Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Nhật Bản - Hàn Quốc bình thường hóa trở lại quan hệ song phương

Thu Hằng, Trần Công, RFI, 08/05/2023

Hàn Quốc và Nhật Bản họp thượng đỉnh tại Seoul ngày 07/05/2023 nhân chuyến công du chính thức của thủ tướng Nhật Fumio Kishida. Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí tiến hành các bước nhằm cải thiện quan hệ song phương, đặc biệt là về mặt an ninh, kinh tế. Riêng vấn đề lao động cưỡng bức thời Nhật Bản chiếm đóng Hàn Quốc, một chủ đề lịch sử nhạy cảm, thủ tướng Kishida giữ nguyên lập trường chính thức từ trước đến nay của Tokyo và ông chỉ bày tỏ quan điểm cá nhân.

nhathan1

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol (phải) và thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida bắt tay trong cuộc họp báo tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 07/05/2023. AP - Jung Yeon-je

Theo NHK, dường như chính quyền của tổng thống Hàn Quốc coi cử chỉ này là một dạng nhượng bộ của Nhật Bản.Thông tín viên RFI Trần Công tại Seoul cho biết thêm : 

"Một trong những vấn đề tâm điểm trong mối bang giao giữa Hàn Quốc và Nhật Bản đó chính là vấn đề lao động cưỡng bức trong thời gian Nhật Bản đô hộ bán đảo Triều Tiên. Tại hội nghị thượng đỉnh, thủ tướng Kishida vẫn giữ quan điểm và lập trường của nội các Nhật Bản từ trước đến nay về vấn đề lịch sử. Mặc dù ông Kishida nói rằng "trên phương diện cá nhân, tôi rất đau lòng khi nghĩ đến những người đã phải chịu đựng nỗi đau khủng khiếp trong hoàn cảnh và môi trường khắc nghiệt trong thời kỳ thuộc địa Nhật Bản". Tuy nhiên cho tới nay, phía Nhật Bản vẫn giữ nguyên quan điểm không đưa ra lời xin lỗi với những nạn nhân lao động cưỡng bức tại Hàn Quốc. 

Mối bang giao Hàn Quốc - Nhật Bản đã từng bị đóng băng từ năm 2018, khi Hàn Quốc yêu cầu hai công ty Nhật Bản phải bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong thời gian đô hộ. Đáp lại, Tokyo đã tuyên bố hạn chế xuất khẩu một số vật liệu công nghệ cao ngành bán dẫn sang Hàn Quốc. Mọi chuyện chỉ lắng xuống khi Hàn Quốc đưa ra kế hoạch bồi thường cho các nạn nhân lao động cưỡng bức thông qua một quỹ được đóng góp tư nhân. Hàn Quốc hi vọng rằng các công ty tư nhân Nhật Bản sẽ đóng góp vào quỹ này và những nạn nhân lao động cưỡng sẽ nhận được lời xin lỗi từ Nhật Bản. 

Bên cạnh đó, lãnh đạo hai nước cũng nhiều lần nhấn mạnh về sự cần thiết hợp tác giữa Hàn Quốc và Nhật Bản để đối phó với mối đe dọa quân sự từ BắcTriều Tiên. Thủ tướng Kishida cho biết ông đồng ý với tổng thống Yoon về "tầm quan trọng của việc tăng cường khả năng răn đe và phản ứng thông quan liên minh Nhật - Mỹ, Hàn - Mỹ, và hợp tác an ninh ba bên Nhật - Hàn - Mỹ trong bối cảnh an ninh ngày càng nguy hiểm hiện nay". 

Một vấn đề khác cũng được quan tâm đó là việc Nhật Bản xả nước thải nhiễm xạ từ nhà máy Fukushima ra biển. Trong cuộc họp lần này, hai nhà lãnh đạo đồng ý trao đổi thông tin, giám sát độc lập và tham khảo cùng với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Đây cũng là lần đầu tiên một đoàn thanh tra từ một nước khác được khảo sát vấn đề xả thải tại Nhật Bản". 

Thu Hằng - Trần Công

***********************

Hàn Quốc và Nhật Bản củng cố mắt xích yếu trong liên minh ba bên Washington-Tokyo-Seoul

Trọng Nghĩa, RFI, 08/05/2023

Hội nghị thượng đỉnh Nhật-Hàn tại Seoul vào hôm 07/05/2023 là một bước mới đánh dấu đà cải thiện bang giao ngoạn mục giữa Tokyo và Seoul trong vài tháng gần đây góp phần bổ khuyết một điểm yếu trong cơ chế hợp tác ba bên mà Hoa Kỳ muốn thúc đẩy kết hợp Mỹ với hai đồng minh Châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc để đối phó với mối đe dọa Bắc Triều Tiên và những thách thức khác trong đó có vấn đề Trung Quốc.

nhathan2

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (phải) và tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol duyệt đội danh dự trong lễ đón tiếp tại văn phòng tổng thống, Seoul, Hàn Quốc, ngày 07/05/2023. AP - Jung Yeon-je

Phải nói là từ năm 2018 cho đến gần đây, ý tưởng về một cơ chế hơp tác tay ba Mỹ-Nhật-Hàn thường bị cho là không mấy hiệu quả do quan hệ không thuận thảo giữa Seoul và Tokyo, mặc dù hợp tác của từng nước với Mỹ đều rất tốt. Tuy nhiên, từ khi lên làm tổng thống Hàn Quốc vào giữa năm ngoái, ông Yoon Suk Yol đã chủ động cải thiện quan hệ với Nhật Bản, qua đó củng cố điều có thể gọi là mắt xích yếu trong liên minh giữa Washington, Tokyo và Seoul.

