Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

17/05/2019

Thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa, 44 năm sau vẫn còn bị trù dập

Nhiều tác giả

Khi chúng ta tuyệt vọng

Tuấn Khanh, RFA, 17/05/2019

Một người bạn của tôi kể rằng anh ấy hụt hẩng kinh khủng khi trãi qua đại lễ Vesak 2019 của Liên Hợp Quốc tổ chức tại Việt Nam. Thậm chí, có cái gì đó giống như là tuyệt vọng trỗi lên, khi anh thấy trên truyền hình, trên báo chí trương hình ảnh ông Thích Thanh Quyết cho ra mắt bức tranh cố gắng nối Hồ Chí Minh một bên và Đức Phật Thích Ca một bên.

giot3

Bên cạnh sự rộn rịp tại một lễ hội, mà Hòa thượng Brahmapundit, Chủ tịch sáng lập Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak Liên hợp quốc (ICDV) khẳng định nói rằng đã thành công tốt đẹp, cuộc tranh luận và bình phẩm về sự kiện nhà nước vô thần đem biểu tượng cao nhất của Phật giáo để đứng cùng lãnh tụ của họ, đang xuất hiện khắp mọi nơi, thậm chí khiến nhiều trang tin tức quốc tế cũng ghi nhận.

Tháng 5-2019 tại Việt Nam không chỉ có vậy. Đã có nhiều điều diễn ra quyết liệt ở mọi nơi, tạo nên một bức tranh tổng thể đỏ ngầu và dữ dội hơn cả sự mô tả ông Hồ Chí Minh đứng trong bức tranh Đạo Pháp và Dân Tộc đó. Những bắt bớ liên tục diễn ra, những nhà máy có sự che chở giới lãnh đạo đang phủ đầy ô nhiễm tang tóc trên đất nước này. Những kẻ giàu có, mua chuộc được sự dốt nát và hám lợi của bọn cầm quyền đang bóp nghẽn các dòng sông, đang cày nát núi đồi và rừng xanh…

Lễ hội Vesak 2019 đã thành công đến mức nói về hòa bình thế giới, nói về ô nhiễm trên tầng cao khí quyển hành tinh, nói về hòa hợp các dân tộc nhưng lại làm ngơ những người nông dân, những làng xóm từ Nam chí Bắc luôn nơm nớp vì bị cướp đất, bị cưỡng đoạt.

Lễ hội Vesak 2019 cũng không nói đến sông Hàn bị bóp nghẹt, nói về những cánh rừng mất dần để thế chỗ bằng sân golf hay biệt phủ của giai cấp mới.

Lễ hội Vesak 2019 cũng không nhắc gì đến việc làm sao để Hà Nội ngừng rượt đuổi những người thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa, làm sao ngừng chặn bắt hay đánh đập những người bất đồng chính kiến. Từ ngày 12-5 đến 14-5, suốt trong đại lễ này không ngớt xuất hiện những cụm từ "từ bi" và "sám hối", nhưng hàng ngàn tỉ đồng từ mồ hôi nước mắt lao động của người Việt để tạo nên sự hoàng tráng của đại lễ, vẫn không hề giúp giác ngộ được bộ máy lãnh đạo vô thần Hà nội.

Trong tuyệt vọng, nhận thức luôn là một lối đi mới, tôi vẫn phải đùa và an ủi người bạn mình. Nụ cười lặng lẽ và đôi mắt nhắm của Đức Thích Ca trước các vở hài kịch nhân gian cũng là một suy niệm đủ cho anh bạn tôi – hay bất kỳ ai – bừng tỉnh. Trong bài diễn văn của ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có nhắc rằng "mỗi người chúng ta chính là sứ giả của đức Phật". Nhiều năm qua, những sứ giả nhân danh Đức Phật có hơi thở nhà cầm quyền, đã không ngừng dạy con người mũ ni che tai trước hiện thực, bài xích tôn giáo khác, thậm chí tạo sự lạc lối, về lịch sử dân tộc.

