Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

mardi, 04 avril 2023 11:59

Bất ngờ Tô giới Hội An ?

Văn bản mới nhất của nhà cầm quyền thành phố Hội An tỉnh Quảng Nam cho biết kể từ ngày 15/5/2023, du khách trong nước vào thăm thành phố này phải mua một vé thăm với giá 80.000 đồng. Với lập luận rằng Hội An là thành phố di sản, thế nên mọi căn nhà, mọi ngõ phố, mọi con hẻm cũng là di sản, mà thăm di sản thì phải bỏ tiền ra, nôm na là vậy. Sau thông báo này, trừ những người ra thông báo và được lợi từ thông báo, hầu hết đều ngỡ ngàng trước một quyết định có tính thụt lùi và kém văn minh như vậy.

hoian1

Việc áp dụng bắt buộc mua vé đối với tất cả du khách khi đến tham quan phố cổ Hội An nhằm phục vụ cho công tác trùng tu di tích, đầu tư cơ sở hạ tầng, bổ sung phong phú hơn nữa các sản phẩm văn hoá – nghệ thuật để phục vụ du khách. Ảnh: Tiên Sa

Nhớ lại những năm đầu thập niên 1980, thành phố Hội An thuở đó là thị xã, một thị xã buồn và nghèo đói sau biến cố 30/4/1975. Một Hội An hầu hết người dân đi buôn ve chai, đi làm thuê và một phần đông sang bên phía Cẩm Kim để trồng ngô khoai, đậu mè… Nhìn chung, kinh tế của thị xã Hội An vào thập niên 1980 thế kỉ trước quanh quẩn ở các dịch vụ nhỏ lẻ không có gì đáng bàn. Người nào nhanh chân thì bán nhà Hội An, vào Sài Gòn kiếm sống hoặc đi làm thuê tứ xứ.

Năm 1985, hưởng ứng phong trào (mà cũng là lệnh) của Tổng bí thư Lê Duẩn, các đền đài miếu mạo, trong đó có cả chùa Cầu bị phá thê thảm, hai khỉ đá và hai chó đá bị đập vỡ mắt, người dân lén lút dùng đất sét đắp lại mắt cho linh vật bởi sau vụ phá hoại này, Hội An bị sóng thần vào mùa mưa, người ta kháo nhau rằng con quái vật Cù đã nổi dậy vì những linh vật bị mù, không canh chừng nó được.

Mãi cho đến những năm đầu thập niên 1990, hầu hết lúc đó nghe người Hội An trúng mánh một thứ gì đó để giàu, phất lên thì người ta đoán chắc mẫm rằng đi buôn ve chai trúng vàng, đào được vàng. Đương nhiên, vẫn còn một số gia đình người Hội An bề thế, có bề dày gia phong và kinh tế, họ vẫn giữ được nếp riêng, nhưng con số này đếm trên đầu ngón tay thôi.

Khi Kazik sang Hội An, kiến trúc sư tài ba này bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu về khu đô thị cổ này và làm hồ sơ gửi UNESCO để xin công nhận đây là di sản văn hóa thế giới. Khi Hội An thành di sản văn hóa thế giới thì câu chuyện đổi đời của nó mới bắt đầu một lần nữa.

Nói nó đổi đời một lần nữa vì dưới thời nhà Nguyễn, Hội An là một khu cảng hoang sơ, vắng vẻ, chính những thương nhân Bồ Đào Nha, Trung Hoa và đặc biệt là Nhật Bản đã xây dựng nên cảng thị Hội An, cảng thị trở nên sầm uất, phồn thịnh. Thế rồi qua biển dâu thời cuộc, Hội An trở nên nhếch nhác, buồn thảm, cho đến khi một kiến trúc sư Tây sang đặt quyết tâm lấy lại giá trị văn hóa cho Hội An thì Hội An mới có được những bước khởi đầu cho một thành phố du lịch hôm nay.

Hay nói khác đi, Hội An được xây bởi người nước ngoài và được hồi sinh bởi người nước ngoài, bản thân các chính quyền ở đây chẳng làm được những gì có tính lịch sử cho Hội An. Và đến hôm nay, nhà cầm quyền định làm nên một lần lịch sử chăng ?

Nói như vậy không có nghĩa rằng phủ nhận công lao của người Việt trong việc bảo tồn văn hóa, bản sắc, nét đẹp Hội An. Bởi ngay cả trong lúc "dầu sôi lửa bỏng" thì vẫn có những cư dân Hội An lén lút đắp lại những con mắt cho khỉ đá, chó đá, âm thầm giữ những pho tượng, giữ những nét đẹp tâm hồn trong cách ứng xử, gia phong lễ giáo hay cởi mở, khoáng đạt, sâu lắng… đó thôi. Là ai nếu không phải là người Hội An ?

