Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

25/07/2017

Anh Loan, nhớ lại một người

Nguyễn Gia Kiểng

Nếu ngày nay nhiều người nghĩ rằng chế độ Việt Nam Cộng Hòa mặc dù những thiếu sót của nó vẫn còn hơn hẳn chế độ cộng sản bây giờ thì đó chính là nhờ những người, khá đông đảo, như Nguyễn Văn Loan.


Nguyễn Gia Kiểng, Nguyên Văn Loan, Nguyên Sơn Bá (Paris, 2013)

 

Năm 2016 đã là một năm đau nhức cho Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên chúng tôi. Không phải là sự phản bội của một nhóm người mà một phần dư luận đã biết. Sự cố đó tuy rất đáng phẫn nộ nhưng chỉ khiến tổ chức thanh lọc đội ngũ và lành mạnh hơn. Nỗi đau là ở chỗ chúng tôi đã mất hai người anh cả kính mến : anh Nguyễn Văn Loan và anh Nghiêm Văn Thạch. Ngày 21/07/2017 vừa qua này là ngày giỗ đầu tiên của anh Loan.

Tôi chỉ biết anh Loan sau khi đã về làm việc trong nước, dù trước đó tại Paris tôi đã biết đến khá nhiều nhân vật Việt Nam. Paris trong thập niên 1960 và cho tới năm 1973 là nơi được nhiều người Việt lui tới nhất. Đó là nơi mà phần lớn con cái các gia đình quyền thế du học. Từ năm 1968 lại có hội nghị Paris quyết số phận của chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Hầu hết các nhân vật quan trọng và các nhà báo lớn đều đến Paris vì việc riêng cũng như việc công. Tôi gặp nhiều người trong họ và qua họ đã tạm biết ai là ai tại miền Nam lúc đó. Tuy vậy tôi không hề nghe nói tới anh Loan cho đến khi về Việt Nam.

Tôi làm việc cho Nha Đầu Tư ngân hàng Việt Nam Thương Tín, một ngân hàng của nhà nước nhưng có quy chế tự quản. Miền Nam lúc đó có 33 ngân hàng và Việt Nam Thương Tín lớn hơn tổng số 32 ngân hàng kia cộng lại. Nha Đầu Tư có nhiệm vụ kiểm soát các công ty liên hệ thuộc Việt Nam Thương Tín, nghĩa là những công ty mà Việt Nam Thương Tín làm chủ một phần vốn, thường là đa số tuyệt đối. Các công ty này chiếm hai phần ba thương vụ các công ty quốc doanh và gần một nửa hoạt động kinh tế miền Nam lúc đó. Nha Đầu Tư này trên thực tế là một quỹ đầu tư kiểm soát phần lớn kinh tế miền Nam dù dư luận ít ai biết tới nó, ngoài những người "trong cuộc", nghĩa là những chuyên viên và những người có thẩm quyền về kinh tế. Đứng đầu nha này là Nguyễn Sơn Bá, bạn của tôi từ lúc du học Pháp. Anh Bá tốt nghiệp trường Chính Trị (Sciences Po) Paris và về nước trước tôi, bây giờ cũng ở Paris và cũng ở trong Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên với tôi. Nha này đặt ở lầu 5 trong một cao ốc 10 tầng của trụ sở trung ương của Việt Nam Thương Tín, ngay sát Bến Chương Dương. Trên hành lang vẫn còn treo một bảng với hàng chữ "Trung Tâm Huấn Luyện" vì trước đó lầu 5 dành cho trung tâm này. Từ một năm trước khi tôi về nước công việc của trung tâm này phần lớn cũng do Nha Đầu Tư đảm nhiệm, một phần do Nha Khảo Cứu. Trung Tâm Huấn Luyện này chỉ còn trên sơ đồ tổ chức của ngân hàng Việt Nam Thương Tín. Lý do là vì ông giám đốc được cử sang làm chủ tịch kiêm tổng giám đốc Kỹ Thương Ngân Hàng, một ngân hàng do Việt Nam Thương Tín làm chủ 99% vốn. Ông này không ai khác hơn là Nguyễn Văn Loan.

Văn phòng của tôi lại cũng chính là văn phòng của anh Loan trước trước khi anh được bổ nhiệm sang Kỹ Thương Ngân Hàng, bàn làm việc của tôi cũng là của anh Loan trước đây. Anh Loan trên nguyên tắc vẫn còn là giám đốc Trung Tâm Huấn Luyện. Văn phòng này không phải là văn phòng lớn nhất nhưng chắc chắn là văn phòng đẹp nhất của trụ sở Việt Nam Thương Tín. Nó đặt ở lầu chính giữa của cao ốc nên tiện lợi để giao dịch với các bộ phận khác của ngân hàng nhưng, đặc sắc hơn, nó ở nằm góc, đúng ra là ở khúc lượn vì tòa nhà này được thiết kế không có góc, giữa đường Hàm Nghi và đường Tôn Thất Đạm, cho phép nhìn thấy cả Bến Bạch Đằng lẫn Bến Chương Dương. Anh Loan chắc thích văn phòng này lắm nên đã nhờ một hoạ sĩ danh tiếng vẽ ngân hàng Việt Nam Thương Tín với văn phòng này ở giữa. Khi phải rời Việt Nam anh cũng mang theo bức tranh này trong số hành lý ít ỏi. Khi tôi tới Paris anh tặng cho tôi. Nó được treo ở phòng khách nhà tôi từ hơn 30 năm nay.

