Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

22/07/2019

Vụ Bãi Tư Chính : phản ứng chậm chạp của Việt Nam gây nhiều nghi vấn

Nhiều tác giả

Cuối cùng, nạn nhân bị cướp đã bớt ‘hèn với giặc’ !

Phạm Chí Dũng, VOA, 22/07/2019

Phải mất đến hai tuần lễ ‘cân nhắc đại cục’, đến chiều ngày 19/7/2019 Bộ Chính trị đảng Việt Nam mới chỉ đạo cho Bộ Ngoại giao của chế độ này mở miệng :

"Trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam tại khu vực phía nam Biển Đông".

tuchinh1

Hải Dương 981 ngoài khơi biển Việt Nam, tháng Năm, 2014.

Lần mở miệng hiếm muộn

Lần mở miệng trên là một dịp quá hiếm muộn mà giới chóp bu Việt Nam dám gọi đích danh cái tên Trung Quốc, thay cho não trạng suy sụp về ‘tàu lạ’ và ‘người lạ’ trong rất nhiều lần trước.

Trong vụ giàn khoan Hải Dương 981 xông thẳng vào vùng chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông vào tháng 5 năm 2014 như một cái tát nảy đom đóm vào mặt Bộ Chính trị Việt Nam, Hà Nội đã chỉ dám hé môi ‘càm ràm’ đích danh cái tên Trung Quốc với độ trễ sau đó đến cả tháng trời.

Còn trong hai lần tàu Trung Quốc vây bọc và gây sức ép tại Bãi Tư Chính vào tháng 7 năm 2017 và tháng 3 năm 2018 để buộc Repsol - một công ty Tây Ban Nha là đối tác liên doanh khai thác dầu khí với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - phải rút lui khỏi mỏ Cá Rồng Đỏ, đã hầu như chẳng thấy ‘người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam’ vung tay về phương Bắc, dù chỉ để ấp úng ‘phản đối’ như một lối đọc vẹt chẳng cần tới sách vở.

Vào thời gian trên, cho dù có muốn loan tải những thông tin trên kèm theo thái độ phẫn nộ, một số tờ báo nhà nước cũng bị Ban Tuyên giáo trung ương – cơ quan nổi tiếng với biệt danh "vòng kim cô" – cấm cản. Chính thể độc đảng ở Việt Nam đã giấu biệt thông tin được coi là quá sức nhạy cảm này và như co rúm trong nỗi sợ hãi của lịch sử "ngàn năm Bắc thuộc" lẫn và hiện tại "mười sáu chữ vàng".

Vẫn chưa hết run sợ

Sau vụ "giương cờ trắng" lần đầu ở Bãi Tư Chính vào tháng Bảy năm 2017, trong cơn quẫn bách mất ngủ lẫn mất ăn, Hà Nội đã một lần nữa phải "cầu viện" Hoa Kỳ, mà cụ thể là kêu gọi một sự hỗ trợ từ hải quân Hoa Kỳ. Tướng Ngô Xuân Lịch – Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam – được giao nhiệm vụ sang Washington để thuyết phục Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis hỗ trợ hải quân.

Thế nhưng những gì mà hải quân Mỹ đã tiếp cận Biển Đông vào tháng 3 năm 2018 vẫn không khiến cho giới chóp bu Việt Nam hết run sợ trước Trung Nam Hải.

Ngay sau khi hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson của Mỹ rút về nước và công ty Repsol của Tây Ban Nha cùng đối tác của nó ở Việt Nam một lần nữa thử khai thác dầu khí ở mỏ Cá Rồng Đỏ, nỗi nhục Bãi Tư Chính lại nổ ra lần thứ hai và phủ đầy khắp bộ mặt chính thể Việt Nam : tháng 3 năm 2018, một lần nữa Repsol phải tháo chạy khỏi mỏ dầu khí này sau khi Trung Quốc lại ra tay dọa dẫm. Và đó là lần mà Repsol có vẻ ‘một đi không trở lại’. Còn ‘bản lĩnh Việt Nam’ đã chỉ hiển hiện đến mức cúi đầu chấp nhận bồi thường cho Repsol hơn 200 triệu USD chi phí ban đầu (có ước tính cho biết con số này còn cao hơn, có thể lên đến hơn 300 triệu USD), nhưng đã không thể, và trong thực tế là còn lâu mới dám hó hé trước sức ép ngày càng thô bạo của Trung Quốc.

