Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Ngày 10/6/2019 vừa qua, Bộ Kế Hoạch và đầu tư cho phổ biến Bạch Thư (Sách trắng) doanh nghiệp Việt Nam, nhờ đó chúng ta thấy rõ hơn thực trạng kinh tế và sự cần thiết phải thay đổi toàn bộ chiến lược phát triển quốc gia.

kinhte0

Chỉ trên 1% doanh nghiệp trong khu vực tư nhân là đủ lớn.

Tư nhân nhiều nhưng nhỏ…

Theo Bạch thư vào thời điểm 31/12/2017, nhà nước có 2.486 doanh nghiệp đang hoạt động, với 1.204 doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước. Các doanh nghiệp nhà nước đều lớn hay rất lớn cả về nguồn vốn lẫn quy mô hoạt động.

Có 16.178 doanh nghiệp trong khu vực vốn đầu tư nước ngoài (FDI), cũng đều lớn hay rất lớn, với nhiều công ty đa quốc gia sản xuất phục vụ xuất cảng.

Trong khi khu vực tư nhân có 541.753 doanh nghiệp, thì đa số đều nhỏ hay rất nhỏ. Chỉ trên 1% doanh nghiệp đủ lớn.

Tư nhân chịu thua thiệt…

Đến 31/12/2017, khu vực nhà nước đạt 9,5 triệu tỷ đồng vốn, với tổng doanh thu 3,1 triệu tỷ đồng, 200.900 tỷ đồng lợi nhuận, tạo 1,2 triệu công việc.

Khu vực tư nhân có 17,5 triệu tỷ đồng vốn, 11,7 triệu tỷ đồng doanh thu, 291.600 tỷ đồng lợi nhuận, tạo 8,8 triệu công việc.

Tính trung bình nhà nước cần hơn 3 đồng vốn mới tạo được 1 đồng doanh thu, tư nhân chỉ cần một nửa, nghĩa là 1,5 đồng vốn đã tạo được 1 đồng doanh thu.

Cứ 2 tỷ vốn tư nhân lại tạo được 1 công ăn việc làm, nhưng phải cần bốn lần, tức 8 tỷ vốn đầu tư nhà nước mới tạo ra 1 công việc.

Tư nhân tạo công ăn việc làm gấp 7,3 lần nhà nước, nhưng phải cần 60 đồng đầu tư mới có được 1 đồng lợi nhuận, tỷ lệ lợi nhuận quá thấp để có thể đầu tư sản xuất và có lợi nhuận tái đầu tư sản xuất.

Năm 2018, có tới 48% doanh nhiệp tư nhân bị thua lỗ, với 90.651 doanh nghiệp ngừng hoạt động vì thiếu vốn, trong đó có 18.795 doanh nghiệp chờ giải thể.

Nghịch lý là tỷ lệ đóng góp vào thuế của khu vực tư nhân chiếm đến hơn 41%, cao hơn tỷ lệ đóng góp của các khu vực khác.

Hầu hết doanh nghiệp tư nhân không thể tự đề ra chính sách và chiến lược cạnh tranh, rất ít đủ lớn để có khả năng đầu tư sản xuất hàng công nghiệp, không thể cạnh tranh một cách hiệu quả ngay tại Việt Nam, nên rất khó vươn ra cạnh tranh ở xứ người.

Tham gia CPTPP và EVFTA, Việt Nam phải cắt giảm thuế quan, dỡ bỏ rào cản thương mại và mở cửa thị trường sâu hơn, sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn, nếu Hà Nội không sớm đưa ra chiến lược thích hợp thì nhiều doanh nghiệp tư nhân khó có thể sống còn.

Xã hội bất bình đẳng…

Tiền lương hằng tháng trả cho người lao động khu vực tư nhân là 7,4 triệu đồng, chỉ bằng khoảng 60% hay 11,9 triệu đồng trả cho người làm công trong khu vực nhà nước.

Năm 2018, cả nước có 714.000 doanh nghiệp, thì Thành phố Hồ Chí Minh có 228.267 doanh nghiệp còn Hà Nội có 143.119 doanh nghiệp, hai thành phố chiếm quá nửa số doanh nghiệp toàn quốc.

Các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng, Nghệ An, Thanh Hoá và Bắc Ninh thu hút được số lớn các doanh nghiệp còn lại.

Còn các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, miền núi phía Bắc và Tây Nguyên có rất ít doanh nghiệp hoạt động, chỉ từ trên 600 tới khoảng 2.000 doanh nghiệp cho mỗi tỉnh.

Đầu tư thiếu kế hoạch và mất quân bình tạo chênh lệch lợi tức giữa lao động làm việc trong và ngoài nhà nước, giữa nông thôn và thành thị, làm chậm đà phát triển xã hội.

Nhà nước kém hiệu quả…

Khu vực nhà nước kém hiệu quả còn thấy rõ qua chỉ số nợ là 4,1 lần trong khi tư nhân chỉ 2,3 lần, còn chỉ số vòng quay vốn nhà nước là 0,3 lần thì tư nhân là 0,7 lần, nhưng vẫn được coi là khu vực kinh tế chủ đạo.

Doanh nghiệp nhà nước được hưởng mọi ưu đãi về vốn, đất đai, chính sách hỗ trợ, được nắm giữ độc quyền kinh doanh nên vẫn ỷ lại, lãng phí tài nguyên, lãng phí của công, lợi ích nhóm, tham nhũng, trục lợi, thiếu cải tiến, chậm cải cách.

Theo Báo cáo của Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước về kết quả sản xuất kinh doanh năm 2018 của 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn, có tổng doanh thu 1,304 triệu tỷ đồng thì cũng mắc nợ lên tới 1,3 triệu tỷ đồng, với 12 dự án ngàn tỷ bị thua lỗ.

Nhiều doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, song vẫn ỷ lại cơ chế xin cho, tìm cách trục lợi từ các chính sách nhà nước.

Muốn tạo một môi trường kinh doanh lành mạnh cho việc phát triển đất nước, Hà Nội phải tuân thủ nguyên tắc thị trường không được bù lỗ, chấm dứt mọi trợ cấp, không giảm trừ thuế, không cho vay ưu đãi, bảo lãnh vay, xóa nợ, không ưu đãi nguồn đất và tài nguyên.

Hà Nội phải chấm dứt can thiệp vào hoạt động của khu vực nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước phải bình đẳng cạnh tranh với khu vực tư nhân.

CPTPP và EVFTA buộc Hà Nội phải tiếp tục cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước cũng như mở cửa khu vực dịch vụ công cộng cho các doanh nghiệp nước ngoài vào khai thác.

Các doanh nghiệp nhà nước, thay vì bán cho người nước ngoài, nên được bán cho dân chúng, từ trẻ đến già mỗi người được mua một ít cổ phần, vừa thu vốn tư nhân vừa giữ doanh nghiệp trong tay người Việt.

Nước ngoài hưởng lợi

Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hầu hết có quy mô lớn, thu hút 6 triệu tỷ đồng vốn, doanh thu thuần đạt 5,8 triệu tỷ đồng với 384.000 tỷ đồng lợi nhuận.

Các doanh nghiệp FDI được ưu đãi từ thủ tục hành chánh, thuê mướn đất, thuê mướn nhân công, trợ giúp xuất nhập cảng, trợ giúp vay thêm vốn, đến các chính sách vĩ mô về hối đoái, tiền tệ hay ký kết CPTPP và EVFTA mở rộng xuất cảng.

Được ưu đãi nên mặc dầu đầu tư ít hơn các khu vực khác doanh nghiệp FDI lại hưởng lợi nhuận nhiều hơn. Năm 2017, khu vực doanh nghiệp FDI chiếm 43,8% của 876,7 nghìn tỉ đồng tổng lợi nhuận trước thuế.

Tính trung bình một đồng lợi nhuận doanh nghiệp FDI chỉ cần 15 đồng vốn đầu tư, trong khi doanh nghiệp nhà nước cần 47 đồng còn doanh nghiệp tư nhân phải cần tới 60 đồng.

Chưa kể các doanh nghiệp FDI còn được miễn thuế, nên khu vực doanh nghiệp FDI tiếp tục mở rộng đặt Việt Nam vào tầm nhắm của Mỹ trong thương chiến Mỹ-Trung.

Mỹ đe dọa đánh thuế…

Chiến lược tăng trưởng dựa trên FDI tạo ra một nền kinh tế với sản xuất có vốn FDI chiếm hơn 25% GDP và trên 70% giá trị xuất khẩu.

Hàng hóa thường chỉ qua sơ chế, gia công hay lắp ráp mang lại thật ít giá trị gia tăng cho Việt Nam, nhưng Hà Nội buộc phải luôn giữ đồng tiền yếu, giúp xuất cảng nhiều hơn, nên bị Mỹ đưa vào danh sách các nước thao túng tiền tệ cần theo dõi.

Xuất cảng tăng, chênh lệch thương mãi Mỹ-Việt ngày càng mở rộng, nhiều lần Tổng thống Trump phải nhắc nhở và gần đây lên tiếng chỉ trích Việt Nam "lợi dụng Mỹ còn tệ hơn cả Trung cộng".

Mỹ vừa thông báo đánh 456% thuế chống bán phá giá lên thép nhập cảng từ Việt Nam có xuất xứ từ Đại Hàn và Đài Loan.

Chiến lược tăng trưởng dựa trên FDI đã được Trung cộng sử dụng cùng lúc với việc kiểm soát chặt chẽ chính trị.

Khi Việt Nam ký các hiệp ước CPTPP và EVFTA, cùng với chiến tranh thương mãi Mỹ-Trung, thì đầu tư và hàng hóa từ Trung cộng tràn vào Việt Nam.

Nhiều loại hàng sản xuất tại Trung cộng được chuyển sang Việt Nam sơ chế hoặc thay nhãn "Made in Vietnam".

Thậm chí có mặt hàng sản xuất tại Trung cộng dán nhãn "Made in Vietnam", mượn đường Việt Nam xuất cảng sang Mỹ tránh thuế.

Nếu Hà Nội không chịu thay đổi, sẽ bị Mỹ đánh thuế, nhiều mặt hàng Việt không thể tiếp tục sản xuất, người làm công bị mất việc, ảnh hưởng đến toàn xã hội.

Cần thay đổi ngay…

Phát triển kinh tế phải dựa vào nội lực quốc gia, phải dựa vào doanh nghiệp tư nhân thì Hà Nội bắt chước Trung cộng dựa vào tư bản nước ngoài.

Hậu quả là khu vực tư nhân không thể cạnh tranh, nên sau 30 năm mở cửa, Việt Nam vẫn là một nền kinh tế dựa trên tiểu thương và tiểu nông.

Muốn phát triển kinh tế điều kiện cần là Hà Nội phải thay đổi chiến lược, chính sách và luật pháp sao cho rõ ràng, minh bạch, hợp lý để mọi doanh nghiệp cạnh tranh một cách bình đẳng.

Điều kiện đủ là Việt Nam phải có tự do kinh doanh, quyền tư hữu tài sản và đất đai phải được Chính Phủ bảo đảm và tự do chính trị để tầng lớp doanh nhân có quyền tự do chọn người đại diện trong Quốc Hội và Chính Phủ bảo vệ quyền lợi quốc gia.

Melbourne, Úc Đại Lợi, 25/07/2019

Nguyễn Quang Duy

Published in Diễn đàn

Đã trên hai tuần từ khi Tổng thống Donald Trump nêu đích danh Hà Nội là kẻ lợi dụng Mỹ tồi tệ nhất và đe dọa trừng phạt, giới chức Hà Nội vẫn im hơi lặng tiếng.

Im lặng là đồng ý là chấp nhận. Nhưng vì sao ông Trump chỉ trích là điều rất cần được xem xét, phân tích và học hỏi.

Résultat de recherche d'images pour "Hà Nội bị chỉ trích là "kẻ lợi dụng tồi tệ nhất""

Bề ngoài tay bắt mặt mừng, trong lòng có thật mừng không ? Ảnh minh họa

Thao túng tiền tệ…

Đồng Việt là đồng tiền yếu nhất thế giới và liên tục bị mất giá. Tiền Việt yếu hơn cả tiền Lào, tiền Campuchia, chỉ mạnh hơn đồng tiền vài quốc gia đang bị Mỹ phong tỏa kinh tế như Iran và Venezuela, nhưng vẫn yếu hơn tiền Bắc Hàn.

Đồng Việt yếu đến độ ngay chính người Việt chỉ muốn giữ vàng và Mỹ kim. Hà Nội biết thế nên tìm mọi cách để kiểm soát nhưng thất bại.

Đồng tiền là thước đo chính xác nhất cho sức mạnh kinh tế, niềm tin và ổn định xã hội.

Giữ cho đồng Việt không bị phá giá là cả một nỗ lực vô cùng to lớn của Hà Nội, nói chi đến việc thao túng tiền tệ như Bộ Tài Chính Mỹ e dè.

Thương mãi mất cân đối…

Hà Nội từng tự hào là thị trường cởi mở nhất thế giới, tỷ lệ xuất nhập cảng trên GDP của Việt Nam năm 2018 đã lên tới 196%.

Ngoại trừ hai thương cảng Singapore và Hồng Kông, chưa quốc gia nào trên thế giới đạt được kỷ lục này, Thái Lan đứng sau Việt Nam tỷ lệ cũng chỉ lên tới 122%, Trung Quốc 38%, Nhật 31%, còn Mỹ vỏn vẹn chỉ 27%.

Nếu xem Trung Quốc là một trung tâm gia công lắp ráp, thì Việt Nam quả đúng là một kho giao chuyển hàng hóa (transshipment).

Hàng hóa do Trung Quốc, Đại Hàn và Đài Loan sản xuất được chuyển đến Việt Nam, bao bì, đóng gói rồi xuất cảng sang Mỹ hay Âu Châu để trốn và tránh thuế.

Mỹ vừa ra thông báo đánh 456% thuế chống bán phá giá lên thép nhập cảng từ Việt Nam có xuất xứ từ Đại Hàn và Đài Loan.

Cuối năm 2017, Bộ Thương mại Mỹ xác định có đến 90% thép từ Việt Nam nhập sang Mỹ có xuất xứ từ Trung Quốc, nên đánh 531% thuế trừng phạt.

Thép là mặt hàng chiến lược. Thế chiến thứ 1 và 2 xảy ra cả guồng máy kỹ nghệ Mỹ đổ dồn phục vụ chiến tranh và Mỹ luôn sẵn sàng khai chiến để bảo vệ quyền lợi quốc gia.

Gian lận thương mãi thép vì thế là hành vi tồi tệ nhất, đáng tiếc Hà Nội chấp nhận lệnh trừng phạt nhưng không hề sửa đổi để tiến bộ.

Năm 2018, xuất cảng từ Việt Nam sang Mỹ là 49,2 tỷ Mỹ Kim. Ba tháng đầu năm 2019 con số tăng đến 40% so với cùng kỳ năm 2018, điều đáng nói là các mặt hàng tăng nhanh nhất lại là các mặt hàng Trung Quốc bị Mỹ đánh 25% thuế.

Năm 2018, chỉ riêng Samsung đã xuất cảng trên 60 tỷ Mỹ kim và chiếm 25% kim ngạch xuất cảng của Việt Nam. Samsung chủ yếu nhập linh kiện, lắp ráp tại Việt Nam rồi xuất cảng ra thế giới.

Việt Nam xuất cảng nhiều nhưng chủ yếu là hàng chuyển giao, gia công và lắp ráp, có giá trị gia tăng thấp nên thặng dư thương mại (xuất siêu) rất thấp, thậm chí còn thiếu hụt mậu thương (nhập siêu).

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan trong năm 2018, mức thặng dư thương mại đạt kỷ lục gần 6,8 tỷ, nhưng 5 tháng đầu năm 2019 lại thâm hụt lên đến 548 triệu Mỹ kim.

Thâm hụt mậu dịch với Trung Quốc theo thống kê năm 2018 là 24 tỷ Mỹ kim, riêng 5 tháng đầu năm 2019 con số đã lên tới 16 tỷ Mỹ kim.

Số thống kê năm 2014 cho biết có 20 tỷ Mỹ kim chênh lệch giữa số liệu nhập cảng của Việt Nam so với số liệu thống kê xuất cảng của Trung Quốc sang Việt Nam.

Tổng cục Thống kê giải thích số chênh lệch là do buôn lậu và gian lận thương mại, mà Việt Nam không tính vào. Cách thống kê thiếu rõ ràng, minh bạch nên các phân tích, đánh giá và tường trình về kinh tế Việt Nam thường không đáng tin cậy.

