Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

26/05/2023

Cuộc chiến Chip bán dẫn giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ gây lo ngại

RFI tổng hợp

Chip bán dẫn : Hàn Quốc muốn Mỹ nới lỏng các quy định hạn chế đầu tư ở Trung Quốc

Minh Anh, RFI, 26/05/2023

Vào lúc Hoa Kỳ và Nhật Bản hôm nay, 26/05/2023, chuẩn bị thông báo một thỏa thuận hợp tác về công nghệ cao, trong đó có công nghệ bán dẫn, Seoul mong muốn Washington xem xét lại quy định về hạn chế đầu tư ở Trung Quốc để được hưởng các tài trợ đầu tư ở Mỹ theo như luật "Chips Act » ban hành hồi tháng 3/2023. 

chip1

Nhà máy sản xuất chip của Samsung Electronics tại Pyeongtaek, Hàn Quốc, ngày 07/09/2022 via Reuters – Samsung Electronics

Thông tín viên đài RFI Nicolas Rocca tại Seoul giải thích thêm : 

Đầu tư vào Mỹ nhưng không làm mất đi thành quả của những năm tháng làm việc ở Trung Quốc : Đây là một phương trình cân bằng mà Samsung Electronics và SK Hynix, hai tác nhân chủ chốt trong lĩnh vực linh kiện bán dẫn, đang phải tính đến. Hiện tại, hãng Samsung đang xây dựng một nhà máy lớn tại bang Texas có tổng trị giá lên đến hơn 25 tỷ đô la, trong khi đối thủ cạnh tranh cũng có kế hoạch đầu tư 15 tỷ đô la vào thị trường chip điện tử ở Mỹ. 

Nhưng để được hưởng các khoản hỗ trợ của Mỹ theo đạo luật "Chips Act", các hãng này bị cấm tăng mức sản xuất linh kiện bán dẫn trên 5% tại một số nước bị đánh giá là "đáng quan ngại". Trung Quốc nằm trong danh sách này. Do vậy, Seoul đã đề nghị đẩy ngưỡng cấm lên 10%, để không gây ra một áp lực "phi lý" lên các doanh nghiệp đầu tư ở Mỹ. 

Minh Anh

*************************

Cấm mua chip của Micron, Trung Quốc " dằn mặt " Mỹ và các đồng minh

Minh Anh, RFI, 24/05/2023

Lệnh cấm một số ngành công nghiệp trong nước sử dụng thẻ nhớ điện tử của hãng Mỹ Micron Technology là đòn trả đũa thực chất đầu tiên của Bắc Kinh trước các chính sách của Washington nhắm vào nhiều công ty bán dẫn của Trung Quốc. Nhưng đây cũng là lời cảnh cáo Bắc Kinh gởi đến chính quyền Biden : Kể từ nay Mỹ không thể đơn phương quyết định đóng băng hay hạ nhiệt các mối quan hệ. 

chip2

Ảnh chụp cờ Trung Quốc và cờ Mỹ trên nền các chip bán dẫn. Reuters – Florence Lo

Đòn trả đũa này của Trung Quốc trước hết là nhằm đáp lại các lệnh cấm của Mỹ ban hành vào tháng 10/2022 nhằm kiểm soát xuất khẩu linh kiện bán dẫn, với một mục tiêu rất rõ ràng là ngăn chặn đà tiến của Trung Quốc, khi gây khó khăn cho khả năng mua và sản xuất của nhiều hãng ở nước này. Tranh chấp Trung - Mỹ đã gây ra những gián đoạn trong chuỗi cung ứng mặt hàng nhạy cảm và chiến lược. 

Hai mối lợi cho Trung Quốc

Hành động trả đũa này của Bắc Kinh diễn ra sau hai sự kiện quan trọng : Các nước khối G7 tại thượng đỉnh Hiroshima tuyên bố giảm rủi ro và đa dạng hóa chuỗi cung ứng trong ngành công nghệ mũi nhọn này và thông báo của Micron đầu tư 3,6 tỷ đô la vào Nhật Bản. Đối với nhà nghiên cứu về Địa chính trị và Quan hệ Quốc tế, bà Megha Shrivastava, thuộc Manipal Academy of Higher Education, Ấn Độ, đây còn là một lời cảnh cáo từ Bắc Kinh, nhấn mạnh tầm quan trọng của thị trường nội địa mà Mỹ và các nước đồng minh không dễ bỏ qua. 

