Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Thế kỷ 20 Việt Nam bầm dập tả tơi trong hai cuộc chiến tranh lớn và 2 cuộc xung đột biên giới.

Hai cuộc chiến tranh kéo dài 30 năm liên tục đã bào mòn sức sống dân tộc đến cạn kiệt, tình cảm con người bị giằng xé biến dạng. Hai cuộc chiến biên giới tuy ngắn nhưng mức độ tàn bạo man rợ cấp tập gay gắt khiến người ta không khỏi sững sờ.

Bốn cuộc chiến đẫm máu ấy đều có vai trò chủ đạo của Đảng cộng sản Đông dương và Việt Nam.

hoa1

Hoa phượng bầm dập tả tơi - Ảnh minh họa.

Giới sử học quốc doanh viết sử dưới sự chỉ đạo định hướng của nhà cầm quyền khó đạt được sự đồng thuận của người tôn trọng sử Việt trong và ngoài nước. Trong pho sử hiện đại còn nhiều điều tồn nghi gác lại mặc cho tương lai giải quyết.

Giới văn nghệ sĩ trải qua chiến tranh có cách viết sử riêng của họ. Đó là trang sử tâm hồn người Việt. Và những “trang sử” ấy ngay lập tức cuốn hút công chúng nhiều lứa tuổi.

Trang sử ngắn nhất và sinh động nhất là thi ca. Chỉ cần một bài thơ là đủ đánh dấu một cột mốc lịch sử tâm hồn dân tộc.

Trong số hàng nghìn bài thơ ca qua hai cuộc chiến tranh Đông Dương, nổi bật lên hai bài “Màu tím hoa sim” (Hữu Loan) và “Thời hoa đỏ” của Thanh Tùng. “Màu tím hoa sim” đánh dấu cuộc chiến Đông dương lần 1, còn gọi là chiến tranh Việt- Pháp. “Thời hoa đỏ” ghi dấu cuộc chiến dài hơn, thế giới gọi là “chiến tranh Việt Nam”, Nội chiến Việt Nam 1954- 75.

Bài thơ Thời Hoa Đỏ được nhà thơ Thanh Tùng viết vào khoảng năm 1972.

Đây là khổ thơ trung tâm của bài thơ :

“Mỗi mùa hoa đỏ về

hoa như mưa rơi rơi

cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi

như máu ứa một thời trai trẻ”

4 câu thơ vẽ ra bối cảnh chung rộng lớn của bài thơ : thời trai trẻ và máu đổ - thời chiến tranh khốc liệt.

4 câu thơ vẽ ra bối cảnh chung rộng lớn của bài thơ : thời trai trẻ và máu đổ - thời chiến tranh khốc liệt.

Bài thơ đưa chúng ta giật lùi lại mấy chục năm quá khứ. Những người bây giờ tuổi trung niên, cao niên đều đã đi qua cái “thời hoa đỏ” như thế. Bài thơ của Thanh Tùng khuấy lên ở họ cái chất thơ nao lòng, thậm chí thắt lòng của ký ức xưa hàng năm cứ hiện về dẫu ta không mong muốn !. 

Thời hoa đỏ



1

 “Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao

Anh nắm tay em bước dọc con đường vắng

Chỉ có tiếng ve sôi chẳng cho trưa hè yên tĩnh

Chẳng chịu cho lòng ta yên.

2 

Anh mải mê về một màu mây xa

Về cánh buồm bay qua ô cửa nhỏ

Về cái vẻ thần kỳ của ngày xưa

Em hát một câu thơ cũ

Cái say mê của một thời thiếu nữ.

3

Mỗi mùa hoa đỏ về

Hoa như mưa rơi rơi

Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi

Như máu ứa một thời trai trẻ.

4

Hoa như mưa rơi rơi

Như tháng ngày xưa ta dại khờ

Ta nhìn sâu vào mắt nhau

Mà thấy lòng đau xót.

5

Trong câu thơ của em

Anh không có mặt

Câu thơ hát về một thời yêu đương tha thiết

Anh đâu buồn mà chỉ tiếc

Em không đi hết những ngày đắm say.

