Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

14/03/2019

Nhầm lẫn ở Việt Nam về Doanh nghiệp xã hội

Thanh Trúc

Nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn còn lầm lẫn và lúng túng trước định nghĩa về danh xưng và chức năng của doanh nghiệp xã hội, là ý kiến được đưa ra tại buổi hội thảo kỷ niệm 10 năm hoạt động của Tổ chức Giáo dục và tư vấn kinh doanh Hult Prize, hôm 9 tháng Ba tại Đại Học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh.

dnxh1

Việt Nam định nghĩa doanh nghiệp xã hội một cách chung chung, thí dụ sử dụng 51% tổng lợi nhuận hàng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội và môi trường như đã đăng ký.Ảnh minh họa. AFP

Khái niệm doanh nghiệp xã hội vẫn chưa được hiểu đúng từ nhiều phía, là nhận định của bà Tôn Nữ Thị Ninh, chủ tịch Quĩ Hòa bình và phát triển thành phố Hồ Chí Minh.

Theo bà, Luật Doanh Nghiệp Việt Nam chỉ đề cập tiêu chí doanh nghiệp xã hội một cách chung chung, thí dụ sử dụng 51% tổng lợi nhuận hàng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội và môi trường như đã đăng ký.

Chính vì định nghĩa chung chung và không rõ ràng đó, bà Tôn Nữ Thị Ninh trình bày tiếp, nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam tự cho mình là doanh nghiệp xã hội và đang hoạt động vì lợi ích của xã hội nhưng thực chất họ chưa phải là doanh nghiệp xã hội.

Tiến sĩ Khương Hữu Lộc, chuyên ngành quản trị và kế toán, giáo sư ngành thạc sĩ MBA tại Keller Graduate School Of Management ở Texas, Hoa Kỳ, đưa ra định nghĩa như sau :

Doanh nghiệp xã hội Social Enterprise là khái niệm phổ thông ở Hoa Kỳ và Âu Châu khoảng 12 năm nay, ở Việt Nam thì khoảng 6 năm nay. Doanh nghiệp xã hội có nghĩa là hơn phân nửa, tức 51%, lợi tức lợi nhuận của doanh nghiệp xã hội đó phải đầu tư và đóng góp vào môi trường, vào dân sinh, vào cộng đồng và xã hội.

Ở Việt Nam thì 17 công ty đã được vinh danh là doanh nghiệp xã hội trong năm 2017.Tuy nhiên khái niệm đó đôi khi mơ hồ tại vì muốn cho rõ ràng thì luật lệ của chính phủ Việt Nam phải rõ ràng và có cách kiểm tra để doanh nghiệp không lợi dụng hình thức đó mà tung tiền vào những chuyện khác. Luật Thuế Vụ cũng phải khuyến khích để trừ thuế cho những doanh nghiệp đó.

Theo tiến sĩ Vũ Ngọc Xuân, giảng viên Đại học Kinh tế Quốc dân ở Hà Nội, đã có nhiều cuộc hội thảo chuyên đề trong nước về vai trò và trách nhiệm doanh nghiệp xã hội, tuy nhiên :

Sự quan tâm của Nhà nước cũng như Cơ Quan, Ban, Ngành đối với vấn đề doanh nghiệp xã hội thực tế vẫn chưa thực sự lớn, chính sách của chính phủ chưa rõ ràng. Tài liệu cũng nhiều, chỉ có điều doanh nghiệp cũng chưa quan tâm đúng mức, quan điểm của công chúng đối với doanh nghiệp xã hội thực sự cũng chưa sâu sắc. Cho nên có thể là có cách hiểu khác một chút so với quan điểm của bên ngoài.

Thực chất hoạt động của doanh nghiệp xã hội phải gắn với hoạt động vì cộng đồng, vì môi trường, gắn liền với những sản phẩm vì môi trường vì xã hội, chứ không phải là những doanh nghiệp sử dụng một số kinh phí để tài trợ cho những hoạt đông từ thiện thì được gọi là doanh nghiệp xã hội. Nhiều khi doanh nghiệp làm từ thiện mang tính chất quảng bá thương hiệu chứ không phải vì trách nhiệm xã hội. Quan điểm về doanh nghiệp xã hội mang tính chất lớn lao hơn.

Giáo sư Hà Tôn Vinh, Tổng Giám đốc Tổ hợp Giáo dục và đào tạo Stella Management tại thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng doanh nghiệp xã hội là khái niệm được nhắc đi nhắc lại ở Việt Nam từ hơn một thập niên qua.

Để có thể hội nhập và phát triển bền vững vào nền kinh tế toàn cầu, ông nói tiếp, Việt Nam cần thực hiện trách nhiệm xã hội của công ty hay doanh nghiệp, cần nhấn mạnh đến trách nhiệm xã hội của công ty hay doanh nghiệp, cần nhấn mạnh đến sự gắn kết giữa kinh doanh với trách nhiệm xã hội một cách cụ thể :

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, tiếng Anh gọi là Corporate Social Responsibility CSR, nói chung dựa vào một số yếu tố quan trọng tức là sự hợp tác giữa nhiều tổ chức trong đó có chính phủ, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, các viện và các đại học nhằm đưa đến cái gọi là cho doanh nghiệp tôn trọng xã hội, tôn trọng môi trường, tạo ra một môi trường, tôn trọng vấn đề sử dụng người lao động, không hủy hoại môi trường và đưa vị thế của doanh nghiệp lên cao hơn.

