Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

25/01/2019

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã làm được những gì ?

Việt Hoàng

"Tập Hợp đã làm được gì ?" là câu hỏi mà thỉnh thoảng chúng tôi nhận được từ độc giả. Đây là câu hỏi hoàn toàn chính đáng vì nếu người dân không biết, không hiểu một tổ chức chính trị đã làm được gì, định làm gì và đề nghị những gì... thì họ không thể nào ủng hộ cho tổ chức đó được. Những người đặt câu hỏi này có thể lần đầu tiên biết đến Tập Hợp, cũng có người đã biết đến Tập Hợp từ lâu nhưng họ không thấy Tập Hợp làm gì vì họ không hiểu thế nào là một tổ chức chính trị.

taphop1

"Một chính đảng đúng nghĩa được quan niệm như là một dụng cụ để thể hiện một tư tưởng chính trị và để thực hiện một dự án chính trị".

Vậy thế nào là một tổ chức chính trị ? Nó được định nghĩa như sau : "Một chính đảng đúng nghĩa được quan niệm như là một dụng cụ để thể hiện một tư tưởng chính trị và để thực hiện một dự án chính trị". Định nghĩa này có lẽ là khó hiểu với nhiều người. Một cách giải thích khác về nhiệm vụ của một chính đảng là "Mỗi một tổ chức chính trị sẽ đưa ra một ‘giải pháp thay thế’ với những khác biệt so với chính sách hiện hành, thuyết phục người dân, vận động tranh cử và cố gắng dành chiến thắng trong các cuộc bầu cử công khai và minh bạch để trở thành đảng cầm quyền. Cuối cùng là thực thi những giải pháp đã đề nghị đó".

Nếu làm cách mạng mà không có tư tưởng chính trị được cụ thể hóa bằng một dự án chính trị thì chỉ là làm loạn (thậm chí chỉ là làm giặc) vì nó chỉ nhằm mục đích duy nhất là cướp chính quyền.

Với văn hóa Khổng giáo thì "làm chính trị" là để làm quan, để "vinh thân phì gia" hơn là để phụng sự đất nước, phụng sự xã hội. Vì vậy quan niệm "ăn cây nào rào cây ấy" và "phò chính quyền", phò kẻ mạnh là tâm lý chung và áp đảo của kẻ sĩ ngày xưa, tức là trí thức bây giờ. Thái độ đó rất ích kỷ, nhỏ mọn và tầm thường. Nó làm người trí thức đánh mất đi tất cả : Danh dự, trí tuệ, tâm hồn. Mộng ước được làm tôi tớ và công cụ cho chính quyền khiến người trí thức luôn phải cúi đầu chịu nhục trước cường quyền. Có người thì ngụy biện rằng "chính trị là nhơ bẩn" vì thế họ không tham gia. Điều này sai hoàn toàn, chính trị là hướng thiện, là phụng sự xã hội, là công việc chung. Không có "chính trị dơ bẩn" mà chỉ có những kẻ dơ bẩn làm chính trị và những kẻ này sẽ bị đào thải không sớm thì muộn.

Tập Hợp là một tổ chức chính trị có mục tiêu (cứu cánh) rất rõ ràng đó là "đánh bại độc tài và xây dựng dân chủ cho Việt Nam". Cuộc cách mạng dân chủ đa nguyên mà Tập Hợp đề nghị không chỉ để thay đổi mô hình chính trị, tức là cách thức quản lý nhà nước mà còn để thay đổi văn hóa và tư duy của người Việt Nam về chính trị. Chính vì đụng phải bức tường văn hóa Khổng giáo nên cuộc vận động tư tưởng của Tập Hợp gặp không ít khó khăn và mất nhiều thời gian.

Nếu Tập Hợp toàn quyền cai trị Việt Nam như Đảng cộng sản thì chắc chúng tôi có nói con gà là con bò cũng sẽ có người gật đầu. Còn hiện tại thì chúng tôi có nói đúng đến đâu thì cũng không phải ai cũng tin, cũng nghe theo. Nhiều khi biết mười mươi là đúng thì họ cũng nghĩ trong đầu rằng "cứ để xem Tập Hợp có làm được gì không đã rồi tham gia cũng không muộn"… ? Có người từng nói rằng nếu Tập Hợp qui tụ được khoảng vài nghìn người thì họ sẽ tham gia. Nếu không họ sẽ ngồi đợi theo kiểu quan niệm "ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau’. Ít người muốn lội cùng chúng tôi trong lúc khó khăn này.

