Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

dimanche, 05 mai 2019 10:59

Trịnh Công Sơn, một cõi tình

Mấy mùa mưa nắng đi qua, mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã lặng lẽ rời xa đường trần. Còn cái vòng quay của cõi tạm thì vẫn tiếp tục, chở những tình khúc mang tên anh trao tặng cho đời này, đời khác. Chúng miệt mài thay anh gieo hạt giống yêu thương cho nhân gian. Trịnh Công Sơn yêu tất cả mọi người, "yêu cuộc sống và cuộc sống cũng mở hết vòng tay" cho anh.

tcs1

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại nhà riêng ở Sài Gòn (Ảnh chụp không ghi chú thời điểm) AFP FILES / AFP

Tình yêu của "người ca thơ" họ Trịnh cũng rộng dài lắm. Anh yêu quê hương, yêu hàng mưa bay, ngọn nắng, cơn gió, hay từng cành cây, lá cỏ… Anh muốn ôm trọn trái tim mọi người, và dành tình cảm riêng biệt đối với phái nữ. Có vậy dịch giả Bửu Ý, bạn tâm giao của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nói :

"Trịnh Công Sơn yêu rất nhiều, nhưng không phải là con người của riêng một phụ nữ nào hết. Tại vì anh là một con người sống rất vội, cảm xúc tràn trề, không thể giới hạn vào một người nào hết. Vì vậy cho nên bất cứ một phụ nữ nào khi đến gần Trịnh Công Sơn đều cảm thấy rằng mình không thể là của riêng Trịnh Công Sơn được vì Trịnh Công Sơn còn có nhiều người khác nữa".

Thì ra Trịnh Công Sơn viết "Nguyệt Ca" tặng Minh Nguyệt năm 1972, khởi đi "từ khi em là nguyệt câu kinh đã bước vào đời…" - Courtesy of Quydenver

Thế nên mới có "Diễm của những ngày xưa", "Ru em ngồi yên đấy, tôi tìm cuộc tình cho" về một cô gái trẻ chưa hề gặp mặt, rồi thì "Nguyệt ca" hay "Như cánh vạc bay" vân vân… Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã hát lên những phút giây "khổ đau và cả niềm hoan lạc" về những cuộc tình của mình bằng một trái tim thật thà có thể :

"Tôi thực sự không thể viết lời cho những bài tình khúc khác hơn. Bởi một lẽ đơn giản là tôi chỉ có những mối tình lãng đãng, khói sương, hoàn toàn không có gì cụ thể. Ngày xưa, dường như cả thế hệ tôi là như vậy, yêu một mái tóc, một dáng hình, mỗi ngày chỉ cần nhìn thấy mặt nhau, thấy em qua khung cửa sổ là cả ngày thấy vui. Có khi đạp xe sau lưng em mà em không biết mình là ai, vẫn thấy vui như thường. "Diễm xưa" cũng là một loại tình yêu như vậy".

(Trịnh Công Sơn)

Những tình nhân trong lời hát của anh phần nhiều là những bóng hình mờ mờ nhân ảnh, mong manh xa vợi. Một đôi vai gầy, một mái tóc thề thảng trầm hương, nụ cười e ấp hay "một bờ môi thơm". Họ đều đẹp như một bài thơ.

Tình khúc nhạc Trịnh phần lớn gói ghém vạn nỗi sầu nhưng không bi lụy, tuyệt vọng. Bởi anh biết rằng cuộc đời rất ngắn và vốn dĩ hữu hạn. Tình yêu như cuộc đời, chỉ là một giấc mộng đến rồi đi.

"Chấp nhận tình yêu là chấp nhận một thứ có có, không không, đùa đùa, thật thật. Nó vô hình tướng nhưng làm rã tan hồn phách".

(Trịnh Công Sơn)

Thật là :

"…Như cánh vạc bay theo

Tình thiên thu ru về cõi thiền di

Đậm nhạt dày thưa bổng trầm thanh cao đêm trở

Nghe rầm rì lá tình ôi đầy vơi mộng mị

Miên man, tình sắc sắc không không…".

(Đức Sơn)

Hơn 600 ca khúc mang tên Trịnh là hơn 600 trang nhật ký mà anh đã ghi lại khi đang rong chơi trên cõi đời và lang thang trong cõi tình. Nỗi đau có và niềm hân hoan cũng có, đã làm thành "bào thai sinh nở" ra những ca khúc để đời của anh.

