Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

04/07/2017

Mạng lưới điệp viên Nga cài cắm ở Mỹ

BBC tiếng Việt

Là cựu Cục trưởng Cục S thuộc Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô (KGB), phụ trách chương trình điệp viên chìm, huyền thoại tình báo Yuri Drozdov nắm rõ tất cả những gì cần thiết để đào tạo nhân viên tình báo "nhân dạng giả" hoạt động ở nước ngoài.

spy1

Huyền thoại tình báo Liên Xô Yuri Drozdov

Những điệp viên này học cách nói, nghĩ và cư xử, thậm chí một cách vô thức, cũng phải giống hoàn toàn những công dân Mỹ, Anh, Đức hay Pháp mà họ sẽ đóng giả khi đặt chân đến các nước đó.

Yuri Drozdov, sinh ngày 19/9/1925 tại Minsk, trong một gia đình quân nhân.

Ông tốt nghiệp Học viện Ngoại ngữ Quân sự và bắt đầu hoạt động tình báo từ năm 1957 dưới danh nghĩa một viên thanh tra người Đức tên là Claynert ở Berlin.

Vadim Alekseevich Kirpichenko, người tiền nhiệm của ông Drozdov tại Cục S, miêu tả các điệp viên "bất hợp pháp" là các điệp viên "nhân tạo được chúng tôi tạo ra".

Những phẩm chất của những ứng viên điệp viên chìm là "sự dũng cảm, tập trung, ý chí mạnh mẽ, khả năng dự báo nhanh chóng nhiều tình huống khác nhau, khả năng chịu được căng thẳng, khả năng thông thạo ngoại ngữ xuất sắc, thích nghi tốt với điều kiện sống hoàn toàn mới, và sở hữu kiến ​​thức ngành nghề có cơ hội kiếm ra việc làm", ông Kirpichenko cho biết.

spy2

Anna Chapman là một trong những nữ điệp viên Nga xinh đẹp bị Mỹ trục xuất hồi năm 2010

Nhân dạng giả

Các điệp viên của KGB ở Mỹ và nhiều nước khác thường đi lang thang quanh các nghĩa trang, tìm kiếm những đứa bé đã chết có độ tuổi trùng với những người đang được đào tạo để trở thành điệp viên nước ngoài.

Đó là phương pháp hiệu quả để đánh cắp danh tính thật ở thời đại tiền internet.

Sau khi tìm được đối tượng phù hợp, một tiểu sử "ảo" chi tiết sẽ được "phù phép", cùng các giấy tờ cần thiết như giấy khai sinh để biến điệp viên Liên Xô thành công dân của một nước nào đó.

Các nhà thờ sẽ được trả tiền để sửa sổ sách và xóa đi phần ghi chép về thông tin tử vong của đối tượng.

Đây là công việc tốn kém và đòi hỏi sự thận trọng cũng như xét tuyển nghiêm ngặt.

Thậm chí, việc nói tiếng Nga trong khi mơ ngủ cũng là lý do để một ứng viên tiềm năng có thể bị loại.

spy3

Điệp viên "bất hợp pháp" thường sống lẫn vào cộng đồng dân cư bình thường ở nước ngoài, thay vì dưới vỏ bọc ngoại giao như điệp viên "hợp pháp"

Không hưởng miễn trừ ngoại giao

Huyền thoại tình báo Yuri Dozdov vừa qua đời vào ngày 21/6/2017, thọ 91 tuổi.

Sự ra đi của ông đã kết thúc cuộc đời của một huyền thoại khét tiếng từng trải qua hàng chục năm trên cương vị lãnh đạo cấp cao của KGB.

Trong cuộc phỏng vấn năm 2010, ông Drozdov đã mô tả về một cặp "điệp viên bất hợp pháp" gồm một nam và một nữ. Họ được cử đến Mỹ qua ngả Tây Đức và đóng vai một cặp vợ chồng.

"Khi làm việc ở New York, tôi thỉnh thoảng lái xe đến con phố nhà hai vợ chồng này, và chỉ nhìn qua cửa sổ", ông Drozdov nói với báo Rossiiskaya Gazeta.

