Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Covid-19 : Dịch bệnh vẫn là mối đe dọa đối với Pháp và Châu Âu

Vòng 2 cuộc bầu cử thành phố và thị xã ngày Chủ Nhật tới đây là đề tài số một trên báo chí Pháp ra hôm nay Thứ Sáu 26/06/2020, được Le Monde và La Croix đưa lên làm chủ đề chính trang nhất. Libération và Le Figaro cũng chú ý đến đề tài này, nhưng ở các trang trong, còn trang nhất thì được dành cho tình hình dịch bệnh Covid 19.

cov1

Đám đông trên đường phố tại thị xã Le Touquet-Paris-Plage, miền Bắc nước Pháp, hầu như không ai đeo khẩu trang, cho dù có yêu cầu ghi trên biểu ngữ chăng bên trên con phố chính. Ảnh chụp ngày 23/06/2020. © RFI/Jan van der Made

Như nói ở trên, cả Libération lẫn Le Figaro đều dành hồ sơ chính cho chủ đề Covid-19, và điểm trùng hợp lý thú là cả hai tờ báo đều nhấn mạnh đến nhu cầu cẩn trọng vào lúc dịch bệnh đang có dấu hiệu lui bước.

"Đừng nóng vội !"

Trong hàng tựa lớn chiếm trọn trang nhất, Libération kêu gọi : "Đừng nóng vội" khi còn trong giai đoạn dỡ bỏ phong tỏa. Trong một hồ sơ dài 4 trang, tờ báo Pháp công nhận là trong bối cảnh các số liệu thống kê hiện nay cho thấy là dịch bệnh đang lùi bước tại Pháp, mong muốn "lật qua trang mới" ngày càng mạnh mẽ, và thái độ coi thường các biện pháp an toàn ngày càng nhiều.

Tuy nhiên, nhật báo thiên tả Pháp cảnh cáo : "Sự trỗi dậy trở lại của dịch Covid-19 vào tháng 9 tới đây là một giả thuyết nghiêm túc, trong lúc virus corona vẫn tiếp tục đà lây lan trên các lục địa khác".

Trong bài viết "Tình hình dịch bệnh Covid-19 phải chăng đang trong tầm kiểm soát", Libération cho rằng quả đúng là khi nước Pháp chuẩn bị bước vào tuần lễ thứ tám của giai đoạn hậu phong tỏa, mọi sự có dấu hiện tiến triển tốt, với số ca nhiễm mới được duy trì ở mức thấp, chỉ vài trăm trường hợp mỗi ngày, so với hàng chục ngàn ca lúc dịch chạm đỉnh…

Đà thuyên giảm đang chững lại

Có điều, theo tờ báo, đà thuyên giảm của dịch bệnh có dấu hiệu chững lại từ một vài ngày qua, tựa như đã chạm phải một cái sàn, không tiếp tục đi xuống được nữa. Thậm chí, trong một thông cáo vào hôm qua, 25/06, Tổ chức Y tế Thế giới còn lo ngại về đà vươn lên trở lại của số ca nhiễm tại khoảng ba chục nước Châu Âu từ hai tuần lễ nay.

Trong tình hình đó, Libération đã lưu ý rằng mọi người vẫn cần phải cẩn trọng, dịch bệnh có thể giảm cường độ lây lan vào mùa hè, nhưng không dứt hẳn và trong những điều kiện thời tiết lạnh và khô sau đó, virus có thể tác oai tác quái trở lại.

Đối với tờ báo, các biện pháp bảo đảm an toàn về mặt y tế do đó vẫn hết sức cần thiết, mà đầu tiên hết là việc phải đeo khẩu trang, đặc biệt là trong những không gian khép kín, như nơi làm việc chẳng hạn.

Bên cạnh đó, chính quyền cần phải gia tăng việc xét nghiệm, để kịp thời phát hiện người mang virus, cách ly họ để phá vỡ dây chuyền truyền nhiễm. Các ổ dịch và chùm lây nhiễm cần phải được giám sát chặt chẽ.