Lần đầu tiên tôi nghe đến tên anh Loan là khi Nguyễn Sơn Bá trình bày sơ đồ tổ chức của ngân hàng khi tôi mới nhận việc. Anh Bá còn cho biết thêm là anh Loan hiện ở trong cùng cư xá Việt Nam Thương Tín với chúng tôi. Tôi tự nhiên cảm thấy một sự nể phục với anh Loan dù chưa gặp. Việt Nam Thương Tín là đóa hoa của chế độ Việt Nam Cộng Hòa lúc đó về cả phẩm lẫn lượng. Một ông cựu bộ trưởng có lần nói với tôi rằng Việt Nam Thương Tín kiểm soát gần hết kinh tế Việt Nam. Hơi quá nhưng cũng phản ánh một phần sự thực. Ông Nguyễn Huy Hân, lúc đó là tổng giám đốc thuế vụ, tuyên bố với báo chí : "lương của tôi không bằng lương một người tài xế Việt Nam Thương Tín". Cũng hơi quá nhưng cũng phản ánh một phần sự thực. Việt Nam Thương Tín trả lương cao và ngược lại đòi hỏi nhân viên làm việc thật hiệu quả. Được tuyển dụng vào Việt Nam Thương Tín là ước mơ của thanh niên Việt Nam tốt nghiệp đại học lúc đó. Họ phải qua một cuộc tuyển chọn khó khăn và sau đó qua một thời gian huấn luyện và sàng lọc trước khi được chính thức tuyển dụng. Đứng đầu Trung Tâm Huấn Luyện như vậy phải là một người có nghiệp vụ ngân hàng rất cao. Tôi cũng chưa bao giờ nghe bất cứ ai nói một điều bất lợi về anh Loan trong vô số những bàn tán và phê phán về các cấp lãnh đạo Việt Nam Thương Tín lúc đó.

Dù anh Loan ở cùng cư xá với tôi, nhà anh chỉ cách nhà tôi không tới 50 m và cuối tuần nào tôi cũng thấy anh chơi tennis ở sân tennis nằm chính giữa cư xá và ngay trước nhà tôi nhưng trong mấy tháng đầu tôi chưa có dịp nói chuyện trực tiếp với anh. Lần đầu tiên tôi thực sự gặp anh là tại văn phòng, văn phòng cũ của anh và bây giờ là của tôi. Anh có dịp ghé ngân hàng Việt Nam Thương Tín. Mới gặp tôi anh đã vồn vã như quen biết nhau từ rất lâu và làm tôi ngạc nhiên thú vị vì anh tỏ ra biết rất rõ về tôi. Thế là vừa găp đã thân nhau. Anh hỏi tôi có thấy vị trí văn phòng này đẹp không. Tôi chỉ có thể đồng ý. Anh Loan cười khoái chí "mình cần đẹp chứ đâu cần lớn", rồi anh lấy tay hích tay tôi như để thêm hương vị cho câu nói đùa. Sau này tôi khám phá ra là anh Loan có thói quen lấy tay hích vào tay tôi để lôi kéo sự chú ý mỗi khi nói điều gì đặc biệt hoặc vui nhộn. Ngay trong lần gặp gỡ đầu tiên đó tôi đã xác nhận cảm giác ban đầu khi chưa găp anh mà chỉ nghe một vài lần một vài người nhắc đến anh : anh Loan là một người hiền lành, vui tính, giản dị và không có tham vọng quyền lực nhưng có khả năng chuyên môn rất cao.