Cũng có ý kiến cho rằng Tập Hợp không tập hợp được lực lượng vì kém và chưa thuyết phục được họ… Thử hỏi những người nghĩ vậy họ có ủng hộ ai hay tổ chức nào không ? Rõ ràng là không. Dấn thân chính trị là một lý tưởng, một đam mê và phải tự nguyện vì tham gia vào một tổ chức chính trị là để cống hiến và hy sinh cho một lý tưởng cao đẹp chứ không phải để mưu cầu danh lợi. Không có trường học nào dạy về chính trị mà chỉ có môi trường để học hỏi về chính trị là các tổ chức chính trị.

Chính trị cũng là một nghề nghiệp với đặc thù riêng của nó. Người Việt Nam chưa từng biết đến sinh hoạt chính trị trong các tổ chức dân chủ. Đảng cộng sản là một ngoại lệ được tổ chức theo mô hình của Liên Xô trước đây dựa trên hai công cụ : dối trá và khủng bố. Cuộc cách mạng dân chủ hiện nay khác hoàn toàn không dụ dỗ cũng không khủng bố bất cứ ai mà chỉ kêu gọi sự tự nguyện dấn thân. Làm chính trị là để cống hiến cho lý tưởng của đời mình, để làm cho đất nước giàu có phồn vinh, nhân phẩm con người Việt Nam được tôn trọng và có chổ đứng xứng đáng như bao dân tộc tiến bộ khác.

Một tổ chức chính trị dù cầm quyền hay đối lập thì cũng có chức năng giống nhau là đưa ra các dự đoán về tình hình kinh tế-chính trị-xã hội của quốc gia và thế giới đồng thời phải đưa ra các giải pháp để giải quyết các vấn đề đó. Nếu một tổ chức không làm được như thế thì tổ chức đó coi như đã chết lâm sàng. Đảng cộng sản là một trường hợp như vậy và các đảng chính trị đối lập của người Việt Nam cũng rơi vào tình trạng đó. Tức là họ không có gì để nói, không có ý kiến và viễn kiến cũng như không có giải pháp gì.

taphop2

Chim bồ câu tung cánh : biểu tượng của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tập Hợp là một ngoại lệ duy nhất. Chúng tôi vẫn nói, vẫn đưa ra các ý kiến và giải pháp hàng ngày, hàng giờ trên mọi lĩnh vực của cuộc sống. Tập Hợp khác Đảng cộng sản ở chỗ là không có công cụ hay phương tiện để thực hiện các đề nghị của mình vì Tập Hợp chỉ là một tổ chức đối lập.

Tập Hợp không chủ trương "cướp chính quyền" mà muốn đem lại thay đổi thực sự cho Việt Nam vì thế chúng tôi chú trọng cho những kế hoạch dài hơi như xây dựng tư tưởng, xây dựng lực lượng, là một đội ngũ cán bộ nòng cốt có năng lực, phẩm chất và đạo đức, xây dựng một cộng đồng thân hữu…

Việc tham gia vào một tổ chức chính trị, học hỏi để trở thành những chính trị gia trong tương lai là rất khó chứ không dễ như nhiều người nghĩ. Có người cho rằng khi nào Đảng cộng sản chấp nhận đa đảng hoặc sụp đổ thì khi đó họ sẽ tham gia tổ chức. Những người nói như vậy chứng tỏ họ không hiểu gì về tổ chức. Giả sử, Đảng cộng sản sụp đổ thì một nhóm ô hợp chưa từng sinh hoạt cùng nhau lâu dài trước đó, không hiểu nhau, chưa từng đồng thuận với nhau, khi tập hợp lại chỉ tạo ra một đám đông ô hợp mới, tranh cãi loạn xạ. Đám đông ô hợp đó nếu có bầu ra được ban lãnh đạo thì những người cầm đầu cũng sẽ không biết tin ai để phân công công việc cho hợp lý vì chưa hoạt động cùng nhau bao giờ để hiểu khả năng và tư cách của nhau. Họ buộc phải bổ nhiệm những người thân quen khiến xung đột thêm trầm trọng. Đây là lý do khiến chính phủ Trần Trọng Kim và các chính phủ quốc gia kế tiếp tan rã nhanh chóng, hoặc trở thành độc tài rồi thất bại dù lên nắm quyền khá dễ dàng và được hậu thuẫn lớn từ ngoại bang.

