Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

24/08/2024

Đình thờ Đô đốc tướng quân Trần Thượng Xuyên tại Biên Hòa

VOA - Đức Anh

Thăm Tân Lân thành cổ miếu ở Biên Hòa Tiếng Việt

VOA, 24/08/2024

Là cơ sở tín ngưỡng dân gian thờ Đô đốc tướng quân Trần Thượng Xuyên, người có công trong việc khai phá đất đai và mở mang thương mại vùng Đồng Nai – Gia Định. Nhân dân khắc ghi và tôn thờ công đức to lớn của ông, xem như một vị thần đã khai sáng vùng đất này. Sau hai lần dời chuyển, năm 1935, miếu được xây dựng kiên cố và đặt tên là Tân Lân Thành cổ miếu, dân gian vẫn gọi là đình Tân Lân.

Gắn bó với đình từ lúc còn nhỏ, ông Nguyễn Văn Phương chia sẻ : "Cũng như đình, đình này là di tích Quốc gia cũng lâu đời rồi. Cũng như tôn kính, tôn nghiêm người ta thờ phượng ông, Đức ông đó. Hồi xưa ổng là Trần Thượng Xuyên đó, ổng tên Trần Thắng Tài nữa. Hồi xưa ổng khai thác đất đai Biên Hòa, Đồng Nai mình nè. Công ơn nên bây giờ mới tôn kính ông, thờ phụng ông đó. Hồi đó, lúc trước 1975 đó, hồi đó năm 7 tuổi, mình đi ngang ra đá banh đồ chơi ở sân đình nè. Mái ngói, mái đồ đình tới bây giờ luôn đó".

tanlan1

Tổng thể của đình được bố trí gồm Tiền đình, Chánh điện và Hậu đình. Mái đình trang trí bằng các mảng tượng gốm sứ. Năm 1951, đình xây dựng thêm miếu Ngũ Hành Nương Nương và Thánh Thạch Cổ Miếu. Không chỉ dân địa phương, mà những khách thập phương cũng đến đây dâng hương.

Ông Bảy Lân, một cư dân ở xứ này, nói : "Địa phương đây cũng có mà ở xa cũng có, nhưng địa phương nhiều hơn".

Xuôi theo dòng chảy của thời gian, theo ông Nguyễn Văn Phương cảnh quan nơi đây cũng ít nhiều có sự thay đổi. "Cảnh quan nó thay đổi. Hồi đó, ở đây là cái bến xuống sông đẹp lắm. Đây là nhà hàng ‘Ba Đập Lai’, hồi xưa thời Pháp, ‘Ba Đập Lai’ của Pháp đồ đó. Bắt đầu nó mới đổi thay lại, cái giờ nó vậy đó".

Là cư dân địa phương mưu sinh gần đình Tân Lân, với bà Thanh Truyền, không cầu mong gì hơn ngoài sức khỏe và gia đạo bình an. "Gia đình, gia đạo đồ đó. Bình an, rồi sức khỏe, vậy thôi. Buôn bán đồ đắt đồ đó. Với thấy cầu sức khỏe, mình khỏe vậy thôi".

Tượng Đức ông Trần Thượng Xuyên uy nghiêm ngự trên ngai sơn son thếp vàng được đặt trang trọng ở chính điện. Gần đó là bàn thờ Tả ban, Hữu ban, Hội đồng Nội, Bạch Mã…

Năm 1991, đình Tân Lân được xếp hạng Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Nguồn : VOA, 24/8/2024

Đọc thêm :

Người Hoa tại Việt Nam - Phần Hai

********************************

Đình Tân Lân

Đức Anh, Hà Nội Mới, 16/07/2022

Tân Lân là nơi thờ Trấn biên Đô đốc tướng quân Trần Thượng Xuyên, có mặt tiền hướng tây nam nhìn về sông Đồng Nai. Xưa kia, nơi này thuộc thôn Tân Lân, huyện Phước Chánh, dinh Trấn Biên ; nay thuộc phường Hòa Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

tanlan2

Đình Tân Lân

Trần Thượng Xuyên (1626 - 1720) nguyên là tướng nhà Minh (Trung Quốc). Sau khi nhà Minh bị nhà Thanh tiêu diệt, Trần Thượng Xuyên và một tướng khác là Dương Ngạn Địch cùng binh tướng dưới quyền và gia nhân bỏ đi tị nạn. Đoàn gồm 3.000 người và 50 chiến thuyền do Trần Thượng Xuyên dẫn đầu tới cửa Tư Hiền (Thừa Thiên) và cửa Đà Nẵng vào tháng Giêng năm Kỷ Mùi (1679), tới xin thần phục chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn Phúc Tần đã đồng ý và cho Trần Thượng Xuyên tới vùng Biên Hòa - Gia Định, Dương Ngạn Địch tới vùng Mỹ Tho khai khẩn, làm ăn sinh sống. Trần Thượng Xuyên đã có công lớn khi khai mở vùng đất Biên Hòa. Thời Trần Thượng Xuyên cai quản, Cù lao Phố (Biên Hòa) trở thành một thương cảng giàu có, tấp nập từ giữa thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XVIII. 

Ngày 23 tháng 10 năm Canh Tý (1720), Trấn biên Đô đốc tướng quân Trần Thượng Xuyên mất. Để ghi nhớ công lao của ông, nhân dân trong vùng đã lập miếu thờ trong khu vực thành cổ Biên Hòa. Do chiến tranh, ngôi miếu hai lần phải dời chuyển để đóng tại vị trí hiện nay. Năm 1935, miếu được xây dựng kiên cố và đặt tên là Tân Lân Thành cổ miếu, dân gian vẫn gọi là đình Tân Lân. 

Đình Tân Lân được xây dựng trên một khuôn viên rộng 3.000m2, có bố cục hình chữ "tam", gồm tiền đình, chính điện, hậu cung. Kiến trúc của công trình là sự kết hợp giữa phong cách kiến trúc nhà Nguyễn và kiến trúc vùng Hoa Nam (Trung Quốc) với hệ khung gỗ, tường bao, mái ngói âm dương theo phong cách thời Nguyễn. Những trang trí trên mái, bờ nóc, bờ chảy lại đậm nét Trung Hoa, cùng với đó là hệ thống tượng theo điển tích như vinh quy bái tổ, hội triều nơi thiên đình... Tượng Trần Thượng Xuyên uy nghiêm ngự trên ngai sơn son thếp vàng được đặt trang trọng ở chính điện - nơi có những hàng cột gỗ lim to, những cặp chim trĩ, loan, phượng bằng đồng đứng chầu cùng bộ bát bửu bằng đồng đặt trước ban thờ thần. Ngoài ra, đình còn thờ các vị thần khác như bà Thiên Hậu, Quan Công, Bạch Mã thái giám... Trong đình hiện còn lưu giữ sắc thần của vua Tự Đức ban cho Trần Thượng Xuyên, các tài liệu Hán Nôm cùng 8 tấm liễn đối, 12 tấm hoành phi...

Đình Tân Lân là công trình kiến trúc đặc sắc đã được xếp hạng Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật quốc gia năm 1991.

Đức Anh

Nguồn : Hà Nội Mới, 16/07/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: VOA, Đức Anh
Read 380 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)