Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Chống Putin, đối lập vũ trang đột kích để "giải phóng" nước Nga

Đặc phái viên Le Figaro có bài phóng sự "Đang tị nạn tại Ukraine, đối lập với Putin có vũ trang mang chiến tranh sang đất Nga". Các nhóm này hôm qua, từ lãnh thổ Ukraine, đã tấn công vào ba ngôi làng ở vùng Belgorod của Nga. Lần thứ ba kể từ hai tháng qua, những chiến binh chống Putin đang tị nạn ở Ukraine đã tiến hành một cuộc xâm nhập táo bạo và không kém phần ngoạn mục.

doilapnga1

Các thành viên của Binh đoàn Tình nguyện Nga bên cạnh một xe thiết giáp. Ảnh tư liệu không ghi ngày chụp mà Reuters có được vào ngày 23/05/2023via Reuters – Russian Volunteeer Corps

Hai binh đoàn người Nga muốn lật đổ Putin

Trang bị xe thiết giáp, họ tấn công một chốt biên phòng trước khi chiếm nhiều ngôi làng ở vùng Belgorod. "Nước Nga sẽ được giải phóng" - binh đoàn "Svoboda Rossii" ("Tự do cho nước Nga") tuyên bố. Tình báo quân sự Ukraine (GUR) nói rằng vụ đột kích trên hoàn toàn do các công dân Nga thực hiện, nhằm tạo ra một "dải đất an toàn" cho người dân Ukraine. Moskva nhanh chóng loan báo tung ra một chiến dịch chống khủng bố ở khu vực này.

Hoạt động trên đây vẫn chưa rõ chi tiết, được nhận trách nhiệm bởi hai đơn vị người Nga thành lập cách đây một năm, với mục đích bảo vệ Ukraine và lật đổ chế độ Vladimir Putin. Binh đoàn "Svoboda Rossii" có bốn tiểu đoàn tập hợp 1.000 người, nhấn mạnh đường lối ôn hòa và giữ nguyên đường biên giới năm 1991. Về phía Binh đoàn Tình nguyện Nga (RDK) chủ trương dân tộc chủ nghĩa và thượng đẳng, đấu tranh cho một nước Nga thuần chủng, đề nghị các nước Cộng hòa trong liên bang, đặc biệt là vùng Caucasus (Kavkaz), nên lấy lại tự do.

Cho đến nay, hai nhóm có lý tưởng khác nhau từ chối hợp tác. Nhưng "những ngày gần đây họ đã quyết định ký một thỏa thuận để bắt đầu giải phóng lãnh thổ chúng tôi" - cựu dân biểu Nga Ilya Ponomarev cho biết. Ông là dân biểu duy nhất bỏ phiếu chống lại việc sáp nhập Crimea năm 2014, hiện tị nạn tại Ukraine và cố gắng phối hợp các bên đối lập đang sống lưu vong ở Kiev.

"Quân ly khai Belgorod" và mục tiêu giải phóng

Cuối ngày hôm qua, hai nhóm trên khẳng định kiểm soát hai ngôi làng biên giới Kozinka và Gora-Podol, các trận đánh dường như vẫn tiếp tục ở thủ phủ của quận Grayvoro. Một nhóm tuyên bố : "Chúng tôi cũng là người Nga như các bạn (...) và mong muốn con cái chúng ta lớn lên trong một đất nước thanh bình". Ilya Ponomarev giải thích : "Ngoài mục đích chiến lược là giải phóng đất nước, chấm dứt chế độ Vladimir Putin, chiến dịch này nhằm trắc nghiệm khả năng chống cự của lực lượng an ninh Nga trong vùng. Vì họ tan rã, nên quân chúng tôi hiện chưa muốn rút lui. Nhưng chúng tôi chỉ tranh thủ, và thích ứng với sự đáp trả của phía Nga, bởi vì ở giai đoạn này, sẽ vô nghĩa nếu hy sinh hàng trăm con người để giữ vài ngôi làng".