Có ý kiến cho rằng Tập Hợp làm chính trị salon, lý thuyết suông… Xin phản bác ý kiến này bằng trường hợp của cụ Phan Châu Trinh. Nếu độc giả quan sát sẽ thấy trí thức Việt Nam hiện nay ca tụng Phan Châu Trinh hết lời, họ lập đại học mang tên ông, trao giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh, lấy hình ảnh ông trên nhiều trang web. Nhưng chúng ta nên biết khi còn sống cụ Phan Châu Trinh rất cô đơn, khác hẳn với Phan Bội Châu được rất nhiều người hưởng ứng vì Phan Châu Trinh chủ trương đấu tranh ôn hòa, cộng sản gọi là "cải lương", trong khi Phan Bội Châu chủ trương hành động bằng bạo lực. Thanh niên thời đó dù theo đảng cộng sản hay các đảng phái quốc gia đều chịu ảnh hưởng của tinh thần Phan Bội Châu chứ không phải Phan Châu Trinh. Đến tận cuối đời, khi bị an trí tại Huế, Phan Bội Châu mới thừa nhận con đường mình đi là sai và Phan Châu Trinh đúng.

Sở dĩ Phan Bội Châu được hưởng ứng hơn vì con đường của ông giống với cộng sản, vẫn chỉ là "đường xưa lối cũ", dễ thực hiện, không phải chịu đựng sự đau nhức của lý luận, ưu tư sâu xa mà chỉ cần liều lĩnh (khác với can đảm) lại gây hiệu quả tức thì. Còn con đường của cụ Phan Tây Hồ là con đường hoàn toàn mới, gạt bỏ giải pháp bạo lực mà dân tộc ta vẫn quen dùng trong suốt chiều dài lịch sử, nó cần sự nhẫn nại, cố gắng học hỏi về kiến thức chính trị, đầu tư cho tư tưởng chính trị, tinh thần khoan dung...

Con đường của Phan Châu Trinh tương đồng với phương pháp tranh đấu của Tập Hợp nên khá xa lạ với văn hóa tôn sùng bạo lực và muốn ăn ngay của người Việt Nam. Quan điểm của Tập Hợp về sức mạnh, tầm vóc của một tổ chức chính trị chủ yếu là có một tư tưởng chính trị và một dự án chính trị… Tập Hợp luôn sẵn sàng và có trách nhiệm phải giải trình những chính sách của mình.

Ngoài việc xây dựng một tư tưởng chính trị, một đội ngũ nhân sự chính trị, một vành đai thân hữu thì với tất cả sự khiêm nhường Tập Hợp nghĩ rằng phần đóng góp của mình đã không nhỏ là thay đổi được tâm lí đấu tranh bạo động, đẩy lùi văn hóa bạo lực, thuyết phục sự vô cùng cần thiết của tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc, gạt bỏ sự tôn sùng những tư tưởng lạc hậu, những quán tính tệ hại của Khổng giáo, từ ngàn năm, đã là nguyên nhân chính cho sự tê liệt và trì trệ của con người và xã hội Việt Nam.

Tập Hợp cũng đã khơi nguồn và "ước mơ thay" cho 95 triệu người Việt Nam một giấc mơ về tương lai : "giấc mơ Việt Nam". Chúng tôi tin rằng, đất nước ta sẽ bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của tự do, dân chủ, bao dung, đùm bọc, kỷ nguyên vinh quang của những cố gắng chung và thành công chung.

Tập Hợp sẽ cố gắng gây dựng và chứng minh những gì đã làm được để người dân Việt Nam so sánh với các tổ chức khác bằng sự lương thiện, sự nghiêm chỉnh của những ý kiến, sáng kiến của mình. Tập Hợp cho rằng tư tưởng, lý thuyết phải luôn đi trước để dẫn đường cho các hành động và cho cuộc cách mạng dân chủ sắp tới. Suy nghĩ, nghiên cứu, tìm hiểu, trình bày và liên tục thảo luận về chính trị để tìm đồng thuận trước khi hành động là "hành động" hiện thời và quan trọng nhất mà Tập Hợp đang nhắm tới. Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp bao gồm :

