Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

28/10/2024

Biển Đông : Trung Quốc tập trận, Philippines an nhiên tự tại

RFA - VOA

Trung Quốc tập trận phòng thủ Biển Đông khi Việt Nam, Philippines tăng cường hiện diện

RFA, 28/10/2024

Hải quân Trung Quốc vừa tiến hành một đợt tập trận khác ở Biển Đông, thực hành đánh chặn tên lửa và kiểm soát thiệt hại như một phần của cuộc tập trận mùa thu trong khi có thông tin cả Việt Nam và Philippines đang tăng cường cải tạo đất và xây dựng các đảo.

biendong1

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc tham gia trong một cuộc tập trận quân sự ở phía tây Thái Bình Dương vào ngày 23/4/2018 - Reuters

Theo South China Morning Post, Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) không nêu rõ địa điểm hoặc thời gian diễn ra cuộc tập trận, chỉ nói rằng cuộc tập trận được tiến hành "vào cuối mùa thu".

PLA cho biết trong một bài đăng trên phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc hôm 27/10 :

"Một đội khinh hạm của Hải quân Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam Bộ đã tiến hành huấn luyện và đánh giá đầy đủ về phòng không và đánh chặn tên lửa, chống tấn công mặt nước và kiểm soát thiệt hại tàu thuyền".

Các cuộc tập trận bao gồm việc tấn công các mục tiêu trên biển và trên không trong khi tàu Trung Quốc bị bắn, sau đó là một cuộc tập trận tìm kiếm và tấn công với một tàu khác đóng vai trò là đối thủ.

Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông với "đường chín đoạn", một tuyên bố chồng lấn với tuyên bố của hầu hết các nước láng giềng Đông Nam Á.

Trong khi đó, theo viện Sáng kiến thăm dò Tình hình Chiến lược Biển Đông (SCSPI) có trụ sở tại Bắc Kinh, Việt Nam đang kiểm soát 11 trong số 29 thực thể ở quần đảo Trường Sa, cũng đã cải tạo hơn hai km2 ở quần đảo này trong năm tháng qua.

Giám đốc SCSPI Hu Bo cho biết Việt Nam đã bắt đầu một đợt mở rộng mới các thực thể chiếm đóng của mình kể từ tháng 10 năm 2021 và không có dấu hiệu chậm lại.

Nhưng Bắc Kinh phần lớn im lặng về các nỗ lực cải tạo đất của Hà Nội vì trong những năm gần đây, hai bên đã cố gắng cải thiện quan hệ và ngăn chặn các tranh chấp chi phối mối quan hệ chung.

Chen Xiangmiao, trợ lý nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Biển Đông Quốc gia Trung Quốc, cho biết Philippines, mặc dù là một quốc gia nhỏ, đã giữ thế tấn công ở vùng biển tranh chấp kể từ khi Tổng thống Ferdinand Marcos Jnr nhậm chức.

Nguồn : RFA, 28/10/2024

*************************

Philippines tin tưởng tính liên tục của chính sách an ninh Mỹ bất kể kết quả bầu cử

Reuters, VOA, 28/10/2024

Bộ trưởng quốc phòng Philippines cho biết Philippines tin tưởng vào tính liên tục của các chính sách của Mỹ ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương sau cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, đồng thời nhấn mạnh rằng mối quan hệ Philippines - Hoa Kỳ sẽ vẫn bền chặt bất kể kết quả ra sao.

biendong2

Bộ trưởng quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro.

Bộ trưởng Quốc phòng Gilberto Teodoro nói liên minh giữa hai nước được neo giữ trong các mục tiêu an ninh chung và cam kết duy trì luật pháp quốc tế, bao gồm cả ở vùng biển tranh chấp tại Biển Đông.

"Sự ủng hộ của chúng tôi đối với các sáng kiến, song phương và đa phương... là lưỡng đảng, bên cạnh thực tế là chúng tôi đang hoạt động cùng nhau trên cơ sở thể chế, trên cơ sở nền tảng", ông Teodoro nói trong một cuộc phỏng vấn.

Ông Teodoro nói thêm rằng "hành vi sai trái" của Trung Quốc ở Biển Đông đã đặt Philippines lên hàng đầu trong các mối quan ngại về an ninh khu vực, gây ra phản ứng toàn cầu.

"Nói một cách đơn giản, Trung Quốc đã làm cho Philippines nổi bật, mà theo lẽ thông thường, nếu mọi người tuân thủ các quy tắc, nếu họ không làm điều xấu, thì sự nổi bật này của Philippines sẽ không có ở đó", ông Teodoro nói. "Vì vậy, tất cả là lỗi của Trung Quốc lúc này vì mọi người có một nhu cầu cảm thấy phải đoàn kết lại vì hành vi sai trái của họ, điều này đang xảy ra".

Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Manila không trả lời lập tức yêu cầu bình luận của Reuters về những phát biểu của ông Teodoro.

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào ngày 5/11, với Phó Tổng thống đảng Dân chủ Kamala Harris và ông Donald Trump của đảng Cộng hòa đang tranh đua quyết liệt.

Căng thẳng đang lên cao ở Biển Đông, nơi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết tuyến đường thủy này, thách thức các quốc gia Đông Nam Á, bao gồm Philippines, và gần đây là Việt Nam và Indonesia.

Tuần trước, Indonesia đã đuổi một tàu tuần duyên Trung Quốc khỏi vùng biển của mình sau khi tàu này can thiệp vào một cuộc khảo sát năng lượng. Trong khi đó, vào tháng này, Việt Nam cáo buộc chính quyền Trung Quốc tấn công ngư dân của mình ở vùng biển tranh chấp.

"Có sự hung hăng rõ rệt trong chương trình nghị sự bành trướng của Trung Quốc ở đây", ông Teodoro nói, liên hệ điều này với nỗ lực hợp pháp hóa sự lãnh đạo của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Năm 2016, Tòa án Trọng tài Thường trực tại The Hague đã phán quyết rằng các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông không có cơ sở pháp lý, đứng về phía Philippines, nước đã đệ đơn kiện.

Nhưng Trung Quốc đã bác bỏ phán quyết, dẫn đến một loạt các cuộc đối đầu trên biển và trên không khi Philippines tăng cường tuần tra và tiếp tế để bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình khỏi sự xâm phạm của Bắc Kinh.

Hiệp ước

Những sự cố này đã làm dấy lên nguy cơ leo thang, mà rốt cục có thể liên quan đến Hoa Kỳ, quốc gia có hiệp ước ràng buộc phải bảo vệ Philippines nếu bị tấn công.

"Khả năng xảy ra xung đột hoặc mâu thuẫn ở Biển Tây Philippines là có. Tôi không thể phủ nhận điều đó", ông Teodoro nói, sử dụng têng gọi mà Manila sử dụng để chỉ vùng biển trong EEZ của mình.

Trung Quốc vẫn khẳng định rằng các hành động của họ ở Biển Đông là hợp pháp và chuyên nghiệp.

Trong khi Hoa Kỳ năm ngoái đã nêu rõ phạm vi cam kết theo hiệp ước quốc phòng với Philippines trong trường hợp xảy ra tấn công vũ trang ở Biển Đông, ông Teodoro nói sự hợp tác này vượt ra ngoài phạm vi đó và bao gồm sự ổn định, pháp quyền và xây dựng năng lực chung.

"Những gì chúng tôi đang làm với Hoa Kỳ hiện nay là xây dựng năng lực chung để ngăn chặn một cuộc tấn công vũ trang như vậy xảy ra", ông nói.

Philippines cũng đã tăng cường quan hệ với các đồng minh như Nhật Bản và Úc, tiến hành các cuộc tập trận chung nhằm mục đích sẵn sàng tác chiến, động thái mà Trung Quốc coi là khiêu khích.

Ông Teodoro, hiện đang trong nhiệm kỳ thứ hai với tư cách là bộ trưởng quốc phòng, đang giám sát một cuộc mở rộng quân sự đầy tham vọng với những gì ông cho là danh sách mong muốn "có thể thực hiện được" bao gồm các tài sản phòng không, máy bay chiến đấu, khinh hạm và tàu hộ tống, để củng cố sự thay đổi chiến lược của nước này từ phòng thủ bên trong sang phòng thủ bên ngoài.

"Niềm tin của tôi vẫn không thay đổi, rằng nếu có điều gì đó mà chúng ta cần phải ngăn chặn, thì điều duy nhất có thể thay đổi cục diện đó là Trung Quốc thay đổi", ông Teodoro nói.

Philippines đã nhận được những chào mời cho việc mua 40 máy bay chiến đấu đa năng nhưng vẫn chưa chốt được nhà cung cấp.

"Hiện tại chưa có danh sách rút gọn nào", ông Teodoro nói. "Chúng tôi sẽ làm việc với các quốc gia có liên kết chiến lược với chúng tôi, đặc biệt là ở Biển Tây Philippines. Những quốc gia không liên kết với chúng tôi sẽ ở cuối danh sách".

Để hỗ trợ các thương vụ này, ông Teodoro cho biết ông đang khám phá các lựa chọn tài chính phi truyền thống và thúc đẩy nới lỏng các giới hạn vay trong nước và nước ngoài.

"Nhu cầu đầu tư vào quốc phòng đã có, và hiện tại có thanh khoản trong hệ thống mà chúng ta nên và cần khai thác", ông nói thêm.

Reuters

Nguồn : VOA, 28/10/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA, Reuters
Read 77 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)