Trong suốt thời gian trên, giới chóp bu Việt Nam còn bị hành hạ không ngớt bởi cái bóng của Vương Nghị - ngoại trưởng Trung Quốc với gương mặt lạnh như tiền - và lời đề nghị như thể chiếu chỉ của họ Vương về ‘Trung Quốc và Việt Nam cùng hợp tác khai thác dầu khí trên biển’. Nếu chấp nhận đề nghị này, giới chóp bu Việt Nam đương nhiên phải mời kẻ cướp vào nhà mình và tự nguyện dâng hiến tài sản cho y.

Chưa bao giờ ‘bản lĩnh Việt Nam’ bị thách thức và đe dọa đến thế : tiền nằm ngay trong túi mà không làm sao lấy ra được.

Giờ đây, kịch bản thất bại đến mất ngủ ở Bãi Tư Chính đang lặp lại, khiến giới chóp bu Việt Nam mất ăn dầu khí ngay trên vùng lãnh hải của mình và càng bế tắc trong cơn ác mộng ngân sách trước những khoản nợ nước ngoài đang ập đến như sóng thần Biển Đông.

Có cầu cứu Mỹ một cách thực chất ?

Hiện tượng Bộ Ngoại giao, mà đằng sau đó là Bộ Chính trị Việt Nam, rốt cuộc đã phải và dám gọi đích danh Trung Quốc "đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam tại khu vực phía nam Biển Đông" trùng với những tin tức về việc tàu Hải Dương - 8 và những tàu cảnh sát biển vẫn ung dung ngự trị ngay gần đảo Trường Sa Lớn và vẫn tiếp tục ‘thăm dò dầu khí’ như chốn không có chủ quyền, phát ra chỉ dấu Bắc Kinh không hề có ý định rút tàu Hải Dương - 8 về nước, mà còn có thể thi hành chiến thuật ‘vờn tàu’ với phía Việt Nam trong một thời gian nữa - tương tự cái cách mà Hải Dương 981 và nhiều tài hải giám đã xung sát với tàu Việt Nam vào năm 2014.

Cú vỗ mặt trên lại xảy ra ngay trong và sau chuyến thăm Trung Quốc của Nguyễn Thị Kim Ngân - chủ tịch quốc hội - như một thông điệp không thể cởi mở hơn của Bắc Kinh về việc muốn biến Việt Nam thành chư hầu và biến giới quan lại Việt thành một đám quần thần thành ‘ngựa xe mấy cỗ quân hầu vài tên’.

Rốt cuộc, những chuyên gia tâm lý chiến Bắc Kinh đã một lần nữa nắm thóp được tâm lý sợ hãi đến mức ‘đái ra quần’ của giới chóp bu Việt Nam. Vụ Trung Quốc cho tàu thăm dò địa chất Hải Dương - 8 xâm nhập vào khu vực bãi Tư Chính vào tháng 7 năm 2019 chỉ là bước thăm dò ‘bản lĩnh Việt Nam’ thêm một lần nữa, để nếu Hà Nội vẫn không có nổi một động tác ngả mạnh về Mỹ thì Bắc Kinh sẽ tiếp tục những đòn gây hấn mới hơn và khó chịu hơn nhiều, với hai mục tiêu song hành : vừa buộc Việt Nam phải chia đôi nguồn dầu khí khai thác được ở Bãi Tư Chính, vừa chặn lối chuyến đi Mỹ sắp tới của ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng.

Vậy vào lần này, khi bị ‘đồng chí tốt’, hay còn gọi là ‘bạn vàng’ và cũng là ‘đối tác chiến lược toàn diện lớn nhất’ hung hãn bắt nạt ở Bãi Tư Chính - khu vực ‘thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam’, giới chóp bu Việt Nam sẽ phản ứng thế nào ? Liệu sẽ vẫn chịu ‘nuốt nhục’, mà thực chất là ‘hèn với giặc’ như nhiều lần trước, hay sẽ tỏ ra can đảm hơn chạy sang Mỹ để cầu cứu hỗ trợ, nhưng phải là hỗ trợ tác chiến chứ không còn là ‘giao lưu hải quân’ như trước đây, từ Hạm đội Thái Bình Dương ?

Từ tháng 7 năm 2017, ‘cầu cứu Mỹ’ đã trở thành một triết lý sống còn và cũng là logic không có thì chết của chính thể Việt Nam. Chính thể này, trong khi khư khư ôm trọn quyền hành ‘đã có đảng và nhà nước lo’ để không những không chấp nhận tinh thần yêu nước và biểu thị phản đối Trung Quốc của người dân Việt, mà còn cho công an lao vào đoàn người biểu tình - hệt cảnh bầy cho dữ lao vào cắn xé những con mồi của chúng, thì chỉ còn nhìn thấy ở Mỹ như một cứu cánh duy nhất, trong khi cả Nga và hàn chục ‘đối tác chiến lược toàn diện’ khác đều thản nhiên quay lưng trước cơn nguy khốn nguy cơ chiến tranh Việt - Trung.

