Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

02/06/2019

Diễn đàn Shangri-La : căng thẳng giữa Hoa Kỳ, Trung Quốc và Pháp

RFI tiếng Việt

Trung Quốc khuyến cáo Mỹ đừng "khinh địch" (RFI, 02/06/2019)

Trung Quốc không đóng cánh cửa đối thoại nhưng đã sẵn sàng đương đầu với Mỹ trong cuộc chiến thương mại. Bắc Kinh cũng không từ bỏ ý định đánh chiếm Đài Loan, Washington không nên xem thường quân đội Trung Quốc. Trên đây là nội dung thông điệp của bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa, kết thúc diễn đàn an ninh khu vực hàng năm Singapore ngày 02/06/2019.

shangrila01

Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc, Ngụy Phượng Hòa tại diễn đàn Shangri-La 2019. Ảnh ngày 02/06/2019. Reuters

Một ngày sau khi quyền bộ trưởng quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan lên án Trung Quốc có hành động khuynh đảo an ninh khu vực, đến lượt phái đoàn Trung Quốc lên tiếng. Điều mọi người mong chờ là xem phản ứng của Bắc Kinh như thế nào trong bối cảnh hai bên leo thang chiến tranh thương mại lồng trong tình tạng căng thẳng tại biển Đông và eo biển Đài Loan.

Trong bộ quân phục, bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hoà tuyên bố là quân đội Trung Quốc sẽ "chiến đấu đến cùng để xác định chủ quyền cũng như không loại trừ giải pháp chiếm Đài Loan bằng quân sự". Tướng Ngụy Phượng Hoà cảnh báo Mỹ không nên khinh thường quyết tâm đối đầu của Trung Quốc nhưng sau đó ông nhìn nhận là nếu chiến tranh xảy ra thì đó là một thảm họa.

Trong hồ sơ thương mại, thông điệp của đại diện Bắc Kinh cũng mang nội dung nửa cứng rắn nửa hoà hoãn. Từ Singapore, thông tín viên Carie Nooten phân tích :

Diễn văn của tướng Ngụy Phượng Hoà nhằm hai mục tiêu. Thứ nhất là giải thích luận điểm chính thức của Bắc Kinh với hy vọng thuyết phục các nước là hình ảnh một Trung Quốc tiêu cực và đáng sợ mà họ nhận thấy trong những tháng gần đây xuất phát từ những điều nhầm lẫn. Với lối biện luận cố hữu, bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh chưa bao giờ đô hộ ai hay gây chiến với ai. Lập luận này chỉ có sức thuyết phục trung bình.

Mục tiêu thứ hai là xác định vị trí đối với Mỹ. Theo một phương pháp mang đặc tính Trung Hoa, tướng Ngụy Phượng Hoà lý giải rằng không thể đặt Trung Quốc cùng bàn cân với Mỹ.

Xác định là như vậy, nhưng Ngụy Phượng Hoà cáo buộc Hoa Kỳ can thiệp vào vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Cuối cùng thì Trung Quốc và Mỹ vẫn là hai sức mạnh truyền thống đối đầu trong khu vực : "Để hợp tác thì cần phải hai bên. Nếu chỉ cần một bên là có thể tạo ra xung đột. Chúng tôi hy vọng Hoa Kỳ làm việc với chúng tôi vì một mục đích chung, dựa trên nguyên tắc không xung đột không hay đối đầu, tôn trọng lẫn nhau, hai bên cùng có lợi để lèo lái quan hệ Mỹ-Trung đi đúng hướng và phát triển nhiều hơn".

Thật khó mà kết luận trong cuộc khẩu chiến này tại Sangri-La, giữa quyền bộ trưởng quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan và bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hoà, ai thắng, ai thua. Mối lo ngại căng thẳng leo thang, cách nay ba hôm, tạm thời lắng dịu. Nhưng tất cả các phái đoàn hiện diện tại Singapore đều biết rằng tình hình có thể nóng trở lại một cách nhanh chóng.

Về hồ sơ Biển Đông, tuy không gọi đích danh Mỹ và Pháp, tướng Ngụy Phượng Hoà lên án hành động mà ông gọi là một số thế lực "ở bên ngoài" xâm nhập biển "Nam Trung Hoa" để phô trương sức mạnh.

Song song với những lời đe dọa tại diễn đàn Singapore, Hải QuânTrung Quốc phong tỏa một vùng Biển Đông để khẳng định chủ quyền bằng hành động. Theo AP, cuộc tập trận kéo dài từ Chủ Nhật 02/06/2019 cho đến ngày 04/06/2019 tại vùng Hoàng Sa, bị Trung Quốc đánh chiếm của Việt Nam sau trận hải chiến vào tháng Giêng 1974.

