Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tổng thống Pháp trực tiếp vận động cử tri toàn Châu Âu : Quyết định táo bạo

Chủ đề lá thư hiệu triệu cử tri toàn Châu Âu tích cực tham gia bầu cử Nghị Viện Châu Âu và đóng góp mạnh mẽ cho dự án Châu Âu của tổng thống Pháp, công bố hôm 04/03/2019, tiếp tục thu hút nhiều bài vở. Trước hết xin giới thiệu nhận định của nhà báo Sylvie Kauffmann, trong chuyên mục "Địa chính trị" của Le Monde.

vandong1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong phiên bế mạc hội nghị lần đầu tiên của các cơ quan tình báo Châu Âu (Intelligence College in Europe), Paris, 5/3/2019. Ludovic Marin/Pool via Reuters

Trong bài viết mang tựa đề "Sự năng động của chiến lược xóa đi làm lại từ đầu", nhà báo Le Monde tìm cách lý giải điểm then chốt trong chiến lược "Phục hưng Châu Âu" của tổng thống Macron. Cụ thể là trong chiến lược mới mà ông đưa ra, vị trí của cặp bài trùng Pháp-Đức, vốn được coi là "đầu tàu" của Châu Âu đã không còn được nhắc đến. Thay đổi lập trường của tổng thống Pháp trong quan hệ hợp tác với Đức là điểm "gây ấn tượng nhất".

Giã từ các quan niệm cũ

Theo điện Elysée, sai lầm của chính phủ Pháp là đã tự trói mình trong khuôn khổ ưu tiên hợp tác Pháp-Đức. Thực tế hơn một năm qua cho thấy, các chờ đợi của Paris đã không được đáp ứng. Bài diễn văn cổ vũ cho Châu Âu, kêu gọi Đức tham gia tại Đại học Sorbonne, chính phủ Đức phải 8 tháng sau mới hồi đáp. Hiệp ước Aix-la-Chapelle mới đây nhằm củng cố quan hệ Đức-Pháp gây thất vọng…

Châu Âu vốn vận hành theo phương thức hợp tác với nhiều vòng tròn đồng tâm, với vòng trong cùng bao gồm bộ đôi Pháp-Đức, vòng tiếp theo gồm một số ba, bộ tứ tùy theo từng vấn đề, vòng bộ sáu gồm sáu quốc gia sáng lập và cũng là các nước đông dân nhất, rồi đến khu vực đồng euro với 19 nước, là một trong các vòng rộng và quan trọng nhất… Phương thức hợp tác truyền thống này hiện đang lâm vào bế tắc. Với việc Liên Âu mở rộng, nhiều nhóm nước khác hình thành, như bốn nước Đông và Trung Âu Visegrad, hay nhóm các quốc Ba biển (Biển Đen-Biển Baltic-Biển Adriatic)… Các nhóm này tạo nên các lực ly tâm hơn là hướng tâm.

Theo Le Monde, tổng thống Pháp từ chối đi theo các lối mòn này. Trong lá thư gửi các công dân Châu Âu, Emmanuel Macron không hề nhắc đến trục Pháp-Đức, cũng như khu vực đồng euro. Nếu như ông nói đến khu vực tự do đi lại Schengen, chính là để đề xuất thiết kế lại, hay nói đến Ngân hàng Trung ương Châu Âu là để phục vụ cho mục tiêu sinh thái, cùng với Ngân hàng Khí hậu Châu Âu… Tóm lại, ông muốn xóa bỏ toàn bộ các công thức cũ, để cố gắng khuyến khích các động lực mới.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng hướng đến cả các công dân Châu Âu, bên ngoài Liên Hiệp Châu Âu. Cụ thể như nước Anh, cho dù Brexit, đối với tổng thống Pháp, Luân Đôn vẫn có vai trò rất quan trọng với Châu Âu, Anh Quốc vẫn thuộc về Châu Âu, trước hết các hợp tác về quốc phòng và an ninh. Tổng thống Pháp cũng tìm kiếm các đối tác hợp tác, vốn được coi là "phi truyền thống" như Phần Lan, hay thậm chí mở mạnh sang các nước phía đông.

