Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

11/02/2017

Một dịp để nhìn rõ hơn sự hoại loạn của chế độ tổng thống

Nguyễn Gia Kiểng

Tại sao tương lai của một đảng cầm quyền lâu đời và cả tương lai của một cường quốc như Pháp lại có thể thay đổi hẳn vì một chuyện nhỏ nhặt của một người ? Tại sao một nhân vật không tài đức, không kinh nghiệm và cũng chẳng có lý tưởng cao đẹp nào ngoài những khẩu hiệu mị dân như Donald Trump lại có thể trở thành nhân vật quyền lực nhất thế giới ?

tongthong1

Donald Trump đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ

Trong sáu tháng cuối năm 2016 và tháng giêng năm 2017 đã diễn ra những cuộc bầu cử sơ bộ tại Mỹ và Pháp, hai nước dân chủ lớn theo chế độ tổng thống. Những cuộc bầu cử này chiếu thêm một ánh sáng trong những suy nghĩ về việc chọn lựa chế độ chính trị sắp tới cho nước ta.

Một cách vắn tắt bầu cử sơ bộ là những cuộc bầu cử giữa những người ủng hộ một chính đảng để chọn ứng cử viên của đảng đó trong những cuộc bầu cử chính thức các chức vụ dân cử. Một số chính đảng tại khoảng mười quốc gia trên thế giới tổ chức những cuộc bầu cử này ở những mức độ khác nhau. Những cuộc bầu cử sơ bộ được biết đến nhất là những cuộc bầu chọn của hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ tại Mỹ để chọn ứng cử viên tổng thống. Tai Pháp Đảng Xã Hội đã tổ chức bầu cử sơ bộ để chọn ứng cử viên tổng thống của đảng từ năm 2012, đảng Cộng Hòa mới tổ chức bầu cử sơ bộ lần đầu năm 2016. Tại Pháp cũng như tại Mỹ tất các đảng viên và cảm tình viên của mỗi đảng được mời tham gia tuyển chọn ứng cử viên của đảng vào chức vụ tổng thống.

Cuộc bầu cử sơ bộ tại Mỹ đã đưa đến kết quả không ngờ là Donald Trump, một người không phải là một đảng viên Cộng Hòa chân chính và mới đầu rất ít người nghĩ là có thể thắng, được chọn làm ứng cử viên của đảng và sau đó đắc cử tổng thống Mỹ. Donald Trump không có tài đức gì, không có kinh nghiệm, cũng không có lý tưởng và tư tưởng chính trị. Ông thay đảng như thay áo, hết Đảng Cộng Hòa đến Đảng Dân Chủ, rồi lại Cộng Hòa. Có lúc còn gia nhập Đảng Cải Tổ của Ross Perot. Hoạt động chính của ông là kinh doanh nhà đất và hoạt náo những chương trình TV Reality khai thác thị hiếu tầm thường của quần chúng. Dầu vậy ông vừa trờ thành tổng thống Hoa Kỳ để khiêu khích cả thế giới và chủ trương kết thân với chế độ mafia của Putin tại Nga.