Thế nhưng sự thể tồi tệ là não trạng đu dây chính trị vẫn bị nén chặt trong những cái đầu bí bách và bế tắc. Từ năm 2017 đến nay đã chẳng có bước tiến đáng kể nào trong mối quan hệ hợp tác quốc phòng Việt - Mỹ, trong khi vấn đề sự hiện diện của hải quân và không quân Hoa Kỳ tại quân cảng Cam Ranh lẽ ra đã phải được ưu tiên số một.

Thái độ vặn vẹo gần đây của Donald Trump với Việt Nam cho thấy ông ta có vẻ không hài lòng với tiến trình ‘hợp tác quốc phòng Việt - Mỹ’ như rùa ấy.

Phạm Chí Dũng

Nguồn : VOA, 22/07/2019

******************

Quan hệ Việt – Mỹ toàn diện và chìa khóa Biển Đông ?

Nguyễn Hiền, VNTB, 22/07/2019

Biển Đông, với vai trò lịch sử của mình, trở thành chìa khóa xử lý tốt nhất cho quan hệ Việt – Mỹ.

tuchinh2

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Thống Trump tại hội nghị G-20.

Lịch sử gian truân quan hệ Việt – Mỹ

Việt – Mỹ có chiều dài "quan hệ bị bỏ lỡ", từ thời điểm nhà Nguyễn bắt đầu những chuyến đi sứ phương Tây cho đến khi nhà nước Cộng sản mấp mé được thành lập và được hoàn tất vào năm 1975.

Năm 1829, Chính phủ Mỹ ký với triều đình nhà Nguyễn. A.Andrew Jackson dự định đặt đại diện ngoại giao tại vương quốc Đại Nam và cử ông Shilluber làm lãnh sự, nhưng vua Minh Mạng đã từ chối.

Tháng 11/1832, Tổng thống Hoa Kỳ Jackson giao phó cho Edmond Roberts vốn là một chủ tàu buôn thường qua lại vùng Biển Đông, vai trò đặc sứ để liên hệ thông thương với Việt Nam. Tuy nhiên, do nhà Nguyễn dè dặt về mặt đối ngoại và một phần phái bộ của Mỹ, đứng đầu là Roberts mắc một căn bệnh ở Xiêm, nên ngoại giao Việt – Mỹ đứt quãng.

Năm 1873, Bùi Viện được vua Tự Đức cử sang Hoa Kì đề nghị đặt quan hệ chính thức và được viện trợ chống thực dân Pháp. Dù đã thuyết phục tổng thống chấp thuận lời yêu cầu đặt quan hệ ngoại giao và giúp đỡ Đại Nam chống Pháp, nhưng vì không có quốc thư đem theo nên chưa thể bàn cụ thể hơn. Sau khi có quốc thư thì chính sách ngoại giao Hoa Kỳ thay đổi theo hướng thân Pháp, dẫn đến quan hệ Việt – Mỹ tiếp tục bị ngắt quãng.

Đến thời điểm 1944 – 1945, chính sách "chống Nhật, ngăn Pháp" của Hoa Kỳ được Hồ Chí Minh chú ý, và ông đã gửi nhiều thông điệp đến Tổng thống Roosevelt tuy nhiên không được hồi đáp. Cố nỗ lực "ngoại giao với Hoa Kỳ" tiếp tục được Hồ Chí Minh tiến hành dưới thời Tổng thống Truman, dù cố gắng hướng niềm tin đến "những người bảo vệ và chiến đấu cho công lý thế giới", và với mục tiêu "độc lập hoàn toàn, hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ", nhưng kết quả phía "Cộng sản 100%" đã khiến Washington trở nên lạnh nhạt.

Sau sự kiện 1975, Việt – Mỹ lại đánh mất cơ hội quan hệ khi mà Hà Nội, dưới góc nhìn của nhà ngoại giao Trần Quang Cơ, "đã từ chối lời đề nghị ‘bình thường hóa quan hệ không điều kiện của Mỹ, và làm cao trước việc ASEAN ngỏ ý muốn Việt Nam tham gia tổ chức khu vực này".

Tại sao Biển Đông ?

Biển Đông trở thành vai trò then chốt giúp Việt – Mỹ gắn chặt vào nhau, tái thiết lập mối quan hệ "hợp tác toàn diện" có từ thời Hồ Chí Minh.