Anh Loan sinh năm 1930, đi du học Paris sau tú tài và tốt nghiệp cử nhân luật rồi về Việt Nam làm ngân hàng. Ở vào thời thanh niên của anh, nghĩa là từ 1954 trở đi, những người tốt nghiệp nước ngoài như anh rất hiếm và có thể có những địa vị rất cao trong xã hội miền Nam Việt Nam, như hầu hết các bạn anh. Nhưng Nguyễn Văn Loan không màng những chuyện đó, anh lặng lẽ làm việc trong ngân hàng, lên dần tới chức giám đốc trong ngân hàng Việt Nam Thương Tín rồi vì hoàn cảnh mà được chuyển sang làm chủ tịch kiêm tổng giám đốc Kỹ Thương Ngân Hàng. Ngân hàng này đứng hàng thứ ba về tầm vóc trong số các ngân hàng miền Nam lúc đó. Mới đầu nó là một ngân hàng của một tổ hợp của Quân Lực Việt Nam Công Hòa có tên là Quỹ Tương Trợ và Tiết Kiệm Quân Nhân. Quỹ này lấy vốn từ tiền tiết kiệm bắt buộc của các quân nhân Việt Nam Cộng Hòa và gồm đủ loại công ty như ngân hàng, bảo hiểm, xây dựng, vận tải, cơ khí v.v. trong đó Kỹ Thương Ngân Hàng là đầu não. Sau một thời gian chính phủ Việt Nam Cộng Hòa lấy quyết định giải tán tổ hợp này vì ba lý do chính : quân đội không nên làm kinh doanh vì sẽ mất tính chiến đấu, ép buộc các quân nhân phải đóng tiền cho quỹ tiết kiệm này bằng cách khấu trừ tự động vào lương là sai bởi vì nhiều người quá nghèo và cần tiền cho gia đình, hơn nữa việc điều hành tổ hợp này lại có những điều thiếu minh bạch. Quyết định sau cùng là chỉ thị cho ngân hàng Việt Nam Thương Tín mua lại quỹ này để hoàn trả cho các quân nhân đồng thời điều khiển các công ty của tổ hợp mà phần lớn đã rệu rã trong giai đoạn chính phủ quyết định giải tán tổ hợp nhưng chưa có giải pháp cho các công ty con. Trong số các công ty con này Kỹ Thương Ngân Hàng là công ty lớn nhất và rắc rối nhất, cần một tổng giám đốc rất có bản lĩnh và nhất là không thể bị ngờ vực. Thế là anh Nguyễn Văn Loan đang làm công tác đào tạo được cử sang làm chủ tịch tổng giám đốc, một chức vụ lớn trong xã hội miền Nam lúc đó. Chức vụ này anh Loan không hề thèm muốn nhưng cũng không sợ. Có lẽ anh chỉ dự định giữ chức vụ này một thời gian để chấn chỉnh lại ngân hàng này rồi thôi nên anh vẫn yêu cầu ngân hàng Việt Nam Thương Tín giữ cho anh chức vụ giám đốc Trung Tâm Huấn Luyện và chỉ coi anh như tạm thời vắng mặt. Điều này cũng nói lên nhiều về con người Nguyễn Văn Loan, anh không ham chức lớn nhưng làm gì cũng làm đến nơi đến chốn. Tôi thấy vui và ngạc nhiên là dù đã rời Trung Tâm Huấn Luyện để sang làm chủ tịch kiêm tổng giám đốc một ngân hàng khác nhưng anh Loan vẫn theo dõi hoạt động huấn luyện, lúc đó chủ yếu do Nha Đầu Tư của chúng tôi đảm nhiệm. Chính vì nhu cầu huấn luyện mà tôi đã soan ra một tài liệu với tựa đề là Mô Thức Kiểm Soát Quản Trị. Từ "mô thức" (model, modèle) trong tiếng Việt bắt đầu từ đó. Thực ra đây là một tài liệu học tập nội bộ của Nha Đầu Tư mà công việc là kiểm soát hoạt động của hơn 30 xí nghiệp liên hệ thuộc Việt Nam Thương Tín. Anh Loan nói rằng anh rất thích tài liệu này và đã cho in để phổ biến trong Kỹ Thương Ngân Hàng. Có lẽ vì thế mà một sinh viên trường Đại Học Chính Trị Kinh Doanh Đà Lạt đã có được một cuốn và làm một luận án tốt nghiệp với tựa đề "Mô Thức Kiểm Soát Quản Trị của Nguyễn Gia Kiểng".

Sau cuộc gặp gỡ đầu tiên này chúng tôi trở thành bạn thân và anh Loan sau mỗi lần chơi tennis thường tạt qua kéo tôi ra ngoài sân nói chuyện. Nói chuyện ngoài sân vừa mát vừa kín đáo, nhất là chúng tôi thường nói với nhau bằng tiếng Pháp. Tôi khám phá ra một điều lý thú là trái với bề ngoài vô tư anh Loan rất quan tâm tới chính trị và tình hình chiến sự. Anh có rất nhiều thông tin chính xác. Anh Loan biết hầu hết các nhân vật Việt Nam, quân sự cũng như dân sự, người nào anh cũng nhớ một giai thoại hài hước nói lên bản chất. Mỗi lần kể một câu chuyên ngộ nghĩnh anh lại lấy tay hích tay tôi để cùng cười. Anh Loan trở thành một cuốn "tự điển nhân vật Việt Nam" của tôi, anh không chỉ biết ai là ai mà còn hiểu biết về chính trị và chiều sâu của những vấn đề đang đặt ra cho Việt Nam lúc đó.

Có lần tôi hỏi anh Loan :

-Anh Loan biết nhiều về chính trị như vậy sao không tham gia chính quyền ?

Anh đáp :

-Chính vì moa hơi biết về chính trị một chút nên moa biết là moa không đủ khả năng, còn mấy cha kia chẳng biết gì cả nên cứ tưởng là làm chính trị không cần học. Mấy chả chỉ coi làm chính trị là để có danh vọng. (Do thói quen nói tiếng Pháp anh Loan dùng đại từ moatoa, thay cho tôianh khi nói tiếng Việt với bạn bè).

Rồi anh lấy tay hích tay tôi vừa cười khoái chí vừa nói : "trâu nghé đâu biết sợ cọp, dốt quá thì đâu biết mình dốt !"

