Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

08/08/2018

Làng đúc đồng Ngũ Xã thời kĩ thuật số

Nhóm phóng viên

Làng Ngũ Xã hình thành từ những năm đầu thế kỉ 17-18 đời Lê, thời đó, một số thợ đúc đồng ở năm xã có tên Nôm là làng Hè, làng Me, làng Giồng, làng Dí trên và làng Dí dưới ở các tỉnh lân cận kéo về Hà Nội mở lò đúc đồng, gọi là Tràng Ngũ Xã, tức là trường đúc của năm xã. Theo thời gian, các tác phẩm đúc đồng của nghệ nhân Ngũ Xã ngày càng nhiều và phát triển đến đỉnh cao của nghệ thuật đúc đồng Việt Nam. Thời đại kĩ thuật số, dường như mọi làng nghề đều chuyển mình hoặc chết đi, Ngũ Xã cũng chuyển mình đuổi bắt thời đại. Nhưng có hàng trăm vấn đề khó khăn dẫn đến nguy cơ làng đúc này khó bề tồn tại.

duc1

Phòng trưng bày đồng Ngũ Xã của nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng

Nghệ nhân trẻ không có, thợ đúc cũng hiếm

Nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng, một trong hai nghệ nhân hiếm hoi còn giữ nghề đúc của làng nghề Ngũ Xã, chia sẻ : 

"Làng nghề của chúng tôi hiện nay hình thành ở Thăng Long này gần 400 năm rồi. Trong làng nghề hiện nay chỉ còn có hai gia đình làm đúc đồng. Có thể do biến động thời cuộc, kinh tế nên người ta thấy đúc đồng không còn hợp kiếm tiền được nữa, người ta bỏ nghề…".

Theo nghệ nhân Ứng, làng đúc đồng Ngũ Xã trước đây nằm trên một bãi đất rộng nhìn ra hồ Tây. Đến những năm thập niên 1980, cuối thế kỉ 20, làng Ngũ Xã vẫn là làng nghề phồn thịnh và sầm uất bên bờ hồ Tây. Thế nhưng chỉ trong vòng chưa đầy 20 năm, mọi sự dường như vật đổi sao dời.

Kể từ mốc biến động giá đất năm 1991, mọi làng nghề nhanh chóng bị xóa dấu vết bởi quĩ đất bị biến thành đất xây dựng, đất ở. Từ làng hoa Ngọc Hà cho đến làng đúc đồng Ngũ Xã, dường như nhà cửa mọc ra như nấm sau mưa và làng nghề nhanh chóng co cụm trong quá trình đô thị trương nở.

Đây cũng là quãng thời gian người ta bỏ nghề nhanh chóng nhất, làng đúc đồng tồn tại hơn ba trăm năm để hình thành một lớp nghệ nhân giàu kinh nghiệm và sáng tạo thì chỉ tốn đúng một năm, các nghệ nhân tuyên bố giải nghệ, có người chạy xe ôm, có người đi buôn, làm ruộng…

Những năm 2000, làng đúc đồng Ngũ Xã không còn ở bên bờ hồ Tây, toàn bộ không gian làng đúc bị phân xẻ thành đất xây dựng và các villa, biệt thự mọc lên thay thế cho làng đúc. Ngũ Xã được dời ra bờ đê sông Hồng, trong một khu đất khuất lấp. Nhà của các nghệ nhân làng đúc được nhà nước cấp kinh phí hỗ trợ xây dựng thành nơi trưng bày của làng đúc Ngũ Xã.

Nhưng khi di dời ra chân đê, làng Ngũ Xã cũng không được yên ổn để hoạt động. Giá đất ngày càng tăng, quĩ đất hàng ngàn mét vuông của làng đúc nhanh chóng rơi vào tầm ngắm của các đại gia bất động sản. Và thêm một lần nữa, làng đúc trở nên bấp bênh cho dù các nghệ nhân đã tìm mọi cách để kết nối với công nghệ thông tin, đưa làng đúc vào không gian mạng. Dùng những công nghệ mới do thời đại kĩ thuật số mang lại để kết hợp với tay nghề truyền thống mà hoạt động, tồn tại vẫn không cứu được làng đúc Ngũ Xã.

