Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

29/10/2024

Tiến sĩ đạo văn "chân vịt" hết còn hét ra lửa

BBC, Trà My - Trần Chương

Ông Bùi Văn Cường bị đề nghị kỷ luật : Sinh mệnh chính trị sẽ sao ?

BBC, 29/10/2024

Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam vừa đề nghị kỷ luật ông Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, cựu Tổng Thư ký Quốc hội, cựu Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk.

buivancuong1

Ủy viên Trung ương Đảng, cựu Tổng Thư ký Quốc hội, cựu Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường

Tại kỳ họp thứ 49 diễn ra trong hai ngày 28 và 29/10, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết đã xác định những vi phạm, khuyết điểm của ông Cường xảy ra trong thời gian ông làm Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk.

Trước đó, vào ngày 25/10, Văn phòng Quốc hội đã thông báo ông Cường bị miễn nhiệm các chức vụ tại Quốc hội và được cho nghỉ hưu sớm theo nguyện vọng.

"Ông Bùi Văn Cường thôi giữ các chức vụ tổng thư ký Quốc hội, ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội ; thôi làm nhiệm vụ đại biểu quốc hội khóa 15 ; nghỉ hưu theo nguyện vọng cá nhân và hưởng chế độ, chính sách theo quy định hiện hành", thông cáo của Quốc hội nêu.

Ông Bùi Văn Cường năm nay 59 tuổi - so với các lãnh đạo chủ chốt và cấp cao hiện nay (đa phần đã trên 65), thì ông còn khá trẻ và sự nghiệp vẫn có thể tiếp tục thăng tiến trong tương lai. Do đó, thông báo của Quốc hội rằng ông xin "nghỉ hưu theo nguyện vọng" là điều bất ngờ và đã có những suy đoán về việc ông Cường có những sai phạm và chủ động xin nghỉ.

Với đề nghị kỷ luật của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đối với ông Cường, những suy đoán về việc ông Cường "mắc khuyết điểm" đã được củng cố.

Sai phạm gì ?

Theo thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk nhiệm kỳ 2015-2020 (giai đoạn 2019 - 2020), Ban cán sự đảng UBND tỉnh Đắk Lắk các nhiệm kỳ 2016-2021, 2021-2026 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc.

"Cùng đó, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để UBND tỉnh và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong tổ chức thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía đông Thành phố Buôn Ma Thuột ; trong thực hiện một số dự án điện năng lượng mặt trời, điện gió.

"Một số cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ chủ chốt của tỉnh vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương".

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đánh giá những vi phạm nêu trên đã "gây hậu quả nghiêm trọng, nguy cơ thất thoát lớn tiền, tài sản của Nhà nước, lãng phí nguồn lực xã hội, gây dư luận xấu, làm giảm uy tín của tổ chức đảng và chính quyền địa phương, đến mức phải thi hành kỷ luật".

Ngoài ra, Ủy ban Kiểm tra Trung ương còn xác định trách nhiệm cá nhân đối với những vi phạm, khuyết điểm nêu trên thuộc về ông Bùi Văn Cường, ủy viên Trung ương Đảng, cựu Ủy viên Đảng đoàn, cựu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cựu Tổng thư ký Quốc hội, cựu Bí thư Đảng ủy, cựu Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cựu Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk.

Ông Cường làm Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk từ tháng 7/2019 tới tháng 5/2021, tức trong thời gian Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk xảy ra vi phạm.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk nhiệm kỳ 2015-2020 và cá nhân ông Bùi Văn Cường.

Còn đối với những tổ chức đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ủy ban Kiểm tra Trung ương thì đã bị ủy ban này kỷ luật khiển trách gồm : Ban cán sự đảng UBND tỉnh Đắk Lắk nhiệm kỳ 2021-2026 ; Đảng ủy các sở : Công thương, Tài nguyên và môi trường nhiệm kỳ 2015-2020 ; Đảng ủy Sở Kế hoạch và Đầu tư nhiệm kỳ 2020-2025 ; Đảng ủy Sở Xây dựng các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025 và các ông : Phạm Ngọc Nghị, Nguyễn Tuấn Hà, Lâm Tứ Toàn, Bùi Thanh Lam.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương còn quyết định khai trừ Đảng các ông : Phạm Văn Hạ, Bùi Văn Từ ; cảnh cáo Ban cán sự đảng UBND tỉnh Đắk Lắk nhiệm kỳ 2016-2021, Đảng ủy Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025.

Sinh mệnh chính trị của ông Cường sẽ ra sao ?