Châu Âu vẫn phải đề cao cảnh giác

Nhật báo Le Figaro cũng dành tựa lớn trang nhất và một hồ sơ dài 5 trang cho diễn biến của dịch Covid-19, nhưng nhấn mạnh đến tình hình Châu Âu

Dưới hàng tít "Covid-19 : Châu Âu đề cao cảnh giác để tránh nguy cơ tái bùng phát", tờ báo thiên hữu Pháp nêu bật lời cảnh báo vào hôm qua 25/06 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đối với các nước Châu Âu, lưu ý về nguy cơ dịch bệnh "bùng phát" trở lại.

Nhắc lại tuyên bố trong một cuộc họp báo của bác sĩ Hans Kluge, quan chức của WHO đặc trách khu vực Châu Âu, theo đó "số ca nhiễm đã tăng lên ở Châu Âu vào tuần trước, lần đầu tiên từ nhiều tháng nay", Le Figaro đã giải thích rằng đà tăng lên trở lại đó một phần bắt nguồn từ các chiến dịch xét nghiệm tích cực đã được tiến hành từ mùa đông vừa qua, khi lục địa bị virus corona làm cho điêu đứng.

Tuy nhiên, đối với tờ báo, hiện tượng dịch bệnh trỗi dậy đó cũng là một lời cảnh tỉnh đối với nhiều người dân đang có xu hướng buông thả, lơ là hẳn các cử chỉ "an toàn" hay đeo khẩu trang từ lúc các biện phong tỏa được dỡ bỏ.

Không nên cho là virus đã bị triệt tiêu

Trong bài : "Người Pháp đang quên các cử chỉ an toàn vào lúc sắp đến hè", Le Figaro ghi nhận thái độ quan ngại của các công chứng viên, thợ hớt tóc, những chủ hiệu bán thuốc lá, nhân viên các cửa hàng hay nhà hàng… trước tình trạng rất nhiều khách hàng xử sự như là virus corona đã hoàn toàn bị triệt tiêu tại Pháp.

Một trong vô số ví dụ được một chủ tiệm hớt tóc tại Paris nêu bật : "Một số khách hàng đã tỏ vẻ rất ngạc nhiên khi được yêu cầu đeo khẩu trang. Người khác thì chẳng quan tâm gì đến việc giữ khoảng cách an toàn (1 mét) khi bước vào tiệm".

Theo Le Figaro, tình hình đáng lo ngại nhất là tại các nước khác, đặc biệt ở phía đông Châu Âu. Tại Đức, số ca nhiễm tăng lại, nhưng chính quyền đã kiểm soát được tình hình, tại Bồ Đào Nha thì một số biện pháp hạn chế tụ tập và đi lại đã được tái lập ở một số nơi.

Riêng tại vùng Balkan, từ Serbia, Croatia cho đến Montenegro, Bắc Macedonia, số ca nhiễm đã tăng lên trở lại, sau khi chính quyền nhiều nơi bãi bỏ các lệnh giới nghiêm hay hạn chế đi lại và tụ tập.

Một trường hợp điển hình được Le Figaro nêu bật là tay vợt tennis số một thế giới Novak Djokovic và nhiều người khác đã nhiễm Covid-19 sau giải quần vợt Adria Tour tổ chức ở Serbia.

150 đơn vị cần theo dõi nhân vòng 2 cuộc bầu cử cấp thành phố - thị xã

Về cuộc bầu cử địa phương ngày Chủ Nhật 28/06 sắp tới tại Pháp, Le Monde chạy trên 5 cột trang nhất hàng tựa lớn : "150 thành phố cần theo dõi nhân vòng 2".

Le Monde đã điểm qua một số nơi mà lá phiếu của từng cử tri sẽ mang tính quyết định, cho phép các đảng đối lập ở địa phương giành thắng lợi, hay các đa số mãn nhiệm duy trì được quyền hành.