Đối với Trịnh Công Sơn : "âm nhạc như thể là tình yêu, là trong bản thân nó hàm chứa một cõi nhân sinh, bề bộn những khổ đau và hoan lạc. Không có bất hạnh và nụ cười có lẽ âm nhạc cũng không thể có duyên ra đời". Bài hát "Ru Tình" phôi thai từ mối duyên đó.

Khánh Ly - Trịnh Công Sơn : Ru Tình lyrics

Ca khúc này ra đời trước năm 1975, theo lời mời của một đài truyền hình Nhật Bản, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được đặt bài viết cho một cô ca sĩ Nhật lúc đó chỉ mới 16 tuổi, sắp sang Việt Nam hát. Dù cho hai người chưa gặp mặt nhau, nhưng nhịp tim của chàng nhạc sĩ trẻ thời ấy đã lăn tăn những lời sóng vỗ về cô nhân tình "bé dại".

Ca khúc Ru Tình quay vòng theo nhịp điệu khá chậm, câu nhạc ngắn, như lời mẹ ru : bình yên, lặng lẽ. Nhạc sĩ sử dụng giọng thứ nhưng pha trộn nhẹ nhàng hơi nhạc ngũ cung của đất nước hoa anh đào, nếu nghe kỹ ta có thể thấy ở câu : "a a a á a a a à, ru người ngồi mãi cùng tôi". Giai điệu ấy, âu yếm như níu giữ em, níu giữ cuộc đời, hãy ngồi lại thêm chút nữa và ngắm nhìn nhau lâu hơn.

Khánh Ly & Trịnh Công Sơn : Hãy Yêu Nhau Đi

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và cõi nhạc của anh tồn tại nhờ tình yêu. Thân thể ta một ngày nào đó có thể mất đi. Núi vàng, núi bạc đấy rồi cũng tiêu tan. Nghĩ cho cùng thì chỉ còn tình yêu là điều an ủi duy nhất và cuối cùng ở lại trên thế gian này. Nên vậy, anh dành gần hết thời gian sống để yêu : yêu đời, yêu người. "Hãy yêu nhau đi" là bản tụng ca tình yêu ra đời trên tinh thần đó. Niềm hân hoan thấy rõ qua vũ điệu valse và giọng trưởng tươi sáng.

Mặc dù Trịnh Công Sơn vẫn trung thành với phong cách tối giản về mặt cấu trúc âm nhạc, nhưng "với những lời, ý đẹp và độc đáo đến bất ngờ, hôn phối cùng một kết cấu đặc biệt như một hình thức của dân ca hầu như không thay đổi" (Văn Cao), "Hãy yêu nhau đi" từ bao giờ đã trở thành nguồn năng lượng tích cực cho bao kiếp người.

Và cứ như vậy, người ca thơ ấy đã thế chấp chuyến đi về của mình bằng những bản Trịnh ca thật thà và rung động nhất. Như lời anh đã nói :

"Tôi yêu đời và yêu tất cả mọi người. Tôi không có ý đối kháng tấm lòng và ngọn gió, gió không phải hư vô, mà gió là sự quên đi. Nghĩa là đã làm điều tốt thì phải biết quên việc mình làm. Ðó là điều kiện tự nhiên như là ngọn gió, như là khí trời vậy… Tôi muốn sống cùng cuộc đời, cùng mọi người bằng tất cả tấm lòng tôi có…".

(Trịnh Công Sơn).

Rồi anh đi, để lại cõi nhạc, cõi tình và một cõi Trịnh xưa.

Hoài Dịu

Nguồn : RFI, 04/05/2019

Published in Văn hóa

Dạo ấy, có người con gái đêm đêm thổn thức với từng lời ca, tiếng đàn tại một phòng trà ở Sài Gòn, có một chàng nhạc sĩ vô danh lặng thầm nghe cô hát. Tiếng hát liêu trai đong đầy nỗi buồn, hoen nhòa trên mi của cô ấy, cứ từ từ "dan díu" vào tâm hồn anh. Và từ đó nhạc phẩm "Ướt Mi" được phôi thai từ trái tim anh, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, như những giọt sầu, thương người em gái mưa ngâu.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn kể lại : "… Và tôi đã nhớ một lần nào đó, trong phòng trà, năm 1958, tôi thấy Thanh Thúy hát "Giọt mưa thu" và khóc. Bà mẹ Thanh Thúy dạo ấy lao phổi hằng đêm nằm hát "Giọt mưa thu" chờ Thúy về. Những giọt nước mắt ấy như một cơn mưa nhỏ trên tâm hồn mỏng mảnh của tôi đã khiến tôi phải lùi xa hơn nữa về một cõi đời nào còn xa xôi hơn đã từng làm tôi nhỏ lệ…". Và như thế, nỗi buồn Thanh Thúy, giai điệu sầu thương Giọt Mưa Thu, sự giao cảm của chàng nhạc sĩ trẻ đã làm nên một thân phận, Ướt Mi.