Hiện ông Cường vẫn còn giữ chức ủy viên Trung ương Đảng. Việc cho thôi chức ủy viên Trung ương Đảng thuộc thẩm quyền Ban Chấp hành Trung ương Đảng nên, sau đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, chắc chắn ông sẽ bị Trung ương Đảng cho thôi làm ủy viên.

Từ đầu khóa 13 đến nay, không tính những ủy viên bị khởi tố và kỷ luật thì đã có tổng cộng 14 người xin thôi chức và được Đảng đồng ý. Đây được coi là một hình thức giúp các đảng viên cấp cao "hạ cánh an toàn" khi có vi phạm.

Ông Cường có thể được rút lui trong danh dự, tức được cho thôi mà không chịu bất kỳ hình thức kỷ luật nào của Đảng hay bị xử lý hình sự.
Đây là con đường rút lui giống trường hợp của những lãnh đạo chủ chốt, cấp cao gồm : Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai và Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh.

Hoặc ông sẽ đối mặt một trong bốn mức kỷ luật của Đảng gồm : khiển trách, cảnh cáo, cách chức hoặc khai trừ. Việc này sẽ tùy mức độ kỷ luật mà do Ban Bí thư, Bộ Chính trị hoặc Ban Chấp hành Trung ương quyết.

Cụ thể, khoản 1 Điều 11 Quy định 22-QĐ/TW quy định thẩm quyền của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong thi hành kỷ luật đảng viên vi phạm như sau :

Ban Bí thư, Bộ Chính trị quyết định các hình thức kỷ luật đảng viên, kể cả đảng viên là cán bộ thuộc diện Ban Bí thư, Bộ Chính trị quản lý ; khiển trách, cảnh cáo ủy viên Ban Chấp hành Trung ương (kể cả ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Bộ Chính trị) vi phạm phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, sinh hoạt đảng, thực hiện nhiệm vụ đảng viên.

Trường hợp cách chức, khai trừ thì Ban Bí thư, Bộ Chính trị báo cáo Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định.

Ban Chấp hành Trung ương là cấp quyết định kỷ luật cuối cùng ; quyết định các hình thức kỷ luật đảng viên, kể cả ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư.

Như vậy, theo quy định trên, nếu ông Cường chỉ bị kỷ luật ở mức khiển trách hoặc cảnh cáo thì Bộ Chính trị, Ban Bí thư sẽ quyết định và ra thông báo. Nhưng nếu sai phạm của ông Cường đến mức chịu một trong hai mức kỷ luật cao hơn là cách chức hoặc khai trừ thì Bộ Chính trị sẽ báo cáo, đề nghị để Trung ương Đảng quyết.

Đây là trường hợp xảy ra với các ông Mai Tiến Dũng (cựu bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ) và ông Dương Văn Thái (cựu ủy viên Trung ương Đảng khóa 13, cựu bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang).

Tuy nhiên, dù bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật, ông Cường vẫn có khả năng "hạ cánh an toàn", như trường hợp của ông Đinh Tiến Dũng - cựu Bí thư Thành ủy Hà Nội, cựu ủy viên Bộ Chính trị khóa 13.

Theo đó, ông Dũng đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật do mắc khuyết điểm thời gian làm Bộ trưởng Tài chính. Nhưng sau đó, Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ thông báo ông Dũng đã "nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, ông đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công, nghỉ công tác và nghỉ hưu".

Từ đó, Bộ Chính trị đồng ý cho ông Dũng thôi các chức vụ. Như vậy, ông Dũng đã về hưu mà không phải chịu bất kỳ hình thức kỷ luật nào của Đảng. Ngoài ông Dũng, còn có các ông Phan Việt Cường, Điểu K'ré là các ủy viên Trung ương Đảng khóa 13 khác đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật song lại được cho thôi các chức vụ, về hưu.

Tóm lại, ông Bùi Văn Cường chắc chắn sẽ được cho thôi làm ủy viên Trung ương Đảng và điều này phải thông qua Trung ương Đảng, còn ông có được "hạ cánh an toàn" hay không là tùy vào quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Ông Bùi Văn Cường là ai ?

Ông Bùi Văn Cường sinh ngày 18/6/1965, hiện 59 tuổi, quê ở xã Thăng Long, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.

So với các lãnh đạo chủ chốt và cấp cao hiện nay (đa phần đã trên 65), thì ông còn khá trẻ và sự nghiệp vẫn có thể tiếp tục thăng tiến trong tương lai.