Trong tiếng vỗ tay và đồng tuyên bố về tình nhân loại và tự do tín ngưỡng từ đại lễ Vesak 2019, cũng đã đồng tình chôn sống sự thật về những ngôi chùa bị san lấp, về những tu sĩ bị sách nhiễu tại Việt Nam. Thậm chí, vị Bồ tát có thật của hành tinh là Đức Đạt Lạt Ma thứ 14 cũng được đại lễ sắp xếp cho lãng quên bằng trò đơn giản như thắp nến hay ca hát.

Mỗi lúc thế giới đang mở ra. Những lời nói dối của thế kỷ 21 luôn tinh xảo hơn ở thế kỷ trước. Nhưng bên cạnh đó, nhận thức của con người trước những sự dối trá giờ đây cũng khác biệt và tinh tế hơn. Sau 1975, khi ông Mai Chí Thọ - giám đốc công an thành phố - đối thoại với những bậc trí giả của Giáo hội Phật giáo Thống Nhất đã đặt vào cuộc trò chuyện là xe tăng và nhà tù. Còn 2019, trên bàn đối thoại với Phật giáo và tín đồ, nhà cầm quyền đặt cược bằng cả chùa lớn và đại lễ. Nhưng dẫu vậy, mắt của Đức Phật qua năm tháng ấy vẫn khép, nụ cười vẫn bí ẩn. Những trò vui có thay hình đổi dạng, vẫn vậy, vẫn vô nghĩa cùng những lời nói dối có hệ thống.

Nên bạn tôi, đừng tuyệt vọng, đừng từ bỏ.

Nhận thức không nhằm để chúng ta tuyệt vọng. Nhận thức để chúng ta có được cái nhìn thông tuệ và xuyên suốt, để luôn mang trong tim mình niềm hy vọng. Nhận thức rõ được sự thật sẽ khiến bạn thấy mình khép mắt lặng im và mỉm cười như Đức Phật. Sự thật ấy sẽ dắt tay anh em qua ngõ tối và sợ hãi. Sự thật rồi cũng sẽ giải thoát dân tộc này qua sự mê muội và muộn phiền.

Vì mỗi con người chỉ có một cuộc đời, nên nếu chúng ta tuyệt vọng và từ bỏ, tức đã tự dâng hiến sự sống duy nhất của mình cho kẻ ác, cho bọn vô thần. Trong nhận thức, ta vẫn đang gieo niềm hy vọng, không chỉ riêng mỗi mình, tôi nói với người bạn, và có thể, ta sẽ còn nhìn thấy Đức Phật bí ẩn mỉm cười.

Tuấn Khanh

Nguồn : RFA, 17/05/2019 (tuankhanh's blog)

**************

Hòa thượng Thích Không Tánh lên tiếng vụ ‘ngưng Tri ân Thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa’

Cát Linh, Người Việt, 17/05/2019

Tin tức về việc "Dòng Chúa Cứu Thế Kỳ Đồng, Quận 3, Sài Gòn, bất ngờ chấm dứt chương trình Tri ân Thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa " gây xôn xao trên mạng xã hôi.

giot4

Hòa thượng Thích Không Tánh. (Hình : Hội Anh Em Dân Chủ)

Tuy nhiên, vào tối 15 tháng Năm, trang web Nhà Thờ Thái Hà lại đăng bài trả lời phỏng vấn BBC tiếng Việt của Linh mục Giuse Nguyễn Ngọc Bích, giám tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam. Trong đó Linh mục Bích cho biết "Bề Trên vẫn cho phép tiếp tục giúp đỡ các thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa". Đáng lưu ý, bài trả lời phỏng vấn này lại chưa chính thức xuất hiện trên trang chủ của BBC tiếng Việt.

Sáng sớm ngày 16 tháng Năm, Hòa thượng Thích Không Tánh, người khởi xướng chương trình "Tri ân Thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa", cho nhật báo Người Việt biết những vấn đề xung quanh sự kiện đang gây nhiều tranh cãi này.

Vì sao phải thuyên chuyển ?