Không phải là ngẫu nhiên mà từ sau ngày ông Yoon Suk-yeol lên cầm quyền tại Seoul. Trên thực tế, Hoa Kỳ đã liên tiếp thúc đẩy việc hình thành cơ chế hợp tác ba bên Mỹ-Nhật-Hàn, đánh dấu bằng cuộc họp cấp ngoại trưởng của ba nước ngày 22/09/2022 bên lề khóa họp của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc tại New York, và đặc biệt sau đó là Hội Nghị Thượng Đỉnh giữa tổng thống Mỹ Joe Biden, thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tại Phnom Pênh ngày 13/11 cùng năm bên lề cuộc họp của khối Thượng Đỉnh Đông Á (East Asia Summit).

Không chỉ có Mỹ là quan tâm đến việc phát huy liên minh ba bên Mỹ Nhật Hàn, mà cả hai nước đồng minh trong nhóm cũng rất tâm đắc với công cuộc hợp tác này, đặc biệt về hiệu quả của công cuộc hợp tác trong việc đối phó với mối đe dọa Bắc Triều Tiên.

Theo hãng tin Mỹ AP, tại Seoul vào hôm qua, thủ tướng Nhật Bản cho biết là ông đã cùng với tổng thống Hàn Quốc thảo luận về quan hệ song phương cũng như các vấn đề khu vực và toàn cầu như Bắc Triều Tiên. Ông xác định cũng đã mời ông Yoon đến tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 được tổ chức vào cuối tháng này tại Hiroshima cũng như Thượng Đỉnh Nhật-Mỹ-Hàn lần 2 bên lề thượng đinh G7.

Về phần mình sau hội nghị với thủ tướng Nhật Bản, tổng thống Hàn Quốc xác nhận là Seoul, Tokyo và Washington đang đàm phán để thực hiện thỏa thuận, để có về trao đổi thông tin nhanh hơn về các vụ thử tên lửa của Bắc Triều Tiên. Ông Yoon cũng cho biết ông sẽ không loại trừ khả năng mời Nhật Bản tham gia các cuộc tham vấn về răn đe hạt nhân trong tương lai giữa Washington và Seoul để đối phó tốt hơn với các mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên.

"Đối phó với Trung Quốc"

Theo hãng tin Anh Reuters, bà Lee Shin Wa, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Hàn Quốc Korea University tại Seoul ghi nhận : "Tiềm lực quân sự và kinh tế của Hàn Quốc và Nhật Bản rất quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác an ninh khu vực đa phương, và quan hệ không tốt giữa hai nước có thể cản trở các mục tiêu của Hoa Kỳ".

Một trong những mục tiêu đó là đối phó với Trung Quốc kể cả trong lãnh vực kinh tế thương mại.

Theo hãng Reuters, mặc dù không đề cập đến những điểm bất đồng với Trung Quốc trong cuộc gặp, nhưng cả hai ông Yoon và Kishida đều đã nói về các giá trị chung về nhân quyền, pháp quyền và một vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở.

Giáo sư Leif-Eric Easley, thuộc Đại học Ewha tại Seoul ghi nhận "Điều này cho thấy Seoul và Tokyo ngày càng có cùng quan điểm về cần phải tăng cường bảo đảm an ninh cho chuỗi cung ứng, chống lại các hành vi sự ép buộc về mặt kinh tế và ngăn chặn việc đơn phương sử dụng vũ lực ở Châu Á".

Trọng Nghĩa

***********************

Quan hệ Nhật-Hàn được cải thiện nhưng có dài lâu ?

Trọng Nghĩa, RFI, 08/05/2023

Bất chấp những tranh chấp lịch sử liên quan đến thời kỳ Nhật Bản đô hộ bán đảo Triều Tiên, Nhật - Hàn, hai đồng minh của Hoa Kỳ đang cải thiện quan hệ để đối phó với mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên và Trung Quốc. Tuy nhiên, tại Tokyo, các nhà quan sát tự hỏi liệu mối quan hệ hợp tác giữa hai bên có thể kéo dài hay không.

nhathan3

Thủ tướng Nhật Bản Minister Fumio Kishida waves đến sân bay quân sự Seongnam, Hàn Quốc, ngày 08/09/2023. (Yun Dong-jin/Yonhap via AP) AP

Từ Tokyo, thông tín viên RFI Frédéric Charles phân tích :

"Sự xích lại gần nhau giữa Seoul và Tokyo bắt nguồn từ sáng kiến của tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol. Ông Yoon cho rằng hai nước buộc phải hợp lực với nhau để chống lại một Bắc Triều Tiên có vũ khí nguyên tử và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và đối phó với một Trung Quốc đang quyết tâm trở thành cường quốc thống trị ở Châu Á.

Lợi ích chiến lược của hai quốc gia hội tụ với lợi ích của đồng minh Mỹ, vốn đang củng cố hệ thống phòng thủ của mình ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines. Trong trường hợp nổ ra xung đột giữa Trung Quốc và Đài Loan, Nhật Bản và Philippines sẽ bị trực tiếp lôi vào cuộc, và đối với tổng thống Hàn Quốc : "Vấn đề Đài Loan, tương tự như vấn đề Bắc Triều Tiên, là một vấn đề toàn cầu".

Nhật Bản tuy nhiên lại lo ngại rằng tiến trình hòa giải đang diễn ra với Hàn Quốc có thể sẽ là nạn nhân của sự thay đổi quyền lực ở Seoul. Tổng thống hiện tại là một người thuộc đảng bảo thủ cánh hữu vốn ủng hộ việc cải thiện quan hệ với Nhật Bản. Cánh tả Hàn Quốc trái lại, luôn xóa bỏ các thỏa thuận của chính quyền tiền nhiệm".

Trọng Nghĩa

Published in Châu Á