Sau chiến tranh thương mãi Mỹ-Trung, hàng hóa Trung Quốc ào ạt đổ vào Việt Nam nên con số buôn lậu và gian lận thương mại chắc chắn phải gia tăng, thâm hụt mậu dịch dễ dàng đạt 50 tỷ Mỹ kim cho năm 2019.

Nghĩa là cán cân thương mại Việt Nam thường xuyên bị thâm hụt, thiếu ngoại tệ Việt Nam phải vay nợ, có thể nói về thương mãi Việt Nam luôn bị Trung Quốc lợi dụng và lấn áp.

Tài chánh thâm hụt…

Việt Nam có được ngoại tệ từ việc phục vụ du lịch, từ bán đất, bán tài nguyên cho ngoại bang, từ xuất cảng lao động và từ "khúc ruột ngàn dặm", nhưng bù lại phải chi cho những khoản chuyển ngân lậu để đầu tư mua nhà, mua đất ở Mỹ, tẩu tán tài sản, cho con em sang Mỹ du học và di dân cũng chủ yếu là sang Mỹ.

Vì thế, cán cân tài chánh Việt Nam luôn thâm hụt, nợ công, nợ doanh nghiệp nhà nước ngày một gia tăng, thiếu ngoại tệ xây dựng cơ sở hạ tầng là thách thức cho nhà cầm quyền cả địa phương lẫn trung ương.

Việt Nam đã vượt qua giai đoạn được thế giới ưu đãi vay nhẹ lãi, đã bước sang giai đoạn vay nợ để trả nợ lời.

Hai sự kiện gần đây nhất là việc Asanzo nhập hàng Trung Quốc xé tem dán nhãn hàng Việt Nam và việc Tập đoàn Big C ngưng nhận hàng may Việt Nam cho thấy hàng Việt Nam thua ngay trên thị trường Việt Nam.

Mây đen đang phủ kín bầu trời Việt Nam.

Tư bản thống lĩnh kinh tế…

Hà Nội từng một thời là tiền đồn chống lại chủ nghĩa tư bản nhưng nay tư bản được đối xử như phượng hoàng, được Hà Nội xây tổ mời vào đẻ trứng.

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phụ thuộc vào tư bản nước ngoài một cách nặng nề, sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài chiếm hơn 25% GDP và 70% giá trị xuất khẩu.

Tính chính danh của đảng Cộng sản còn có được nhờ vào số liệu thống kê tăng trưởng kinh tế, nói cách khác dựa vào tư bản nước ngoài.

Bởi thế, Hà Nội buộc phải giữ giá đồng tiền, phải giữ lương công nhân thấp, phải liên tục ký các hợp đồng thương mãi, đặc biệt là CPTPP và EVFTA, để tư bản ngoại quốc tăng cơ hội xuất cảng, để tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài và như thế càng ngày lại càng phải lệ thuộc vào tư bản quốc tế.

Hà Nội mở đường cho các công ty Trung Quốc tránh thuế, các tập đoàn đa quốc gia như Samsung, Coca Cola,… hưởng lợi nhưng đóng thuế thật ít, dân Việt bị ví như vịt, bị bịt mỏ, bị nhổ lông, nộp thuế không được thắc mắc, không được than van.

Điều đáng nói là Hà Nội đã mất khả năng để cân bằng cán cân thương mại với Mỹ do không thể giới hạn xuất cảng số hàng hóa do tư bản nước ngoài sản xuất tại Việt Nam và thiếu tiền Mỹ để mua hàng Mỹ.

Hà Nội còn dự định sẽ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước với mục tiêu là thu hút tư bản nước ngoài, như thế kinh tế Việt Nam lại càng phụ thuộc vào tư bản nước ngoài.

Đau đớn thay ! bao thế hệ đấu tranh giành độc lập, ngày nay người Việt trở thành người làm công cho chủ nhân ngoại quốc ngay trên đất nước mình, không khác gì thời Pháp thuộc.

Cải cách chính trị…

30 năm về trước, khi thể chế cộng sản ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, người Việt ai cũng vui mừng, cũng mong Việt Nam thay đổi, được hưng thịnh, được hùng cường.

Tiếc thay đảng Cộng sản vẫn nắm giữ độc quyền chính trị, không báo chí tự do, không đối lập, không ai nói lên sự sai trái của mô hình phát triển và trình độ quản trị đất nước của cộng sản Việt Nam.

Rập khuôn Trung Quốc, đảng Cộng sản chỉ thay đổi kinh tế đủ để quyến rũ tư bản nước ngoài, để Việt Nam thành quốc gia cởi mở thương mãi nhất hoàn cầu, với tốc độ tăng trưởng "bền vững" nhờ đầu tư nước ngoài và xuất cảng.

Nhưng cuối cùng thì nợ nần chồng chất, môi trường bị hủy hoại, tham nhũng tràn lan, xã hội bị phân hóa, công nhân, nông dân, tư bản dân tộc những thành phần trước đây được cho là ủng hộ đảng Cộng sản nay trở thành nạn nhân của "đổi mới".

Người Việt một cổ hai tròng, tư bản nước ngoài chạy theo lợi nhuận, còn cộng sản thì mù quáng với con số tăng trưởng, với độc quyền chính trị.

Không chỉ công nhân Việt Nam bị chèn ép bóc lột, công nhân Mỹ bị mất việc, bị cắt lương, nước Mỹ bị thua thiệt do Bắc kinh và Hà Nội cấu kết gian lận thương mãi.

Tổng thống Trump thắng cử, gió đổi chiều, chiến tranh thương mãi Mỹ-Trung bùng phát, Hà Nội vẫn không nhìn ra, vẫn không tỏ dấu hiệu sửa đổi để thích nghi thời cuộc.

Việc Tổng thống Donald Trump nêu đích danh Hà Nội là kẻ lợi dụng, đe dọa trừng phạt, chẳng khác nào đe dọa tư bản Mỹ chớ dại mà dính vào Việt Nam, cũng là lời khuyến cáo Hà Nội nếu không thay đổi, Mỹ sẽ bị trừng phạt như trừng phạt Trung Quốc.

Một thể chế chính trị tự do thực sự, dựa vào dân thay vì ngoại bang, là thể chế chính trị đúng đắn để Việt Nam thoát khỏi lệ thuộc nước ngoài, hòa giải dân tộc, tránh cho đất nước thành một tiền đồn trong cuộc chiến Mỹ-Trung.

Nguyễn Quang Duy

Melbourne, Úc Đại Lợi

11/07/2019

Published in Diễn đàn

Ước tính 2 triệu người Hồng Kông xuống đường biểu tình chống Dự luật dẫn độ, vào chủ nhật 16/6/2019, và các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục được diễn ra cho thấy sách lược "một quốc gia hai thể chế" đã hoàn toàn thất bại.

Đây là dịp để chúng ta xem xét lại toàn cảnh Hồng Kông để thấy hệ quả có thể là một Trung Quốc chia năm xẻ bảy.

hongkong1

Năm 1992, Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Chính sách Mỹ cho Hồng Kông một quy chế đặc biệt tự do và tự trị tách biệt từ Trung Quốc.

Vì sao Anh trao trả Hồng Kông cho Bắc Kinh ?

Theo Điều ước Nam Kinh ký năm 1842 nhà Thanh vĩnh viễn nhượng đảo Hồng Kông cho Anh Quốc.

Sau đó năm 1860, theo Điều ước Bắc Kinh lại nhượng vĩnh viễn bán đảo Cửu Long và đảo Ngang Thuyền Châu.

Đến năm 1898, Anh Quốc lại thuê đảo Lạn Đầu và một số vùng phía bắc Cửu Long trong vòng 99 năm để lập ra khu Tân Giới.

Năm 1982, Anh Quốc ban đầu định giữ đảo Hồng Kông và bán đảo Cửu Long, còn trao trả phần còn lại cho Trung Quốc nhưng bị Đặng Tiểu Bình bác bỏ.

Ông Đặng hứa sẽ đối xử với Hồng Kông như một lãnh thổ tự trị tiếp tục duy trì thể chế tự do, chỉ ngoại giao và quân sự thuộc quyền kiểm soát Bắc Kinh.

Lời ông Đặng hứa được coi là sách lược "một quốc gia, hai thể chế".

Năm 1984, Tuyên bố chung Trung-Anh ra đời, Hồng Kông thành đặc khu hành chính thuộc Trung Quốc, nhưng duy trì phương thức sinh hoạt tự trị trong ít nhất 50 năm.

Phía Anh Quốc tin vào lời hứa và nghĩ rằng sau cải cách kinh tế Trung Quốc sẽ tiến hành cải cách chính trị, như tiến trình dân chủ hóa tại Đài Loan và Nam Hàn, nhưng điều này đã không hề xảy ra.

Ngày 4/6/1989, Trung Quốc nổ súng tàn sát Phong Trào dân chủ tại Thiên An Môn.

Năm 1990, mặc dù bị Bắc Kinh phản đối, Thống đốc Chris Patten đã phê chuẩn Bộ Luật Cơ bản và cải cách phương pháp bầu cử vào Hội đồng Lập pháp Hồng Kông.

Chuyển giao êm thắm

Trước đây, Thống đốc Hồng Kông được Nữ Hoàng bổ nhiệm, nhưng cư dân Hồng Kông có cuộc sống hoàn toàn tự do.

Luật pháp Hồng Kông được xây dựng dựa trên Luật pháp Anh mọi quyền tự do đều được bảo đảm.

Hồng Kông là một thương cảng tự do và mở cửa hấp thu tư tưởng từ khắp nơi trên thế giới.

Kết quả chuyển giao tốt hơn mọi dự đoán, tới ngày trao trả 1/7/1997, chỉ hơn 10% cư dân rời bỏ Hồng Kông, và sau đó không xảy ra một làn sóng thuyền nhân chạy trốn cộng sản như trường hợp Việt Nam.

Thời gian đầu sinh hoạt chính trị Hồng Kông có phần cởi mở. Nhưng càng ngày mọi sinh hoạt chính trị càng bị kiểm soát và bị lèo lái bởi Bắc Kinh, làm dân Hồng Kông lo ngại các quyền tự do cơ bản của họ sẽ bị Bắc Kinh tước đoạt dần dần.

Năm 2003, nửa triệu người tham gia biểu tình tuần hành phản đối Dự luật an ninh "chống lật đổ chính quyền" do Đặc Khu Trưởng Đổng Kiến Hoa (Tung Chee hwa) đề xuất.

Người biểu tình lo ngại Dự luật tước đi quyền tự do biểu lộ chính kiến, tự do ngôn luận và cả tự do tôn giáo, buộc Đổng Kiến Hoa phải hủy bỏ và sau đó từ chức.

Thời đại Tập Cận Bình

Đầu năm 2014, Quốc hội Trung Quốc tuyên bố Đặc khu trưởng sẽ do 1.200 đại cử tri bầu và phải được Bắc Kinh bổ nhiệm.

Một cuộc trưng cầu dân ý trên mạng được mở ra đòi hỏi người Hồng Kông được quyền trực tiếp bầu Đặc khu trưởng. Trong ba ngày đã có gần 600 ngàn người tham dự ký tên.

Phong trào mở thêm 15 phòng bỏ phiếu với kết quả 787 ngàn người bỏ phiếu trong số 3,5 triệu người có quyền đi bầu.

Sau đó Phong trào dù vàng dấy lên cuộc biểu tình đòi tự do bầu cử, làm tê liệt Hồng Kông trong vòng hai tháng, nhưng Tập Cận Bình dứt khoát không chấp nhận.

Năm 2017, bà Carrie Lam được bổ nhiệm làm Đặc khu trưởng, vào tháng 11/2018, bà đã cùng Ban cố vấn bay sang Bắc Kinh để gặp Tập Cận Bình.

Theo tin Tân Hoa Xã, ông Tập cho biết Hồng Kông phải ban hành các đạo luật an ninh quốc gia chống lại nổi loạn, lật đổ, ly khai và phản quốc.

Dự luật dẫn độ

Nhân vụ án giết người ở Đài Loan nhưng thủ phạm lại bỏ trốn về Hồng Kông, bà Carrie Lam đề nghị Dự luật dẫn độ cho phép đặc khu trưởng ký chấp nhận yêu cầu dẫn độ sang Đài Loan và Trung Quốc, mà không cần thông qua Hội đồng Lập pháp.

Có ý kiến nên gia tăng quyền tư pháp để những vụ án xảy ra bên ngoài Hồng Kông có thể được xử bởi tòa án Hồng Kông.

Chính phủ Đài Loan công khai biểu lộ lo lắng về quyền tự do của người Hồng Kông bị lạm dụng nên không đòi hỏi và cũng không chấp nhận việc dẫn độ về Đài Loan.

Bà Carrie Lam từ chối mọi đề nghị làm dấy lên dư luận Trung Quốc lợi dụng vai trò của đặc khu trưởng để giới hạn dần quyền tự do người Hồng Kông, họ lo sợ bị ghép tội, bị bắt bớ và bị xử không công bằng như vẫn thường xảy ra ở Trung Quốc.

Mỹ can thiệp ?

Thủ tướng Anh Quốc Theresa May đã lên tiếng phản đối dự luật dẫn độ và tuyên bố sẽ xem xét lại Tuyên Bố Chung Anh-Trung năm 1984.

Năm 1992, Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Chính sách Mỹ cho Hồng Kông một quy chế đặc biệt tự do và tự trị tách biệt từ Trung Quốc.

Nhờ thế, Hồng Kông tiếp tục được chuyển giao công nghệ tiên tiến, tự do thương mãi, tự do trao đổi giữa tiền Mỹ và tiền Hồng Kông, công nhận là trung tâm tài chính thế giới…

Đạo luật trao cho Tổng thống quyền ban hành sắc lệnh trừng phạt nếu Hồng Kông mất quyền tự trị đầy đủ theo các điều khoản trong Tuyên bố Chung 1984.

Trong hoàn cảnh hiện nay một sắc lệnh như thế sẽ ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế, công nghệ và tài chính Trung Quốc vốn đang trên đà tụt dốc.

Mọi hàng hóa từ Hồng Kông xuất cảng sang Mỹ bị cùng một mức thuế như hàng Trung Quốc.

Trung Quốc sẽ mất trung tâm tài chính Hồng Kông, vốn đầu tư sẽ bị rút khỏi Hồng Kông, các công ty Trung Quốc sẽ bị phong tỏa tài chính từ nguồn tư bản của Mỹ và giá trị của các tập đoàn nhà nước được niêm yết trên sàn Hồng Kông sẽ sụt giảm thảm hại.

Ngày 12/6/2019, Quốc hội Mỹ cho tu chính đạo luật về Hồng Kông năm 1992, yêu cầu Bộ Ngoại Giao mỗi sáu tháng phải phúc trình Quốc hội về tình trạng tự trị của Hồng Kông, xem còn đáng hưởng quy chế đặc biệt nữa không.

Biểu tình bài học cần rút tỉa…

Ngày 14/6/2019, từ trung tâm giam giữ Lục Chi Giác, Joshua Wong (Hoàng Chí Phong) kêu gọi Mỹ phải đánh giá lại Đạo luật Chính sách Hồng Kông năm 1992, xem xét Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông và điều chỉnh quan hệ giữa hai bên Mỹ-Trung.

Dân chúng Hồng Kông đều biết nếu Mỹ phong tỏa kinh tế sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, nhưng vì tự do và dân chủ họ chịu hy sinh quyền lợi kêu gọi Chính phủ và Quốc hội Mỹ hành động.

Mọi người tham dự biểu tình có chung mục tiêu là phản đối dự luật dẫn độ, đòi bảo đảm quyền tự do và đòi bà Carrie Lam từ chức.

Mọi người quyết giữ những mục tiêu này không cho bất cứ ai đại diện thương lượng hay tìm cách chia rẽ hàng ngũ và tránh việc chưa thành đã tranh giành thành quả.

Cuộc tuần hành lên đến 2 triệu người, không có người tổ chức nhưng lại được tổ chức một cách toàn hảo nhờ ý thức trách nhiệm của mọi người.

Họ tự động sửa soạn mọi thứ, thay vì dựa vào người khởi xướng, tổ chức hay lãnh đạo và liên kết gắn bó với nhau.

Mọi người nhịp nhàng kết hợp giữa đấu tranh ôn hòa và đấu tranh bạo lực, không tranh cãi về phương cách đấu tranh.

Khi cảnh sát tấn công đàn áp người ôn hòa rút xuống phía dưới nhường chỗ cho những thanh niên sẵn sàng đối đầu ngăn chặn cảnh sát.

Lực lượng cảnh sát ít lại bị chia mỏng so với số người biểu tình, với sự hổ trợ của truyền thông báo chí, của những người không đi biểu tình nên kết quả nhà cầm quyền phải thối lui.