Tại Pháp các cuộc bầu cử sơ bộ cũng đã gây sửng sốt. Bên Đảng Cộng Hòa (Les Républcains, thuộc cánh hữu ôn hòa) François Fillon đã vượt xa tất cả các ứng cử viên khác dù trước ngày bầu cử hai tuần ông chỉ đứng hàng thứ ba trong số các ứng cử viên với khoảng 13% số phiếu theo các cuộc thăm dò dư luận. Sang vòng chung kết ông hạ đo ván Alain Juppé, người trước đó vài tuần được coi như chắc chắn sắp là tổng thống Pháp, với tỷ số 66% - 33%. Lý do chính là François Fillon đã đưa ra một chương trình chính trị khuynh hữu một cách quả quyết. Bên cánh tả cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Xã Hội cũng gây ngạc nhiên không kém. Benoît Hamon, một ứng cử viên mờ nhạt, không hùng biện, không kinh nghiệm cũng chẳng có tài, ra ứng cử với một chương trình khuynh tả một cách hoang tưởng đã vượt hẳn các ứng cử viên khác trong vòng đầu dù trước đó chỉ hai ngày phần lớn các cuộc thăm dò dư luận cho rằng ông sẽ chỉ về hạng ba. Trong vòng hai Hamon loại cựu thủ tướng Valls với tỷ lệ áp đảo 58% - 41%. Hai Đảng Cộng Hòa và Xã Hội đã thay nhau cầm quyền trong gần 60 năm qua. Cả hai đảng đều có thể bị loại khỏi chính quyền trong cuộc bầu cử tống thống ba tháng nữa. Đảng Xã Hội gần như chắc chắn sẽ thất bại và sau đó bị xóa bỏ như đã được dự đoán từ khá lâu nhưng số phận của Đảng Cộng Hòa ly kỳ hơn nhiều. Mới cách đây hai tuần nó còn chắc chắn sẽ giành được chức tổng thống và lãnh đạo nước Pháp nhưng bất ngờ báo chí phát giác François Fillon đã từng trả lương cho vợ và các con với tư cách phụ tá cho ông trước đây khi ông còn là dân biểu mà không ai biết rõ họ đã thực sự làm gì. Điều này tuy không trái luật nhưng đủ để làm uy tín của Fillon tuột dốc và nếu cuộc bầu cử tổng thống diễn ra trong lúc này ông sẽ bi loại ngay vòng đầu.

Một câu hỏi phải được đặt ra là tại sao tương lai của một đảng cầm quyền lâu đời và cả tương lai của một cường quốc như Pháp lại có thể thay đổi hẳn vì một chuyện nhỏ nhặt như chuyện công việc của vợ và con ông François Fillon ? Một câu hỏi còn nghiêm trọng hơn là tại sao một nhân vật không tài đức, không kinh nghiệm và cũng chẳng có lý tưởng cao đẹp nào ngoài những khẩu hiệu mị dân như Donald Trump lại có thể trở thành nhân vật quyền lực nhất thế giới ?

Để trả lời hai câu hỏi đó có lẽ ta nên bắt đầu bằng hai câu hỏi khác cụ thể hơn.

Câu hỏi thứ nhất là tại sao các chính đảng không tự chọn lấy ứng cử viên tổng thống của mình mà lại phải nhờ cử tri của phe mình chọn hộ ?

Chắc chắn không phải là vì như thế ứng cử viên của đảng sẽ phù hợp hơn với cử tri toàn quốc. Bộ máy của đảng phải có cái nhìn chính xác hơn và cũng có nhiều thông tin và phương tiện để biết rõ hơn những người bình thường. Càng không phải như thế sẽ chọn đúng người tài đức nhất. Điều này không ai biết rõ bằng ban lãnh đạo và các đảng viên nòng cốt. Lý do chỉ giản dị là đảng đã quá suy yếu, chia rẽ và phân hóa nên không còn đồng thuận để chỉ định người đại diện cho mình, vì thế bầu cử sơ bộ trở thành giải pháp bắt buộc để chọn ứng cử viên tổng thống của đảng. Một trong những hậu quả tai hại nhất của chế độ tổng thống là làm các chính đảng yếu đi vì mất quyền lực và ảnh hưởng. Điều này anh em Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên chúng tôi đã nhận định trong dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai :

(…) Ông hay bà (ứng cử viên) có thể được bầu vì những lý do hời hợt như trẻ đẹp, đi đứng duyên dáng, nói năng hùng hồn, v.v. hơn là vì uy tín của đảng mình và khả năng chính trị của mình. Ứng cử viên này một khi đã đắc cử sẽ chế ngự đảng chứ không lệ thuộc đảng. Kinh nghiệm cho thấy là trong mọi chế độ tổng thống, kể cả Hoa Kỳ, không có những chính đảng mạnh như trong các chế độ đại nghị và đây là một thiệt hại lớn vì các chính đảng vừa là lò đào tạo ra nhân tài chính trị vừa là môi trường sản xuất và sàng lọc các ý kiến trên những vấn đề lớn đặt ra cho đất nước (…).

Cần lưu ý là Hoa Kỳ đã chỉ cần những cuộc bầu cử sơ bộ để chọn ứng cử viên tổng thống sau hơn một thế kỷ lập quốc và Pháp cũng chỉ mới có những cuộc bầu cử sơ bộ gần đây sau hơn nửa thế kỷ bầu tổng thống qua phổ thông đầu phiếu. Trong cả hai trường hợp bầu cử sơ bộ đã chỉ trở thành cần thiết sau khi chế độ tổng thống đã dần dần làm các chính đảng mất vai trò và sức mạnh.

