Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Chuyện đi vào lịch sử có thể ví von như đang bước vào một đầm lầy hoặc một khu rừng hoặc những dãy núi đá vôi. Có thể, trước những con vật không biết chinh phục đầm lầy, những ai vượt qua nó là anh hùng, và họ có quyền làm anh hùng với cả muỗi mòng, cá sấu khi sống sót. Có thể, họ sẽ làm anh hùng với rắn rết, cọp beo và cái lạnh thấu xương thấu thịt nơi rừng rú, đại ngàn, và họ có quyền làm anh hùng vì đã sống sót. Có thể, họ sẽ chịu muôn vàn khó khăn, chân tay bật máu khi lội trên những đỉnh núi tai mèo và họ có quyền làm anh hùng khi đến đỉnh. Nhưng, khi xét trên một cục diện rộng hơn, quĩ thời gian để chinh phục và làm anh hùng vẫn có thể dành cho một việc khác cao quí và đáng khen ngợi hơn những việc đã chọn. Nhưng, đi vào lịch sử là một việc đã chọn và phải đi. Vấn đề nằm ở chỗ lựa chọn ban đầu là gì ?

carie0

Lam đóng vai trò sợi dây thòng lọng trong tay Tập Cận Bình, và Tập có thể tùy thích thít chặt hay nới rộng sợi thòng lọng sau khi quấn nó vào Hồng Kông.

Có những lựa chọn đi vào lịch sử làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn, trong trẻo và đáng yêu hơn. Những nhà văn, nghệ sĩ, và những người suốt một cuộc đời phụng sự cho tình yêu và cái đẹp đã đi vào lịch sử theo chiều kích này.

Có những lựa chọn đi vào lịch sử để góp tay làm cho thế giới trở nên rộng mở hơn, quyền làm người được nâng cao và thế giới trở nên gần gũi, tin yêu hơn bởi ở đó, con người thấy được giá trị chân tính của mình trên mặt đất. Những lựa chọn ấy đi vào lịch sử làm cho thế giới dù đứng ở chiều kích nào cũng phải dành sự ngưỡng mộ đến.

Có những lựa chọn suốt một đời người dành cho một mục tiêu, và mục tiêu ấy có thể bị phá vỡ trong tức khắc bởi những thế lực đối lập, sự âm thầm chịu đựng, sự chấp nhận trả giá và ngày mai có thể còn ở xa lắm nhưng vẫn cứ phải đi, vì một mục tiêu tốt đẹp phía trước. Bước vào lịch sử theo cách này tuy âm thầm nhưng tự mình tỏa sáng và thời gian sẽ điểm tên.

Nhưng, cũng có những lựa chọn đi vào lịch sử theo cách của đám đông, kiểu của một kẻ biết ném miếng ăn vào đám đông đói khổ và sau đó cho họ biết rằng ta vẫn còn rất nhiều thức ăn, hãy theo ta, điều đó cũng sẽ đi vào lịch sử nhưng chỉ là một loại lịch sử của những miếng ăn, của cái đói và bản năng chưa được giải thoát.

Cũng có những lựa chọn đi vào lịch sử bằng cả ngọn roi và ổ bánh mì, chén cơm và gông cùm, bát phở và dùi cui… Đồng loại có thể khom mình chịu đau và ngậm cứng miệng không nói gì để bảo đảm miếng ăn vì không còn lựa chọn nào khác. Nhưng chắc chắn, đó có thể là một lựa chọn đúng trong hệ hình của nó, nếu đẩy xa một chút, nhìn rộng hơn theo chiều kích nhân loại, điều đó thể hiện rõ bóng dáng đồ tể và tội ác.

Chính vì vậy, có những con người đi vào lịch sử như một bâc thầy, người bạn đường của nhân loại, người thầy thuốc của đồng loại hoặc nhà kiến giải của thế giới… Biểu tượng họ chọn là những bông hoa tinh khôi và tâm hồn thuần khiết, hướng thiện. Và cũng có những kẻ đi vào lịch sử như một đồ tể, kẻ cướp, tên gián điệp, kẻ phản bội, kẻ giết người hàng loạt. Biểu tượng lịch sử của bọn họ được ví như thanh đao, cây mã tấu, cây súng, búa liềm, máu… Và cả sợi dây thòng lọng.

Những biểu tượng búa liềm, thanh đao, cây súng, cây mã tấu… trong lịch sử có vẻ đã quá quen, nhưng biểu tượng dây thòng lọng là một thứ biểu tượng mới, có tính thời sự và mang dáng dấp chính trị hậu hiện đại, khác xa so với các biểu tượng sát máu trước nó.

