Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

jeudi, 01 octobre 2020 20:52

Truyện thuyết thời số hóa

Tất cả các cuộc cách mạng công nghệ đều gây ra thay đổi lớn trật tự xã hội loài người. Những mô hình và nguyên lý trọng yếu của tổ chức chính trị các quốc gia được hình thành, đào thải, duy trì và phát triển như thể chế cộng hoà, đại nghị, quân chủ và chuyên chế đều phải trả giá đắt bằng chiến tranh qua hàng thế kỉ. Trong khi nhân loại đang đấu tranh cho quyền con người và dân chủ, có lẽ chúng ta cần cảnh giác bởi cuộc cách mạng công nghệ thông tin với Internet vạn vật (IoT, Internet of things), nó có thể làm rung chuyển các cấu trúc cơ bản của xã hội loài người. Thế giới cần tư duy mới về nguyên lý tổ chức xã hội trong thời đại này để nuôi dưỡng và giữ gìn dân chủ.

vohinh01

Adam Smith cha đẻ của thuyết "bàn tay vô hình" và kinh tế thị trường.

Viễn kiến của Adam

Một cách ước định, trước khi chủ nghĩa tư bản phôi thai vào đầu thế kỉ 16, các đế chế trong lịch sử luôn khẳng định lãnh thổ, quyền lực và quyền lợi bởi chiến tranh. Chủ nghĩa đế quốc là một mô thức phù hợp thời điểm đó, khi nó tập trung quyền lực bởi sức mạnh vũ trang, nhưng đồng thời cũng truyền bá văn minh đến thuộc địa. Bắt đầu từ những đế quốc ở Châu Âu, có thể kể đến đế chế Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Anh, Pháp với sự bành trướng từ Châu Á tới Mỹ Latinh.

Nhà kinh tế học người Scotland, Adam Smith viết cuốn Sự thịnh vượng của các quốc gia (The Wealth of Nations) năm 1776, một tuyên ngôn về kinh tế hiện đại. Tuyên ngôn ấy không chỉ nổi tiếng ở triết lý "bàn tay vô hình" mà nó đặt ra và thực tế đã mở ra một thời kỳ kinh tế mới là chủ nghĩa tư bản với niềm tin : Khi có lợi nhuận, lợi nhuận sẽ được tái đầu tư để sinh ra tiếp lợi nhuận. Kết quả tích cực của triết lý ấy là niềm tin về sự giàu có tập thể. Người giàu sẽ kéo theo người khác khá lên thông qua đầu tư và thương mại. Chiếc bánh sẽ được nhiều người ăn, đầu tư để nở ra, thay vì ăn một mình. Đó không chỉ là viễn kiến về chiến lược win-win chúng ta đều thuộc khi đặt vấn đề hợp tác thời nay mà đó còn là một khái niệm đạo đức trong tổ chức xã hội thông qua kinh tế.

Thực tế thì thế giới đã được thừa hưởng nhiều từ viễn kiến ấy và chủ nghĩa đế quốc bắt đầu thích nghi vì giới tài phiệt dần tin vào tầm nhìn thế kỉ đó : Đầu tư, thay vì chỉ hưởng thụ và giữ của. Thế giới loài người được tổ chức không chỉ bởi các thoả ước hay luật lệ mà còn từ sự tưởng tượng về một trật tự tốt đẹp cho các bên mà ở nơi đó, quyền lợi kinh tế phải được đảm bảo theo cách hài hoà nhất tương ứng với nhận thức. Bản chất của các cuộc chiến là để lấy lại công bằng, mà ta có thể diễn giải rằng là xung đột ý thức hệ. Nhưng ý thức hệ đến từ đâu, nếu không phải từ thực tế thông tin và tương tác con người với nhau trong cuộc sống, giữa các chính thể trong đời thực. Một cuộc chiến tranh từ xung đột tôn giáo không chỉ đến từ niềm tin mà còn là thông tin.

Nhưng sẽ như người mù lòa tìm lối, nếu chỉ nói tới viễn kiến đó mà bỏ qua công nghệ. Điều gì tạo ra sự chấp nhận dễ chịu với ý niệm của Adam Smith : Trí tưởng tượng, lòng trắc ẩn, niềm tin, tiềm lực, lòng tham ? Tất cả đều đúng, nhưng chưa đủ. Công nghệ tạo ra cái bánh to hơn và nguồn lực tư bản được nhân lên, lại được tái đầu tư vào công nghệ. Một vòng xoáy dễ chịu không ai muốn thoát ra, ít nhất với những người đang hưởng lợi. Cuộc cách mạng công nghiệp lần I mang tới lời giải cho chủ nghĩa tư bản trong việc nâng cấp tổ chức xã hội thông qua sự tiến bộ của tư liệu sản xuất. Gọi là tín ngưỡng tư bản cũng không quá. Không có tín ngưỡng này, Rút-sô (Rousseau) sẽ không có cảm hứng mà lãng mạn đấu tranh, Marx lẫn Lenin cũng không có đất diễn và cũng không có hậu duệ như Stalin và Mao Trạch Đông. Fidel Castro cũng không tại vị lâu đến thế. Đấy là người đi ngược với hình thái tư bản sẵn có tạo ra sự đối lập về tư duy giai cấp. Sự đối lập đó tạo ra mô hình tổ chức nhà nước theo chuyên chính vô sản, cơ sở của độc tài chuyên chế đương đại, khi sự bất công về phân chia lợi tức xảy ra trong thế giới tư bản thuở hồng hoang.

vohinh02

Cuộc tranh luận giữa Trump và Biden hôm 29/9/2020 đã biến thành cuộc cãi lộn…

Khi Trump và Biden tranh luận với nhau trước kỳ bầu cử Mỹ, ngày 29/9/2020, người ta thấy đó là cuộc cãi nhau để livestream hơn là tranh luận về một dự án chính trị cho người Mỹ. Chỉ ở thời mà tất cả mọi thông tin đến và đi trong một cái nháy mắt và vạn vật kết nối qua Internet thì cảm xúc con người dễ trỗi dậy hành xử thay cho lí trí. Cuộc cãi nhau giữa hai đại diện của Đảng Cộng fòa và Dân chủ không cần một dự án cụ thể nào, Trump chỉ cãi lấy được !

Điều tưởng chừng như hài hước đó đang tồn tại, đơn giản là vì chúng ta không có thời gian kiểm soát thông tin và cân nhắc mọi việc trước các quyết định khi sống trong thời Internet vạn vật. Chúng ta dễ dãi với những vấn đề trọng đại. Dân túy là gì nếu đó không phải là sự chiều chuộng cảm xúc tức thời của cử tri từ các chính trị gia. Chủ nghĩa tự do phóng khoáng là gì nếu nó không chỉ là làm kinh tế mà ẩn sâu trong đó là sự đáp ứng về thứ hấp dẫn và dễ ham muốn nhất của con người : tự do kiếm tiền và đặt nó trên mọi khía cạnh nhân sinh quan khác. Dân túy và tự do phóng khoáng có điểm chung : Internet vạn vật mà mạng xã hội như Facebook, Twitter là các đại diện.

Tốc độ thông tin và thể chế chính trị

Lịch sử nhân loại chứng kiến nhiều hình thức tổ chức xã hội và nhiều hình thức chủ nghĩa. Mọi thứ đến và đi. Nhưng không gì hoàn toàn biến mất. Tiến sĩ Tymothy Pytell, Đại học California State University, nhận định rằng Trump như một dạng chủ nghĩa phát xít đang trở lại. Nhưng Trump không tồn tại vô cớ. Trump, hay các lãnh đạo dân tuý, xuất hiện và tồn tại không ít trong các chính phủ các quốc gia là vì thế giới đang đứng trước việc khủng hoảng thông tin.

Thông tin và mạng xã hội thay thế được Marx và Lenin, hai người đến từ thời đại hơi nước. Khổng giáo, Phật giáo, Platon, Aristoteles, Kito giáo thì còn xuất hiện sớm hơn khi con người chưa có cả động cơ hơi nước. Chúng ta hiện nay đang sống trong thời đại internet vạn vật và nó như là một thứ tín ngưỡng mới. Internet vạn vật khiến mọi chủ nghĩa đều bị xét lại. Donald Trump là dân tuý, là sô vanh, nhưng ông ta làm thế nào mà truyền tải ý niệm nhanh vậy : Nhờ Internet vạn vật và mạng xã hội.

Vì đâu vòng xoáy dân túy mang tên "Donald Trump" vẫn cứ tiếp tục. Câu trả lời nằm ở cuộc cách mạng về thông tin. Tất cả các cuộc cách mạng công nghệ đều gây ra thay đổi lớn trật tự xã hội loài người. Tất nhiên là không chỉ có mỗi cách mạng công nghệ thông tin vì còn nhiều công nghệ khác như năng lượng, sinh học, vũ trụ…được phát triển phụ thuộc vào niềm tin và cảm hứng của con người. Cuộc cách mạng công nghệ thông tin diễn ra từ NASA với internet những năm 1960 lan ra thế giới với tốc độ siêu thanh và tiếp đến là Internet vạn vật đầu thế kỉ 21. Vạn vật được kết nối. Nhưng vào lúc vạn vật được liên kết, con người lại rời xa nhau, các quốc gia lại tách nhau ra và thêm Covid-19, đại họa toàn cầu, khiến khoảng cách đó càng trầm trọng. Thế giới đang cần một truyện thuyết mới để liên kết với nhau.

Trump viết trên twitter mỗi chữ China thì sau chưa đến một giờ đã có đến hơn 90 nghìn lượt like và 23 nghìn bình luận ! Điều gì đang xảy ra. Trump cũng chưa cần làm gì nhiều. Jesus hay Thích ca không hiện ra đầu tiên với người xem, đơn giản là họ chậm hơn mạng 4G. Những dữ liệu gần nhất, liên tục trong não con người hiện ra một cách tinh vi để ta phán xét sự việc, ủng hộ hay phản đối. Dĩ nhiên, bộ máy của các chính trị gia dân túy nhận ra Internet vạn vật là một mảnh đất màu mỡ. Họ đã và đang chiếm lấy.

vohinh03

Các chính trị gia dân túy nhận ra Internet vạn vật là một mảnh đất màu mỡ. Họ đã và đang chiếm lấy.

Các chính trị gia dân túy không phản đối rằng có tồn tại một giới gọi là lý thuyết gia hay các nhà tư tưởng, là những người trình bày vấn đề một cách sâu sắc nhưng kết thúc vấn đề vĩ mô bằng những giải pháp khó hiểu hoặc nhức nhối tuy nhiên họ cho rằng chính họ mới là đại diện và có giải pháp thích hợp mà cử tri cần. Họ mới là lựa chọn cần thiết cho các cử tri. Rốt cuộc họ chỉ nói chứ không thể làm gì tốt hơn và họ cũng không quên chia rẽ thật sâu sắc những người chống và ủng hộ mình để tiếp tục tồn tại. Phân biệt sắc tộc không chỉ là vấn đề của Mỹ.

Loài người gây ra hai cuộc thế chiến và sau đó là chiến tranh lạnh để giải mã ý tưởng về quyền lợi được phân phối và tìm kiếm mô hình liên minh để đảm bảo công bằng. Chủ nghĩa nhân văn, sô vanh, phát xít, cộng sản, tư bản tất cả là trí tưởng tượng về sự công bằng toàn diện của con người. Có người dân nào trong các thể chế dân chủ, hoặc ngay cả chuyên chế lại không chờ đợi sự công bằng theo nhận thức của họ đâu.

Sau hai cuộc thế chiến đó, Mỹ đã bắt tay với Nhật và Châu Âu. Không chỉ vì lòng trắc ẩn, mà vì chiến tranh không có lợi bằng thương mại và hợp tác. Sự giao thoa và tài trợ sẽ là công cuộc đầu tư vĩ đại để có tài chính, có cả tiếng lẫn quyền. Nếu có Internet vạn vật đầu thế kỉ 20 biết đâu sẽ có tác chiến quy mô lớn vì các bất đồng sẽ được thoả thuận trực diện bằng xúc cảm và quan trọng hơn, chiến tranh ít có lợi. Internet vạn vật cũng dạy người ta khôn nhanh hơn.

Cuộc cách mạng công nghệ thông tin đòi hỏi một viễn kiến mới trong tổ chức chính trị. Khái niệm mà Adam Smith đưa ra hơn hai thế kỉ trước không đủ để tiếp tục kiến tạo hình thái tổ chức xã hội và chính trị nữa. Thông tin len lỏi đến những ngách sâu nhất của tâm hồn con người hơn cả những gì mà các tôn giáo có thể, nhanh hơn những gì mà tiềm thức con người kịp phản ứng và duy trì ở mức thường xuyên, nhanh hơn hẳn các tín điều mọi giáo phái mang tới. Nó tạo ra một tôn giáo mới : "Thông tin giáo". Dân túy được hỗ trợ mạnh mẽ ở thời kì "thông tin giáo".

Chủ nghĩa dân túy chưa dừng lại và sẽ hủy hoại nền các nền cộng hòa, dù là đại nghị hay tổng thống chế hay bán tổng thống. Nó hủy hoại dân chủ từ trong tiềm thức. Nghe thì thật ngược đời, nhưng hệ thống dân chủ được thiết kế chậm rãi, ưu tư và luôn cân nhắc quyền con người trong khi Internet vạn vật nhanh đến mức định nghĩa lại quyền con người. Đó là những định nghĩa chiều chuộng cảm xúc, vốn nhanh và ít tư duy. Những chính trị gia dân túy như Donald Trump biết cách làm thế nào để trục lợi từ Internet vạn vật. Bạn có kiểm chứng được điều Trump nói không ? Không dễ. Trump nói dối thì lời nói dối đó đến và đi nhanh tới mức bạn không kịp lắng lại mà nhận định.

vohinh04

Chủ nghĩa dân túy chưa dừng lại và sẽ hủy hoại nền các nền cộng hòa, dù là đại nghị hay tổng thống chế hay bán tổng thống.

Còn các chế độ chuyên chế thì hẳn nhiên là cho tự do thông tin nhưng "có kiểm soát" trên mạng xã hội. Việc hưởng lợi từ việc mạng xã hội không giúp nâng cao dân trí để đe dọa sự tồn vong của thể chế vì họ có cách để biến mạng ảo thành nồi lẩu tư duy thật.

Trong mỗi con người văn minh, để có tự do phát triển phải học kỉ luật trước. Trong nhà nước dân chủ, đạo đức là điều bắt buộc để duy trì và tồn tại. Đạo đức đến từ giáo dục. Giáo dục đến từ niềm tin về tính chân thiện mỹ phổ quát của con người. Mất đi đạo đức, nền cộng hòa sẽ bị hủy hoại, và thể chế quân chủ sẽ lên ngôi. Biden khó làm được nhiều để xây dựng lại nền cộng hòa khi sự chia rẽ sắc tộc ở Mỹ đang diễn ra trầm trọng và kéo theo là sự xuống cấp về văn minh của người dân Mỹ khi những người bầu ông hay chống ông còn không phân biệt nổi thực hư với tốc độ thông tin đa chiều.

Daniel Kahneman nghiên cứu rằng tư duy con người phân loại ra hai hệ thống nhanh và chậm. Nhờ phát hiện này, ông có giải Nobel kinh tế 2002. Tư duy nhanh, theo cảm tính và bản năng là một hệ thống. Phần còn lại là sự chậm rãi, cân nhắc và logic. Tư duy chính trị thuộc phần còn lại này. Tư duy công nghệ lại là cảm xúc và nhanh. Dân chủ được hiểu bằng những quyền cơ bản về quyền con người, quyền liên kết, bầu cử, ứng cử. Internet vạn vật không vi phạm gì các quyền đó. Mạng xã hội cũng vậy. Nó thậm chí tăng đa chiều tư duy cho cử tri. Nhưng nó rất dễ hủy hoại nhận thức. Một lần nữa, phải nhắc lại điều mà chúng ta dễ mất cảnh giác : Dân chủ là một hệ thống chậm, kĩ lưỡng và cân nhắc. Dân chủ cần chậm, dân túy thì nhanh. Internet vạn vật thì nhanh, Facebook, Twitter thì nhanh. Trump, Bolsonaro… cũng nhanh. Còn thực tế để xây dựng nên sự hài hòa của hợp tác toàn cầu thì cần chậm vì phải cân nhắc và thảo luận rất nhiều thứ. Xây dựng bao giờ cũng lâu hơn đập phá.

vohinh5

Quốc gia của những lãnh tụ dân túy có số tử vong Covid-19 cao nhất thế giới.

