Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Đại sứ Trung Quốc tại Pháp "phủ nhận" chủ quyền các nước Liên Xô cũ : Paris và ba nước Baltic phẫn nộ

Tuyên bố phủ nhận chủ quyền của Ukraine trên bán đảo Crimea cũng như "tư cách pháp lý" của các nước Liên Xô cũ trước đây của đại sứ Trung Quốc tại Pháp Lư Sa Dã (Lu Shaye) ngày 21/04/2023 tiếp tục khuấy động quan hệ giữa Bắc Kinh với Paris và ba nước Baltic, gây nên những phản ứng giận dữ tại Pháp, Litva, Latvia và Estonia. Vào hôm nay 24/04/2023, ông Lư Sa Dã và các đại sứ Trung Quốc ở 3 quốc gia Baltic đã bị triệu mời lên Bộ Ngoại giao để giải thích.

tq0

Lư Sa Dã (Lu Shaye), đại sứ Trung Quốc tại Pháp. Ảnh minh họa chụp ngày 10/09/2019. AFP – Martin Bureau

Theo nhật báo Le Monde, đại sứ Trung Quốc ở Paris được triệu mời lên Bộ ngoại giao về các tuyên bố khiêu khích của mình, nơi ông sẽ được Luis Vassy, ​​chánh văn phòng ngoi trưởng Pháp tiếp kiến.

Cùng ngày, theo lời ngoại trưởng Litva Gabrielius Landsbergis bên lề cuộc họp của các ngoại trưởng Liên Âu, thì trong ngày hôm nay, ba quốc gia vùng Baltic – Litva, Latvia và Estonia - cũng triệu tập các đại sứ Trung Quốc tại nước họ lên Bộ Ngoại giao để yêu cầu giải thích về lời lẽ của ông Lư Sa Dã.

Theo ngoại trưởng Litva, các nước Baltic muốn biết là "phải chăng quan điểm của Trung Quốc về độc lập đã thay đổi và nhắc nhở Bắc Kinh rằng ba nước Baltic không phải là các quốc gia hậu Xô Viết mà là các nước đã bị Liên Xô chiếm đóng trái phép".

Theo ghi nhận của Le Monde, đại sứ Trung Quốc tại Pháp Lư Sa Dã nổi tiếng với các tuyên bố khiêu khích và đã nhiều lần bị Bộ Ngoại giao Pháp khiển trách như về những lời nói dối về các viện dưỡng lão ở Pháp vào thời đại dịch Covid, hay những lời lẽ xúc phạm nhà nghiên cứu Pháp Antoine Bondaz...

Trên báo Le Monde, trong một diễn đàn, khoảng 80 nghị sĩ Châu Âu đã cho rằng các tuyên bố của đại sứ Trung Quốc tại Paris "rõ ràng vi phạm luật pháp quốc tế" và "phải được coi là đe dọa đối với an ninh của các đối tác Châu Âu của Pháp". Những người ký tên vào diễn đàn đã yêu cầu chính quyền Pháp tuyên bố ông Lư Sa Dã là "persona non grata", tức là "nhân vật không được hoan nghênh" tại Pháp.

Ngay từ hôm 21/04, Paris và thủ đô các nước Baltic đã cực lực lên án đại sứ Trung Quốc tại Pháp về các phát biểu của ông trên đài truyền hình tư nhân Pháp LCI, theo đó Crimea gốc là của Nga, còn chủ quyền của các quốc gia thuộc Liên Xô cũ không có cơ sở.

Tuy nhiên, theo thông tín viên RFI Stéphane Lagarde tại Bắc Kinh, các tuyên bố của ông Lư Sa Dã có dấu hiệu mâu thuẫn với đường lối chính thức của Trung Quốc.

"Trên giấy tờ, lời lẽ của đại sứ Trung Quốc tại Pháp quả thực là đi ngược lại việc Bắc Kinh công nhận thỏa thuận Budapest, vào năm 1994, theo đó Nga chấp nhận biên giới của Ukraine và Kiev đồng ý bàn giao vũ khí hạt nhân thời Liên Xô cho Moskva.

20 năm sau, vào năm 2014 sau khi Nga sáp nhập Crimea, Bắc Kinh bị lâm vào tình thế tế nhị. Trung Quốc không lên án vụ sáp nhập tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Bắc Kinh không công nhận rõ ràng việc Nga sáp nhập Crimea, nhưng cũng không lên án hành động này.

Về Ukraine, Trung Quốc cũng không lên án vụ Nga xâm lược. Bắc Kinh đã nhiều lần hàm ý cho biết là họ không tán thành sự can thiệp của quân đội Nga, nhưng đồng thời cáo buộc Mỹ "đổ dầu vào lửa".

Do đó, có lẽ cần phải lý giải những bình luận của đại sứ Lư Sa Dã dưới ánh sáng của những tuyên bố của ông Vương Nghị trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga, theo đó ông xác định rằng Trung Quốc ủng hộ "chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước", đồng thời thừa nhận "bối cảnh lịch sử phức tạp và đặc biệt của vấn đề Ukraine".

Trung Quốc vào hôm nay khẳng định họ tôn trọng "quy chế quốc gia có chủ quyền" của các nước thuộc Liên Xô cũ, sau những tuyên bố gây tranh cãi của đại sứ nước này tại Pháp.

Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh : "Trung Quốc tôn trọng quy chế quốc gia có chủ quyền của các nước cộng hòa" ra đời sau khi Liên Xô tan rã vào cuối năm 1991.

Trọng Nghĩa

Published in Châu Á