Với thời gian tôi nhận ra là anh Loan đánh giá rất thấp những người cầm quyền trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Có những người anh đánh giá là trong sạch nhưng không có tài, còn phần đông vừa không trong sạch vừa không có tài. Một trường hợp ngoại lệ là Nguyễn Ngọc Huy. Anh Loan đánh giá cao ông Huy nhưng không ủng hộ dù đã được bạn bè của ông Huy rủ rê nhiều lần. Lý do là vì ông Nguyễn Ngọc Huy đã không có thái độ dứt khoát với nhóm Liên Trường một nhóm mà theo anh có khuynh hướng "Nam Kỳ tự trị" và kỳ thị người Bắc, một khuynh hướng mà anh rất ghét dù là người miền Nam chính hiệu, cũng như anh rất ghét tham nhũng.

Có lần anh tới Nha Đầu Tư Việt Nam Thương Tín gặp Nguyễn Sơn Bá và tôi để trình bày một trường hợp khá đặc biệt. Một đại tá đến gặp anh để xin cấp một giấy chứng nhận là có 15 triệu đồng ký thác trong Kỹ Thương Ngân Hàng mặc dù không có trương mục (tài khoản). Ông đại tá cho biết đã được bổ nhiệm làm tỉnh trưởng nhưng chỉ có thể nhận chức nếu có bằng cớ là sẽ có đủ 15 triệu đồng để nộp cho "cấp trên" tại phủ tổng thống. Số tiền này, theo lời ông đại tá, không nhất thiết là hối lộ mà cũng dùng cho quỹ an ninh và tình báo. Ông đại tá khẳng định rằng chỉ vài ngày sau khi nhận chức ông sẽ có dư số tiền này do các doanh nhân lớn trong tỉnh "đóng góp". Theo anh Loan những trường hợp như vậy đã từng xẩy ra tại các ngân hàng khác. Anh nói thêm rằng viên đại tá này phải là người tương đối trong sạch nên mới không có 15 triệu và cũng không có bạn bè hay họ hàng giầu có để vay. Anh hỏi ý kiến chúng tôi bởi vì trên nguyên tắc Kỹ Thương Ngân Hàng là một ngân hàng con của Việt Nam Thương Tín và do đó chịu sự kiểm soát của Nha Đầu Tư. Tôi hỏi anh nghĩ thế nào, anh cười nói : "Moa biết ý kiến của toa rồi, moa chỉ gặp toa để có thể nói với ông đại tá kia là bên Việt Nam Thương Tín không đồng ý và tôi không làm khác được vì Việt Nam Thương Tín là công ty mẹ của Kỹ Thương Ngân Hàng". Rồi chúng tôi bàn về trường hợp này và cùng ngao ngán cách điều hành quốc gia lúc đó. Nếu quả thực số tiền 15 triệu này chỉ để dùng cho an ninh thì có nhiều phương pháp khác để các doanh nhân đóng góp một cách vừa kín đáo vừa minh bạch, nhưng tiếc rằng cái khó của tình thế đã đi đôi với cái dở của những người cầm quyền.

Một kỷ niệm riêng với anh Loan là vào năm 1974 anh đưa ra một dự án cải tổ hoàn toàn cách làm việc của Kỹ Thương Ngân Hàng và nhờ tôi làm cố vấn chỉ đạo. Chính trong lúc đang làm việc với anh Loan và ban giám đốc Kỹ Thương Ngân Hàng mà tôi nhận được điện thoại của ông Lê Tấn Lộc, tổng giám đốc Việt Nam Thương Tín, thông báo rằng tôi vừa được chỉ định làm phụ tá tổng trưởng bộ kinh tế. Dự án này vì vậy chỉ thực hiện được một phần.

Trong những tháng cuối của Việt Nam Cộng Hòa, nhất là kể từ khi Phước Long thất thủ đầu năm 1975, anh Loan trao đổi nhiều với tôi về tương lai miền Nam. Chúng tôi đều đồng ý rằng sự thảm bại của Việt Nam Cộng Hòa là điều chắc chắn. Quân đội cộng sản đã có thể điều động từ xa môt lực lượng hùng hậu đến đánh chiếm một tỉnh lỵ chỉ cách thủ đô Sài Gòn khoảng 100 km mà quân lực Việt Nam Cộng Hòa không làm gì được dù đã biết cả tháng trước thì phải hiểu rằng Việt Nam Cộng Hòa đã hoàn toàn kiệt quệ. Tôi còn nhớ rõ lời anh Loan (anh nói bằng tiếng Pháp) : "Nếu chúng ta phải thua cuộc chiến này thì cũng đúng thôi. Cộng sản nó tàn bạo thực đấy nhưng nó có tổ chức và có quyết tâm chiến thắng. Bên mình thì chỉ có những người tranh giành địa vị, không có quyết tâm cũng chẳng có tổ chức và cũng chẳng biết gì về chính trị. Có bất công chăng là đối với đám trẻ, họ chiến đấu và hy sinh nhưng họ không có những cấp chỉ huy xứng đáng về cả chính trị lẫn quân sự". Anh Loan hỏi tôi liệu Mỹ có sẽ can thiệp để cứu Việt Nam Cộng Hòa không, tôi trả lời là không. Anh Loan cũng gật đầu và nói rằng người Mỹ đã quá kiên nhẫn với Việt Nam Cộng Hòa rồi, họ không thể can thiệp nữa.