Dù rằng, nhận thức của những người bầu Trump không hẳn là tệ. Họ bầu Trump, hay Le Pen để bảo vệ chính quyền lợi của họ trước các vấn đề di dân, hay khủng hoảng sắc tộc. Brexit là một diễn biến tương tự. Nhưng vấn đề có giản đơn đến thế không và những người được bầu đã làm được gì ? Chính trị là gì, nếu đó không phải là một nỗ lực đạo đức và tri kiến để giải quyết hài hoà đối nội và đối ngoại của mỗi quốc gia.

Tương lai được định hình bởi một nhóm thiểu số các nhà phát minh, các nhà tư tưởng hướng tới con người thay vì số đông quần chúng ưa hoài niệm hoặc tăng động. Một lần nữa, những thành quả vĩ đại của loài người, không đến nhanh như từ một cú tweet của Trump.

Truyện thuyết thời số hóa

Sẽ thiếu thực tế và bị quy chụp như những người ủng hộ Trump chê rằng chỉ Trump mới thực tế và trực diện trong chính trị còn các lí thuyết gia khác chỉ biết lý thuyết nếu ta bỏ qua kinh tế và suy nghĩ về một viễn kiến mới. Chiến tranh quy mô lớn Mỹ-Trung rất khó xảy ra. Một mạng lưới thương mại không biên giới khiến việc nổ súng xảy ra thì ai cũng thiệt hại. Chiến tranh không có lợi như thời tư bản mới khai sinh trừ việc Trung Quốc quyết tâm với chính sách "Một Trung Quốc" ngay lúc này giữa lúc Covid-19 chưa có lời giải toàn cầu. Đó có thể là cuộc chiến nhỏ với Đài Loan nhưng không phải ở cấp độ khu vực. Vũ khí hạt nhân xét cho cùng lại thúc đẩy hòa bình.

vohinh06

Thế giới cần một truyện thuyết mới. Một truyện thuyết chữa lành, hàn gắn con người, nâng cao cả kinh tế và nâng cấp tinh thần con người.

Mạng lưới thương mại ấy vẫn phát triển và tăng trưởng, các quốc gia không còn độc lập tuyệt đối. Chủ nghĩa tư bản tiến hóa và hài hoà với quyền lợi con người, các giai cấp không chỉ vì giới chính trị và doanh nhân trở nên đạo đức và đồng cảm hơn mà sự hoà hợp với nhau là thứ có lợi tức nhất. Khi Internet vạn vật ập tới và mạng xã hội hiện diện thì chủ nghĩa dân túy nảy nở. Tôn giáo bị xét lại, quyền lợi bị xét lại. Di dân và sắc tộc trở nên vấn đề trầm trọng. Internet vạn vật mang lại thông tin về nơi đâu có các nguồn lực làm kinh tế tốt nhất trên toàn cầu nhưng các tỉ phú và chính trị gia mải mê với điều đó mà quên đi rằng thông tin toàn cầu, hợp tác toàn cầu thì di dân cũng toàn cầu, vấn đề con người và nhân đạo cũng toàn cầu. Thông tin mang lại cơ hội đầu tư nhanh thì vấn đề mà mặt trái của nó gây ra ập đến cũng nhanh. Người ta hay quên đi mặt còn lại của thông tin.

Internet vạn vật hay mạng xã hội không có lỗi, Internet vạn vật không giết chết dân chủ, nó sẽ hình thành một hình thức tổ chức chính trị mới của thế giới. Ngành công nghệ thông tin định nghĩa dữ liệu là sự phản ánh sự việc thô, còn thông tin thì đã được xử lý. Ai làm chủ thông tin sẽ chi phối hành vi của con người. Còn ai ngoài chủ nghĩa dân túy hưởng lợi hơn nếu đang thao túng thông tin.

Thế giới cần một truyện thuyết mới. Phải nhắc lại rằng, không một hiệp ước hay bộ luật nào có thể liên kết và duy trì trật tự sinh tồn và hợp tác của con người được trừ khi loài người tin vào những truyện thuyết cao đẹp trong tương lai. Một truyện thuyết chữa lành, hàn gắn con người, nâng cao cả kinh tế và nâng cấp tinh thần con người là điều cần được suy ngẫm. Toàn cầu hóa về văn hóa và kinh tế sẽ chỉ diễn ra ở mức độ tương đối chừng nào các tôn giáo vẫn duy trì sự khác nhau về niềm tin và mức độ bao dung.

Thế giới có thể sẽ tiến dần đến hình thức tổ chức đế quốc toàn cầu, nơi mà giới tinh hoa nhân loại sẽ tối ưu hóa những vấn đề chung thông qua các liên minh. Nhưng ngay tại giây phút này, chúng ta cần một sự lắng đọng. Trước khi đế quốc toàn cầu hình thành thì đế quốc thông tin toàn cầu đã thành hình. Một hệ sinh thái ảo mà các cường quốc không thể không dành thời gian chăm sóc nó, vun vén và tạo dựng một thế giới dân chủ cùng nhau. Chúng ta cùng đồng thuận rằng Quyền con người bao gồm những giá trị nhân văn tốt đẹp được đúc kết và thừa nhận như vị tha và cầu tiến là những điều cần được khuyến khích.

Thế giới không chỉ đứng trước một cuộc khủng hoảng về khái niệm quốc gia. Thế giới còn đứng trước một cuộc khủng hoảng niềm tin liên kết toàn cầu. Các thể chế dân chủ đang bộc lộ nhiều nhược điểm. Quốc gia phải được người dân cảm nhận như một tình cảm, một không gian liên đới và một dự án tương lai chung mới có thể được chấp nhận (như định nghĩa của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên) và thế giới cũng cần như vậy. Thế giới dân chủ cần được làm mới ở thời đại số với các bộ luật theo nguyên lí điều tiết và bảo vệ chính trị trên nền công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI) hay Internet vạn vật. Bằng không, những dân túy gia như Donald Trump sẽ không biến đi và tiếp tục tiến hoá. Dân chủ đứng trước rủi ro và chuyên chế sẽ đắc lợi dù trá hình dân chủ.

Quốc Bảo

(01/10/2020)

Published in Quan điểm
lundi, 17 septembre 2018 20:39

Điểm báo Pháp - Chủ nghĩa dân túy

Chủ nghĩa dân túy : Hệ quả từ cú sốc tài chính 2008

Trang nhất báo Le Monde (17/09/2018) có hàng tít đáng chú ý. "Cuộc khủng hoảng 2008 đã nuôi dưỡng chủ nghĩa dân túy Châu Âu". Các chính sách thắt lưng buộc bụng sau cú sốc tài chính, tình trạng không bị trừng phạt và thói tham lam của giới tài chính đã làm dấy lên mối oán giận nhắm vào tầng lớp lãnh đạo, những người hưởng lợi nhiều nhất từ hiện tượng toàn cầu hóa, đủ để nuôi dưỡng làn sóng chống hệ thống tại Châu Âu cũng như tại Mỹ.

dantuy0

Thủ tướng Hungary Viktor Orbán (trái) và bộ trưởng Nội Vụ Ý, Matteo Salvini, những lãnh đạo có tư tưởng chủ nghĩa dân túy mạnh nhất trong Liên Hiệp Châu Âu hiện nay. Ảnh chụp ngày 28/08/2018 tại Milano, Ý. Reuters/Massimo Pinca

Trên phụ san kinh tế, Le Monde khẳng định chủ nghĩa dân túy chính là sự "kế thừa từ cú sốc tài chính 2008". Mười năm sau sự sụp đổ của ngân hàng Mỹ Lehman Brother và khởi đầu cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, các đảng chính trị chống hệ thống, những làn sóng dân túy chủ nghĩa đã tràn ngập Châu Âu và lên như diều gặp gió.

Nhật báo điểm lại một số sự kiện : Thắng lợi của phe Brexit tại Anh Quốc, tỷ phú địa ốc Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ, rồi bộ đôi Matteo Salvini – Luigi Di Maio lên cầm quyền tại Ý, cũng như là sự trỗi dậy mạnh mẽ của các phong trào cực hữu tại Đức và Pháp…

Trong khuôn khổ cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu hiện nay, sự đối đầu giữa tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Hungary Viktor Orban chẳng khác gì như là một cuộc chiến giữa hai thế giới đang tồn tại song song trong lòng Liên Hiệp, giữa một bên là Châu Âu theo xu hướng tự do và bên kia là một Châu Âu dân tộc chủ nghĩa, bài di dân. Do vậy, với nhà nghiên cứu chính trị người Bulgari, Ivan Krastev, cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu lần này chính là "một phép thử cho Châu Lục Già".

Trong lúc chờ một cuộc khủng hoảng sắp tới

Xã luận của Le Monde không chút nhẹ nhàng, thẳng thắn chỉ trích thói tham lam của một nhóm ít nhà tài chính, thái độ thờ ơ của một nhóm chính trị gia đã đẩy hàng triệu con người rơi vào cảnh bần hàn. Mười năm đã trôi qua, cuộc khủng hoảng đã chấm dứt, tăng trưởng đã hồi sinh, nhưng giới ngân hàng không những không bị trừng phạt, mà giờ còn mạnh hơn bao giờ hết. Người giàu thì càng giàu hơn.

Thế nhưng, theo Le Monde đó chưa phải là điều chính yếu. Sau một thập niên bị thắt lưng buộc bụng, những người bị ảnh hưởng nhiều nhất từ cuộc khủng hoảng đã xoay lưng lại với giới lãnh đạo và lao vào vòng tay của những ai hứa hẹn làm đảo lộn trật tự được thiết lập.

Năm 2008 đã gieo rắc mối nghi ngờ về khả năng siêu việt của các nền dân chủ theo xu hướng tự do, hiệu quả của việc mở cửa biên giới và thực tâm giảm bất bình đẳng. Chính sự hụt hẫng đã nuôi dưỡng những đòi hỏi về bản sắc, xu hướng phản đối chủ nghĩa tự do đang dần chiếm lĩnh địa bàn, đẩy lùi sự toàn cầu hóa. Niềm tin vào hệ thống vì thế đã tan vỡ.

Câu hỏi đặt ra : Liệu các quy định mới nghiêm ngặt hơn được đưa ra có sẽ cho phép giảm nhẹ được cú sốc của một cuộc khủng hoảng mới hay không ? Câu trả lời dường như là "Không". Bởi vì hơn bao giờ hết, khối nợ hiện nay còn cao hơn cách đây 10 năm, thị trường tài chính ngầm không thể kiểm soát được và đang dần len lỏi vào các định chế tài chính chính thống, hiện tượng bong bóng đầu cơ vẫn đang hình thành.

Đáng lo ngại nhất là các giải pháp đề ra năm 2008 có nguy cơ không thể vận hành được cho cuộc khủng hoảng sắp tới. Công cụ tiền tệ không đủ thời gian để tái khởi động. Lãi suất quá thấp để mà các ngân hàng trung ương có thể dùng cho việc điều chỉnh tín dụng để tái thúc đẩy kinh tế.

Công cụ chính trị cũng có những điểm bất cập. Cách đây 10 năm, sự điều phối quốc tế đã cho phép tránh được những sai lầm của năm 1929, bắt đầu bằng chính sách bảo hộ mậu dịch. Còn hiện nay thì cuộc chiến thương mại đe dọa, chủ nghĩa đa phương bị tan rã.

Cuối cùng bài viết kết luận : Thiếu sự can đảm tái thiết hệ thống, nền kinh tế thế giới có nguy cơ lại rơi vào tình trạng cạn kiệt, vào lúc mà sắp có thêm một vụ "Lehman Brothers" mới.

Mỹ - Trung tiếp tục leo thang chiến tranh thương mại ?

Chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có nguy cơ tiếp tục leo thang. Bởi vì theo Les Echos, "Donald Trump đang hoàn tất một chuỗi thuế quan mới nhắm vào Trung Quốc".

Nhật báo kinh tế Pháp trích dẫn nguồn tin từ tờ báo Mỹ Wall Street Journal, cho hay chính quyền Washington dự kiến đánh thuế thêm 200 tỷ đô la nhắm vào hàng nhập khẩu Trung Quốc. Tuy nhiên, mức thuế mới chỉ tăng có 10%, thay vì là 25% như dự kiến.

Nếu thông tin này được xác nhận, quyết định này có thể gây trở ngại cho các cuộc đàm phán, vào lúc mà Bắc Kinh dự tính gởi phó thủ tướng Lưu Hạc (Liu He) đến thương lượng với bộ trưởng Tài Chính Steve Mnuchin tại Washington. Bên cạnh đó, người tiêu dùng Mỹ cũng sẽ bị tác động. Một số mặt hàng nhập khẩu như đồ điện tử, hải sản hay xe đạp sẽ bị tăng giá.

Vẫn theo Les Echos, dường như tổng thống Mỹ chưa có ý định dừng ở đây. Ngoài mức thuế vừa nêu trên, ông Donald Trump còn dự tính đánh thuế vào 275 tỷ đô la hàng hóa nhập khẩu còn lại. Điều này tương đương với toàn bộ số hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ hàng năm.

Trung Quốc : Tự do tín ngưỡng bị siết chặt

Nhìn sang Trung Quốc, báo Le Figaro quan tâm đến vấn đề tự do tín ngưỡng tại nước này với câu hỏi lớn "Lệnh cấm tự do tôn giáo tại Trung Quốc sẽ còn đi đến đâu ?"

Theo nội dung lệnh cấm sắp được áp dụng, các tín đồ không được phép phát tán các hình ảnh hay video lễ rửa tội, lễ cầu nguyện, hay các buổi lễ Phật giáo trên các mạng xã hội. Đảng cộng sản Trung Quốc không ngừng siết chặt gọng kềm nhắm vào các tôn giáo kể từ khi ông Tập Cận Bình lên cầm quyền hồi cuối năm 2012.

Lãnh đạo Trung Quốc, vị lãnh đạo quyền lực nhất kể từ thời Mao Trạch Đông, nghi kị tất cả các tổ chức có thể phản đối uy quyền chế độ, nhất là những tổ chức nào có liên hệ với nước ngoài. Áp lực không ngừng gia tăng nhắm vào Giáo hội Công giáo, không được đảng công nhận, khiến nhiều giáo hội và nhà thờ phải bị giải thể hay phá hủy.

Còn tại Tân Cương, rất đông người Hồi giáo bị gởi đến các trại cải tạo "khủng khiếp", theo như cáo buộc của nhiều báo cáo.

Tây Ban Nha : Cuộc chiến bằng cấp giả làm chao đảo chính trường

Trở lại với thời sự Châu Âu, Le Figaro có bài viết khá kỳ lạ cho biết "tại Madrid, nóng bỏng cuộc chiến bằng cấp giả". Chính trường Tây Ban Nha trở nên sôi bỏng vì những cáo buộc sao chép hay gian lận trong việc viết luận án tiến sĩ.

Đầu tiên hết, Le Figaro nhắc lại thứ Ba 11/9, bà bộ trưởng y tế phải từ chức vì bị nghi ngờ có bằng thạc sĩ, nhưng không hoàn tất chương trình học cần thiết. Cuối tuần, lãnh đạo chính phủ Tây Ban Nha, ông Pedro Sanchez, phải công bố trên mạng Internet bài luận án tiến sĩ kinh tế nhằm dập tắt các cáo buộc sao chép.