Vì sao hành động đơn độc ?

Riêng về vấn đề : Tại sao tổng thống Pháp lại chọn cách một mình "trực tiếp" hướng đến các công dân Châu Âu, hơn là cùng với một nhóm các lãnh đạo Châu Âu, cùng chia sẻ quan điểm ? Nhà báo Le Monde đặc biệt chú ý đến việc hầu hết các lãnh đạo Châu Âu từng chung chiến tuyến với Macron nay đều sắp rời khỏi chính trường, từ chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker cho đến thủ tướng Đức Angela Merkel. Ông Macron - người được ví như "kẻ thoát chết" trở về (sau cuộc khủng hoảng Áo Vàng chưa từng thấy) - nay thấy mình là người duy nhất ở vị thế có thể lên tiếng.

Cũng Le Monde có bài xã luận "Châu Âu : Macron và sở thích mạo hiểm" đánh giá cao hành động táo bạo của tổng thống Pháp. Chưa có bất cứ một chính trị gia Châu Âu nào dám làm điều này. Theo Le Monde, hành động của tổng thống Pháp không hề mang tính chất huênh hoang, như một số chỉ trích. Le Monde thậm chí lên án thái độ "im lặng" hay "cam chịu"của nhiều lãnh đạo Châu Âu, trong bối cảnh Châu lục đang phải đối mặt với nhiều đe dọa lớn, từ phía "các đại cường hung hãn", ngầm chỉ Trung Quốc hay Mỹ, hay các thách thức chung của hành tinh, cũng như các rạn nứt trong nội bộ các xã hội Châu Âu.

"Trắc nghiệm một nền dân chủ mới"

Theo Le Monde, tổng thống Pháp chấp nhận đương đầu cùng một lúc với hai thử thách. Thứ nhất là cuộc Thảo luận toàn quốc - một thực hành dân chủ chưa từng có - đang bước vào hồi kết. Và thứ hai là cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu 26/05. Nếu thắng lợi, Macron sẽ có một vai trò đáng kể tại Châu Âu, nếu không ông sẽ phải chấp nhận vị trí bên lề trong suốt gian đoạn còn lại của nhiệm kỳ. Le Monde cho rằng, tổng thống Pháp đã có lý, khi mạo hiểm chọn con đường dấn thân cho một dự án mà ông đã lựa chọn, và tìm cách thuyết phục mọi người, thay vì ẩn náu để chờ thời, trong bối cảnh uy tín xuống thấp.

Nhà bình luận chính trị Alain Duhamel, trong một phát biểu trên Libération, cũng ca ngợi "sự táo bạo và trí tưởng tượng" của tổng thống Pháp, người mà cứ sau mỗi lần thất bại, lại tiếp tục phản công, thử nghiệm, tiến về phía trước, vượt qua các rào cản định kiến vô hình. Trong cuộc Thảo luận toàn quốc đang diễn ra, tổng thống Pháp đã thể hiện "một khát vọng và thái độ kiên định chưa từng có của một chính trị gia trong nền Đệ Ngũ Cộng Hòa". Tóm lại, Emmanuel Macron đang "trắc nghiệm các hình thức của một nền dân chủ mới". Chưa bao giờ một nguyên thủ Châu Âu, trước thềm một cuộc bầu cử Nghị Viện, lại hướng đến toàn thể cử tri của Châu lục với một dự án rõ ràng đến như vậy, theo nhà bình luận Alain Duhamel.

"Hạ cánh" và "cất cánh"

Cũng về vấn đề này, Le Figaro nhìn dưới góc độ cụ thể : Làm thế nào mà tổng thống Pháp và đảng cầm quyền phối hợp được việc kết thúc cuộc Thảo luận toàn quốc với việc khởi sự chiến dịch tranh cử Châu Âu : Hay nói một cách khác, một cuộc hạ cánh và một cuộc cất cánh. Những tuần sắp tới sẽ "rất cam go" với chính phủ. Hôm thứ Ba 05/03, thủ tướng Pháp cảnh báo đảng cầm quyền thận trọng trước kịch bản, nếu kết thúc Thảo luận toàn quốc gây thất vọng, thì điều này chắc chắn ảnh hưởng tiêu cực đến chiến dịch tranh cử Châu Âu. Theo lãnh đạo đảng cầm quyền Cộng Hòa Tiến Bước, thì giữa hai chiến dịch này, thì điểm chung quan trọng nhất là cần phải đặt các công dân vào tâm điểm, để họ nắm lại vận mạng của mình. Cũng có thể là việc "hạ cánh" sẽ diễn ra cùng lúc với "cất cánh", khép lại Thảo luận cùng với khởi động tranh cử Châu Âu.