Vào lúc mà mọi người đều dự đoán là đảng Cộng Hòa Tiến Bước LREM của tổng thống Pháp Macron sẽ thảm bại trong cuộc bầu cử, tờ báo thuộc hạng có uy tín nhất nước Pháp đã đặt ra một câu hỏi rất khiêu khích : Liệu có khả năng là đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa LR lại chính là bên thua cuộc nặng nề nhất ?

Đối với Le Monde, cho dù đã có kết quả tốt trong vòng 1 ngày 15/03 vừa qua, đảng LR nhân vòng hai này có nguy cơ bị những tổn thất rất nghiêm trọng, đặc biệt là bị mất hai thành phố lớn Marseille và Toulouse vào tay một liên minh cánh tả. Khả năng mất luôn cả Argenteuil, ngoại ô bắc Paris và Aix-en-Provence, gần Marseille cũng rất cao.

Vì sao đảng LR sẽ bị thua thiệt nhiều nhất ?

Theo tờ báo, có hai nguyên nhân gần như là cơ học giải thích thảm bại đó của đảng chủ chốt trong cánh hữu Pháp.

Nguyên nhân đầu tiên bắt nguồn từ cuộc bầu cử lần trước vào năm 2014. Khi ấy, cánh hữu đã bất ngờ đại thắng, giành được hơn 140 thành phố với hơn 10.000 dân từ tay cánh tả, tranh thủ được nỗi bất bình của người Pháp lúc đó đối với chính quyền của tổng thống Francois Hollande, thuộc đảng Xã Hội. Lần này thì những thị xã vốn có cơ cấu xã hội thiên về cánh tả đó sẽ bầu trở lại theo xu hướng cố hữu của mình.

Nguyên nhân thứ hai là nhân vòng 1 vừa qua, cánh hữu đã đoàn kết được hầu như mọi thành tố của mình, kể cả những ủng hộ viên của các nhóm trung hữu, trong lúc cánh tả lại hết sức chia rẽ. Bước qua vòng hai này, cánh hữu kể như không còn phiếu dự trữ, trong lúc ở rất nhiều nơi, các nhóm cánh tả lại đoàn kết được với nhau để ủng hộ một liên danh duy nhất.

Đó là chưa kể đến việc là kể từ năm 2017, hàng ngũ của đảng LR đã bị phân tán, với một số thành viên đi theo đảng cầm quyền của ông Macron, trong lúc một số người khác thì xa rời đảng trong thời ông Laurent Wauquiez làm chủ tịch.

Nếu đảng LR cánh hữu có nguy cơ bị tổn thất nặng nề, thì phong trào sinh thái EELV được cho là sẽ khẳng định được sự đột phá được ghi nhận nhân cuộc bầu cử nghị viên Châu Âu vừa qua. Ngoài thành phố Grenoble chắc chắn sẽ tiếp tục ở trong tay phe sinh thái, EELV có khả năng thắng lợi tại Lyon, Besançon, Tours, hay ở Strasbourg, Toulouse.

Đảng Xã Hội dù bị suy yếu ở cấp quốc gia, nhưng vẫn bám trụ được ở nhiều địa phương như đặc biệt là ở các thành phố miền Tây như Rennes, Brest, Rouen hay Nantes.

Riêng đảng Cộng Sản thì tiếp tục bị mất các lãnh địa vào tay đảng Xã Hội hay đảng cực hữu Tập Hợp Quốc Gia RN.

Về đảng RN, kết quả cần theo dõi là Perpignan ở miền đông nam nước Pháp, nơi liên danh của của đảng này lại cố xóa nhòa gốc tích cực hữu của mình để tranh thủ cử tri.

Hồi kết của một câu chuyện dài kỷ lục

Cũng về vòng 2 cuộc bầu cử hội đồng thành phố và thị xã sắp diễn ra, nhật báo công giáo La Croix như đã thở phào nhẹ nhõm, chạy trên trang nhất tựa lớn "Hồi kết rốt cuộc đã đến".