Trước đó, lãnh đạo đảng đối lập, đảng Nhân dân (thuộc cánh hữu), ông Pablo Casado, bị tố cáo có bằng thạc sĩ trong những điều kiện quá thuận lợi. Bằng cấp của ông do Viện Luật công, trường đại học Rey Juan Carlos đóng dấu. Đây cũng chính là cơ sở đã cấp bằng thạc sĩ cho bà bộ trưởng đảng Xã hội vừa từ chức, và trước đó là chủ tịch đảng PP vùng Madrid.

Trở lại với luận văn tiến sĩ của ông Pedro Sanchez, truyền thông Tây Ban Nha sau khi đã lọc qua luận án bằng một phần mềm khẳng định 13% nội dung luận án đã được đăng trong nhiều bài viết trước đó. Các kênh truyền thông theo phe hữu phê phán luận án của lãnh đạo chính phủ là "trung bình", được bảo vệ trước một hội đồng "tầm thường" tại một trường đại học tư "xoàng xĩnh".

Cáo buộc khác đang ngầm lan truyền tại Tây Ban Nha là ông Sanchez viết luận án tiến sĩ trong vòng có một năm, rằng ông không phải là tác giả thật sự. Trên mạng xã hội Twitter, nhiều người đặt câu hỏi : "Ai là người đã viết cho ông luận án này ?".

Câu hỏi đặt ra : Vì sao người dân Tây Ban Nha bỗng nhiên chĩa mũi dùi vào một mình ông Sanchez ? Ông Pablo Simon, chuyên gia chính trị học giải thích : "ông Sanchez lên cầm quyền nhờ vào cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm chống lại ông Rajoy, bị cáo buộc tham nhũng. Do đó, mức độ đòi hỏi của người dân đối với ông Sanchez là cao hơn. Hơn nữa, họ yêu cầu các lãnh đạo Tây Ban Nha vừa phải xuất chúng và vừa phải gần gũi với dân. Do vậy, các vị lãnh đạo đó đáp ứng những đòi hỏi này bằng việc hợp thức hóa kỹ nghệ cầm quyền : Họ có bằng cấp để bảo vệ quyền giữ vị trí của mình"…

Trang nhất các báo Pháp

Tình hình chính trị, kinh tế và xã hội nước Pháp là chủ đề chính trên trang nhất nhiều nhật báo lớn Paris số ra ngày 17/09/2018. Les Echos thông báo "Một lãnh đạo mới để cứu vãn Air France – KLM". Ông Benjamin Smith, người Canada, hôm nay chính thức trở thành lãnh đạo hãng hàng không lớn nhất của Pháp. Nhật báo kinh tế hy vọng sự xuất hiện của ông chấm dứt giai đoạn bất định tại Air France, kéo dài từ nhiều tháng qua bằng các cuộc đình công. Ông Benjamin Smith không chỉ là lãnh đạo trẻ nhất của hãng hàng không này, mà còn là người được cho là có nhiều kinh nghiệm. Ông là người duy nhất có một sự nghiệp liên tục trong ngành hàng không.

Trong lĩnh vực xã hội, Le Figaro ghi nhận "Bị sụt giảm tín nhiệm trong công luận, Macron tìm kiếm một chiến lược". 60% số người dân Pháp được hỏi cho biết không hài lòng về kết quả điều hành đất nước của tổng thống Pháp trong vòng 16 tháng qua. Đây là kết quả một cuộc thăm dò do viện thống kê Kantar Sofre-Onepoint thực hiện cho đài phát thanh RTL, báo Le Figaro và kênh truyền hình LCI.

Cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu là mối ưu tư của Libération. Trên nền ảnh tổng thống Macron nét mặt đăm chiêu, nhật báo thiên tả đặt câu hỏi lớn "Tại sao cánh hữu vẫn kháng cự được". Ông Macron đã làm nổ tung đảng Xã Hội trong kỳ bầu cử tổng thống, nhưng tổng thống Pháp buộc phải liên kết với cánh hữu trong kỳ bầu cử Châu Âu vào mùa xuân tới đây. Chỉ có điều, theo ghi nhận của Libération, nguyên thủ Pháp đang gặp khó khăn trong việc thành lập danh sách ứng cử viên.

Về thời sự quốc tế, La Croix lưu ý "Bán vũ khí, thế lưỡng nan". Đối mặt với thảm kịch từ cuộc chiến ở Yemen, việc bán vũ khí cho các nước có tham gia vào cuộc xung đột ngày càng làm dấy lên nhiều cuộc tranh luận tại Châu Âu.

Minh Anh

Published in Quốc tế

Các chính quyền dân túy chỉ có thể thất bại vì lý do hiển nhiên là không thể có những giải pháp đơn giản cho những vấn đề phức tạp... 

Chủ nghĩa dân túy đang là một vết thương lớn của thế giới. Rất đáng lo ngại, bởi vì đặc tính chung của các lực lượng dân túy là chúng bất chấp các giá trị đạo đức, bất chấp nhân quyền và bất chấp thế giới, những lý do dẫn đến xung đột, bế tắc và chiến tranh.

Đặc tính chung của các lực lượng dân túy là chúng bất chấp các giá trị đạo đức, bất chấp nhân quyền và bất chấp thế giới

Chỉ trong vòng một năm rưỡi Donald Trump đã làm được một thành tích mà phong trào cộng sản không làm nổi trong hơn 70 năm tồn tại của nó: khiến nước Mỹ bị cô lập và thù ghét, thậm chí bị khinh bỉ, như chưa bao giờ thấy.

Tai họa Donald Trump

Sau quyết định nhìn nhận Jerusalem là thủ đô của Do Thái, một quyết định chứng tỏ một sự thiếu hiểu biết lớn cả về lịch sử thế giới lẫn bối cảnh chính trị Trung Đông và bị cả thế giới lên án, Trump đã lấy một quyết định khiêu khích khác là chọn ngày 14/05/2018 để chính thức và long trọng dời sứ quán Mỹ về Jerusalem.

Người Mỹ sẽ được nhìn như là một dân tộc đã từng bầu một tổng thống như Donald Trump.

Hôm đó chính là ngày kỷ niệm 70 năm tuyên bố thành lập của nước Do Thái với cuộc thảm sát Nakba diễn ra ngay hôm sau, 15/05/1948, trong đó 15.000 người Palestine bị quân Do Thái tàn sát, 500 làng bị hủy diệt và 780.000 người phải tỵ nạn cho đến nay vẫn chưa về được quê hương. Không thể xấc xược và khiêu khích hơn. Người Palestine dĩ nhiên biểu tình phản đối và chính quyền Do Thái đã thẳng tay đàn áp vì Trump đã bật đèn xanh cho họ. Kết quả : trên 60 người đã bị bắn chết và trên 2.400 người bị thương.

Liên Hiệp Quốc và hầu hết mọi quốc gia đã lên án, kể cả các đồng minh Châu Âu của Mỹ, kể cả hai đồng minh cốt lõi của Mỹ tại Trung Đông là Ả Rập Saudi và Ai Cập. Riêng tại hai nước Iran và Thổ Nhĩ Kỳ hàng triệu người đã xuống đường gào thét những khẩu hiệu chống Mỹ với sự đồng tình của chính quyền. Thổ (800.000 km2 và 83 triệu dân) là một trong những nước có vị trí chiến lược nhất và từ một thế kỷ nay là đồng minh nhiệt tình nhất của Mỹ, nhiệt tình đến độ cho Mỹ đặt hỏa tiễn nguyên tử ngay trên lãnh thổ của mình dù nằm sát Liên Xô.

Hành động này đã đến một tuần sau khi Trump tuyên bố rút khỏi thỏa ước Iran về nguyên tử, dĩ nhiên một cách hung hăng và thô lỗ như thường lệ. Đây là một thỏa ước mà Châu Âu, Mỹ, Nga và Trung Quốc cùng ký với Iran năm 2015, theo đó Iran ngừng nghiên cứu sản xuất vũ khí nguyên tử đổi lại với việc các cường quốc chấm dứt các biện pháp phong tỏa kinh tế. Thỏa ước này được Liên Hiệp Quốc bảo trợ và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA - International Atomic Energy Agency) được trao trách nhiệm giám sát việc thi hành.

Donald Trump đã sử dụng lập luận của thủ tướng Do Thái Netanyahu theo đó Iran gian trá, vẫn tiếp tục nghiên cứu làm bom nguyên tử. Nhưng Netanyahu đã chỉ đưa ra những tài liệu cũ, trước năm 2013. Đúng là trước đây Iran có cố gắng làm bom nguyên tử nhưng từ 2015, sau khi đã ký thỏa ước, thì không có gì chứng tỏ là họ đã gian trá. Cơ quan IAEA, trong đó Mỹ là một nước thành viên, đã theo dõi rất sát Iran và luôn luôn xác nhận là Iran không còn tiếp tục chương trình chế tạo bom nguyên tử nữa. Hiện nay, vẫn theo IAEA, mức độ tinh luyện Uranium của Iran chưa tới 3,67% trong khi phải hơn 90% mới có thể làm bom.

Iran còn ở rất xa mức độ đáng lo ngại, Trump đã chỉ làm điều mà các phần tử cực đoan Do Thái muốn, bất chấp sự thực và bất chấp cả thế giới, trong mục tiêu làm suy yếu Iran mà họ coi là đối thủ đáng ngại nhất trong vùng. Đây là một quyết định thiển cận, nguy hiểm cho hòa bình và cho chính Do Thái. Trump đã bật đèn xanh cho Do Thái mặc sức khiêu khích và tấn công các nước Hồi giáo. Nhưng Do Thái, với 8 triệu dân, có thể mãi mãi thách thức khối 400 triệu người Hồi giáo Trung Đông không ?

Như cảm thấy vẫn chưa đủ, Donald Trump rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc sau khi hội đồng này lên án hành động tàn sát người biểu tình Palestine của Do Thái. Quyết định gần đây nhất của Trump là tuyên chiến thương mại không chỉ với Trung Quốc mà cả với các đồng minh Nhật và Châu Âu. Các cuộc chiến tranh thương mại không bao giờ có kẻ thắng, tất cả đều thua. Vấn đề chỉ là ai thua nhiều hơn thôi và đối với Châu Âu kẻ thiệt hại nhiều hơn có thể là Mỹ, ngay cả nếu không kể sự mất mát lớn về tình cảm. Sự vô học đã khiến Donald Trump không hiểu rằng nước Mỹ đã giầu mạnh như ngày nay là vì đã nhận và còn tiếp tục nhận rất nhiều của Châu Âu, đặc biệt là về nhân tài, văn hóa, tư tưởng và khoa học, kỹ thuật.

Trước đó Donald Trump đã rút khỏi thỏa ước COP21 về khí hậu mà cả thế giới đã đồng thuận, đã đòi cấm dân của năm nước Hồi giáo đặt chân lên nước Mỹ, đòi bắt Mexico trả tiền để xây tường ngăn chặn người Mexico vào nước Mỹ. Tất cả những quyết định này được công bố với thái độ xấc xược và lời lẽ thô lỗ. Có triển vọng là Trump sẽ chỉ là một ngoặc đơn bốn năm trong lịch sử nước Mỹ nhưng những đổ vỡ mà ông gây ra sẽ không bao giờ lành hẳn. Những cam kết của Hoa Kỳ sẽ không còn đáng tin. Hình ảnh của Hoa Kỳ cũng không còn như trước, người Mỹ sẽ được nhìn như là một dân tộc đã từng bầu một tổng thống như Donald Trump.

Chủ nghĩa dân túy đang hồi sinh và đe dọa thế giới

Tuy vậy Donald Trump không phải một hiện tượng của riêng nước Mỹ. Ông ta chỉ là một trường hợp đặc biệt, dù là trường hợp quan trọng và nghiêm trọng vượt trội, của một nguy cơ toàn cầu đang tái xuất hiện: chủ nghĩa dân túy (populism). Nó cũng thể hiện qua Duterte tại Philippines, Putin tại Nga, Stracher và đảng FPO tại Áo, Le Pen tại Pháp, Erdogan tại Thổ Nhĩ Kỳ, Maduro tại Venezuela, phong trào Brexit tại Anh, các mollah tại Iran v.v. Chủ nghĩa dân túy đang hồi sinh.

Tổng thống Duterte của Philippines : một gương mặt của chủ nghĩa dân túy Châu Á

Trước hết cần nhận diện chủ nghĩa dân túy : nó lợi dụng một tình trạng phẫn nộ -có thể chính đáng- và sự thiếu hiểu biết của một thành phần dân chúng để đưa ra những giải pháp mỵ dân có vẻ rất giản dị và thực tiễn nhưng trong trung hạn vừa sai vừa nguy hiểm.

Một thí dụ là phong trào cộng sản, lực lượng dân túy lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Nó đã lợi dụng sự phẫn nộ của tầng lớp công nhân sau cuộc cách mạng kỹ nghệ để đưa ra "giải pháp" đấu tranh giai cấp, xóa bỏ quyền tư hữu và tiêu diệt giai cấp tư sản. 

Một thí dụ khác là Quốc xã Đức. Hitler đã lợi dụng sự phẫn nộ chính đáng của người Đức sau Thế Chiến I : nước Đức tan nát vì thua trận, bị mất đất và phải bồi thường chiến tranh trong khi một số tài phiệt Do Thái hành xử một cách vô trách nhiệm để đưa ra "giải pháp" tiêu diệt người Do Thái và tuyên chiến với các nước Châu Âu.

Chúng ta cũng có thể kể Moussolini tại Ý, Peron tại Argentina và Chavez tại Venezuela như là những thí dụ trong lịch sử. Hiện nay ngoài Donald Trump và những trường hợp đã kể còn một lực lượng dân túy đặc biệt nguy hiểm : các tổ chức khủng bố Hồi giáo.

Trong trường hợp cụ thể của nước Mỹ, sự cáo chung đột ngột của phong trào cộng sản thế giới cùng một lúc với sự phát triển của công nghệ tin học và tự động và thương mại quốc tế đã mở ra cả một kỷ nguyên mới, làm thay đổi hẳn sinh hoạt xã hội nhưng tư tưởng chính trị đã thiếu hụt và không đề nghị được một hướng đi. Trong tình huống đó Bill Clinton xuất hiện và đề nghị giải pháp "Chỉ làm kinh tế" (Economy, stupid !) và thắng cử, nhưng Clinton chỉ đưa nước Mỹ tới gần khủng hoảng hơn vì chênh lệch giầu nghèo gia tăng nhanh chóng, ngày càng có đông người cảm thấy uất ức vì bị bỏ rơi và mất chỗ đứng ngay trên đất nước mình. Tình trạng này tiếp tục dưới George W. Bush và Obama. Rồi Donald Trump xuất hiện cáo buộc giai cấp chính trị cũ và hứa hẹn phục hồi sự vĩ đại của nước Mỹ với "giải pháp" America first, chỉ biết có nước Mỹ, phục hồi kỹ nghệ than và kim loại, không cần đồng minh cũng không cần cảm tình của thế giới, từ bỏ những cam kết v.v.

Các lực lượng khủng bố Hồi giáo -Daesh, Al Qaeda, Al Nostra, Boko Haram, v.v.- khai thác một sự phẫn nộ khác, sự phẫn nộ tuyệt vọng của một thành phần trong khối hơn một tỷ người Hồi giáo trước sự suy thoái nhanh chóng của nhân sinh quan Hồi giáo mà họ mô tả như là hậu quả của cuộc xâm lược của phương Tây để kích thích sự cuồng tín và kêu gọi thánh chiến.

