Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

15/08/2019

Thương chiến Mỹ - Trung chưa chấm dứt và còn căng thẳng hơn

RFI tiếng Việt

Mỹ đưa vào sổ đen 4 công ty hạt nhân Trung Quốc vì giúp quân đội (RFI, 15/08/2019)

Washington tiếp tục mạnh tay đối với các tập đoàn công nghệ Trung Quốc. Theo hãng tin Mỹ Bloomberg, chính quyền Hoa Kỳ hôm qua 14/08/2019 đã đưa bốn công ty Trung Quốc hoạt động trong lãnh vực hạt nhân dân sự vào một bản danh sách đen về thương mại. Các công ty này bị cáo buộc là đã giúp quân đội Trung Quốc sở hữu công nghệ tiên tiến của Mỹ để dùng vào mục tiêu quân sự.

mytrung1

Ảnh minh họa : Một mô hình nhà máy điện hạt nhân của tập đoàn nhà nước Trung Quốc CNNC được trưng bày ở bắc Kinh, ngày 19/04/2017. Reuters

Trong một thông báo được Công Báo Liên Bang Hoa Kỳ (Federal Register) công bố, tên của bốn công ty Trung Quốc đã bi đưa vào bản Danh Sách các Thực Thể (Entity List), tức là bản danh sách đen của các công ty nước ngoài bị Hoa Kỳ trừng phạt bằng cách cấm công ty Mỹ làm ăn với họ.

Bốn công ty Trung Quốc bao gồm Tập Đoàn Năng Lượng Hạt Nhân Trung Quốc và các công ty con của tập đoàn này là công ty Năng Lượng Hạt Nhân Trung Quốc, công ty Nghiên Cứu Công Nghệ Điện Hạt Nhân Trung Quốc và Công ty Nghiên Cứu Năng Lượng Hạt Nhân Tô Châu.

Ngay từ năm 2016, Bộ Tư Pháp Mỹ đã tố cáo Tập Đoàn Năng Lượng Hạt Nhân Trung Quốc, tập đoàn hạt nhân lớn nhất nước này, là đã có âm mưu đánh cắp công nghệ Mỹ từ những năm 1990. Còn Lầu Năm Góc thì cũng đã cảnh báo về kế hoạch của Trung Quốc nhằm xây dựng các nhà máy điện hạt nhân nổi trên các đảo và rạn san hô mà Bắc Kinh đang chiếm đóng ở Biển Đông.

Vào tháng 10 năm ngoái, chính quyền Donald Trump cũng loan báo quyết định siết chặt hơn nữa việc xuất khẩu công nghệ liên quan đến hạt nhân của Hoa Kỳ sang Trung Quốc để ngăn chặn việc "Trung Quốc chuyển hướng trái phép công nghệ hạt nhân dân sự của Hoa Kỳ để dùng vào mục tiêu quân sự hoặc các mục tiêu không được phép khác".

Điểm đáng chú ý là Tập Đoàn Năng Lượng Hạt Nhân Trung Quốc đang là một đối tác quan trọng của Anh Quốc, hiện đang liên kết với tập đoàn Điên Lực Pháp EDF để xây dựng dự án Hinkley Point C tại Anh Quốc, trị giá gần 20 tỷ bảng Anh (24 tỷ đô la). Vào năm 2016, thủ tướng Anh lúc bấy giờ là bà Theresa May đã trì hoãn việc ra quyết định cuối cùng về kế hoạch này trong bối cảnh có nhiều phản ứng lo ngại trước việc dự án Hinkley Point C sẽ cho phép Bắc Kinh tiếp cận hệ thống điện quốc gia của nước Anh.