Hòa thượng Thích Không Tánh nêu lên các sự việc : "Hôm Hội Đồng Liên Tôn tiếp xúc với phái đoàn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ở chùa Giác Hoa, có sự tham dự của Linh mục Lê Xuân Lộc, cũng là thành viên của Hội Đồng Liên Tôn. Khi Linh mục Lộc qua thì tôi thấy ông rất buồn. Ông cứ nói là chỉ vài thời gian nữa là phải bàn giao Văn phòng Công lý và Hòa bình ; chương trình chia sẻ với anh em thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa gặp khó khăn".

"Trong lòng tôi lúc đó nghĩ là chuyện này đã khó khăn ngay từ khi Linh mục Phạm Trung Thành mãn nhiệm, bên hệ thống Công giáo bổ nhiệm Linh mục Bích về làm giám tỉnh. Khi Linh mục Bích về một thời gian ngắn liền đưa Linh mục Thoại đi xa. Linh mục Thoại là ‘nòng cốt’ ở Phòng Công lý và Hòa bình và chương trình chia sẻ với anh em thương phế binh", hòa thượng nói tiếp.

"Mới đây thì đưa Linh mục Lê Ngọc Thanh đi xuống miền Tây để nhận nhiệm sở dưới đó. Rồi Linh mục Lộc và Linh mục Vũ cũng bị thuyên chuyển. Tôi thấy tất cả là do vị giám tỉnh mới. Bây giờ có dư luận nói là vị giám tỉnh mới thuộc về quốc doanh, nghe theo lệnh của nhà nước sao đó, làm cho chương trình Bên Nhau Đi Nốt Cuộc Đời gặp khó khăn và bị gián đoạn", hòa thượng nhấn mạnh.

Linh mục Giuse Nguyễn Ngọc Bích nói gì ?

Trước đó, trong bài trả lời phỏng vấn BBC Tiếng Việt của Linh mục Giuse Nguyễn Ngọc Bích đăng trên trang web Nhà thờ Thái Hà có năm câu hỏi và trả lời được Linh mục Bích đăng nguyên vẹn, gồm cả phần tự giới thiệu của ông.

"Thông thường, tôi rất ít trả lời phỏng vấn, nhưng khi đọc các câu hỏi của ông từ đài BBC tiếng Việt, tôi thấy các câu hỏi rất đúng đắn và có sự tôn trọng nên tôi sẵn sàng trả lời. Sau đây là các câu trả lời những câu hỏi của ông", Linh mục Bích viết.

giot5

Giám tỉnh Nguyễn Ngọc Bích. (Hình : Nhà thờ Thái Hà)

Ngay câu hỏi đầu tiên BBC hỏi về phản hồi đối với việc "đổi tên Phòng Công lý và Hòa bình và việc giúp các thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa tại đây sẽ không còn tiếp tục", Linh mục Bích khẳng định : "Chúng tôi chưa hề ra văn thư hoặc tuyên bố nào thay đổi chủ trương hoạt động. Vì vậy, một số blogger bày tỏ sự băn khoăn là không cần thiết".

Đài BBC có đặt câu hỏi với Giám tỉnh Nguyễn Ngọc Bích về việc thuyên chuyển các linh mục mà Hòa thượng Thích Không Tánh nhắc đến tên, Giám tỉnh Bích phản hồi rằng :

"Sự bổ nhiệm và thuyên chuyển là việc rất bình thường của tất cả các Dòng tu. Đó là công việc nội bộ mà người ngoài, thậm chí cả các Giám mục, chẳng có lý do gì để xen vào hay thắc mắc vì họ không thể biết được những gì liên quan đến phẩm chất, đến tư cách và đến hoàn cảnh của từng tu sĩ và vì họ cũng không có trách nhiệm phải trả lời trước mặt Chúa về những gì liên quan đến sứ mạng và sự phát triển của Dòng".

Tuy nhiên, khi trả lời phỏng vấn của Người Việt, Hòa thượng Thích Không Tánh đặt vấn đề là "Tại sao khi vừa nhậm chức giám tỉnh đã vội thuyên chuyển hàng loạt linh mục của Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn ?"