Biển Đông là nơi mà chủ quyền của Việt Nam và quyền tự do hàng hải của Mỹ gặp nhau. Trong khi đó, Trung Quốc trở thành mục tiêu chung mà cả hai quốc gia đều tìm cách ngăn chặn, "ý đồ, thủ đoạn và sự trỗi dậy" mang tính phá vỡ ổn định, hòa bình trong khu vực. Việc cả hai có những vai trò và quyền lợi tối quan trọng ở vùng Biển Đông giúp cho cả hai quốc gia tìm thấy tiếng nói chung và sự thống nhất trong công nhận vai trò của nhau.

Đối với Việt Nam, Mỹ trở thành quốc gia có thế lực nhất bảo hộ cho quyền tự do hàng hải ở Biển Đông. Đối với Washington, Hà Nội trở thành một trong những quốc gia giữ vai trò đi đầu và xứng đáng nhất trong ngăn chặn sự trỗi dậy đầy bất ổn của Bắc Kinh, thay vì Manila – một quốc gia đồng minh nhưng vấn đề Biển Đông lại thiếu sự thống nhất qua các đời Tổng thống.

Yếu tố "Cộng sản 100%", vốn ngăn cản mối quan hệ tương giao từ năm 1945-1946 trở nên nhạt nhòa trước quyền và lợi ích cốt lõi của hai quốc gia bị đe dọa. Và quan trọng hơn, bản thân nhà nước Việt Nam hiện nay thực tế là một quốc gia "lớp cộng sản, nội dung tư bản".

Đó chính là lý do vì sao, nhiều năm trở lại đây, ngoại giao Việt Nam trở nên "hoan nghênh" các quốc gia đóng góp cho hòa bình và ổn định của khu vực Biển Đông. Và Việt Nam trở nên khôn ngoan hơn khi mới đây, thay vì kêu gọi "các nước kiềm chế về Biển Đông", Hà Nội đã mạnh mẽ tuyên bố, Trung Quốc cần phải rút nhóm tàu khảo sát ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Và kêu gọi, "các nước liên quan và cộng đồng quốc tế cùng nỗ lực đóng góp nhằm bảo vệ và duy trì lợi ích chung này".

Ngay lập tức, Bộ ngoại giao Mỹ đã ra tuyên bố chính thức, trong đó khẳng định, "việc sử dụng quân sự [của Trung Quốc] để khiêu khích, hăm dọa, đối đầu các nước trong khu vực đã đe dọa đến nền hòa bình và ổn định". Chỉ ra cách mà Bắc Kinh gia tăng áp lực đối với các nước ASEAN, làm "bộc lộ ý định của Trung Quốc trong việc khẳng định quyền kiểm soát tài nguyên dầu mỏ, khí đốt tại Biển Đông". Từ đó, Mỹ yêu cầu Bắc Kinh "ngừng các hành động bắt nạt và kiềm chế các hành động gây hấn và làm bất ổn tình hình trong khu vực".

Lòng dân ủng hộ, không dừng lại

Vào tháng 10/2017, ông Nguyễn Phú Trọng trong đợt tiếp xúc cử tri đã khẳng định, trong công tác xử lý cán bộ vi phạm và tham nhũng, "Lòng dân ủng hộ, đang làm rồi phải làm tiếp, không dừng lại". Nếu đặt quan điểm này trong quan hệ Việt – Mỹ thì thực tế là không khác bao nhiêu.

Tin về Mỹ lên tiếng ủng hộ tạo một sự phấn khởi trên mạng xã hội Facebook, thông qua những chia sẻ và bình luận của các Facebooker có lượt theo dõi lớn.

Facebooker Phạm Việt Thắng hứng khởi chia sẻ trong ngày 21/7.

"’Bạn vàng’ xâm phạm lãnh thổ ta, khiêu khích ta, vây hãm ta ; còn ‘kẻ thù’ thì đang lên tiếng bảo vệ ta".

Facebooker Trần Đình Thu thậm chí còn đi xa hơn, khi ông vừa hoan nghênh mối quan hệ Việt – Mỹ thông qua vấn đề Biển Đông, vừa dự báo một xu thế xoay trục không thể ngăn cản.

"Xu thế thoát ly khỏi Trung Quốc để xoay trục là không thể ngăn cản".

Những tâm lý "phấn khởi, lạc quan, tin tưởng" của người dùng mạng xã hội, những hot facebooker (có số lượt tương tác lớn, tác động mạnh mẽ đến không ít tư tưởng người dùng Facebook) là điều đáng bàn, và ở một góc cạnh nào đó nó thể hiện thuộc tính "lòng dân". Do đó, lắng nghe xu hướng này, nắm bắt và phát triển nó thành một xu hướng chủ đạo trong ứng xử ngoại giao là điều mà nhà nước Việt Nam nên làm.

