Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

09/10/2018

Đi tìm vương quốc H'Mông - 1

Quang Nguyên

Kỳ 1

Người H'Mông tị nạn tại Bắc Thái Lan

Tuyên truyền của nhà nước Việt Nam về những người H'Mông (còn được gọi là người Mông) theo đạo Tin Lành qua các nước vùng Đông Nam Á, thành lập một vòng đai chiến lược quanh biên giới Việt Nam, Vương quốc H'Mông, nhằm vào âm mưu thâm độc xóa bỏ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thúc đẩy sự tò mò của tôi, mong khi có cơ hội thử tìm xem thực hư ra sao.

mong1

Một người phụ nữ H'Mông

Báo Biên Phòng số ngày 29/5/2017, trong bài Cảnh giác với âm mưu "tôn giáo hóa" vùng dân tộc thiểu số, tác giả Lê Xuân Trinh viết :

"Tôn giáo hóa" vùng dân tộc thiểu số là âm mưu thâm độc, nguy hiểm của các thế lực thù địch phản động đang ráo riết thực hiện trong vùng dân tộc thiểu số ở nước ta hiện nay. Thực chất đây là âm mưu, hoạt động nằm trong chiến lược "Diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch. Chúng coi đây là mũi nhọn, ngòi nổ tiến công để phá vỡ khối đại đoàn kết dân tộc, kích động ly khai, tự trị, lập "Nhà nước - Vương quốc" trong vùng dân tộc thiểu số, tiến tới mục tiêu xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam". 

Chúng tôi đã có dịp đến các cộng đồng người H'Mông tại Miến Điện, Thái Lan, Lào và Trung Quốc

Người H'Mông tại Chieng Mai - Bắc Thái Lan

Xuống phi trường Don Mueang, Bangkok, Thái Lan, nghỉ một đêm, chúng tôi lấy bus đi Chiang Mai. Chúng tôi nghĩ có thể tìm ra người H'Mông Việt mới sang tại những buổi cầu nguyện của hội Những Người Bạn rao giảng Tin Lành được tổ chức một tuần lễ tại Chieng Mai.

Những buổi cầu nguyện của hội Những Người Bạn rao giảng Tin Lành được tổ chức mỗi năm một lần. Chúng tôi nghĩ sẽ gặp những người H'Mông đã trốn chạy khỏi Việt Nam ở đây trong người H'Mông đến từ các phần đất phía Bắc Thái, Chieng Mai. Nhiều tín đồ từ các bản làng xa, Lào, Campuchia, Miến Điện, mang cả gia đình, cha mẹ già và các con nhỏ đến trên các chiếc xe tải nhỏ.

Chúng tôi có mặt một tuần lễ trong các buổi cầu nguyện này. Không thấy bóng dáng của những người H'Mông Việt trốn trên đất Thái. Nhưng chúng tôi gặp vài người H'Mông từ Việt Nam sang chỉ để cầu nguyện chung và học cách rao giảng Tin Lành, xong các buổi cầu nguyện, họ về lạiViệt Nam. 

Chúng tôi thăm hỏi những người H'Mông đến từ khắp nơi, kỹ nhất là từ Việt Nam để tìm hiểu về Vương Quốc H'Mông, nhưng mọi người đều lắc đầu trước sự tò mò có vẻ ngớ ngẩn của chúng tôi. Có người cười bảo, Vương quốc của người H'Mông Tin Lành ở trên trời chứ không phải ở dưới đất. 

Nhiều người mách chúng tôi nên đến Bản Don Pui, một khu du lịch toàn người H'Mông Thái, có thể tìm thấy người H'Mông Việt đến chơi hay tìm việc làm. Lời khuyên rất hay.

Các buổi cầu nguyện và giảng kinh thánh được tổ chức bởi một số mục sư từ Hoa Kỳ, người dẫn đầu là một muc sư từ Minnesota, Hoa kỳ, coi sóc một nhà thờ gần 4000 tín đồ. Các mục sư này thuộc H’mong District, có hàng trăm người trong họ đi truyền đạo ở nhiều nước trên thế giới như Úc, Canada, Pháp… và nhiều nước Phi Châu, Á Châu. Không thể tin được một dân tộc trước đây 40 năm, chưa đọc thông chữ viết của họ, và chỉ biết cúi đầu nghe những lời dậy bảo của người khác, nay đi rao giảng Kinh Thánh trên thế giới.

mong2

Mỗi ngày có 3 buổi cầu nguyện, hát thánh ca, nghe giảng Thánh Kinh ; bắt đầu từ 9 giờ sáng đến 10 giớ tối.