Website : https://thongluan-rdp.org/

Blog : https://www.thongluan.blog/

Fanpage : https://www.facebook.com/thong.luan.1/?ref=bookmarks

Gần như là địa chỉ duy nhất cung cấp cho độc giả và mọi người Việt Nam những kiến thức cơ bản nhất về chính trị như đấu tranh chính trị, cứu cánh của chính trị, cách thức thành lập và vận hành của một tổ chức chính trị…Những kiến thức này gần như vắng bóng trong mọi cuộc tranh luận và trên các trang mạng xã hội của người Việt Nam. Tất nhiên, vì là kiến thức nên khó đọc vì không phải ai cũng hiểu và ai cũng muốn biết nhưng đó lại là những kiến thức căn bản không thể thiếu được đối với những người dấn thân chính trị nghiêm túc.

Nên nhớ các chế độ từng tồn tại, từ Việt Nam Cộng Hòa đến cộng sản đều được hỗ trợ rất lớn từ ngoại bang nhưng vì thiếu hụt hoàn toàn về tư tưởng nên cuối cùng hoặc sụp đổ hoặc phụ thuộc vào các thế lực mờ ám.

Câu hỏi cuối cùng mà không ít người quan tâm đó là "Tập Hợp đi nhanh hay chậm ?" Thật lòng mà nói là Tập Hợp đang đi chậm, rất chậm so với thế giới cũng như so với đòi hỏi của đất nước. Nhưng rất buồn để nói rằng chúng tôi lại đi khá nhanh so với đồng bào mình. Sự ủng hộ của trí thức và người dân Việt Nam dành cho Tập Hợp vẫn còn khá khiêm tốn vì vậy chúng tôi có muốn đi nhanh cũng không được. Chúng tôi không thể "nhảy" khi chưa có "nhạc". Nhạc đó chính là sự lên tiếng ủng hộ của người dân. Trí thức Việt Nam, được bao nhiêu người lên tiếng ủng hộ chúng tôi ? Trong khi đó hàng ngàn người sẵn sàng ký tên vào một lá thư ngỏ hay kiến nghị gửi chính quyền mà bản thân họ biết mười mươi là sẽ bị chính quyền vứt vào thùng rác. Với một nền "nhạc" dân trí, thực ra là "trí trí" như vậy chúng tôi làm sao "nhảy" và đi nhanh được ? Muốn có một ngày hội lớn như những gì đang xảy ra tại Venezuela thì người dân Việt Nam phải lên tiếng ủng hộ cho một tổ chức đối lập đứng đắn.

Tuy nhiên chúng tôi không thất vọng, một lớp trí thức trẻ đang nhập cuộc với chúng tôi. Họ không nợ nần gì chế độ và nhất là họ biết cần phải làm gì và làm như thế nào. Chúng tôi tự tin vào tương lai vì trong lịch sử Việt Nam đã từng có nhiều cuộc kháng chiến trường kỳ dẫu gặp muôn vàn khó khăn lúc ban đầu nhưng rồi cuối cùng cũng thắng lợi vì họ là hiện thân của tương lai, ví dụ cuộc khởi nghĩa của Lê Lợi chống lại quân Minh. Những nỗi niềm và khó khăn đó đã được Nguyễn Trãi ghi lại trong tác phẩm bất hủ "Bình Ngô Đại Cáo" :

Những trằn trọc trong cơn mộng mị,

Chỉ băn khoăn một nỗi đồ hồi

Vừa khi cờ nghĩa dấy lên,

Chính lúc quân thù đang mạnh.

Lại ngặt vì :

Tuấn kiệt như sao buổi sớm,

Nhân tài như lá mùa thu,

Việc bôn tẩu thiếu kẻ đỡ đần,

Nơi duy ác hiếm người bàn bạc,

Tấm lòng cứu nước, vẫn đăm đăm muốn tiến về Đông,

Cỗ xe cầu hiền, thường chăm chắm còn dành phía tả.

Thế mà :

Trông người, người càng vắng bóng, mịt mù như nhìn chốn bể khơi.

Tự ta, ta phải dốc lòng, vội vã hơn cứu người chết đuối.

Phần vì giận quân thù ngang dọc,

Phần vì lo vận nước khó khăn,

Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần,

Lúc Khôi Huyện quân không một đội.

Trời thử lòng trao cho mệnh lớn

Ta gắng trí khắc phục gian nan…

Việt Hoàng

(25/01/2019)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Việt Hoàng
Read 2264 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)