Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

28/11/2022

Những giá trị đích thực của ông Võ Văn Kiệt khi nào mới được nói hết ?

Nguyễn Việt Hưng

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tên thật là Phan Văn Hòa, bí danh Sáu Dân, sinh ngày 23/11/1922 trong một gia đình nông dân nghèo tại ấp Bình Phụng, xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Gốc gác nông dân, chưa tròn 16 tuổi đã thoát ly gia đình, suốt mấy mươi năm đi làm cách mạng. Với tư chất thông minh hiếm có, nhãn quan chính trị sắc sảo, phong cách dám làm, dám chịu trách nhiệm… ông đã tạo nên tầm nhìn, bản lĩnh, nhân cách Võ Văn Kiệt. 

vvk1

Thủ tướng Võ Văn Kiệt trả lời phỏng vấn ở Hà Nội trước đây khi ông 74 tuổi - Reuters

______________

Với 86 tuổi đời, 69 tuổi Đảng, gần 70 năm hoạt động cách mạng liên tục, trải qua nhiều hy sinh, gian khổ, gắn liền với những chặng đường lịch sử của Đảng cộng sản Việt Nam, tên tuổi Võ Văn Kiệt đã in đậm trong những quyết sách lớn, những dự án, công trình trọng điểm quốc gia thời kỳ đầu đổi mới. Sáng 23/11, tại Vĩnh Long (quê hương của ông Kiệt), Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Đích thân Thủ tướng Phạm Minh Chính đọc diễn văn tại buổi lễ (1).

Ngày 22/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan ở địa phương đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học về ông Võ Văn Kiệt, nhà lãnh đạo xuất sắc của cách mạng Việt Nam (2).

Trước đó, sáng 17/11, tại Hà Nội, cũng nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh ông Võ Văn Kiệt, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III – Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước phối hợp Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã tổ chức Lễ giới thiệu sách "Dấu ấn Võ Văn Kiệt thời kỳ đổi mới" (Tuyển chọn tài liệu lưu trữ). Viết lời tựa cho cuốn sách, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh : "Với tầm tư duy chiến lược, sắc sảo, nhạy bén, sáng tạo, với quyết tâm đổi mới, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tác phong sâu sát, gắn bó máu thịt với nhân dân, luôn tìm tòi, trăn trở, bám sát thực tiễn cách mạng, đồng chí Võ Văn Kiệt đã đóng góp xứng đáng vào quá trình hoạch định và tổ chức thực hiện đường lối đổi mới đất nước" (3).

Sự tách biệt giữa ông Linh và ông Kiệt

Mặc dầu tổ chức rầm rộ các lễ lạt như đã kể trên, Đảng cộng sản Việt Nam vẫn cố ý bỏ qua một số khúc quanh rất quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp của nhà lãnh đạo cộng sản nổi tiếng với cái tên "Thủ tướng Xé rào". Ở đây, không kể những lần ông Kiệt đã "xé rào" trong những quyết sách lớn, trong các chủ trương về một số dự án, công trình trọng điểm quốc gia thời kỳ sau "Giải phóng" và "Mở cửa". Lịch sử sẽ còn nhắc nhiều về việc ông Võ Văn Kiệt "bảo lãnh" cho một tổ thu mua gạo do bà Ba Thi phụ trách. Tổ hoạt động liên tục từ năm 1979 đến 1982, khi đời sống người dân Sài Gòn ổn định mới dừng. Lúc đầu bà Ba Thi lo lắng : "Cách này chúng tôi làm được, nhưng nếu Trung ương biết sẽ bị đi tù". Ông Kiệt đáp lời : "Đừng tham ô là được. Còn nếu vì việc này mà anh chị đi tù, tôi sẽ mang cơm nuôi" (4). Tiếc rằng, cái bản lĩnh kiên cường này đã không được phát huy tiếp tục, vì một số lý do, sau thời gian, ông Kiệt được điều ra Hà Nội. Thử thách đầu tiên vào thời kỳ đó là việc ông Kiệt "trượt" cái ghế Thủ tướng. Chuyện này nằm trong sự quyết đoán của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, cấp trên của ông Kiệt từ những ngày hai người còn ở Trung ương Cục miền Nam.

Trong một thời điểm quyết định, việc Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã lựa chọn Đỗ Mười thay vì Võ Văn Kiệt đứng đầu chính phủ đã ảnh hưởng không nhỏ tới tiến trình đổi mới và cải cách của Việt Nam. Mối quan hệ giữa ông Kiệt và ông Linh đáng ra phải rất gần gũi, rất gắn bó, nhưng trên thực tế, tính cách cá nhân và nhãn quan chính trị của mỗi người đã khiến cho sự khác biệt giữa họ với nhau ngày càng doãng ra, thậm chí suýt nữa thì xẩy ra một nghi án lớn mang tình chính trị qua vụ Dương Văn Ba (5). Sau khi ông Phạm Hùng chết bất đắc kỳ tử, ông Linh bàn với dàn Cố vấn để Đỗ Mười thay Phạm Hùng. Theo "Bên Thắng Cuộc" của Huy Đức (tr.100), chính Nguyễn Văn Linh thừa nhận, Trung ương giao cho ông Linh vào miền Nam, Võ Chí Công vào miền Trung, Nguyễn Đức Tâm đi các tỉnh phía Bắc làm công tác tư tưởng. Ông Linh đi tới đâu cũng gặp phản ứng, tại sao Trung ương không chọn ông Võ Văn Kiệt ? Ông Linh đành phải nói : "Đây là quyết định của Bộ Chính trị". Về phần mình, ông Kiệt không mấy lăn tăn, mình chỉ làm cấp phó cho ông Đỗ Mười.

