Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

01/09/2024

Trung Quốc lại hạn chế xuất khẩu một loại khoáng sản quan trọng khác

Christina Lu

Và hiện tại, Mỹ không còn nhiều lựa chọn thay thế.

khoangsan1

Một trong những cơ sở khai thác vàng và antimon của liên doanh Trung Quốc-Tajik TALCO Gold tại mỏ Konchoch ở phía tây Tajikistan ngày 3/11/2021. Reuters/Nazarali Pirnazarov

Hơn một năm sau khi Trung Quốc khiến phương Tây lo ngại khi áp lệnh kiểm soát xuất khẩu gallium và germanium, hai nguyên liệu đầu vào quan trọng để sản xuất chip, trong tháng này, Bắc Kinh lại một lần nữa thể hiện sức mạnh của mình bằng cách tuyên bố hạn chế một kim loại quan trọng nhưng thường bị bỏ qua khác : antimony.

Antimony có thể là một vật liệu ít người biết đến, nhưng nó đóng vai trò rất quan trọng trong ngành công nghiệp quốc phòng, với những ứng dụng quan trọng trong vũ khí hạt nhân, tên lửa hồng ngoại, và thiết bị quan sát ban đêm. Không có quốc gia nào duy trì được sự thống trị trong hoạt động thương mại toàn cầu của kim loại này như Trung Quốc, chiếm gần một nửa tổng sản lượng và hơn 60% lượng nhập khẩu của Mỹ. Bắt đầu từ ngày 15/09 sắp tới, Bắc Kinh sẽ yêu cầu các nhà xuất khẩu phải xin giấy phép cho một số sản phẩm antimony, cũng như yêu cầu cấp phép cho việc xuất khẩu các công nghệ nung và phân tách liên quan.

Đối với Washington và các đối tác Châu Âu, động thái mới nhất này chỉ củng cố thêm tầm quan trọng của việc đa dạng hóa ra ngoài các chuỗi cung ứng khoáng sản do Trung Quốc thống trị. Tuy nhiên, nó cũng nhấn mạnh một thực tế khó chịu : Bất kể các cường quốc phương Tây có muốn cắt giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc đến đâu, họ vẫn có khả năng bị tổn thương trước các biện pháp như vậy trong tương lai gần, theo đó đặt ra thách thức trong việc đảm bảo các nguồn cung thay thế và nguồn tài chính cần thiết.

"Mọi người đều biết rằng bạn không thể dựa vào Trung Quốc", Gracelin Baskaran, một chuyên gia về an ninh khoáng sản quan trọng tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một viện chính sách có trụ sở tại Washington, nhận xét. Nhưng Mỹ đang "rơi vào bế tắc" giữa lợi ích chính trị và an ninh quốc gia với một môi trường thị trường đầy thách thức, bao gồm giá hàng hóa tăng vọt và chi phí vốn cao, bà cho biết.

Bà nói thêm "Trung Quốc chắc chắn đang nhắc nhở thế giới về sức mạnh của họ khi nói đến những mặt hàng cần thiết cho an ninh quốc gia, an ninh năng lượng, và an ninh kinh tế".

Rủi ro của việc chuỗi cung ứng phụ thuộc quá mức vào một đối thủ địa chính trị đã nhận được sự chú ý khi Nga phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine hồi tháng 2/2022 và vũ khí hóa nguồn cung khí đốt tự nhiên của mình để chống lại những người mua Châu Âu. Vào thời điểm đó, xuất khẩu của Nga chiếm khoảng 47% tổng nguồn cung khí đốt của Châu Âu và việc Moscow cắt nguồn cung để trả đũa đã đẩy các quốc gia phụ thuộc vào một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng. Tuy nhiên, những biện pháp đó cũng thúc đẩy các nỗ lực của Châu Âu nhằm chuyển đổi khỏi nguồn cung của Nga, và vào năm 2023, chỉ còn chưa đến 15% tổng nguồn cung khí đốt của Châu Âu đến từ Moscow.