6

Hoa cứ rơi ồn ào như tuổi trẻ

Không cho ai có thể lạnh tanh

Hoa đặt vào lòng chúng ta một vết đỏ

Như vết xước của trái tim.

7

Sau bài hát rồi em lặng im

Cái lặng im rực màu hoa đỏ

Anh biết mình vô nghĩa đi bên em.

Sau bài hát rồi em như thể

Em của thời hoa đỏ ngày xưa.

Sau bài hát rồi anh cũng thế

Anh của thời trai trẻ ngày xưa”.

Bài thơ chỉ nhắc một hình ảnh là hoa đỏ không tên, có thể hiểu là hoa phượng vĩ đặc sản thành phố biển Hải Phòng. Tuy nhiên hình tượng thi ca không đơn giản như vậy. Đó thực là đóa hoa tuổi trẻ, mùa hoa thanh xuân một đi không trở lại.

Thời hoa đỏ đã được nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng (**) một người bạn tri âm tri kỷ phổ nhạc năm 1989.

hoa2

Bản nhạc Thời hoa đỏ

Nhạc sĩ đã chọn cung Mi thứ làm âm hưởng chủ đạo. Cung này còn được mệnh danh là "nữ chúa của nhạc buồn". Nhạc sĩ đã gọt sửa lại vài ca từ trong khổ thơ thứ 3 có lẽ để tránh né yếu tố nhạy cảm tư tưởng chính trị. Tiếc thay, đó là những từ ngữ chứa sức nặng ngàn cân.

Nhà thơ trút sức nặng bài thơ vào khổ thứ 3 :

Mỗi mùa hoa đỏ về,

hoa như mưa rơi rơi 

cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi 

như máu ứa một thời trai trẻ .

Nhạc sĩ viết đoạn 3 giảm nhẹ (thay hai từ : tan tác thành xao xác, máu ứa thành nuối tiếc) :

3

Mỗi mùa hoa đỏ về,

hoa như mưa rơi rơi, 

cánh mỏng manh xao xác đỏ tươi 

như nuối tiếc một thời trai trẻ.

Lời thơ lột tả cái không khí dữ dội, tàn bạo, uất nghẹn của chiến tranh vùi dập tuổi trẻ trong hai từ cốt lõi. Tiếc thay nhạc sĩ đã thay thế bằng hai ca từ nhẹ hều khiến lời hát chỉ còn là bản tình ca dang dở bình thường.

Ba câu thơ sau miêu tả tinh tế tình yêu tan vỡ bằng hình ảnh “anh không có mặt”.

“Trong câu thơ của em

Anh không có mặt

Câu thơ hát về một thời yêu đương tha thiết”

Bởi người thiếu nữ phải từ bỏ tình yêu người lính vô vọng, tìm đường đi kiểu phụ nữ của mình. Tục ngữ dạy “đời người con gái có thì”. Anh không thể và không nỡ đòi em chờ đợi, như đài báo tuyên truyền, như đám văn nghệ sĩ cam tâm cổ vũ ca tụng những “chinh phụ ngâm hiện đại” hoặc những tình yêu con nít như khẩu hiệu ca từ “Trường sơn đông, Trường sơn tây”.

Anh đâu buồn mà chỉ tiếc

Em không đi hết những ngày đắm say.

Và điệp khúc xây bằng hình ảnh sinh động hóa những mảnh ký ức đau xót không bao giờ xóa được : “mỗi mùa hoa đỏ về, hoa như mưa rơi rơi”…

Ngày nay, trong khi người ta tổ chức tuyên truyền kiểu “ăn mày quá khứ” như đàn ve kêu ồn ào, những người thương tích về chiến tranh và tình yêu thời chiến chỉ có thể bước lặng đi trong hồi tưởng. Họ đành sống bằng ký ức ngọt ngào mà thời gian đồng tình không xóa bỏ.

“Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao

Bước lặng trên con đường vắng năm nao”

Hiệu ứng ca khúc của hai tác giả

Bài thơ của Thanh Tùng được phổ nhạc khiến người nghe tinh tế cảm nhận được cái chất thơ nao lòng, thậm chí là thắt lòng của ký ức xưa. Một thời chiến tranh quá dài và bền bỉ tàn phá nhiều thế hệ người Việt, nhất là tuổi trẻ tuổi “hoa đỏ”... Nhạc sĩ soạn ba bè hòa âm cho điệp khúc "Mỗi mùa hoa đỏ về /Hoa như mưa rơi rơi…" diễn tả đến tận cùng chiều sâu cảm xúc pha trộn ký ức ngọt ngào với sự tiếc nuối ngẩn ngơ trong lòng những ai đã từng một lần đi qua “thời hoa đỏ”, “thời trai trẻ”, "thời thiếu nữ say mê" giữa chiến tranh. Nhạc sĩ đã chắp cánh thăng hoa cho bài thơ thâm trầm day dứt khôn nguôi của Thanh Tùng.

Lọt thỏm và cô đơn giữa những tình khúc đương đại đổi màu nhạc trẻ dành cho tuổi teen, tình khúc "Thời hoa đỏ" lập tức tạo được tiếng vang sâu xa và trở thành bài hát không thể thiếu trong sổ tay công chúng yêu âm nhạc, nhất là lứa tuổi trung niên, kế đến học sinh sinh viên. Ca khúc Thời hoa đỏ nằm trong tốp đầu những bản tình ca hay nhất thế kỷ... Giới ca sĩ đều muốn thử sức mình với đa dạng cách thể hiện khác nhau. Gõ trên Youtube, thấy hàng trăm bản ca khúc “Thời hoa đỏ” khác nhau, từ ca sĩ chuyên nghiệp đến nghiệp dư. Ca khúc này thử thách khả năng cảm thụ âm nhạc và thẩm mỹ nông, sâu của ca sĩ và nhạc sĩ thời nay. Hình tượng thi ca nhiều tầng lớp, tương ứng với khả năng đồng cảm và khám phá của công chúng. 

Ca sĩ Lệ Thu người đầu tiên thu âm bài hát này và được thính giả cho là người thể hiện thành công nhất. Phiên bản Lệ Thu từng lấy đi nước mắt của nhiều người sau khi được phát trên sóng. Rất nhiều phiên bản khác được biểu diễn chứng tỏ sức cuốn hút của kiệt tác tình ca hậu chiến này.

Sau 1975 nếu chỉ được chọn hai tác giả tiêu biểu cho văn nghệ thời hậu chiến, tôi xin chọn hai văn thi sĩ. Bảo Ninh với “Nỗi buồn chiến tranh, nỗi buồn quê hương tàn phá và bi kịch tình yêu”. Và nhà thơ Thanh Tùng với bài thơ tình bi luỵ đệ nhất “Thời Hoa Đỏ”.

Hai kiệt tác nghệ thuật kể trên là tiếng nói phản biện lạnh lùng của văn nghệ sĩ, là hai trang sử không thể tranh cãi và hai cột mốc lịch sử tâm hồn dân tộc.

Chú thích

1. Thanh Tùng tên thật là Doãn Tùng, sinh 1935, quê quán Nam Định, trưởng thành ở Hải Phòng. Theo tâm sự Thanh Tùng, khi ấy cuộc hôn nhân của ông cùng người vợ ở Hải Phòng vừa đổ vỡ, ông bắt đầu viết để kỷ niệm mối tình với người vợ đầu của ông ở Hải Phòng đã chia tay ông. Tuy chia tay nhau nhưng Thanh Tùng vẫn yêu thương người vợ này. .. Nhưng thơ không chỉ có đơn giản vỏn vẹn như vậy. Cả không khí biến động thời cuộc với những bể dâu đẫm máu đã hắt bóng vào thơ ông. Chuyện riêng là điểm tựa cho nhà thơ ký thác tâm sự lớn của trí thức trước thời cuộc. Bài thơ in trong tập "99 bài thơ tình hay" (Nhà xuất bản Văn hóa). Ông chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh năm 1995, tái hôn ở tuổi 60, Thanh Tùng qua đời ngày 12/9/2017 thọ 83 tuổi.

2. Nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội năm 1978 làm việc ở Nhà xuất bản Âm nhạc cho đến nghỉ hưu năm 2002.

Ghi chú : xem ca sĩ Thanh Thảo :

Published in Văn hóa