Châu Âu nguy ngập

"Châu Âu trong tình trạng báo động" là tựa đề một phân tích trên Les Echos cũng về chủ đề này. Mượn lá thư hiệu triệu của tổng thống Pháp gửi đến công dân Châu Âu, Les Echos nhấn mạnh đến tình trạng được coi nguy ngập hiện nay.

Chỉ trong vòng ba tháng, tổ chức OCDE đã hạ dự báo tăng trưởng khu vực đồng euro xuống còn một nửa (hơn 1%). Chỉ trong vòng ba tuần nữa, Anh Quốc có thể rời Liên Âu không thỏa thuận, với các hậu quả dự báo là rất lớn. Các thế lực dân túy "đang xoáy dùi vào các vết thương" của Châu Âu sẽ có thể dành thêm phiếu bầu trong cuộc bầu cử tới. Các vũ khí tiền tệ của Châu Âu cho đến nay gần như đã được dùng hết : tỉ giá lãi suất đã được giảm xuống mức zero.

Hiện nay chỉ còn hy vọng đặt vào các vũ khí kinh tế và chính trị : cụ thể là tái khởi động sáng kiến phối hợp ngân sách giữa các nước ít nợ nần nhất, tiếp tục các cải cách về cấu trúc, thiết lập lại các quy tắc cạnh tranh, cho phép các doanh nghiệp Châu Âu vượt lên để đối đầu với các tập đoàn Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Quốc tế : Vị thế của Trung Quốc ngày càng bị thách thức

Chủ đề chính của Le Monde hôm nay là Trung Quốc, với tựa đề trang nhất tham vọng của chính quyền Trung Quốc đang bị chựng lại. Bài "Trung Quốc của Tập Cận Bình lún sâu trong hoài nghi" chú ý đến thái độ ngày càng mất tự tin của Bắc Kinh trên trường quốc tế.

Các chỉ trích của phương Tây đang ngày càng khiến các ông chủ Bắc Kinh mất ăn mất ngủ. Từ dự án "Nhất Đới Nhất Lộ", hay Con đường tơ lụa mới, đến các tấn công nhắm vào tập đoàn viễn thông Hoa Vi, cuộc chiến thuế của Hoa Kỳ, hay các chiến dịch tuần tra tại Biển Đông của Hải quân phương Tây. Vị thế của Trung Quốc bị thách thức chưa từng có.

Thủ tướng Trung Quốc nói đến tình hình đối ngoại và đối nội đang phức tạp và khó khăn hiếm có, chủ tịch Trung Quốc nay đã bắt đầu phải dùng đến những lời lẽ tuyên truyền thô bạo thời Cách Mạng Văn Hóa, để hy vọng huy động giới trẻ nỗ lực hơn vì chế độ.

Sợ phản đối nội bộ, Tập Cận Bình tung tài liệu gây áp lực

Cũng trong hồ sơ Trung Quốc, Le Monde có bài phỏng vấn nhà phân tích Chen Daoyin, với tựa đề "Tập Cận Bình bị phản đối ngay trong nội bộ Đảng".

Nỗ lực kiểm soát toàn bộ của lãnh đạo họ Tập không ngăn được sự trỗi dậy của các căng thẳng mới. Nhà phân tích Chen Daoyin đặc biệt chú ý đến việc Đảng cộng sản không tổ chức họp hội nghị trung ương từ một năm nay, một điều được coi là bất thường, nhưng cuối tháng Giêng vừa qua, Trung ương Đảng cộng sản đã soạn thảo một tài liệu nhằm siết chặt việc xây dựng Đảng.