Theo tờ báo, vòng 2 cuộc bầu cử Chủ nhật tới đây sẽ đánh dấu sự kết thúc của khoảng cách giữa hai vòng dài nhất trong lịch sử chính trị Pháp. Sau một chiến dịch tranh cử dài vô tận và một tỷ lệ người không đi bầu cao kỷ lục ở vòng một, các ứng cử viên hy vọng rằng lần này, công dân sẽ hăng hái hơn.

Vấn đề lại là các dự báo cho đến giờ không mấy lạc quan về tỷ lệ người đi bầu. Nếu ở vòng một, cử tri bị phân tâm vì phong trào biểu tình chống cải cách hưu bổng và ngay sau đó là cuộc khủng hoảng Covid-19, thì ở vòng 2 này, người dân Pháp tiếp tục phải bận tâm vì những vấn đề hậu phong tỏa, khủng hoảng kinh tế đang đón chờ và kỳ nghỉ hè sắp đến.

Đối với La Croix, tình thế kể trên quả là một nghịch lý, vì cuộc khủng hoảng y tế mà người Pháp vừa trải qua đã chứng tỏ tính chất tối quan trọng của các chính quyền địa phương.

Dẫu sao thì cuộc bầu cử kết thúc sẽ cho phép đời sống chính trị Pháp tiếp tục tiến bước, lập được danh sách đại cử tri cho cuộc bầu Thượng Viện vào tháng 9 tới đây, và cuộc bầu cử các Hội Đồng Vùng dự trù vào tháng Ba năm tới.

Donald Trump tận dụng tâm lý bài Trung Quốc

Về thời sự thế giới, đáng chú ý có lẽ là bài viết trên báo Le Monde về việc tổng thống Mỹ "Donald Trump khai thác tinh thần bài Trung Quốc của một thành phần cử tri Mỹ"

Tờ báo nhắc lại sự kiện là Nhà Trắng mới đây đã lập một danh sách đen gồm 20 công ty Trung Quốc thân cận với quân đội Trung Quốc, được xem là một "công cụ bổ ích" cho các doanh nghiệp Mỹ trước khi ký kết hợp tác với những đơn vị này. Trong danh sách này dĩ nhiên có Hoa Vi.

Theo Le Monde, thông tin đã được rò rỉ rất đúng lúc cho hãng Reuters, hôm 24/06, trong lúc cuộc chiến thương mại và công nghệ Mỹ-Trung vẫn gay gắt. Danh sách của Nhà Trắng được thành lập trong khuôn khổ một đạo luật năm 1999 (Defense Authorization Act), bảo vệ quyền lợi chiến lược của Mỹ, và cho phép tổng thống Mỹ áp đặt biện pháp trừng phạt đối với các đối tượng được nêu tên.

Le Monde thắc mắc : Donald Trump sẽ làm gì đây ? Ông có quyền quyết định đưa ra những trừng phạt mới, nhưng chưa bao giờ một chính quyền Mỹ đi xa đến thế trong việc sử dụng văn kiện luật trên.

Tuy nhiên, điều rõ ràng là chỉ còn không đầy 5 tháng nữa trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, và ông Trump, mà "sức khỏe" chính trị không ở đỉnh cao, đang chơi lá bài "bài Trung Quốc", một tâm lý rất sâu đậm trong một thành phần rộng lớn của cử tri Mỹ.

Trọng Nghĩa

Published in Quốc tế

Dịch Covid-19 : Pháp vất vả chiến đấu với con virus khủng khiếp từ Vũ Hán

Mối đe dọa của đại dịch virus từ Vũ Hán bao trùm lên nước Pháp, khiến các báo Paris dù đã đề cập nhiều góc cạnh trong những tuần lễ qua, hôm nay 16/03/2020, tiếp tục là chủ đề lớn, thậm chí chiếm toàn bộ tờ báo - một sự kiện hiếm thấy.

phap1

Kiểm phiếu bầu vòng 1, bẩu cử cấp xã, thành phố, ngày 15/03/2020, với khẩu trang, đề phòng virus corona mới. Ảnh chụp tại một phòng phiếu ở Strasbourg. Reuters/Christian Hartmann

Le Figarođăng ảnh một người đeo khẩu trang trước Khải Hoàn Môn, với hàng tít trang nhất "Virus corona, thử thách lớn lao". Libération dành 10 trang báo, chạy tựa "Virus corona : Tình trạng vô ý thức". Đám đông vẫn chen chúc trong các chợ, công viên đầy người dạo chơi… Mặc cho tình trạng trầm trọng hiện nay, người Pháp vẫn không tự hạn chế việc đi lại, và khiến dịch bệnh có nguy cơ tăng theo cấp số nhân.