Có người ghé tai tôi bảo sẽ thấy phép lạ xảy ra trong các buổi cầu nguyện. Tôi không thấy phép lạ nào, nhưng nhìn phong cách cầu nguyện, cách họ đối xử với nhau mọi nơi, mọi lúc trong suốt một tuần họ sống với nhau, tôi nghĩ phép lạ đã xảy ra trong thâm tâm khoảng 400 tín đồ cùng chung một niềm tin.

Chúng tôi ở với anh em H'Mông cho đến ngày cuối cùng, khoan khoái thưởng thức miễn phí những bửa ăn đầy hương vị Thái, với trái cây tráng miệng ê hề, tươi rói, thơm phức, với những đêm êm đềm, thôn dã của khu resort và nhất là để hân thưởng các bài thánh ca, tôi không hiểu nghĩa, họ nhiệt tình, say mê hát ca tụng đấng Christ.

Sau buổi lễ cầu nguyện kéo dài 1 tuần, nhiều người nhận phép rửa tội tại ngay hồ bơi của khu nghỉ dưỡng, trong đó có một thanh niên H'Mông từ Việt Nam qua.

Bản Don Pui, Suthep, Chieng Mai

Cắt nửa chừng các buổi cầu nguyện cùng Hội các người Bạn rao giang Tin Mừng, chung tôi đi Ban Don Pui, quận Suthep. Tỉnh Chieng Mai 

Vị Mục sư Tin Lành nổi tiếng thuộc H’mong District, đứng dầu tổ chức các buổi cầu nguyện và rao giảng Thánh Kinh, hầu như biết hết các cộng đồng dân cư H'Mông Tin Lành tại Thái Lan, cho chúng tôi biết rõ hơn về bản này. Chúng tôi hy vọng nghe, tìm thấy tăm hơi của người H'Mông Việt Nam tại khu du lịch nổi tiếng vùng Chieng Mai của người H'Mông Thái. Có thể là một hy vong hão, nhưng cứ thử xem sao.

mong3

Bản Mong Doi Pui - Suthep, Chieng Mai (Thailand).

Đây là một khu du lịch nổi tiếng gần biên giới Miến, cách Chieng Mai khoảng 30 phút. Chúng tôi thuê một chiếc xe van 7 chỗ với giá 3000 bath, khoảng 100 đôla/ngày, thay vì đi songthaew, một loại xe sơn màu đỏ, xe bus thùng, có hai hàng ghế hai bên, với giá 40 bath mỗi người/lần. 

Không phải chơi sang để tiêu 100 đôla một ngày thuê xe riêng, nhưng chúng tôi cầu xin vận may mỉm cười, có thể tìm ra được một người H'Mông Việt Nam biết về Vương Quốc H'Mông nơi đây, có thể làm quen và đưa, hay đi theo họ về tới... tổ con chuốn chuồn. 

Có một câu hát quen thuộc ở Văn Sơn, Vân Nam (Trung Quốc) : "Người Hán, Hồi ở chợ, người Choang, Thái dọc theo sông, ngòi, người H'Mông, Lô Lô ở núi cao, người Dao ở trong vùng rừng tre nứa".

Người H'Mông thường tìm nơi núi cao tránh xa các dân tộc khác. Từ trăm năm trước, để tránh sự đàn áp của người Hán, nhiều người H'Mông đã bỏ chạy sang miến núi bắc Thái, họ chọn một trong những điểm cao nhất của Thái Lan, trong đó có Ban Doi Pui, giáp ranh biên giới Miến, độ cao khoảng 1700 m. Bây giờ thành khu du lịch.

Người lái xe van cũng là người H'Mông, nhưng ở trong thành phố Chieng Mai, ông lái vun vút qua những khúc quanh thật gắt không dành cho các tay mơ, khiến tôi nhớ lại những chuyến ngồi sau các tay lái mô tô leo tuốt đỉnh núi cao Điện Biên, Lao Kay… Những tay lái trẻ người dân tộc thiểu số lượn như bay qua những gấp khúc gần như thẳng đứng, đá tảng lẫn bùn, trơn trợt, rộng chừng một mét, một bên là vách đá, một bên là vực sâu, đưa tôi lên các đỉnh núi mờ sương.

Đường từ Chieng Mai lên Ban Don Pui trải nhựa rất tốt, rộng, 2 xe tránh nhau vừa đủ, khúc khuỷu như các khúc ruột non. Luôn thấy các bảng lưu ý lái xe giảm tốc độ, dùng số thấp, xe vẫn lấn sang phần đường bên kia, bóp còi inh ỏi khi quẹo cua, lao vun vút. Những tay lái xe máy vẫn cứ vượt qua, chóng mặt người ngồi cạnh tài xế xe cùng chiều.