Tổng thống Tayip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ : một khuôn mặt dân túy Trung Cận Đông

Các lực lượng dân túy có thể theo một chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, như trường hợp Quốc xã Đức, Phát xít Ý và phần lớn các đảng dân túy hiện nay, hay một ý thức hệ xuyên quốc gia như trường hợp phong trào cộng sản và các lực lượng khủng bố Hồi giáo nhưng kịch bản của chúng bao giờ cũng giống nhau : Do thiếu hụt về tư tưởng chính trị một số vấn đề xã hội không được nhận diện và giải quyết kịp thời để thích nghi với tình huống mới và tạo ra bất mãn và phẫn nộ trong xã hội. Một lực lượng chính trị xuất hiện lên án dữ dội chính quyền đương thời, rồi đề nghị một giải pháp mỵ dân và độc hại nhưng đáp ứng được sự phẫn nộ của quần chúng.

Đặc điểm chung của các lực lượng dân túy là chúng luôn luôn tạo ảo tưởng là có một giải pháp giản đơn cho những vấn đề phức tạp. Nếu thành công và cướp được chính quyền chúng có thể tạo ra những thảm kịch rất lớn, như trường hợp phong trào cộng sản quốc tế và Đảng Quốc xã Đức. Phong trào cộng sản đã làm trên 100 triệu người chết và giam hãm nhiều dân tộc trong đói khổ và kìm kẹp trong hơn một nửa thế kỷ, Hitler và Moussolini đã gây ra Thế Chiến II và khiến chính đất nước họ tan tành. Putin đang làm nước Nga bại liệt với một tương lai rất đen tối. Trump không giải quyết được vấn đề nào mà chỉ sẽ khiến nước Mỹ chia rẽ hơn, cô lập hơn và suy giảm hơn bởi vì tuy thế giới tuy cần nước Mỹ nhưng -với một GDP bằng 22% GDP thế giới- Mỹ còn cần thế giới hơn. Các kỹ nghệ than, thép, may mặc v.v. đàng nào cũng không thể phục hồi vì đã quá lỗi thời so với tình trạng phát triển của Hoa Kỳ.

Các chính quyền dân túy chỉ có thể thất bại vì lý do hiển nhiên là không thể có những giải pháp đơn giản cho những vấn đề phức tạp. Tư tưởng chính trị là điều không thể tiết kiệm, nhất là vào những lúc lịch sử sang trang và một kỷ nguyên mới bắt đầu.

Vì đâu nên nỗi ?

Tư tưởng chính trị đó đã thiếu hụt trong cuộc cách mạng kỹ nghệ và cho phép phong trào cộng sản xuất hiện và bành trướng vì một giai cấp công nhân ngày càng đông đảo cảm thấy mình bị khai thác như những dụng cụ trong khi họ không nhìn thấy một hy vọng nào. Lý luận của Marx sai cả về nền tảng lẫn phương pháp nhưng nó hứa hẹn một tương lai mà nhiều người mơ ước. Tình hình sẽ rất khác nếu vào giai đoạn đó có những nhà tư tưởng thuyết phục được dư luận rằng dân chủ có khả năng sửa sai và cải tiến.

Để nhìn rõ hơn nguyên nhân tái phát của chủ nghĩa dân túy, có lẽ cần nhìn lại trường hợp vừa thời sự nhất vừa lớn nhất của nước Mỹ. Năm 1992 một biến cố khó tưởng tượng xẩy ra, đáng ngạc nhiên nhất là ít người ngạc nhiên. George H. W. Bush, anh hùng quân lực Mỹ trong Thế Chiến II, đương kim tổng thống Mỹ với thành tích đánh sụp khối cộng sản, bị đánh bại bởi Bill Clinton, một thanh niên không có thành tích nào ngoài việc đã trốn lính.

Bill Clinton chủ yếu được bầu vì hai lý do : một là hứa sẽ nhìn nhận Jerusalem là "thủ đô không thể phân chia" của Do Thái, hai là hứa sẽ theo đuổi chủ trương "chỉ làm kinh tế" (economy, stupid !). Lời hứa đầu đã đem lại cho Clinton một số phiếu khá lớn của khối Tin Lành cực đoan nhưng Clinton đã còn chút tinh thần trách nhiệm để không thực hiện, như George W. Bush và Barack Obama sau đó, vì thừa biết nó quá sai và nguy hiểm. Nhưng lời hứa chỉ làm kinh tế -nghĩa là không quan tâm tới chính trị, dân chủ, nhân quyền- đã có tác dụng quyết định lên cuộc tranh cử tổng thống và Clinton đã thực hiện tận tình sau khi được bầu. Ông sử dụng một nhóm cố vấn xuất thân từ các ngân hàng và theo lời khuyên của họ bãi bỏ hết những qui định có mục đích kiểm soát các hoạt động tín dụng và chứng khoán, đồng thời tăng cường quan hệ thương mại với Trung Quốc mà gần như không đặt vấn đề nhân quyền. Clinton đã thắng cử nhờ khoảng trống tư tưởng lớn.

Thế giới vừa vui mừng vừa hoang mang không biết nghĩ gì khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ và phong trào toàn cầu hóa bùng lên cùng lúc với các tiến bộ về kỹ thuật truyền thông và tự động. Bối cảnh thế giới thay đổi hẳn, nhất là các hoạt động kinh tế. Nhiều nhà máy với các kỹ thuật truyền thống được di chuyển từ các nước giầu sang các nước nghèo tạo ra tại các nước dân chủ phát triển một khối người ngày càng đông đảo bỗng nhiên mất việc làm và hơn thế nữa trở thành vô dụng, những người mà trước đó không lâu đã là những công dân gương mẫu. Họ cảm thấy rằng đất nước mà họ đã đóng góp xây dựng nên không còn là của họ nữa. Phong trào toàn cầu hóa cũng chất vấn và công phá ngay chính khái niệm quốc gia.

Tất cả những biến động này đòi hỏi một cố gắng tư tưởng lớn nhưng các trí thức cánh tả cũng như cánh hữu hầu như đều bặt tiếng. Cánh tả vì sau hơn nửa thế kỷ biện hộ cho chủ nghĩa cộng sản đã bị lố bịch hóa và không còn gì để nói. Cánh hữu vì đã toàn thắng và cũng không còn gì để nói thêm ngoại trừ nhắc lại một cách nhàm chán các lập luận cũ. Các thảo luận về triết lý chính trị hầu như đã dừng lại cùng với chiến tranh lạnh. Người ta cố tình làm như tin tưởng rằng bàn tay vô hình của kinh tế thị trường cuối cùng sẽ giải quyết tất cả.

Và kịch bản quen thuộc đã tái diễn. Mỹ là nước dân chủ tư bản dẫn đầu thế giới nên cũng là nước bị dao động nhất trong bối cảnh hoàn toàn mới này. Trong khoảng trống tư tưởng này khẩu hiệu chỉ làm kinh tế, chỉ biết có kinh tế của Bill Clinton đã có sức lôi cuốn đặc biệt đối với những người đang phẫn nộ vì cảm thấy bị bỏ rơi. Giai đoạn dân túy bắt đầu. Nhưng làm sao chính trị có thể chỉ thu gọn vào kinh tế ?

Clinton đã thất bại như mọi lực lượng dân túy một khi đã nắm được chính quyền bởi vì, cần nhắc lại một lần nữa, không thể có giải pháp giản dị cho những vấn đề phức tạp. Clinton đã giúp các chế độ cộng sản Trung Quốc và Việt Nam trụ được thay vì chuyển hóa về dân chủ, và cho phép Trung Quốc dần dần trở thành một đe dọa cho hòa bình. Trong chủ trương chỉ quan tâm tới kinh tế, ông cũng đã để mặc cho các lực lượng khủng bố Hồi giáo như Al Qaeda và Taliban mặc sức phát triển và trở thành một tai họa cho cả nước Mỹ lẫn thế giới.

Clinton cũng đã nhanh chóng trở thành đồng lõa của các thế lực tài phiệt, đã để cho khuynh hướng "tài chính hóa kinh tế" lộng hành và dẫn tới cuộc khủng hoảng 2008, cuộc khủng hoảng kinh tế lớn nhất trong lịch sử thế giới. Một giai cấp quý tộc hãnh tiến mới cũng đã xuất hiện : những người thành công và trở thành giầu có, dù chỉ là nhờ may mắn trong các hoạt động đầu cơ chứng khoán và địa ốc. Những người hãnh tiến này tự coi là xứng đáng nhất. Những người không giầu, có thể chỉ vì không làm trong những ngành đang gặp thời, bị nhìn như là thiếu tài năng và nghị lực. Nghèo đồng nghĩa với nhục. Tiền trờ thành tiêu chuẩn duy nhất để đánh giá con người. Xã hội bị phân hóa, những người giầu và những người nghèo sống trong những khu riêng biệt, gửi con cái tới những trường học khác nhau, dùng những thực phẩm khác nhau, du lịch và giải trí khác nhau và có những ưu tư khác nhau. Tinh thần quốc gia mất dần ý nghĩa và nội dung.

Kể từ Clinton, nghĩa là từ hơn một phần tư thế kỷ qua, nước Mỹ đã chỉ có những tổng thống tài tử không có kinh nghiệm và kiến thức chính trị đáng kể nào. George W. Bush đã chỉ lên được nhờ uy tín của cha và sự xuống cấp của môi trường chính trị Mỹ. Barack Obama thì rõ ràng là một tay mơ lên được nhờ khuynh hướng dân túy. Ông xuất hiện đột ngột và đắc cử nhờ chống đối giai cấp chính trị truyền thống, establishment, và khẩu hiệu "Yes, we can" nghĩa là : "Đúng, chúng ta có thể", có thể có ngay một nước Mỹ hùng mạnh và công bình. Ngoài ra Obama cũng chủ trương một chính sách triệt thoái và co cụm rất phù hợp với chủ nghĩa dân túy. Quyết định triệt thoái hấp tấp khỏi Iraq đã giúp lực lượng Nhà nước Hồi giáo Daesh phát triển mạnh, dìm vùng Trung Đông vào khói lửa, làm hàng trăm nghìn người thiệt mạng và khiến Châu Âu khốn khổ vì làn sóng người tỵ nạn. Trong nhiệm kỳ thứ hai Obama bắt đầu nhận ra là Mỹ cũng cần thế giới như thế giới cần Mỹ và vì thế phải đóng góp cho một trật tự dân chủ. Việc thành lập Khối Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) để ngăn chặn Trung Quốc phản ánh nhận thức này, nhưng nó đến quá trễ, Obama không còn thời gian để hoàn tất. Donald Trump chỉ là cao điểm của trào lưu dân túy đã bắt đầu từ 1992 với Bill Clinton.

Nhiều người tin rằng Donald Trump sẽ chỉ là một ngoặc đơn bốn năm và sẽ bị đào thải trong cuộc bầu cử sắp tới. Có thể nhưng chưa chắc. Việc Trump gây thiệt hại cho chính nước Mỹ sẽ không làm đa số những người đã bầu cho ông thay đổi lập trường, vì một lý do giản dị là họ thấy nước Mỹ không còn là của họ nữa, như vậy đối vối họ sự chao đảo của nước Mỹ này có khi còn là hy vọng để chuyển sang một nước Mỹ khác mà họ mong muốn. Nếu Donald Trump thất cử thì lý do chính là vì cuộc chiến tranh thương mại mà ông gây ra sẽ khiến cuộc sống của chính họ khó khăn hơn.

Ở một mức độ nào đó, bên cạnh những tác hại to lớn, Trump đã báo động tai họa của chủ nghĩa dân túy và báo động về nhu cầu nghĩ lại và làm lại nước Mỹ. Đó cũng là nhu cầu của thế giới vì dù muốn hay không Mỹ vẫn là nước có vai trò lãnh đạo thế giới và những gì diễn ra ở Mỹ cũng sẽ có ảnh hưởng lôi kéo với các nước khác. Tại Châu Âu các lực lượng dân túy đã phát trỉển mạnh sau Bill Clinton. Tại Pháp đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia của Le Pen hai lần vào được vòng chung kết bầu cử tổng thống ; tại Áo Đảng FPO đã thắng lớn và được tham chính với một phó thủ tướng và ba bộ trưởng quan trọng ; lực lượng dân túy chiếm được 13% trong cuộc bầu cử quốc hội gần đây nhất, tháng 9/2017 và khiến việc thành lập chính phủ bị bế tắc trong gần sáu tháng. Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang có những chính quyền dân túy, như tại Philippines và Venezuela.

Chủ nghĩa dân túy đang là một vết thương lớn của thế giới. Rất đáng lo ngại, bởi vì đặc tính của các lực lượng dân túy là chúng bất chấp các giá trị đạo đức, bất chấp nhân quyền và bất chấp thế giới, những lý do dẫn đến xung đột, bế tắc và chiến tranh.

Lối thoát nào ?

Tháng 9/2017 đã có một cuộc thảo luận hào hứng trên một đài truyền hình Canada về nguy cơ dân túy giữa hai nhà tư tưởng hàng đầu của Châu Mỹ Steve Paikin và Michael Sandel. Cuộc thảo luận này đã được một trí thức trẻ dịch và phụ đề tiếng Việt và đưa lên Youtube. Clip này rất nên xem (1).

Michael Sandel là giáo sư triết và chính trị tại Đại học Havard và từ hơn hai thập niên qua được nhiều người đánh giá là nhà tư tưởng chính trị lớn nhất của nước Mỹ. Giải pháp mà ông nhìn thấy là phải khởi động mạnh mẽ một cuộc thảo luận thẳng thắn về các giá trị nền tảng của chính trị và của hoạt động chính trị. Người ta chỉ có thể đồng ý với ông. Nhưng vấn đề là làm thế nào để có các cuộc thảo luận này. Điều đáng ngạc nhiên là Michael Sandel hình như không nhìn thấy cốt lõi của vấn đề.

Theo ông không thể trông đợi ở các chính đảng và các chính trị gia bởi vì họ đã trở thành thực tiễn ; họ tránh né tranh luận và chỉ còn một ngôn ngữ quản trị và kỹ trị. Chỉ còn cách phát động những cuộc thảo luận này trong các trường đại học, các nhóm xã hội dân sự và các kênh truyền thông. Nhưng chính Sandel cũng đã phải nhìn thấy sự vô vọng của giải pháp mà ông đề nghị. Bằng cớ là các bài giảng rất hay của ông tại Havard được đưa lên Youtube từ gần mười năm qua với sự yểm trợ tài chính của nhiều nhà hảo tâm sau gần mười năm đã chỉ được trên dưới một triệu lượt người xem, phần lớn là các sinh viên. Các bài diễn thuyết của ông ngoài Havard thì chỉ được vài chục ngàn lượt xem mỗi năm. Ngay chính clip thảo luận này giữa ông và Steve Paikin cũng chỉ được 23.000 lượt xem sau 10 tháng. Trong khi đó thì các clip của các danh ca thường được vài chục triệu, có khi vài trăm triệu, lượt xem sau khoảng mười năm. Giải pháp của Sandel như vậy rõ ràng không phải là giải pháp.

Vậy còn phải làm gì khác ? Một sắc thuế trên các chương trình truyền hình thể thao và giải trí để tài trợ cho các chương trình thảo luận về chính trị, xã hội ? Một viện hàn lâm khoa học chính trị được có tiếng nói có thẩm quyền trên sự chọn lựa các cấp lãnh đạo chính trị ? Một thủ tục để tôn vinh các nhà tư tưởng và đưa các tài tử, ca sĩ, cầu thủ, doanh nhân trở lại vị trí đúng của họ ?

Chúng ta có thể thảo luận rất nhiều, nhưng có một điều chắc chắn phải làm là nâng cao vai trò và chỗ đứng của các chính đảng. Các chính đảng chính là môi trường thảo luận chính trị, sản xuất, sàng lọc và truyền bá tư tưởng chính trị. Đó là khối hàng trăm ngàn, hàng triệu người quan tâm tới việc nước và chuyển tải tư tưởng chính trị từ các nhóm thảo luận tới quần chúng qua gia đình, bè bạn, đồng nghiệp. Không có các chính đảng mạnh thì không thể hy vọng có những cuộc thảo luận rộng khắp và trong chiều sâu.