Trong bài " Giải mã cuộc leo thang chiến tranh chip điện tử của Trung Quốc " đăng trên trang mạng The Diplomat (23/05/2023), nhà nghiên cứu người Ấn này cho rằng lệnh cấm trên của Bắc Kinh thể hiện quyết tâm tăng cường tự chủ nguồn cung linh kiện bán dẫn, được đưa ra từ năm 2020 qua Văn kiện số 8, nhằm cắt giảm phụ thuộc vào nước ngoài, đặc biệt là vào Mỹ và các nước đồng minh, sau việc Mỹ ban hành lệnh cấm đối với Hoa Vi và ZTE năm 2019. Đến tháng 3/2023, Bắc Kinh đã phê chuẩn kế hoạch bơm 1,9 tỷ đô la cho hãng Yangtze Memory Technologies Corp., một trong những con chim đầu đàn trong ngành công nghệ bán dẫn tại Trung Quốc. 

ột trong những mục tiêu trong chiến lược quan trọng này của Bắc Kinh, nhằm bù đắp cho tác động của cuộc chiến chip bán dẫn từ Washington, là làm gia tăng mức độ phụ thuộc của nước ngoài vào thị trường chip bán dẫn của Trung Quốc. Hiện tại, thị phần của Trung Quốc trên thế giới đối với các loại chip DRAM và NAND lần lượt ở mức 21% và 15%.

Như vậy, quy định hạn chế sử dụng thẻ nhớ của hãng Micron sẽ có lợi cho Bắc Kinh, vì hai lý do. Thứ nhất là nhằm răn đe các nhà cung cấp và sản xuất không nên có hành động chống lại lợi ích của Trung Quốc. Thứ hai là tạo điều kiện mở rộng không gian cho các hãng lớn mới trỗi dậy trong nước, khi gạt dần các đối thủ nước ngoài ra khỏi thị trường nội địa trong phân khúc thẻ nhớ. 

Những rủi ro cho Micron và lời cảnh cáo cho Washington

Trung Quốc là một thị trường lớn thứ ba đối với Micron, vốn dĩ đi đầu trong lĩnh vực thẻ nhớ loại DRAM và NAND. Khi gạt Micron, Bắc Kinh có thể sẽ dễ dàng thay thế bằng các đối thủ khác của hãng Mỹ như Samsung và SK Hynix của Hàn Quốc, những mục tiêu " dễ bảo " hơn của Trung Quốc.

Tuy tác động có thể là còn hạn chế, do khách hàng của Micron chủ yếu là những nhà sản xuất hàng tiêu dùng, lệnh cấm đối với các nhà khai thác các cơ sở hạ tầng quan trọng có thể gây ra những hiệu ứng liên đới. Trước những rủi ro chính trị và việc thiếu niềm tin vào sản phẩm của Micron, có nguy cơ là những khách hàng tiềm tàng sẽ phải đa dạng hóa nguồn cung và chuyển sang các nhà cung cấp nội địa, gây thiệt hại nghiêm trọng cho doanh thu của Micron. 

Nếu như đòn trả đũa vẫn tập trung vào phân khúc thị trường thẻ nhớ, đòn phản ứng nhanh này của Bắc Kinh không chỉ giới hạn trong khuôn khổ cuộc chiến Mỹ - Trung, mà còn có nguy cơ lan rộng sang nhiều nhà sản xuất thẻ nhớ khác. Nếu như phản ứng của Hoa Kỳ sẽ tiếp tục định hình quá trình hình thành chuỗi cung ứng tương lai, thì hành động này của Trung Quốc trong trước mắt là " một cú đấm đau điếng " đối với thế thống trị của Mỹ trong cuộc chiến công nghệ. Sự việc cũng báo hiệu rằng Hoa Kỳ giờ không thể đơn phương hành xử trong các mối quan hệ với Trung Quốc ! 

Minh Anh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Minh Anh
Read 203 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)