Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

15/05/2020

Đấu tranh chính trị là gì ?

Việt Hoàng

Người Việt thông minh, chịu khó, có thể học hỏi rất nhanh và thành công trong mọi lĩnh vực trừ một lĩnh vực đó là đấu tranh chính trị. Sau bao nhiêu hy sinh và cố gắng mà đến giờ Việt Nam vẫn chưa có dân chủ là vì chúng ta vẫn chưa hiểu rõ và hiểu đúng về "đấu tranh chính trị". Anh em Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã dành nhiều thời gian nghiên cứu để tìm câu trả lời vì sao Việt Nam vẫn chưa có dân chủ. Kết luận của chúng tôi là trí thức Việt Nam chưa hiểu và chưa biết thế nào là đấu tranh chính trị.

Đầu tiên xin được minh định một điều là những nhân sĩ mà Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên nhắc đến là những người có tham vọng chính trị, có mong muốn trở thành những chính trị gia hoặc tham gia vào bộ máy chính quyền hậu cộng sản. Còn những người chỉ lên tiếng vì lương tâm thì chúng tôi lúc nào cũng tôn trọng và xem họ như những đồng minh quí báu trong công cuộc dân chủ hóa đất nước. Thêm nữa, một tiến sĩ nghiên cứu về chính trị mà không tranh đấu thì cũng chỉ là một học giả quần chúng.

chinhtri1

Đấu tranh chính trị luôn là đấu tranh có tổ chức

Trong đấu tranh chính trị có một đặc điểm quan trọng là "phải đấu tranh có tổ chức". Tuy nhiên nhìn vào thực tại Việt Nam chúng ta có thể thấy là các tổ chức chính trị rất ít và hầu như chỉ có đấu tranh cá nhân (nhân sĩ). Vậy đấu tranh cá nhân có phải là đấu tranh chính trị không ? Theo quan điểm của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên thì đó không phải là đấu tranh chính trị. Vậy gọi là gì ? Có lẽ nên gọi họ là "những tiếng nói của lương tâm". Họ là những người thấy bất công thì lên tiếng phản đối chứ không hẳn vì theo đuổi một lý tưởng.

Nhân sĩ là những người có hiểu biết, bản tính tốt vì thế không thể chấp nhận một xã hội bất công và vô lý như hiện nay. Nhiều người trong số họ không có tham vọng chính trị. Có người cho rằng sau này khi đất nước có dân chủ thì họ sẽ rút lui và sống một cuộc đời bình thường…

Việc họ "lên tiếng" vì tức giận, phẫn nộ trước những bất công, sai trái và xấu xa do chính quyền gây ra là hoàn toàn chính đáng nhưng đó không phải là tất cả. Tranh đấu trong chính trị không chỉ mỗi phản đối cái xấu, cái tồi tệ mà còn phải thiết lập và tạo ra cái đúng, cái đẹp, cái tốt… tức là phải chiến thắng để thay đổi xã hội.

chinhtri2

Tranh đấu là để chiến thắng và thay đổi xã hội

Nhiều người hoạt động hiện nay ngộ nhận giữa tranh đấu chính trị và lên tiếng vì lương tâm. Vì sao ? Câu trả lời cũng giản dị. Trong suốt dòng lịch sử, Việt Nam chưa từng có dân chủ cho nên người Việt Nam chưa biết thế nào là đấu tranh chính trị. Họ tưởng lên tiếng phản đối chế độ là đấu tranh chính trị. Hoàn toàn không phải như vậy.

Một ngộ nhận lớn nữa của các nhân sĩ là họ cho rằng việc lên tiếng chỉ trích chế độ có tác dụng "khai dân trí". Họ tin khi người dân hiểu được vấn đề thì sẽ đứng dậy làm một cuộc cách mạng. Không có gì đảm bảo cho điều đó cả. Phan Chu Trinh đã khởi xướng công cuộc "khai dân trí" từ hơn 100 năm trước và đến bây giờ "dân trí" vẫn thấp và vẫn chưa có cuộc cách mạng dân chủ nào. Sự thực là người dân đã quá hiểu rõ chế độ này rồi chứ không cần các nhân sĩ chỉ cho họ nữa. Không tin cứ hỏi bà Loan, mẹ của tử tù Hồ Duy Hải và hàng triệu dân oan xem họ nhận xét thế nào về chế độ cộng sản ? Họ hiểu bản chất của chế độ nhưng thay đổi chế độ chắc chắn không phải việc của họ vì họ không có khả năng đó.