Mặc dù bà Carrie Lam đã xin lỗi và tuyên bố hoãn Dự luật dẫn độ nhưng mọi người tiếp tục đòi bà phải từ chức và kêu gọi tiếp tục biểu tình làm áp lực.

Nếu bà từ chức sẽ là một thất bại vô cùng to lớn cho Tập Cận Bình trước các đối thủ trong đảng cộng sản và trước thế giới, vì thế ông Tập sẽ không chấp nhận ngay cả khi bà Carrie Lam thực sự muốn từ chức.

Trung Quốc đang tan rã ?

Tập Cận Bình vừa ngon ngọt "một quốc gia, hai thể chế" với Đài Loan, lại vừa hăm dọa sẽ sử dụng vũ lực để thống nhất đất nước.

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tuyên bố Đài Loan ủng hộ Hồng Kông, bà cho biết :

"Tự do là một giá trị mà người dân Đài Loan trân trọng, Đài Loan đang ngày càng tự do dân chủ hơn, trong khi Hồng Kông đang mất dần tự do…"

Chủ nhật vừa qua trước Quốc hội Đài Loan, khoảng 10 ngàn người biểu tình mang theo biểu ngữ "Đài Loan ủng hộ Hồng Kông", "Nói không với luật dẫn độ sang Trung Quốc" và kêu gọi Quốc hội chính thức ra tuyên bố lên án Dự luật dẫn độ.

Gần đây, Mỹ thông qua "Đạo luật Bảo đảm Đài Loan 2019", ủng hộ Đài Loan tăng chi tiêu quốc phòng, thường xuyên bán vũ khí, công cụ quốc phòng cho Đài Loan, ủng hộ Đài Bắc tham gia các tổ chức quốc tế, nhìn nhận Đài Loan là quốc gia và sử dụng Quốc kỳ Đài Loan.

Lời hứa "một quốc gia, hai thể chế" không được thực hiện nên Hoa Kỳ cũng đang từng bước nhìn nhận lại Đài Loan và Hồng Kông như hai thể chế độc lập.

Nhà Thanh đã nhường vĩnh viễn đảo Hồng Kông, bán đảo Cửu Long và đảo Ngang Thuyền Châu cho Anh Quốc, nên nhiều người Hồng Kông muốn thành phố của họ quay về với nước Anh và được độc lập từ Trung Quốc.

Thế giới cũng đang rất quan tâm đến hàng triệu người Tân Cương đang bị giam trong các trại tù ở Trung Quốc.

Tình hình an ninh và chính trị Tân Cương, Tây Tạng, Nội Mông và nhiều nơi khác cũng không được ổn định, vì thế Bắc Kinh phải thiết lập cả hệ thống an ninh dùng công nghệ tối tân kiểm soát toàn bộ xã hội và kiểm soát ý thức chính trị của người dân.

Quốc hội Mỹ hiện đang xem xét chế tài các công ty cộng tác với Bắc Kinh trong việc đàn áp nhân quyền.

Quá trình nhanh chóng sụp đổ của Đông Âu và Liên Xô trước đây dường như đang tái diễn.

Các tiền đồn xã hội chủ nghĩa cuối cùng, bao gồm Trung Quốc, Bắc Hàn, Việt Nam… đang bộc lộ những khủng hoảng khó có thể thoát qua.

Hồng Kông, Đài Loan, Tân Cương, Tây Tạng, Nội Mông… sẽ đứng lên giành lại tự do và độc lập.

Thế giới và nhất là Việt Nam sẽ thanh bình thoát khỏi tham vọng bá chủ toàn cầu của Tập Cận Bình và nhà cầm quyền cộng sản Bắc Kinh.

Melbourne, Úc Đại Lợi, 24/06/2019

Nguyễn Quang Duy

Published in Diễn đàn

Gần đây có hai sự kiện đáng để chúng ta suy ngẫm :

  1. Thủ tướng Lý Hiển Long tuyên bố Hà Nội "xâm lược" và "chiếm đóng" Campuchia ; và

doimoi1

 Đại tá Hải quân Hoa Kỳ Nguyễn Từ Huấn được vinh thăng Phó Đề đố

Phép thử lòng tin chiến lược…

Ngày 15/11/2018, bế mạc Thượng đỉnh ASEAN thường niên tại Singapore, Thủ tướng Lý Hiển Long chia sẻ đã đến lúc ASEAN phải chọn giữa Mỹ-Trung.

ASEAN hình thành với 5 nước nhỏ vào năm 1967 nhằm chống lại sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản, Hà Nội chính là nỗi đe dọa của các nước này.

Chuyện tưởng chừng mọi người đều biết nhưng lời phát biểu của Thủ tướng Lý Hiển Long : Việt Nam "xâm lược" và "chiếm đóng" Campuchia, đụng phản ứng dữ dội của phía Hà Nội.

Điều này cho thấy Hà Nội đã hòa hợp trở thành một thành viên ASEAN, nhưng chưa muốn nhìn nhận và hòa giải với quá khứ lịch sử.

Như thế sự đoàn kết ASEAN khó có thể được duy trì khi phải chọn giữa Mỹ-Trung, chuyện đối đầu hay phong tỏa lẫn nhau sẽ dễ dàng xảy ra.

Như một phép thử lòng tin, Thủ tướng Lý Hiển Long một chính trị gia lão luyện, nhìn xa trông rộng, mới 3 lần nhắc thẳng chuyện cũ, đáng buồn Hà Nội chưa nhận ra vấn đề.

Năm 2013, cũng tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore, báo chí ca ngợi cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng về bài phát biểu xây dựng "lòng tin chiến lược" trong Khối ASEAN.

Nhưng thực tế cho thấy Hà Nội chưa hòa giải, chưa chấp nhận sự thật để tạo niềm tin với các quốc gia khác, chiến lược như vậy chỉ là lời nói đầu môi.

Hà Nội sa bẫy và sa lầy…

Phản ứng của phía Hà Nội còn cho thấy họ chưa học được bài học đã sa vào bẫy của Trung Quốc và sa lầy tại Campuchia.

Thời nội chiến Bắc Nam, Hà Nội cũng đã từng đu dây giữa hai nước đàn anh Liên Xô và Trung Quốc, nhưng cuối cùng phải phụ thuộc vào Nga.

Có bằng chứng cho thấy Trung Quốc đã gởi hằng chục ngàn cố vấn sang Campuchia trong thời gian 1975-79 để đối đầu với Việt Nam. Họ tham mưu Khmer đỏ quấy rối biên giới Việt Nam và cố vấn cho Khmer đỏ rút quân về biên giới Thái Lan để Việt Nam sa vào bẫy và sa lầy tại Campuchia.

Nhiều quốc gia cấm giao thương với Việt Nam và cô lập Việt Nam. Liên Hiệp Quốc liên tục làm áp lực để Hà Nội rút quân.

10 năm dân Việt phải gánh chịu khó khăn phục vụ chiến tranh. Thanh niên thiếu nữ Việt phải ra chiến trường làm nghĩa vụ quốc tế và nhiều người đã chết hay bị thương trên đất Campuchia, Lào và cả ở Thái Lan.

Khi Khối Cộng sản Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, Hà Nội lại quay về với Bắc Kinh ký kết Hiệp ước Thành Đô 1990, rút quân khỏi Campuchia và chịu ảnh hưởng của Trung Quốc từ đó đến nay.

Quan điểm Việt Nam "xâm lược" và "chiếm đóng" Campuchia được hình thành từ thực tế và đã trở thành một quá khứ lịch sử.

Hà Nội dễ dàng mang quân chiếm lãnh thổ Campuchia nhưng không lấy được lòng dân.

Đa số dân Campuchia xem Việt Nam là đội quân "xâm lược" với tham vọng bá chủ Đông Dương, hằng triệu người Campuchia phải bỏ nước ra đi.

Hà Nội cũng đã thống nhất Bắc-Nam, nhưng sau 44 năm cai trị vẫn chưa thống nhất được lòng dân, hòa hợp nhưng không hòa giải.

Hà Nội theo Mỹ ?

Việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tay giương cao cờ Mỹ ngay giữa thủ đô Hà Nội, việc các phái đoàn Mỹ-Việt liên tục viếng thăm nhau, việc Mỹ viện trợ cho Hà Nội, bán vũ khí và mở rộng giao thương cũng chỉ là những dấu hiệu hòa hợp hay hợp tác.

Còn hòa giải lịch sử và hòa giải ý thức hệ tự do và cộng sản vẫn chưa được tiến hành.

Mỹ vẫn công khai xem Việt Nam là một quốc gia cộng sản, đàn áp tự do nhân quyền, một quốc gia phi thị trường phụ thuộc vào Trung Quốc.

Chiến tranh nếu xảy ra và giả sử Hà Nội có đứng về phía Hoa Kỳ, Việt Nam lại một lần nữa bị động, sụp bẫy, sa lầy để trở thành bãi chiến trường như đã xảy ra trong chiến tranh lạnh Mỹ-Tàu-Nga trước đây.

Quá khứ đau thương…

Vào Tết Mậu Thân 1968, Chuẩn tướng Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia Nguyễn Ngọc Loan dùng súng ngắn bắn vào đầu một tù binh cộng sản mặc thường phục hai tay đang bị trói.

Cuộc xử tử tù binh Bảy Lốp nhanh chóng được nhiếp ảnh gia Eddie Adams chụp lại và hình ảnh được phổ biến cho thấy sự tàn khốc chiến tranh Việt Nam.

Hình xử tử tù binh Bảy Lốp được phe cộng sản và phản chiến sử dụng gây phẫn nộ dư luận và dẫn đến chiến thắng của cộng sản Bắc Việt 30/4/1975.

Nhưng ít ai biết chính tù binh Bảy Lốp,Nguyễn Văn Lém, trước đó vài giờ đã xử tử cả gia đình Trung tá thiết giáp Nguyễn Tuấn vì ông từ chối không cộng tác với cộng sản.

Ông Tuấn bị chặt đầu, vợ ông bà Từ Thị Như Tùng và sáu người con bị bắn bằng tiểu liên, nhỏ nhất mới 2 tuổi, chỉ một bé trai lên 6 tuổi may mắn được cứu sống.

Trong lễ kỷ niệm 55 năm ngày Đồng minh tham chiến tại Việt Nam, Đại tá Hải quân Nguyễn Từ Huấn xác nhận ông chính là cậu bé 6 tuổi được cứu sống trong khi toàn thể gia đình bị cộng sản xử tử.

Ông Huấn cho biết gia nhập Quân đội Hoa Kỳ để theo con đường cha cố Đại tá Nguyễn Tuấn, tiếp tục góp phần cho một Việt Nam tự do.

Ông cho biết chính nhờ công của các chiến binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa mà cộng sản đã bị ngăn chặn ở Việt Nam và bị giải thể tại Đông Âu và Liên Xô.

Ngày nay cộng sản chỉ còn tồn tại vài nơi và ông tin ngày chiến thắng đã cận kề.

Như vậy hậu duệ Việt Nam Cộng Hòa có được 4 vị tướng hiện dịch trong Quân Lực Hoa Kỳ.

Cùng lúc là tin chuẩn tướng Lục Quân Lập Thể Flora được đề cử thăng cấp thiếu tướng.

Với người Việt Nam Cộng Hòa thì 30/4/1975 là ngày miền Bắc xâm chiếm miền Nam. Hà Nội đã thống nhất Bắc-Nam, nhưng chưa hòa giải, chưa thống nhất được lòng dân.

Trên 2 triệu người bỏ nước ra đi, ½ triệu người chết trên đường tìm tự do là phản kháng tiêu biểu nhất của người dân.

Người Việt hải ngoại nay đã hội nhập vào và đã có khả năng ảnh hưởng đến chính trị các quốc gia tự do. Ở Mỹ đã có dân biểu trong Quốc Hội cả liên bang lẫn tiểu bang.

Tổng thu nhập GDP của người Việt hải ngoại ước tính hơn cả GDP của toàn Khối ASEAN, chưa kể đến khối tài sản mà họ tư hữu.

Nhiều người có trình độ khoa học kỹ thuật, chuyên môn cao, có kinh nghiệm làm việc ở các quốc gia tân tiến và có tấm lòng mong ước ngày Việt Nam tự do để góp phần phục hưng đất nước.

Miền Nam mến yêu…

Miền Nam trước đây là miền đất tự do dân chủ, chính sách cải cách ruộng đất đã hoàn tất, quyền tư hữu ruộng vườn đã thuộc về nông dân.

Sau 30/4/1975, người miền Nam trở thành người bị trị, quyền tự do ứng cử và bầu cử bị tước đoạt, tài sản, nhà cửa, đất đai, ruộng vườn bị chiếm đoạt.

Miền Tây vựa lúa miền Nam, giàu có biết bao, ngày nay dân không đủ sống phải tha hương cầu thực…

Đổi mới chính trị để hòa giải dân tộc…

Sức mạnh của một quốc gia dựa trên lòng dân đồng thuận.

Sự đồng thuận chỉ có thể có khi tiếng nói mọi công dân được tôn trọng và chỗ đứng mọi người đều ngang nhau, một xã hội tự do, dân chủ, thượng tôn luật pháp.

44 năm đã quá đủ để chứng minh chế độ cộng sản chọn sai đường không mang lại đồng thuận dân tộc.

Tham nhũng cường hào ác bá tràn ngập khắp nơi.

Dân nghèo khó, quan chức giàu có, đất nước kiệt quệ.

Đã đến lúc Hà Nội phải trao trả các quyền tự do cho dân, trả lại tư hữu ruộng đất cho dân, chuyển đổi từ một thể chế cộng sản sang một thể chế tự do, dân chủ.

Thay đổi thể chế chính trị, Hà Nội cũng chứng tỏ đã hòa giải với khuynh hướng cải cách ngay trong nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam.

Chính Ủy viên Bộ Chính Trị đảng Cộng sản ông Trần Xuân Bách vào năm 1989 đã cố vấn cho Bộ Chính Trị như sau :

"Có nước tự cho mình không cần đổi mới, đã bị bục vỡ.

"Có nước coi đổi mới kinh tế phải làm nhanh, còn đổi mới chính trị thì chầm chậm cũng bục chuyện.

"Có nước chỉ đổi mới kinh tế, không đổi mới chính trị, đã bục to.

"Có nước làm cả hai, nhưng không nhịp nhàng, gặp khó khăn.

"Hai lãnh vực này phải nhịp nhàng, không chân trước chân sau, không tấp tểnh đi một chân."

Đổi mới kinh tế như hòa hợp, còn đổi mới chính trị chính là hòa giải

Lẽ ra đổi mới chính trị phải làm trước, người dân phải được quyền quyết định con đường phát triển và quyền giám sát việc nhà nước quản trị quốc gia.

Đến nay hòa giải vẫn chưa được tiến hành, đổi mới chính trị vẫn bị đình trệ.

Ông Trần Xuân Bách từng là Phó Chính ủy Bộ chỉ huy tối cao cuộc tấn công vào Campuchia và sau đó làm trưởng Ban B68 chỉ huy bộ máy hành chính của Campuchia nên chắc đã hiểu rõ những thảm bại của dân tộc trong cuộc chiến tại Campuchia.

Trước đe dọa bành trướng và chiến tranh của Bắc Kinh, việc cải cách chính trị, hòa giải và tìm đồng thuận dân tộc là việc làm hết sức cần thiết và quan trọng.

Chưa quá trễ để đảng Cộng sản thay đổi thể chế, giảm thiểu đau thương và thiệt hại cho dân tộc.

Melbourne, Úc Đại Lợi, 13/06/2019

Nguyễn Quang Duy

Mời xem lời phát biểu của Đại tá Hải quân Hoa Kỳ Nguyễn Từ Huấn :

https://www.facebook.com/chieutim001/videos/10156520065941242/UzpfSTEyODEwMjczMjE6MTAyMTk4ODQwNjM3MTM1OTI/

Published in Diễn đàn

Chủ nhật 2/6/2019, Bắc Kinh cho công bố Sách Trắng đổ lỗi cho Mỹ làm đổ vỡ cuộc đàm phán thương mại song phương.

Còn Tập Cận Bình, trước đây ít hôm, phải kêu gọi "Vạn lý trường chinh mới" sửa soạn trường kỳ chống thương mãi Mỹ.

vanly1

Vì đâu nên nỗi Tập Cận Bình phải "Vạn lý trường chinh" ?

Thực hư ra sao ? Lỗi tại ai ? Cuộc chiến sẽ đưa thế giới, đưa Việt Nam về đâu ? Là những câu hỏi đáng được quan tâm.

