Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

20/02/2021

Nhạc trưởng Lê Phi Phi, người se duyên cho âm nhạc Việt – Âu

Hoài Dịu

Trong dòng chảy của nền âm nhạc hàn lâm Việt Nam, Lê Phi Phi là một trong số hiếm người Việt đã và đang đảm trách vị trí chỉ huy trưởng của nhiều dàn nhạc giao hưởng có đẳng cấp quốc tế như : dàn nhạc giao hưởng Kosovo, dàn nhạc Jyvaskyla Sinfonia Phần Lan, dàn nhạc của Trung tâm Nhạc và Vũ kịch Macedonia,…

lephiphi1

Nhạc trưởng Lê Phi Phi trong một chương trình hòa nhạc. © Ảnh do tác giả cung cấp.

Thành đạt ở hải ngoại, nhưng anh luôn hướng về nguồn cội bằng việc thực hiện nhiều buổi hòa nhạc tại Việt Nam mỗi năm. Âm nhạc Lê Phi Phi trở thành điều còn mãi trong mối giao duyên giữa hai nền âm nhạc Việt-Âu.

Đây cũng là món quà mà mục Góc Vườn Âm Nhạc muốn gởi tặng đến quý vị thính/độc giả đài RFI nhân dịp đầu xuân mới là cuộc gặp gỡ với một nhân vật rất đặc biệt : Nhạc trưởng Lê Phi Phi.

*****

RFI : RFI tiếng Việt trước tiên xin cảm ơn ông đã nhận lời mời cho cuộc gặp đầu xuân này.

Lê Phi Phi : Có lẽ có một duyên nợ, mà là duyên nợ tốt đối với tôi, với tất cả những gì có liên quan đến chữ radio, television. Bởi vì từ hồi nhỏ, tôi đã được cha là nhạc sĩ Hoàng Vân luôn mang theo đến dàn nhạc của đài tiếng nói Việt Nam, thu những chương trình và ca khúc của ông. Sau đó, khi trưởng thành và lập nghiệp thì tôi đã từng làm ở rất nhiều các dàn nhạc radio, television.

RFI : Là nhạc trưởng Việt Nam, nhưng ông chủ yếu làm việc với nghệ sĩ châu Âu, và trên đất Âu. Những điều này có ảnh hưởng đến phương pháp giảng bài, và phong cách biểu diễn của ông hay không ?

Lê Phi Phi : Tôi là một người con của Hà Nội, và tôi có một cái may là được tốt nghiệp đại học ở một trong những nhạc viện danh tiếng nhất thế giới là Nhạc viện mang tên Tchaikovsky, tại Matxcơva của Nga. Ngay từ khi đi học, tính cách và phong cách âm nhạc cổ điển, các trường phái châu Âu đã hình thành rất là rõ trong các trường lớp của Nga và châu Âu ăn nhập vào tôi.

Khi ra đời làm việc, tôi là một trong số ít nhạc trưởng có được sự may mắn khi mà tính cách, âm nhạc, con người được hình thành kết hợp bởi hai nền văn hóa châu Âu và châu Á. Đó giống như là một điểm mạnh, tạo thuận lợi cho công việc khi dàn dựng chỉ huy.

Như chúng ta biết, đặc tính của người châu Á, là sự kiên trì, bền bỉ, nhẫn nại, tinh tế, nhẹ nhàng, và ngược lại, đối với người châu Âu, lại là một sự mạnh mẽ, chuẩn xác trong công việc cũng như trong suy nghĩ và cách thể hiện.

Nếu như biết kết hợp và có khả năng kết hợp hai nền văn hóa đó thì bạn có thể làm việc với bất kỳ dàn nhạc nào trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Chúng sẽ bổ trợ rất nhiều cho bạn trong cách xử lý tác phẩm, thể hiện tác phẩm, dàn dựng cũng như lúc biểu diễn.

lephiphi2

Chỉ huy dàn nhạc giao hưởng Lê Phi Phi. © Ảnh do tác giả cung cấp.

