Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

06/05/2019

Ai sẽ thay ông Trọng ?

Việt Hoàng

Sau một thời gian dư luận đồn đoán về việc ông Tổng-Chủ Nguyễn Phú Trọng bị đột quị khi đang làm việc tại Kiên Giang hôm 14/04/2019 và sau đó được chuyển về bệnh viện Chợ Rẫy thì chính quyền Việt Nam đã lên tiếng xác nhận ông Trọng bị ốm, tuy nhiên người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định rằng mọi việc đều ổn và ông Trọng sẽ sớm trở lại làm việc.

trong1

Nếu ông Trọng vì lý do sức khỏe mà không thể tiếp tục công việc thì nội tình đảng sẽ ra sao ? - Ảnh minh họa 

Việc chính quyền Việt Nam nói là một chuyện còn tin hay không là chuyện của mỗi người. Có một sự thật là ông Trọng đang ốm nặng, rất có thể là bị đột quị. Hôm 3/5 ông Trọng đã không xuất hiện trong tang lễ ông Lê Đức Anh mà chỉ gửi vòng hoa đến viếng. Như vậy, cho dù ông có khỏi bệnh và có thể "sớm trở lại làm việc" thì khả năng ông tiếp tục làm Tổng-Chủ sau Đại hội 13 không còn đặt ra nữa. Như vậy cuộc đua giành chức Tổng-Chủ sẽ sớm diễn ra, có thể nó đã bắt đầu.

Việc Đảng cộng sản Việt Nam đặt lên đôi vai một ông già 75 tuổi như ông Trọng một lúc hai chức danh quan trọng nhất của chế độ nói lên nhiều điều. Điều đầu tiên là sự khủng hoảng lãnh đạo cao cấp trong nội bộ đảng. Không có một khuôn mặt nào sáng giá để thay thế ông Trọng vì ban lãnh đạo đảng cộng sản thừa hiểu khả năng của các đồng chí mình, không cơ hội thì cũng thuộc về một phe nhóm nào đó. Lý tưởng cộng sản không còn mà chỉ còn mỗi quyền lợi và chức vụ. Ông Trọng được chọn bởi vì ông là người gần như duy nhất còn có ý định bảo vệ chế độ dù rằng chính ông đã thú nhận là không biết đến bao giờ mới đạt đến xã hội cộng sản như mớ lý thuyết hoang đường mà Marx đã tưởng tượng ra. Ông Trọng được chọn làm lãnh đạo tối cao của đảng vì ông có lẽ là người ít tai tiếng về vợ con hay tham nhũng.

Trong cái đảng đã mất hết lý tưởng thì một người suốt đời đọc và nghiên cứu về chủ nghĩa cộng sản như ông Trọng sẽ là một cái phao cứu sinh cuối cùng của chế độ. Cũng như một chiếc thuyền đã mất phương hướng trên biển, người được chọn làm thuyền trưởng có thể rất kém cỏi nhưng vẫn được chọn vì là người khá nhất trong đám thủy thủ không ai biết gì. Đây là một thảm kịch của Đảng cộng sản Việt Nam khi phải đặt cược sinh mệnh vào một người duy nhất để lấy các quyết định cuối cùng thay vì bàn bạc để lấy một quyết định chung, một đồng thuận chung. Đảng cộng sản không thể làm khác vì đã mất đồng thuận trên các giá trị nền tảng vì chủ nghĩa cộng sản đã trở thành nhảm nhí từ lâu.

Nếu ông Trọng vì lý do sức khỏe mà không thể tiếp tục công việc thì nội tình đảng sẽ ra sao ? Rõ ràng là sẽ khủng hoảng nghiêm trọng. Bất cứ người nào thay thế ông Trọng cũng sẽ không thu phục được các phe nhóm khác trong đảng. Hai cái chết của Đỗ Mười và Lê Đức Anh đã giáng một đòn chí tử vào cơ thể đầy bệnh tật của đảng. Đúng là hai ông Mười-Anh đã rất già trước khi mất (102 và 99 tuổi) nhưng lại là hai người có quyền lực nhất khi sống, kể cả sau khi về hưu. Hai ông Mười-Anh là sợi dây kết nối cuối cùng trong đảng, giúp đảng duy trì được một sự "đồng thuận" nho nhỏ nào đó. Nay sợi dây đó đã đứt, các phe phái trong đảng cộng sản không còn gì để nể nang hay đồng thuận với nhau nữa. Mạnh ai nấy sống, mạnh ai nấy làm, không còn ai nghe ai.