Tài liệu này được công bố ngay trước dịp Quốc hội Trung Quốc khai mạc cuộc họp thường niên đầu tháng 3/2019, có mục tiêu gia tăng áp lực khiến các đảng viên không dám đưa ra các phát biểu khác với đường lối chính thức. Theo nhà phân tích Chen, nếu ông Tập Cận Bình không sợ bị phản đối, thì ắt hẳn đã không cần công bố một tài liệu nội bộ của đảng như vậy, vì quyền lực tối cao của Tập Cận Bình đã được ghi vào Hiến pháp trong kỳ Quốc hội năm ngoái.

Đầu tư Trung Quốc vào Châu Âu sụt 40% năm 2018

Về quan hệ Châu Âu - Trung Quốc, Le Monde có bài nhận định về "Đầu tư Trung Quốc tại Châu Âu sụt giảm 40% trong năm 2018". Nghiên cứu của Văn phòng Medium và Viện Mercator công bố hôm 4/3. Không khí ngờ vực Trung Quốc gia tăng tại Châu Âu. Trong khi đó, báo Les Echos có bài "Trung Quốc sử dụng con đường tơ lụa để làm suy yếu Châu Âu", nhân việc Ý có ý định tham gia hợp tác với Bắc Kinh trong dự án này, phá vỡ thế đoàn kết của Châu lục.

Cựu tù nhân Carlos Ghosn : Hai đóng góp cho nước Nhật

Cựu lãnh đạo liên minh xe hơi hàng đầu thế giới Carlos Ghosn, sau khi ra khỏi nhà tù ở Nhật, chuẩn bị cuộc phản công pháp lý là đề tài được hầu hết các báo đăng tải. Đây cũng là tựa trang nhất của Le Figaro Les Echos.

Theo Le Figaro, bản thân việc cựu lãnh đạo Nissan - Renault được nộp tiền bảo lãnh để tại ngoại đã là một chiến thắng. Ông Ghosn được thả sau 108 ngày bị giam, 108 ngày so với thời gian 85 ngày giam giữ trung bình đối với những người được tòa án Nhật cho phép tại ngoại. Nhưng điều đáng nói là chỉ có 9% người bị truy tố là được hưởng quyền tại ngoại hầu tra như Carlos Ghosn, trước khi toà chính thức xét xử.

Đối với giới công tố Nhật, đây là một thất bại đau đớn. Theo Le Figaro, chưa biết vụ án này sẽ đi đến đâu, nhưng Carlos Ghosn có thể đi vào lịch sử nước Nhật, với hai thành tích. Một là cứu được tập đoàn xe hơi Nhật Nissan khỏi phá sản và hai là làm thay đổi hệ thống tư pháp nước này.

Trong hai bài trả lời phỏng vấn 15 phút sau khi ra tù, cựu lãnh đạo liên doanh xe hơi Pháp-Nhật cho biết ông sẽ kiên quyết chống lại các cáo buộc về tội tham nhũng, lạm quyền, mà ông khẳng định hoàn toàn không có cơ sở.

Một số chủ đề trang nhất

Tham vọng của chính quyền Trung Quốc đang bị chựng lại là tựa lớn quốc tế trang nhất Le Monde. Báo động dự báo tăng trưởng Châu Âu chỉ còn 1% trong năm 2019 là chủ đề chính của Les Echos.

Cựu lãnh đạo liên minh xe hơi hàng đầu thế giới Carlos Ghosn, sau khi ra khỏi nhà tù ở Nhật, chuẩn bị cuộc phản công pháp lý là đề tài được hầu hết các báo đăng tải.

Về thời sự trong nước có một số chủ đề trọng tâm như : nhà tù Pháp đối mặt với sự trở về của các cựu binh thánh chiến Trung Đông (Le Figaro), Công Giáo Pháp tìm hơi thở mới (La Croix), chính trị gia cực tả François Ruffin đảng Nước Pháp Bất Khuất gây xáo động chính trường với cuốn sách mới chống tổng thống Macron và một phim tài liệu về phong trào Áo Vàng (Libération).

Trọng Thành

Published in Quốc tế