Trọng Nghĩa

**************

Mỹ củng cố mặt trận Nam Thái Bình Dương chống Trung Quốc (RFI, 15/08/2019)

Hoa Kỳ dấn thân vào vùng Nam Thái Bình Dương xa xôi để củng cố một liên minh đối đầu với Trung Quốc. Thượng tuần tháng 8, ngoại trưởng Mỹ lần đầu tiên đến Pohnpei, thủ đô Liên bang Micronesia, để chứng tỏ mối quan tâm của Washington đối với các đồng minh Thái Bình Dương, cho dù là những tiểu quốc, nhưng rất quan trọng trong bối cảnh xung khắc với Trung Quốc trên mọi mặt. RFI Việt ngữ đặt câu hỏi với nhà phân tích Lưu Tường Quang ở Sydney về chiến lược của Mỹ .

mytrung2

Ngoại trưởng Mỹ Pompeo với các tổng thống của Liên bang Micronesia, đảo Marshall và Palaos họp báo tại Kolonia, Micronesia, ngày 05/08/2019.Reuters

Ngày 05/08/2019, trong cuộc hội đàm với tổng thống Liên bang Micronesia, David Panuelo, nữ tổng thống đảo Marshall, Hida Heine và tổng thống Palaos, Tommy Remengesau, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cam kết "sẽ tiếp tục bảo vệ an ninh và quyền sống trong tự do và hòa bình" cho ba nước đồng minh. Ba nước này hiện đang được Hoa Kỳ bảo vệ về an ninh, nhưng hiệp định liên đới này sắp được đàm phán lại.

Không che dấu mục tiêu chiến lược, nhân vật cao cấp nhất trong chính phủ Mỹ lần đầu tiên đặt chân đến Micronesia tuyên bố biết rõ tham vọng của Bắc Kinh : "Trung Quốc muốn can thiệp vào vùng Nam Thái Bình Dương, nhưng Hoa Kỳ tin tưởng người dân trong khu vực hiểu rõ chỉ có những nước dân chủ mới là đối tác đáng tin cậy". Trong đáp từ, lãnh đạo Micronesia cho biết "hãnh diện vì người dân địa phương được Mỹ bảo vệ như những công dân Mỹ".

Cũng vì một mối đe dọa "không lạ"

Một viên chức Mỹ xin dấu tên thừa nhận đúng là "những cuộc thảo luận gần đây cho thấy Washington nâng tầm quan trọng của khu vực Thái Bình Dương", cho dù đôi bên đã có mối quan hệ lịch sử .

Cùng nhận định, chuyên gia chính trị quốc tế Pháp Elizabeth Economy, thuộc Viện quan hệ quốc tế Mỹ - Council on Forein Relations, giải thích : "Trong những năm gần đây, Hoa Kỳ đã chuẩn bị củng cố vị trí trong vùng Nam Thái Bình Dương".

Tuy nói là tiểu quốc nhưng các quần đảo này trải dài đến 2700 km từ đông sang tây, một yếu tố rất quan trọng trong bối cảnh quyền tự do hàng hải là một trong những điểm xung khắc cốt lõi giữa Trung Quốc và các nước tự do.

Trước khi đến Micronesia, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đi một vòng vận động Châu Á - Thái Bình Dương, từ Bangkok rồi đến Sydney, cũng vì một mục đích xây dựng một vùng "Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do".

Những tuyên bố này, các động thái chuẩn bị của Mỹ, cũng như dự án bố trí tên lửa tầm trung ở Châu Á mang ý nghĩa gì ? Vì sao Bắc Kinh có thể "múa gậy vườn hoang" suốt một thời gian dài ? Từ lúc nào Donald Trump tỉnh thức sau khi độc đoán bỏ chính sách "xoay trục"của người tiền nhiệm ?

RFI Việt ngữ đặt câu hỏi với nhà phân tích Lưu Tường Quang ở Sydney.

Lưu Tường Quang : "Vùng Nam Thái Bình Dương luôn là bãi chiến trường của nhiều quốc gia. Trong mấy thập niên nay , vùng này là chiến trường giữa Bắc Kinh và Đài Bắc, vì Bắc Kinh theo đuổi chính sách cô lập ngoại giao và chính trị đối với Đài Loan ( Marshall và Palaos công nhận Đài Loan). Nhưng Nam Thái Bình Dương còn quan trọng hơn nữa về mặt chiến lược giữa thế giới tự do theo nghĩa giữa Hoa Kỳ, Nhật Bản, Tân Tây Lan, đối với sự trổi dậy của Bắc Kinh. Nam Thái Bình Dương không phải là bãi chiến trường mà Hoa Kỳ bỏ quên. Thật ra Hoa Kỳ chú ý đến khu vực này, nhưng vì không liên tục, nên bị xem là lơ là… Cho nên trong thập niên gần đây, Bắc Kinh đã "múa gậy vườn hoang".