"Carrie Lam biểu trưng một sơi dây thòng lọng". Nhiều người, và kể cả tôi cũng đã nói nhiều lần như thế khi nghĩ về Hồng Kông. Bởi carrie Lam không đủ tư chất và bản lĩnh để trở thành thanh kiếm, thanh đao hay cây súng trong hệ hình của mình. Nhưng sứ mệnh của Carrie Lam như một con rắn đã chuyển hóa thành sợi dây thòng lọng trong tay nhà phù thủy thiên triều Trung Hoa Đại Lục. Bởi ngay từ đầu, quyền lực của Carrie Lam không đủ để bà ta có thể trở thành thanh đao hay vũ khí giết người đối với Hồng Kông. Thế lực của Lam không thể không dựa vào thiên triều để có thể hô mưa gọi gió trên đất cảng thơm.

Sứ mệnh và khả năng của Lam không phải là trực tiếp chặt đứt cánh tay dân chủ hoặc trực tiếp lấy đi sinh mạng tự do Hồng Kông, mà Lam chỉ là tay sai của chính quyền Trung Hoa Đại Lục, Lam đóng vai trò sợi dây thòng lọng trong tay Tập Cận Bình, và Tập có thể tùy thích thít chặt hay nới rộng sợi thòng lọng sau khi quấn nó vào Hồng Kông. Bằng chứng của việc thít chặt hay nới rộng sợi thòng lọng từ tay thiên triều là hiện nay, dường như mọi hoạt động, mọi hình thái cướp đoạt, phũ bỏ quyền tự do và dân chủ ở Hồng Kông đều dưới sự chỉ đạo của họ Tập. Lam chỉ là tay sai và ngay cả việc từ chức theo yêu cầu của người dân, Lam cũng không dám. Bởi nếu từ chức, Lam sẽ một mặt gặp nguy hiểm từ nhân dân, nhân dân sẽ hỏi tội Lam, mặt khác, Lam gặp nguy hiểm cao gấp bội lần bởi đòn trưng phạt giáng xuống từ thiên triều. Lam chỉ có thể làm dây lòng lọng, thiên triều tha hồ nới lỏng hay thít chặt vào cổ nhân dân Hồng Kông. Thít và nới đến lúc nào hoặc là Hồng Kông nghẹt thở, chết ngạt, hoặc là Hồng Kông trỗi dậy, bứt đứt sợi thòng lọng.

Và lúc đó, sứ mệnh lịch sử của Lam xem như đã xong, Lam đã đóng đúng vai trò sợi thòng lọng trong tay nhà phù thủy. Đương nhiên, nếu xét ở khía cạnh trung thành và chịu đựng với chủ, Lam xứng đáng đi vào lịch sử trong sự tung hê của các phù thủy Cộng sản xã hội chủ nghĩa. Lam xứng đáng được gắn sao trên mộ phần và nghiễm nhiên chiếm một chỗ cao ráo trên bàn thờ lịch sử của độc tài. Nhưng, nếu xét trên khía cạnh nhân văn, và đẩy xa hơn một chút là nhân loại, thế giới của con người thì Lam sẽ vĩnh viễn bị nguyền rủa và ném đá, bởi ngay từ đầu, Lam đã lựa chọn làm một sợi thòng lọng thít cổ nhân dân.

Và qui luật tự nhiên, thòng lọng thì dùng để thít cổ, nhưng con người thì tránh xa nó và tự do vẫn là bản năng chung của nhân quần. Một khi đi ngược với bản năng nhân quần, ắt đó là một cách đốt đền, hay nói cách khác đó là một lựa chọn lịch sử không có hậu. Bởi ngay từ đầu, nó là một bản ngã trái ngược với chuyển vận thế giới.

Nói cách khác, bản ngã làm nên lịch sử, nhưng cũng có lịch sử trong sáng, tươi đẹp và cũng có lịch sử xám xịt, u ám. Nếu như những người trẻ Hồng Kông chấp nhận khói lửa và cái chết để phá tan mọi u ám, làm nên lịch sử của vẻ đẹp tự do và tương lai tươi sáng thì không ai khác, chính Caarrie Lam đã tự biến mình một sợi thòng lọng và chơi cuộc dằng co lịch sử không đáng có với những người trẻ - những người chủ đích thực của Hồng Kông trong tương lai !.

Viết từ Sài Gòn

Nguồn : RFA, 26/11/2219 (VietTuSaiGon's blog)

Published in Diễn đàn

Lãnh đạo Hồng Kông "khai tử" luật dẫn độ, đối lập chưa hài lòng (RFI, 09/07/2019)

Trong một cuộc họp báo vào hôm 09/07/2019, lãnh đạo Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga tuyên bố luật dẫn độ "đã chết". Trước thái độ vẫn còn nghi ngờ của dư luận đối với chính phủ về khả năng đưa ra bỏ phiếu lại, bà tái khẳng định : "không còn một dự luật nào như thế cả".

hongkong1

Lãnh đạo đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) phát biểu về dự luật dẫn độ, Hồng Kông, 9/7/2019. Reuters/Tyrone Siu

Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga tỏ thái độ sẵn sàng tiếp xúc vô điều kiện với đại diện sinh viên chống dự luật. Tuy nhiên, giới quan sát ghi nhận là bà không hề nói là luật bị rút lại hẳn, điều mà những người biểu tình đòi hỏi. Họ tuyên bố tiếp tục cuộc đấu tranh. Thông tín viên RFI tại Hồng Kông Florence de Changy ghi nhận :

Đúng là bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã tuyên bố là "luật dẫn độ đã chết". Bà cũng công nhận là cách giải quyết khủng hoảng của chính quyền của bà đã hoàn toàn thất bại, chính quyền đã không làm tốt công việc của mình. Đây là một cách để quy thất bại cho ê kíp của bà thay vì tự nhận lấy trách nhiệm.