La Croixnói về "Một ngày Chủ nhật dưới cái bóng của Covid-19" : cử tri Pháp được kêu gọi tham gia cuộc bầu cử địa phương, trong bối cảnh siết chặt các biện pháp chống dịch bệnh. Le Monde ra từ cuối tuần trước, nhấn mạnh "Trở thành tâm dịch, Châu Âu đóng cửa". Riêng Les Echos dành toàn bộ 32 trang báo cho nạn dịch virus Vũ Hán. Trang nhất của tờ báo là một bóng đen mang khẩu trang, với dòng tựa "Cuộc chạy đua với thời gian".

Đại dịch virus corona tại Pháp đang tăng theo cấp số nhân

Quỹ đạo theo cấp số nhân của đại dịch chưa có dấu hiệu nào dừng lại. Le Figaro dẫn lời giáo sư Jérôme Salomon, tổng giám đốc phụ trách y tế (thuộc Bộ Y tế), cho biết số ca nhiễm tăng gấp đôi mỗi 72 giờ. Có nghĩa là trong ba ngày tới tại Pháp sẽ có 9.000 ca dương tính, 72.000 ca trong 12 ngày nữa, 144.000 ca trong hai tuần tới - trên đây là các số thống kê dự báo những ca khá nặng, trong đó đa số sẽ có khả năng phải nhập viện cho thở oxy.

Với tốc độ này, từ 300 ca điều trị tích cực hiện nay sẽ tăng lên 5.000 ca trong hai tuần nữa. Không chỉ những người già mới là nạn nhân, phân nửa số bệnh nhân phải thở máy dưới 60 tuổi. Nếu hiện nay đa số bệnh nhân trẻ tuổi thoát hiểm được là nhờ được giúp thở tại khoa hồi sức trong nhiều ngày.

Cả nước Pháp chỉ có được 5.000 giường hồi sức, 7.000 giường điều trị tích cực, nhưng đa số đều đã bận. Các bác sĩ bệnh viện Mulhouse báo động tỉ lệ phải nhập viện sau khi khám ở khoa cấp cứu là 40%. Cách đó 40 km, khoa hồi sức của bệnh viện Colmar có 45 giường, hiện toàn bộ là bệnh nhân bị virus corona.

Nguy cơ "vỡ trận" và vấn đề đạo đức

Les Echos cho biết các công ty sản xuất thiết bị trợ giúp hô hấp đang chạy hết tốc lực : Dräger, Löwenstein (Đức), Getinge (Thụy Điển), GE Healthcare, Metronic (Mỹ) và Mindray (Trung Quốc). Löwenstein phải tuyển thêm người, hiện công ty cố gắng tránh cho công nhân bị lây nhiễm chéo : ba ê-kíp thay ca không hề gặp nhau.

Bác sĩ Geffroy-Wernet, chủ tịch nghiệp đoàn bác sĩ gây mê hồi sức giải thích cho La Croix, bệnh nhân bị virus corona phải chữa trị rất lâu, khoảng hai, ba tuần, đôi khi cả tháng. Do đút ống để thở máy, phổi của bệnh nhân dễ bị nhiễm trùng, nên thời gian trợ giúp hô hấp kéo dài hơn thường lệ. Còn bác sĩ Serge Alfandari, chuyên khoa nhiễm của bệnh viện Tourcoing nhắc nhở, dù có số giường hồi sức gấp đôi Ý, Pháp vẫn có nguy cơ lâm vào cùng một tình trạng như nước láng giềng.