Nhưng làm thế nào để nâng cao chức năng và trọng lượng của các chính đảng, để có những chính đảng mạnh ? Một điều kiện tiên quyết là phải bãi bỏ chế độ tổng thống. Chế độ tổng thống tập trung quyền lực vào một người và vô hiệu hóa các chính đảng. Các cuộc thảo luận chính trị trong các chính đảng xuống cấp vì mất tác dụng. Các kết luận của các cuộc thảo luận còn có tầm quan trọng nào khi quyền quyết định đàng nào cũng chỉ thuộc về một người không do đảng bầu ra? Chế độ tổng thống cũng khiến các tranh chấp nội bộ trở nên khốc liệt và làm tan vỡ các chính đảng bởi vì khó có thể thỏa hiệp khi thắng là được tất cả, thua là mất hết. Quan tâm của một ứng cử viên tổng thống là được lòng và được phiếu của thật nhiều người chứ không phải là để nêu ra những vấn đề gây tranh cãi.

Chế độ đại nghị là chọn lựa bắt buộc nếu muốn nâng cao vai trò của các chính đảng và đồng thời nâng cao dân trí. Chúng ta có thể nhận xét là các khuynh hướng dân túy đã chỉ thành công tại các nước theo chế độ tổng thống. Ở các nước theo chế độ đại nghị phong trào dân túy cùng lắm chỉ có ảnh hưởng giới hạn. Vấn đề chính đối với chế độ đại nghị là qui định một tỷ lệ vừa phải tùy theo hiện tình mỗi nước giữa số dân biểu được bầu theo thể thức đơn danh một vòng và số dân biểu bầu theo tỷ lệ để bảo đảm sự ổn vững của chính phủ mà vẫn cho phép mọi khuynh hướng chính trị đều có tiếng nói trong quốc hội để không rơi vào sự cứng chắc nghèo nàn của tình trạng lưỡng đảng (thí dụ ta có thể hình dung một quốc hội gồm 500 dân biểu trong đó 450 người được bầu theo thể thức đơn danh một vòng, 50 người được bầu theo thể thức tỷ lệ). Sau đó người ta có thể nghĩ tới các biện pháp khác.

Một lời sau cùng. Nhiều bạn có thể chất vấn : tại sao thảo luận những vấn đế lý thuyết như chủ nghĩa dân túy, chế độ tổng thống, chế độ đại nghị v.v. trong khi vấn đề trước mắt là phải tranh đấu để chấm dứt một chế độ độc tài hung bạo hành xử không khác gì một lực lượng chiếm đóng ? Có viển vông và lạc điệu không ? Xin trả lời là không. Chúng ta đã là chúng ta ngày nay bởi vì chúng ta luôn luôn hụt hẫng về mặt tư tưởng và chúng ta đang có nguy cơ hụt hẫng một lần nữa. Chúng ta đang tranh đấu cho dân chủ hiểu một cách giản dị là tam quyền phân lập và bầu cử tự do trong khi khái niệm dân chủ đang đòi hỏi những xét lại rất quan trọng và triệt để. Chúng ta có thể lại chỉ ra khỏi ngõ cụt cộng sản để đi vào một ngõ cụt khác.

Vả lại ngay trong lúc này phong trào dân chủ chỉ có thể mạnh nếu những người dân chủ hiểu rõ dân chủ là gì và những vấn đề nào đang đặt ra cho nó.

Nguyễn Gia Kiểng

(10/07/2018)

(1) Bản dịch :Sự thất bại của nền chính trị "Tự do phóng khoáng"

Youtube : Sự thất bại của nền chính trị "Tự do phóng khoáng"

Published in Quan điểm

Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo trung ương, vừa viết một bài có tựa đề là "Chủ nghĩa dân túy và những cảnh báo đối với Việt Nam" (*) được đăng trên báo Sài Gòn Giải Phóng. Nội dung của bài viết là về chủ nghĩa dân túy, tác hại của nó và cách phòng chống. Điều tình cờ là bài viết này ra đời không lâu sau khi Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên lên tiếng cảnh báo mọi người về tác hại của phong trào dân túy. Phải chăng đảng cộng sản và phong trào dân chủ đã có cùng lập trường trên một vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến tương lai đất nước ?

popo1

Chủ nghĩa dân túy lợi dụng một tình trạng phẫn nộ -có thể chính đáng- và sự thiếu hiểu biết của một thành phần dân chúng để đưa ra những giải pháp m dân có vẻ rất "giản dị" nhưng vừa sai vừa nguy hiểm (Nguyễn Gia Kiểng).

Chủ nghĩa dân túy là gì ?

Trước tiên hãy xem ông Võ Văn Thưởng hiểu thế nào là chủ nghĩa dân túy. Ông viết rằng : "Khái niệm dân túy thường được dùng để nói về những thủ đoạn chính trị mang tính mị dân, đánh vào tâm lý của đám đông để kêu gọi, tổ chức phong trào nhằm lôi kéo, tranh thủ sự ủng hộ của dư luận và quần chúng nhân dân".

Ý kiến của ông Thưởng cũng gần giống với ý kiến của ông Nguyễn Gia Kiểng, Thường trực Ban lãnh đạo Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, về chủ nghĩa dân túy : "Nó lợi dụng một tình trạng phẫn nộ -có thể chính đáng- và sự thiếu hiểu biết của một thành phần dân chúng để đưa ra những giải pháp m dân có vẻ rất "giản dị" nhưng vừa sai vừa nguy hiểm".

Như vậy, cả hai người đều hiểu chủ nghĩa dân túy chỉ là một cách làm chính trị tồi tệ, nghĩa là giành chính quyền bằng cách khai thác sự phẫn nộ và thiếu hiểu biết của quần chúng.

Nguyên nhân nào dẫn đến sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy ?

Theo ông Võ Văn Thưởng thì "tình hình biến đổi sâu sắc, tình trạng bất bình đẳng gia tăng, nhiều vấn đề kinh tế - xã hội chưa được giải quyết tốt, lợi ích chính đáng, hợp pháp của số đông người lao động chưa được quan tâm giải quyết hiệu quả… là những nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy ở các nước Âu, Mỹ hiện nay. Khi nhiều người dân bất mãn trong một thời gian dài, vượt quá giới hạn chịu đựng của họ, mà không có những giải pháp chính trị, kinh tế, xã hội thích hợp, thì đó chính là mảnh đất màu mỡ cho sự xuất hiện các khuynh hướng của chủ nghĩa dân túy, là "dư địa" để nó gây ra những cơn địa chấn mới".

Còn theo ông Nguyễn Gia Kiểng, kịch bản dẫn đến chủ nghĩa dân túy bao giờ cũng giống nhau :

"Do thiếu hụt về tư tưởng chính trị một số vấn đ xã hội không được nhận diện và giải quyết kịp thời và tạo ra bất mãn hoặc phẫn nộ trong xã hội. Một lực lượng chính trị xuất hiện lên án dữ dội giai cấp đang cầm quyền và đ nghị một giải pháp mị dân và độc hại nhưng đáp ứng được sự phẫn nộ của quần chúng. Đặc điểm chung của các lực lượng dân túy là chúng luôn luôn tạo ảo tưởng là có một giải pháp giản đơn cho những vấn đề phức tạp".

Như vậy, một lần nữa cả hai người đều đồng ý với nhau về nguyên nhân làm cho chủ nghĩa dân túy phát triển là do các vấn đề xã hội không được giải quyết kịp thời khiến cho quần chúng bất mãn.

Làm thế nào để ngăn chặn chủ nghĩa dân túy ?

Đến đây, tất cả chúng ta đều đồng ý chủ nghĩa dân túy là có hại và cần phải ngăn chặn nó. Nhưng làm thế nào ? Hãy xem thử năm giải pháp mà ông Võ Văn Thưởng đưa ra :

(…) "Sự mong muốn thực hành dân chủ trong một bộ phận nhân dân, khi điều kiện thông tin chưa thật sự đầy đủ để có thể phân biệt rõ giữa dân chủ và dân túy, có thể dẫn đến sự nhầm lẫn giữa dân chủ và dân túy. Mặt khác, khi những phần tử cơ hội chính trị lợi dụng tình hình phức tạp để mưu đồ cá nhân, phe nhóm, dẫn đến nguy cơ một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân hào hứng đón nhận các phát ngôn, hành động dân túy.

Để có thể phòng ngừa chủ nghĩa dân túy ở Việt Nam, điều quan trọng nhất là nâng cao nhận thức của cán bộ đảng viên và nhân dân về những tác hại của chủ nghĩa dân túy, phải hạn chế tối đa "đất sống" của chủ nghĩa dân túy và cần lưu ý một số vấn đề sau :

Một là, phải nhận diện và cảnh giác với những biểu hiện của chủ nghĩa dân túy trong đời sống chính trị Việt Nam. Có thể đánh giá, ở Việt Nam đã có những biểu hiện bước đầu của phát ngôn, lời nói, hành động mang tính dân túy. Ta dễ dàng nhận thấy những biểu hiện này qua các phát ngôn theo kiểu "nói cho sướng miệng", không đúng chủ trương, đường lối, nguyên tắc của Đảng, bỏ qua những quy định pháp lý, thiếu tính khả thi, vượt quá hoặc không đúng thẩm quyền của một vài cá nhân được sự tung hô của những tờ báo non nớt về chính trị, của một vài "thủ lĩnh" trên mạng xã hội, thu hút được quan tâm của quần chúng vì "lạ khẩu vị" (...).

Giải pháp đầu tiên mà ông Võ Văn Thưởng đưa ra là phải cảnh giác với mong muốn thực hành dân chủ của nhân dân, với những phát biểu trái với chủ trương và đường lối của Đảng cộng sản. Như vậy là ông chống dân chủ và nhân quyền chứ không phải chống dân túy và cố tình đánh đồng dân chủ với dân túy.

(…) "Hai là, thực tế trên thế giới cũng cho thấy, sở dĩ người dân tin và đi theo phong trào dân túy hay ủng hộ các nhân vật dân túy cũng vì phần lớn là do sự điều hành kém hiệu quả của chính quyền trong giải quyết những bất bình và bức xúc của người dân, từ đó họ mong muốn có những người đại diện cho công quyền kiểu khác, thậm chí là một chính quyền khác mạnh mẽ và hiệu quả hơn, hiểu họ hơn. Có như vậy, may ra những nguyện vọng và mong ước của người dân mới được đáp ứng. Báo cáo Chính trị tại Đại hội XII của Đảng yêu cầu : "Hoàn thiện thể chế hành chính dân chủ - pháp quyền, quy định trách nhiệm và cơ chế giải trình của cơ quan nhà nước ; giảm mạnh, bãi bỏ những thủ tục hành chính gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Đề cao đạo đức công vụ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo và thực thi công vụ" (…).

Trong giải pháp thứ hai, ông Võ Văn Thưởng kêu gọi cải cách thủ tục hành chính và chống tham nhũng, nghĩa là cải tổ để giữ chế độ chứ không liên quan gì đến việc chống chủ nghĩa dân túy. Nhưng tất cả chúng ta đều biết là không thể thay đổi một chính quyền tham nhũng mà chỉ có thể thay thế nó bằng một chính quyền khác bởi vì một người tham nhũng không thể tự nhiên mà thay đổi thành một người trong sạch.

(…) "Ba là, tiếp tục kiên định thực hiện một cách chủ động, linh hoạt và sáng tạo chiến lược đối ngoại trong hội nhập quốc tế, với nguyên tắc bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc theo phương châm "hội nhập là quá trình vừa hợp tác, vừa đấu tranh, chủ động dự báo, xử lý linh hoạt mọi tình huống, không để rơi vào thế bị động, đối đầu, bất lợi" (14). Điều cần nhấn mạnh là, không chỉ vì quá cảnh giác với chủ nghĩa dân túy mà chúng ta lại tự cô lập, đứng ngoài "cuộc chơi"của thế giới. Song, cũng không phải chỉ vì muốn quan hệ và "làm ăn" mà phải luôn "làm theo đám đông", mà phải chấp nhận, đánh đổi tất cả, và qua đó để cho chủ nghĩa dân túy có điều kiện xâm nhập và nảy sinh ở Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, các kênh đối ngoại và các hoạt động đối ngoại phải hết sức tỉnh táo, bình tĩnh, chủ động và mềm dẻo để Việt Nam không bị cô lập với thế giới, không bị lệ thuộc vào thế giới và cũng không bị tác động tiêu cực bởi "chủ nghĩa dân túy" (…).

Lần này, ông Võ Văn Thưởng lại đánh đồng chủ nghĩa dân túy với áp lực của cộng đồng quốc tế lên chính quyền cộng sản về vấn đề nhân quyền. Như chúng ta đều biết, chính quyền cộng sản bị cô lập vì ngoan cố theo đuổi một chủ nghĩa đã bị thế giới lên án như là một tội ác, vì đã bỏ tù những người vô tội chỉ vì họ đã thực hành những quyền tự do cơ bản được ghi trong Tuyên ngôn phổ cập về Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, vì đã hành xử như một tổ chức khủng bố khi bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin v.v. Việt Nam cũng là một nước cực kì lệ thuộc Trung Quốc về mặt chính trị và thế giới về mặt kinh tế khi ngoại thương bằng 200% so với GDP. Cách duy nhất để không bị cô lập là tôn trọng luật pháp quốc tế và các giá trị phổ quát của nhân loại.

(…) Bốn là, tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Yêu cầu, nhiệm vụ nặng nề của thời kỳ phát triển mới, đòi hỏi chúng ta phải đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà trung tâm là đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Đây là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn với Đảng và chế độ ta, là một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm của cả nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng (...).

Một lần nữa, ông Võ Văn Thưởng lại lẫn lộn giữa dân túy và dân chủ. Phương pháp đấu tranh của phong trào dân chủ là bất bạo động trên tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc để động viên mọi người Việt Nam yêu nước, kể cả các đảng viên cộng sản. Do đó, chống lại tự diễn biến, tự chuyển hóa là chống lại dân chủ.

(…) "Năm là, phải tuyên truyền rộng rãi cho Nhân dân thấy rõ những biểu hiện, nguy cơ và tác hại của chủ nghĩa dân túy. Trong nhiều trường hợp, người dân không thể phân biệt được đâu là người theo hay không theo chủ nghĩa dân túy, dễ nhầm lẫn giữa người vô nguyên tắc, vô chính phủ với người mạnh mẽ đổi mới. Trong khi đó, sự cổ súy từ những cây bút có chủ ý hoặc do non nớt về chính trị của một số tờ báo và một số trang mạng xã hội sẽ đem đến sự nhầm lẫn trong đánh giá. Ngay từ bây giờ, cả hệ thống chính trị và mỗi công dân cần nhận thức rõ, biết cảnh giác và phải từng bước đấu tranh với những biểu hiện của chủ nghĩa dân túy dưới mọi màu sắc" (…).

Có lẽ, người cần được tuyên truyền nhất để biết đâu là người theo hay không theo chủ nghĩa dân túy chính là ông Võ Văn Thưởng. Ông không biết rằng cái chủ nghĩa cộng sản mà ông đang ra sức bảo vệ chính là thứ dân túy độc hại nhất trong lịch sử. Nó đã lợi dụng sự phẫn nộ của tầng lớp công nhân sau cuộc cách mạng kỹ nghệ để đưa ra "giải pháp" ngu xuẩn là xóa bỏ quyền tư hữu, tiêu diệt giai cấp tư sản. Nó đã được Hồ Chí Minh - người mà ông vẫn ngày đêm ra sức học tập và làm theo – đem về Việt Nam làm hàng triệu người chết và khiến đất nước tụt hậu một cách bi đát so với thế giới. Nếu thật lòng muốn chống dân túy thì trước tiên ông Võ Văn Thưởng hãy chống lại chủ nghĩa cộng sản. Nhưng ông lại là Trưởng ban Tuyên giáo trung ương, người đứng đầu cơ quan bảo vệ tư tưởng của chế độ. Đến đây, xin hỏi ông Võ Văn Thưởng một câu : Ông muốn chống dân túy hay chống dân chủ ? Câu hỏi này chỉ có ông mới trả lời được.