Vấn đề tôi muốn nói ở đây là chính quyền, nhà cầm quyền đã làm được gì cho Hội An ? Thử đặt ba câu hỏi : Ai đã phục dựng thần thái Hội An ? Ai đã mở rộng xây dựng Hội An ? Ai đã thu lợi từ Hội An ?

Câu hỏi thứ nhất, người phục dựng thần thái Hội An không phải là nhà nước, chính quyền mà đầu tiên là Kazik, thứ đến là UNESCO, bởi mọi khoản chi phí phục chế và tái thiết Hội An đều đến từ UNESCO. Thậm chí, các khoản ấy còn bị cắt xén, ăn bớt một cách thê thảm, trên báo cáo thì gỗ lim nhưng thực tế là gỗ chò, keo hoặc gỗ hạn bét.

Ở câu hỏi thứ hai, ai đã xây dựng và mở rộng Hội An ? Cũng xin thưa nốt, đó là nhân dân, doanh nghiệp và UNESCO, chính quyền chỉ đứng vai trò quản lý, thu thuế, điều hành. Chính quyền thu được nguồn tài chính khổng lồ từ công nghiệp du lịch của Hội An, một phần nộp về tỉnh, trung ương, phần khác tự "xã hội hóa" và cân đối chi tiêu. Như vậy, suy cho cùng, chính quyền gặt lợi nhuận khổng lồ từ mảnh đất màu mỡ mang tên Du Lịch Hội An (trong đó gồm cả việc bán đất ở, qui hoạch địa chính để phân lô vùng ven…).

Trả lời hai câu hỏi trước để thấy rằng câu hỏi cuối cùng, tức là ai thu lợi được từ Hội An, đương nhiên câu trả lời là người dân Hội An hưởng lợi một phần, các doanh nghiệp hưởng lợi một phần và chính quyền hưởng lợi bao quát, từ tiền thuế, quĩ đất cho đến các khoản tài trợ của UNESCO. Những người xây dựng Hội An đã thành cát bụi từ lâu, người mang Hội An đến trình UNESCO cũng thành cát bụi từ lâu, còn chăng là bức tượng của ông nằm khiêm cung trên một công viên nho nhỏ, ở một góc phố, sau lưng tượng là toilet công cộng của thành phố.

Thế nhưng hình như mọi thứ chưa bao giờ là đủ, lòng tham con người là vô cùng, với cái cớ "dùng làm quĩ tái thiết" của một số kẻ nắm quyền hành trong chính quyền thành phố, kể từ ngày 15/5, người vào thành phố Hội An sẽ phải mua vé, vẫn dành một lối đi riêng cho người đến thăm bà con, người dân thành phố đi lại. Và, có rất nhiều câu hỏi đặt ra : Giả sử vào thành phố uống một ly cà phê ở quán quen, vào thành phố ăn một bát cao lầu ở quán quen vẫn phải mua vé ? Hoặc giả vào thành phố đi dạo cũng phải mua vé ?

Đương nhiên đi dạo thì mua vé chắc chắn rồi, vấn đề vào uống nước hoặc ăn uống quán quen, vấn đề mua vé hay miễn vé đang là chuyện được xem xét, được bàn luận bởi nhiều lý do. Nhưng, có một điều, cách làm việc của chính quyền lại có gì đó rất manh mún và gợi nhắc đến một số quán nhậu từng có hành xử na ná việc bán vé và kết quả là sập tiệm, đóng cửa quán.

Người Việt, quán nhậu Việt có chung một tính khí, đó là rất chảnh một khi đông khách, tỏ ra không cần khách, chặt chém khách tùy tiện, nghĩ ra nhiều chiêu trò để kiếm "phụ thu", thậm chí bày trò nhét thêm vỏ lon bia vào dưới bàn khách để tính tiền… Có một ngàn lẻ một kiểu chơi bẩn khiến cho khách ngậm ngùi trả tiền, còn chủ quán thì hí hửng vì không dưng mình có thêm khoản thu quá khỏe, quá dễ ăn. Mãi cho đến khi khách nghe đến tên quán thì lắc đầu, ngán ngẫm, lúc ấy, có hối cùng không kịp, hệ quả là đóng cửa quán và cho dù có đi đâu mở quán khác thì vài bữa cũng vắng tanh, chẳng ma nào tới.