Ông Cường là ủy viên Trung ương Đảng khóa 11 (dự khuyết), 12, 13 ; đại biểu quốc hội khóa 13, 14, 15 ; tổng thư ký, chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khóa 15.

Ông Bùi Văn Cường có bằng tiến sĩ kỹ thuật an toàn hàng hải, kỹ sư điều hành tàu biển, cử nhân Anh văn.

Ông từng kinh qua các chức vụ : phó bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, phó trưởng ban Dân vận, bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam.

Năm 2019, ông làm Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk và vào tháng 10/2020, ông tái đắc cử giữ chức vụ này cho nhiệm kỳ 2020-2025.

Đến tháng 1/2021, ông được bầu làm ủy viên Trung ương Đảng khóa 13 và tháng 4 cùng năm, ông được Quốc hội khóa 15 bầu làm ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tổng thư ký Quốc hội kiêm chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho đến thời điểm miễn nhiệm.

Quốc hội khóa 15 đã có nhiều đại biểu bị cho thôi nhiệm, hiện Quốc hội chỉ còn khoảng 480 người, so với con số đầu khóa là 499 đại biểu.

Sau khi bị cho thôi các chức vụ tại Quốc hội, ông Bùi Văn Cường vẫn còn là ủy viên Trung ương Đảng. Việc cho thôi chức ủy viên Trung ương Đảng thuộc thẩm quyền Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Xét quá trình công tác của ông Cường trong những năm qua, có thể thấy có một số vụ việc nổi cộm.

Trước hết là vụ ông Bùi Văn Cường bị tố cáo đạo văn vào năm 2020 khi ông còn là Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk.

Vụ việc thứ hai mới xảy ra gần đây, đó là vụ ông Phạm Thái Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý của Chủ tịch Quốc hội, bị khởi tố và bắt tạm giam hồi tháng 4/2024 do liên quan tới vụ án tại Tập đoàn Thuận An.

Vụ ông Phạm Thái Hà bị bắt được cho là đã dẫn tới việc Chủ tịch Vương Đình Huệ bị mất chức. Đảng cộng sản Việt Nam đã không giải thích rõ việc cho ông Huệ thôi chức là bởi ông Huệ phải chịu trách nhiệm người đứng đầu theo Quy định 41 năm 2021 của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, soi chiếu quy định này vào thực tế vụ việc, có thể khẳng định là vụ bắt giữ ông Hà chính là nguyên nhân khiến ông Huệ mất chức.

Thời điểm Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà bị bắt, ông Bùi Văn Cường đang giữ chức Bí thư Đảng ủy Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Xét về quan hệ công việc thì ông Cường cũng là sếp trực tiếp của ông Hà.

Tuy nhiên, trách nhiệm của ông Cường liên quan đến vụ bắt giữ ông Phạm Thái Hà đã không được đề cập.

Với những diễn biến mới nhất, có thể thấy sự nghiệp chính trị của ông Bùi Văn Cường đã chính thức hạ màn.

Nguồn : BBC, 29/10/2024

**************************

Tại sao Tổng bí thư Tô Lâm để Cường "chân vịt" hạ cánh an toàn ?

Trà My, Thoibao.de, 28/10/2024

Kể từ khi bộc lộ ý đồ thâu tóm quyền lực trong Đảng, cựu Bộ trưởng Công an, Đại tướng Tô Lâm được cho là có tham vọng "tảo thanh" các phe Nghệ An, Hà Tĩnh, vốn là tay chân thân tín của Tổng bí thư Trọng.

buivancuong1

Tháng 4/2024, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ – ứng viên số 1 cho chức Tổng bí thư, sang thăm Bắc Kinh, yết kiến ông Tập Cận Bình. Ngày 16/4, khi chuyên cơ của Huệ Vương về đến sân bay Nội Bài, Hà Nội, lập tức, Trợ lý của Chủ tịch Huệ, ông Phạm Thái Hà, đã bị Bộ Công an câu lưu.

Phải đến ngày 22/4, Bộ Công an mới công bố lệnh khởi tố và bắt giữ đối với ông Hà. Lý do, ông Hà đã nhận một khoản hối lộ lớn, lên đến 2,2 ngàn tỷ đồng (khoảng 80 triệu USD), từ Tập đoàn Thuận An. Nhưng theo quy định, ông Vương Đình Huệ phải chịu trách nhiệm của người đứng đầu.

Ngày 2/5, ông Vương Đình Huệ bị truất chức Chủ tịch Quốc hội, và tất cả các chức vụ khác trong bộ máy Đảng và chính quyền.