Nhiều người, trong đó có chính kẻ viết bài này, đã từng nhận định sự xuống cấp của văn hóa chính trị tại Mỹ và Pháp trong những thập niên gần đây. Đó là vì các chính đảng đã suy yếu đi và không còn là môi trường sản xuất nhân tài và ý kiến nữa.

Câu hỏi thứ hai là tại sao khi đất nước đứng trước những chọn lựa khó khăn những cuộc bầu cử sơ bộ thường đưa tới thắng lợi của những ứng cử viên có lập trường cực đoan nhất ?

Điều này người ta đã có thế thấy qua thắng lợi của Donald Trump tại Mỹ, của François Fillon và Benoit Hamon tại Pháp. Câu trả lời chỉ giản dị là người ta không thể đòi hỏi ở quần chúng một chọn lựa đắn đo và trách nhiệm. Phản ứng bình thường của một người bình thường khi được yêu cầu bày tỏ thái độ là nói lên điều mình muốn mà không cần biết điều đó có hợp lý và khả thi hay không. Và các cử tri bình thường này đã nói bằng lá phiếu. Một người cánh hữu tham gia một cuộc bầu cử sơ bộ của cánh hữu vì thế sẽ bầu cho ứng cử viên tiêu biểu nhất cho lập trường mà mình cho là "hữu" nhất. Tương tự, một cử tri phe tả sẽ có khuynh hướng bầu cho ứng cử viên "tả" nhất. (Cũng có khối cử tri trung lập bầu theo nhận định khách quan, nhưng những người này thường không tham gia những cuộc bầu cử sơ bộ). Đắn đo lựa chọn một giải pháp chính trị có sức thuyết phục đối với toàn thể dân tộc vì khả thi và phù hợp với bối cảnh quốc gia và quốc tế không phải là ưu tư của cử tri thuộc một khuynh hướng chính trị như trong các cuộc bầu cử sơ bộ. Đó chỉ là ưu tư của những người hoạt động chính trị, nghĩa là những đảng viên nòng cốt. Thảo luận nghiêm túc và chấp nhận những thỏa hiệp giai đoạn nếu cần chỉ có nơi những người dấn thân chính trị. Một người dấn thân chính trị cánh tả có thể coi liên đới xã hội là giá trị cao nhất, có thể nghĩ rằng một xã hội văn minh không có quyền bỏ rơi những người yếu kém vì thế an sinh xã hội phải là ưu tiên số 1 của hoạt động chính trị, có thể tranh luận rất sôi nổi với một trí thức thuộc một đảng cánh hữu cho rằng tự do và tự hào mới là những giá trị cao nhất và tạo ra những người sống nhờ trợ cấp là xúc phạm tới phẩm giá con người, chính quyền vì vậy có trách nhiệm tạo ra những điều kiện thuận lợi để mỗi cá nhân xây dựng đời mình nhưng không nên trợ cấp. Tuy vậy hai người đó hiểu nhau và nếu cần vẫn có thể thỏa hiệp để làm việc chung trong một chính phủ đoàn kết quốc gia trong một hoàn cảnh đặc biệt. Nhưng đó không phải là thái độ của những cử tri thuộc một khuynh hướng chính trị, những người này ít kiến thức chính trị và chỉ bầu cho người nói điều mà họ muốn nghe, nghĩa là những ứng cử viên cực đoan.

Sau khi đã trả lời hai câu hỏi trên ta có thể trở lại hai câu hỏi đã đặt ra trước đó. Cả hai câu hỏi này đều có cùng một câu trả lời : đó là do hậu quả của chế độ tổng thống. Chế độ này tập trung quyền lực vào một người, biên tế hóa và làm suy yếu các chính đảng, làm xuống cấp cuộc thảo luận chính trị và cuối cùng hạ thấp dân trí khiến quốc gia không thích nghi được với những thay đổi ngày càng dồn dập về khoa học, kỹ thuật, nếp sống và bối cảnh thế giới.