Chính vì thế, cũng như nhận định của bà Tôn Nữ Thị Ninh, giáo sư Hà Tôn Vinh khẳng định doanh nghiệp xã hội không chỉ đơn thuần làm việc từ thiện hay đóng thuế cho chính phủ mà còn những việc xa hơn trong đó có sự phát triển bền vững :

Qua đó chúng ta thấy doanh nghiệp Việt Nam thiếu sự hiểu biết về khái niệm đó. Điểm thứ hai là chưa có qui chuẩn, qui tắc, chưa có chương trình hành động phản ánh được vai trò của doanh nghiệp trong việc đóng góp cho xã hội.

Thực sự là các doanh nghiệp đều muốn phát triển và phát triển bền vững. Khi áp dụng những nguyên tắc qui chuẩn về CSR hay về Social Entrepreneurship hay trở thành Social Enterprise doanh nghiệp xã hội thì uy tín của doanh nghiệp tăng lên, thương hiệu của doanh nghiệp tăng lên. Những tập đoàn lớn ở nước ngoài như Ford, IBM, GM, Toyata hay Coca Cola …thành công là vì được sự hỗ trợ của người tiêu dùng, không những chất lượng tốt, giá phải chăng mà người dân còn thấy rằng những công ty đó thực sự có đóng góp lại cho xã hội.

Đó chính là sự phát triển bền vững, trách nhiệm quan trọng của một doanh nghiệp xã hội, giáo sư Hà Tôn Vinh khẳng định.

Trở lại với buổi hội thảo về ý nghĩa doanh nghiệp xã hội do Hult Prize tổ chức ở Đại Học Bách Khoa Sài Gòn tuần trước, ông Ahmad Askar, người sáng lập Hult Prize, cũng cho rằng ý nghĩ phải làm từ thiện mới được gọi là doanh nghiệp xã hội là một quan niệm sai lầm. Ông nói doanh nghiệp cũng phải tuân thủ phương thức làm ăn cơ bản là bảo đảm lợi nhuận. Vì vậy, ông Ahnad Askar lý giải tiếp, doanh nghiệp không mang tiền cho đi mà là mang lại lợi ích lâu dài và bền vững hơn.

Tiến sĩ Vũ Ngọc Xuân :

Thực tế có một số nhà quản lý doanh nghiệp đã hiểu sai vấn đề, hoặc họ đọc và họ cố tình hiểu sai. Cho nên nó dẫn đến thức tế là Việt Nam vẫn chưa có doanh nghiệp xã hội đúng nghĩa đâu. Nó vẫn mang tính chất hình thức và một số doanh nghiệp lợi dụng cái trào lưu để nộp thuế ít hơn. Rất nhiều doanh nghiệp một mặt vẫn phá hủy môi trường, một mặt vẫn là không quan tâm đến cộng đồng nhưng một mặt vẫn trích một pần lợi nhuận để làm từ thiện. Bản chất vẫn là vì lợi nhuận chứ không mang tính bền vững lâu dài.

Giáo sư Hà Tôn Vinh :

Việt Nam có rất nhiều doanh nghiệp đóng góp cho xã hội, nhưng đóng góp theo qui định của nhà nước cũng như qui định của luật pháp thì có lẽ là chưa. Trong qui định nói rất rõ là để trở thành hay đăng ký trở thành một doanh nghiệp xã hội thì phải cam kết đóng góp 51% lợi nhuận cho những vấn đề của xã hội. Rất nhiều doanh nghiệp sẵn sàng đóng góp cho xã hội, cho bão lụt, cho những chương trình trẻ em, nhưng mà đóng góp 51% theo qui định của pháp luật thì có lẽ là chưa có doanh nghiệp nào hay chưa có nhiều doanh nghiệp sẫn sàng làm việc đó.

Để trở thành một doanh nghiệp xã hội đích thực, nhất là trong bối cảnh môi trường hiện đại, nhà sáng lập Amad Askar của Hult Prize cho rằng ngoài những giải pháp tạo ảnh hưởng tích cực đến môi trường, cộng đồng, xã hội, doanh nghiệp xã hội còn là những công ty có thể giải quyết được nạn nghèo đói, duy trì sự ổn định cho môi trường mà kết quả sau cùng là sự thịnh vượng chung cho cả thế giới.

Số liệu của Hult Prize cho thấy những nhà đầu tư nhìn xa trông rộng trên thế giới đổ hàng tỷ đô la vào các doanh nghiệp xã hội. Lý do của việc này là vì khách hàng mà đa phần là giới trẻ, đang chiếm một số lượng lớn thị phần của các doanh nghiệp xã hội đó.

Nói một cách khác, 8 trên 10 khách hàng thuộc giới trẻ có khuynh hướng chọn và tiêu dùng các sản phẩm do các doanh nghiệp xã hội sản xuất, trong lúc khoảng 60% người trẻ sẵn sàng chi tiền cao hơn vào các sản phẩm mang lại sự phát triển bền vững cho xã hội.

Thanh Trúc

Nguồn : RFA, 14/03/2019

Quay lại trang chủ
Read 432 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)