Trước chuyến đi vừa rồi của ông Mike Pompeo vào năm 2012, ngoại trưởng Mỹ lúc đó là Hillary Clinton đã đến đảo Cook như là một phần của chính sách "tái định vị" của tổng thống Barack Obama và có sự thúc đẩy của các nước khu vực như Úc và Tân Tây Lan…".

Tú Anh

*****************

Giới chuyên gia : Trung Quốc đừng mong bắn chìm tàu sân bay Mỹ (RFI, 15/08/2019)

Vào lúc sức mạnh của Hải Quân Mỹ rõ ràng là dựa trên lực lượng tàu sân bay hùng hậu, các thành phần diều hâu Trung Quốc thường đưa ra lập luận là chỉ cần phá hủy một hoặc hai chiếc hàng không mẫu hạm Mỹ là đủ để làm cho Hoa Kỳ lùi bước.

mytrung3

Ảnh minh họa : Tàu sân bay USS Ronald Reagan và hải đội tác chiến cùng oanh tạc cơ B-52 của Không Quân và chiến đấu cơ F/A 18 của Hải Quân, trên biển Philippines, trong cuộc tập trận Valiant Shield 2018 ngày 17/09/2018.U.S. Navy photo by Mass Communication Specialist 3rd Class Erwin

Đối với các thành phần này, Bắc Kinh hiện đã có các phương tiện tối tân như các loại tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình hiện đại để tấn công và đánh chìm tàu sân bay Mỹ. Vấn đề nói thì đơn giản, nhưng thực hiện thì không phải là điều dễ dàng, thậm chí còn bất khả, như nhận định của chuyên gia phân tích quốc phòng Loren Thompson trên tờ báo Mỹ Forbes số ra ngày 09/08/2019 trong bài mang tựa đề "Tại sao Trung Quốc không thể đánh được tàu sân bay Mỹ" ( Why China Can't Target U.S. Aircraft Carriers ).

Theo tác giả bài phân tích, từ hàng chục năm nay, nhiều người vẫn lo ngại là con chủ bài của sức mạnh Mỹ là các tàu sân bay khổng lồ hiện đang ngày càng gặp nguy hiểm trong thời đại của tên lửa chống hạm tầm xa với hệ thống dẫn đường cực kỳ chính xác, đặc biệt là của Trung Quốc, nước đã chuyển mình thành một siêu cường quân sự, với những loại vũ khí có thể đe dọa các hàng không mẫu hạm Mỹ.

Thế nhưng Hải Quân Hoa Kỳ, theo nhà phân tích của tờ Forbes, dường như không mấy lo lắng, thậm chí đô đốc John Richardson, tư lệnh Hải Quân mãn nhiệm, còn cho rằng Mỹ bây giờ còn "ít có khả năng bị tấn công hơn" so với thời kỳ kể từ Đệ Nhị Thế Chiến cho đến nay.

Có hai lý do giải thích thái độ tự tin của Hải Quân Mỹ : Trước hết là vì Mỹ đã đầu tư rất mạnh vào những công nghệ mới nhằm củng cố hệ thống phòng thủ của các nhóm tàu sân bay tấn công, đồng thời cũng đã thay đổi chiến thuật tác chiến tại khu vực gần Trung Quốc. Thế nhưng, lý do lớn nhất giúp Mỹ tự tin chính là muôn vàn khó khăn mà Trung Quốc sẽ gặp phải để tìm ra và theo dõi các tàu sân bay Mỹ.

Tại sao những chiếc tàu sân bay hạt nhân khổng lồ mà Hải Quân Mỹ đang sử dụng lại có thể khó tìm như vậy, nhất là khi đó là những công trình đồ sộ, có chiều cao ngang với một tòa nhà 25 tầng, làm bằng thép dễ dàng bị radar nhìn thấy, lại đầy rẫy những loại thiết bị dựa trên quang học, hồng ngoại và tần số radio đặc biệt dễ bị phát hiện. Trong lúc đó thì quân đội Trung Quốc ngày càng có thêm công cụ dò tìm tinh vi, và tên lửa chống hạm đủ loại.