Câu chuyện lịch sử về mối quan hệ bang giao Việt – Mỹ kể từ thời điểm (1829) đến nay (2019) là 190 năm, và nó đang cho thấy, xu hướng đang tốt lên. Nếu Hà Nội biết nắm bắt cơ hội và tình thần hướng Mỹ như Hồ Chí Minh, bớt đi sự dè dặt thời kỳ nhà Nguyễn và tâm lý "làm cao" sau năm 1975, thì chắc chắn, vấn đề Biển Đông sẽ được giải quyết ổn thỏa hơn, trên nguyên tắc hòa bình và ổn định được duy trì.

Xu thế "toàn diện" Việt-Mỹ là không thể tránh khỏi trước dã tâm ngày càng lớn của Bắc Kinh, nhất là khi lòng dân đã ủng hộ. Và các lần Đại hội Đảng về sau có được tổ chức thành công hay không cũng chính dựa vào đối sách "toàn diện" đến đâu với Mỹ.

Biển Đông, với vai trò lịch sử của mình, trở thành chìa khóa xử lý tốt nhất cho quan hệ Việt – Mỹ.

Nguyễn Hiền

Nguồn : VNTB, 22/07/2019

********************

Vụ Bãi Tư Chính : Vì sao Mỹ ủng hộ Việt Nam nhưng vẫn cầm chừng ?

Thường Sơn, VNTB, 22/07/2019

Hoa Kỳ đã trở thành quốc gia đầu tiên, và có lẽ là duy nhất, lên tiếng gián tiếp ủng hộ Việt Nam liên quan vụ tàu thăm dò địa chất Hải Dương-8 và một số tàu cảnh sát biển của Trung Quốc xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế Bãi Tư Chính của Việt Nam trong suốt nửa tháng qua như vào chốn không người.

bai1

Tuyên bố phản ứng Trung Quốc của Phát ngôn nhân Morgan Ortagus của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Ngày 21/7/2019, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ra tuyên bố lên án Trung Quốc bằng những lời lẽ đanh thép, cáo buộc nước này có "hành vi bắt nạt" và "làm suy yếu hòa bình và an ninh" khu vực giữa lúc tàu khảo sát địa chất của Trung Quốc tiếp tục hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở phía nam Biển Đông.

Cần chú ý về tính thời điểm của tuyên bố trên : Hoa Kỳ đã chỉ lên tiếng sau khi Bộ Ngoại giao Việt Nam chịu mở miệng : "Trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam tại khu vực phía nam Biển Đông" vào ngày 20/7.

Đó là lần đầu tiên chính thể Việt Nam dám nhắc đến cái tên Trung Quốc và chỉ trích trực tiếp hành vi của tàu Hải Dương-8, còn trong hai tuần trước đó đã tuyệt đối câm nín và bất lực đến cùng cực - tương tự trong rất nhiều lần xảy ra gây hấn của tàu Trung Quốc đối với tàu bè ngư dân Việt, đặc biệt trong vụ giàn khoan Hải Dương 981 vào năm 2014 và hai lần tàu Trung Quốc bao vây gây sức ép ở Bãi Tư Chính vào năm 2017 và 2018.

Tuy nhiên, ngoài việc ‘đánh võ miệng’ trong tuyên bố của mình, vào lần này phía Việt Nam vẫn chẳng có hành động kiên quyết nào, dù đã có Luật Cảnh sát biển và hoàn toàn có thể huy động tàu cảnh sát biển lẫn tàu hải quân ra khu vực gần đảo Trường Sa lớn để đẩy đuổi các tàu Trung Quốc. Trong tư thế lép vế mà rất có thể đã ăn sâu vào não trạng khiếp sợ Bắc Kinh, Bộ Chính trị đảng và Bộ Quốc phòng Việt Nam vẫn chỉ kiên nhẫn chiến thuật ‘vờn tàu’, dùng loa phóng thanh công suất lớn để ‘tuyên truyền, vận động và thuyết phục’, nhưng lại khiến cho dư luận trong nước và quốc tế hiểu là chính thể này đang và sẽ rất bị động, hay về thực chất là chẳng biết làm gì, nếu phía Bắc Kinh không muốn rút ngay tàu Hải Dương-8 ra khỏi Bãi Tư Chính mà cứ để nguyên tàu thăm dò địa chất này ở đó như một cách khiêu khích và nắn gân phía Việt Nam, tương tự cái cách mà Hải Dương 981 đã ngự trị ở Biển Đông suốt hai tháng trời và chỉ chịu rút đi sau khi phía Việt Nam đã phải muối mặt nhịn nhục và thỏa mãn một số điều kiện về kinh tế và ngoại giao.

Trong khi đó, có một khác biệt đáng kể trong thái độ và cách hành xử của Hoa Kỳ giữa hai thời điểm năm 2019 và năm 2014.