Trong Phong trào dân chủ Việt Nam cũng đang manh nha xuất hiện một vài dấu hiệu của chủ nghĩa dân túy. Những người này muốn giành quyền lãnh đạo đất nước nhưng lại không đưa ra được bất kỳ một giải pháp nào cho các vấn đề của Việt Nam mà chỉ đơn giản là khai thác sự phẫn nộ của quần chúng đối với đảng cộng sản. Có khả năng là trong cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên, những người chủ trương hòa giải và hòa hợp dân tộc sẽ phải tranh cử với những người chủ trương truy tố các đảng viên cộng sản, tịch thu tài sản tham nhũng, v.v.

Giải pháp thực sự để ngăn chặn chủ nghĩa dân túy là phải có một đội ngũ trí thức chính trị, những người có hiểu biết về bối cảnh trong nước và quốc tế, về những vấn đề đang và sẽ đặt ra cũng như cách giải quyết. Những người này phải tạo thành tụ điểm qui tụ những người còn quan tâm đến đất nước và từ đó mở ra các cuộc thảo luận chính trị nghiêm chỉnh nhằm nâng cao trình đ nhận thức chính trị của quần chúng. Nhưng muốn đạt đến một trình độ nhận thức và lý luận như vậy thì mỗi chúng ta phải gia nhập một tổ chức chính trị đứng đắn và trong một thời gian rất dài, và qua đó học tập và trao dồi khả năng lý luận và thuyết phục.

Ngược lại, một người có tham vọng đấu tranh chính trị để giành quyền lãnh đạo nhưng thiếu kiến thức và thiếu kinh nghiệm tổ chức thì cách hay nhất và giản dị nhất là phải mị dân. Và lãnh đạo bằng mị dân thì ai cũng biết, chỉ dìm đất nước sâu vào chia rẽ và bế tắc.

Hồng Việt

(23/05/2018)

******************

(*) Chủ nghĩa dân túy và những cảnh báo đối với Việt Nam

Võ Văn Thưởng, SGGP, 14/05/2018

Chủ nghĩa dân túy - một hiện tượng của nền chính trị thế giới

Có thể thấy, chưa bao giờ cụm từ "chủ nghĩa dân túy" được nhắc nhiều đến như vậy trên chính trường và báo chí thế giới, đặc biệt nhân dịp các cuộc bầu cử, trưng cầu dân ý ở nhiều nước Âu, Mỹ. Ngay ở Châu Á, nơi vốn được xem là "bình lặng" trong "cơn địa chấn dân túy" cũng đã có những chính trị gia đạt đến đỉnh cao quyền lực bằng và thông qua những phát ngôn, hành động dân túy. Rất nhiều hãng tin và tờ báo lớn đã giật những tít bài rất kêu trong phân tích tình hình chính trị thế giới năm 2016, 2017 : "Khi chủ nghĩa dân túy lên ngôi", "Chủ nghĩa dân túy và những cơn địa chấn"… Giới phân tích chính trị thì lo lắng sự thắng thế của làn sóng dân túy có thể dẫn đến những kết quả khó đoán, bất ngờ và tác động bất ổn đến nền chính trị các nước, các khu vực và thế giới.

Sự lo lắng đó là có cơ sở vì cách mà các nhân vật này thực hiện những cam kết trong chiến dịch tranh cử của họ có thể hạn chế, thậm chí đảo ngược một số đường lối tích cực mà các quốc gia đang theo đuổi, như : Sự ổn định xã hội, bình đẳng giới, bình đẳng kinh tế, tự do thương mại, sự bao dung giữa các dân tộc, tôn giáo, xu hướng hợp tác quốc tế và toàn cầu hóa…

Góp phần nhận diện chủ nghĩa dân túy và nguyên nhân của nó

Hơn một thế kỷ trước, vào năm 1890, thuật ngữ "chủ nghĩa dân túy" được sử dụng rộng rãi tại Mỹ trong phong trào thúc đẩy người dân nông thôn và đảng Dân chủ chống lại những người đảng Cộng hòa thường sống tập trung ở đô thị. Nó cũng được sử dụng để nói đến phong trào của các trí thức ở Nga tự ghét bỏ tầng lớp của mình và đồng cảm với giai cấp nông dân, ấp ủ mộng ước xây dựng những "công xã nông thôn" cho giai cấp nông dân dựa trên nền tảng tư tưởng của chủ nghĩa xã hội không tưởng. Từ vai trò tích cực trong tập hợp nông dân đứng lên chống lại Nga hoàng, theo sự phát triển của lịch sử, nó lại trở thành trào lưu tư tưởng cản trở sự phát triển, là một trở ngại cho việc truyền bá Chủ nghĩa Mác vào nước Nga (1). Những sai lầm, bản chất phản động, đi ngược lại lý luận của Chủ nghĩa Mác của phái này đã bị V.I. Lênin phê phán mạnh mẽ trong tác phẩm "Những người bạn dân là thế nào, họ đấu tranh chống những người dân chủ-xã hội ra sao".

Tuy nhiên, để xác lập một cách hiểu hoàn chỉnh, thống nhất về khái niệm có tính chất phức hợp như chủ nghĩa dân túy là một vấn đề khó. Thống nhất trong nhận định và đánh giá các biểu hiện trong thực tiễn xã hội, chính trị lại càng khó hơn. Những khái niệm như chủ nghĩa dân túy, phong trào dân túy, hành động dân túy, phát ngôn dân túy… được đưa ra trong những bối cảnh, hành động khác nhau có cách hiểu và tác động khác nhau.

Khoa học xã hội xem dân túy như một khuynh hướng tư tưởng và chính trị nhấn mạnh sự tương phản giữa "nhân dân" với tầng lớp "tinh hoa", thể hiện trong những tuyên bố cho là mình đứng về phía "dân thường" (2). Nó như một phong cách chính trị cụ thể, một hình thức hùng biện chính trị hay chiến lược để đạt được quyền lực (3). Sự ra đời của nó được đánh dấu với những biểu hiện dường như "phi chính trị", bằng sự từ chối giới tinh hoa, từ chối những tư tưởng "dòng chính" đang ngự trị để nói lên tiếng nói của người dân có vị trí xã hội thấp…

Có quan điểm xem dân túy như một ý thức hệ, nhưng chỉ là một "ý thức hệ mỏng"(4), không có hệ thống quan điểm riêng, không có nhân tố cấu thành cốt lõi tư tưởng của chính mình nhằm phân biệt với các hệ tư tưởng khác. Ý kiến khác lại xem dân túy là "một phong trào chính trị nhấn mạnh lợi ích, đặc điểm văn hóa và tình cảm tự phát của những người dân bình thường, trái ngược với những người của một tầng lớp đặc quyền"(5). Dưới góc độ phong cách ngôn ngữ và một phương thức hành động, dân túy "là chính sách của kẻ cơ hội tìm cách để giành được lòng tin của quần chúng".

Trong ngôn ngữ hằng ngày ở Châu Âu, Châu Mỹ lẫn ở Châu Á, dân túy thường dùng để chỉ trích một đảng phái, một vài chính trị gia nào đó đang tìm kiếm sự thu hút, ủng hộ của dân chúng và dư luận bằng những lời hứa êm tai nhưng trống rỗng, thậm chí thiếu trách nhiệm đối với tương lai chính trị của đất nước, mang nặng cảm xúc nhất thời, thiếu triết lý bền vững cho những mục tiêu chính trị lâu dài và giải pháp hiệu quả cho các vấn đề hiện tại.

Vì vậy, từ các cách tiếp cận trên, có thể nhìn nhận, khái niệm dân túy thường được dùng để nói về những thủ đoạn chính trị mang tính mị dân, đánh vào tâm lý của đám đông để kêu gọi, tổ chức phong trào nhằm lôi kéo, tranh thủ sự ủng hộ của dư luận và quần chúng nhân dân.

Một câu hỏi đặt ra, tại sao chủ nghĩa dân túy, phong trào dân túy, các cá nhân theo đường lối dân túy thời gian gần đây lại có xu hướng phục hồi, phát triển ? Có thể tìm thấy lý do cho sự trỗi dậy ấy từ những nguyên nhân chủ yếu : 

1. Sự trì trệ về kinh tế, sự già hóa dân số và mức thu nhập không tăng đã làm cho đời sống người dân, nhất là của những người yếu thế không được cải thiện làm gia tăng sự bất mãn của người dân.

2.Toàn cầu hóa đã đưa đến nghịch lý : Công nghệ sản xuất phần lớn được đưa từ các quốc gia phát triển sang các quốc gia chậm hay đang phát triển và hàng hóa được chuyển theo chiều ngược lại. Do đó, lợi ích chủ yếu mang lại cho các công ty lớn hoặc đa quốc gia, trong khi đó những người lao động thiếu việc làm hoặc tay nghề thấp mất việc nhưng không có khả năng để tìm việc mới, gây bất bình trong người lao động.

3. Cách mạng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin đã thay đổi mọi mặt của đời sống, từ kinh tế đến quan hệ giữa con người ; quá trình cá nhân hóa thông tin tăng cao, tin giả tràn lan, làm cho người dân hiểu không đủ rõ vấn đề, dễ hoang mang, bị thông tin chi phối, dẫn dắt.

4. Chính sách xã hội phải đối mặt với nhiều thách thức, chi phí cho chính sách an sinh đối với người già, tàn tật, thất nghiệp hay hưu trí càng tăng làm gia tăng đáng kể số nợ của chính phủ, theo đó, nợ nần luôn đè nặng lên đời sống vốn đã khó khăn của không ít người dân và của xã hội.

5. Sự quan liêu xa rời và thiếu gần gũi với nhân dân của giới quan chức cầm quyền đã tạo ra một khoảng cách lớn giữa lợi ích và tiếng nói của người dân hoặc của một số tầng lớp dân cư với giới chức cầm quyền hoặc những người có quyền lực trong xã hội.

6. Di dân và di tản toàn cầu với nhiều lý do, thật sự là thách thức đối với các chính phủ, khoét sâu sự ngăn cách về tâm lý giữa người đến và người sở tại về những khó khăn trong giải quyết, tiếp cận cơ hội, việc làm và phát triển.

Tóm lại, tình hình biến đổi sâu sắc, tình trạng bất bình đẳng gia tăng, nhiều vấn đề kinh tế-xã hội chưa được giải quyết tốt, lợi ích chính đáng, hợp pháp của số đông người lao động chưa được quan tâm giải quyết hiệu quả… là những nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy ở các nước Âu, Mỹ hiện nay. Khi nhiều người dân bất mãn trong một thời gian dài, vượt quá giới hạn chịu đựng của họ mà không có những giải pháp chính trị, kinh tế-xã hội thích hợp thì đó chính là mảnh đất màu mỡ cho sự xuất hiện các khuynh hướng của chủ nghĩa dân túy, là "dư địa" để nó gây ra những cơn địa chấn mới.

Phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn các biểu hiện dân túy ở nước ta hiện nay

Các nhà phân tích chính trị cảnh báo : "Có một cơ hội rất thực rằng sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy có thể trở thành hiện tượng chính trị quyết định trong thập kỷ tới, không chỉ ở Mỹ hay Châu Âu mà ở khắp các nền dân chủ phát triển" (6).

Liệu chủ nghĩa dân túy có xuất hiện ở Việt Nam khi mà trên thế giới nguy cơ của nó đang hiện hữu và có xu hướng mở rộng ? Câu trả lời là : Không có gì là không thể.

Chúng ta phải hết sức cảnh giác với chủ nghĩa dân túy, khi đất nước đang chủ động hội nhập sâu, rộng và toàn diện vào đời sống quốc tế trong quá trình toàn cầu hóa, đòi hỏi "dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội" (7) trong điều kiện "nhận thức về dân chủ trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân còn hạn chế"… "có lúc, có nơi việc thực hiện dân chủ còn hạn chế hoặc mang tính hình thức ; có tình trạng lợi dụng dân chủ gây chia rẽ làm mất đoàn kết nội bộ" (8). Mặt khác, phải thẳng thắn nhìn nhận những yếu tố có tính nguyên nhân như phân tích ở trên đều tồn tại ở những mức độ phức tạp khác nhau trong đời sống kinh tế-xã hội Việt Nam. Bên cạnh đó, "việc giải quyết một số vấn đề xã hội chưa hiệu quả, giảm nghèo chưa bền vững, chênh lệch giàu nghèo và bất bình đẳng có xu hướng gia tăng" (9) là những điều kiện để các phát ngôn, hành động dân túy bộc phát.

Sự mong muốn thực hành dân chủ trong một bộ phận nhân dân, khi điều kiện thông tin chưa thật sự đầy đủ để có thể phân biệt rõ giữa dân chủ và dân túy, có thể dẫn đến sự nhầm lẫn giữa dân chủ và dân túy. Mặt khác, khi những phần tử cơ hội chính trị lợi dụng tình hình phức tạp để mưu đồ cá nhân, phe nhóm, dẫn đến nguy cơ một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân hào hứng đón nhận các phát ngôn, hành động dân túy.

Để có thể phòng ngừa chủ nghĩa dân túy ở Việt Nam, điều quan trọng nhất là nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về những tác hại của chủ nghĩa dân túy, phải hạn chế tối đa "đất sống" của chủ nghĩa dân túy và cần lưu ý một số vấn đề sau :

Một là, phải nhận diện và cảnh giác với những biểu hiện của chủ nghĩa dân túy trong đời sống chính trị Việt Nam. Có thể đánh giá, ở Việt Nam đã có những biểu hiện bước đầu của phát ngôn, lời nói, hành động mang tính dân túy. Ta dễ dàng nhận thấy những biểu hiện này qua các phát ngôn theo kiểu "nói cho sướng miệng", không đúng chủ trương, đường lối, nguyên tắc của Đảng, bỏ qua những quy định pháp lý, thiếu tính khả thi, vượt quá hoặc không đúng thẩm quyền của một vài cá nhân được sự tung hô của những tờ báo non nớt về chính trị, của một vài "thủ lĩnh" trên mạng xã hội, thu hút được quan tâm của quần chúng vì "lạ khẩu vị". Thực tế ấy đã được Nghị quyết Đại hội XII của Đảng chỉ rõ : "Đã xuất hiện những việc làm và phát ngôn vô nguyên tắc, trái với cương lĩnh, đường lối, điều lệ Đảng ở một số cán bộ, đảng viên (10). Nó rất gần với những gì đã và đang xảy ra trên thế giới, ở chỗ những phát ngôn, lời nói và hành động mang tính dân túy đã nhất thời lấy được lòng dân vì những cá nhân này đã biết khai thác tâm lý chán ngán của người dân về hình ảnh mô phạm, nhàm chán của các chính trị gia chính thống, "sử dụng thứ ngôn ngữ mạnh mẽ, cực đoan nhưng dễ hiểu với đa số mọi người, hứa hẹn về quyền lợi cho số đông, thổi bùng ý niệm về sự xung đột lợi ích giữa các nhóm đa số và thiểu số…" (11). Ở một khía cạnh khác, những cá nhân, những con người hành xử theo hướng dân túy như đã nói ở trên cũng đã thu được những kết quả, trở thành "nhân vật của truyền thông", thậm chí đã từng đạt đến vị trí cao trong nấc thang quyền lực. Công bằng mà nói họ cũng là những người có sức thu hút cá nhân, "hoạt ngôn", tranh thủ được không ít người bằng kiểu hành xử "của người phúc ta" và biết cách "đầu tư" xây dựng các tờ báo, phóng viên "thân hữu", các cây bút mạng có ảnh hưởng. Họ biết "chọn thời điểm để tỏa sáng, thường là những lúc người dân trong xã hội phải đối mặt với những khó khăn trở ngại trong cuộc sống do suy thoái kinh tế, bất ổn an ninh" (12).