Năm 1959, ca khúc "Ướt Mi" mà Trịnh Công Sơn dành tặng cho ca sỹ Thanh Thúy, người con gái có giọng hát trầm sầu, mộng mị, đã được nhà xuất bản An Phú ấn hành tại Sài Gòn. Đây được coi là sáng tác đầu tiên của nhạc sỹ trình làng trước công chúng và mở đầu cho một "hiện tượng Trịnh Công Sơn" sau này. Những năm 59-60, trong thành phố, nhiều người đã thích và hát bản nhạc này. Và hình như người Nhật cũng rất thích Ướt Mi vì dàn nhạc giao hưởng Nhật đã diễn tấu và thu âm nó.

Điệu thức của ca khúc được tác giả trao gửi cho màu la thứ. Cách tiến hành câu nhạc ít luyến láy mà nương theo những hợp âm rải (arpège), chậm rãi theo nhịp valse. Liệu có chủ ý hay không nhưng thật tài khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã miêu tả cơn mưa dầm, lê thê bằng một điệu valse buồn cứ quay, cứ quẩn quanh, biết đến bao giờ mới dứt.

uot1

Nhà lưu niệm Trịnh Công Sơn ở Bình Quới, Saigon. Wikipedia/Trần Thái Hòa

Ca khúc có hai phần, được phân biệt bởi độ dài của câu. Đoạn đầu với những câu ngắn, đều đặn. Tuy nhiên, ca sĩ Thanh Thúy đã không hát đúng nhịp ngay từ đầu, mà cô chọn lối thể hiện bằng cách nhả từng câu nhạc theo nhịp tự do, như những giọt mưa đầu tiên chầm chậm thấm tháp vào lòng người.

Đoạn thứ hai, câu hát dài hơi và dàn trải hơn với tiết tấu gần như đồng nhất. Cơn mưa bây giờ đã nặng hạt, những tâm sự trong lòng không thể dồn nén thêm được nữa, mà vỡ òa tuôn theo dòng nước trong "đêm khuya lạnh ướt mi".

Sau này, ca sĩ Khánh Ly có thu âm ca khúc Ướt Mi trong album Sơn Ca 7 của mình. Cũng là chất giọng trầm hơi khàn, nhưng với cách xử lý khác, Khánh Ly đã dẫn lối người nghe vào tận sâu cơn mưa đêm, chạm vào từng tiếng thở than để mà vỗ về, an ủi. Cô hát theo nhịp valse đều đặn từ đầu đến cuối, như tiếng ru mang mác về một dĩ vãng xa xôi.

Ướt Mi không những nổi tiếng bởi hình ảnh nỗi buồn của ca sĩ Thanh Thúy mà còn được nhắc đến như một đặc sản mưa Huế. Trịnh Công Sơn đã từng nói : "Có thể là đúng ở chỗ địa lý theo tôi rất quan trọng. Tâm hồn của mình ít nhiều nhờ một vùng đất đặc biệt nào đó nuôi dưỡng, nó phả vào tâm hồn một điều rất lạ và độc đáo. Ấy nên có những giọng nói khác nhau ở mỗi vùng, thực sự trong âm nhạc và nghệ thuật cũng vậy". Huế chính là vùng đất nuôi dưỡng tâm hồn anh. Những cơn mưa kéo dài lê thê, những đêm mưa não nề quạnh vắng bên sông Hương. Tất cả đã theo chân anh. Tất cả đã phả vào Ướt Mi khung cảnh cố đô u tịch và lặng lẽ.

Có thể Trịnh Công Sơn là một kẻ hoài cổ nặng nghiệp, vậy nên lúc còn sống, anh hay bị ám ảnh bởi những câu hỏi về sự khởi đầu, về những năm tháng xa xôi và về sáng tác đầu tiên của mình. Mặc dù trước khi gặp Thanh Thúy, Trịnh Công Sơn cũng đã viết một số bài như : Sương Đêm, Chơi Vơi…"Nhưng riêng bài Ướt Mi thì tồn tại như một số phận" của nó và của anh, do đó có thể coi Ướt Mi là tác phẩm đầu tay của Trịnh Công Sơn chính thức được công bố.