Cải cách dở dang…

Từ thập niên 1970, Trung Quốc được Mỹ trợ giúp cải cách thể chế từ viện trợ, đầu tư vốn, mở cửa thị trường, giúp giáo dục, giúp chuyển giao kiến thức và kỹ thuật, giúp tham gia các tổ chức quốc tế… nhưng uổng công vì kinh tế tự do phải gắn liền với chính trị tự do, ngôn luận tự do và xã hội dân sự.

Ngày 4/6/1989 để "ổn định chính trị", Bắc Kinh đã nổ súng đàn áp phong trào sinh viên rồi tự vạch con đường cải cách kinh tế nhưng giữ nguyên bản chất cộng sản.

Cải cách vì thế không mang lại kết quả như Đài Loan và Đại Hàn, đã trở thành hai quốc gia tân tiến có GDP thu nhập đầu người cao.

Với mô hình "ổn định chính trị", Trung Quốc trở thành đại công xưởng lắp ráp công nghiệp quốc tế, tăng trưởng nhờ vốn đầu tư nước ngoài và xuất cảng.

Trung Quốc lọt vào bẫy GDP thu nhập trung bình : nông dân và công nhân nghèo khổ, giới trung lưu vật lộn với cuộc sống, giới cầm quyền tham nhũng làm giàu.

GDP tăng trưởng chậm dần, năng suất lao động không mấy thay đổi, lợi thế lao động rẻ không còn, đầu tư ngoại quốc chuyển dần sang các quốc gia có giá công nhân rẻ hơn như Việt Nam.

Môi trường thiên nhiên bị hủy hoại, tài nguyên bị tận khai, đạo đức xã hội bị khủng hoảng,… nhìn chung Trung Quốc không khác mấy Việt Nam.

Vượt bẫy thu nhập trung bình…

Sau hơn 15 năm gia nhập WTO Trung Quốc vẫn không mở cửa thị trường, tiếp tục tài trợ các doanh nghiệp nhà nước, phân biệt đối xử với doanh nghiệp nước ngoài, ăn cắp tài sản trí tuệ quốc gia khác.

Trung Quốc giữ đồng tiền yếu hơn thực giá, hàng xuất cảng rẻ hơn giành lợi thế trên thị trường Mỹ, làm cán cân thương mãi giữa hai nước càng ngày càng mở rộng.

Khoản thặng dư này được dùng để giữ giá đồng tiền hay mua trái phiếu tiếp tục ảnh hưởng lên kinh tế Mỹ và thế giới.

Để thoát bẫy thu nhập trung bình, Trung Quốc vạch kế hoạch "Made in China 2025", nhằm chuyển đổi thành nước dẫn đầu về công nghệ cao cấp trực tiếp cạnh tranh với Mỹ.

Nhưng thay vì đầu tư nghiên cứu các ý tưởng mới để phát triển thành các sản phẩm mới, một mặt Trung Quốc ép buộc các công ty nước ngoài muốn làm ăn phải chuyển giao kỹ thuật trước khi cấp phép tham gia thị trường.

Mặt khác, Bắc Kinh cho gián điệp công nghệ xâm nhập và đánh cắp kỹ thuật gây thiệt hại nặng nề cho công nghệ các nước tiên tiến.

Với khoản mậu dịch thặng dư Bắc Kinh cho tăng cường quân sự, lấn chiếm Biển Đông, mua cảng, xây căn cứ, gây ảnh hưởng chính trị, xây dựng "một vành đai, một con đường" thực hiện tham vọng bành trướng toàn cầu.

Tham vọng bá chủ hoàn cầu khiến Trung Quốc trở thành mối đe dọa hòa bình và an ninh không riêng cho nước Mỹ mà cho toàn thế giới.

Đàm phán đổ vỡ…

Giấc mơ bá chủ của Tập Cận Bình đã bị Tổng thống Trump ngăn chặn bằng cách đánh thuế trên hàng hóa nhập cảng vào Mỹ buộc Bắc Kinh phải đàm phán thương mại.

Lập trường phía Mỹ có thể tóm tắt được như sau : (1) không thuế xuất nhập cảng ; (2) không rào cản thương mãi ; (3) không trợ cấp kinh doanh ; (4) không đánh cắp sở hữu trí tuệ ; (5) không ép buộc chuyển giao công nghệ ; và (6) mọi doanh nghiệp đều được hoạt động trong vòng luật pháp 2 bên.

Những đòi hỏi nói trên xem ra thật tốt cho cả hai phía, nó buộc Bắc Kinh phải thực hiện những cải cách cần thiết, xóa bỏ độc quyền nhà nước, mở cửa thị trường, cải cách thể chế, tuân thủ luật chung.

Sau 11 lần đàm phán, tưởng chừng đã hoàn tất một thỏa thuận giữa hai quốc gia, nhưng Trung Quốc cho rằng cứ bàn, cứ ký rồi tính sau như khi gia nhập WTO, nên khi Mỹ đòi luật hóa các thỏa thuận thì phía Trung Quốc không đồng ý đòi đàm phán lại từ đầu.

Không có gì khó hiểu, vì với ràng buộc luật pháp rõ ràng thì Bắc Kinh phải thay đổi cả thể chế và như thế giấc mơ bá chủ của Tập Cận Bình tan theo mây khói.

Còn nước còn tát Tập Cận Bình đành phải rút quân "vạn lý trường chinh" mong thay đổi thế cờ.

Bầu cử 2020…

Bắc Kinh tin rằng với một Tổng thống mới trường kỳ chiến đấu sẽ có lợi cho Trung Quốc.

Ông Trump đã bắt đầu tranh cử với cơ hội thắng cử rất cao.

Nếu vì một lý do nào đó ông Trump không tiếp tục tranh cử thì Phó Tổng Thống Mike Pence là người có nhiều cơ hội thắng cử. Ông Pence là người có lập trường không khoan nhượng với Trung Quốc và phe Xã Hội Chủ Nghĩa.

Còn nếu dân Mỹ chọn một Tổng Thống thuộc đảng Dân Chủ thì chiến tranh thương mãi cũng sẽ tiếp tục vì trừng phạt Trung Quốc đã trở thành Quốc sách của cả lưỡng đảng và lưỡng viện Quốc hội Mỹ.

Ngày 7/5/2019, Hạ viện Mỹ biểu quyết với đa số tuyệt đối (414-0) chấp thuận "Đạo luật Đảm bảo Đài Loan 2019", ủng hộ Đài Loan tăng chi tiêu quốc phòng, thường xuyên bán vũ khí, công cụ quốc phòng cho Đài Loan và ủng hộ Đài Bắc tham gia các tổ chức quốc tế.

Ngày 4/6/2019, kỷ niệm 30 năm Trung Quốc tàn sát phong trào sinh viên, Quốc hội Mỹ đã tổ chức buổi điều trần công khai vạch trần bản chất cộng sản phi nhân tính, Chủ tịch Hạ viện bà Nancy Pelosi mở đầu tuyên bố :

"Hôm nay (4/6/2019), chúng ta nhớ lại vụ thảm sát tàn bạo mà nhà cầm quyền Trung Quốc đã thực hiện chống lại chính người dân của họ 30 năm trước. Chúng ta nhớ lại sự dũng cảm của những sinh viên, công nhân và người dân đã phản kháng ôn hòa chế độ áp bức để yêu cầu nền dân chủ và nhân quyền mà họ xứng đáng được nhận…".

Lập trường lưỡng đảng như thế nên bất cứ thỏa thuận thương mãi với Trung Quốc đều phải được Quốc hội Mỹ chính thức thông qua vì thế chiến tranh thương mãi sẽ không kết thúc đơn giản như ý định của Bắc Kinh.

Ngược lại thông tin rò rỉ cho biết các phe cánh trong Đảng cộng sản đang gia tăng áp lực chống lại các quyết định của Tập Cận Bình, nên không chắc trường kỳ kháng chiến sẽ có lợi cho ông.

Chiến tranh…

Đã gọi là chiến tranh thì chắc chắn sẽ gây ra tổn thất cho cả đôi bên.

Sau 1 năm chiến tranh lạm phát tại Mỹ vẫn trong vòng kiểm soát, lương vẫn tăng, nhiều công ăn việc làm được tạo ra, chưa thấy dấu hiệu tổn thất như giới khoa bảng và báo chí thường đồn đoán.

Việc chỉ trích Tổng thống Trump hay chính phủ Mỹ là quyền hiến định của công dân, chính nhờ những chỉ trích từ báo chí và công dân nước Mỹ mới thăng tiến luôn xứng đáng là cường quốc số 1 trên thế giới.

Phía Trung Quốc mọi thông tin bị bưng bít, nhưng dấu hiệu cho thấy kinh tế đang lâm vào khó khăn, nhiều nhà máy đóng cửa, vốn đầu tư bị rút sang các nước ít bị ảnh hưởng chiến tranh, lạm phát bắt đầu gia tăng, đời sống mỗi lúc một khó khăn hơn.

Hệ thống cứu tế tư nhân không có, hệ thống an sinh chưa phát triển, Trung Quốc lại chưa trải qua kinh nghiệm khủng hoảng kinh tế, thông tin bị bưng bít nên khủng hoảng bùng nổ sẽ ảnh hưởng mạnh đến thể chế chính trị.

Sách trắng và lời kêu gọi "vạn lý trường chinh" thật ra chỉ nhằm tuyên truyền trấn an và sửa soạn tinh thần cho dân chúng trước những khó khăn đang ngày một gia tăng.

Vì sao Huawei lãnh đạn ?

Huawei được cho là công ty mấu chốt thực hiện chiến lược "Made in China 2025", có liên quan với Giải Phóng Quân Trung Quốc một thế lực rất mạnh trong Đảng cộng sản.

Hãng tin Pháp AFP dựa vào báo cáo tài chính hằng năm của Huawei đã phát hiện, trong 10 năm qua, Huawei nhận trợ cấp từ nhà cầm quyền Bắc Kinh, lên tới 1,5 tỷ Mỹ Kim.

Chưa kể những hợp đồng giữa Huawei và nhà cầm quyền các cấp, những trợ giúp về ngoại giao, được vay mượn ngân hàng nhà nước… nguồn tài trợ từ nhà nước cho Huawei thực sự không nhỏ.

Huawei còn được mua rẻ đất đai, xây dựng vương quốc riêng với nhiều khu vực nhà ở, cung cấp hay bán rẻ cho nhân viên.

AFP cũng cho biết trong năm ngoái hơn 100 nhân viên Huawei được thưởng lên đến cả 100.000 Mỹ Kim mỗi người từ nhà cầm quyền thành phố Thâm Quyến.

Nếu đường lối thương mãi Mỹ được luật hóa thì Huawei khó có thể tồn tại, như thế "Made in China 2025" khó có thể đạt được kết quả như Tập Cận Bình mong muốn.

Bởi thế không lấy gì làm lạ khi đàm phán đổ vỡ Tổng thống Trump ra lệnh trừng phạt Huawei ngăn công ty này không được mua các sản phẩm của Mỹ, đánh thẳng vào công cụ chiến lược của Tập Cận Bình.

Trong việc đàm phán thương mãi phía Mỹ còn yêu cầu Trung Quốc mở cửa để các công ty truyền thông xã hội như Google, Facebook, Twitter… được tham gia thị trường Trung Quốc nhưng bị từ chối.

Là quốc gia cộng sản, Trung Quốc phải kiểm soát tư tưởng và định hướng dư luận vì thế chiến tranh thương mãi chỉ là bề mặt, bề sau là cuộc chiến ai thắng ai giữa tự do và cộng sản.

Thế giới đi về đâu ?

Trung Quốc bị hầu hết các nước đã phát triển xem là quốc gia "phi thị trường", thất bại trong việc đàm phán thương mãi với Mỹ chỉ tạo thêm khoảng cách giữa nước này và các nước theo thể chế tự do.

Nhưng chiến tranh thương mãi giữa 2 nước lớn Mỹ Trung sẽ ảnh hưởng đến kinh tế, tài chánh, tiền tệ, chính trị và thậm chí cả quân sự của mọi quốc gia trên thế giới.

Cuối cùng một trật tự mới toàn cầu buộc mọi quốc gia phải tuân thủ luật chung là kết quả của cuộc chiến Mỹ-Trung.

Sự hy sinh trong chiến tranh sẽ được đền bù bằng một thế giới tự do hơn, yên bình hơn, thịnh vượng hơn.

Hà Nội chọn hướng đi nào ?

Việt Nam một trong vài quốc gia cộng sản còn sót lại, với mô hình phát triển không khác gì Trung Quốc, không lâu cũng sẽ trở thành mặt trận giữa Mỹ-Trung.

Tổng thống Trump đã chính thức nhắc nhở Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc cần cân bằng thặng dư ngoại thương Mỹ-Việt.

Tổng thống Trump cũng nhắc nhở nguồn đầu tư vào Trung Quốc đang chuyển sang Việt Nam, như thế Hà Nội hưởng lợi từ chiến tranh.

Mỹ lại vừa đưa Việt Nam vào danh sách 9 quốc gia thao túng tiền tệ cần theo dõi.

Cuộc đấu tranh tư tưởng trên thượng tầng Bộ Chính Trị Đảng cộng sản Việt Nam về con đường kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo mô hình Bắc Kinh đang ngày một rõ dần.

Bởi thế mặc dầu trở bệnh, chưa đi đứng được, Tổng Bí Thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vẫn đòi hỏi Đại Hội 13 phải làm rõ vấn đề "đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị".

Nói theo cách dân gian là Đảng cộng sản Việt Nam, là nhà cầm quyền Hà Nội phải "đổi mới hay là chết theo Trung Quốc".

Sự lựa chọn hoàn toàn trong tay các nhà cầm quyền Hà Nội.

Melbourne, 6/6/2019

Nguyễn Quang Duy

(Úc Đại Lợi)

Published in Diễn đàn

‘Make’ có chữ k (ca hay cờ) không phải ‘made’ chữ d (dê hay dờ).

‘Make in Vietnam’ là tiêu đề của Diễn đàn phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam do Bộ Thông tin và truyền thông tổ chức, tại Hà Nội ngày 9/5/2019 vừa qua, với hơn 1.000 khách mời đại diện chính phủ và doanh nghiệp tham dự.

make1

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam. Ảnh : BTC.

Khai mạc Diễn Đàn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tuyên bố : "nếu Việt Nam cứ tập trung gia công, lắp ráp, giấc mơ hưng thịnh, hùng cường của đất nước rất khó có thể trở thành hiện thực".

Qua bài viết trên Trí Thức Trẻ "Góc nhìn lạ đằng sau ‘Make in Vietnam’ của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng" có thể hình dung được tiêu đề này thực sự là gì.

Chiến lược mới ?

Tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Hùng cùng giải thích ‘Make in Vietnam’ như sau : "Sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, Việt Nam làm chủ công nghệ và sản xuất tại Việt Nam".

Qua lời giải thích này thoáng nghĩ đến trường hợp Facebook. Với ý tưởng kết nối xã hội, chỉ sau 15 năm hoạt động, Facebook đã thống lãnh thị trường truyền thông thế giới với 2,3 tỷ người thường xuyên sử dụng, lợi ích của Facebook bạn đọc hầu như đã rõ.

Facebook do đó là sản phẩm : "Sáng tạo tại Mỹ, thiết kế tại Mỹ, Mỹ làm chủ công nghệ và chủ động trong việc phục vụ người sử dụng khắp thế giới (ngoại trừ Trung Quốc)".

Trung Quốc chặn Facebook không cho người dân sử dụng, nhưng có mạng xã hội Weibo một sản phẩm : "Sáng tạo tại Mỹ, thiết kế tại Trung Quốc, Trung Quốc làm chủ công nghệ và cho người Trung Quốc sử dụng".

‘Make in Vietnam’ dành cho ai ?

Nhưng theo lời Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thì ‘Make in Vietnam’ được chia làm ba nhóm doanh nghiệp khác nhau : (1) sáng tạo (2) thiết kế và (3) sản xuất.

Với nhóm thứ nhất ông Hùng cho biết những doanh nghiệp công nghệ khởi nghiệp theo đúng nghĩa là sáng tạo, theo ông số lượng doanh nghiệp như thế tại Việt Nam không nhiều, nếu không muốn nói là rất hiếm (tương tự trường hợp Facebook).

Nhóm thứ hai gồm những doanh nghiệp dùng công nghệ đã có sẵn của nước ngoài về thiết kế lại làm ra sản phẩm, ‘Make in Vietnam’ đa phần nhắm vào đối tượng này.

Việt Nam hiện cũng muốn bắt chước Trung Quốc xây dựng mạng xã hội riêng để : "Sáng tạo tại Mỹ, thiết kế tại Việt Nam, Việt Nam làm chủ công nghệ và cho người Việt Nam sử dụng".