Theo chính quyền Belgorod, có ít nhất sáu người bị thương trong vụ này. Thống đốc Viatchelsav Gladkov nói rằng đại đa số dân làng đã di tản, những ai không có phương tiện đã được trợ giúp. Trước đó hôm 02/03, một nhóm đặc nhiệm người Nga cũng đã từ Ukraine xâm nhập vào nhiều làng thuộc vùng Bryansk, nhưng đã bị đẩy lui. Ngày 06/04, nhóm thứ hai vượt biên giới, công bố một video quay tại làng Sluchovsk. Cả hai vụ do RDK thực hiện. Về mặt chính thức thì Kiev chẳng có vai trò gì. Nhưng trong lúc Ukraine chuẩn bị phản công, có thể tự hỏi : Phải chăng tình báo quân đội nước này đã bật đèn xanh ?

Từ hai tuần qua, liên tục có những vụ bắn hỏa tiễn vào những vùng chiếm đóng ở Donbass và Crimea, cũng như phá hoại trên đất Nga. Chiều hôm qua, cư dân mạng Ukraine khi biết về các vụ xâm nhập đã mỉa mai Nga đang bị "quân ly khai Belgorod" đe dọa, hàm ý "quân ly khai" thân Nga đã nổi dậy ở Donbass năm 2014.

Zelensky tố cáo việc xâm lăng Ukraine trước mọi diễn đàn quốc tế

Về mặt ngoại giao, Le Monde ca ngợi "Quyết tâm của Volodymyr Zelensky, từ thượng đỉnh Liên đoàn Ả Rập ở Djedda cho đến G7 ở Hiroshima". Tại Nhật Bản, nhận được trợ giúp ý nghĩa về quân sự, tổng thống Ukraine cũng tiếp xúc với các nước "phương Nam" đang có thái độ nhập nhằng.

Một lần nữa, Zelensky chứng tỏ khả năng áp đặt thảm kịch Ukraine trên mọi diễn đàn quốc tế. Tại G7, ông đạt được kết quả quan trọng về viện trợ quân sự : sau xe tăng, sẽ đến chiến đấu cơ, dù mới ở thì tương lai. Tác động từ cú hích này rất đáng kể, cho thấy các đồng minh phương Tây đã vượt qua được nỗi lo bị Kremlin trả đũa. Theo Le Monde, cần phải nhắc lại cho những ai vẫn sợ rằng viện trợ quân sự sẽ kéo dài chiến tranh : những gì diễn ra ở Ukraine từ 2014 chứng tỏ ngược lại. Vũ khí chi viện vừa giúp bảo vệ người dân Ukraine, vừa đẩy lùi quân xâm lăng khỏi những vùng đất bị gieo rắc tai họa, đầy những thảm cảnh.

Trong hoàn cảnh tồi tệ nhất, quân đội Ukraine đã chuyển biến thành lực lượng hàng đầu. Việc tăng cường là bắt buộc, vì cũng như mùa hè 2022, Kiev cần phải tái lập thế công để đồng minh thêm tin tưởng, và đẩy kẻ xâm lăng vào chân tường, đặc biệt vào lúc Bakhmut bị chiếm hầu như hoàn toàn. Tiếp tục gia tăng quân viện cũng sẽ đáp ứng một phần các câu hỏi sẽ được đưa ra tại thượng đỉnh NATO ở Vilnius (Litva), vì bản thân việc này là cam kết đầy ý nghĩa với Ukraine về an ninh, trong khi không thể kết nạp Kiev vào thời điểm hiện nay.

Chiếm được Bakhmut nhờ lính đánh thuê : Sự sa sút thảm hại của Nga

Cuộc tấn công ngoại giao của tổng thống Ukraine còn nhắm vào mục tiêu trung hạn. Tỏ ra sáng suốt trước bước ngoặt đa cực của cuộc chiến, Volodymyr Zelensky không chỉ dựa vào các nước ủng hộ. Nhân dịp Nhật Bản mời các nước "phương Nam" quan trọng hiện đang tham gia trò chơi của Moskva, đánh đồng kẻ xâm lăng với nạn nhân, ông tiếp xúc để khiến họ phải xem lại thái độ. Cuộc chiến tranh này không chỉ là chuyện riêng của Châu Âu, những nước nhỏ yếu nhất cũng không tránh khỏi tác động. Theo tờ báo, khi không tìm cách gặp Zelensky ở Nhật Bản, đồng nhiệm Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đã mất đi cơ hội đưa đất nước ông lên ngang tầm với tham vọng.

