Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

25/05/2017

Tuổi hưu và Bảo hiểm xã hội - những nghịch lý và nguyên nhân

RFA tiếng Việt

Tăng tuổi hưu, lý do nào là chính ?

Đã không ít lần, Bộ Lao động, thương binh và xã hội đưa ra ý kiến về việc tăng tuổi nghỉ hưu. Bao lần đưa ra là bấy nhiêu lần vấp phải sự phản ứng của dư luận. Phản ứng xuôi chiều cũng có mà ngược chiều lại càng nhiều.

Nhiều cuộc tranh luận, nhiều ý kiến từ nhiều tầng lớp khác nhau được đưa ra, nhưng cuộc tranh luận vẫn chưa ngã ngũ. Và mới đây, vấn đề lại được Bộ Lao động, thương binh và xã hội tiếp tục đề cập đến trong chương trình sửa đổi Luật Lao động.

Trước những hiện tượng kẻ thích người không, cần phân định những điều lợi, hại và nguyên nhân của những tranh luận bắt nguồn từ đâu ?

Phía Bộ Lao động, thương binh và xã hội - cơ quan nhà nước quản lý người lao động thì cho rằng, thực tế tốc độ già hóa dân số của Việt Nam đang diễn ra nhanh nhất thế giới. Trong khi đó, nguồn nhân lực trong độ tuổi lao động giảm do chính sách giảm sinh...

Tuy nhiên, có lẽ nguyên nhân chính lại ở lý do Quỹ bảo hiểm xã hội đứng trước nguy cơ mất cân đối và đe dọa vỡ.

Phía những người lao động, đặc biệt những ngành lao động nặng, thì không nhất trí với việc tăng tuổi nghỉ hưu. Bởi theo họ sau một quá trình làm việc hơn 30 năm đối với nữ và 35 năm đối với nam, đã là một quá trình "lão hóa" và đến tuổi đó, sức khỏe con người không thể đáp ứng được yêu cầu lao động sản xuất.

Về góc nhìn toàn cảnh xã hội, việc người lao động nghỉ hưu quá sớm, sẽ là một sự thất thoát, lãng phí sức lao động và trí tuệ của người lao động. Qua đó, những người có kinh nghiệm công việc, có trí tuệ sau mấy chục năm tích lũy, đến tuổi chín chắn hơn lại phải nghỉ việc mà không tận dụng được những khả năng của họ để phục vụ xã hội.

Tuy nhiên, vẫn có một góc nhìn khác, đó là lớp trẻ vốn tìm kiếm việc làm là rất khó khăn, nếu tăng tuổi nghỉ hưu thì chỗ làm việc ngày càng teo lại và lớp trẻ được đào tạo sẽ lấy chỗ nào để làm việc ? Do vậy, việc tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động, sẽ tạo ra những áp lực về công việc làm, về nhiều mặt khác của đời sống xã hội và cũng là lãng phí nguồn nhân lực lao động có sức trẻ, có trí tuệ được đào tạo bài bản và cập nhật các kiến thức khoa học kỹ thuật mới hơn.

Đó là chưa nói đến tình trạng hệ thống công chức, cán bộ hiện nay như Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chiều 25/1/2013 rằng : "Trong bộ máy có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về". Việc nâng tuổi nghỉ hưu, trong khi số lượng chỗ làm việc không được cải thiện, thì tình trạng này sẽ còn nhức nhối hơn. Nó sẽ thúc đẩy việc chạy chọt xin việc, hối lộ và kéo theo nhiều hệ lụy khác.

Ai cũng biết, vẫn có những quan chức, ở vào những vị trí mà họ hoàn toàn không muốn nghỉ hưu. Do vậy mới có hiện tượng sửa chữa khai sinh, gian lận giấy tờ để trụ lại, để "được phục vụ nhân dân" ở những chiếc ghế "béo bở".

Trên mạng người ta đang đồn ầm ỹ bao năm nay về "hiện tượng lạ" là có văn bản của chủ tịch Tỉnh Ninh Bình xác nhận ngày sinh cho Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an mà nay là chủ tịch nước. Theo tin đồn, thì ông Trần Đại Quang đã sửa chữa năm sinh của mình từ 1950 thành 1956 để "được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa" - Hồ Chí Minh.

Cho đến nay, chưa thấy có động tác nào từ phía cơ quan công quyền "điều tra, làm rõ" trước những tin đồn mà theo quan điểm của Nguyễn Thị Xuân "Đại biểu Quốc hội của đảng, do đảng" thì việc này là "phạm tội đối với lãnh đạo Đảng, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" (!) - Câu phát biểu trước "Quốc hội" này đang được cộng đồng mạng xã hội "hưởng ứng ngược" mấy hôm nay.