Sau ngày 30-4-1975 rất may là anh Loan không bị đi tù như nhiều người trong đó có tôi bởi vì anh là một người thuần túy chuyên môn và cũng không thuộc diện sĩ quan biệt phái. Anh tìm gặp tôi ngay khi tôi được trả tự do và lần này anh lại có nhiều chuyện kể cho tôi nghe về những cấp lãnh đạo cộng sản mà anh tiếp xúc rất nhiều trong thời gian tôi ở tù, trong đó có cả những người mà anh đã từng quen biết trước khi họ ra Bắc tập kết. Toàn là những chuyện cười ra nước mắt. Anh Loan vẫn có cái nhìn tinh tế của một chuyên gia và một người quan sát chính trị có tài. Anh đã nhanh chóng giúp tôi hiểu được tình hình xã hội Việt Nam lúc đó bằng cả những nhận định của chuyên gia lẫn những câu chuyện rất cụ thể. Thí dụ như một lần anh nói với tôi : "Toa biết không, moa nói chuyện nhiều với những ông từ ngoài Bắc vô mới biết rằng có hai nghề đã biến mất tại miền Bắc, toa có biết hai nghề nào không ?" Tôi chào thua. Anh Loan cười nói : "Đó là nghề nấu ăn và nghề thợ nề, bọn nó chỉ biết phá hoại thôi chứ không nghĩ tới xây dựng, còn dân thì ăn độn là may rồi, nói gì đến nấu ăn !"

Chúng tôi gặp nhau khá thường xuyên cùng với một số bạn thân khác, tất cả đều là những viên chức Việt Nam Cộng Hòa cũ, như anh Lâm Ngọc Diệp cựu tổng giám đốc Hàng Không Dân Dụng, anh Nguyễn Văn Đạt cựu tổng giám đốc thương cảng Sài Gòn và anh Nguyễn Kiển Thiên Ân cựu tổng trưởng thương mại. Anh Loan là người vui vẻ thoải mái nhất, anh chế diễu những cái vớ vẩn, ngây ngô của chế độ cộng sản nhưng không bao giờ tỏ ra thù ghét. Có lẽ vì anh đã từ lâu coi sự thất bại của Việt Nam Cộng Hòa là không tránh khỏi. Vả lại từ ngày quen biết Nguyễn Văn Loan tôi chưa thấy anh thù ghét ai bao giờ, cùng lắm là nói chuyện để cười chơi.

Anh Loan rời Việt Nam đi Pháp trước tôi mấy tháng. Ngay khi tôi đến Paris anh Nguyễn Trọng Kha (cựu giáo sư trường Đại Học Kiến Trúc Sài Gòn, bạn thân của cả anh Loan và tôi, đã vượt biên từ ba năm trước) cho tôi địa chỉ của anh Loan và chúng tôi gặp nhau ngay. Anh Kha cho biết đang cố gắng thuyết phục anh Loan cùng thành lập một tổ chức chính trị. Anh Kha lúc đó đang là người lãnh đạo chính của Lực Lượng Thanh Niên Tự Do Âu Châu nhưng anh nói là tổ chức này đang bế tắc về đường lối bởi vì anh em phần đông chỉ có lòng thôi chứ không có kiến thức và kinh nghiệm chính trị nào cả và anh đang tìm một tổ chức thay thế với những người có trình độ hơn. Anh Kha bảo tôi rủ anh Loan mà anh đánh giá rất cao.

Anh Loan cười nói với tôi : "Moa có bao giờ làm chính trị đâu và cũng không có khả năng. Làm chính trị khó quá, nhưng moa ủng hộ toa nên moa đồng ý tham gia giúp toa xây dựng tổ chức lúc ban đầu, bao giờ tổ chức đủ mạnh thì cho moa nghỉ".

Thế là anh Loan trở thành một trong mười người sáng lập Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, gồm tám viên chức cao cấp của chế độ Việt Nam Cộng Hòa và hai chuyên gia tại Pháp nhưng từ hồi còn là sinh viên đã theo dõi sát tình hình Việt Nam và rất gắn bó với chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Anh tham dự rất đều đặn những buổi họp mỗi tối thứ năm và đóng góp rất tích cực. Anh ủng hộ hoàn toàn đề nghị dành trọn hai năm để chỉ thảo luận trước khi bắt đầu xây dựng tổ chức trong khi vài anh em khác cho rằng không cần một thời gian dài đến như thế. Anh Loan nói nhiều lần : "làm gì cũng phải có dự án trước nếu không thì chỉ là làm bậy mà không biết". Anh luôn luôn đóng góp những ý kiến giản dị nhưng rất đúng đắn và cần thiết.

Khi chúng tôi hoàn tất việc đúc kết những suy nghĩ và thảo luận thành tài liệu "Cơ Sở Tư Tưởng" anh Loan dơ tập tài liệu lên nói với anh em : "Đây mới là nội quy thực sự của tổ chức !". Anh còn nói thêm sau đó : "Tụi mình tương đối biết việc và có kinh nghiệm mà còn mất hai năm bàn cãi mà cũng chưa biết chắc phải làm gì, mấy cha khác thì cứ làm bừa đi". Và anh lại cười, vẫn cái cười hiền lành nhưng thực ra khá phức tạp như thường lệ.