Đầu thập niên 1990, trong khi Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đang có những nỗ lực vận động quốc tế để bảo vệ thành trì xã hội chủ nghĩa, thì ông Võ Văn Kiệt đi dự Hội nghị quốc tế ở Davos (Thụy Sỹ) và bắt đầu nhận thấy khoảng cách giữa chủ nghĩa xã hội mà ông chứng kiến ở Đông Âu và "tư bản giãy chết" mà Marx nói là một chặng đường xa xôi. Ông Kiệt cũng nhận thấy, chế độ đang có những bế tắc mà "xé rào" cuối thập niên 1970 hay "đổi mới" của thập niên 1980 là không thể nào tháo gỡ được. Tháng 8/1991, Võ Văn Kiệt được bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Ông Kiệt đã hình thành bộ máy "Hội đồng Bộ trưởng" theo phương án chính phủ mà Thủ tướng có vai trò như người đứng đầu, trong khi Ban soạn thảo Hiến pháp vẫn thiết kế mô hình nhà nước với nhiều phương án. Các cơ quan chính phủ thời ông Kiệt đều được chuyển dần từ vai trò cơ quan chủ quan, trông coi sản xuất kinh doanh của khối quốc doanh, sang vai trò quản lý nhà nước với tất cả các loại hình doanh nghiệp (6). 

vvk2

Tổng bí thư Đỗ Mười (giữa) và Thủ tướng Võ Văn Kiệt (trái) cùng Chủ tịch quốc hội Nông Đức Mạnh (phải) và Phó thủ tướng Phan Văn Khải tại lăng Hồ Chí Minh trước đây. Hình : AFP

Những kiến nghị không được lắng nghe

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người giữ trọng trách đứng đầu Chính phủ Việt Nam suốt 31 năm trong cả thời chiến lẫn thời bình, thừa nhận Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã làm được rất nhiều việc trong nhiệm kỳ ngắn hơn rất nhiều so với nhiệm kỳ của ông.

Năm 1993, trên cương vị Thủ tướng, ông Kiệt đã có một quyết định chưa có tiền lệ là thành lập Tổ Tư vấn kinh tế bao gồm những chuyên gia ở miền Bắc như Trần Đức Nguyên, Đào Xuân Sâm, Nguyễn Trung…, đang ở Nhật Bản như Giáo sư Trần Văn Thọ ; ở Mỹ như Tiến sĩ Vũ Quang Việt ; lẫn đã hoạt động ở Sài Gòn từ trước 1975 như nguyên Phó thủ tướng của chính quyền Sài Gòn Nguyễn Xuân Oánh, luật sư Trương Thị Hòa… Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng nằm trong Tổ Tư vấn kinh tế. Đáng tiếc, việc đầu tiên khi "đồng chí Ba X" ngồi vào ghế Thủ tướng là Nguyễn Tấn Dũng đã cho "dẹp tiệm" Tổ tư vấn này. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhớ lại, Tổ tư vấn đã hợp tác, thảo luận thẳng thắn các vấn đề của nền kinh tế. Thủ tướng Võ Văn Kiệt dành thời gian lắng nghe ý kiến của các thành viên, nêu vấn đề cần nghiên cứu, làm rõ cũng như đặt hàng về những vấn đề cần góp ý kiến.

Bức thư ngày 9/8/1995 của Thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi Bộ Chính trị là một đóng góp tầm chiến lược cho quá trình hình thành những quyết sách quan trọng nhất của Đại hội Đảng lần thứ VIII. Ngày nay, nhìn lại có thể thấy thực tế cuộc sống đã xác nhận những nhận định và quan điểm được trình bày trong bức thư đó như xây dựng nhà nước pháp quyền, đẩy mạnh cải cách hành chính, kiểm soát các hoạt động trên thị trường,... là đúng đắn và sáng suốt, được thực tế xác nhận. Sau khi nghỉ công tác, ông Võ Văn Kiệt vẫn tâm huyết viết hàng trăm bức thư gửi đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước đề cập đến các vấn đề kinh tế - xã hội nóng được dư luận quan tâm, đóng góp tâm huyết vào công cuộc phát triển của đất nước (7). 