Trong dân gian, vẫn lưu truyền câu nói rất điển hình của đám cán bộ trong "thiên đường xã hội chủ nghĩa" rằng : "Tao là "đầy tớ nhân dân, vì nhân dân mà phục vụ", không cho tao phục vụ tao đánh bỏ mẹ chúng mày"...

Tất cả những mâu thuẫn đó, được cân nhắc bàn bạc và hẳn nhiên, trong tranh luận phía bên nào cũng giữ cái lý của mình.

Đó là những vấn đề được bàn bạc về lý thuyết chung. Vấn đề cụ thể hơn, tác động trực tiếp đến độ tuổi và những người nghỉ hưu, đó là bảo hiểm xã hội cho người lao động khi nghỉ hưu.

Cách đây hơn 2 năm, đã có những cảnh báo về Quỹ bảo hiểm xã hội rằng 6 năm nữa, Quỹ bảo hiểm xã hội sẽ bắt đầu bị thâm hụt. 20 năm nữa, quỹ này sẽ cạn kiệt đến mức âm quỹ.

Sở dĩ có tình trạng đó, theo bảo hiểm xã hội giải thích thì "số người đóng bảo hiểm xã hội ngày càng ít, thời gian đóng bảo hiểm xã hội thì ngắn nhưng thời gian hưởng lương hưu lại dài. Nam giới hiện nghỉ hưu từ 60 tuổi và số năm đóng bảo hiểm xã hội bình quân là 28 năm, đối với nữ, tuổi nghỉ hưu là 55 và số năm đóng bảo hiểm bình quân là 23 năm. Bên cạnh đó, tình trạng trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội cũng là một nguyên nhân".

Và việc đề nghị tăng tuổi nghỉ hưu, cũng là biện pháp "tăng thu, giảm chi" nhằm cứu Quỹ bảo hiểm xã hội đang đứng trước nguy cơ bị vỡ.

Tuy vậy, những giải thích của bảo hiểm xã hội cũng đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ nhiều thành phần dân chúng.

Không có cơ sở khoa học

tuoihuu1

Ngay sau khi bảo hiểm xã hội giải thích về việc cạn kiệt đến mức âm quỹ bảo hiểm xã hội như trên, trên mạng Internet, mạng xã hội lập tức đã có ý kiến phản ứng với cách giải thích đó. Ta thử làm một phép tính như sau :

Giả sử lương người lao động là 5 triệu đồng/tháng thì mức đóng bảo hiểm xã hội mỗi tháng là : người lao động đóng 8% và Công ty đóng 18% lương, tổng cộng là 26% = 1.300.000 đồng/tháng. Như vậy mỗi năm người lao động đóng 15.600.000 đồng. Với số tiền đóng hàng năm, và số tiền lãi theo định mức 6%/năm, người lao động có số tiền tại bảo hiểm xã hội như sau :

- Năm thứ nhất, người lao động có 15.600.000 đồng. Lãi hàng năm tính 6%/năm.

- Năm thứ hai, người lao động có 32.136.000 đồng gồm 936.000 đồng tiền lãi năm trước.

- Năm thứ tư, người lao động có 68.187.850 đồng.

- Năm thứ 30, người lao động có số tiền là 872.192.950 đồng tại bảo hiểm xã hội. Với lãi suất 6%/năm, số tiền lãi của người lao động sẽ là 52.331.577 đồng/năm.

Trong khi đó, người lao động chỉ được hưởng tối đa 75% lương của 5.000.000 đồng = 3.750.000 đồng/tháng = 45.000.000 đồng/năm.

Nghĩa là sau 30 năm lao động và đóng bảo hiểm xã hội, mỗi năm, riêng tiền lãi của người hưởng mức lương 5 triệu đồng, bảo hiểm xã hội vẫn còn giữ của họ số tiền lãi là 7.331577 đồng/năm. Chưa kể số tiền gốc gần 1 tỷ đồng của người lao động thì bảo hiểm xã hội vẫn chưa đụng đến.

Vậy thì làm sao có thể giải thích rằng : Người lao động đóng bảo hiểm xã hội ngắn hoặc không đủ ? Nhiều người còn nại ra lý do rằng môi trường làm việc của Việt Nam vốn tốt hơn trước nên cần tăng tuổi nghỉ hưu. Thực tế, chẳng có cơ sở nào để khẳng định rằng môi trường làm việc của Việt Nam hiện nay tốt hơn trước, để sức khỏe người lao động tăng lên và qua đó tăng tuổi nghỉ hưu.