Thế nhưng nhạc sỹ Trịnh Công Sơn lại không muốn nhắc đến điểm kết thúc và sáng tác cuối cùng. Anh không muốn ngủ yên trong cái lề thói hữu hạn của đời mà muốn trầm mình trong "cái lẽ vô thủy vô chung". Vì vậy, trong lời tâm sự đăng vào mùa xuân năm 1991 ở báo Lao Động, Trịnh Công Sơn đã viết :

«Tôi không hề có ý định viết bài hát cuối cùng bởi vì tôi nghĩ rằng thời điểm cuối cùng là điều mà mình không thể nào bắt gặp được (…) Bài hát cuối cùng có lẽ sẽ chỉ mãi mãi là một giấc mơ. Một giấc mơ buồn thảm mà chúng ta cần phải quên đi để mọi thứ biên giới trong cuộc đời trở thành vô nghĩa và nó sẽ không còn tồn tại như một lời thách thức kiêu hãnh nữa.

Bài hát đầu tiên và bài hát cuối cùng, ngẫm ra cũng chỉ là những bọt bèo vô hình vô tướng. Chúng ta vui chơi với nó và chúng ta quên đi. Có kẻ gieo cầu cho người nhặt được. Kẻ nhặt được không chắc là vui mãi. Kẻ không được cũng chẳng nên lấy nó làm điều.

Hơn ba mươi năm trước có một bài hát đầu tiên, như một trái cầu gieo, có chắc gì hạnh phúc ? Không chắc gì hạnh phúc thì sao lại cần phải có bài hát cuối cùng ?".

Hoài Dịu

Nguồn : RFI, 31/03/2018

Published in Văn hóa
samedi, 17 février 2018 00:22

Có một Phạm Duy của xuân ca

Trong dòng chảy của âm nhạc Việt Nam, mấy ai như Phạm Duy, là người nhạc sĩ có sức viết "vàng" và vươn rộng như thế. Nói theo cách của thi sĩ Uyên Sa, viên kim cương có ngàn mặt và Phạm Duy có ngàn lời ca.

Bia Vang vong mot thoi 2 _ Duc

Nhạc sĩ Phạm Duy. CC/Daolam209

Phạm Duy của Rong Ca, Phạm Duy của Tình Ca, Phạm Duy của Thiền Ca, của Dân Ca và Phạm Duy của Xuân Ca. Mùa xuân trong những nhạc khúc của Phạm Duy có khi vơi khi đầy, đó là những xao động trong tâm hồn nghệ sĩ trước sự hồi sinh của vạn vật sau những ngày đông tàn.

"Xuân như mặt trời nở trong lòng mẹ, rồi từ đó tôi ra đời", Phạm Duy đã bắt đầu khúc Xuân Ca bằng sự chào đời của một kiếp người và ước mơ rằng, mai này nếu như thân xác không còn nữa thì hãy cho ông tái sinh làm người để được đi mãi trong mùa xuân miên viễn của thế gian.

Với khúc hoan ca này, Phạm Duy đã dùng từ ngữ rất mộc, không tô son điểm phấn, chúng nương theo sáu câu nhạc ngũ cung tạo nên hai đoạn nhạc nhỏ. Cái tài của Phạm Duy ở chỗ là ông đã cho lặp lại nhiều lần đoản ca đó với nhiều lời từ khác nhau như vòng đời quẩn quanh sinh - diệt rồi chợt reo vui "xuân ơi" khi ai đó được tái sinh làm kiếp người.

Là một người được sinh dưỡng trên đất mẹ Việt Nam, lại mang trong mình khí chất lãng tử, nhạc sĩ Phạm Duy có một tuổi trẻ sôi động và phiêu bạt khắp chốn. Nhờ thế mà ông đã được trải nghiệm và lĩnh hội bản sắc văn hóa của nhiều vùng miền Việt Nam. Với tình yêu "tiếng nước" mình, những điệu hò, lời ru đã đi vào nhạc của Phạm Duy một cách rất tự nhiên.

Bài hát Nụ Tầm Xuân là một trong nhiều ví dụ như vậy. Nhạc sĩ đã sử dụng lời thơ của bài ca dao cổ để đưa người nghe về với khung cảnh thuần Việt xưa. Trong bản xuân ca đẹp như tranh này, Phạm Duy đã tài tình áp dụng nhạc thuật chuyển hệ (còn gọi là métabole nghĩa là sự chuyển điệu từ ngũ cung này qua ngũ cung khác) "làm cho giai điệu không nằm chết trong một ngũ cung nào đó như trong dân ca cổ" mà chạy dài trên nhiều cung bậc và vẫn đậm đà sắc màu dân tộc.