Sự tương phản hết sức rõ rệt, giữa sức mạnh lòng tin của người luôn xuôi ngược để xiển dương chủ quyền và độc lập của Ukraine, với sự cô độc của Vladimir Putin. Tuy được hưởng lợi trước những tính toán mang tính cơ hội của một phần "phương Nam", chủ nhân điện Kremlin trong những giờ qua chỉ có thể tự an ủi bằng việc "giải phóng" Bakhmut - sau khi đã biến thành phố này thành bình địa - bởi một công ty lính đánh thuê tư nhân, bằng chứng cho sự xuống cấp thảm hại của Nhà nước Nga. Chọn bên, đối với các nước trên, hiển nhiên là điều cần thiết.

Trận quyết đấu giữa phương Tây và Trung Quốc đã bắt đầu

Ở một góc nhìn khác, trên trang Ý kiến của Le Figaro có bài viết cho rằng "Trận đấu lớn giữa phương Tây và Trung Quốc đã bắt đầu". Khi mời tổng thống Zelensky dự hội nghị thượng đỉnh, nhóm G7 chứng tỏ với Vladimir Putin là sẽ không bao giờ bỏ rơi Ukraine, nạn nhân của quân xâm lược Nga. Chia sẻ tin tình báo quân sự, thường xuyên chi viện vũ khí đạn dược, huấn luyện lính xe tăng và lực lượng đặc biệt, đào tạo phi công tiêm kích cho những chiếc F-16, phương Tây muốn biến lãnh thổ Ukraine thành một phái đài bất khả xâm phạm. Ukraine sẽ là một quốc gia "Slave phương Đông", giống như Israel giữa khối Ả Rập. Nước Mỹ lại đóng vai trò không thể tranh cãi là thủ lãnh thế giới, vì đã dự báo cuộc xâm lăng của Nga và chuẩn bị cho quân đội Ukraine đối phó với cú sốc.

Nhưng Nga không phải là mục tiêu số một của G7 kỳ này. Kinh tế Nga quá yếu, cuộc chiến tranh đế quốc, dù có được Bakhmut hay không, cũng đã thất bại. Chính Trung Quốc đang bị bảy đại cường kinh tế phương Tây nhắm đến, với sự tham gia của Ấn Độ, Hàn Quốc, Úc và Liên Hiệp Châu Âu. Dù không nêu đích danh, phương Tây yêu cầu Trung Quốc tôn trọng trật tự quốc tế. G7 không thể chấp nhận việc dùng thương mại làm vũ khí để trừng phạt các nước láng giềng mà Bắc Kinh không hài lòng về quan điểm chính trị.  

Năm 2013, hàng hóa Hàn Quốc bị tẩy chay vì Seoul đã cho đặt THAAD (Terminal High Altitude Area Defense) của Mỹ trên lãnh thổ nước mình, dù hệ thống chống hỏa tiễn đạn đạo này rất cần thiết trước mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên. Úc cũng bị trừng phạt vào tháng 4/2020 vì đòi mở điều tra quốc tế về nguồn gốc con virus gây đại dịch Covid ở Vũ Hán. Cách thức Trung Quốc thiết lập Con đường tơ lụa mới ở Châu Âu, Trung Đông, Châu Phi được cho là nhằm thủ lợi trước các nước nhỏ yếu, mở rộng kiểm soát hạ tầng của các nước này như Colombo (Sri Lanka).