Những người tranh đấu vì lý tưởng hoàn toàn khác, họ dễ dàng tham gia vào một tổ chức và đấu tranh trong khuôn khổ của tổ chức. Gọi họ là những nhà cách mạng cũng đúng. Họ tranh đấu để chiến thắng chứ không phải vì danh tiếng. Cách mạng là thay đổi toàn diện và triệt để thể chế chính trị hiện tại bằng một thể chế mới, tiến bộ và văn minh hơn. Người có lý tưởng là người sẵn sàng chấp nhận dấn thân đến cùng cho mục đích của mình. Làm chính trị cũng gần giống với đi tu, phải hy sinh những ham muốn, đam mê đời thường để dành thời gian và mọi cố gắng cho lý tưởng của đời mình.

chinhtri3

100 năm sau phong trào "khai dân trí" do Phan Châu Trinh khởi xướng thì dân trí người Việt vẫn thấp ?

Ông Hồ và những người cộng sản thế hệ đầu tiên là những người có lý tưởng (dù sai). Khi ông Hồ đọc được bản "Luận cương của Lênin về dân tộc và thuộc địa" thì đã sướng đến phát khóc và kêu lên : "Đây rồi, đây rồi". Hiện tại có bao nhiêu người đọc được một tài liệu hay mà có cảm giác sung sướng như vậy ? Có bao nhiêu người sẵn sàng dấn thân đến cùng cho lý tưởng dân chủ ?

Cuộc cách mạng dân chủ hóa đất nước là một mục tiêu, một lý tưởng quá lớn và quá khó chính vì thế những người tranh đấu thực sự phải tìm đến những người có cùng chí hướng và phải kết hợp với nhau trong một tổ chức. Thay đổi xã hội không phải là mục tiêu của các nhân sĩ nên cho dù là người tốt nhưng họ chỉ tranh đấu một mình, suốt đời và chống lại cả những người dân chủ khác có khả năng thành công hơn.

Các nhân sĩ luôn muốn thành công nhanh và sớm nổi tiếng nhưng cái giá họ phải đánh đổi rất lớn. Đầu tiên là họ sẽ mất tự do, không còn cuộc sống riêng tư và thậm chí còn bị chính quyền truy đuổi, đánh đập và bắt bớ. Các nhân sĩ sẽ bị chính quyền triệt đường sống và bị gây cản trở đủ điều. Đổi lại họ sẽ nhận được sự ủng hộ của người dân từ sự nổi tiếng của mình. Sự ủng hộ này có thể là vật chất hoặc tinh thần. Cái khó của các nhân sĩ là họ phải hâm nóng và làm mới mình thường xuyên vì quần chúng rất… nhanh quên. Đây là một áp lực rất lớn cho các nhân sĩ khiến họ không còn thời gian và ưu tư để làm những việc khác.

Văn hóa Khổng giáo khiến cho trí thức Việt Nam ngàn đời nay xem việc dấn thân tranh đấu là vì cái Danh. Nguyễn Công Trứ từng đúc kết rất rõ ràng mục tiêu của một nhân sĩ : "Đã mang tiếng ở trong trời đất, phải có Danh gì với núi sông". Với các nhân sĩ, danh tiếng là tất cả. Danh lớn hay nhỏ tùy thuộc vào khả năng từng người nhưng chỉ cần có chút danh là đủ thỏa mãn các nhân sĩ. Đa phần trí thức Việt Nam đều cố gắng học hành đỗ đạt để rồi phục vụ cho một chính quyền. Việc chính quyền đó tốt hay xấu, tử tế hay hung bạo, lương thiện hay gian trá… không phải việc của họ. Có thể họ sẽ góp ý nhưng nếu chính quyền không nghe thì họ… cũng thôi. Trí thức Khổng giáo sinh ra để phục vụ chính quyền chứ không phải để hướng dẫn và lãnh đạo quần chúng.

Một lý do khiến các hoạt động nhân sĩ sôi nổi đó là vì họ thấy cuộc đời ngắn ngủi nên muốn có thành công sớm ngay trước mắt. Họ theo đuổi các mục tiêu ngắn hạn và thực tiễn mà họ cho là phù hợp, tuy nhiên nếu đi quá xa thì họ sẽ đánh mất mình. Không ít trí thức chọn cách hợp tác với chính quyền để thay đổi từ bên trong nhưng thực tế là họ bị hòa tan bởi chính quyền.

Như vậy, các nhân sĩ, ngay cả những người tốt nhất và mạnh mẽ nhất cũng chỉ mới đi được nửa đoạn đường. Sự lên tiếng của họ chỉ có ảnh hưởng tương đối lên xã hội chứ không nhiều như họ nghĩ nhưng đã gây cho quần chúng một ngộ nhận rất lớn đó là đấu tranh chính trị không cần tổ chức mà chỉ cần tạo danh tiếng cá nhân là đủ. Fan của một nhân sĩ nổi tiếng nhất cũng chỉ bằng một phần nhỏ của một ca sĩ hay danh hài hiện nay. Không nên ảo tưởng về sự nổi tiếng và ảnh hưởng của các nhân sĩ.