Trở ngại về mặt địa dư

Theo nhà phân tích của Forbes, lý do đầu tiên mang tính chất địa dư : Khu vực phía tây Thái Bình Dương, nơi hoạt động của hàng không mẫu hạm Mỹ, là một vùng mênh mông, rất dễ cho các con tàu ẩn mình khi tác chiến. Riêng Biển Đông đã rộng hơn 3,6 triệu km2, và đấy chỉ là một trong 4 vùng biển mà phi cơ xuất phát từ tàu sân bay Mỹ có thể tấn công vào Trung Quốc.

Trong trường hợp tiến hành hoạt động kiểm tra trên biển – tức là bảo vệ các tuyến đường biển cho các đồng minh chủ chốt như Nhật Bản chẳng hạn – có nhiều khả năng là tàu Mỹ sẽ ở khá xa chuỗi đảo đầu tiên nằm song song với bờ biển Trung Quốc.

Trong tình hình đó, hạm đội Mỹ có thể dễ dàng ẩn mình giữa vùng biển Tây Thái Bình Dương cực kỳ rộng lớn. Định vị một thứ gì đó giữa hàng triệu dặm vuông của một đại dương quả thực là không dễ, nhất là khi mục tiêu cần tìm còn thường xuyên di chuyển chứ không hề ở yên một chỗ.

Nhờ dùng năng lượng hạt nhân, tàu sân bay Mỹ về cơ bản có phạm vi hoạt động không giới hạn. Nếu quân đội Trung Quốc thực sự định vị được tàu sân bay Mỹ và bắn tên lửa về phía con tàu, thì khi tên lửa bay đến nơi, tàu sân bay đó đã không còn ở vị trí trước đó.

Với vận tốc 56 km/giờ, hàng không mẫu hạm Mỹ có thể ở bất kỳ đâu trong một khu vực có diện tích hơn 1/813 km2 trong khoảng thời gian 30 phút, và sau 90 phút, khu vực tàu sân bay hiện diện có thể tăng lên hơn 15.540 km2 – đây cũng là khoảng thời gian từ lúc Trung Quốc phát hiện ra tàu sân bay và phóng tên lửa đi từ đất liền.

"Quá trình tiêu diệt - kill chain"

Ngoài khó khăn trong việc phát hiện kẻ địch, Trung Quốc cần vượt qua nhiều trở ngại khác để có thể tấn công được một tàu sân bay Mỹ.

Đầu tiên hết là phải tìm ra tàu sân bay, sau đó phải xác định được vị trí con tàu, thiết lập một bản đồ theo dõi hành trình liên tục chuyển động của nó ; rồi đưa con tàu vào tầm ngắm chính xác của những loại vũ khí cụ thể. Chưa hết, Trung Quốc còn phải xuyên thủng hàng rào phòng thủ nhiều lớp của tàu sân bay Mỹ mới có thể tiếp cận được mục tiêu ; và cuối cùng còn phải đánh giá xem thiệt hại gây ra có đủ để khiến đối phương ngừng hoạt động hay chưa.

Hải Quân Mỹ gọi đây là một "quá trình tiêu diệt - kill chain", với mỗi bước phải được hoàn thành theo thứ tự, chỉ cần một sai sót trong một công đoạn là toàn bộ quá trình sẽ thất bại.

Và dĩ nhiên là Mỹ và các đối tác có nhiều kế hoạch nhằm gây gián đoạn từng bước một trong quá trình tiêu diệt đó.

Radar và vệ tinh Trung Quốc : hiệu năng còn khiêm tốn

Câu hỏi mà Forbes đặt ra là trong thời điểm hiện nay, những phương tiện mà Trung Quốc có thể dùng để dò tìm và xác định vị trí của tàu sân bay Mỹ có hiệu năng ra sao. Trước tiên hết là các hệ thống radar đặt trên đất liền.

Trung Quốc hiện có ít nhất 2 hệ thống radar khổng lồ mà trên lý thuyết, có khả năng gọi là "mò kim đáy biển".