Hòa thượng nói tiếp : "Theo tôi nhớ thì hình như sự bầu bán cũng có sự vận động sao đó. Ở đây cũng đã có dư luận là Linh mục Bích là tu sĩ quốc doanh. Nếu không như thế thì tại sao đưa họ đi ra tận Quảng Nam ? Rồi nghe nói bàn giao sổ sách, giấy tờ, các thứ. Rồi đổi tên nữa, một cái tên nghe rất xã hội chủ nghĩa, rất mông lung. Nếu Linh mục Bích nói rằng vẫn tiếp tục việc giúp các thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa vậy thì việc cứu trợ như thế nào ? Rồi ngân quỹ đó ra sao ?".

Tuy nhiên, trong phần trả lời của Giám tỉnh Nguyễn Ngọc Bích dành cho đài BBC, ông viết rõ : "Tôi chưa thấy ai đổi tên phòng này với tên gọi khác. Tôi cũng vừa trao đổi với cha Tân Bề Trên Tu Viện Sài Gòn. Ngài khẳng định vẫn tiếp tục việc giúp các thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa. Như vậy, những thông tin nêu trên là không đúng sự thật".

Ngày 15 tháng Năm, Linh mục Đinh Hữu Thoại đăng lên trang cá nhân một thông cáo dán trước Phòng Công lý và Hòa bình có nội dung : "Kể từ ngày 15 tháng Năm, 2019, Phòng Công lý và Hòa bình tạm ngưng làm việc đến khi có thông báo mới".

Phòng Công lý và Hòa bình của Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn là địa chỉ quen thuộc của tất cả các thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa. Chương trình này được chuyển giao vào năm 2012 từ Hòa thượng Thích Không Tánh, chùa Liên Trì, Quận 2, Sài Gòn, về Phòng Công lý và Hòa bình, Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn.

Linh mục Đinh Hữu Thoại, một trong những người phụ trách chương trình này, nhớ lại : "Năm chúng tôi bắt đầu tổ chức giúp cho chùa Liên Trì là tháng Bảy, 2012. Do chúng tôi làm truyền thông thì nhiều người biết tới và con số thương phế binh đến càng ngày càng nhiều. Chương trình chúng tôi giúp đỡ họ là khám sức khỏe, trang bị cho họ những phương tiện trong cuộc sống như bảo hiểm y tế, xe lắc, xe lăn, xe ba bánh hay nạn, gậy, tùy nhu cầu mà chúng tôi giúp. Rồi thì sửa nhà, xây nhà mới, đi thăm bịnh và khi các ông qua đời thì chúng tôi đi viếng…".

Theo Hòa thượng Thích Không Tánh, lý do năm đó phải chuyển giao chương trình về Phòng Công lý và Hòa bình là vì số lượng thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa ngày càng tăng thêm. Chùa Liên Trì khi đó (nay không còn nữa vì bị chính quyền Đảng cộng sản Việt Nam phá bỏ) không đủ khả năng và không có địa điểm đủ rộng để gần 200 thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa sinh hoạt.

Đức Vâng Lời

Các linh mục của Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn trong những ngày qua từ chối đưa ra bình luận. Ngay cả khi nội dung trả lời của Giám tỉnh Nguyễn Ngọc Bích được đăng tải trên trang Nhà thờ Thái Hà gặp nhiều phản ứng trái chiều của dư luận thì các vị cũng chọn giải pháp im lặng.

Theo Hòa thượng Thích Không Tánh, "hệ thống Công giáo có một cái gọi là Đức Vâng Lời, nên với quý cha cấp dưới, bề trên nói gì thì phải nghe theo thôi".

Nhạc sĩ Tuấn Khanh đặt câu hỏi trong một bài viết liên quan : "Có cái gì đó rất bất thường đang diễn ra ở nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, Kỳ Đồng, nơi mà lâu nay, được khắp nơi ngưỡng mộ là ngôi nhà của lòng lành và công lý".

Theo nhạc sĩ Tuấn Khanh : Đặc biệt, trong bối cảnh của một nước Việt Nam với vết thương nội chiến vẫn chưa lành, sự kỳ thị với những cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa vẫn là một chủ trương thấy rõ.