Sự ảnh hưởng của hai ông Mười-Anh đối với Đảng cộng sản Việt Nam cũng giống như một người cha, người mẹ đối với những đứa con không ưa nhau. Dù không ưa nhau, bất đồng với nhau nhưng khi cha, mẹ còn nằm đó thì chúng cũng không nỡ "huynh đệ tương tàn" làm đau lòng cha mẹ nhưng khi cha mẹ khuất núi rồi thì chúng chẳng còn sợi dây tình cảm nào để níu kéo. Sát phạt để tranh giành quyền lợi sẽ rất khốc liệt. Nên nhớ Đảng cộng sản Việt Nam chưa bao giờ là một tổ chức chính trị đúng nghĩa, chính quyền cộng sản tồn tại vừa như là một chế độ phong kiến (mà Ban chấp hành trung ương đảng là hoàng thân quốc thích) vừa như một băng đảng maphia mà quyền lực tuyệt đối nằm trong tay các "bố già" như Mười-Anh (trước đây là Duẩn-Thọ). Việc ra đi của hai "bố già", là "huyền thoại cuối cùng" (như lời ông Lê Mạnh Hà, con trai Lê Đức Anh) khiến nội bộ đảng cộng sản vô cùng bối rối và lúng túng, trong trường hợp không lấy được quyết định đồng thuận thì cũng không còn ai để "tham khảo" ý kiến hay làm "trọng tài". Một người chịu nhiều thiệt thòi nhất khi hai ông Mười-Anh mất đi đó là cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người được xem như là truyền nhân của Lê Đức Anh, ông Dũng sẽ gặp nhiều khốn khó trong giai đoạn tới với các đồng chí của mình. May mắn cho ông Dũng là ông Trọng đột nhiên bị đổ bệnh nếu không việc ông "nhập kho" sẽ là điều khó tránh.

Công việc duy nhất của ông Trọng bây giờ, nếu ông có thể làm, là chuyển giao quyền lực cho người kế nhiệm, đây là một nhiệm vụ vô cùng nan giải. Cũng như hai ông Mười-Anh, ông Trọng là sợi dây mong manh kết nối ban lãnh đạo đảng cộng sản, ít nhiều ông cũng là "biểu tượng" của sự đoàn kết và thống nhất trong đảng. Khi ông Trọng còn ngồi đó thì ít nhất các quyết định của ông không bị các phe nhóm lợi ích khác chống đối dữ dội. Chiến dịch "đốt lò" của ông đã tống hàng chục ông tướng công an, quân đội và một ủy viên Bộ chính trị (Đinh La Thăng) vào lò là nhờ thế. Việc bắt doanh nhân Phạm Nhật Vũ cũng đã gây ra một cơn địa chấn trong giới tài phiệt Việt Nam. Tuy nhiên, như chúng tôi đã nhận định, "chống tham nhũng" là một hành động "tự sát" vì "ta đánh ta". Việc ông Trọng bị đột quị sau vụ bắt giữ Vũ đã gây ra nhiều đồn đoán trong dư luận về quyền lực và sức mạnh của giới tài phiệt Việt Nam.

Không ít người cho rằng sau khi ông Trọng đổ bệnh và "bị loại khỏi vòng chiến đấu" thì cái lò chống tham nhũng của ông sẽ bị tắt. Không có chuyện đó vì không có việc "chống tham nhũng" nào ở đây mà chỉ là các cuộc sát phạt trong nội bộ đảng cộng sản. Các cuộc thanh trừng này sẽ tiếp tục với một cường độ mạnh mẽ và khốc liệt hơn nhiều. Bằng chứng là ông cựu Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa bị Ủy ban Kiểm tra trung ương kỷ luật cùng với ông Đô đốc hải quân Nguyễn Văn Hiến và ông Trung tướng Tư lệnh quân khu 9 Nguyễn Hoàng Thủy.

Trong Dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ 2 chúng tôi có nhận định rằng việc chuyển hóa từ một chế độ độc tài đảng trị sang chế độ độc tài cá nhân trị là chặng đường bắt buộc trên con đường đào thải của các chế độ độc tài mà Việt Nam không là một ngoại lệ. Ông Nguyễn Tấn Dũng đáng ra đã trở thành một nhà độc tài nhưng rồi bị thất bại dưới tay ông Nguyễn Phú Trọng, tuy nhiên ông Trọng không có năng lực của một nhà độc tài. Dù ai lên thay thế ông Trọng thì người đó buộc cũng phải làm một nhà độc tài cứng rắn nếu không muốn bị tiêu diệt. Bộ máy sàng lọc khắc nghiệt của đảng cộng sản đã loại hết những người có bản lĩnh để chỉ còn lại những khuôn mặt mờ nhạt và kém cỏi trong ban lãnh đạo tối cao.