Chính quyền thành phố Hội An đã nghĩ gì khi tạo ra khoản phụ thu mới, tức là vé vào thành phố với khách ? Bởi lâu nay, nói về tỉ lệ quẹt thẻ của khách và mức thu nhập từ du lịch tại Việt Nam thì Hội An và Sapa đứng đầu danh sách, điều đó cũng đồng nghĩa với các khoản thuế mà chính quyền thu về được từ du lịch cũng lớn nhất nhì đất nước, đó là chưa nói đến các khoản thu từ việc mở rộng dân sinh do nhu cầu mua đất kinh doanh du lịch, đã có rất nhiều diện tích được chuyển mục đích sử dụng để phân lô, đấu giá, xã hội hóa bằng cách xây dựng công trình công cộng đối lưu vốn bằng quĩ đất. Dường như các khoản thu về của chính quyền Hội An là lớn vô cùng. Thế nhưng vẫn chưa đủ, vẫn đặt ra kiểu bán vé chẳng giống ai và mới vừa đưa ra thông báo thì ngay cả người dân Hội An cũng bất mãn, bởi họ chẳng thu lợi được gì về món vé này, thậm chí họ phải mất tự do trong đi lại, phải đi lối riêng, rồi bạn bè, người thân ở xa đến thăm người trong thành phố, phần thăm, phần đi du ngoạn cũng mất khoản tiền vé, cả chủ nhà và khách đều thấy bất tiện. Và các khoản thu từ vé này, chắc chắn không bao giờ chia cho dân Hội An, nó mãi mãi là khoản thu của chính quyền Hội An và nó được chi tiêu như thế nào, chỉ có trời mới biết.

Nhưng, có một thứ hệ lụy mà nó mang lại thì toàn dân Hội An và các doanh nghiệp phải gánh lấy, đó là tương lai du lịch xám xịt của thành phố này. Bởi chắc chắn một điều, khi bạn đi du lịch, bạn không chỉ đến xem những ngôi nhà, đến xem các địa điểm hay thưởng thức món ăn, mà vấn đề là bạn đang xem ngôi nhà của ai, ai đang sống trong ngôi nhà ấy, tầm mức văn hóa của chủ nhân ra sao, có gì ấn tượng với bạn không, và chuyện ăn uống cũng vậy, nếu chỉ chọn ngon, rẻ thì chẳng ai dại gì đi cho xa, bởi ngon rẻ là một bài toán kinh tế, người ta có thể tự mua mà nấu, vừa ngon, rẻ lại vừa sạch, an toàn, tin cậy. Vấn đề người ta chọn và chấp nhận để đến nằm ở sự văn minh, văn hóa và tính nhân văn. Nhưng, với kiểu chặt chém và quản lý xô bồ, biến Hội An thành một thứ tô giới của nhà cầm quyền địa phương như hiện tại, chẳng chóng thì chầy, Hội An sẽ phải trả giá !

Viết từ Sài Gòn

Nguồn : RFA, 04/04/2023

Published in Diễn đàn

Mấy hôm nay, thông tin một quán cà phê, nhà hàng ở phố cổ Hội An từ chối tiếp đón khách Việt khiến nhiều người bức xúc. Thực hư ra sao ?

hoian1

Một tiệm bán đèn lồng ở phố cổ Hội An. AFP

Từ chối phục vụ khách Việt ?

Thông tin trên mạng xã hội cũng như báo chí trong nước mấy hôm nay "dậy sóng" với thông tin quán cà phê, nhà hàng Cyclo’s Road ở Hội An không tiếp khách Việt Nam. Nhiều người cho rằng đây là việc "con sâu làm rầu nồi canh", làm mất uy tín khu phố du lịch, nhưng cũng có nhiều người cho rằng do cách hành xử của khách không phù hợp với không khí, môi trường của quán nên quán không tiếp, và việc này không chỉ xảy ra với khách hàng là người Việt Nam.

Khi thông tin không tốt về một quán ăn ở Hội An được lan truyền thì Chủ tịch UBND TP Hội An, ông Nguyễn Văn Sơn, cho biết đã mời chủ quán lên làm việc. Chủ quán khẳng định : "Quán tôi phục vụ khách Việt bình thường, với điều kiện là phải lịch sự".

Về việc xử lý nếu có sự phân biệt khách như phản ánh, ông Sơn cho hay, "Pháp luật không thể can thiệp việc này. Đây là vấn đề thuộc phạm trù đạo đức. Nếu đúng có sự việc như vậy thì thành phố mời lên nhắc nhở, răn đe chứ không thể dùng pháp luật. Họ muốn bán cho ai, họ từ chối ai là quyền của họ chứ pháp luật không can thiệp được".

Ông Lê Văn Giảng, Nguyên Phó chủ tịch Hội An trao đổi với RFA về vấn đề này :

"Chuyện đó không có đâu. Nếu có thì đó chỉ là sự cố nho nhỏ rồi họ nhân lên thôi. Chỉ một vài trường hợp thôi chứ không phổ biến, về bản chất là không có. Hội An vẫn ổn định và phát triển tốt".

