Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

22/07/2019

Liệu ông Trọng sẽ nới lỏng quyền lực tuyệt đối ?

Hai Hong Nguyen

Ông Trọng luôn đề cao việc lãnh đạo không tham quyền cố vị. Ngay cả khi có sự ủng hộ mạnh mẽ trong Đảng, ông Trọng có thể sẽ thể hiện lòng tự trọng bằng việc rút lui khỏi chính trường tại Đại hội Đảng tiếp theo.

trong1

Ông Trọng luôn đề cao việc lãnh đạo không tham quyền cố vị, nhưng có vẻ như tuổi già sức yếu không ủng hộ ông ta…


Đảng cộng sản Việt Nam đang chuẩn bị cho Đại hội lần thứ 13 dự kiến được tổ chức vào đầu năm 2021. Chắc chắn hội nghị sẽ bầu một người khác để tiếp nối vị trí Tổng bí thư của ông Nguyễn Phú Trọng đã 75 tuổi. Ông Trọng là người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam trong gần 10 năm nay. Năm ngoái, ông cũng lên nắm quyền lãnh đạo nhà nước Việt Nam sau cái chết đầy bất ngờ của chủ tịch nước đương nhiệm Trần Đại Quang. Trọng là nhà lãnh đạo có quyền lực nhất ở Việt Nam trong thời hậu Hồ Chí Minh.

Với những công dân Việt Nam bình thường, đặc biệt là những người trẻ tuổi quan tâm đến chủ nghĩa tư bản thị trường và tích lũy của cải hơn là lý tưởng cộng sản, Trọng có thể nổi tiếng nhờ những nỗ lực chống tham nhũng và vì đã cho cách chức cũng như trừng phạt các quan chức tham nhũng cấp cao. Với Trọng, lợi ích quốc gia là quan trọng nhất và cứu Đảng khỏi bị suy thoái là điều mấu chốt. Trọng có biệt danh là người đốt lò vĩ đại, sau khi so sánh cuộc chiến chống tham nhũng với một cái lò đốt được cả củi tươi lẫn khô – quan tham.

Trong khi ông Trọng đầy quyền lực và được kính nể nhờ chiến dịch chống tham nhũng, Việt Nam đã bị quốc tế chỉ trích ngày càng cứng rắn giới hoạt động dân chủ và các nhà hoạt động xã hội dân sự. Trước thềm Đại hội đảng sắp tới, dường như đã có những đồn đoán về việc ông Trọng tiếp tục ở lại nắm quyền. Đúng, ông ta có thể được bầu lại làm người đứng đầu nhà nước, nhưng tình trạng sức khỏe sẽ không cho phép ông ta đảm nhận công việc này. Năm nay, đặc biệt là đã nhiều những tin đồn và quan ngại về sức khỏe của người đứng đầu Đảng.

Khi Trọng được bổ nhiệm làm tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam năm 2011, ông Nguyễn Tấn Dũng đã làm thủ tướng được 5 năm. Trong thời gian này, ông Dũng đã xây dựng mạng lưới bảo trợ chính trị và củng cố quyền lực của mình. Ông Dũng và phe cánh nhiều khi đã qua mặt Đảng và Quốc hội, do đó gây thất thoát hàng tỷ đô la tài sản nhà nước. Tham nhũng tràn lan và được ông Dũng dung túng khi là người đứng đầu ủy ban chống tham nhũng của chính phủ. ông Dũng tự biến mình thành thủ tướng quyền lực nhất kể trước giờ và đề cao chủ nghĩa cá nhân hơn là đồng thuận tập thể.

Trọng đã nhận thức đầy đủ về những điểm yếu của Đảng do tham nhũng tràn lan và kỷ luật Đảng lỏng lẻo. Khi đã ở vị trí cao nhất trong Đảng, ông Trọng đã phát động các cuộc tấn công vào cả hai điều này. Ngay từ đầu, Trọng đã xác định Dũng sẽ là mục tiêu đầu tiên. Mặc dù ông Trọng đã không kỷ luật và cách chức ông Dũng vì quản lý kinh tế sai lầm trong hội nghị đảng vào năm 2012, ông Trọng đã gửi một thông điệp rõ ràng cho ông Dũng và phe cánh về quyết tâm chống tham nhũng và kiềm chế các quan chức bằng kỷ luật của Đảng. Kể từ đó, ông Trọng đã dần củng cố quyền lực và tăng cường nỗ lực làm trong sạch Đảng.