Có một chi tiết liên quan đến bức thư "vô tiền hoáng hậu" ngày 9/8/1995 của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Thật ra hai thầy trò ông Kiệt và ông Nguyễn Trung không lạ gì suy nghĩ của nhau. Tuy vậy, chính Trợ lý Nguyễn Trung cũng ngỡ ngàng khi được ông Kiệt giao cho việc… mà lúc đầu ông nghĩ là "hơi quá sức mình". Nguyễn Trung đã vận hết nội lực, dốc hết lý trí và tình cảm, chắt lọc từ một đời hoạt động đoàn thể và ngoại giao để hoàn thành nhiệm vụ. Sau bản thảo đầu tiên, những điều thể hiện trên giấy trắng mực đen được ông Sáu Dân chấp nhận. Ông Kiệt còn "chua thêm" ngoài lề : "Nội dung thế này là tạm ổn. Anh cố gắng o bế như thế nào để nó nghe được lọt tai..".. Hai chữ "o bế" ông Kiệt dùng thật là thần tình và vi diệu. Chứng tỏ ông Kiệt rất hiểu thời thế cũng như hiểu cái nội tình của Đảng ông. Lúc nầy chưa chắc "nói phải" mà các "củ cải" đã chịu nghe. Nguyễn Trung mất cả tuần lễ đi "o bế" bằng cách đã đem bức thư "tham khảo" ý kiến một số đồng chí (8).

Tâm thư 9/8/1995 vẫn không được nhắc đến

Vậy, tại sao bức thư 9/8/1995 cho đến hôm nay vẫn không được phép nhắc đến ? Câu hỏi này luôn luôn thời sự, không chỉ kể từ thời điểm nó được ra đời cách đây suýt soát 30 năm.

Một năm khi bức thư "khai sinh", 22/8/1996 một số chiến sĩ đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam bị xử án tù vì đã sở hữu một số bản fotocopy bức thư ấy (9). 15 năm sau, lần đầu tiên vào năm 2010, bức tâm thư ấy được Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm nhắc đến trong một bài viết về vai trò tiên phong của ông Kiệt trong đối ngoại (10). 20 năm sau nữa, truyền thông "lề phải" mới "rón rén" cho lên trang "Thư Thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi Bộ Chính trị 20 năm trước". Đấy là vào năm 2015 (11) ! Và giờ đây, bài viết của ông Cầm về ông Kiệt mới được đăng rộng rãi trên Nhân Dân online (Trang mạng báo Nhân Dân).

Hãy hình dung quá trình "công khai hóa" bức thư nói trên, "con đường đau khổ" đã diễn tiến như thế nào qua các mốc 1995, 1996, 2010, 2015 và cho đến nay, cuối 2022. Thế hệ trẻ nếu ngẫu nhiên, có bạn nào đọc bức tâm thư ấy, với đầu óc bình thường, chắc chắn sẽ không hiểu nổi tại sao Đảng cộng sản Việt Nam lại khiếp sợ những điều ông Kiệt trình bày cách đây gần 30 năm. Bạn sẽ phải tự đặt câu hỏi : Tại sao những giá trị đích thực ấy của ông Võ Văn Kiệt, mãi cho đến giờ đây, vẫn chưa được phép nói hết ? Nghe tin kịch bản 30 tập phim về Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã được viết xong. 30 tập nhưng không rõ liệu có trả lời được câu hỏi đơn giản ấy không (12) ? 

Nguyễn Việt Hưng

Nguồn : RFA, 28/11/2022

Tham khảo :

1. https://nhandan.vn/to-chuc-trong-the-le-ky-niem-100-nam-ngay-sinh-thu-tuong-vo-van-kiet-post726380.html

2. https://ttbc-hcm.gov.vn/hoi-thao-khoa-hoc-cap-quoc-gia-nhan-ky-niem-100-nam-ngay-sinh-dong-chi-vo-van-kiet-31238.html

3. https://www.xaydungdang.org.vn/van-hoa-xa-hoi/gioi-thieu-sach-dau-an-vo-van-kiet-thoi-ky-doi-moi-18004

4. https://vnexpress.net/nhung-lan-xe-rao-cua-co-thu-tuong-vo-van-kiet-4539279.html

5. https://dcvonline.net/2018/07/02/nhung-ke-bi-khai-tru-ket/

6. https://thanhnien.vn/vo-van-kiet-nguoi-tien-phong-lanh-dao-dat-nuoc-cai-cach-va-hoi-nhap-post1520998.html

7. https://vietnamnet.vn/thu-tuong-vo-van-kiet-nha-lanh-dao-cai-cach-tam-huyet-2083918.html

8. https://www.bbc.com/vietnamese/forum/2015/08/150810_nguyen_trung_vo_van_kiet_letter_part1

9. https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-38001053

10. https://nhandan.vn/nguoi-di-tien-phong-va-di-san-de-lai-post726034.html

11. https://dantri.com.vn/xa-hoi/thu-thu-tuong-vo-van-kiet-gui-bo-chinh-tri-20-nam-truoc-20150810100333362.htm

12. https://www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/mot-lan-nghe-nha-van-nguyen-quang-sang-ke-chuyen-viet-kich-ban-phim-khoanh-khac-vo-van-kiet-1491901563

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Việt Hưng
Read 487 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)