Còn nhóm cuối cùng là những doanh nghiệp có vai trò đầu tàu được chia thành hai nhánh gồm : doanh nghiệp công nghệ ICT truyền thống như FPT, CMC, VNG, VCCorp... và những doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực khác chuyển hướng đầu tư sang công nghệ như VinGroup và VietTel.

Chiến lược công nghệ Ấn Độ

‘Make in India’ là một sáng kiến được chính phủ Ấn Độ thực hiện từ tháng 9/2014 với mục tiêu rất rõ ràng là khuyến khích các công ty nước ngoài đầu tư sản xuất tại Ấn Độ. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết :

"Hãy đến và sản xuất tại Ấn Độ. Bạn có thể bán hàng ở bất kỳ nước nào trên thế giới, nhưng hãy sản xuất tại đây. Chúng tôi có kỹ năng, tài năng, kỷ luật để thực hiện điều đó".

Ấn Độ có trên 1,3 tỷ dân, nói tiếng Anh, nguồn nhân lực dồi dào, nhiều người có trình độ chuyên môn với tay nghề cao.

Ấn Độ theo kinh tế thị trường, có nhiều trường đại học và viện nghiên cứu, và với sự tích cực hỗ trợ của chính phủ nên chiến lược này đã nhanh chóng thu nhận kết quả tốt đẹp.

Năm 2013, Ấn Độ là một trong năm nền kinh tế có nguy cơ đổ vỡ, nhờ chiến lược này hằng trăm tỷ Mỹ Kim đầu tư nước ngoài nhanh chóng đổ vào vực dậy nền công nghiệp nước này.

Chỉ riêng "Tuần lễ Make in India" vào tháng 2/2016 Ấn Độ đã thu được hợp đồng cam kết đầu tư từ nước ngoài lên đến 221 tỷ Mỹ kim.

Rõ ràng chiến lược của Việt Nam không theo hướng này nên khẩu hiệu ‘Make in Vietnam’ dễ bị hiểu lầm là Việt Nam bắt chước sáng kiến và chiến lược Ấn Độ để trở thành một khu vực lắp ráp gia công.

Ấn Độ sử dụng tiếng Anh nên ‘Make in India’ là phải, các quan chức Hà Nội dùng tiêu đề tiếng Anh cho Diễn Đàn không rõ để làm gì ?

Tăng trưởng nhờ sáng tạo…

Do Thái là quốc gia điển hình ứng dụng sáng tạo vào nỗ lực phát triển quốc gia, biến sa mạc hoang vu thành những đồn điền trù phú làm căn bản cho việc phát triển công nông nghiệp.

Cũng chính những kinh tế gia gốc Do Thái, từ những năm cuối thời 1950, đã đưa ra những lý thuyết và mô hình kinh tế đơn giản về tăng trưởng nhờ sáng tạo.

Mãi đến những năm 1990, các lý thuyết này được phát triển thành một trường phái lý thuyết tăng trưởng kinh tế mới (new growth theory) dựa trên sáng tạo, mà có thể ‘Make in Vietnam’ muốn lấy làm mô hình phát triển.

Có nhiều điều thú vị về lý thuyết tăng trưởng này nhưng căn bản tăng trưởng kinh tế vẫn dựa trên tự do sáng tạo, tự do kinh doanh và tự do chính trị, những điều kiện chưa có tại Việt Nam.

Ưu đãi về chính sách ?

Để khuyến khích tăng trưởng dựa trên sáng tạo, chính phủ các quốc gia khác đều ít nhiều hỗ trợ cho đầu tư giáo dục, xây dựng viện nghiên cứu, giảm thuế cho việc nghiên cứu, bảo vệ tài sản trí tuệ, tạo môi trường và bảo trợ sản phẩm tới tay người tiêu dùng.

Nhưng theo Bộ trưởng Nguyễn mạnh Hùng : "Nhiều khi các ưu đãi về chính sách sẽ dẫn đến thất bại. Đôi khi phải tạo ra khó khăn mới là giúp đỡ doanh nghiệp".

Ông Hùng còn dẫn chứng : "Lão Tử có một câu nói rất hay là muốn sống hãy đẩy vào chỗ chết".

Thực tế tại Việt Nam các doanh nghiệp tư nhân gặp muôn vàn khó khăn nên nhiều doanh nghiệp chết không kịp ngáp.

Khu vực quốc doanh theo thống kê vẫn chiếm 27% GDP, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm trên 20% GDP, còn khu vực doanh nghiệp tư nhân sau 33 năm "đổi mới" vẫn chưa đạt được 10% GDP.

Việt Nam hiện có chừng 500 ngàn doanh nghiệp tư nhân, nhưng tới hơn 93% là doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ, 6% doanh nghiệp vừa và chưa tới 1% doanh nghiệp lớn.

Chỉ riêng năm 2018, có tới 48% doanh nghiệp tư nhân bị thua lỗ. Số doanh nghiệp không đủ sức cạnh tranh phải ngừng hoạt động lên đến 90.000.

Hai khu vực quốc doanh và có vốn đầu tư nước ngoài được ưu đãi về mọi mặt từ chính sách, hành chánh, nguồn vốn đầu tư, đất đai, thuế má… còn doanh nghiệp tư nhân bị phân biệt đối xử nên phải chịu thua thiệt mọi bề.

Không cần phát động ‘Make in Vietnam’, chỉ cần mọi doanh nghiệp đều được cạnh tranh công bằng thì các doanh nghiệp tư nhân sẽ vươn lên tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế và pháp triển xã hội.

Nhân lực lấy đâu ra ?

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng không thể ngồi chờ giáo dục đổi mới với quãng thời gian có thể kéo dài đến tận 20 năm, theo ông "con người giỏi lên là do việc" và "để tìm được người, phải nghĩ ra việc".

Xin lấy họa sĩ, thợ vẽ và thợ sơn làm thí dụ để bạn đọc dễ hình dung ra các khoa học gia, chính trị gia, kinh tế gia, doanh nhân… những người đã và đang xây dựng một "Việt Nam hùng cường".

Họa sĩ là người sáng tạo ý tưởng và nghệ thuật. Người được mướn vẽ tranh theo ý tưởng người khác là thợ vẽ. Người thợ vẽ khác người thợ sơn.

Cách suy nghĩ về quản lý nhân lực của Bộ trưởng Hùng khó kiếm ra thợ vẽ, thường chỉ kiếm được thợ sơn. Mà thợ sơn cho nhà nước cũng khó có tay nghề cao so với người thợ sơn trong thị trường tự do vì luôn phải cạnh tranh và phải học hỏi để phục vụ tốt hơn.

Thật sai lầm khi nghĩ rằng người thợ sơn là thợ vẽ. Hết sức sai lầm khi nghĩ rằng người thợ vẽ là họa sĩ.

Trớ trêu thay ở Việt Nam người thợ sơn lại được tô hồng thành họa sĩ. Khi người thợ sơn thực sự nghĩ mình là họa sĩ thì đúng là định mệnh đau buồn cho cả dân tộc.

Bức tranh "Việt Nam hùng cường" hết sức nguệch ngoạc cũng chỉ vì quan niệm sai lầm nói trên.

Người Việt hải ngoại

Bộ trưởng Nguyễn mạnh Hùng cho biết : "Việt Nam còn ‘sở hữu’ 5 triệu người Việt ở nước ngoài với số lượng không nhỏ những trí thức, kỹ sư trong ngành công nghệ".

make2

Tiến sĩ Phạm Đại Khánh là kỹ sư không gian cao cấp làm việc cho Bộ phận Phương tiện Không gian thuộc Phòng Thí nghiệm Nghiên cứu Không quân ở Căn cứ Không quân Kirtland, bang New Mexico.

Trang VOA vừa đưa tin Tiến sĩ Phạm Đại Khánh một khoa học gốc Việt được Đại học George Washington trao giải thưởng Arthur S. Flemming năm 2018 cho những thành tựu nghiên cứu về lý thuyết vận hành không gian và liên lạc vệ tinh quân sự.

Ông đã nhận 20 bằng sáng chế cho các công trình nghiên cứu nói trên.

Tên một người Việt Nam nay được đưa vào danh sách những khoa học gia danh tiếng thế giới như Neil Armstrong (người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng) hay cựu Bộ trưởng quốc phòng Robert Gates.

Ông Khánh năm nay 48 tuổi, sinh trưởng ở miền Nam, có cha phục vụ trong chính quyền Việt Nam Cộng Hòa bị tù từ năm 1975 đến năm 1984.

Ông theo cha đi Mỹ theo diện HO, theo đuổi học hành và nhận bằng Tiến sĩ Kỹ thuật Điện tại Đại học Notre Dame vào năm 2004.

Sau đó ông vào làm cho Phòng Thí nghiệm Nghiên cứu Không quân ở Căn cứ Không quân Kirtland, bang New Mexico đến nay.

Lễ trao giải thưởng Arthur S. Flemming năm 2018 sẽ diễn ra vào ngày 3/6/2019 sắp tới tại Đại học George Washington ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn, Hoa Kỳ.

Xin chúc mừng Tiến sĩ Phạm Đại Khánh và chúc mừng Hoa Kỳ.

Thể chế chính trị và môi trường làm việc tại Việt Nam không thích hợp với tầng lớp trí thức khoa học, nên ngay cả những sinh viên được Hà Nội gởi đi du học đa số không về phục vụ đất nước.

Nói rõ hơn những trí thức, kỹ sư trong ngành công nghệ hiện đang sống ở nước ngoài là tài sản là vốn quý của các nước họ, không thuộc quyền sở hữu của Hà Nội như Bộ trưởng Hùng lầm tưởng.

‘Make in Vietnam’ thực sự là gì ?

Bài viết trên trang Trí Thức Trẻ nhấn mạnh "góc nhìn lạ" của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng bằng kết luận nguyên văn như sau :

"Bộ trưởng cho biết có thể có rất nhiều kỳ vọng về một bước ngoặt ngay tức thì. Tuy nhiên, ông khẳng định đó là sự ảo tưởng. Thành công không thể đến một cách dễ dàng và nhanh chóng như thế. Thậm chí, nếu có sự đột phá ngay thì có thể sau đó, thoái trào cũng đến rất nhanh.

"Bộ trưởng nói rằng Diễn đàn chỉ tương tự như một phát súng gợi cảm hứng cho sự thay đổi trong nhận thức từ cộng đồng doanh nghiệp lẫn cơ quan nhà nước để từ đó hình thành chiến lược.

"Ông cũng gợi ý về một sự thay đổi từ từ. Nếu Diễn đàn là tiếng súng hiệu từ vạch số 0, sự thay đổi của doanh nghiệp và các cơ quan sẽ tiến dần từng bước đến giai đoạn bước ngoặt. Bước chuyển này có thể đến chậm hơn nhưng hàm chứa sự tăng trưởng chắc chắn và bền vững".

Trong khi thế giới công nghệ đang cạnh tranh ráo riết và biến chuyển rất nhanh thì ‘Make in Vietnam’ quả thực là một sản phẩm sáng tạo của Hà Nội.

Vì chỉ có ở Hà Nội, mới có một Diễn Đàn cấp Bộ, được Thủ tướng và Bộ trưởng khai mạc, với cả ngàn viên chức được mời tham dự, tốn bao công quỹ quốc gia, tưởng chừng sẽ phát động một chiến lược nhằm thực hiện giấc mơ "Việt Nam hùng cường", nào ngờ ‘Make in Vietnam’ chỉ là một "phát súng gợi cảm hứng", còn đi tới, đi lui, đi lên, đi xuống ai muốn đi sao tùy cảm hứng.

Melbourne, Úc Đại Lợi, 14/5/2019

Nguyễn Quang Duy

*************

Xin giới thiệu bài : "Góc nhìn lạ đằng sau ‘MAKE IN VIETNAM’ của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng"

Published in Diễn đàn
mardi, 30 avril 2019 17:04

Luận về cụm từ Việt Cộng

Ai cũng biết Việt Cộng là cộng sản Việt Nam, nhưng theo sách sử cụm từ lại mang nhiều ý nghĩa khác nhau, thậm chí trái ngược nhau.

vc1

Hai lá cờ biểu tượng cho danh xưng Việt Cộng trước thang 4/1975 - Ảnh minh họa

Vào đầu năm 2018, nghiên cứu sinh sử Viện Đại học Wisconsin-Madison, Brett Reilly công bố trên trang The Diplomat bài "Cội nguồn đích thực của cụm từ Việt Cộng".

Brett Reilly cho biết đã phát hiện hai điều (1) cụm từ Việt Cộng và (2) cuộc nội chiến Quốc-Cộng đã khởi đầu từ những năm 1920 tại miền Nam Trung Hoa, hơn ba thập niên trước khi người Mỹ tham chiến tại Việt Nam.

Như vậy cuộc chiến Quốc-Cộng đã kéo dài gần trăm năm, vẫn còn tiếp diễn, thách thức phải viết lại lịch sử chiến tranh Việt Nam

Cứ mỗi tháng 4, cụm từ Việt Cộng lại thường xuyên được nhắc đến trong cộng đồng người Việt hải ngoại, nhân 44 năm Sài Gòn thất thủ, xin được tóm tắt công trình nghiên cứu của Brett Reilly và giải thích lý do vì sao Đảng cộng sản Việt Nam luôn dị ứng khi được gọi chính danh là Việt Cộng.

Sách sử chính thống

Tự điển, sách sử, báo chí ngoại ngữ đều định nghĩa Việt Cộng là những du kích quân cộng sản chống lại quân đội và chính phủ Việt Nam Cộng Hòa trong giai đoạn 1954-1975.

Tác giả quyển "Victory at any cost" (Chiến thắng bằng mọi giá) Cecil B. Currey còn quả quyết rằng cụm từ do Thiếu tướng tình báo Mỹ Edward Lansdale cố vấn cho Tổng thống Ngô Đình Diệm nghĩ ra từ tiếng Anh Vietnamese Communists - Vietcong.

Lansdale nhận thấy các cán bộ Việt Minh hoạt động ở miền Nam sau 1954 là những người vừa đánh bại quân Pháp nên có uy tín với dân là mối đe dọa quyền lực của Tổng thống Ngô Đình Diệm, nên đề nghị ông Diệm đừng gọi họ là Việt Minh mà gọi bằng một tên mới là Việt Cộng, để người dân miền Nam lầm tưởng rằng đây là 2 lực lượng khác nhau.

Từ đó các sử gia Mỹ theo trường phái chính thống lập luận rằng Mỹ phạm sai lầm khi tham gia chiến tranh, biến xung đột của những người nổi dậy có tinh thần dân tộc tại miền Nam thành chiến trường chiến tranh lạnh giữa Mỹ, Nga và Tàu.

Còn các sử gia theo trường phái xét lại cho rằng Việt Cộng là cụm từ thích hợp để minh họa việc Nga, Tàu và Bắc Việt lãnh đạo cuộc nổi dậy tại miền Nam, Mỹ tham gia để ngăn chặn sự lan rộng của cộng sản xuống vùng Đông Nam Châu Á.

Qua nghiên cứu, Brett Reilly biết được cụm từ Việt Cộng bắt nguồn từ tiếng Trung Hoa "zhonggong", phát âm tiếng Việt là "Trung Cộng".

Cụm từ này đã được những người Việt bị Pháp truy lùng phải trốn sang miền Nam Trung Hoa vào những năm 1920 sử dụng.

Việt Cộng chỉ những người Việt theo chủ nghĩa quốc tế cộng sản, còn những người Việt theo chủ nghĩa quốc gia được gọi là Việt Quốc.

Nội chiến bắt đầu…

Một cụm từ khác được Brett Reilly đề cập tới là cụm từ Việt gian cũng bắt nguồn tiếng Trung Hoa "Hanjian" phát âm là Hán gian chỉ những người Trung Hoa phản quốc.

Cuối thập niên 1920, khi Quốc Dân Đảng Trung Hoa nhận định rằng chủ nghĩa quốc tế cộng sản thực chất chỉ là chủ nghĩa thực dân kiểu mới của nước Nga Sô viết và như thế Trung Cộng những người Trung Hoa theo cộng sản là Hán gian phản quốc.

Cuộc chiến này ảnh hưởng đến Việt Cộng và Việt Quốc, một bên theo Mao còn bên kia theo Tưởng, khơi mào cuộc nội chiến ý thức hệ giữa những người Việt chống Pháp lưu vong tại miền Nam Trung Hoa.

Du nhập vào Việt Nam…

Theo Brett Reill, cuộc chiến lan sang miền Bắc Việt Nam, các bên tiến hành theo dõi lẫn nhau và thỉnh thoảng lại ám sát những kẻ mà họ nghi là người được phía bên kia trà trộn vào.