Rất nhiều nhân sĩ bị chính quyền đàn áp, kết án bởi những bản án khá nặng nhưng sự thực là sự hy sinh đó không để lại một di sản nào đáng kể. Đừng lầm tưởng sự hy sinh đó với lý tưởng. Có những người mang trong mình bản chất mạnh mẽ, can đảm và cứng cỏi. Linh mục Nguyễn Văn Lý là một ví dụ. Họ đương đầu với chính quyền và chấp nhận những hy sinh. Tuy nhiên, họ cũng chỉ là những anh hùng cô đơn như Lục Vân Tiên. Họ không để lại di sản gì đáng kể cho hậu thế. Ngay cả Phan Châu Trinh cũng chỉ để lại cho hậu thế một di sản khá khiêm tốn là phương pháp "đấu tranh bất bạo động". Công cuộc "khai dân trí" của ông xem như thất bại vì 100 năm trôi qua mà dân trí về dân chủ của người Việt Nam cũng không khá lên được bao nhiêu.

Cũng nên đoạn tuyệt với phương pháp tranh đấu của Nguyễn Thái Học là "không thành công cũng thành nhân". Người có lý tưởng là làm mọi cách để "thành công". Với những người tranh đấu có lý tưởng, vì một mục tiêu cao cả, nếu không thành công trong hiện tại thì họ cũng để lại cho hậu thế một di sản đẹp và đáng giá mà các thế hệ mai sau có thể tiếp nối trong tự hào. Dù hoàn cảnh nào đi nữa thì những người tranh đấu có lý tưởng luôn có một cuộc sống, dù đạm bạc nhưng rất thoải mái và hãnh diện. Cứ nhìn vào những vị tu sĩ thì sẽ thấy được sự an nhiên, tự tại của họ.

chinhtri04

Đấu tranh chính trị luôn là dấn thân và đam mê của một thiểu số nhỏ tinh hoa trong mỗi dân tộc.

Như vậy có thể kết luận rằng đấu tranh chính trị luôn là đấu tranh có tổ chức. Một tổ chức chính trị bắt buộc phải có hai thứ, một là "tư tưởng chính trị", tức là đường lối, cương lĩnh hay lộ trình tranh đấu. Thứ hai, một tổ chức chỉ có thực chất khi có một đội ngũ nhân sự nắm rõ tư tưởng của tổ chức, chia sẻ và gắn kết xung quanh một lý tưởng chính trị.

Xin nhắc lại một đúc kết của anh em Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là những người tranh đấu chỉ có thể đoàn kết và gắn bó với nhau trên một tư tưởng chính trị chứ không thể đoàn kết trên các mục tiêu cụ thể. Lý do, các mục tiêu cụ thể thường có nhiều giải pháp khác nhau. Hôm nay đồng ý trên giải pháp này ngày mai trên một giải pháp khác và cuối cùng là bất đồng rồi chia tay.

Đấu tranh chính trị luôn là dấn thân và đam mê của một thiểu số nhỏ tinh hoa trong mỗi dân tộc. Ngoài năng khiếu, đam mê ra thì chính trị cũng cần phải học hỏi vì chính trị đòi hỏi một kiến thức tổng hợp, đó là một bộ môn khó nhất trong các bộ môn, là chuyên môn tổng hợp của mọi chuyên môn (*).

Trong tương lai của một nước Việt Nam dân chủ thì những người hoạt động chính trị chuyên nghiệp trong các tổ chức sẽ có một chổ đứng xứng đáng. Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai có nhận định rằng :

"Mọi chế độ dân chủ đích thực đều phải trân trọng sinh hoạt chính đảng…Trong hoàn cảnh nước ta, sau bao năm dài dưới các chế độ độc tài, mọi sinh hoạt chính trị đều bị đàn áp. Các chính đảng không những cần thiết mà còn cần được khai sinh, khuyến khích và nuôi dưỡng. Các chính đảng là yếu tố không thể thiếu cho đất nước và vì thế quốc gia không những không được cấm cản mà còn phải yểm trợ cho sinh hoạt của các chính đảng".

(Chương 6 : Thể chế và Hiến pháp cho Cộng Hòa Việt Nam)

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đề nghị dành 1% ngân sách quốc gia để tài trợ cho các chính đảng ở cấp trung ương và một tỉ lệ tương đương cho các chính quyền vùng. Con số này có người nghĩ là quá lớn nhưng sẽ tránh cho các chính đảng trở thành con tin của các thế lực tài phiệt. Hơn nữa khi các chính đảng không phải mất thời gian tìm kiếm những nguồn tài trợ (có thể bất chính) thì họ sẽ yên tâm cống hiến cho đất nước. Cũng chỉ khi đó các sinh hoạt chính trị mới thật sự trong sạch, lành mạnh và nghiêm túc. Nền dân chủ của Việt Nam sẽ bền vững và thăng tiến.

Việt Hoàng

(15/05/2020)

(*) Nguyễn Gia Kiểng, 45 năm sau, một truyện thuyết cho tương lai, 02/05/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Việt Hoàng
Read 1562 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)