Đất làng đúc bị dòm ngó

Bà Bùi Thị Minh, một nữ nghệ nhân duy nhất, cũng là nhà thiết kế và nhà kinh doanh của làng đúc Ngũ Xã, chia sẻ :

"Cha ông tôi rất là tâm đắc về cái nghề đúc đồng, bề dày lịch sử rất là lâu đời, 400 năm. Những người kế tục trong làng rất là tâm huyết. Đây là cái nghề vừa mang nghệ thuật, vừa tâm linh. Chúng tôi là những thế hệ kế tiếp. Bây giờ gần như là hết rồi !".

Bà Minh nói rằng nỗi lo lắng lớn nhất của các nghệ nhân đúc đồng Ngũ Xã hiện nay là đội ngũ thợ trẻ ngày càng hiếm, các nghệ nhân trẻ có sáng tạo trong nghề đúc hầu như chưa tìm thấy, trong đó các nghệ nhân già thì ngày càng đuối sức, tay run mắt mờ. Vấn đề chính là nhiệt huyết với nghề hầu như không còn ở làng đúc.

Bên cạnh đó, nỗi bấp bênh về chỗ tồn tại của làng nghề cũng góp một phần không nhỏ cho sự thưa dần của các lớp thợ đúc trẻ. Vì theo chỗ bà Minh biết thì vị trí hiện tại của làng đúc đang nằm trong tầm ngắm, giải tỏa đền bù của tập đoàn Vincom. Một khi làng đúc tiếp tục bị đẩy ra ngoại ô thì việc di chuyển từ nơi ở cũ đến chỗ làm việc quá xa, bên cạnh đó, việc đưa khách đặt hàng, chọn mẫu từ điểm giao dịch đến điểm sản xuất cũng vô cùng khó khăn.

duc2

Các nghệ nhân làng đồng Ngũ Xã - TTVN

Bà Minh chia sẻ thêm :

"Rất là lo lắng, phải nói rằng nghề thì phải có mặt bằng. Ngày xưa chúng tôi có mặt bằng cả làng. Vòn bây giờ nhà cửa phát triển, chúng tôi không có mặt bằng".

Với một làng nghề mà ở đó, yếu tố ký ức và truyền thống duy trì tồn tại cao hơn yếu tố thương mại, giờ thêm phần bất tiện về sản xuất cũng như giao dịch mua bán, nguy cơ làng nghề đó chết đi đang hiện dần ra trước mắt.

Bà Minh chia sẻ thêm :

"Thế hệ chúng tôi rất yêu nghề. Nếu như con cháu chúng tôi không giữ được nghề thì rất là tiếc. Đây là một cái nghề mang văn hóa tâm linh. Nhưng nếu như con cháu chúng tôi không giữ được cái nghề này thì quả là tiếc !".

Hiện tại, hầu hết các làng nghề ở Việt Nam đều được nhà nước công nhận, được rót kinh phí để hoạt động và đều có chung một tình trạng là không thể hoạt động được vì thiếu chi phí trả cho người lao động, thiếu nguyên liệu hoạt động và thiếu mặt bằng để tồn tại. Cái điều nghịch lý này vốn dĩ tồn tại kể từ khi các gói tài trợ nhà nước rót xuống các làng nghề và các làng nghề được quản lý bởi một hệ thống cán bộ không hiểu biết gì về làng nghề nhưng lại can thiệp và quyết định các gói tài trợ này.

Câu chuyện làng nghề đúc đồng Ngũ Xã có nguy cơ mất dấu cũng là một ví dụ cho nhiều làng nghề khác có nguy cơ mất dấu trên cả nước. Khi mà các nghệ nhân trở nên ngao ngán bởi các tác nhân mang tên cơ chế, các làng nghề sinh động một thuở bỗng trở nên thụ động và buồn thảm hơn bao giờ hết.

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam

Nguồn : RFA, 20/07/2018

Quay lại trang chủ
Read 667 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)