Thậm chí, ngay cả chính sách bảo hiểm xã hội hiện nay có nhiều bất cập trong nhiều vấn đề vẫn chưa được cải thiện về thai sản, tai nạn... đang làm xã hội có nhiều phản ứng.

Vậy thì việc tăng tuổi hưu của người lao động nhằm "tăng thu, giảm chi" liệu có hợp lý và công bằng, có làm cho xã hội tốt hơn không ?

Nguyên nhân ?

tuoihuu2

Việc Quỹ bảo hiểm xã hội có nguy cơ bị vỡ do nhiều nguyên nhân, trong đó có một nguyên nhân rất lớn là mô hình tổ chức và quản lý của bảo hiểm xã hội không ổn. Đó là trách nhiệm của đảng lãnh đạo toàn diện, của nhà nước quản lý tất cả, mà nay hậu quả thì lại ông chủ nhân dân chịu.

Trong buổi thảo luận tại Hội trường Quốc hội 16/6/2014, Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng bảo hiểm xã hội vẫn chưa được đặt đúng vị trí và vai trò, cùng lúc chịu sự quản lý chia cắt của 3 bộ (Lao động, thương binh và xã hội, Y tế, Tài Chính) nên việc quản lý chưa chặt chẽ, dẫn tới những sai phạm nhất định trong thời gian qua.

Thậm chí, trong hoạt động của mình, bảo hiểm xã hội đã để xảy ra tình trạng làm mất trắng 1.052 tỷ đồng, mà không ai chịu trách nhiệm.

Năm 2015, "theo kết quả kiểm toán, việc giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp tại 32 trung tâm giới thiệu việc làm mới đây cho thấy đụng đâu sai đó. Hàng tỷ đồng tiền trợ cấp thất nghiệp bị thất thoát khó thu hồi, do chưa quy định rõ trách nhiệm" - báo Tiền Phong cho biết.

Cho đến nay, chưa có câu trả lời là bảo hiểm xã hội sẽ lấy đâu ra số tiền này để trả lại cho người lao động mà về nguyên tắc là phải đền trả.

Trong khi đó, chi phí quản lý bảo hiểm xã hội lại liên tục tăng mà không có hiệu quả.

Đại diện Kiểm toán nhà nước cho biết : "chi phí quản lý bảo hiểm xã hội : Từ năm 2007 - 2013, chi phí quản lý tăng gấp 5 lần. Số tuyệt đối năm 2007 là 815 tỉ đồng, trong khi đến năm 2013 đã lên tới 3.718 tỉ - xấp xỉ 3% tổng nguồn thu".

Điều ai cũng biết rằng : Khi thành lập bảo hiểm xã hội, hẳn nhiên có đủ đề án, sự kiểm tra, kiểm duyệt và đủ mọi "quy trình" để bảo đảm việc tồn tại và phát triển bảo hiểm xã hội cách vững chắc nhất. Vậy sau một thời gian chỉ mới 21 năm, bảo hiểm xã hội đứng trước cửa tử. Vậy lỗi thuộc về ai ? 

Việc Quỹ bảo hiểm xã hội không được tổ chức và quản lý tốt, không phải lỗi ở người lao động.

Việc quỹ bảo hiểm xã hội gây ra việc mất mát số tiền đóng góp của người lao động vào Quỹ bảo hiểm xã hội không phải lỗi ở người lao động.

tuoihuu3

Theo lời một viên sĩ quan quân đội với nhiều chức danh, cấp hàm là đại tá, phó giáo sư, tiến sĩ, nhà giáo nhân dân Trần Đăng Thanh thì việc bảo vệ chế độ này chính là bảo vệ cái sổ hưu, tất cả chúng ta, người đã cầm sổ hưu và sẽ cầm sổ hưu cần bảo vệ chế độ để bảo vệ cái sổ hưu đó.

Nhưng, người ta biết trước, việc bảo vệ sổ hưu là bất khả kháng, vì với cách lãnh đạo tài tình, sáng suốt và tuyệt đối theo cách này, thì quỹ bảo hiểm xã hội có nguy cơ vỡ rất cao và rất gần, rất nhanh.

Điều này đồng nghĩa với việc bảo vệ chế độ là bất khả kháng ?

Rất có thể, bởi vì nếu không xử lý tận gốc thì mọi sự biến hóa, chỉ là phần ngọn của sự mục ruỗng mà thôi.

Hà Nội, ngày 25/5/2017

J.B Nguyễn Hữu Vinh

Nguồn : RFA, 25/05/2017 (nguyenhuuvinh's blog)

Quay lại trang chủ
Read 536 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)