Còn nhà giáo, nhà hoạt động Phạm Minh Hoàng viết trên trang cá nhân của ông : "Cuối năm 2018, Cha Bích tái đắc cử, và những ‘nề nếp mới’ được điều chỉnh cho ngày ‘một mới hơn.’ Những ‘ánh mắt mang hình viên đạn’ ngày một sắc nét hơn. Và sau nhiều chi tiết không tiện nêu lên đây − chuyện phải đến đã đến. Cha Trương Hoàng Vũ nhận lệnh rời Sài Gòn, vài ngày sau văn phòng được lệnh giải tán. Ngày 14 tháng Năm, các tình nguyện viên thu dọn đồ đạc, sáng 15 tháng Năm linh mục độc nhất còn lại, Cha Lộc khép lại cánh cửa sắt của văn phòng lần cuối".

Những tình nguyên viên trẻ của Phòng Công lý và Hòa bình đều bất ngờ và tức giận trước diễn biến này. Họ cho biết họ cảm thấy như đang bị mất đi một gia đình và tâm trạng của họ đau buồn, không thể nói gì được.

Tuy không cùng một tôn giáo, nhưng Hội Đồng Liên Tôn và Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn trong mấy năm qua đã có chung một mục đích, đó là "Bên Nhau Đi Nốt Cuộc Đời". Những người quan tâm đến các thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa đều đưa ra câu hỏi : "Ai sẽ cùng với họ đi nốt cuộc đời còn lại ?" 

Cát Linh

Nguồn : Người Việt, 17/05/2019

*********************

Thương cho thân phận thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa

Paulus Lê Sơn, VNTB, 16/05/2019

Thượng đế không loại trừ bất cứ một ai, chỉ có con người loại trừ nhau mà thôi. Người Công giáo xác tín một điều, Thiên Chúa không bỏ rơi một ai, nhất là những con người yếu thế, khổ đau. Thân phận của người thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa trong xã hội này là thân phận của người yếu thế, đau khổ. Họ đáng được chúng ta tôn trọng, bảo vệ và yêu thương.

phebinh1

Tác giả cùng những tình nguyện viên trợ giúp các TPB trong chương trình "Bên nhau đi nốt cuộc đời" do Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn tổ chức từ ngày 27 đến 30 tháng 12 năm 2017.

Cuộc xua đuổi từ sau kết thúc cuộc chiến năm 1975 cho đến ngày hôm nay hầu như vẫn không hềdừng lại đối với những con người thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa. Họ là những con người có phẩm giá và nhân vị, thiệt thòi hơn, họ còn bị thương tích, khuyết thiếu một phần thân thể do chiến tranh để lại. Họ thực là những con người yếu thế trong xã hội. Đáng ra họ phải được tôn trọng, bảo vệ, nâng đỡ. Cớ sao lại ra tay truy cùng diệt tận họ ?

Đầu năm 2019, khi nhà cầm quyền tấn công, đập phá, xóa bỏ vườn rau Lộc Hưng, hàng chục thương phế binh đã bị ném bỏ đồ đạc chăn mùng ra khỏi phòng trọ. Các thương phế binh này được sự nâng đỡ, chở che của các Linh Mục Dòng Chúa Cứu Thế và người dân vườn rau Lộc Hưng cho thuê trọ một căn nhà. Các ông ban ngày lê lết đi bán vé số ban đêm về có chỗ ngả lưng qua đêm.

Mới hôm 28/04/2019, công an tiếp tục đe dọa trấn áp những con người tàn phế này. Đồng thời gây áp lực với chủ nhà trọ, ép chủ nhà phải đuổi các chú thương phế binh ra khỏi nhà. Họ chả biết phải đi đâu, trú ngụ ở đâu, cuộc sống trước mắt như thế nào đây ?

Trước thông tin văn phòng Công Lý và Hòa Bình thuộc Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam sẽ đổi tên và đổi thay một số nhân sự, người ta lo lắng rất nhiều cho phần cuối cuộc đời của thân phận thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa.

phebinh2 - Copie

Thương Phế Binh đến sinh hoạt chương trình xuân 2017 tại Dòng Chúa Cứu Thế. Ảnh : Facebook Tri Ân Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa

Sự lo lắng cũng là chính đáng, vì phòng Công Lý và Hòa Bình như là mái nhà chung cho hàng chục ngàn thương phế binh tựu về hàng năm, hàng tháng trong chương trình "Bên nhau đi nốt cuộc đời". Quả thật, nơi đây đã tạo nên bầu khí yêu thương, tin tưởng và tôn trọng đối với người thương phếbinh Việt Nam. Những con người mà từ sau 1975, họ bị chế độ cộng sản coi là tàn dư của "ngụy quân" tìm mọi cách loại trừ. Thế nên giữa chốn đời khốn khổ đó, họ tìm thấy vùng trời bình yên mỗi khi tề tựu bên nhau.