Nụ Tầm Xuân là bài ca dao lục bát. Nhưng thay vì theo sát thể thơ, nhạc sĩ Phạm Duy đã dùng kỹ thuật hát dân ca như láy và lót vần để biến đổi tiết tấu của câu. Điều thích thú nhất của bài hát nằm ở sự tương phản về âm sắc và tốc độ.

Hai câu đầu chỉ với một từ "trèo lên" được hát cao dần, tới gần hai quãng tám, âm sắc ngày một sáng hơn rồi "hóa giải một cách êm ái" ở những câu tiếp theo. Ý nhạc lúc khoan, lúc nhặt, sắc thái khi tỏ khi mờ khiến cho ta có cảm giác như đang ngắm một bức tranh lụa về mùa xuân quê hương mà trong lòng thấy thổn thức nhớ nhung.

Phạm Duy phổ nhạc lục bát rất tài tình, nhạc và thơ quyện vào nhau, giản dị, tự nhiên như thể từ một mẹ sinh ra. Tiếng Sáo Thiên Thai của Thế Lữ được Phạm Duy phổ nhạc thành một khúc xuân ca dìu dặt, thanh lãng. Cũng là thể thơ lục bát nhưng mấy ai có thể tưởng tượng Nụ Tầm Xuân và Tiếng Sáo Thiên Thai được thai nghén từ một tác giả.

Bài hát có kết cấu hai đoạn nhằm họa nên hai cõi : mơ và thực, niềm vui chốn tiên cảnh và nỗi buồn nhớ Thiên Thai của một chàng thi sĩ. Trật tự của các câu thơ có khi được sắp đặt lại để phù hợp với quy tắc thẩm mỹ âm nhạc, theo Phạm Duy nói là trong bài này ông đã bắt thơ phải theo nhạc.

Tiếng Sáo Thiên Thai là một tác phẩm song ca (duo) có hai bè mà Phạm Duy viết cho Thái Thanh - Thái Hằng. Trong lối hành nhạc, ông sử dụng phần lớn các kĩ thuật sáng tác phương Tây kết hợp với luyến láy trong dân ca.

Ông khai thác những câu nhạc ngắn, ý nhạc nhỏ (motif) và biến tấu chúng một cách nhẹ nhàng. Bài hát viết ở giọng đô trưởng nhưng sang đoạn hai, ông không chuyển sang giọng đô thứ hay la thứ theo lý thuyết thông thường mà lái vào giọng mi trưởng để tạo ra một cảm giác vừa bất ngờ, vừa mơ hồ, mông lung.

Đây là thủ pháp chuyển điệu hiếm gặp trong ca khúc Việt Nam đương thời. Còn nữa, Tiếng Sáo Thiên Thai dập dìu theo điệu tango chậm rãi, đưa đường dẫn lối người nghe vào chốn hư hư thực thực, như một thứ cảm giác miên man khó cưỡng, không thể diễn tả hết bằng lời.

Phạm Duy vốn là "kẻ tham lam", một người tình cuồng nhiệt của cuộc sống, vì vậy mùa xuân trong ông hiện hữu ở mọi nơi, mọi lúc, trên nhiều cung bậc cảm xúc. Này thì Đêm Xuân say đắm tặng vợ hiền, là Xuân Nồng rực rỡ dưới nắng ấm phương Nam, là Trên Đồi Xuân trong sáng dành cho con gái Thái Hiền, rồi Tuổi Xuân trong tập Nữ Ca và nhiều sắc thái Xuân trong Bình Ca… Nói theo cách khác, mùa xuân của Phạm Duy từ bao giờ chính là "đất Việt, hồn Việt".

Xin được khép lại bằng Khúc Hát Thanh Xuân, sáng trong và lấp lánh như viên kim cương ngàn mặt (nhạc của Johann Strauss do Phạm Duy viết lời) để thay lời tạ ơn đời đã

cho ta kiếp người :

Ôi ơn đời mãi mãi

Thoát thai theo đời, vun sới

Lớn lên trong vườn ân ái muôn đời...

Tạ Ơn Đời ( Phạm Duy)

Hoài Dịu

Nguồn : RFI, 17/02/2018

Published in Văn hóa