Vào năm 2014, Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất ủng hộ Việt Nam trong sự kiện Hải Dương 981, nhưng không chỉ bằng hình thức sự lên tiếng của Bộ Ngoại giao nước này, mà còn bởi cả một nghị quyết về Biển Đông của Quốc hội Mỹ. Một bản ngị quyết rất cứng rắn và bật đè xanh cho toàn bộ hoạt động can thiệp vào Biển Đông về sau này của hải quân và không quân Mỹ.

Tuy nhiên cho đến thời điểm này của năm 2019, Quốc hội Mỹ vẫn chưa có động thái nào phản ứng với Trung Quốc, còn cấp độ phản ứng trong chính phủ Hoa Kỳ chỉ là một tuyên bố của của Bộ Ngoại giao, hay chính xác hơn là tuyên bố của Phát ngôn nhân Morgan Ortagus của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Nếu vào năm 2014 và những năm sau đó, Mỹ không chỉ phản ứng bằng hành động ngoại giao mà còn cho máy bay chiến đấu và tàu chiến tuần tiễu, tàu khu trục vào vùng biển và không gian Biển Đông để răn đe hoạt động cường bá của Trung Quốc, thì cho đến nay vẫn chưa thấy có động thái quân sự nào từ Hạm đội 7 của Mỹ.

Vì sao lại có sự khác biệt đáng kể như thế ? Người Mỹ còn chờ gì nữa ?

Hẳn là chờ Việt Nam.

Đã 5 năm trời qua kể từ vụ Hải Dương 981 năm 2014, nhưng sự thể tồi tệ là não trạng ngả ngớn đu lắc và õng ẹo đu dây chính trị vẫn bị nén chặt trong những cái đầu bí bách và bế tắc của giới chóp bu Việt Nam. Não trạng luôn duy trì hy vọng đầy ảo tưởng vào tình cảm ‘bốn tốt’ và ‘mười sáu chữ vàng’ với Bắc Kinh đã dẫn đến hậu quả là cho đến nay, đã chẳng có bước tiến đáng kể nào trong mối quan hệ hợp tác quốc phòng Việt - Mỹ, trong khi vấn đề sự hiện diện của hải quân và không quân Hoa Kỳ tại quân cảng Cam Ranh lẽ ra đã phải được ưu tiên số một. Và lẽ ra tại Cam Ranh giờ đây đã phải có hình ảnh thường trú của một hàng không mẫu hạm Mỹ.

Thái độ vặn vẹo gần đây của Donald Trump với Việt Nam cho thấy ông ta có vẻ không hài lòng với tiến trình ‘hợp tác quốc phòng Việt - Mỹ’ như rùa ấy.

Biểu hiện cầm chừng của Hoa Kỳ trong vụ Hải Dương-8 cho thấy Mỹ chỉ sẵn sàng ra tay một khi chính thể Việt Nam chịu từ bỏ phần lớn chủ trương đu dây chính trị và có thái độ phản ứng dứt khoát đối với sự gây hấn của Bắc Kinh. Còn nếu không như thế, nhiều khả năng Mỹ sẽ chỉ đứng nhìn con sói Trung Quốc hung hãn cắn xé miếng mồi Bãi Tư Chính - hệt cái cách mà chính thể độc tài ở Việt Nam khư khư ôm trọn quyền hành ‘đã có đảng và nhà nước lo’ để không những không chấp nhận tinh thần yêu nước và biểu thị của người dân Việt, mà còn xua bầy đàn công an nhe nanh lao vào cắn xé đoàn người biểu tình ôn hòa phản đối Trung Quốc trong cả hàng thập kỷ qua.

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 22/07/2019

********************

Thế lực thân địch

Cánh Cò, RFA, 21/07/2019

Hai tuần lễ đã trôi qua việc bãi Tư Chính bị tàu khai thác địa chất Trung Quốc được tàu Hải cảnh yểm trợ vẫn loanh quanh "rà soát" trên vùng biển Việt Nam đang làm dư luận nóng lên với hàng trăm nhận định khác nhau nhưng chung quy người Việt Nam trong và ngoài nước vẫn như đang ngồi trên lửa vì hành vi xâm lấn trắng trợn của Bắc Kinh đối với Biển Đông.

tuchinh3

Trung Quốc lâu nay vẫn thế, dã tâm chiếm hết Biển Đông bằng đường lưỡi bò trắng trợn không ngần ngại dư luận hay công pháp quốc tế.