Vài năm sau anh Loan rời Pháp để sang định cư tại Mỹ. Sang Mỹ anh vẫn liện lạc đều đặn với bạn bè tại Pháp. Anh gọi điện thoại cho tôi thường xuyên. Anh thông báo cho tôi cả những tin tức của những người bạn tại Paris mà tôi không có thì giờ để liên lạc. Cũng chính anh gần đây đã thông báo cho cho tôi tin anh Lâm Ngọc Diệp, cựu tổng giám đốc Hàng Không Dân Dụng thời Việt Nam Cộng Hòa vừa qua đời dù anh Diệp ở ngay gần nhà tôi. Anh Loan rất thủy chung và gắn bó với bạn bè. Có lẽ chính vì thế tôi chưa bao giờ nghe bất cứ ai nói điều gì không tốt về anh.

Từ khi tới Mỹ anh Loan không sinh hoạt với phân bộ Mỹ của THDCĐN, anh chỉ liên lạc trực tiếp với tôi thôi. Có lẽ là vì sau một thời gian dài chật vật phấn đấu để ổn định cuộc sống thì anh đã lớn tuổi rồi. Tuy vậy anh Loan không hề bỏ cuộc. Anh vẫn tích cực thuyết phục bạn bè ủng hộ Tập Hợp, mỗi lần tôi sang D.C. anh đều tổ chức cho tôi tiếp xúc với các thân hữu. Vài tháng trước khi qua đời anh còn mua tặng dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai cho một số bạn. Nhưng anh Loan đóng góp theo cách thực thà và giản dị của anh. Năm 2005 tôi sang tham dự buổi họp mặt của phân bộ Mỹ tại New Jersey. Anh Loan cùng đi với tôi và lúc cuộc họp mặt kết thúc được khoảng một giờ anh bảo tôi : "Toa cho moa về sớm đi, moa có hẹn chơi mạt chược". Các chí hữu trẻ chắc là muốn chúng tôi ở lại lâu hơn nữa với họ và có thể thất vọng vì câu nói của bậc huynh trưởng này, dù chúng tôi đã họp mặt từ hai ngày. Nhưng anh Loan là thế, giản dị, thực thà và không giấu giếm. Cũng cái tính nghĩ sao nói vậy đó đã khiến anh nói với một cựu tổng trưởng, bạn thân thời thanh niên, khi ông này hỏi về đám cưới sắp tới của con anh : "Moa không mời toa vì toa có tiếng tham nhũng, sợ các bạn khác không vui". Mà đúng thế, những người bạn thân của anh Loan đều là những người lương thiện và ghét tham nhũng. Sự thực nhiều khi làm mất lòng nhưng đối với anh Loan hầu như không có sự thực nào không thể nói.

Anh Loan qua đời đột ngột cách đây đúng một năm vào giữa lúc còn khỏe mạnh và sáng suốt. Gia đình và bạn bè đều bất ngờ. Anh ra đi nhẹ nhàng và bình yên như anh đã sống.

Nguyễn Văn Loan chắc chắn không phải là một anh hùng, điều mà anh cũng không bao giờ muốn. Nhưng anh đã thành công một điều khó hơn nhiều là luôn luôn sống lương thiện, trung thực và thủy chung trong một xã hội đầy giành giật, lật lọng và dối trá. Nếu ngày nay nhiều người nghĩ rằng chế độ Việt Nam Cộng Hòa mặc dù những thiếu sót của nó vẫn còn hơn hẳn chế độ cộng sản bây giờ thì đó chính là nhờ những người, khá đông đảo, như anh Loan.

Xét cho cùng thì anh Loan đã rất may mắn và rất xứng đáng với sự may mắn đó. Dù sống và làm việc thẳng thắn, dù không bao giờ thỏa hiệp với sự gian trá, anh cũng đã đạt tới một địa vị mà rất ít người Việt Nam đạt tới được và không gặp một hoạn nạn nào đáng nói, kể cả trong cơn đại họa tháng 4/1975 mà anh đón chờ bình yên vì đã dự liệu trước. Để rồi cuối cùng ra đi rất an nhiên ở tuổi 86 trong sự quý mến của mọi người, khi các con đã thành đạt. Cuộc đời của anh là cuộc đời mà người ta có thể chúc tụng cho một đứa trẻ vừa sinh ra.

Đó là tất cả những gì đáng kể trong một đời người. Phần còn lại chỉ là thứ yếu, hoặc phù phiếm.