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên không bao giờ ủng hộ bất cứ một phe nhóm nào trong đảng cộng sản trừ trường hợp những người hay phe nhóm đã dứt khoát lựa chọn dân chủ và có quyết tâm thay đổi thể chế chính trị từ độc tài sang dân chủ. Việc phân tích nội tình Đảng cộng sản Việt Nam dưới cái nhìn của các thành viên Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên giúp cho người dân Việt Nam thấy được căn bệnh ung thư của họ đã hết thuốc chữa để rồi từ đó người dân ý thức được sự cần thiết của một giải pháp mới thay thế cho giải pháp cộng sản trong nay mai. Đảng cộng sản Việt Nam không thể sửa chữa mà chỉ có thể thay thế bằng một liên minh dân chủ bao gồm một vài tổ chức chính trị dân chủ đối lập với các lực lượng cấp tiến dứt khoát lựa chọn dân chủ trong nội bộ đảng cộng sản Việt Nam.

Đánh bại độc tài (ở đây là độc tài cộng sản Việt Nam) chỉ là một bước trên con đường dân chủ hóa đất nước. Cứu cánh của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên không phải là bỏ điều 4 hiến pháp hay chỉ dừng ở mục tiêu đánh đổ đảng cộng sản như ý kiến của một số cá nhân và tổ chức ở hải ngoại mà cứu cánh (mục đích cuối cùng) của chúng tôi là xây dựng một nền dân chủ thực sự cho Việt Nam. Để làm được việc đó thì từ nhiều năm nay chúng tôi đã tập trung xây dựng cho mình một lộ trình dân chủ hóa đất nước mà chúng tôi gọi đó là Dự án chính trị : Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ 2. Đồng thời chúng tôi cũng tập trung xây dựng và đào tạo một lực lượng cán bộ nòng cốt cho tổ chức, đây là những người có hiểu biết, có kiến thức và hiểu rõ về lộ trình xây dựng dân chủ cho Việt Nam theo như Dự án chính trị mà chúng tôi đã đề nghị.

Nếu không có một Dự án chính trị rõ ràng và khả thi cho đất nước thì không thể thuyết phục được người dân thay đổi. Nếu không có một đội ngũ cán bộ nòng cốt để thực hiện dự án đó thì cũng không thể xây dựng được dân chủ cho Việt Nam. Quán tính của chế độ độc tài rất mạnh, nếu không có những người dân chủ thật sự thì không thể thiết lập một thể chế dân chủ. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên hiểu rõ điều đó nên đã dành tất cả cố gắng để hoàn thành hai nhiệm vụ khó khăn đầu tiên đó là xây dựng một Dự án chính trị cho đất nước và xây dựng một đội ngũ nhân sự chính trị thật sự có năng lực và hiểu biết sâu rộng về chính trị và quản trị quốc gia. Ngoài ra chúng tôi vẫn đang bền bỉ kiên trì thuyết phục người dân Việt Nam đón nhận giải pháp "dân chủ đa nguyên" mà Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đề nghị. Chúng tôi tin rằng nếu đa số người dân tin tưởng và ủng hộ thì Việt Nam sẽ sớm có dân chủ.

Việc "trình diễn", phô trương một cách ồn ào và tốn kém các vụ quốc tang vừa qua không che giấu được sự khủng hoảng bên trong của đảng cộng sản. Vấn đề khiến chúng tôi lo lắng nhất không phải là đảng cộng sản vẫn còn mạnh mà là các lực lượng dân chủ Việt Nam chưa kịp chuẩn bị khi đất nước sang trang. Trong giai đoạn chuyển tiếp đó nếu không có sự chuẩn bị và không có kế hoạch rõ ràng thì có thể gây ra nhiều đỗ vỡ trầm trọng và hỗn loạn cho đất nước, và cho cả những người cộng sản. Vì vậy chúng tôi thiết tha và chân thành kêu gọi trí thức và người dân Việt Nam nên tìm hiểu để ủng hộ cho một vài tổ chức chính trị đối lập dân chủ đứng đắn để làm giải pháp cho giai đoạn chuyển tiếp của đất nước.

Việt Hoàng

(06/05/2019)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Việt Hoàng
Read 2487 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)