La Croix đặt ra vấn đề đạo đức trong thời kỳ dịch bệnh virus corona, khi đội ngũ y bác sĩ trong thế lưỡng nan như ở Ý - phải chọn lựa bệnh nhân để cứu. Tờ báo công giáo nhắc nhở năm 1799 trong chiến dịch Ai Cập, dịch hạch hoành hành, Bonaparte đòi hỏi bác sĩ Desgenettes kết liễu những người lính bị bệnh để khỏi lây cho người khác, nhưng Desgenettes từ chối ngay, nói rằng nghĩa vụ của bác sĩ là cứu người. Năm 2005 khi trung tâm y tế New Orleans bị cô lập vì bão Katrina, cơ sở có 317 giường lão khoa này không có điện, nhiệt độ lên tới 38°C. Những y tá "giúp giải thoát" nhiều người già đã bị khởi tố vì tội sát nhân.

Pháp đang trong tình trạng chiến tranh

"Cần ý thức rằng chúng ta đang trong tình trạng chiến tranh", đó là khuyến cáo của giáo sư William Dab, cựu tổng giám đốc phụ trách y tế trong thời kỳ dịch SARS. Trả lời phỏng vấn báo Le Figaro, ông tỏ ra hết sức lo ngại, và hy vọng việc cách ly sẽ thành công tại Pháp kẻo dịch corona sẽ biến thành thảm họa.

Giáo sư Dab nhận định tình hình rất trầm trọng, khiến ông chưa bao giờ lo sợ như thế. Đô thị hóa hàng loạt, giao thương quốc tế nhộn nhịp, dân số tăng nhanh : mọi điều kiện đều hội đủ, và bây giờ thì đại dịch đã đến. Nhưng hầu hết vẫn chưa ý thức được, vẫn cho rằng "cũng như cúm thông thường" mà thôi, các nhà hàng vẫn đầy người.

Vấn đề là con virus đang lây lan ồ ạt thông qua những người đã bị nhiễm, nhưng không có triệu chứng nào, và loài người chưa có được thuốc chữa. Hồi 2003, khi hiểu rằng virus SARS không lây khi chưa phát ra triệu chứng, có thể yên tâm là những rào chắn sẽ hiệu quả. Nhưng lần này thì không, người bị nhiễm nhiều ngày sau mới thấy có dấu hiệu. Cuối tháng Giêng, biết được điều ấy, ông Dab đã cảnh báo, nhưng không được quan tâm.

Sẽ có 300.000 người chết ?

Theo giáo sư Dab, cần nói thẳng ra là một kịch bản với 300.000 người chết tại Pháp hoàn toàn có thể xảy ra. Với tốc độ lây nhiễm hiện nay, virus có thể lây cho 30 triệu dân Pháp và với tỉ lệ tử vong 1%, con số trên là hiện thực thậm chí là lạc quan, với điều kiện các bệnh viện chịu đựng nổi - một điều không thể bảo đảm. Chưa kể đến số nạn nhân gián tiếp : những người bị các loại bệnh nặng khác tử vong vì thiếu giường bệnh.

Ông cho rằng vẫn có thể giúp giảm tải cho bệnh viện, nhưng còn tùy sự hợp tác của người dân. Chính phủ đã nhận lấy trách nhiệm, nay đến lượt từng người một phải nghiêm túc tôn trọng quy định tự cách ly, chứ không phải Nhà nước tiêu hủy được con virus. Nếu chúng ta chấp nhận vài tuần lễ tương đối mất tự do, tỉ lệ lây nhiễm sẽ giảm.

Cần phải chờ đợi ba tuần lễ nữa mới biết được những biện pháp hiện nay có hiệu quả hay không, trong khi đó dịch bệnh corona vẫn tăng theo cấp số nhân. Quả là thô bạo, nhưng cần nhớ trong đầu là chúng ta đang trong chiến tranh, đang bị một kẻ thù vô hình xâm lược, cần phải tổng động viên.

"Hãy ở nhà, ở nhà và ở nhà !"