Ngay sau đó, công luận đã rộ lên những đồn đoán, cho rằng, các nhân vật lãnh đạo chủ chốt của phe Nghệ An, Hà Tĩnh, sẽ bị tống vào "lò". Việc Bộ Công an khởi tố, bắt giam Phó Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên – một nhân vật thân cận của Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, đã cho thấy quyết tâm của ông Tô Lâm.

Mới đây ngày 25/10, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm các chức vụ, và cho thôi nhiệm vụ Đại biểu quốc hội Khóa 15, đối với ông Bùi Văn Cường – Tổng Thư ký Quốc hội. Đây cũng được cho là kết quả của kế hoạch triệt hạ tay chân thân tín của ông Vương Đình Huệ, từ trước đến nay.

Ông Bùi Văn Cường là một chính khách đầy tai tiếng, với nghi vấn về bằng Tiến sĩ. Năm 2020, khi đang là Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, ông đã bị tố cáo "đạo văn" trong luận án Tiến sĩ. Tuy nhiên, ông Cường đã sử dụng quyền lực của mình, chỉ đạo Công an tỉnh Đắk Lắk, bắt giữ và xử lý những người tố cáo ông, về tội "vu khống".

Kể cả Tạp chí Môi trường và Xã hội, do đăng tải một bài viết cáo buộc ông Cường "đạo luận án Tiến sĩ", đã bị Bộ Thông tin Truyền thông phạt 50 triệu đồng và thu hồi giấy phép 2 tháng, vì nói "sai sự thật".

Trước khi ông Cường bị xử lý kỷ luật, truyền thông nhà nước đồng loạt đưa tin về những sai phạm của Ban lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk, có liên quan đến gói thầu của Tập đoàn Thuận An. Đó là gói thầu số 3, khởi công ngày 9/12/2021, thi công dự án đầu tư Xây dựng đường Hồ Chí Minh, đoạn tránh phía đông thành phố Buôn Ma Thuột.

Cho dù ông Cường đã rời ghế Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk trước ngày khởi công, nhưng giai đoạn đấu thầu, chấm thầu, và công bố kết quả đấu thầu… đều do ông Cường quyết định, trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy. Tuy nhiên, số tiền mà ông Bùi Văn Cường đã nhận hối lộ từ Tập đoàn Thuận An, vẫn chưa được công bố cụ thể.

Dù có những sai phạm lớn như vừa kể, Chủ tịch Vương Đình Huệ vẫn kéo ông Bùi Văn Cường về Quốc hội, để giữ chức Tổng Thư ký kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Khóa 15. Việc Bộ Công an xử lý ông Cường, được cho là nhắm đến một trợ thủ đắc lực của ông Vương Đình Huệ.

Tuy nhiên đến nay, thế cuộc hình như đã đảo chiều. Các phe phái chống lại Tổng bí thư Tô Lâm trong Đảng đã thắt chặt sự liên kết, dưới sự dẫn dắt của các tướng lĩnh trong quân đội, cùng với việc ông Trần Cẩm Tú trở thành Thường trực Ban Bí thư kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, vươn lên vị trí số 5 trong Đảng.

Phải chăng, đây là lý do đã buộc Tổng bí thư Tô Lâm đã phải "giơ cao, đánh khẽ" với ông Cường "tiến sĩ chân vịt", và để ông Bùi Văn Cường được hạ cánh an toàn ?

Trà My

Nguồn : Thoibao.de, 28/10/2024

**************************

"Tiến sĩ chân vịt" Bùi Văn Cường "vuốt râu hùm", bị Tô Đại hất văng khỏi võ đài ?

Trần Chương, Thoibao.de, 28/10/2024

Ngày 25/10, báo chí đồng loạt đưa tin, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết số 157/2024 về việc miễn nhiệm các chức vụ đối với ông Bùi Văn Cường. Theo đó, ông Cường sẽ thôi giữ chức các chức gồm : Tổng Thư ký Quốc hội ; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội ; thôi làm nhiệm vụ Đại biểu quốc hội khóa XV. Trước đó dư luận xã hội đã đồn đoán về số phận của ông Tổng thư ký Quốc hội này và sau đó, vẫn như thường lệ, báo chí chính thức công bố tin tức như lời đồn.

buivancuong2

Có thể đây chỉ là những bước đi dọn đường để chuẩn bị khởi tố ông "tiến sĩ chân vịt" một thời tai tiếng này.