Lãnh đạo Hồng Kông khẳng định rằng tuyên bố của bà "rất dứt khoát" và còn giải thích rằng bà nghĩ là người xuống đường sẽ không tin bà nếu bà sử dụng từ "rút lại".

Và đúng như dự đoán, sự nhượng bộ về từ ngữ của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga và cuộc họp báo để hòa giải này đã không đủ để làm hài lòng những người chống luật dẫn độ. Ngoài việc dứt khoát đòi bãi bỏ hoàn toàn dự luật, giờ đây họ đã có thêm những yêu sách khác.

Hai tiếng đồng hồ sau phát biểu của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, Mặt Trận Dân Sự Nhân Quyền đã nêu lên là từ "chết" không nằm trong ngôn ngữ luật pháp, và yêu cầu chính quyền đi theo đúng thủ tục quy định.

Những người phản đối đưa ra một loạt đòi hỏi : Lãnh đạo Hồng Kông phải từ chức, mở điều tra độc lập về hành vi bạo lực của cảnh sát, trả tự do vô điều kiện cho những người bị bắt giữ. Họ tuyên bố đang suy nghĩ về những hành động phản kháng tiếp theo. Rõ ràng là trước mắt phong trào đấu tranh không hề có dấu hiệu hụt hơi.

Mai Vân

****************

Hong Kong bỏ dự luật dẫn độ (RFA, 09/07/2019)

Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Carrie Lam hôm 9/7 thừa nhận những nỗ lực của chính quyền nhằm thông qua dự luật dẫn độ tội phạm về Trung Quốc đã thất bại hoàn toàn và chính phủ sẽ không tìm cách tái khởi động dự luật ở quốc hội nữa.

hongkong2

Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong, bà Carrie Lam tại trụ sở chính phủ hôm 9/7/2019 - AFP

Bà Carrie Lam đưa ra tuyên bố này sau nhiều tuần Hong Kong phải đối mặt với những cuộc biểu tình của hàng triệu người Hong Kong phản đối dự luật vì lo ngại dự luật sẽ cho phép Trung Quốc can thiệp sâu vào Hong Kong, thực hiện những vụ bắt bớ người bất đồng chính kiến ngay tại Hong Kong.

Trong tuyên bố của mình trước đông đảo báo giới, bà Carrie Lam cho biết "dự luật đã chết". Tuy nhiên bà vẫn không chịu dùng từ rút dự luật theo đòi hỏi của những người biểu tình.

"Vẫn còn những nghi ngờ về sự nghiêm túc của chính phủ và những lo ngại liệu chính phủ có tái khởi động quá tình này ở Hội đồng Lập pháp. Tôi xin nhắc lại ở đây là không có kế hoạch như vậy. Dự luật đã chết", bà Carrie Lam nói trước đông đảo báo chí.

Những người phản đối dự luật cho rằng bà Carrie Lam đang chơi chữ vì không sử dụng từ rút hoàn toàn dự luật, vì vậy dự luật vẫn nằm trong chương trình làm việc của quốc hội tới tháng 7 năm sau.

Ngoài việc đòi bỏ dự luật, những người biểu tình ở Hong Kong còn đòi hỏi bà Carrie Lam phải từ chức. Tuy nhiên bà Carrie Lam nói : "không đơn giản để một Trưởng đặc khu từ chức, và bản thân tôi vẫn có mong muốn được phục vụ người dân Hong Kong". Bà kêu gọi người Hong Kong cho bà và chính phủ của bà cơ hội để có thể sử dụng cách thức điều hành mới đáp ứng các nhu cầu về kinh tế và cuộc sống của người dân.

Những cuộc biểu tình ở Hong Kong trong suốt 1 tháng qua được coi là lớn nhất tại đây kể từ khi Anh trao trả thuộc địa này về cho Trung Quốc vào năm 1997 với thỏa thuận Hong Kong được hưởng hệ thống một quốc gia hai chế độ, và có được những tự do cao nhất cho đến năm 2047.

Trung Quốc nói những cuộc biểu tình ở Hong Kong được kích động bởi bên ngoài, đồng thời cũng khẳng định sự ủng hộ đối với bà Carrie Lam.

Published in Châu Á