Tú Anh

******************

An ninh : Pháp công bố chiến lược cứng rắn với Trung Quốc tại Châu Á (RFI, 02/06/2019)

"Pháp sẽ tiếp tục tuần tra tại Biển Đông tối thiểu hai lần mỗi năm". Bộ trưởng Quân Lực Pháp tuyên bố như trên tại diễn đàn an ninh Châu Á Shangri-La, Singapore, ngày 01/06/2019. Tại đây, bà Florence Parly công bố chiến lược "Ấn Độ -Thái Bình Dương", nơi 1,6 triệu dân Pháp sinh sống tại các lãnh thổ hải ngoại và 80 % vùng đặc quyền kinh tế Pháp nằm trong khu vực chiến lược này.

shangrila02

Bộ trưởng Quân Lực Pháp, bà Florence Parly và đồng nhiệm Singapore Ng Eng Hen tại diễn đàn an ninh Shangri-La 2019. Ảnh ngày 01/06/2019. Reuters/Feline Lim

Mở đầu bài diễn văn, bộ trưởng Quân Lực Parly nhắc khéo một số đối tác trong khu vực rằng bà đến dự diễn đàn an ninh Châu Á trong lúc hàng không mẫu hạm Charles de Gaulle đang neo ngoài khơi Singapore. Ngoài ra, "tàu khu trục, tàu tiếp liệu, chiến đấu cơ Rafale, trực thăng… được huy động tham gia chiến dịch tuần tra từ Địa Trung Hải đến Singapore ngang qua Hồng Hải và Ấn Độ Dương" từ đầu tháng 3/2019.

Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương bộ trưởng Quân Lực Pháp trình bày tại diễn đàn an ninh Châu Á 2019 bao gồm 5 điểm. Thứ nhất là "bảo vệ quyền lợi về chủ quyền, của các công dân, bảo vệ lãnh thổ và các vùng đặc quyền kinh tế" của nước Pháp. Để hoàn thành những mục tiêu đó Paris đã huy động 7.000 lính đến khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương. Nhiệm vụ của những người lính này rất rõ ràng : "chống khủng bố, các tổ chức tội phạm, và chống lại mọi hành vi thù nghịch nhắm vào chủ quyền quốc gia của nước Pháp".

Điểm thứ nhì trong chiến lược an ninh được bộ trưởng Pháp, Florence Parly đề cập đến là "đóng góp duy trì ổn định khu vực qua việc tăng cường các hoạt động hợp tác an ninh và quân sự. Ấn Độ và Úc là hai đối tác then chốt" của Paris.

Ưu tiên thứ ba của nước Pháp là cùng với các đối tác trong vùng, bảo vệ tự do lưu thông hàng hải. Paris sẽ "tiếp tục tuần tra Biển Đông tối thiểu mỗi năm hai lần". Bà Parly cũng tuyên bố không chấp nhận việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông và lên án chủ trương "sự đã rồi" của Bắc Kinh là vi phạm luật pháp quốc tế. Tránh nêu đích danh Trung Quốc nhưng bộ trưởng Quân Lực Florence Parly bồi thêm "Pháp không để bất cứ một quốc gia nào uy hiếp". Bà gián tiếp nhắc đến sự cố hồi tháng 4/2019 khi Trung Quốc đã uy hiếp chiến hạm Vendémiaire của Pháp đi ngang qua eo biển Đài Loan. Họp báo hôm 25/04/2019, phát ngôn viên bộ quốc phòng Trung Quốc chỉ trích Pháp xâm nhập "bất hợp pháp" lãnh hải của Trung Quốc.

Điểm thứ tư trong chiến lược của Pháp đối với khu vực Châu Á liên quan đến hạt nhân Bắc Triều Tiên. Paris "ủng hộ những nỗ lực ngoại giao" để đạt được đến mục đích "giải trừ hạt nhân Bắc Triều Tiên một cách không thể đảo ngược" và những cam kết trên hồ sơ này sẽ phải được tôn trọng. Cuối cùng, Florence Parly cho rằng, phòng chống thiên tai, giải quyết khủng hoảng do biến đổi khí hậu gây nên trong vùng Châu Á Thái Bình Dương cũng là một ưu tiên của Pháp.

Kết thúc bài diễn văn, bộ trưởng Quân Lực Pháp khẳng định : "Pháp đối thoại với mỗi thành viên trong khu vực rộng lớn này, tiếp tục nói lên tiếng nói riêng của mình, không liên kết với một bên nào, nhưng cũng không để bất kỳ một ai hù dọa. Pháp luôn thúc đẩy một mô hình đa phương, dân chủ và tôn trọng luật pháp".

RFI tiếng Việt

Quay lại trang chủ
Read 373 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)