Tương tự, Trung Quốc đã sử dụng sự thống trị khoáng sản quan trọng của mình làm đòn bẩy trong các cuộc xung đột địa chính trị, có lẽ đáng chú ý nhất là khi nước này cắt giảm xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản vào năm 2010. Sau khi công bố lệnh hạn chế xuất khẩu gallium và germanium vào mùa hè năm ngoái, Bắc Kinh cũng đã áp đặt các hạn chế mới đối với xuất khẩu graphite – nguyên liệu chính để sản xuất pin xe điện – vào năm ngoái.

"Mọi chuyện bắt đầu với gallium và germanium, nghĩa là bắt đầu với chất bán dẫn. Sau đó chuyển sang graphite, nghĩa là pin", Tom Moerenhout, một chuyên gia về khoáng sản quan trọng tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu của Đại học Columbia cho biết. Với antimony, ông nhận định, "chúng ta thực sự đã đi đến cốt lõi của ngành quốc phòng".

Jane Nakano, chuyên gia an ninh năng lượng tại CSIS, nói rằng: khi Bắc Kinh tận dụng sức mạnh chuỗi cung ứng của mình, việc giải quyết thách thức khoáng sản quan trọng đã "thực sự trở thành một ưu tiên lưỡng đảng đối với Mỹ".

Tuy nhiên, việc thoát khỏi sự kiểm soát của Trung Quốc đối với ngành công nghiệp này, vốn là kết quả của nhiều thập kỷ nghiên cứu và đầu tư, cũng đi kèm với những thách thức riêng.

Nguyên nhân là vì việc đảm bảo các chuỗi cung ứng khoáng sản mới không chỉ nằm ở vấn đề gia tăng khai thác, mà còn đòi hỏi toàn bộ hệ sinh thái tinh lọc, chế biến, và sản xuất, tất cả đều tốn kém và mất nhiều năm để xây dựng. Nguồn Mỹ cũng đang vật lộn với các vấn đề trong nước của riêng mình, bao gồm tình trạng thiếu hụt nhân tài trong ngành và tình trạng chậm cấp phép kéo dài. Các công ty tư nhân tham gia ngành cũng phải chật vật trong một thị trường khét tiếng là cạnh tranh và rủi ro, và còn bị làm phức tạp thêm bởi giá cả biến động và căng thẳng địa chính trị.

Christopher Ecclestone, chiến lược gia ngành khoáng sản tại công ty tư vấn tài chính Hallgarten & Company, nhận định "Nó không giống như việc Trung Quốc khóa vòi nước và chúng ta mở vòi lại". Ông cho biết các công ty Trung Quốc đã thống trị thị trường từ cách đây nhiều thập kỷ sau khi họ hạ giá xuống dưới giá thành sản xuất – về cơ bản là buộc các công ty phương Tây phải rời khỏi ngành.

Bản thân người Mỹ đã không khai thác antimony trong hơn hai thập kỷ. Nhưng một công ty, Perpetua Resources, đang hy vọng thay đổi điều đó, với những kế hoạch lớn nhằm phát triển một mỏ antimony và vàng ở Idaho. Trong một tuyên bố với Foreign Policy, Jon Cherry, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Perpetua Resources, cho biết các biện pháp hạn chế antimony mới nhất của Trung Quốc sẽ "gióng lên hồi chuông báo động ở khắp mọi nơi".

Mckinsey Lyon, phó chủ tịch phụ trách các vấn đề đối ngoại của Perpetua Resources, cho biết: "Điều này thực sự chứng thực những gì chúng tôi đã cố gắng nhấn mạnh suốt nhiều năm qua – rằng việc có một nguồn cung an toàn tại quê nhà là rất quan trọng và chúng ta sẽ dễ bị tổn thương nếu không có nguồn cung này".