Hai là, thực tế trên thế giới cũng cho thấy, sở dĩ người dân tin và đi theo phong trào dân túy hay ủng hộ các nhân vật dân túy cũng vì phần lớn là do sự điều hành kém hiệu quả của chính quyền trong giải quyết những bất bình và bức xúc của người dân, từ đó họ mong muốn có những người đại diện cho công quyền kiểu khác, thậm chí là một chính quyền khác mạnh mẽ và hiệu quả hơn, hiểu họ hơn. Có như vậy, may ra những nguyện vọng và mong ước của người dân mới được đáp ứng. Báo cáo Chính trị tại Đại hội XII của Đảng yêu cầu : "Hoàn thiện thể chế hành chính dân chủ-pháp quyền, quy định trách nhiệm và cơ chế giải trình của cơ quan nhà nước ; giảm mạnh, bãi bỏ những thủ tục hành chính gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Đề cao đạo đức công vụ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo và thực thi công vụ" (13). Chính vì vậy, các cơ quan công quyền từ Trung ương đến địa phương phải hết sức có trách nhiệm tìm hiểu và hành động để giải quyết hiệu quả những vấn đề bức xúc, những nguyện vọng, lợi ích chính đáng và hợp pháp của nhân dân. Hành động của bộ máy cơ quan công quyền các cấp và của mọi cán bộ, công chức thực thi công vụ phải thực sự vì lợi ích chung, vì lợi ích chính đáng của nhân dân và dân tộc, để hành động theo đúng chỉ dạy của Bác Hồ : "Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm" ; không chỉ và không thể chỉ vì lợi ích trước mắt, chỉ vì danh lợi cá nhân, chỉ vì tương hợp với "lợi ích nhóm" của mình, đi ngược lại lợi ích của nhân dân, của dân tộc.

Ba là, tiếp tục kiên định thực hiện một cách chủ động, linh hoạt và sáng tạo chiến lược đối ngoại trong hội nhập quốc tế, với nguyên tắc bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia-dân tộc theo phương châm "hội nhập là quá trình vừa hợp tác, vừa đấu tranh, chủ động dự báo, xử lý linh hoạt mọi tình huống, không để rơi vào thế bị động, đối đầu, bất lợi" (14). Điều cần nhấn mạnh là, không chỉ vì quá cảnh giác với chủ nghĩa dân túy mà chúng ta lại tự cô lập, đứng ngoài "cuộc chơi" của thế giới. Song, cũng không phải chỉ vì muốn quan hệ và "làm ăn" mà phải luôn "làm theo đám đông", mà phải chấp nhận, đánh đổi tất cả, và qua đó để cho chủ nghĩa dân túy có điều kiện xâm nhập và nảy sinh ở Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, các kênh đối ngoại và các hoạt động đối ngoại phải hết sức tỉnh táo, bình tĩnh, chủ động và mềm dẻo để Việt Nam không bị cô lập với thế giới, không bị lệ thuộc vào thế giới và cũng không bị tác động tiêu cực bởi "chủ nghĩa dân túy".

Bốn là, tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.

Yêu cầu, nhiệm vụ nặng nề của thời kỳ phát triển mới, đòi hỏi chúng ta phải đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà trung tâm là đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Đây là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn với Đảng và chế độ ta, là một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm của cả nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng.

Như chúng ta biết, tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, sự xuống cấp về đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, tệ tham nhũng, quan liêu, lợi ích nhóm, đã và đang làm tổn thương lòng tự trọng, danh dự và cũng đòi hỏi, thôi thúc hành động của những đảng viên chân chính, tâm huyết với sự nghiệp cách mạng của Đảng. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa XII của Đảng đã nhận diện 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Trong các biểu hiện ấy, có biểu hiện manh nha của chủ nghĩa dân túy, có biểu hiện là "cơ hội" cho dân túy bộc phát, lên ngôi. Vì vậy, cần nhận thức rõ rằng, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ là "cuộc chiến đầy cam go, nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến vận mệnh của Đảng ta và chế độ ta" (15).

Nắm vững và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh, những kinh nghiệm xương máu từ truyền thống lãnh đạo cách mạng của Đảng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tuyên truyền, giáo dục trong toàn hệ thống chính trị, tạo chuyển biến về chất trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên tự soi mình, tự sửa đổi lối làm việc, khép mình vào kỷ luật của Đảng, nói và làm theo cương lĩnh, điều lệ, nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước, góp phần bồi đắp niềm tin của nhân dân về một Đảng là hiện thân của giá trị "đạo đức, văn minh".

Năm là, phải tuyên truyền rộng rãi cho nhân dân thấy rõ những biểu hiện, nguy cơ và tác hại của chủ nghĩa dân túy. Trong nhiều trường hợp, người dân không thể phân biệt được đâu là người theo hay không theo chủ nghĩa dân túy, dễ nhầm lẫn giữa người vô nguyên tắc, vô chính phủ với người mạnh mẽ đổi mới. Trong khi đó, sự cổ xúy từ những cây bút có chủ ý hoặc do non nớt về chính trị của một số tờ báo và một số trang mạng xã hội sẽ đem đến sự nhầm lẫn trong đánh giá. Ngay từ bây giờ, cả hệ thống chính trị và mỗi công dân cần nhận thức rõ, biết cảnh giác và phải từng bước đấu tranh với những biểu hiện của chủ nghĩa dân túy dưới mọi màu sắc.

Đấu tranh ngăn ngừa và chống chủ nghĩa dân túy xâm nhập là một quá trình bền bỉ, dài lâu, gắn bó mật thiết với công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, là một phần rất quan trọng của đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng. Phải kiên trì làm công tác tư tưởng, đề cao sự phòng ngừa. Điều này đòi hỏi sự tất yếu và cấp bách phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, sự vào cuộc của báo chí, truyền thông và sự tham gia tích cực của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Võ Văn Thưởng

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng,

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương

-------------------------------------

(1) Dẫn theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

(2) Michael Kazin : Trump và chủ nghĩa dân túy Hoa Kỳ, 1-2/2017

(3) Frank Decker (2004) : Der neue Rechtspopulismus, Opladen, Leske+Budrich, 2. Auflage, S33 (dẫn lại theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)

(4) Dẫn theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

(5) Dẫn theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

(6) Khi chủ nghĩa dân túy lên ngôi : http://baotintuc.vn, thứ sáu, ngày 27/1/2017

(7) Đảng cộng sản Việt Nam : Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.169

(8) Đảng cộng sản Việt Nam : Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.168

(9) Đảng cộng sản Việt Nam : Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.133

(10) Đảng cộng sản Việt Nam : Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.195

(11) 2016 - Năm dân túy, ngaynay.vn ngày 5/1/2017

(12) 2016 - Năm dân túy, ngaynay.vn ngày 5/1/2017

(13) Đảng cộng sản Việt Nam : Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.178

(14) Đảng cộng sản Việt Nam : Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.155

(15) Trích phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Cán bộ toàn quốc phổ biến, quán triệt Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII, tháng 12/2016

Published in Quan điểm

"Dối trá và lừa lọc là hành động của kẻ ngu xuẩn, là những kẻ không có đủ trí óc để trung thực"

Benjamin Franklin

Người Việt thường dùng câu thành ngữ "Lo bò trắng răng", hoặc "Lo bò trống răng" để nhắc nhở người khác đừng lo lắng chuyện hảo huyền, viển vông không có khả năng xảy ra. Nay tôi cũng mượn câu thành ngữ này để trấn an Trưởng ban tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng về nỗi lo "chủ nghĩa dân túy" sẽ "xuất hiện ở Việt Nam".

dantuy1

Ông Võ Văn Thưởng (giữa) nhận quyết định làm Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương chiều 5/2/2016 - Ảnh : Thuận Thắng

Tôi không nhịn được cười khi bắt gặp sự hoang tưởng pha lẫn với ấu trĩ trong bài "Chủ nghĩa dân túy và những cảnh báo đối với Việt Nam" của Võ Văn Thưởng, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.

Thú thực, tôi không có ý định đọc bài này bởi phản xạ hình thành sau gần 20 năm bị tẩy não : "không quan tâm" các bài viết sặc mùi tuyên truyền dối trá của ban tuyên giáo. Tôi nghĩ không chỉ riêng tôi mà còn rất nhiều anh chị khác nữa cũng chọn thái độ mặc kệ và khinh bỉ khi nhìn thấy những bài viết mị dân của ban tuyên giáo. Bản chất dối trá và bịp bợm của chế độ đã bị vạch trần sau hơn 70 năm đảng cộng sản độc tài lãnh đạo đất nước. Tuy nhiên, tôi tự thuyết phục mình hãy kiên nhẫn đọc lướt qua bài của Thưởng, để xem kiến thức cũng như trình độ lý luận của trưởng ban tuyên giáo tầm cỡ đến đâu. 

Võ Văn Thưởng viết "Chủ nghĩa dân túy và những cảnh báo đối với Việt Nam" là nhằm "phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn các biểu hiện dân túy ở nước ta hiện nay". Tuy nhiên, tôi thiết nghĩ động cơ chính của Thưởng không phải như thế, nhưng là "vạch áo cho người xem lưng", cốt để mọi người thấy được sự dối trá và lừa bịp của ban tuyên giáo. Vì sao tôi lại nghĩ như thế ?

Thưa, bởi chính Võ Văn Thưởng đã tự tố cáo và phơi bày điều đó. Võ Văn Thưởng trích dẫn nhận xét của các nhà phân tích chính trị rằng : "Có một cơ hội rất thực rằng sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy có thể trở thành hiện tượng chính trị quyết định trong thập kỷ tới, không chỉ ở Mỹ hay châu Âu mà ở khắp các nền dân chủ phát triển". Sau đó, Võ Văn Thưởng kết luận : "Liệu chủ nghĩa dân túy có xuất hiện ở Việt Nam khi mà trên thế giới nguy cơ của nó đang hiện hữu và có xu hướng mở rộng ? Câu trả lời là : Không có gì là không thể". 

Rõ ràng, Võ Văn Thưởng đã tự vạch trần sự ấu trĩ, ngụy biện và bản chất dối trá của ban tuyên giáo và chính bản thân mình bằng những lập luận trên. 

Thứ nhất, Võ Văn Thưởng hoặc không hiểu thế nào là chủ nghĩa dân túy hoặc "mập mờ, đánh lận con đen". Từ "chủ nghĩa dân túy" bắt nguồn từ chữ Latin "populus", có nghĩa là "nhân dân", và có sự liên hệ chặt chẽ với thể chế dân chủ. Các nhà khoa học chính trị đã đồng thuận với nhau rằng nơi đâu có dân chủ, thì ở đó có thể sẽ có chủ nghĩa dân túy. 

Chủ nghĩa dân túy (populism) giản dị là một khuynh hướng chính trị, trong đó các nguyên thủ quốc gia thường tấn công các định chế và chuẩn mực dân chủ, bao gồm tấn công tự do báo chí, độc lập tư pháp và mị dân rằng hệ thống chính trị hiện tại yếu kém, thiếu minh bạch và các chính trị gia quyền thế (the elites) đã bỏ quên nhân dân (the people) để họ phải sống trong thất vọng và kinh tế khó khăn. Và chỉ có những lãnh đạo mạnh mẽ (strongman) như họ mới có thể giải thoát người dân khỏi thực trạng chính trị tệ hại này. Sở dĩ mà người dân ở các quốc gia dân chủ đang nỗ lực tố cáo và lên án sự nguy hiểm của chủ nghĩa dân túy là vì họ quý trọng dân chủ và muốn bảo vệ dân chủ khỏi sự độc hại và mị dân của các nhà lãnh đạo dân túy.

Hoặc Võ Văn Thưởng đang bị hoang tưởng, hoặc trí nhớ suy giảm nghiêm trọng khi quên rằng Việt Nam vẫn đang là một đất nước độc đảng, nghĩa là ngoài đảng cộng sản ra, không một tổ chức chính trị đối lập nào được phép hình thành và hoạt động. Trong khi, chủ nghĩa dân túy chỉ có thể trỗi dậy ở những quốc gia đã thiết lập và vận hành thể chế dân chủ, thì Việt Nam – một đất nước độc tài toàn trị, có gì để lo ngại với chủ nghĩa dân túy ? 

Sự xuất hiện và trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy thường gắn liền với khủng hoảng của hệ thống dân chủ và sự bất mãn đối với những nhà lãnh đạo được bầu chọn : người dân cảm thấy lợi ích của họ đã bị tầng lớp quyền thế bỏ rơi. Còn chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam thì sao ? Từ lúc nắm quyền năm 1945 cho đến nay, đảng cộng sản chưa một lần đặt lợi ích dân tộc lên trên sự tồn vong của chế độ. Đảng cộng sản – một tổ chức không có tính chính đáng, thiếu tính chính danh, lại càng không chính nghĩa – xem đại đa số người dân là nô lệ, phục tùng cho quyền lợi của chế độ, thì còn ác độc và vô đạo đức hơn lãnh đạo dân túy. Thật nực cười và không khỏi tức giận khi nghe một băng cướp vừa giết người không gớm tay, vừa "nói láo như vẹm" (lãnh đạo cộng sản) lên giọng phê bình những kẻ đang tập tành dối trá (lãnh đạo dân túy). 

Thứ hai, nếu xét về mức độ nguy hiểm, khủng khiếp và kinh hoàng có thể gây ra với một quốc gia, thì chủ nghĩa dân túy chẳng là gì so với chủ nghĩa cộng sản, được đánh giá là thứ chủ nghĩa độc ác và dã man nhất trong lịch sử nhân loại. Chủ nghĩa dân túy chỉ là một tên trộm đang tập tành lừa lọc để chiếm đoạt niềm tin của người dân ; trong khi chủ nghĩa cộng sản đã được chứng thực là một băng đảng tàn bạo chuyên thảm sát hàng loạt và lừa bịp, nhằm đe dọa người dân, làm tê liệt sự kháng cự, và cướp đoạt những quyền tự do tối thiểu nhất của con người. 

Thế kỉ đẫm máu của chủ nghĩa cộng sản đã giết chết hơn 65 triệu người ở Trung Quốc, hơn 20 triệu người ở Liên bang Soviet, khoảng 2 triệu người ở Bắc Hàn, hơn 1 triệu người ở Việt Nam, hàng trăm ngàn người ở Cuba, và ít nhất 1,5 triệu người ở Campuchia. Chưa dừng lại ở đó, chế độ cộng sản sử dụng mọi thủ đoạn đê hèn và bịp bợm của bạo lực để cưỡng ép và biến người dân thành nô lệ. Những nước tôn thờ chủ nghĩa cộng sản như, Liên bang Soviet, Cuba, Trung Quốc, Bắc Hàn và Việt Nam đều chia sẻ những mẫu số chung : đói nghèo, khóc than, tha hóa đạo đức, vô pháp và đầy dẫy bất công. 

Thế giới lên án sự tàn ác của chủ nghĩa phát xít Đức của Hitler vì đã tàn sát dã man hàng triệu người Do Thái. Trong thực tế, Đức quốc xã của Hitler thảm sát người Do Thái và rất ít giết hại chính người Đức vì sự căm thù, có phần sợ hãi của Hitler đối với người Do Thái. Ngược lại, các lãnh đạo cộng sản thì lại tàn sát chủ yếu chính đồng bào của họ ngay trên đất nước mà họ đang cai trị chỉ vì những người này dám bày tỏ thái độ khinh ghét chủ nghĩa cộng sản. Rõ ràng, không một thứ chủ nghĩa nào vượt qua chủ nghĩa cộng sản về mức độ man rợ và tàn ác.