RFI : Năm 2020 là một năm rất khó khăn đối với nghệ sĩ và ngành sân khấu biểu diễn trên toàn thế giới do đại dịch Covid. Đối với ông, chúng có những ảnh hưởng thế nào và trong năm 2020 vừa qua, ông có thực hiện được buổi hòa nhạc đáng nhớ nào không ?

Lê Phi Phi : Năm 2020, đối với tôi cũng như toàn thể nhân loại, trong đó có các nghệ sĩ biểu diễn là một năm không thể nào quên, một năm có lẽ là lần đầu tiên trong lịch sử loài người vì đại dịch Covid-19. Chính vì dịch bệnh này nên tất cả các nghệ sĩ trên thế giới trong đó có tôi đều phải hủy bỏ những cuộc biểu diễn của mình.

Tuy nhiên, tôi cũng có cái may là đầu năm 2020 trước khi xảy ra đại dịch tôi kịp làm một chương trình nhạc Rock Symphony tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Những chương trình tôi dựng là chơi lại, phối lại những bài nhạc Rock của các ban nhạc quen thuộc. Đây không phải là lần đầu tiên tôi làm ở Việt Nam. Tất nhiên đối với Việt Nam là mới, có thể nói tôi là người đầu tiên mang và kết hợp thể loại này về Việt Nam. Tôi đã từng làm một số chương trình như thế này tại Macedonia.

RFI : Vào thời điểm này, ở quê nhà đang đón xuân Tân Sửu rất là tưng bừng, với ông cũng như kiều bào khác đang sống và làm việc tại nước ngoài, ông nghĩ gì về Tết Nguyên Đán và chuẩn bị những gì để có một cái Tết mang hương vị Việt Nam trong lúc đón Tết xa nhà ?

Lê Phi Phi : Tôi rời Hà Nội năm 20 tuổi, sau khi du học ở Nga thì tôi định cư ở Macedonia, đến nay là đã hơn 30 năm xa Việt Nam. Đối với tôi, cũng như là tất cả những người Việt xa xứ, khi nghĩ về Tết cổ truyền Việt Nam đều mang một nỗi nhớ, một sự hoài niệm.

Mặc dù ta có thể ở bất kỳ nơi nào trên Trái Đất, có đầy đủ, một món ăn ngày Tết, một cành hoa đào, nhưng không khí Tết ở Việt Nam, đặc biệt là ở Hà Nội, bởi vì tôi là đứa con được sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, thì chỉ có thể cảm nhận được nó ở Việt Nam.

Khi có những năm tôi không được về ăn Tết ở Việt Nam, cùng với gia đình nhỏ của mình ở bên này tôi cũng cố gắng tự nấu mâm cỗ Tết của gia đình tôi ở Macedonia, cũng đầy đủ các lễ bộ như gà, xôi, miến, măng,… Còn bánh chưng, vì ở Macedonia, cộng đồng người Việt rất là ít, nên không có chợ châu Á, và không có bánh chưng. Nhưng nếu năm nào được sự cứu trợ của bạn bè ở châu Âu gởi sang, thì trên mâm cỗ ngày Tết cũng sẽ có bánh chưng, một chút giò. Truyền thống về Tết Nguyên Đán của Việt Nam tôi cũng tiếp tục để cho nó lan tỏa ở Macedonia.

Nhân dịp năm mới Tân Sửu, tôi muốn gởi lời chúc tới tất cả quý thính/độc giả đài RFI, tất cả các nghệ sĩ trong và ngoài nước cũng như toàn thể nhân loại trên thế giới một điều chúc duy nhất sức khỏe và hy vọng năm 2021 cuộc sống sẽ sớm trở lại bình thường trên toàn thế giới và đại dịch Covid sẽ phải ổn định và kết thúc.

RFI : RFI tiếng Việt xin cảm ơn nhạc trưởng Lê Phi Phi.

Nhạc trưởng Lê Phi Phi trở lại cùng Rock Symphony

Hoài Dịu

Nguồn : RFI, 20/02/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hoài Dịu
Read 457 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)