Ông Minh Hải, một người dân Hội An thì cho rằng chuyện nhà hàng từ chối phục vụ khách Việt hay khách Châu Á đã có từ lâu, vì phố cổ Hội An vốn hiền hòa, nhẹ nhàng và yên tĩnh nên không chấp nhận những người khách ồn ào, ăn nói "bỗ bã" cho dù họ có tiền, bởi lòng tự trọng của người dân nơi đây rất cao. Đồng tiền không thể đánh đổi văn hóa. Anh nói thêm :

"Những người buôn bán, kinh doanh trong khu phố cổ không đồng tình với việc đuổi khách, nhưng họ không ủng hộ những vị khách đến quán mà ỷ thế có tiền, tỏ ra thiếu văn hóa, nói chuyện, điện thoại to tiếng, gây ồn ào trong quán, làm ảnh hưởng đến người xung quanh. Những hành động đó vô hình chung ảnh hưởng đến bản sắc chung của phố cổ Hội An cũng như những người dân nơi đây".

Ở chiều ngược lại, ông Quỳnh, một du khách lại cho biết, khách ở phố cổ Hội An quá đông, đa số là khách Hàn và khách Trung Quốc, người Việt Nam rất ít. Đa số khách Việt Nam rất hiền hòa, lịch sự trong khi chủ quán thì lại rất thô lỗ :

"Tôi không hiểu sao cả chủ quán lẫn nhân viên đều không vui vẻ với khách. Chủ quán còn mắng nhân viên trước mặt khách, rồi nói chuyện oang oang trong quán".

Để có thêm thông tin một cách khách quan, chúng tôi truy cập vào trang TripAdvisor - trang web du lịch lớn nhất thế giới, với hàng triệu khách du lịch truy cập mỗi tháng - thì thấy có 175 lượt đánh giá về quán Cyclo’s Road. Nổi bật trong những đánh giá gần đây là "Quán không tiếp đón khách Châu Á và khách Việt Nam" ; "Phân biệt chủng tộc" ; "Không vui vẻ với khách Châu Á"…

Giữ gìn nét cổ nên kén khách

Khu phố cổ Hội An là một đô thị cổ nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, thuộc vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng chừng 30km về phía Nam, với diện tích chỉ khoảng hai km vuông với những con đường ngắn và hẹp, chạy uốn lượn, ngang dọc.

Theo thống kê Hội An có 1360 di tích bao gồm 1068 nhà cổ, 11 giếng nước cổ, 38 nhà thờ tộc, 19 ngôi chùa, 43 miếu thờ thần, 23 đình, 44 mộ cổ loại đặc biệt và một cây cầu.

Cho đến nay, phố cổ Hội An là một trong những nơi hiếm hoi giữ lại được những nét đẹp cổ xưa nguyên vẹn nhất, khiến Hội An trở thành một địa danh độc nhất vô nhị trong thời hiện đại. Hội An được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới từ năm 1999.

Chính vì những nét cổ như vậy nên người Hội An họ tự thấy mình có trách nhiệm gìn giữ. Ông Lê Văn Giảng bày tỏ :

"Hội An vừa được chọn là một trong hai nơi đang sống trên thế giới. Phải giữ ‘kìn kìn’ đó, chứ với nền kinh tế thị trường phát triển như thế này thì cũng dễ hỏng nếu không biết giữ".

Ông Minh Hải dẫn chứng trường hợp những nhà hàng từ chối phục vụ khách với việc gìn giữ văn hóa nơi đây khi ông phân tích :

"Không có nhà hàng nào không cần khách. Kinh doanh là phải vì đồng tiến. Nhưng nếu khách hàng bước vô một quán yên tĩnh, lịch sự mà ăn ồn ào, hành vi kém văn hóa thì buộc lòng chủ quán phải mời ra. Đó là chuyện cực chẳng đã. Họ muốn gìn giữ cho cái văn hóa chung của Hội An".

Người dân Hội An muốn thay đổi cái nhìn của du khách, một phần để gìn giữ văn hóa cổ, một phần họ muốn làm ăn lâu dài và uy tín trên mảnh đất này, bởi mấy năm trước đây, khi Hội An phát triển, một số du khách đã ít nhiều than phiền về chất lượng dịch vụ, giá cả, tình trạng "chặt chém" gia tăng, sự ồn ào ở các khu phố cổ vốn tĩnh mịch... Chưa kể việc xây dựng các khối nhà bêtông lớn đã lấn át hình ảnh phố cổ.

Thời điểm đó, lãnh đạo UBND TP Hội An cho rằng nguyên nhân chính là lượng du khách đã gia tăng với trước đây trong khi bộ máy quản lý vẫn không thay đổi về số lượng, cách làm.

Nguồn : RFA, 11/09/2019

Published in Văn hóa