Trên Tràng An Báo, xuất bản tại Huế, năm 1938, cụ Phan Bội Châu tuyên bố những người theo cộng sản là : "những người lợi dụng chủ nghĩa xã hội nhằm chia rẽ đất nước, phá hoại sự thống nhất, tiêu diệt tinh thần quốc gia, dân tộc".

Đáp lại, ông Võ Nguyên Giáp và ông Trường Chinh, hai lý thuyết gia cộng sản, trên tờ báo Pháp thiên tả Notre Voix (Tiếng Nói của Chúng Ta), tuyên bố Cụ Phan Bội Châu là "tên phản quốc".

Có thông tin cho biết chính lãnh tụ cộng sản Nguyễn Ái Quốc đã báo cho thực dân Pháp bắt Cụ Phan Bội Châu để lãnh thưởng.

Trận chiến Quốc-Cộng không chỉ diễn ra gay gắt trên các cột báo, mà còn diễn ra bên trong hệ thống nhà tù thuộc địa.

Một bản sao cương lĩnh 12 điểm, năm 1935, của Việt Nam Quốc dân đảng, được tìm trong nhà tù ở Hà Nội, liệt kê hai mục đích đầu tiên của đảng là nâng cao nhận thức về dân tộc Việt Nam và xoá bỏ chủ nghĩa cộng sản.

Ở nhà tù Côn Đảo, cuộc xung đột ý thức hệ dẫn đến những trận thanh toán gây chết người. Trần Huy Liệu, từng là Bí thư kỳ bộ Nam kỳ Việt Nam Quốc dân đảng, theo cộng sản khi bị tù tại Côn Đảo, hồi tưởng : "Gió biển lạnh lẽ ở Côn Đảo không thể xua tan được bầu không khí căm thù bao quanh hòn đảo".

Việt Minh cướp chính quyền 19/08/1945

Sau một giai đoạn rất ngắn hợp tác, hai phía Quốc-Cộng lại sử dụng từ "Hanjian" - Hán gian cho các đối tượng được họ ghép cho là Việt gian phản quốc, khởi động cuộc nội chiến đẫm máu.

Các đơn vị Việt Minh trung thành với Võ Nguyên Giáp tấn công các đảng quốc gia, buộc những người quốc gia một lần nữa phải trốn sang Trung Hoa.

Những người theo cộng sản đệ tam giết cả những người cộng sản đệ tứ, những tổ chức yêu nước không bị ảnh hưởng của Tưởng Giới Thạch, những giáo phái yêu nước như đạo Hòa Hảo, đạo Cao Đài, giết tất cả những ai không chấp nhận sự thống trị của cộng sản đệ tam.

Khi chiến tranh giữa Việt Minh và Pháp bùng nổ vào cuối năm 1946, những nhóm người Việt yêu nước không theo cộng sản liên kết với nhau, chịu sự lãnh đạo của cựu hoàng Bảo Đại và cộng tác với Pháp để từng bước giành độc lập bằng biện pháp hòa bình và hợp tác.

Khi người Mỹ cắt viện trợ và ngừng bán vũ khí cho chính phủ Tưởng Giới Thạch, các lực lượng Trung Cộng do Mao Trạch Đông lãnh đạo ngày càng tiến gần đến biên giới phía Bắc.

Theo Brett Reill đến năm 1948, những tờ báo có tinh thần dân tộc chống Pháp đã sử dụng cụm từ Việt Cộng, như trên tờ Tiếng Gọi của Việt Nam Quốc Dân Đảng đã có bài báo động : "Nếu quân đội Việt Cộng có thể bắt tay với Trung Cộng ở biên giới Trung Việt, thì cái gì ngăn cản được quá trình cộng sản hóa Việt Nam ?".

Nếu cụm từ Việt Cộng có nghĩa xấu, thì nó chỉ xấu vì các đảng quốc gia đã liên kết người cộng sản Việt Nam (Việt Cộng) với người cộng sản Trung Hoa (Trung Cộng).

Đến năm 1950, Trung Quốc viện trợ cố vấn, quân sự, kinh tế, Việt Minh bắt đầu chuyển thành nhà nước toàn trị, thực hiện chỉnh huấn, chỉnh quân, cải cách ruộng đất theo đường lối Mao Trạch Đông.

Chính quyền Quốc gia dưới sự lãnh đạo của cựu hoàng Bảo Đại thường xuyên sử dụng cụm từ Việt Cộng trong các thông tin chính thức để tố cáo ban lãnh đạo Việt Minh là cộng sản.

Tổng thống Ngô Đình Diệm và chính phủ Việt Nam Cộng Hòa do đó chỉ kế thừa việc sử dụng cụm từ Việt Cộng để gọi tất cả những người Việt theo cộng sản không kể Bắc Nam.

Công trình nghiên cứu Brett Reill chấm dứt ở đây, để lại một câu hỏi lớn là những người miền Nam thua cuộc vẫn luôn hãnh diện với danh xưng Việt Quốc hay người Việt quốc gia, còn ngược lại Đảng cộng sản Việt Nam mặc dầu thắng trận lại luôn dị ứng khi bị nêu đích danh là Việt Cộng.

vc2

Ảnh minh họa trích từ The True Origin of the Term 'Viet Cong'

Sự thật lịch sử

Nếu Hồ Chí Minh có hằng trăm tên, tuổi, bút danh, thay đổi tùy tình hình quốc tế cộng sản và hoàn cảnh cách mạng Việt Nam thì Đảng cộng sản cũng thế.

Đảng Cộng sản từng bỏ cả tên cộng sản, để lấy tên Hội Truyền Bá chủ nghĩa Mác-Lênin, đảng Lao Động, đảng Nhân Dân Cách Mạng, hay lập ra hai đảng ngoại vi là đảng Dân chủ và đảng Xã hội.

Trong từng thời kỳ Đảng cộng sản còn sử dụng các tổ chức như Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội, Việt Minh, Mặt trận Giải Phóng miền Nam, nhiều các tổ chức ngoại vi khác để hoạt động cộng sản.

Nếu Hồ Chí Minh phải lấy bút danh nhà báo C.B. (Của Bác) để viết bài "Địa Chủ Ác Ghê" trên báo Nhân Dân đấu tố đến chết điền chủ Nguyễn thị Năm.

Thì Đảng cộng sản cũng phải sử dụng  Nhân dân cách mạng, Mặt trận Giải phóng miền Nam, Chính phủ Cách Mạng lâm thời miền Nam Việt Nam, để đánh lừa dư luận, chiến tranh tại miền Nam là cuộc nổi dậy của người miền Nam yêu nước, không do cộng sản miền Bắc lãnh đạo.

Ở nông thôn người dân thường xuyên bị Việt Cộng đe dọa, bị khủng bố, bị xử tử hay bị bắt lên rừng giam cầm đến chết.

Ở thành thị Việt Cộng càng ngày càng gia tăng đặt bom, ám sát hay pháo kích khủng bố.

Biến cố Mậu Thân 1968, Việt Cộng tấn công Thủ đô Sài Gòn và nhiều thành phố lớn tại miền Nam giết và bắt lên rừng hằng chục ngàn thường dân.

Riêng tại Huế lên đến 5.000 người bị giết hay chôn sống, nhiều ngàn người khác bị bắt lên rừng không có ngày về.

Chiến tranh càng gia tăng thì hình ảnh tội ác Việt Cộng càng được phổ biến trên Đài Truyền Hình hay qua báo chí.

Cụm từ Việt Cộng trở thành một cái gì ghê tỡm, ác độc, nỗi kinh hoàng của người dân miền Nam.

Khi chính phủ Hoa Kỳ bỏ cuộc "cút" khỏi miền Nam, nhiều người ở thôn quê, ở thị xã hay tỉnh nhỏ sợ Việt Cộng phải bỏ nhà cửa, ruộng vườn lên Sài Gòn hay các thành phố lớn.

Tháng 3/1975, khi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh rút quân, thì từng đoàn người Kinh bỏ nhà, bỏ cửa, đồng bào sắc tộc bỏ buông làng dìu dắt chạy trốn Việt Cộng.

Cuộc rút quân (và rút dân) hoàn toàn thất bại, quân đội Bắc Việt kéo vào tiếp thu Huế, Đà Nẵng, rồi cuối cùng tiếp thu Sài Gòn ngày 30/04/1975.

Sau ngày tang thương này, người miền Nam bị tù cải tạo, bị đánh tư sản, bị đi kinh tế mới, cả một guồng máy cai trị từ miền Bắc đưa vào, đến công an khu vực cũng là người miền Bắc, buộc người miền Nam phải bỏ nước ra đi.

Với người miền Nam, cụm từ Việt Cộng vẫn là nỗi kinh hoàng luôn ám ảnh, như chiến tranh Quốc-Cộng gần trăm năm vẫn chưa chấm dứt.

Đảng Cộng sản sợ sự thật về mối liên hệ gắn bó từ tư tưởng đến hành động với Đảng cộng sản Trung Hoa – "zhonggong" – Trung Cộng, sợ sự thật về chiến tranh Việt Nam và tội ác họ đã gây ra cho dân tộc Việt Nam.

Họ sợ sự thật lịch sử bởi thế họ rất dị ứng khi được nêu chính danh là Việt Cộng.

Melbourne, Úc Đại Lợi, 30/4/2019

Nguyễn Quang Duy

Published in Diễn đàn

Đài VOA vừa đưa tin ông Trịnh Vĩnh Bình thắng kiện, Hà Nội phải bồi thường 37,5 triệu Mỹ Kim thiệt hại và 7,9 triệu án phí.

Ông Bình rời phiên tòa với khuôn mặt tươi cười hai tay giơ cao ra dấu chiến thắng (V=Victoria) nên không cần phải bàn tới.

Lạ là Bộ Tư pháp Việt Nam ngay lập tức xác nhận thông tin, nhưng cho biết theo quy định Tòa "các bên có trách nhiệm phải giữ bí mật".

Việc chi trả bồi thường "phải giữ bí mật" là Hà Nội chính thức xác nhận không theo tiêu chuẩn hạch toán ngân sách quốc tế và không muốn cho dân biết vụ việc.

Tại sao Hà Nội phải che giấu kỹ vụ án này ?

tvb1

Ông Trịnh Vĩnh Bình rời khỏi tòa hai tay giơ cao ra dấu chiến thắng (V=Victoria) hồi tháng 8/2017 với gương mặt chiến thắng. Ảnh chụp từ clip

"Những sự thật bên trong"

Trên Facebook, ông Nguyễn Công Khế, nguyên Tổng biên tập báo Thanh Niên, cho biết từng cung cấp "những sự thật bên trong" cho bà Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình để phát biểu tại Quốc hội :

"…bắt nguồn từ việc một cán bộ an ninh kinh tế có tên Ngô Chí Đan ở Vũng Tàu. Ngô Chí Đan là em rể của Phương Vicarrent. Họ cùng nhau áp lực với Trịnh Vĩnh Bình để đòi chia chát. Những người này có thế lực rất mạnh ở địa phương và cả một số cán bộ then chốt ở Trung ương".

Ông Khế cho biết : "Thủ tướng Phan văn Khải biết hết vụ việc và cũng rất xót xa nhưng khi tôi hỏi việc này, ông cũng lắc đầu bất lực".

Ông cho biết thêm : "…bạn tôi, anh Nguyễn Trọng Minh lúc đó bức xúc quá viết một tâm thư gởi Bộ Chính trị. Sau đó, anh cũng bị kỷ luật, tôi cũng không nắm rõ, việc kỷ luật anh có dính dáng gì đến nội dung bức thư này hay không ?".

Ông Khế kết luận : "Trường hợp Trịnh Vĩnh Bình là vì, có những người ở cấp trên đã nghe báo cáo không trung thực từ những người cấp dưới không minh bạch và tham nhũng…".

Ông Khế không cho biết cấp trên là ai ? Cấp dưới là ai ? Và tại sao chỉ vì một cán bộ an ninh cấp địa phương mà ông Phan văn Khải và bà Nguyễn Thị Bình đành phải lắc đầu bất lực ?

Ngô Chí Đan và Phương Vicarrent là ai ?

Trong một vụ án khác xử đầu tháng 12/2003, Trung tá công an Ngô Chí Đan bị kỷ luật và bị cách chức Trưởng phòng an ninh điều tra công an Bà Rịa - Vũng Tàu, còn Phạm Văn Phương thì chịu bản án 27 năm tù giam.

VnExpress ngày 4/12/2003 đưa tin, Nguyễn Minh Hoàng khai trước tòa Phương Vicarrent đã nhận 200 triệu đồng để đưa vào "tổ chức" ở Vũng Tàu :

"Bây giờ chủ trương của lãnh đạo ta thoáng lắm, sắp tới sẽ thí điểm cơ cấu phó chủ tịch tỉnh không cần đảng viên. Nếu chú thích anh sẽ tác động để cơ cấu chú làm phó chủ tịch".

Cũng VnExpress ngày 3/12/2003 đưa tin, Nguyễn Minh Hoàng khai trong một lần đi nhậu có mặt Trung tá công an Ngô Chí Đan, Phương Vicarrent nói :

"Nguyễn Trọng Minh không nghe lời tao nên bị trị, còn Tuấn Minh nếu không nghe cũng giống như Trọng Minh vậy".

Nguyễn Trọng Minh nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu người được Nguyễn Công Khế nhắc tới bên trên, còn Tuấn Minh đương kim Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời ấy, mà Phương Vicarrent còn coi không ra gì. Nhưng có thật thế lực đằng sau Phương Vicarrent mạnh như vậy ?

Trịnh Vĩnh Bình bị bắt

Năm 1987, Vua chả giò Hòa Lan Trịnh Vĩnh Bình sang công ty chả giò, đem 2,3 triệu Mỹ kim tiền mặt và 96 ký vàng về Việt Nam đầu tư, chỉ sau 8 năm tài sản ông tăng lên 30 triệu Mỹ kim gấp gần 8 lần tiền vốn.

Làm giàu mau chóng nhưng ông Bình không đút lót Phương Vicarrent nên ngày 5/12/1996 ông Bình bị Ngô Chí Đan, khi ấy là Thiếu tá công an, ra lệnh bắt, điều tra và đưa ra tòa xét xử.

Trước sự can thiệp mạnh mẽ của Chính phủ Hòa Lan, ngày 13/05/1998, Thủ tướng Phan Văn Khải gửi thư cho Bộ trưởng công an Lê Minh Hương đề nghị xem xét trường hợp vì ông Bình "không có lỗi đến mức phải xử".

Nhưng chỉ thị Thủ tướng Khải không được thi hành, tháng 8/1998 ông Bình bị Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kết án 13 năm tù, đóng phạt 400 triệu đồng và tịch thu toàn bộ tài sản về tội sang nhượng bất hợp pháp để trốn thuế và tội hối lộ.

3 văn bản vụ án…

Đài VOA có phổ biến 3 văn bản liên quan đến vụ án :

Văn bản thứ 1 về cuộc họp ngày 3/5/1998 với sự hiện diện của Thứ trưởng Bộ công an Nguyễn Khánh Toàn và nhiều viên chức cao cấp.

Theo văn bản này "hoạt động của ông Trịnh Vĩnh Bình từ năm 1990 đến khi bị bắt là vi phạm pháp luật Việt Nam rất nghiêm trọng" và việc "xử lý Trịnh Vĩnh Bình đúng pháp luật vừa đảm bảo được sự nghiêm minh của pháp luật, vừa bảo vệ chủ quyền Việt Nam và giải quyết được vấn đề đối ngoại".

Văn bản thứ 2 ký ngày 12/06/1998, Ban Thường vụ Đảng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gửi Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, Chủ tịch nước Trần Đức Lương và Thủ tướng Phan Văn Khải để xin ý kiến chỉ đạo.

Theo văn bản này Ban Thường vụ tỉnh đề nghị tòa án xét xử ngay vì "...đã có kết luận tội của Bình. Sau khi có bản án thi hành, sẽ thực hiện chính sách khoan hồng của ta. Như vậy Bình sẽ không nói xấu ta được vì đã tuyên án. (Phương án này ta nắm đằng chuôi)".

Văn bản thứ 3 được đóng dấu "Mật" do Trưởng ban Thường vụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Trần Đình Hoan, gửi Trung ương Đảng và các cơ quan thuộc Đảng ủy Bà Rịa - Vũng Tàu ký ngày 23/6/1998.

Văn bản này chỉ đạo "việc tổ chức xét xử cần được chuẩn bị chu đáo, chặt chẽ… giải quyết vụ án theo ý kiến chỉ đạo trên và báo cáo kết quả với Thường vụ Bộ Chính trị… có thể cho [ông Bình được] tại ngoại theo yêu cầu của Đại sứ quán Hà Lan và sau khi Bình được xét xử thì trục xuất khỏi nước ta".