Dư luận tỏ ra phẫn nộ khi miệng Trung Quốc tiếp tục khuyên nhủ Việt Nam nên vì đại cục trong khi tay thì thò vào tận vùng biển mà Việt Nam có chủ quyền từ bao lâu nay. Trung Quốc lâu nay vẫn thế, dã tâm chiếm hết Biển Đông bằng đường lưỡi bò trắng trợn không ngần ngại dư luận hay công pháp quốc tế. Bắc Kinh vẫn lấy vũ lực làm căn bản đối với những nước nhỏ chung quanh vùng biển mà nó gọi là tranh chấp mà thật ra là thái độ vũ phu của kẻ vừa mạnh vừa lưu manh nhận vơ chủ quyền các nước về mình nhằm thôn tính một vùng tài nguyên rộng lớn mà từ bao lâu nay chúng vẫn thèm thuồng nhưng chưa nuốt nỗi.

Dân chúng thì xôn xao, báo chí sau nhiều ngày chờ đợi cuối cùng cũng được phép lên tiếng, chỉ có điều người có trách nhiệm cao nhất vừa bên chính phủ lẫn bên đảng lại im hơi lặng tiếng làm như không phải chuyện của mình.Trong cương vị Chủ tịch nước ông Nguyễn Phú Trọng không hề trấn an hoặc giải thích sự vụ với dân chúng mặc dù đây là trách nhiệm của ông. Trong tư cách Tổng bí thư ông Nguyễn Phú Trọng cũng không có bất cứ hiệu triệu hay công văn nào cho 4 triệu đảng viên dưới quyền của ông biết vấn đề đã trở nên nghiêm trọng có thể dẫn đến bùng nổ chiến tranh dù là ngắn ngủi.

Sự vô tâm đến khó hiểu của ông Trọng không làm cho người dân ngạc nhiên lắm vì từ bao lâu nay thái độ "kính nhi viễn chi" của ông đối với quan thầy Trung Quốc vẫn trước sau như một, nhưng lần này ông đã đi xa hơn, thay vì lên tiếng cảnh báo họa xâm lăng từ phương Bắc thì ông lại tỏ ra "quan ngại" đối với đồng bào ông, những kẻ mà ông gọi là "thế lực thù địch".

Theo tin tức từ báo chí, sáng ngày 20 tháng 7 nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam tại Phủ Chủ tịch, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gặp mặt thân mật 90 Chủ tịch Công đoàn cơ sở tiêu biểu năm 2019 và 10 cán bộ công đoàn nhận Giải thưởng Nguyễn Văn Linh lần thứ nhất. Trong phát biểu chính thức ông Trọng cho biết : "Cần chú trọng giáo dục bản lĩnh chính trị, tăng cường sức đề kháng trước những biểu hiện tiêu cực, mặt trái của xã hội và sự chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Tuyệt đối không để các thế lực thù địch lợi dụng lòng yêu nước chân chính của công nhân, người lao động, kích động, lôi kéo biểu tình, tụ tập gây rối, làm mất an ninh, trật tự, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc".

Rõ ràng "thế lực thù địch" mà ông Trọng nhắc nhở ở đây không phải là Trung Quốc, vậy thì bản thân ông với tư cách cao vời vợi như thế phải gọi là thế lực gì ?

Một vài người đã nhanh chóng tìm ra cụm thừ rất phù hợp với vai trò của ông và đồng đảng : "Thế lực thân địch" (*).

Vâng chỉ có thể là thân địch ông mới im hơi lặng tiếng trước họa diệt vong từ Trung Quốc. Ông thân địch vì chỉ có Trung Quốc mới có thể giúp ông và đồng đảng giữ vững chiếc ghế bằng máu và nước mắt nhân dân đang chia sẻ cho ông và hàng triệu đảng viên. Thế lực của ông chống Trung Quốc bằng mồm mà lại yếu như tiếng cuốc kêu đêm hè, vật vã không phải vì yêu thương đất nước nhân dân mà lăn lộn vì tranh nhau miếng đỉnh chung từ một ngoại bang bất hảo.

Thế lực thân địch của ông ngày một lộ rõ tâm thế phản động và phản quốc. Trong khi tàu cảnh sát biển Việt Nam khó khăn tránh tàu địch nhiều lần lớn hơn tại khu vực bãi Tư Chính thì "thế lực thân địch" của ông trong bờ kéo nhau sang Trung Quốc hợp ca bài bán nước. Ngày 21/07/2019 tại thành phố Quý Dương, thủ phủ tỉnh Quý Châu, Tây Nam Trung Quốc, đã khai mạc hội thảo lý luận lần thứ 15 giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc với chủ đề "Một số vấn đề có tính quy luật trong quá trình hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa".

Tại lễ khai mạc hội thảo, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đã có bài phát biểu đề dẫn với tiêu đề "Những vấn đề có tính quy luật trong quá trình hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa". Trưởng đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Trung Quốc Hoàng Khôn Minh phát biểu đề dẫn với tiêu đề "Một số nhận thức về quy luật xây dựng hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc".