Nguyễn Gia Kiểng

(24/07/2017)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Gia Kiểng
Read 3539 times

3 comments

  • Comment Link Lê Dũng vendredi, 28 juillet 2017 08:30 posted by Lê Dũng

    Theo ông Nguyễn Hữu Hanh (xem tiểu sử trích ở cuối trang, và hồi ký của ông ở http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=8310&rb=08) thì việc lập Ngân Hàng Việt Nam Thương Tín vào năm 1955 là quyết định của Tổng thống Ngô Đình Diệm. Ông Hanh có trách nhiệm thành lập ngân hàng này:

    1/ "Ông Diệm cố gắng đảo ngược tất cả những điều này và khi các ngân hàng Pháp từ chối tài trợ việc nhập cảng các mặt hàng chính yếu từ mùa thu 1955, ông quyết định thành lập một ngân hàng thương mại Việt Nam. Ông gọi tôi vào và yêu cầu tôi thành lập nó. Ông giao tôi một sắc luật cho phép Ngân hàng Trung ương cấp một khoản tín dụng là 200 triệu đồng để thành lập một ngân hàng mới. Cầm mảnh giấy này trên tay tôi đi tới chi nhánh ngân hàng Banque de l’Indochine, lúc ấy đang bị đóng cửa và thay thế bởi một chi nhánh mới có tên là Pháp Á Ngân hàng (Banque Francaise d’Asie) để thương lượng việc mua lại trụ sở của nó và tuyển mộ một vài nhân viên hạng thấp sắp bị ngân hàng Pháp thải hồi. Ngân hàng Banque de l’Indochine này, mà tổng hành dinh đặt tại Paris, trước đây gồm cả hai loại ngân hàng trung ương và ngân hàng thương mại của ba nước Đông Dương – Việt Nam, Lào, Cao Miên. Chúng tôi tách trụ sở chi nhánh ngân hàng Pháp này ra làm hai phần, một cho trụ sở chính của Ngân hàng Trung ương Việt Nam, phần kia cho Ngân hàng Thương mại sắp thành lập. Tôi dùng phần này để xây dựng Ngân hàng Việt Nam Thương tín. Sau đó tôi từ chức ở Ngân hàng Trung ương để dành toàn bộ thời gian cho việc phát triển ngân hàng thương mại mới. Tôi được Diệm bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc và Chủ tịch Hội đồng Quản trị. Tôi tổ chức cơ quan mới này và bắt đầu mở cửa vào tháng Giêng năm 1956. Một người Pháp tên Roger Becker, nhân vật số hai ở Ðông Dương Ngân hàng, đã theo tôi về ngân hàng mới và giúp tôi một tay đắc lực trong việc thiết lập các phương thức hoạt động và điều lệ ngân hàng. Nhiệm vụ của tôi còn được hỗ trợ rất nhiều bởi ba lần nội trú ở ngân hàng tín dụng Kredit Bank ở Louvain, Bỉ, năm 1948-1950, trước khi được nhận vào trường H.E.C. Sau 4 năm làm việc miệt mài tôi đã thành công trong việc biến nó trở thành ngân hàng thương mại lớn nhất nước.

    2/ Tiểu sử ông Nguyễn Hữu Hanh (xem thêm hồi ký ở http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=8310&rb=08):

    - Cựu sinh viên đại học Y Khoa Hà Nội
    - "Trung tá" Việt Minh
    - Cựu sinh viên HEC, ENA, Pháp.
    - Cố vấn kinh tế, tài chánh cho Tổng thống Ngô Đình Diệm, 1955-1962
    - Tổng giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, 1955-1962
    - Tổng giám đốc Ngân hàng Khuếch trương SOFIDIV, 1963-1965
    - Chánh sự vụ (Division chief) Ngân hàng Thế giới (World Bank), 1965
    - Chủ tịch Tổng giám đốc Ngân hàng Việt Nam Thương tín, 1955-1960
    - Chủ tịch Ngân hàng Việt Nam Thương tín, 1955-1968
    - Thống đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, 1965-1968
    - Tổng uỷ coi 4 bộ Kinh tế, Tài chánh, Thương mại, Kỹ nghệ, 1967-1968
    - Hội viên 1955-1968 và Chủ tịch Hội đồng Tối cao Tiền tệ và Tín dụng, 1967-1968
    - Quản trị viên phụ khuyết (Alternate executive director) Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), 1968-1975
    - Cố vấn Sở Ngân hàng Trung ương-Quỹ Tiền tệ Quốc tế (Advisor, Central Bank Service Department, IMF), 1975-1981.

  • Comment Link Lê Dũng jeudi, 27 juillet 2017 01:33 posted by Lê Dũng

    1/ Trong Phần 1 - Đất nước và và Con người, cuốn Tổ Quốc Ăn Năn ông Kiểng chỉ trích thói vong bản, vọng ngoại của người Việt: "Một biên lai giữa ngườiViệt với nhau lại viết bằng tiếng Pháp. Như thế mới sang", hai ông Phạm Văn Đồng và Nguyễn Văn Thiệu cũng được nêu ra để minh chứng. Vong bản và vọng ngoại ắt hẳn là một ưu tư, bức xúc lớn nên ông Kiểng viết trong những giòng đầu tiên của TQAN như sau:

    "Những người vong bản này không hẳn là những người phản quốc, ngay cả phản quốc hiểu theo nghĩa cộng sản. Năm 1980, tôi có dịp nghe một bài nói chuyện của ông Phạm Văn Đồng, lúc đó là chủ tịch Hội Đồng Bộ Trưởng nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt nam. Ông Phạm Văn Đồng là một trong những người lãnh đạo chủ chốt của cuộc chiến tranh cam go chống Pháp kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ. Ông Đồng là người đã giữ chức vụ thủ tướng lâu nhất tại Việt nam trong gần 40 năm.Trong các lãnh tụ cộng sản, ông là người được các đảng viên kính trọng nhất sau ông Hồ Chí Minh. Ông được coi là lãnh tụ cộng sản kỳ cựu có văn hóa cao. Điều đặc biệt là ông Phạm Văn Đồng, mặc dầu đảm nhiệm chức vụ chính trị quan trọng đã tỏ ra đặc biệt ưu tư tới tiếng Việt ông viết một loạt bài dưới đề tựa Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

    Và tôi đã nghe ông Đồng nói những gì? Bài nói chuyện của ông có ít nhất 20% là tiếng Pháp. Ông chêm tiếng Pháp bất cứ lúc nào ông có thể chêm được. Có khi ông nói cả những câu hoàn toàn bằng tiếng Pháp mà hầu hết cử tọa không hiểu. Tôi hỏi một người bạn đảng viên khá cao cấp đã nhiều lần nghe ông Đồng thuyết trình, anh ta cho hay ông Đồng lúc nào cũng nói như vậy vì ông ấy học giỏi và quen miệng nói tiếng Pháp. Thực ra bác sĩ Đặng Văn Hồ (mà tôi gọi bằng chú do một liên hệ gia đình gián tiếp), bạn học của ông Đồng, cho tôi hay ông Đồng chưa học hết trung học bản xứ và đã từng nói với bác sĩ Đặng Văn Hồ rằng: Mày đậu tú tài thì học tiếp tao không có tú tài thì đi làm cách mạng. Như thế vốn liếng tiếng Pháp của ông Đồng tuy có thực nhưng không nặng đến nỗi sau hơn một nửa thế kỷ đấu tranh chống Pháp ông vẫn còn phải chêm tiếng Pháp luôn miệng như vậy. Tôi học và sử dụng tiếng Pháp nhiều hơn hẳn ông Đồng, tôi cũng sinh sống tại đất Pháp lâu năm, nhưng không có nhu cầu phải pha thêm tiếng Pháp trong khi viết và nói tới mức độ như ông Đồng. Ông Đồng chêm tiếng Pháp vì ông thích tiếng Pháp, cho rằng nói tiếng Tây là sang. Và ông nghĩ như vậy, bởi vì những người chung quanh ông cũng nghĩ như vậy, người Việt nam rất vọng ngoại về mặt văn hóa.

    Đã nói tới người cộng sản thì cũng phải nói đến người quốc gia. Ông Nguyên Văn Thiệu tuy vốn liếng tiếng Pháp chẳng hơn gì ông Đồng là mấy nhưng cũng luôn miệng nói tiếng Pháp. Trong biên lai mà ông ký cho tướng Trần Văn Đôn đễ nhận một triệu đồng tiền thưởng của tình báo Mỹ sau cuộc đảo chánh lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm, ông viết Bon pour 1.000.000 piastres. Một biên lai giữa người Việt với nhau lại viết bằng tiếng Pháp. Như thế mới sang. Trong thời gian làm việc tại Ngân Hàng Việt nam Thương Tín và Bộ Kinh Tế, tôi đã được đọc nhiều hồ sơ. Hồ sơ nào hầu như cũng pha tiếng Pháp, có hồ sơ hoàn toàn bằng tiếng Pháp. Đó là sau khi Pháp đã ra đi gần 20 năm!"

    2/ Ông Kiểng viết "Nói chuyện ngoài sân vừa mát vừa kín đáo, nhất là chúng tôi thường nói với nhau bằng tiếng Pháp".

    Cư xá Việt Nam Thương Tín có nhiều người chức sắc, tai mắt, con cái họ cũng thường học chương trình Pháp, nên nói tiếng Pháp không phải để cho người khác không hiểu mình đang nói gì. Ngược lại ở sân tennis rất nhiều nguời rành tiếng Pháp nghe và thấy rất rõ 2 ông thường nói tiếng Pháp với nhau.

    3/ Ông Kiểng học tiểu học + trung học chương trình Việt, chỉ học đại học rồi làm việc ở Pháp từ 1961 tới 1973, nhưng ông "thường nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp" , hay xưng hô "toa", "moa" với ông Loan. Ông lại chỉ trích người khác dùng tiếng Pháp là vong bản, là vọng ngoại, là mặc cảm "Như thế mới sang" trong tác phẩm để đời của ông?

  • Comment Link Lê Dũng mercredi, 26 juillet 2017 09:32 posted by Lê Dũng

    Bài rất hay, cay:

    Dựa trên sự ra đi mất mát của 2 người lại cực kỳ khéo léo đưa vào việc "Không phải là sự phản bội của một nhóm người mà một phần dư luận đã biết. Sự cố đó tuy rất đáng phẫn nộ nhưng chỉ khiến tổ chức thanh lọc đội ngũ và lành mạnh hơn", dù 2 chuyện này chả có gì ăn nhập tới nhau.

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)