Đài VOA cho biết đã liên lạc với giới chức có thẩm quyền để xác minh 3 văn bản nói trên nhưng đều bị từ chối cộng tác.

Ông Trịnh Vĩnh Bình kháng án, được giảm còn 11 năm tù, xong "trốn" về Hòa Lan. Ông Bình chưa cho biết cách thức ông rời khỏi Việt Nam.

Có tin đồn Thủ tướng Phan Văn Khải đã âm thầm thu xếp để ông đi, nhưng theo hai văn bản Đài VOA có được thì ông có thể đã bị trục xuất.

Vụ án kinh tế ?

Đại tá, Luật sư Lê Mai Anh, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra đảng Hội Luật gia Việt Nam, cho Đài VOA biết qua 1 cuộc phỏng vấn là "hồ sơ không có chứng cứ cụ thể, chính xác", bản án chỉ dựa vào lời cung của các nhân chứng :

"[Họ] trọng cung hơn là trọng chứng. Mà cung cũng là ép cung, mớm cung hoặc dọa cung là có. [Họ] sử dụng cung nhiều quá mà chứng lại không có".

Theo ông Anh : "Ông ấy đứng tên người khác là theo đúng hướng dẫn của chính phủ Việt Nam. Vì lúc ấy, họ không cho người có quốc tịch nước ngoài mua (đất đai, nhà xưởng…) nên ông ấy phải nhờ người khác đứng tên. Ông đã thực hiện đúng như ý của họ. Sau đấy họ lại cho là ông ấy mua đất đai, nhà xưởng… là không hợp pháp. Thì chẳng hiểu thế nào là hợp pháp nữa. Bảo ông ấy thế nào thì ông ấy làm đúng như thế. Chứ ông ấy có làm sai đâu".

Chủ tịch Bà Rịa - Vũng Tàu ăn hối lộ ?

Theo thông tin đưa lên trên mạng vào tháng 5 và 6/2005 của một người tự xưng là người trong cuộc ký tên Trần Quốc Hoàn, Tổng cục II có chứng cứ Trịnh Vĩnh Bình đã hối lộ Nguyễn Trọng Minh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để được giới thiệu với Thủ tướng Phan Văn Khải.

Nguyễn Trọng Minh đã phải làm bản tường trình với thường vụ Bộ chính trị về việc nhận tiền Trịnh Vĩnh Bình "biếu". Ông Minh bị mất chức Chủ tịch vì vụ việc này.

Ông Minh chính là bạn và là người được Nguyễn Công Khế nhắc tới bên trên.

Còn ông Trịnh Vĩnh Bình luôn phủ nhận ông đã dùng tiền mua chuộc giới chức cộng sản.

Vụ án chính trị ?

Cũng theo Trần Quốc Hoàn thì mọi công dân nước ngoài khi vào hoạt động kinh doanh tại Việt Nam đều bị các cơ quan an ninh âm thầm giám sát.

Trường hợp của ông Trịnh Vĩnh Bình, một thành viên của Ðảng dân chủ tự do Hòa Lan, nên bị cả Bộ Công an và Tổng cục II, Bộ quốc phòng theo dõi.

Khi Trịnh Vĩnh Bình bị Thiếu tá công an Ngô Chí Đan bắt, Tổng cục II ra mặt, vụ án vượt khỏi tầm kiểm soát Bộ Công an, Bộ Công an buộc phải cộng tác với Tổng cục II.

Bị truy tố trước tòa có ông Lê (Tạ ?) Quang Luyện bị tội nhận hối lộ của Trịnh Vĩnh Bình 510 triệu đồng.

Ông Luyện từng là thư ký riêng của Chủ tịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Trọng Minh.

Ông Luyện giới thiệu ông Bình với ông Nguyễn Trọng Minh, để ông Bình mua chuộc ông Minh giới thiệu với Thủ tướng Phan Văn Khải, lũng đoạn tầng lớp lãnh đạo cộng sản Việt Nam.

Gia đình vợ ông Luyện, có quan hệ với Phó chủ tịch nước, bà Nguyễn Thị Bình và ông Nguyễn Mạnh Cầm, Bộ trưởng Bộ ngoại giao lúc đó.

Bộ Chính trị trực tiếp chỉ đạo

Cũng theo Trần Quốc Hoàn, Thường vụ Bộ chính trị đã phải họp mở rộng về vụ án Trịnh Vĩnh Bình.

Thủ tướng Phan Văn Khải và Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đề nghị đình chỉ vụ án và giải oan cho Trịnh Vĩnh Bình.

Tổng cục II công bố tội trạng của ông Luyện và mối quan hệ giữa gia đình ông Luyện với bà Bình và ông Cầm. Ông Khải và bà Bình đành bất lực.

Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, Bộ trưởng công an Lê Minh Hương, Bí thư Trung ương đảng Phạm Thế Duyệt, Giám đốc công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Châu Văn Mẫn và bí thư tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu Lê Văn Dỹ cho ý kiến là phải kiên quyết xử lý vụ án.

Nhưng từng ý kiến của các vị ủy viên Bộ chính trị đều không có tính quyết định bằng các chứng cứ của Tổng cục II đưa ra, khẳng định rằng Trịnh Vĩnh Bình vào Việt Nam là để hoạt động gián điệp, núp dưới cái "vỏ" doanh nhân.

Từ một âm mưu tống tiền do Thiếu tá công an Ngô Chí Đan và Phương Vicarrent dàn dựng, chuyển thành một vụ án kinh tế, rồi biến ra thành một vụ án chính trị và Bộ chính trị phải trực tiếp chỉ đạo vụ án.

Cả phía an ninh quân đội và công an đều cho rằng họ đã "bắt non" Trịnh Vĩnh Bình, nên phải xử theo một vụ án kinh tế.

Phá vỡ vụ án "gián điệp", Thiếu tá Ngô Chí Đan, nguyên Trưởng phòng PA 24 Công an Bà Rịa - Vũng Tàu được thăng thưởng cấp Trung tá.

Trung tá Ngô Chí Đan bị kỷ luật và cách chức Trưởng phòng trong vụ án khác nói đến bên trên và hiện ông đang là luật sư, thành viên Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho thấy hệ thống pháp quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Các thông tin bên trên có thể chưa hoàn hảo nhưng phần nào giúp chúng ta thấy rõ hơn vụ án Trịnh Vĩnh Bình không đơn giản như "những sự thật bên trong" ông Nguyễn Công Khế, nguyên Tổng biên tập báo Thanh Niên, đã báo cho bà Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình để phát biểu tại Quốc hội.

Trịnh Vĩnh Bình kiện Hà Nội

Bộ Chính trị không ngờ ông Trịnh Vĩnh Bình khi về được Hòa Lan đã đâm đơn kiện Hà Nội trước Tòa Án Quốc Tế.

Vụ kiện trước tại Trung tâm Trọng tài Thương mại Stockholm, Hà Nội đã phải âm thầm bồi thường cho ông Bình 15 triệu Mỹ Kim, lần này lại thua kiện phải bồi thường lên đến 45,4 triệu Mỹ Kim.

Đáng nói là ông Bình kỳ vọng tiền bồi thường lên tới 1,2 tỷ Mỹ Kim vì thế biết đâu ông Bình sẽ tiếp tục kiện Hà Nội đòi thêm.

Phán quyết lịch sử…

Tháng Tư đen 1975, Hà Nội xé Hiệp Định Đình Chiến Paris ký với sự chứng kiến của Liên Hiệp Quốc để "giải phóng" miền Nam.

Binh sĩ và công chức miền Nam bị bắt tù, không hề được đối xử theo luật "tù nhân chiến tranh", nhiều người chết trong tù.

Dân miền Nam bị cướp nhà, cướp đất, cướp tài sản, bị đuổi đi kinh tế mới, phải bỏ nước ra đi, nhiều người chết trên đường tìm tự do.

Hà Nội coi thường Luật pháp quốc tế đến độ vừa rồi cho gián điệp sang tận Đức bắt Trịnh Xuân Thanh và có thể đã bắt Trương Duy Nhất tại Thái Lan.

Tháng Tư Đen 2019, Hà Nội phải chính thức nhìn nhận thua kiện ông Trịnh Vĩnh Bình, một công dân Hòa Lan gốc Việt, thì quả thật phán quyết Tòa Trọng tài Quốc tế là một phán quyết lịch sử đối với người Việt Nam.

Hà Nội tìm mọi cách "giữ bí mật" nhưng càng muốn "giữ bí mật" thì người Việt càng mong tìm ra sự thật, để từ từ lộ ra những thâm cung bí sử của Đảng cộng sản Việt Nam.

Melbourne, Úc Đại Lợi, 17/04/2019

Nguyễn Quang Duy

Bài liên quan :

Trần Quốc Hoàn, Tổng cục II - Vai quyết định trong vụ án Trịnh Vĩnh Bình

Trần Quốc Hoàn, Sự thật về "vụ án Phương Vicarrent"

Published in Diễn đàn

Viễn ảnh Việt Nam trở thành một nền kinh tế dựa vào công nghệ và sáng tạo thường được thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ca ngợi, nhưng ước mơ công nghệ hóa đất nước của những người cộng sản càng ngày càng xa rời thực tế.

Thực tế Việt Nam vẫn là một nước với nền kinh tế tiểu thương, tiểu nông, ngày càng lệ thuộc vào các công ty đa quốc gia và vào nhập cảng hàng hóa tiêu dùng từ nước ngoài.

congnghiep1

Có rất ít các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước cung cấp sản phẩm cho doanh nghiệp có nguồn vốn đầu tư nước ngoài. (Ảnh minh họa : KT)

Doanh nhân Việt Nam chịu nhiều bất công từ chính sách, luật pháp đến môi trường kinh doanh nên không thể phát triển, các doanh nghiệp tư nhân đóng góp chưa đến 10% GDP, 96% các doanh nghiệp đều nhỏ hay rất nhỏ chỉ được xem là tiểu thương hay tiểu doanh nhân.

Kinh tế hộ gia đình bao gồm tiểu thương, tiểu thủ công nghệ, buôn thúng bán bưng và tiểu nông vẫn chiếm tới 32% GDP.

Doanh nghiệp nhà nước

Khu vực kinh tế quốc doanh theo thống kê vẫn chiếm 27% GDP, trên thực tế tỷ lệ có thể lớn hơn rất nhiều vì định nghĩa doanh nghiệp nhà nước chưa được rõ ràng.

Các BOT bẩn có vốn đầu tư từ các ngân hàng nhà nước lên đến 90% như thế có thuộc doanh nghiệp nhà nước không ?

Các doanh nghiệp cổ phần hóa, nhà nước vẫn giữ cổ phần như thế có thuộc doanh nghiệp nhà nước không ?

Đã có 3 ngân hàng cổ phần được Ngân hàng Nhà nước mua lại toàn bộ cổ phần với giá 0 đồng, như vậy các ngân hàng cổ phần khác có thuộc doanh nghiệp nhà nước không ?

Các doanh nghiệp làm sân sau cho các nhóm lợi ích có thuộc doanh nghiệp nhà nước không ?

Trên chỉ là vài thí dụ, theo chủ trương của Đảng cộng sản kinh tế quốc doanh vẫn giữ vai trò chủ đạo, doanh nghiệp nhà nước vẫn được nhà nước tiếp tục nuôi dưỡng mặc dầu tham nhũng, lợi ích nhóm, lãng phí của công, thiếu hiệu quả tràn lan trong khu vực này.

Trong khi đó muốn có một môi trường kinh doanh công bằng cho việc phát triển đất nước, Hà Nội phải chấm dứt can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, chấm dứt mọi trợ cấp, cho vay ưu đãi, bảo lãnh vay, xóa nợ, ưu đãi nguồn lực đất và tài nguyên.

Hà Nội phải để các doanh nghiệp nhà nước tuân thủ nguyên tắc thị trường không được bù lỗ, không giảm trừ thuế và doanh nghiệp nhà nước phải bình đẳng cạnh tranh kinh doanh với khu vực tư nhân.

Những hiệp định thương mãi quốc tế buộc Hà Nội phải tiếp tục cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước cũng như mở cửa khu vực dịch vụ công cộng cho các doanh nghiệp nước ngoài vào khai thác.

Trong việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước cần được "xã hội hóa" bằng cách bán cổ phần cho dân chúng, từ trẻ đến già mỗi người một ít, như nhiều quốc gia trên thế giới vẫn làm, thay vì bán cho người nước ngoài. Trường hợp công ty bia Sài Gòn Sabeco bán tới 53,59% cổ phần cho tỷ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi.

Doanh nghiệp có nguồn vốn đầu tư nước ngoài

Trên 30 năm nay, Hà Nội theo đuổi chiến lược tăng trưởng kinh tế dựa trên đầu tư nước ngoài vào công nghiệp phục vụ xuất cảng.

Các doanh nghiệp có nguồn vốn đầu tư nước ngoài và các tập đoàn đa quốc gia được ưu đãi mọi mặt, từ thủ tục hành chánh, thuê mướn đất đai, thuê mướn nhân công, miễn giảm thuế má, trợ giúp xuất nhập cảng, trợ giúp vay thêm vốn, cạnh tranh thu hút đầu tư giữa các địa phương, cho đến các chính sách vĩ mô về hối đoái, tiền tệ hay ký kết các hiệp định thương mãi quốc tế để mở rộng xuất cảng.

Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đã chiếm trên 20% GDP, trong khi khu vực doanh nghiệp tư nhân chưa được 10% và khoảng cách chênh lệch ngày một gia tăng.

Trong khi thuế thu nhập doanh nghiệp các doanh nghiệp có nguồn vốn đầu tư nước ngoài bình quân chỉ 10%, thì doanh nghiệp tư nhân Việt Nam trung bình đóng 20%. Nghịch lý đã xảy ra khu vực doanh nghiệp có nguồn vốn đầu tư nước ngoài to gấp đôi nhưng giao nộp ngân sách chỉ bằng nửa (51%) khu vực tư nhân.

Các công ty đa quốc gia như Samsung năm 2018 lợi nhuận lên tới 5 tỷ Mỹ Kim trong khi thuế đóng góp cho ngân sách chỉ chừng trên 300 triệu Mỹ Kim.

Theo Kinh tế trưởng World Bank tại Việt Nam Tiến sĩ Sebastian Eckardt việc cắt giảm thuế thu nhập từ doanh nghiệp và các ưu đãi để thu hút vốn đầu tư nước ngoài là một nguyên nhân gây ra việc thu ngân sách từ mức gần 30% GDP trong nhiều năm đã hạ xuống khoảng 26-28% trong giai đoạn 2006-2009 và có xu hướng giảm đi vào giai đoạn 2015-2018 trung bình chỉ còn khoảng hơn 23% GDP.

Chiến lược ưu đãi doanh nghiệp có nguồn vốn đầu tư nước ngoài chỉ thu hút được các doanh nghiệp khai thác lợi nhuận trước mắt. Samsung đã từng rút khỏi Nam Hàn, rời sang Trung Quốc rồi vào Việt Nam, khi tình hình chính trị Bắc Hàn cho phép Samsung sẽ lại tiếp tục dời đi.

Trong khi các doanh nghiệp có nguồn vốn đầu tư nước ngoài được luật pháp quốc tế bảo vệ còn doanh nghiệp tư nhân phải dựa vào luật pháp Việt Nam, mà luật pháp Việt Nam thì thật khác với thế giới.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho biết chính sách và pháp luật dù có cải thiện nhưng vẫn chưa khắc phục được "8 không" nghĩa là không rõ ràng, không cụ thể, không minh bạch, không hợp lý, không ổn định, không tiên liệu trước, không hiệu quả và không hiệu lực.

Các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vì thế khó có thể cạnh tranh một cách hiệu quả ngay tại Việt Nam thì nói gì đến việc vươn ra biển cạnh tranh ở xứ người.

Nhiều quốc gia bao gồm Mỹ, Úc, Canada, Âu Châu cấp các Visa đầu tư cho những doanh nhân với số vốn nhỏ chỉ chừng 1 triệu Mỹ kim nhằm thu hút các doanh nhân đến định cư tại các quốc gia này.

Các doanh nhân này vừa mang tiền đến đầu tư, vừa mang kinh nghiệm làm ăn buôn bán, vừa thực hiện ước muốn được định cư trên 1 xứ sở họ được đối xử công bằng.

Sau làn sóng tỵ nạn chính trị là làn sóng người Việt liên tục bỏ nước ra đi, tại Việt Nam họ bị đối xử bất công về mọi mặt, họ phải tìm đến một chân trời mới, nơi đất lành chim đậu.