Bắc Kinh bác bỏ những cáo buộc của G7, tuy nhiên không thể làm gì hơn, vì vẫn muốn tiếp tục buôn bán với phương Tây. Được biết năm 2022, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Hoa Kỳ lên đến 320 tỉ đô la. Trong suốt 40 năm, từ khi thời kỳ Mao kết thúc cho đến lúc Covid xuất hiện, phương Tây vẫn tay trong tay với Trung Quốc. Sự kết thúc hợp tác không hẳn có nghĩa là chiến tranh, nhưng một trận quyết đấu giữa phương Tây và Trung Quốc đã bắt đầu.

Mỹ có thêm đồng minh mới ở Thái Bình Dương

Nhìn sang phía Thái Bình Dương, La Croix nói về "Papua New Guinea, đồng minh mới của Washington" tại khu vực này. Thỏa thuận ký với đảo quốc lớn thứ ba thế giới có diện tích 462.840 km2, nằm trong bối cảnh cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng kinh tế và quân sự với Trung Quốc. Bắc Kinh đã đặt nhiều quan hệ đối tác với các đảo quốc trong vùng, như Fidji, các quần đảo Tonga và Salomon. Chuyên gia Emmanuel Veron giải thích, "Trung Quốc đã hoạt động rất tích cực tại Papua New Guinea, không ngần ngại mua chuộc các nhà lãnh đạo để tạo ảnh hưởng, nhất là để có nguồn cung ứng khoáng sản".

Ông Joe Biden, có người thân tử trận ở đảo quốc Nam Thái Bình Dương này hồi Đệ nhị Thế chiến, lẽ ra là tổng thống Mỹ đầu tiên đến Papua New Guinea, ký thỏa thuận nhân hội nghị giữa Hoa Kỳ và các thành viên Diễn đàn các quần đảo Thái Bình Dương. Nhưng ông phải hủy chuyến đi do cần ở trong nước để thương lượng về trần nợ công, ngoại trưởng Antony Blinken thay thế.

Văn bản nhằm tăng cường hợp tác quân sự giữa hai nước : Hoa Kỳ được vào các hải cảng và phi cảng của Papua New Guinea, quân nhân hai nước có thể lên tàu của nhau để tuần tra trên biển. Mỹ cũng gia tăng giám sát vùng biển gần các tuyến hàng hải thương mại Nhật Bản và Úc, cung cấp cho đồng minh mới những dữ liệu từ vệ tinh. Theo thủ tướng Papua New Guinea James Marape, nước ông tuy "không có kẻ thù, nhưng vẫn phải chuẩn bị".

Nước Pháp sẽ nóng lên 4°C ?

Vấn đề sinh thái chiếm trang nhất nhiều báo Pháp hôm nay. Thủ tướng Elisabeth Borne vừa công bố kế hoạch hành động với những mục tiêu cụ thể cho những lãnh vực kinh tế quan trọng. Tuy nhiên, Le Figaro cho rằng bà khó thể áp đặt được trong hồ sơ này. Le Monde chạy tựa "Khí hậu : Những hướng để tài trợ cho công cuộc chuyển đổi" : Cũng hôm nay, bộ Chuyển đổi Sinh thái bắt đầu tham vấn công khai về giả thuyết nước Pháp nóng lên thêm 4°C từ nay đến cuối thế kỷ, cùng với những hậu quả. Les Echos quan tâm đến "Chi tiêu nặng nề cho chuyển đổi sinh thái",  vì có thể là Pháp hàng năm phải đầu tư thêm 66 tỉ euro. Số tiền này lấy đâu ra ?

Hồ sơ của Libération dành cho một trường hợp nô lệ thời hiện đại ở Paris : một phụ nữ Philippines giúp việc cho một cặp vợ chồng giàu có người Pháp gốc Lebanon, bị tịch thu giấy tờ, cấm ra ngoài, làm việc không có ngày nghỉ suốt 12 năm. La Croix đặt vấn đề "Hồi giáo, bất khả tranh luận ở trường đại học" : Bị dọa giết và đặt dưới sự bảo vệ của cảnh sát, nhà nghiên cứu Florence Bergeaud-Blackler hôm nay được ba bộ trưởng tiếp. 

Thụy My

Published in Quốc tế