Tuy nhiên, tính hữu dụng của các hệ thống này khá khiêm tốn. Trước hết tín hiệu ghi nhận được rất yếu. Do phải phát đi các bước sóng dài, sản siinh ra tương đối ít thông tin, và những tín hiệu dội ngược trở về lại bị tiêu hao năng lượng nên rất yếu.

Ngoài ra, hình ảnh thu được của các khu vực khảo sát lại có độ phân giải thấp đến nỗi radar không thể thiết lập bản đồ theo dõi kể cả khi đã phát hiện ra tàu sân bay.

Cuối cùng, bản thân hệ thống radar rất lớn, và những vật thể cố định như vậy luôn bị đối phương ưu tiên phá hủy trước tiên khi có chiến tranh.

Trung Quốc cũng có thể dùng đến hành chục vệ tinh trinh sát mà họ đã phóng lên quỹ đạo, một số giống như các vệ tinh thăm dò điện tử mà Hải Quân Mỹ dùng để giám sát các đại dương, một số khác sử dụng các cảm biến quang học và radar có "độ mở tổng hợp".

Nhưng để thu thập được thông tin với chất lượng đủ để phục vụ việc nhắm bắn đối tượng, các vệ tinh phải được đặt ở quỹ đạo thấp của Trái Đất (khoảng hơn 1.000 km tính từ bề mặt hành tinh). Ở độ cao đó, vệ tinh sẽ di chuyển với tốc độ gần 25.750 km/giờ - có nghĩa là sẽ nhanh chóng biến mất ở đường chân trời và phải hơn một giờ sau mới quay lại vị trí ban đầu.

Hải Quân Mỹ đã ước tính rằng để liên tục giám sát được các khu vực đại dương gần Trung Quốc, Bắc Kinh cần phải thiết lập 3 hệ thống theo dõi song song bắc – nam ở quỹ đạo thấp, và đưa vào mỗi hệ thống hàng chục vệ tinh được sắp xếp sao cho tầm phủ sóng của chúng liên tục với nhau.

Trung Quốc hiện chưa làm được điều này, và dù có làm được, thì việc kết nối toàn bộ các hệ thống trên quỹ đạo với một hệ thống điều hành dưới mặt đất để triển khai vũ khí nhắm vào một chiếc tàu sân bay nào đó cũng sẽ là một việc cực kỳ khó khăn.

Tàu sân bay Mỹ phòng thủ dày đặc

Giải pháp thứ ba của Trung Quốc là dùng phi cơ radar có và không có người lái.

Tuy nhiên, các hải đội tác chiến tàu sân bay Mỹ đã thiết lập một vòng phòng thủ dày đặc chung quanh nơi các con tàu này hoạt động, bao gồm chiến đấu cơ, mạng lưới tên lửa phòng không, máy bay giám sát và các thiết bị gây nhiễu. Không một phi cơ, chiến hạm hay tàu ngầm nào của Trung Quốc có thể tiến lại đủ gần tàu sân bay để tấn công. Các phương tiện của Trung Quốc ngược lại còn dễ trở thành mục tiêu ưu tiên tấn công của các nhóm tác chiến Mỹ.

Tóm lại, thực hiện được những bước quan trọng đầu tiên trong việc dò tìm và đưa các tàu sân bay vào tầm ngắm là một điều không hề dễ dàng. Kết nối các phương tiện cần thiết để thực hiện nhiệm vụ tấn công với các hệ thống khác trong các giai đoạn sau của "kill chain" sẽ là một thách thức, đặc biệt trong tình hình quãng thời gian rất ngắn mà Trung Quốc có được để triển khai vũ khí nhắm vào một mục tiêu liên tục di chuyển.

Bất kỳ vũ khí nào được triển khai chống lại mục tiêu được định vị lại còn phải vượt qua nhiều lớp phòng thủ chủ động và thụ động.

Nhìn chung, theo nhật báo Mỹ, Trung Quốc không (hoặc chưa) thể vượt qua những rào cản để có thể triển khai thành công một cuộc tấn công vào các tàu sân bay Mỹ. Bắc Kinh cũng sẽ rất khó có thể cản trở hoạt động của chúng khi chiến tranh xảy ra.

Mai Vân

Quay lại trang chủ
Read 476 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)