Hồi Tháng Tư, Tô Lâm cho khởi tố vụ án tập đoàn Thuận An bắt đầu chiến dịch đánh vào chân trụ Chủ tịch Quốc hội của Vương Đình Huệ. Sang Tháng 6, Tô Lâm yêu cầu tỉnh Đắk Lắk phải cung cấp hồ sơ có liên quan đến quy hoạch sử dụng đất tỉnh Đắk Lắk đã được phê duyệt từ năm 2017 – 2020 ; kế hoạch sử dụng đất năm 2017, 2018, 2019, 2020 tại địa bàn huyện Ea Súp. Được biết, ông Bùi Văn Cường làm Bí thư tỉnh Đắk Lắk từ năm 2019 đến 2021. Đây được xem là bước đi của Tô Lâm nhắm vào Bùi Văn Cường.

Năm 2021, Vương Đình Huệ thua đau trước Phạm Minh Chính phải nhận chức Chủ tịch quốc hội. Khi đó, ông Huệ cũng kéo Bùi Văn Cường về Quốc hội phân công cho chức Tổng thư ký kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Việc ông Vương Đình Huệ ngã ngựa thì nhiều người cũng dự đoán, trước sau gì Bùi Văn Cường cũng sẽ bị loại khỏi vũ đài chính trị theo ông sếp của ông ta ở Quốc hội.

Ông Bùi Văn Cường là nhân vật không xa lạ gì với dư luận xã hội. Năm 2020, ông bị một giáo viên thể dục Trường Tiểu học dân lập Nguyễn Khuyến, Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk tên là Hoàng Minh Tuấn đã gửi đơn tố cáo lên Ban tổ chức Trung ương cùng nhiều lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk và Trung ương, cáo buộc ông Bùi Văn Cường đạo luận án tiến sĩ. Ngoài ông Hoàng Minh Tuấn, một giảng viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng là Phạm Đình Quý cũng tố cáo ông Bùi Văn Cường với nội dung tương tự.

Đáng nói là, ngày 25/9/2020 ông Bùi Văn Cường lúc đó là bí thư tỉnh ủy Đắk Lắk đã cho công an tỉnh này xuống tận Thành phố Hồ Chí Minh bắt cóc ông Phạm Đình Quý về Đắk Lắk xử lý. Sau đó, ông Quý bị cáo buộc đã có hành vi "phát tán tài liệu nhằm hạ thấp uy tín, xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự người khác", phạm tội vu khống quy định tại điều 156 bộ luật Hình sự.

Không biết khi đó, Bùi Văn Cường dựa vào ai mà ngang nhiên mang quân sang tỉnh khác bắt người về xử lý ? Với hành động đó, ông Cường chỉ bịt miệng được người tố cáo chứ không thể bịt miệng được dư luận. Cũng chính vì tiêu cực đấy mà dư luận đã đặt cho ông Tổng thư ký Quốc hội nickname là "tiến sĩ chân vịt", tên gắn liền với đề tài tiến sĩ đầy tai tiếng của ông này.

Tiến thân bằng cách dựa vào thế lực mạnh để leo lên cao, khi thế lực đỡ đầu gục ngã thì Bùi Văn Cường cũng bị đá văng khỏi vũ đài chính trị, âu cũng là điều dễ hiểu. Thủ đoạn thì có thừa, tri thức thì lại thiếu, đấy không chỉ là bản chất của ông Bùi Văn Cường mà nó còn là mẫu số chung cho hầu hết các quan chức hiện nay.

Cùng với Đặng Quốc Khánh, Bùi Văn Cường được xem là đàn em thứ 2 của Vương Đình Huệ bị Tô Lâm triệt hạ. Đây phải chăng là cách mà Tô Lâm muốn triệt mầm họa từ xa, tránh cho những đàn em này luồn sâu leo cao sau đó vào Bộ Chính trị rồi trả thù chăng ?

Có thông tin cho rằng, hồi Tháng 8, ông Cường bất ngờ thông báo với báo giới rằng, vào Tháng 10 Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước, trong khi đó Tô Lâm vẫn đang miễn cưỡng chưa muốn nhả chức trước áp lực của phe quân đội. Hành động này của Bùi Văn Cường giống như "ép chuối chín non", cố tình đặt Tô Lâm vào chuyện đã rồi. Đây được xem là giọt nước làm tràn ly khiến cho Bùi Văn Cường bị Tô Lâm đưa lên thớt. Xem ra Bùi Văn Cường không phải là kẻ thức thời. Yếu nhưng dám "vuốt râu hùm" nên nhận hậu quả.

Trần Chương

Nguồn : Thoibao.de, 28/10/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: BBC, Trà My, Trần Chương
Read 156 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)