Cuối cùng, một điểm gần giống nhứt giữa chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa cộng sản, đó là nạn sùng bái cá nhân và mị dân. Theo giáo sư khoa học chính trị Francis Fukuyama, các nhà lãnh đạo dân túy có khuynh hướng sùng bái cá nhân, tuyên bố họ được giao sứ mệnh nắm giữ quyền lực. Tương tự, để duy trì quyền lực cai trị, đảng cộng sản cũng tạo ra nạn sùng bái cá nhân xung quanh Hồ Chí Minh, xem nó là một công cụ hữu ích giúp đảng cộng sản dập tắt sự chỉ trích và phản đối của người dân đối với chế độ. 

Lịch sử nhân loại đã chứng minh bậc thầy của tuyên truyền dối trá chính là những người cộng sản. Nên nhớ, chỉ ở những nước cộng sản mới có "ban tuyên giáo" với lực lượng đông đảo, có nhiệm vụ duy nhất là sản suất những thông tin sai lệch, lừa đảo và bịp bợm nhằm mị dân. Để có cái nhìn công tâm về chính sách tẩy não của đảng cộng sản, hãy đọc lời nhận xét trung thực của Trung tướng Trần Độ, nguyên ủy viên trung ương đảng kiêm phó chủ tịch quốc hội :

"Bộ máy cai trị bây giờ ngày đêm chỉ lo xây dựng bộ máy tuyên truyền, lo cổ động rầm rộ, dùng những "lưỡi gỗ" xây dựng và truyền lan các thứ "lý luận" "nói lấy được", dùng mọi thủ đoạn lừa bịp, dối trá, nguỵ biện để nhằm một mục đích duy nhất là duy trì và giữ vững bộ máy cai trị mà họ gọi là "sự lãnh đạo của Đảng"

(trích Nhật Ký Rồng Rắn).

Thay lời kết

Tại các quốc gia dân chủ đang lo ngại với các lãnh đạo dân túy, người dân vẫn được bảo đảm những quyền tự do căn bản nhất : quyền tự do ngôn luận và quyền tự do lập hội. Họ vẫn tự do lên tiếng phê bình, chỉ trích và thành lập các lực lượng phản đối lãnh đạo dân túy. Ngược lại, đại đa số người dân Việt Nam vẫn đang bị đảng cộng sản cướp đoạt những quyền tự do căn bản nhất. Chủ nghĩa dân túy như là một bình mực bẩn, gây ô nhiễm một hồ nước trong lành – thể chế dân chủ. Còn chủ nghĩa cộng sản như là một hồ nước đen đầy chất độc, bẩn. Lo lắng một bình mực bẩn gây ảnh hưởng cho một hồ nước bẩn thỉu, đen như mực, thì chỉ có thể hoang tưởng hoặc thần kinh mà thôi.

Là người đứng đầu bộ máy tuyên truyền, Võ Văn Thưởng dư khả năng hiểu rằng đảng cộng sản Việt Nam đã "hết thời" lừa lọc và bịp bợm.

Tổng thống Abraham Lincoln đã nói : "Anh có thể lừa dối một số người trong mọi lúc, và lừa dối mọi người trong vài lúc, nhưng anh không thể mãi mãi lừa dối tất cả mọi người".

Nếu nghi ngờ nhận định của tôi, Võ Văn Thưởng hãy tổ chức một cuộc thăm dò công bằng và minh bạch toàn quốc, về niềm tin của người dân đối với ban tuyên giáo và đảng cộng sản, để thấy rõ niềm tin của nhân dân Việt Nam đối với chế độ đã cạn kiệt như thế nào. 

Cố Trung tướng Trần Độ, một quan chức cộng sản cao cấp, còn ngao ngán, bất mãn trước bản chất gian dối của chế độ :

"Nói thì "dân chủ, vì dân" mà làm thì chuyên chính phát xít. Cái đặc điểm đó cũng có nghĩa là nói dối, nói láo, lừa bịp, trò hề "nói vậy mà không phải vậy". Suốt ngày đóng trò, cả năm đóng trò, ở đâu cũng thấy các vai hề, ở đâu cũng thấy các trò lừa bịp. Suốt ngày đêm, suốt năm tháng cũng lúc nào cũng chỉ nghe thấy những lời nói dối, nói lừa.

Chế độ này bắt mọi người phải đóng trò, bắt tất cả trẻ con phải đóng trò, bắt nhiều người già phải đóng trò. Đặc điểm này đã góp phần quyết định vào việc tạo ra và hình thành một xã hội dối lừa : lãnh đạo dối lừa, Đảng dối lừa, cán bộ dối lừa, làm ăn giả dối, giáo dục dối lừa, bằng cấp giả dối, đến gia đình cũng lừa dối, lễ hội lừa dối, tung hô lừa dối, hứa hẹn lừa dối. Ôi, cay đắng thay !"

(trích Nhật Ký Rồng Rắn).

Suy cho cùng, mức độ mị dân và ác độc của các nhà lãnh đạo dân túy vẫn còn thua xa so với lãnh đạo cộng sản. Là người đứng đầu ban tuyên giáo – chuyên chà đạp sự thật và định hướng dư luận, Võ Văn Thưởng biết và hiểu sự thật hiển nhiên này hơn bất kỳ ai.

Đáng lý ra, thay vì hoang tưởng cảnh báo nguy cơ dân túy ở Việt Nam, Võ Văn Thưởng phải hét lên cảnh báo đảng cộng sản về sự thần phục đớn hèn "quỳ gối cúi đầu" và lệ thuộc quá đáng trước Trung Quốc. 

Chế độ cộng sản mà Võ Văn Thưởng đang ra sức phục vụ và bảo vệ là một tai họa kéo dài đối với nhân dân : độc ác, dối trá, và tham nhũng. Tai họa khốn khổ này đã khiến người dân cảm thấy chán chường, vô vọng và cuối cùng xem tổ quốc Việt Nam là một gánh nặng, thay là một tình cảm gắn bó, thiêng liêng. Ý niệm quốc gia dân tộc dường như đang thoi thóp trong lòng nhiều người. Võ Văn Thưởng hãy chấm dứt "lo bò trắng răng", để cảnh báo những hiểm họa nghiêm trọng này với đồng đảng. 

Trên hết, thay vì "phỉnh chúng, lừa đời", "ngăn chặn các biểu hiện dân túy ở nước ta hiện nay", Võ Văn Thưởng cần phải dũng cảm cảnh báo chóp bu đảng là chế độ cộng sản đã thất bại trên mọi phương diện, yêu cầu đảng giải thể, dân chủ hóa đất nước, và tổ chức các cuộc bầu cử tự do, công bằng với sự tham gia của các chính đảng đối lập. Một Việt Nam dân chủ đa nguyên thực sự, dựa trên lòng yêu nước và tinh thần hòa giải & hòa hợp dân tộc, sẽ là nền tảng quan trọnghạn chế sự hồi sinh của các khuynh hướng chính trị mị dân và chuyên chế.

"Dictatorships foster oppression, dictatorships foster servitude, dictatorships foster cruelty ; more abominable is the fact that they foster idiocy"

(Các chế độ độc tài ấp ủ sự phản kháng, nuôi dưỡng nô lệ, sự tàn bạo ; nhưng ghê tởm hơn là chúng nuôi dưỡng sự ngu dốt)

Jorge Luis Borges

 

Mai V. Phạm

(23/05/2018)

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

"Chung Một Giấc Mơ Việt Nam"

Tham khảo :

Francis Fukuyama, Tại sao chủ nghĩa dân túy trỗi dậy vào lúc này

Published in Quan điểm

Bảy tháng trước đây tại Diễn đàn Davos, điểm hẹn của giới tinh hoa trên thế giới, rộ lên những lời tiên đoán về hồi kết của mô hình toàn cầu hóa. Ông Donald Trump đánh dấu việc bước vào Nhà Trắng bằng một bài diễn văn gay gắt. Và tại Châu Âu, nơi mà Anh quốc đã quyết định ly dị với Châu lục này, "nền dân chủ tự do" dường như phải hạ vũ khí trước sự tấn công ồ ạt của các phong trào dân tộc chủ nghĩa và dân túy. Nhưng theo Le Monde, bây giờ tâm trạng đã thay đổi hẳn.

dantuy1

Đã từ rất lâu mới có một ứng cử viên tổng thống tranh cử với lá cờ EU bên cạnh quốc kỳ : ông Emmanuel Macron. Ảnh : Reuters

Xã luận Le Monde ngày 17/06/2017 nhận xét : Washington chìm vào một sự hỗn loạn cả về hành chính lẫn chính trị, trong khi tổng thống Mỹ cố gắng áp dụng một số cải cách đã hứa trong chương trình tranh cử, một cách vất vả. Các đồng minh của ông, nếu không công khai chế giễu, như thủ tướng Úc đã nhại theo điệu bộ ông Trump trong một cuộc hội nghị, thì cũng tỏ thái độ nghi hoặc.

Ở bên kia biển Manche, cử tri Anh tặng cho thủ tướng Theresa May một đòn đích đáng. Bà May với tham vọng tăng cường phe đa số của mình để thương lượng Brexit dễ dàng hơn, nay ở thế yếu hẳn. Và tại Đông Âu, các đảng dân túy không ngừng xuống dốc. Từ bảy tháng qua, các đảng này không ngừng thụt lùi trong các cuộc bầu cử, tại các nước trong khu vực.

Phát súng lệnh đầu tiên được bắn đi từ Áo hồi tháng 12/2016, với sự thất bại của ứng cử viên cực hữu trong cuộc bầu cử tổng thống. Rồi đến đảng Vì độc lập Anh quốc (UKIP) bị bốc hơi, không còn lý do tồn tại sau vụ Brexit ở Anh. Tại Đức, sau khi gây nhiều sợ hãi, đảng Giải pháp khác cho nước Đức (AfD) không chống chọi nổi với cỗ xe tăng Angela Merkel.

Tháng 3/2017 tại Hà Lan, đảng Tự do Dân chủ Nhân dân (PVV) của chính khách tai tiếng Geert Wilders không đạt được sự đột phá như mong đợi. Ở Phần Lan, đảng dân túy True Finns (Những người Phần Lan gốc) trở nên quá cực đoan, đã phải rời chính phủ và sau đó bị tan rã.

Nước Pháp, vốn là nơi tập trung mọi quan ngại, đã gây choáng váng khi một khuôn mặt mới toanh là Emmanuel Macron, thắng lớn trước đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN). Người ta thấy rõ chủ tịch đảng này, bà Marine Le Pen không có được tầm vóc của một ứng cử viên tổng thống, và điều đó đã được chứng tỏ trong cuộc tranh luận ở vòng hai. Làn sóng Macron đã nhấn chìm các phe dân túy, cả tả lẫn hữu. Cùng lúc đó ở bên Ý, phong trào 5 Sao của diễn viên hề Beppe Grillo thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử địa phương.

Làm thế nào giải thích một sự đổi chiều như thế ? Giáo sư người Hà Lan Cas Mudde, một trong những chuyên gia về chủ nghĩa dân túy Châu Âu, trước hết nghĩ rằng hiện tượng này đã được truyền thông và giới chính trị thổi phồng. Ông nói với Le Monde : "Rõ ràng là Wilders (Hà Lan) không đủ số ghế để lập chính phủ, và Le Pen (Pháp) không thể thắng nổi trong cuộc bầu cử tổng thống". Ông cho rằng nỗi sợ bóng ma cực hữu, dân túy chỉ là sợ bóng sợ gió.

Giả thiết này có vẻ khả tín, nhưng Le Monde cho là giải thích như thế e rằng chưa đủ. Tờ báo tìm đến một chuyên gia khác, ông Takis Pappa người Hy Lạp, của Central European University ở Budapest. Chuyên gia này nhận ra rằng mỗi khi một đảng dân túy phải đối mặt với một lực lượng chính trị có những đề xướng thực sự mang tính cải cách, chặt chẽ và có trách nhiệm, thì phái mị dân không thể địch nổi.

Ông Takis Pappa nói : "Macron đã đánh bại cực hữu khi bênh vực quan điểm một nước Pháp cởi mở, đa văn hóa, thân Châu Âu", còn tại Hà Lan, các đảng cánh trung và ủng hộ Châu Âu cũng lên ngôi. Theo ông, thay vì bắt chước các chủ đề của phe dân túy, tốt nhất nên đối đầu với phe này, chiến đấu với phe chủ bại bằng một tầm nhìn tích cực.

Một yếu tố khác, có lẽ nằm trong công trình nghiên cứu dư luận mà Pew Research Center vừa công bố ở Hoa Kỳ. Liên hiệp Châu Âu (EU) năm 2017 đã lại có được sự tín nhiệm cao độ của dư luận các nước thành viên – trừ Hy Lạp – đặc biệt là tại Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Hà Lan… và thậm chí tại Anh, nơi mà 54% cử tri có cái nhìn tích cực về EU. Khuynh hướng này đặc biệt thấy rõ nơi giới trẻ, vốn lớn lên với các dự án Châu Âu. Le Monde cho rằng bà Marine Le Pen đã phải trả giá để phát hiện ra sự gắn bó này.

Vụ Brexit, tức Anh quốc ra khỏi EU, gây ra những tác động gì với các nước khác ? Bruxelles lúc đó đã từng hết sức lo ngại hiệu ứng dây chuyền. Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump cũng đã từng thích thú đặt câu hỏi với các đối tác Châu Âu, là "sắp tới nước nào sẽ theo chân Anh quốc" ?.

Nhưng Donald Trump chính là một lực đẩy khác. Khó thể mơ được một sự phản tuyên truyền nào đáng giá hơn thế cho phe dân túy. Nhà thống kê học Mỹ Nate Silver ghi nhận trên blog FiveThirtyEight, là các chính trị gia Châu Âu mị dân, hoặc các lãnh đạo hiếm hoi như bà Theresa May, càng bày tỏ cảm tình với tổng thống Mỹ, thì họ càng dễ bị thất cử. Công thức Brexit + Trump = xui xẻo tại các nước nói tiếng Anh hiện nay.

Tuy vậy chủ nghĩa dân túy không phải đang thất bại ở mọi nơi. Chuyên gia Takis Pappas phân biệt các đảng tạm gọi là dân túy "bẩm sinh" (dân tộc chủ nghĩa, chống nhập cư, chống EU) với các đảng dân túy có quan điểm rộng hơn, bác bỏ chủ nghĩa tự do chính trị và chủ trương "dân chủ phi tự do". Các đảng dân túy này đang nắm quyền ở Hungary, Ba Lan, Hoa Kỳ và nếu cần thiết vẫn tấn công vào lực lượng phản biện như tư pháp độc lập, truyền thông, các tổ chức phi chính phủ.

Giáo sư Cas Mudde nhấn mạnh một đặc thù khác của các phong trào này. Khác xa với sự khởi đầu của các đảng chống hệ thống như Mặt trận Quốc gia ở Pháp hay 5 Sao ở Ý, họ đã kiểm soát được các đảng bảo thủ. Tại Hoa Kỳ, Donald Trump đã thành công trong việc trở thành ứng cử viên chính thức của đảng Cộng Hòa.

Tây Âu vốn ít có tình trạng bất bình đẳng hơn so với Hoa Kỳ và Anh quốc, và cắm rễ vững chắc vào nền dân chủ, hơn hẳn so với Trung Âu hậu cộng sản, nên khu vực này đã chứng tỏ sức chống đỡ trước mối đe dọa của chủ nghĩa dân túy. Điều đó liệu có nghĩa là mối nguy hiểm đã rời xa ?

Câu trả lời của Le Monde : Chắc chắn là không ! Bây giờ đến lượt các lãnh đạo Châu Âu đã thắng cử vẻ vang, phải gánh lấy trách nhiệm ngăn chận làn sóng dân tuy, và chứng tỏ rằng họ đã hiểu thấu lời cảnh báo.

Thụy My

Nguồn : RFI, 21/08/2017

Published in Diễn đàn