Nếu chặn đứng được nạn dịch và dưới 30% dân số bị nhiễm và được miễn dịch, con virus Vũ Hán vẫn có thể quay lại vào mùa thu. Ngược lại, nếu 60-70% dân số bị dương tính trong đợt đầu, có thể trở thành miễn dịch cộng đồng, với cái giá nhân mạng như đã nói ở trên. Đợt dịch thứ hai, nếu có, sẽ ít nghiêm trọng hơn.

Một kịch bản đáng ngại khác là con virus biến thể, như vậy miễn dịch trong đợt đầu chỉ là một phần mà thôi, và nó gây tử vong gấp 10 lần cúm mùa. Không nên quá trông cậy vào giả thiết khi thời tiết ấm dần tình hình sẽ ổn, kịch bản lạc quan nhất là nạn dịch tạm ngưng tăng một thời gian và thế giới chế ra được vaccin.

Vũ khí duy nhất của chúng ta hiện nay là hạn chế tiếp xúc. Cần phải ở yên một chỗ, không đi ra ngoài gặp bạn bè, người thân, trừ vợ chồng con cái trong nhà. Giáo sư William Dab kết luận, khẩu hiệu là rất rõ : Hãy ở nhà, ở nhà và ở nhà !

Libération trong bài xã luận than thở, mặc dù chính phủ đã có những biện pháp nghiêm khắc từ thứ Bảy 14/3 - đóng cửa những cơ sở thương mại không thiết yếu - vẫn có một số lượng đáng ngạc nhiên người Pháp không thận trọng ở nhà mà lại vô tư đổ ra công viên, bờ sông, tranh thủ những dấu hiệu mùa xuân vừa đến. Trong khi đây là một thách thức lịch sử, một nước Pháp bị cách ly, cắn móng tay ngồi nhìn con quái vật từ Vũ Hán tác oai tác quái.

Sau trận đại chiến này, thế giới sẽ không còn như xưa

Tương tự, xã luận của Les Echos mang tựa đề ngắn gọn : "Một cuộc chiến". Hệ thống y tế đang trên tuyến đầu đối phó với đại dịch sẽ không thể chống chọi nổi, nếu không có được tính kỷ luật của cộng đồng.

Chiến tranh là gì, nếu không phải là sự kết thúc thời kỳ vô tư lự ? Trong thời chiến, không còn những thú vui thường nhật. Cuộc sống bỗng chốc thay đổi hẳn, một vòm trời u ám và lạnh giá bỗng bao trùm lên cả nước, những biên giới lần lượt đóng cửa. Cần phải sống với mối đe dọa vô hình và tai quái ấy. Kẻ thù là người khác, là bạn, là đồng nghiệp, hàng xóm của ta. Không phải là con virus, mà là người chuyển nó sang ta, và địch thủ thường mang khuôn mặt một đứa trẻ ngây thơ. Than ôi, nhiều người không hình dung được mối đe dọa này !

Chiến tranh là tổng động viên, là sẽ có hàng ngàn, hàng chục ngàn nạn nhân ; nhưng nhân viên y tế là những chiến binh trên tuyến đầu hiểu rõ rằng thiệt hại còn tùy thuộc vào thái độ của từng người. Bệnh nhân tăng theo cấp số nhân, phải triệt để hạn chế các tương tác xã hội. Các bệnh viện vùng Grand Est và Hauts-de-France hiện đã quá tải, cần tránh việc số ca nặng vượt quá năng lực chữa trị.

Chúng ta chỉ mới ở giai đoạn khởi đầu của chiến tranh. Đó vừa là một cuộc chạy đua với thời gian, vừa là một cuộc chiến khủng khiếp về sức bền mà người dân Pháp phải chịu đựng, trong khi phương tiện chưa hẳn đã đủ. Liệu có đủ khẩu trang, máy thở, và cả nhân lực ? Và còn phải chống chọi trong bao lâu - ba tháng hay hơn nữa ? Chúng ta đang rơi vào một cõi khác. Sau cuộc đại chiến này, thế giới sẽ không bao giờ còn như xưa nữa.

Thụy My

Published in Quốc tế