Doanh nghiệp tư nhân

Việt Nam hiện có trên 600 ngàn doanh nghiệp, với 500 ngàn doanh nghiệp tư nhân, nhưng có tới hơn 96% là doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ, 2% doanh nghiệp quy mô vừa và 2% doanh nghiệp lớn.

Mặc dù không tới 10% GDP, doanh nghiệp tư nhân lại tạo công ăn việc làm cho hằng chục triệu người lao động, mỗi năm tạo thêm vài trăm ngàn công việc làm mới. Đồng tiền đầu tư vào doanh nghiệp tư nhân luôn tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn các khu vực khác.

Nhưng có tới 48% doanh nghiệp tư nhân bị thua lỗ, chỉ riêng năm 2018, con số doanh nghiệp tư nhân không đủ vốn, không đủ sức cạnh tranh phải ngừng kinh doanh đã lên đến 90.000.

Nghịch lý là tỷ lệ đóng góp vào thuế của các doanh nghiệp tư nhân chiếm đến hơn 41% vẫn cao hơn tỷ lệ đóng góp của các khu vực khác.

Chưa kể các doanh nghiệp tư nhân còn phải đóng phí cho cửa quyền cho tham nhũng để được yên ổn làm ăn.

Một môi trường kinh doanh như thế, các doanh nghiệp tư nhân không thể tự đề ra những chính sách và chiến lược để có thể cạnh tranh và phát triển. Rất ít các doanh nghiệp tư nhân đủ lớn để có khả năng hướng tới đầu tư sản xuất hàng công nghiệp.

Bước sâu vào sân chơi quốc tế Việt Nam sẽ phải cắt giảm thuế quan, dỡ bỏ rào cản thương mại và mở cửa thị trường sâu hơn, sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn, nếu Hà Nội không đưa ra các chính sách thích hợp thì các doanh nghiệp tư nhân khó có thể sống còn.

Bởi thế, thay vì đầu tư trong nước, nhiều doanh nhân đã bán lại doanh nghiệp trong nước, dùng tiền vốn đầu tư và định cư nước ngoài như đã nói phần trên.

Nhiều gia đình cũng sẵn sàng chi trả hàng trăm nghìn Mỹ Kim cho con em đi du học và khi tốt nghiệp con em họ định cư ở nước ngoài, rồi cả gia đình bán doanh nghiệp di dân.

Hiện tượng tìm cơ hội tốt hơn nơi xứ người đang càng ngày càng trở nên rầm rộ nhưng vẫn chưa được Hà Nội đánh giá đúng mức để điều chỉnh "chiến lược" dựa trên tư bản nước ngoài.

Hộ gia đình

Cũng cần nói qua về kinh tế hộ gia đình một hình thức kinh doanh còn chiếm trên 32% GDP, gồm những tiểu thương, tiểu thủ công nghệ, buôn gánh bán bưng, các tiểu nông.

Nhiều hộ kinh doanh tránh thành lập doanh nghiệp tư nhân vì quá nhiều rào cản lại không mang lại lợi ích trong việc phát triển kinh doanh. Nhiều hộ kinh doanh phải hoạt động trong nền kinh tế "ngầm" tránh việc quản lý của công quyền.

Gần đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao cho Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và đầu tư đánh giá, rà soát lại quy mô GDP và phải "đưa kinh tế ngầm vào GDP", nhiều người cho rằng nhằm mục đích thu thuế.

Tại sao các hộ gia đình trốn hay tránh bị đóng thuế ? Và nếu biết rõ nền kinh tế "ngầm" liệu Hà Nội có thể thu được thêm thuế không là những câu hỏi khá thích thú hẹn bạn đọc dịp khác sẽ bình luận.

Thay đổi thể chế

Phát triển quốc gia lẽ ra phải dựa vào nội lực đất nước, phải dựa vào doanh nghiệp tư nhân thì Hà Nội lại chạy theo chiến lược dựa vào tư bản nước ngoài.

Chiến lược sai lầm kết quả là doanh nghiệp tư nhân ngừng phát triển, đất nước và xã hội bị kéo theo trở thành chậm phát triển, bởi thế Việt Nam vẫn là một nền kinh tế dựa trên tiểu thương và tiểu nông.

Muốn phát triển điều kiện cần là Hà Nội phải thay đổi chiến lược, chính sách và luật pháp sao cho phù hợp, rõ ràng, minh bạch, cụ thể, hợp lý, tạo ổn định, để mọi doanh nghiệp được cạnh tranh một cách bình đẳng.

Điều kiện đủ là Việt Nam phải có tự do kinh doanh, quyền tư hữu tài sản và đất đai phải được Chính Phủ bảo đảm và tầng lớp doanh nhân phải có quyền tự do chọn người đại diện trong Quốc hội và Chính phủ để bảo vệ quyền lợi cho chính họ.

Melbourne, Úc Đại Lợi, 26/03/2019

Nguyễn Quang Duy

Published in Diễn đàn

Ngày 11/03/2019, trên tạp chí Washington Post bà Nancy Pelosi chủ tịch Hạ viện, cho biết :

"Tôi không luận tội Tổng thống. Tôi chưa từng trả lời bất cứ nhà báo nào, nhưng vì được hỏi và tôi đã suy nghĩ kỹ, luận tội gây chia rẽ quốc gia, trừ khi phải thật chính đáng, thật nghiêm trọng và không thiên vị đảng phái".

Bà kết luận :

"Tôi không nghĩ chúng ta nên đi theo hướng luận tội vì đất nước sẽ bị chia rẽ. Và ông ấy không đáng cho chúng ta làm vậy".

Chính trị gia lão luyện…

nancy0

Bà Nancy Pelosi, chủ tịch Hạ viện Mỹ, bắt tay Tổng thống Donald Trump sau bài phát biểu trước Lưỡng Viện về Tình hình quốc gia ngày 5/2/2019

Bà Pelosi là phụ nữ nắm giữ chức vụ cao nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, chỉ đứng sau Tổng thống và Phó tổng thống và trước đây năm 2007-2011 bà cũng đã nắm giữ chức vụ này.

Bà sinh ngày 26/3/1940, gần 79 tuổi, thắng cử Hạ viện lần đầu năm 1987 và liên tục giữ đến nay 32 năm.

Bà là một chính trị gia lão luyện, đầy kinh nghiệm, uy tín, đạo đức, trung dung và chủ trương hợp tác lưỡng đảng.

Bà đã trải qua lần luận tội Tổng thống Bill Clinton, 1998-1999, nên hiểu rất rõ tình trạng chia rẽ đất nước lúc bấy giờ.

Thủ tục luận tội…

Chỉ cần một dân biểu đưa cáo trạng cho Ủy ban tư pháp Hạ viện.

Nếu cáo trạng được đa số ủy viên của Ủy ban đồng ý sẽ đưa ra Hạ viện biểu quyết.

Khi đa số quá bán Hạ viện đồng ý, một ủy ban truất phế được thành lập để đưa quyết định lên Thượng viện mở một phiên tòa.

Chánh án Tối cao Pháp viện sẽ là Chủ tịch Ủy ban truất phế và nếu 2/3 nghị sĩ đồng ý thì thủ tục truất phế sẽ được tiến hành.

Hiện tại đảng Cộng hòa đang giữ Thượng viện và Tối cao Pháp viện thuộc cánh bảo thủ nên việc luận tội ông Trump là một nỗ lực khó mang lại kết quả.

Bởi thế trong vai trò lãnh đạo đảng Dân chủ và lãnh đạo Hạ viện bà Pelosi tuyên bố như trên là 1 điều dễ hiểu.

Nếu đảng Dân chủ sử dụng luận tội như một trò chơi chính trị để hạ uy tín ông Trump thì đó là con dao hai lưỡi, cử tri bất mãn sẽ ảnh hưởng nặng nề đến uy tín của đảng Dân chủ.

Sở trường của ông Trump là lôi kéo cử tri ủng hộ mình. Vì thế luận tội ông, có khi lại trở thành một lợi thế cho ông trong kỳ tranh cử 2020 sắp tới.

Luận tội Tổng thống vẫn tiến hành ?

Dân biểu Al Green không đồng ý với bà chủ tịch đã cho phóng viên của đài C-SPAN biết ông sẽ tiếp tục luận tội Tổng thống.

Vào tháng 12/2017, ông Green đã được 58 dân biểu công khai ủng hộ, con số tăng lên 66 người vào tháng 1/2018, giờ ông tin rằng có hằng trăm người ủng hộ ông.

Ngày 4/3/2019, Dân biểu Jerry Nadler, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện gởi thư yêu cầu Tòa Bạch Ốc và Bộ Tư pháp cung cấp các tài liệu liên quan đến 81 cá nhân, tổ chức và cơ quan chính phủ nhằm điều tra nghi vấn ông Trump cản trở tư pháp và lạm dụng quyền lực.

Trong số những người bị điều tra có cả con trai và con rể của ông Trump.

Tòa Bạch Ốc và Bộ Tư pháp hiện đang xem xét và đánh giá yêu cầu của Ủy ban.

Trước đây Ủy ban Tình báo, Ủy ban Đối ngoại và Ủy ban Giám sát chính phủ, cũng đã gửi thư cho Tòa Bạch Ốc và Bộ Ngoại giao yêu cầu cung cấp những nội dung chi tiết về các cuộc trao đổi giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Ủy ban House Ways and Means của Hạ viện cũng dự định yêu cầu Bộ Tài chính cung cấp hồ sơ khai thuế của Tổng thống Trump.

Dân biểu cánh tả xã hội chủ nghĩa đang tạo áp lực thúc đẩy giới lãnh đạo Hạ viện phải tiến hành việc luận tội ông Trump.

Cũng cần kể thêm tỷ phú Tom Steyer thuộc cánh tả đảng Dân chủ đang thực hiện chiến dịch quảng cáo lên đến chục triệu Mỹ kim chỉ nhằm thu hút người dân Mỹ ủng hộ việc luận tội.

Bà Pelosi đang chơi trò chính trị ?

Trang ABC cho biết, theo ông David Smith, một giảng viên cấp cao về Chính trị và Chính sách Đối ngoại của Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ :

"Đây có thể là một chiến thuật của Pelosi để bảo đảm việc công bố tường trình Mueller".

Ông Smith giải thích :

"Bộ trưởng Tư Pháp có thể không công bố nó nếu thấy đảng Dân chủ sử dụng nó cho mục tiêu chính trị : luận tội Tổng thống. Bởi thế bà Pelosi mới gởi tín hiệu rằng đảng Dân chủ sẽ không luận tội, sẽ có nhiều khả năng bản tường trình được công bố".

Công bố toàn văn bản hay chỉ công bố một phần nhỏ tường trình Mueller thuộc toàn quyền Bộ trưởng Bộ Tư pháp, nên có thể bà Pelosi thực sự đang chơi trò chính trị.

Bà Pelosi muốn gì ?

Trong cuộc phỏng vấn, bà Pelosi cho biết ông Trump không xứng đáng làm Tổng thống, cả về đạo đức, trí tuệ, lại không khôn ngoan...

Bà không tin ông thắng cử, nhưng ông đã thắng cử và việc bà làm không phải là luận tội ông.

Việc bà cần làm là đưa ra những chính sách về y tế, giáo dục, môi trường, an sinh xã hội, đường sá cầu cống… để thuyết phục dân Mỹ bầu cho một Tổng thống khác thuộc đảng Dân chủ.

Trả lời bà Pelosy, trên Twitter, ông Trump cho biết : "Tôi đánh giá cao các bình luận của bà Nancy Pelosi chống lại chuyện luận tội, nhưng mọi người nên nhớ lại chi tiết nhỏ là tôi chưa bao giờ làm điều gì sai trái".

Lưỡng đảng hợp tác…

Xây tường biên giới Mỹ - Mễ là việc ông Trump cố thực hiện bấy lâu nay, nhưng không được lưỡng đảng đồng ý nên ông phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp.

Ngày 14/3/2019, có tới 13 dân biểu và 12 nghị sĩ đảng Cộng hòa không đồng tình với ông Trump, do đó Lưỡng Viện đã thông qua Nghị quyết đòi ông Trump phải chấm dứt tuyên bố tình trạng khẩn cấp.

Trên Twitter, Tổng thống Trump cho biết việc các thành viên Cộng hòa thông qua Nghị quyết là "bỏ phiếu cho bà Nancy Pelosi, cho tội phạm và cho mở cửa biên giới".

Và ông "cám ơn tất cả các thành viên Cộng hòa đã bầu cho An ninh Biên giới và nước Mỹ đang tuyệt vọng cần thiết một Bức Tường".

Ông loan báo sẽ dùng quyền phủ quyết "Veto !" để ngăn chặn Nghị quyết này.

Như vậy, lưỡng viện sẽ phải bỏ phiếu với đa số 2/3 tán thành mới có thể vượt qua quyền phủ quyết của Tổng thống.

Nếu lưỡng viện không đủ số phiếu thì phải mang ra Tối cao Pháp viện xét xử.

Chuyện xây tường biên giới sẽ tiếp tục là một đề tài tranh cãi và tranh cử.

Nhóm xã hội chủ nghĩa

Vai trò lãnh đạo đảng Dân chủ và Hạ viện của bà Nancy Pelosi cũng không suôn sẻ gì.

Kết quả khảo sát của hãng Gallup vào tháng 8/2018 cho thấy 51% số người trẻ ở Mỹ và 57% số người theo đảng Dân chủ thích chủ nghĩa xã hội.

Những người trẻ này đã bầu cho một số dân biểu xã hội chủ nghĩa vào Quốc hội trong lần bầu cử giữa kỳ 2018 vừa qua.

Nhóm xã hội chủ nghĩa chủ trương chăm sóc y tế miễn phí (universal healthcare), miễn phí đại học (tuition-free universities), bảo đảm công ăn việc làm (universal jobs guarantee), lương tối thiểu 15 Mỹ kim và đầu tư vào phát triển nhiên liệu xanh (green energy).

Các kế hoạch này đều rất tốn kém nên sẽ khó được ngay cả các dân biểu hay nghị sĩ trong đảng Dân chủ bỏ phiếu thông qua.

Nhiều kế hoạch trên đã được thực hiện tại Úc và Tây Âu nhưng vì quá tốn kém, người đi làm và doanh nhân phải chịu mức thuế rất cao nên dần dần bị hủy bỏ.

Nước Mỹ xã hội chủ nghĩa…

Phát biểu khai mạc Đại hội Hành động Chính trị Bảo thủ (CPAC) hôm 1/3/2019, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence nhấn mạnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 sẽ lựa chọn giữa "tự do và chủ nghĩa xã hội" :

"Tự do sẽ cho phép người dân sống cuộc sống theo cách họ thấy phù hợp, không phải do kiểm soát của chính phủ.

Tự do tạo ra hàng hóa nhiều hơn, tốt hơn bất cứ nơi nào và thời gian nào trong lịch sử thế giới.

Tự do thịnh vượng hơn, lợi ích hơn và nhân bản hơn bất kỳ mô hình xã hội hay kinh tế nào từng được áp dụng".

Ông Pence nhấn mạnh lựa chọn giữa chủ nghĩa xã hội và tự do sẽ là điều mấu chốt trong 20 tháng tranh cử sắp tới.

Hôm sau ngày 2/3/2019 cũng tại Đại hội CPAC 2019, Tổng thống Donald Trump khẳng định :

"Tương lai không thuộc về những người tin vào chủ nghĩa xã hội. Tương lai thuộc về những người tin vào tự do. Tôi đã nói điều này trước đây và tôi sẽ nhắc lại : Nước Mỹ sẽ không bao giờ là một nước xã hội chủ nghĩa".

Ông Trump cho biết :

"Những nhà lập pháp đảng Dân chủ bây giờ đang bám cứng vào chủ nghĩa xã hội, họ muốn thay thế quyền cá nhân bằng sự thống trị của chính phủ. Chủ nghĩa xã hội không phải vì môi trường. Nó không phải vì công bằng. Nó không phải vì đạo đức. Chủ nghĩa xã hội chỉ vì một điều duy nhất được gọi là quyền lực cho tầng lớp thống trị".

Đấy có thể là nỗi lo lắng nhất của bà Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi.

Làm sao thuyết phục dân Mỹ chọn cho một Tổng thống thuộc phe xã hội chủ nghĩa khi chỉ 20% dân Mỹ thích Chủ nghĩa Xã hội ?

Biết đâu Hạ viện lại quay về với đảng Cộng hòa, bà lại một lần nữa trở thành lãnh tụ đối lập.

Melbourne, Úc Đại Lợi, 15/03/2019

Nguyễn Quang Duy

Published in Diễn đàn