động (1996-2006) dưới sự quản lý trực tiếp của sứ quán Pháp, chương trình lớp song ngữ được đánh giá đạt kết quả tương đối khả quan. Đội ngũ giáo viên tiếng Pháp và một số bộ môn dạy bằng tiếng Pháp (Sinh học, Toán học, Vật lý và Hoá học) được đào tạo theo chương trình do Cơ quan Đại học Pháp ngữ tài trợ. Hơn nữa, đội ngũ giáo viên và các trường triển khai lớp song ngữ được nhận thêm phụ cấp từ phía Pháp.

Tuy nhiên, từ khi chương trình được bàn giao lại cho bộ Giáo Dục-Đào Tạo Việt Nam vào năm 2006, Pháp và các đối tác khác giảm dần những khoản hỗ trợ này. Trong khi đó, phía Việt Nam lại chưa huy động hết nguồn lực cần thiết để duy trì sự năng động của dự án. Trong vòng 10 năm, tiếng Pháp mất hơn 70% học sinh ở các cấp tiểu học và phổ thông : từ 81.270 học sinh vào năm 2009, giảm xuống còn 48.446 vào năm 2014 và chỉ còn 39.992 vào năm 2016.

Ở cấp đại học, số sinh viên chọn học tiếng Pháp cũng không nhiều vì tiếng Anh luôn là ưu tiên số một. Một lý do khác là Cơ quan Đại học Pháp ngữ dần dần rút khỏi dự án đầu tư cho các lớp cử nhân tài năng ở một số trường đại học. Theo thống kê, năm 2016 có 6.331 sinh viên chọn tiếng Pháp là một ngoại ngữ ở 16 ngành học khác nhau, trong đó sinh viên chuyên ngành tiếng Pháp chiếm hơn 1/3 (2.758 sinh viên) và ít nhất là hai ngành luật quốc tế (7 sinh viên) và địa lý (6 sinh viên).

Hệ thống Viện Pháp, nơi quảng bá văn hoá-ngôn ngữ Pháp

Song song với việc giảng dạy tiếng Pháp trong hệ thống giáo dục phổ thông và đại học, phía Pháp còn thành lập bốn trung tâm tiếng Pháp và Viện Pháp (Institut français) tại Hà Nội, Huế, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh (IDECAF). Ngoài chức năng là nơi giao lưu, quảng bá văn hoá Pháp và tư vấn du học, các trung tâm này cũng tổ chức các lớp tiếng Pháp cho mọi đối tượng và thu hút khoảng 10.220 người trong năm 2016.

Ông Lionel Sourisseau, giám đốc đào tạo tiếng Pháp tại Viện Pháp Hà Nội, giới thiệu với ban tiếng Việt đài RFI các chương trình học của Viện :

"Chúng tôi có nhiều loại khoá học khác nhau, có những khoá dành cho các doanh nghiệp hay cơ quan. Ngoài ra, chúng tôi cũng mở nhiều lớp dành cho cá nhân, như ở khoá học này (12/2016), chúng tôi có hơn 1.000 học viên. Hầu hết học viên ở đây là thanh niên từ 18 đến 25 tuổi.

Từ vài năm nay, chúng tôi cũng mở một số lớp học dành cho trẻ em tiểu học và trung học cơ sở. Chúng tôi nhận được rất nhiều yêu cầu từ phía phụ huynh học sinh. Lý do khiến các bậc phụ huynh cho con đi học tiếng Pháp ở Viện là muốn con em đi du học ở Pháp. Hàng năm luôn có rất nhiều học sinh đi du học. Chúng tôi tạo điều kiện cải thiện ngôn ngữ cho các em để có thể đi học ở nước ngoài.

Mỗi khoá học, chúng tôi có khoảng 250 học sinh tiểu học và trung học cơ sở đăng ký và giờ học thường là vào cuối tuần vì học sinh ở Việt Nam có thời gian biểu trong tuần rất bận rộn và chỉ có thời gian rảnh vào cuối tuần. Phương pháp giảng dạy các em được các chuyên gia trong ngành soạn thảo, cho phép các em diễn đạt một cách tự nhiên và tự do. Sĩ số mỗi lớp thường ít để các em có cơ hội được nói, hiểu và diễn đạt".

phap6

Một lớp học tiếng Pháp cấp tốc tại Viện Pháp, Hà Nội. RFI tiếng Việt

Theo "Kế hoạch 2020" của bộ Giáo Dục-Đào Tạo Việt Nam, chương trình phổ thông chỉ dạy một ngoại ngữ duy nhất là tiếng Anh. Như vậy, số lượng người học tiếng Pháp sẽ còn giảm thêm rất nhiều. Điều an ủi duy nhất là tiếng Pháp vẫn được chọn là ngoại ngữ thứ hai được chọn dạy đầu tiên, trước cả tiếng Hàn hay tiếng Nhật, ngôn ngữ của hai đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam.

Sứ quán Pháp cố gắng duy trì chương trình song ngữ với việc thêm giờ học tiếng Anh cho học sinh, đồng thời nhấn mạnh đến điều kiện thuận lợi du học Pháp sau khi tốt nghiệp tú tài. Một lợi thế khác để thu hút học sinh là các lớp song ngữ thường được đặt trong các trường điểm, trong trường hợp trượt kỳ thi tuyển, các em vẫn đủ khả năng theo học ở trường thường.

Như nhiều quốc gia khác trên thế giới, tiếng Pháp bị tiếng Anh bỏ xa ở Việt Nam. Thế nhưng, ngôn ngữ của tình yêu, ngôn ngữ của sự lãng mạn, luôn để lại những ấn tượng đẹp cho người học, như tâm sự trên Facebook của một bạn từng học song ngữ :

"Tuổi thơ của mình gắn liền với một chú ếch màu xanh nhạt. Chú ếch đó đi theo từng câu chuyện, từng bài hát mà mình được học. Chú ếch nhảy múa trong từng trang sách màu trơn láng, thơm cái mùi giấy đặc trưng. Chú ếch trong quyển sách Une petite grenouille. Thế là một thế giới mở ra với một cô bé 6 tuổi ! (…).

Mình biết nhiều bạn có tuổi thơ giống mình lắm, cái tuổi thơ mà việc được học cái ngôn ngữ này (tiếng Pháp) là một may mắn không tưởng. Nó ảnh hưởng rất nhiều tới tính cách và cả thói quen của mình đến bây giờ. Đi nhà sách không bao giờ mình bỏ qua quầy truyện tranh tiếng Pháp, cứ vào đó là ngấu nghiến đọc. Cái thứ ngôn ngữ ăn sâu vào từ bé đó, mặc dù bây giờ chẳng còn cơ hội để sử dụng nhiều nữa, nhưng mình rất trân trọng. Nó nhẹ nhàng, thanh thoát như một bản nhạc vậy". (Facebook của Hoài An, khách sạn Ngọc Lan, Đà Lạt)

Thu Hằng

Nguồn : RFI, 20/03/2019

Published in Văn hóa