Chúng tôi đến Don Pui lúc sáng sớm, các quán hàng vừa mở. Khách du lịch còn vắng.

mong4

Xe đậu ở bãi trước bản. Chúng tôi đi vào các ngõ ximăng dốc trong làng. Người bán dạo chạy theo đon đả mời khách khoai, sắn, sôi bốc khói thơm phức và những miếng đào, ổi, soài cắt sẵn.

mong5

Hai bên đường là những cửa hàng bán quần áo, túi xách, mũ theo truyền thống của người H'Mông sặc sỡ, cầu kỳ, duyên dáng.

mong6

Không thiếu cửa hàng bán trà, đồ kỷ niệm, các khí cụ, nhạc cụ của người dân tộc H'Mông như thấy ở Việt Nam. Có một quán bán cồng, chuông, khánh và đồ thờ Phật giáo. Thanh niên chủ quán tốt nghiệp trường đại học Chiang Mai, nói tiếng Anh lưu loát. Cậu chỉ tôi cách miết dùi vào thành ngoài chuông phát ra tiếng rít dần dần lớn lên đến chói tai. Tôi có thể làm điều đó được, nhưng không điệu nghệ bằng cậu ta. Tôi cũng thích chuông, nghe chuông. Theo tôi chuông Huế được mài rũa bằng tay, nhìn xấu, nhưng tiếng vang, rung, ngân hay không chuông nào của Tàu, Đài Loan, Miến hay Tây Tạng, Ấn Độ...có được, và vì chuông Huế mài rũa bằng tay, cho nên mỗi chuông ‘lời của nó’ có chút riêng biệt. Tôi mua một món đồ, hỏi tin tức về người H'Mông Việt Nam, cậu ta lắc đầu nói chưa hề bao giờ nghe về những người như thế. Chúng tôi la cà hết quán này đến tiệm nọ, mua vài món lặt vặt, uống vài ly trà làm quen, dò hỏi.

Tình hài hước và tài chơi một số nhạc cụ dân tộc của Mục sư Wang lôi kéo được nhiều người đến nghe ông nói chuyện, thổi khèn, chơi đàn cò, nhưng chúng tôi cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu thành thật cho biết không nghe gì đến những người H'Mông Việt Nam. 

Một trong những người có gốc tích rõ nhất chúng tôi nói chuyện, biết được là người chủ tiệm một quán cà phê nằm ngất ngưởng trên phần cao nhất của bản, trong khu bảo tồn H'Mông.

mong7

Một góc của khu bảo tồn H'Mông Thái Lan.

Ông ta cởi mở nói chuyện về nguồn gốc. Ông nội của ông quê Vân Nam đã đến đây từ 100 năm trước để trồng thuốc phiện. Ông ta chỉ những cây anh túc đang trổ hoa rực rỡ trong vườn khu bảo tồn, cười : "Bây giờ thì thôi rồi, người ta chỉ yêu cầu chúng tôi trồng vài cây trong khu này". Đất trồng thuốc phiện đã lâu của gia đình chuyển qua trồng cà phê. Ông có một xưởng chế biến nho nhỏ. Cà phê chín, hái, ủ, rang, xay, bán. Ông bảo đảm organic, nguyên chất, không pha trộn. Người con gái duy nhất đã có chồng và một con của ông học cách trồng, chế biến cà phê từ đại học Chiang Mai. 

mong8

Cả ông ta và tất cả những người H'Mông chúng tôi gặp ở Don Pui không ai nghe về những người H'Mông trốn chạy từ Việt Nam, ngay cả vài tay bán kim cương giả lắm mồm, chúng tôi tin biết rất nhiều chuyện ngồi lê đôi mách, cũng lắc đầu bảo họ không bao giờ nghe được chuyện này.

Chúng tôi trở lại Chiang Mai, dự tiếp các buổi cầu nguyện và nghe tin tức từ những tín hữu ở xa tới trễ.Buổi trưa ngay sau ngày kết thúc, chúng tôi không kịp ăn trưa, lấy taxi đi thẳng đến Chieng Rai.Thành phố có cửa khấu vào Miến Điện.

Chúng tôi đến với người H'Mông chạy trốn từ Việt Nam đang lẩn tránh ở Miến Điện.

Quang Nguyên

Nguồn : VNTB, 12/09/2018

Quay lại trang chủ
Read 855 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)