Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

09/10/2018

Đi tìm Vương quốc H'Mông - 3

Quang Nguyên

Kỳ III

Đi tìm anh em lạc loài

 

Sau 5 giờ đồng hồ đi taxi, với 3 lần đổi xe, từ Chiang Mai, Thái Lan chúng tôi đến cửa khẩu Chiang Rai chung biên giới với tỉnh Tacheleak, bang Shan, nước Cộng hòa Liên bang Myanmar. Thành phố này có tên tiếng Anh City of Golden Triangle.

mong1

Thành phố Tam giác vàng

Gọi là Tam giác Vàng vì nó nằm ngay biên giới Miến Thái Lào.

Trằn trọc qua một đêm trong cái gọi là hotel bẩn thỉu của ngươi Hoa ngay bên cạnh cửa khẩu. Thức dậy sớm, tắm rửa cho hết mùi hôi từ chăn gối của cái khách sạn Tàu thổ tả mà giá đắt gấp đôi ở Bangkok, chúng tôi đi bộ qua cửa khẩu sau khi ních no bụng tô bún ngon tuyệt của người bán rong, với giá bằng 1/5 Đôla. 

mong2

Họa đồ cửa khẩu biên giới Thái-Miến

Hai cửa khẩu Thái Miến cách nhau cây cầu, vắt qua một dòng sông nhỏ nước cuồn cuộn, vàng phù sa. Cả hai bên đất Thái, Miến đều đông người của nhiều sắc dân. Đàn bà ở đây nhiều người bôi một lớp bột mỏng màu vàng trên mặt (tanaka).

mong3

Tại cửa khẩu Thái, người ta đóng một con dấu vào passport của chúng tôi. Tại cửa khẩu Miến, người ta cấp cho chúng tôi thẻ re-entry permit có chụp hình, cho phép chúng tôi đi lại trong tỉnh này thời hạn 14 ngày.

Nhưng, chúng tôi cần đến chỗ chúng tôi muốn.

Hai người ra đón chúng tôi, Mùa và Pao phải mất 6 giờ đồng hồ để chạy xe gắn máy, vượt đoạn đường đầy bùn 100km. Họ gặp chúng tôi với vẻ mặt sáng ngời, nụ cười ngoạc đến mang tai, phô hàm răng trắng bóng có chiếc bọc vàng, nhưng nhìn họ đầy làm lũ. Cả hai đều gốc Lào Kay đã ra khỏi quê hương, lẩn trốn 7 năm trên đất Miến. Tôi cảm thấy ấm lòng khi gặp được họ, tuy không khỏi ngậm ngùi.

Hai người đến sau, ăn mặc tươm tất. Một người gốc H'Mông, gia đình sinh sống ở Yangon từ nhiều thế hệ. Anh sẽ là người thông dịch tiếng Miến cho chúng tôi. Gia đình anh cũng như gia đình các dân tộc thiểu số khác chỉ được cấp sổ hộ khẩu, nhưng không ai có căn cước. Mấy năm gần đây, chính phủ Miển đàn áp các nhóm dân tộc thiểu số, gia đình anh chạy trốn, đến sống chung với những người cùng sắc tộc H'Mông chạy nạn từ Việt Nam sang. Những người không tổ quốc, không quốc tịch, không giấy tờ tùy thân, cùng bị đối xử bất công lây lất với nhau trốn tránh cường quyền tại các vùng rải rác trên đất Miến.

Tôi được giới thiệu là phóng viên Việt Nam Thời Báo. Họ có vẻ rất ngạc nhiên và vui mừng khi được sự quan tâm của một tờ báo. Tôi nói qua người thông dịch về tờ báo, có một sự hiểu nhầm gì đó khi phiên dịch, khiến họ cùng vui mừng reo lên bằng tiếng Việt "Việt Nam Cộng Hòa ?" làm tôi hơi ngỡ ngàng. Điều gì khiến những người sinh tại miền Bắc, hầu hết sau năm 1975 có phản ứng tích cực khi nghe đến danh hiệu một quốc gia đã thất trận, đã không còn nữa ? Tôi phải giải thích kỹ hơn về tờ báo.

Chúng tôi lấy một chiếc gọi là taxi ra bến xe để đến điểm chúng tôi muốn. Chiếc taxi không khác chiếc xe chở heo nọc gieo giống ở Việt Nam, chỉ khác có hai bằng ghế. Tài xế taxi chở chúng tôi vòng vèo qua các ngõ ngách rồi đến một chỗ gọi là bến xe mà thoạt đầu tôi tưởng là một nơi sửa xe.

Cò kè để được giá 2500 kyat bao xe đi 100 cây số, chúng tôi hy vọng sẽ gặp những người muốn gặp vào buổi tối.

Vừa yên chỗ, người có vẻ chủ xe đến, đòi xem giấy tờ. Ông ta lắc đầu nguầy nguậy từ chối không chở chúng tôi. Tờ re-entry permit cấp tại cửa khẩu giá 500 bath mỗi tờ, chỉ cho phép chúng tôi đi loanh quanh trong thành phố. Cảnh sát sẽ phạt rất nặng người chở chúng tôi. Chúng tôi đành trở lại cửa khẩu định xin visa để có thể đi ra ngoài tỉnh.

mong4

Tại cửa khẩu, họ bảo không có quyền cấp visa. Muốn có visa, chúng tôi phải trở lại Thái, xin qua mạng, rồi nhập khẩu qua sân bay, thời gian để được cấp visa khoảng 2 tuần. Chúng tôi không đủ thời gian làm như vậy. Họ đề nghị chúng tôi một giải pháp là cho một người đi theo chúng tôi, cùng với người này, chúng tôi có thể đi đến bất cứ chỗ nào trong tỉnh, với điều kiện chúng tôi phải trả cho họ 2500 bath, tiền Thái, gần 100 đôla một ngày, kèm tiền ăn, ở, tiền xe. Điều khó chịu không thể chấp nhận được là người này phải được tham dự các cuộc tiếp xúc của chúng tôi với bất cứ người bản xứ nào.

Đến đây thì tôi thông cảm hoàn toàn những người bạn Myanmar của tôi hoạt động trong các tổ chức dân sự về những lời phiền trách của họ đối với bà Aung San Kyu Suu, lãnh đạo quốc gia, từng là khôi nguyên giải Nobel Hòa bình. Trước kia họ đã từng kỳ vọng vào bà như thế nào!

Dù sao, đêm nay chúng tôi cũng được ngủ trong một cái khách sạn đúng nghĩa, có máy lạnh, có Wi-Fi,chăn nệm thơm tho trên đất Miến mà giá chỉ bằng 2/3 cái hắc điếm của bọn Tàu trên đất Thái.

Quang Nguyên

Nguồn : VNTB, 18/09/2018

Quay lại trang chủ
Read 674 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)