Tuy nhiên, không ai được tiếp xúc với các điệp viên này vì rủi ro quá lớn.

Không giống các điệp viên "hợp pháp" - những người được cử ra nước ngoài dưới vỏ bọc ngoại giao hoặc bảo trợ chính thức khác, điệp viên "bất hợp pháp" sống và làm việc như người bình thường ở những khu vực ngoại ô.

Do đó họ cũng không được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao như các điệp viên khác nếu bị bắt giữ.

Thông tin thu thập được từ những điệp viên chìm này sẽ được tập hợp lại và chuyển tới tay người phụ trách thông qua các phương tiện bí mật

Điều này bao gồm các vị trí giao nhận bưu tín bí mật - nơi hai người có thể trao đổi tài liệu mà không cần gặp mặt, qua radio điện đàm hoặc các cuộc gặp kín ở nước ngoài.

spy4

Vụ trao đổi điện viên giữa Mỹ và Liên Xô năm 1962 diễn ra tại cầu Glienicke nối liền Tây Berlin và Postdam

Người đàm phán và 'cầu gián điệp'

Cầu Glienicke bắc qua sông Havel, nối biên giới Đông và Tây Đức được giới truyền thông gọi là "cầu gián điệp" vì Liên Xô và Mỹ nhiều lần dùng cầu này để trao đổi điệp viên bị bắt.

Vào thập niên 40 và 50, Rudolf Abel là một tình báo Liên Xô ở Mỹ hoạt động dưới vỏ bọc là một nhiếp ảnh gia tại New York.

Ông được cho là người giúp Liên Xô đánh cắp bí mật hạt nhân, và bị FBI bắt và kết án 30 năm tù vào năm 1957.

Sau 5 năm ngồi tù tại Mỹ, ngày 10/2/1962, Rudolf Abel, đã được trao đổi tại cầu Glienicke biên giới giữa Đông và Tây Đức lấy một phi công Mỹ Francis Gary Powers.

Yuri Drozdov, khi đó là một nhân viên KGB trẻ tại Đông Đức, đã giúp đàm phán và dàn xếp việc trao đổi điệp viên nói trên.

Câu chuyện này đã được đạo diễn lừng danh Holywood Steven Spielberg dựng thành phim năm 2016.

spy5

Diễn viên Mark Rylance và Tom Hanks trong phim 'Người đàm phán' của Steven Spielberg năm 2016 về việc trao đổi điệp viên Xô Mỹ năm 1962.

'Di sản không thể đếm hết'

Gần đây, vào năm 2010, nhóm 10 điệp viên ẩn của Nga đã bị bắt tại New York, Mỹ. Hai người trong số họ sống như vợ chồng với nhau và đã có con cái trưởng thành.

Một trong số đó là Ana Chapman, một điệp viên nữ xinh đẹp được cho là được đào tạo để gài 'bẫy tình' đối với các thành viên nội các Chính phủ Hoa Kỳ.

Anna sang Mỹ và tham gia vào hoạt động kinh doanh bất động sản ở Manhattan, New York.

Ban đêm, Anna thường xuyên có mặt ở các sàn nhảy, hộp đêm sôi động nhất thành phố. Tuy nhiên, ít ai biết được rằng đây chính là vỏ bọc hoàn hảo cho các hoạt động bí mật của Anna tại Mỹ.

Vẫn còn nhiều bí mật về chương trình "điệp viên bất hợp pháp", nhất là về số lượng thành viên, chưa được tiết lộ.

Người ta ước tính rằng Liên Xô đã đào tạo hàng trăm điệp viên như vậy trong thời Chiến tranh Lạnh.

Mặc dù Liên Xô đã sụp đổ và việc triển khai những điệp viên ẩn để thu thập thông tin cũng như tiếp cận các nhân vật quyền lực đã không còn mang lại nhiều hiệu quả trong thời đại kỹ thuật số ngày nay, nhưng chương trình "điệp viên bất hợp pháp" được cho là chưa kết thúc.

Di sản của huyền thoại tình báo Drozdov vẫn tồn tại ở một mức độ nào đó.

Nguồn : BBC, 04/07/2017

Quay lại trang chủ
Read 721 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)