Theo Lyon, một trong những thách thức lớn nhất của công ty cho đến nay với Dự án Vàng Stibnite là thời gian dài, chủ yếu do quá trình xin giấy phép. "Chúng tôi đã xác định được nguồn khoáng sản và bắt đầu theo con đường này từ năm 2010, và nếu mọi thứ đi đúng hướng, chúng tôi vẫn không thể khai thác khoáng sản từ lòng đất cho đến năm 2028", bà nói. "Thời gian tổng cộng là 18 năm, từ khi biết rằng chúng tôi có khoáng sản cho đến khi có thể khai thác chúng từ lòng đất".

"Có một quan điểm trong ngành cho rằng dù Mỹ là một trong những nơi an toàn nhất để khai thác sau khi đã có mỏ, nhưng có một rào cản gia nhập rất cao và nó thực sự khiến nhiều công ty thậm chí còn không muốn thử", bà nói thêm. "Rất, rất khó để một công ty khai thác khoáng sản Mỹ có được vốn và huy động được khoản đầu tư tư nhân cần thiết để vượt qua quá trình dài này".

Perpetua tiết lộ đã được Bộ Quốc phòng cấp khoản tài trợ lên đến 75 triệu đô la, và đã nhận được thư đề nghị từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Mỹ cho một khoản vay lên đến 1,8 tỷ đô la; công ty có kế hoạch nộp đơn chính thức vào cuối năm nay. Theo nghiên cứu khả thi năm 2020 của công ty, họ ước tính rằng có thể sản xuất 4,2 triệu ounce vàng và 57.500 tấn antimony, và dự kiến sẽ nhận được Biên bản Quyết định Cuối cùng từ quy trình Đạo luật Chính sách Môi trường quốc gia vào cuối năm 2024.

Công ty tuyên bố "Giả sử tiến độ vẫn đúng như dự kiến, chúng tôi có thể bắt đầu quá trình xây dựng kéo dài ba năm vào năm 2025" và dự kiến mỏ có thể đi vào hoạt động vào năm 2028. "Tuy nhiên, chúng tôi sẽ xem xét mọi cơ hội để đẩy nhanh tiến độ sản xuất đối với các sản phẩm quan trọng, chẳng hạn như những sản phẩm cần thiết cho Bộ Quốc phòng Mỹ".

Moerenhout nói rằng với việc Trung Quốc áp đặt các hạn chế xuất khẩu khoáng sản mới, Mỹ đang "bước vào một giai đoạn hoàn toàn khác". Ông cho biết "Các quan chức cấp cao và chính phủ nhận ra rằng đây là vấn đề lớn đối với an ninh quốc gia, đối với công nghệ chuyển đổi năng lượng, và đối với nền kinh tế kỹ thuật số, và chúng ta hoàn toàn không được phép không hành động nữa".

Tuy nhiên, ngay cả khi có các hành động mạnh mẽ hơn, thì mọi chuyện vẫn không thể hoàn tất chỉ sau một đêm – và cho đến lúc đó, Washington vẫn sẽ dễ bị tổn thương trước các mối đe dọa từ Bắc Kinh đối với một số chuỗi cung ứng khoáng sản.

Với việc cấp phép và khai thác, "những thứ này cần có thời gian", Baskaran nói. "Đây sẽ là một lời nhắc nhở thực sự mạnh mẽ đối với nước Mỹ, rằng khi xuất hiện hạn chế mới… sẽ phải cần đến nhiều năm trước khi cơ sở trong nước thực sự có thể phản ứng với hạn chế đó".

Christina Lu

Nguyên tác : "China Tightens Its Grip on Yet Another Critical Mineral", Foreign Policy, 23/08/2024

Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 01/09/2024

Christina Lu là phóng viên về năng lượng và môi trường của tờ Foreign Policy

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Christina Lu, Nguyễn Thị Kim Phụng
Read 113 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)