Tôi có may mắn được dự phần vào những công việc trợ giúp thương phế binh trong các chương trình tri ân tại Dòng Chúa Cứu Thế 38 Kỳ Đồng, và đã đi đến nhiều gia đình của họ. Qua đó tôi thấu hiểu, cảm nhận hết sức rõ ràng tâm hồn, tình cảm và sự mẫn cảm của họ đối với con người, thời cuộc và từng cá nhân cụ thể đến với họ bằng tình thương, lòng nhân ái của con người.

Tôi thấy từng giọt lệ rỉ ra trên những khóe mắt nhăn nhúm già nua của họ khi họ được gặp lại chiến hữu từng vào sinh ra tử, khi họ lắng nghe những bài hát đầy trữ tình mang âm hưởng của người lính bảo vệ tự do.

Một thương phế binh nói trong sự biết ơn : "Chúng tôi đã và đang sống trong những sự ruồng bỏ và kiềm kẹp từ xã hội này (chính quyền cộng sản), những năm gần đây các Linh mục Dòng Chúa Cứu Thế tổ chức cho chúng tôi có cơ hội gặp mặt, đem đến cho chúng tôi sự an ủi trợ lực rất lớn, chúng tôi chân thành cám ơn những tấm lòng hảo tâm đã nhớ đến chúng tôi".

Cũng có những ông lo lắng nói rằng : "Nếu một ngày nào đó không còn chương trình bên nhau đi nốt cuộc đời của Dòng Chúa Cứu Thế thực hiện thì chúng tôi biết trông cậy ở đâu, nương nhờ ai. Chúng tôi đâu còn cơ hội gặp nhau như thế này. Tâm hồn chúng tôi có lẽ sẽ héo úa buồn bã vì cái cuộc sống này đã, đang bạc bẽo, kỳ thị chúng tôi".

Tôi còn nhớ như in câu nói của Linh mục Vinh Sơn Phạm Trung Thành, cựu Giám tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, và là một trong những người khởi xướng chương trình Tri Ân Thương Phế Binh đã chia sẻ với các cộng tác viên : "Chúng ta hãy đến với họ bằng tất cả tình thương".

Vì tình thương đó mà các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế đã sưởi ấm được hàng ngàn trái tim bị cái xã hội, cái chế độ vây ráp trong sự ghẻ lạnh, ruồng bỏ, truy diệt.

Chúng ta sẽ tiếp tục đốt lửa và thêm vào nhiều năng lượng hơn để sưởi ấm cuộc đời, thân phận thương phế binh hay chúng ta sẽ dập tắt nó ? Điều này thì tương lai sẽ cho chúng ta câu trả lời.

Vui mừng và hi vọng luôn cho con người kết quả tốt đẹp. Trong biến cố thay đổi danh xưng, nhân sự, và cách thức làm việc tại văn phòng Công Lý và Hòa Bình tại Dòng Chúa Cứu Thế. Trên Facebook Linh mục Lê Ngọc Thanh cho biết : "Bề trên nhà Sài Gòn vẫn tri ân thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa, nhưng cách thức và nhân sự sẽ thay đổi tạ ơn Chúa và đợi xem".

Thượng đế không loại trừ bất cứ một ai, chỉ có con người loại trừ nhau mà thôi. Người Công giáo xác tín một điều, Thiên Chúa không bỏ rơi một ai, nhất là những con người yếu thế, khổ đau. Thân phận của người thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa trong xã hội này là thân phận của người yếu thế, đau khổ. Họ đáng được chúng ta tôn trọng, bảo vệ và yêu thương.

Paulus Lê Sơn

Nguồn : VNTB, 16/05/2019

Quay lại trang chủ
Read 1191 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)