Tính đến đầu năm 2019, theo Ủy ban Nội chính trung ương, hơn 53.000 quan chức chính phủ và đảng viên, trong đó 60 người chịu sự giám sát trực tiếp của cấp Trung ương, đã bị kỷ luật. Tổng cộng có 643 vụ liên quan đến 1.579 cá nhân đang bị điều tra và truy tố liên quan đến tham nhũng và quản lý kinh tế. Đáng chú ý, một ủy viên Bộ Chính trị đương nhiệm, hai ủy viên Trung ương đảng, một cựu phó thủ tướng, bốn cựu bộ trưởng, một tá thứ trưởng (bao gồm cả những người thuộc ngành quốc phòng và công an), và các bí thư, chủ tịch và phó chủ tịch từ các tỉnh bị kỷ luật, bị khai trừ khỏi Đảng hoặc bị bắt giam.

Nhiều quan tham trong số này có mối quan hệ mật thiết với cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Chưa bao giờ trong lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam có việc quan chức cấp cao của Chính phủ và Đảng bị kỷ luật và trừng phạt nhiều như vậy. Hiện tại, công chúng đang theo dõi để xem ông Trọng sẽ làm gì với Lê Thanh Hải, một bí thư đảng kỳ cựu và đã nghỉ hưu với biệt danh là 'bố già mafia thành phố Hồ Chí Minh', đã dính líu đến dự án phát triển bất động sản quy mô lớn.

Nỗ lực chống tham nhũng của ông Trọng được xem phần nào nhằm làm trong sạch Đảng. Các tiêu chuẩn về tư tưởng và lối sống đã được đặt ra để ngăn chặn các "hoàng tử" và quan chức quá tham vọng trèo lên cao hơn. Tuy nhiên, những tiêu chuẩn này cũng đã được sử dụng để dập tắt chỉ trích. Vài năm gần đây có sự gia tăng đàn áp tự do học thuật và trí thức là đảng viên nhưng đã có những lời nói và tuyên bố được coi là không phù hợp với chính sách của Đảng. Tự do ngôn luận đã bị hạn chế hơn nữa ở sau khi luật về an ninh mạng được thông qua tại Quốc hội vào năm ngoái và đã có hiệu lực vào tháng 1 năm 2019.

Tuy nhiên, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho ông Trọng về việc đàn áp sâu rộng bất đồng chính trị. Trên thực tế, các chế độ độc đoán đàn áp bừa bãi bất kỳ phe đối lập nào để giữ quyền lực. Các nhà bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động xã hội dân sự không nên mong đợi sự nới lỏng kiểm soát của ông Trọng, một người già yếu – một người cộng sản già nua – người tin vào vai trò không thể thiếu của Đảng cộng sản trong thành công của đất nước.

Trọng có quyền lực tuyệt đối và giữ hai vị trí quyền lực nhất : Tổng bí thư Đảng cộng sản và Chủ tịch nước. Ngoài ra, là Chủ tịch Quân ủy trung ương và thường trực Ban Thường vụ trung ương Đảng ủy Công an, ông Trọng kiểm soát cả quân đội và lực lượng an ninh. Mặc dù đôi khi gạt bỏ quan niệm tập trung quyền lực tuyệt đối vào một cá nhân, nhưng giờ đây rõ ràng Trọng là là ông chủ lớn.

Năm 2017, ông Trọng đã ký một văn bản, được gọi là Quy định số 90, đưa ra các tiêu chí cho tổng bí thư và chủ tịch nước trong đó có quy định tuổi tác và sức khỏe. Kinh nghiệm và sự liêm chính của Trọng có thể đã giúp ông ta vượt qua quy tắc tuổi tác để được đề cử là 'trường hợp đặc biệt' một lần nữa vào năm 2016. Trọng đã là người đứng đầu Đảng trong hai nhiệm kỳ liên tiếp và do đó, không thể được bầu lại một nhiệm kỳ thứ ba vì quy tắc đảng. Tuy nhiên, ông có thể được cài cắm lại làm nguyên thủ quốc gia.

Nhưng có vẻ như tuổi già sức yếu không ủng hộ ông ta. Ông Trọng luôn đề cao việc lãnh đạo không tham quyền cố vị. Ngay cả khi có sự ủng hộ mạnh mẽ trong Đảng, ông Trọng có thể sẽ thể hiện lòng tự trọng bằng việc rút khỏi chính trường tại Đại hội đảng tiếp theo.

Hai Hong Nguyen

Queensland University of Technology

Nguyên tác : Will Vietnam’s Trong loosen his grip on absolute power ?, East Asia Forum, 20/07/2019

Khánh Anh dịch

Nguồn : VNTB, 22/07/2019

Quay lại trang chủ
Read 549 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)