Lý luận gì với kẻ thù vậy ông Thưởng ? Phải chăng mớ lý luận hôi tanh mùi máu người của các chiến sĩ hải quân sắp đổ ra cho các ông nâng ly chúc mừng sự thành công tốt đẹp của quá trình hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa, cụm từ mà ông Trọng trong tư cách Tiến sĩ xây dụng đảng đã công khai nhìn nhận là không thể tìm thấy, bản thân ông tuổi gì mà lượm nó lên, phủi sạch sẽ và tiếp tục mụ mị đảng viên của ông ?

Các ông và "thế lực thân địch" của đảng các ông có xấu hỗ không khi đọc bản tin Mỹ đả kích Trung Quốc "bắt nạt" Việt Nam giữa tranh cãi về tàu khảo sát được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố vào ngày 20 tháng 7 năm 2019. Mỹ đã lên án Trung Quốc bằng những lời lẽ đanh thép, cáo buộc nước này có "hành vi bắt nạt" và "làm suy yếu hòa bình và an ninh" khu vực giữa lúc tàu khảo sát địa chất của Trung Quốc tiếp tục hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở phía nam Biển Đông.

Thông cáo dài của Bộ Ngoại giao Mỹ cho thấy một sự ủng hộ gần như rõ ràng đối với Việt Nam trong một tranh cãi gay gắt với nước láng giềng và thể hiện lập trường mạnh mẽ của Mỹ về vụ việc được nói là tàu Trung Quốc cản trở hoạt động dầu khí của các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Đành rằng Mỹ bảo vệ Biển Đông vì không thể để cho Trung Quốc làm mưa làm gió trên trướng quốc tế mới tỏ ra cứng rắn như vậy chứ không phải lo lắng gì cho Việt Nam. Bổn phận lo lắng thuộc về phần hành của các ông, những kẻ mang trên vai đủ thứ danh phận nhưng không có danh phận nào bảo vệ đất nước. Các ông và thế lực của các ông lo ngay ngáy bảo vệ đảng trước khi bảo vệ chủ quyền đất nước, vì vậy đã không ngần ngại tay trong tay kẻ thù của nhân dân làm điều sai quấy mà lịch sử trước sau gì cũng bạch hóa.

Là thế lực thân địch rõ rệt từ những cuộc truy hoan được mỹ lệ hóa là hợp tác, các ông đã ngang nhiên xem nhân dân là những con cờ bằng gỗ mặc sức gõ lên mặt chúng những trạng từ nhơ bẩn mà các ông đã học được từ Bắc Kinh. Các ông không còn một chút liêm sĩ vì vậy trong các trang lịch sử cõng rắn cắn gà nhà, bọn các ông tồi tệ chưa bao giờ từng thấy trước đó.

Lá bài hòa bình ổn định chẳng qua là gìn giữ tài sản mà các ông và cả thế lực của các ông kiếm chác được từ xương máu nhân dân chứ không phải là nhường nhịn Trung Quốc vì sợ hãi chiến tranh gây tổn hại cho đất nước. Đất nước này từng chinh chiến với phương Bắc và cũng từng đánh đuổi bọn chúng về Tàu. Các ông đã từ chối đưa bàn tay ra nắm lấy sợi dây thừng của Mỹ nhằm kéo đất nước ra khỏi tăm tối dưới bóng ma Trung Quốc bởi bản thân các ông chính là một trong những bóng ma của dân tộc chỉ khác là biết nói tiếng Việt mà thôi.

Nhảy múa trên đống chữ nghĩa mà đảng nặn óc viết ra bao nhiêu năm nay cũng không thể làm cho người dân quên chiếc tàu thăm dò địa chất tại bãi Tư Chính, nơi mà nguồn tài nguyên đang nuôi các ông lớn mạnh để bẻ lái con thuyển đất nước theo hướng thân địch. Cứ mỗi tiếng hụ thảng thốt, rách ruột của tàu cảnh sát biển Việt Nam nổi lên ngoài kia thì trong này nhân dân lại ý thức thêm về vai trò của các ông, và vì vậy không thể nghi ngờ gì nữa rằng các ông chẳng những đem con bỏ chợ mà còn đem con cho kẻ thù truy sát để trong bờ các ông cùng nhau hợp ca với nhau bài đồng ca hòa bình ổn định.

Cánh Cò

Nguồn : RFA, 21/07/2019 (canhco's blog)

(*) cụm từ mới hết sức phù hợp đang lưu hành trên mạng xã hội.

Quay lại trang chủ
Read 764 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)