Một tật nguyền khác của chế độ tổng thống đã được trình bày trong dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai là nó dành quá nhiều quyền cho một người, quá tách biệt hành pháp với lập pháp và tư pháp và rất dễ dẫn tới xung đột bế tắc giữa các định chế. Trong các quốc gia chưa có truyền thống dân chủ vững vàng như nước ta nó rất dễ đưa tới lạm quyền và độc tài với hậu quả là tham nhũng, đàn áp và bạo loạn, thậm chí nội chiến.

Thực tế là cho tới nay tất cả các chế độ tổng thống đều đã thất bại trừ trường hợp rất đặc biệt của Hoa Kỳ. Nhưng giờ đây chính Hoa Kỳ cũng đã bối rối vì chế độ tổng thống, như thắng lợi của Donald Trump vừa chứng tỏ.

Hoa Kỳ đã ra đời với một tư tưởng chính trị lành mạnh đặt nền tảng trên các giá trị tư do, dân chủ và nhân quyền nhờ các Founding Fathers, những người cha lập quốc, vì thế đã vươn lên mạnh mẽ để trở thành siêu cường số 1 của thế giới. Nhưng chế độ tổng thống với những tật nguyền của nó đã khiến cái vốn tinh thần này hao mòn dần đi thay vì được bồi đắp thêm. Không phải vì Hoa Kỳ thiếu những nhà tư tưởng mà vì những tư tưởng của họ không ra khỏi một vài trường đại học và một vài câu lạc bộ trí thức. Vai trò của các chính đảng là đem các tư tưởng chính trị vào sinh hoạt xã hội, nhưng chế độ tổng thống đã dần dần làm các chính đảng yếu đi và làm cuộc thảo luận chính trị xuống cấp. Đồng thuận dân tộc yếu dần và xã hội đi dần và khủng hoảng. Hoa Kỳ sớm hay muộn cũng phải bỏ chế độ tổng thống.

Trường hợp của Pháp càng có ý nghĩa hơn. Pháp trước đây theo chế độ đại nghị và là một nước dẫn đầu về tư tưởng chính trị. Chế độ đại nghị với thể thức bầu cử theo tỷ lệ đã khiến chính quyền mất ổn định vì không đảng nào có được một đa số ổn định để cầm quyền. Năm 1958 tướng De Gaulle đề nghị một chế độ bán tổng thống, trên thực tế gần như một chế độ tổng thống vì tổng thống được bầu trực tiếp qua phổ thông đầu phiếu và có rất nhiều quyền, hơn cả tổng thống Mỹ. Từ năm 2002, khi nhiệm kỳ tổng thống được qui định là 5 năm như nhiệm kỳ của quốc hội, chế độ của Pháp trên thực tế đã trở thành một chế độ tổng thống, thủ tướng không khác một chánh văn phòng của tồng thống. De Gaulle đã làm một sai lầm lớn. Nguyên nhân của tình trạng bất ổn chính trị không phải là chế độ đại nghị mà là thể thức đầu phiếu theo tỷ lệ. Nếu muốn chấm dứt tình trạng bất ổn chính trị chỉ cần chọn thể thức bầu cử đơn danh và một vòng. Hậu quả của chế độ tổng thống là các chính đảng ngày càng yếu đi và thảo luận chính trị ngày càng xuống cấp. Từ năm 2012 Đảng Xã Hội đã quá chia rẽ nên phải tổ chức bầu cử sơ bộ để chọn ứng cử viên tổng thống của đảng. Năm 2016 đến lượt Đảng Cộng Hòa. Các cuộc bầu cử sơ bộ này càng làm cho đảng chia rẽ hơn, và yếu hơn, vì chúng áp đặt lên đảng một lãnh tụ mà đa số đảng viên không muốn. Trong đợt bầu cử sơ bộ vừa qua trong mỗi đảng đều có gần mười ứng cử viên với những chương trình chính trị rất khác nhau. Như vậy các đảng này còn đồng thuận nào để gắn bó các đảng viên với nhau và còn lý do gì để tiếp tục tồn tại ? Nhiều tiếng nói uy tín đã cất lên tố giác sự độc hại của chế độ tổng thống và kêu gọi trở lại chế độ đại nghị.

Tại Mỹ cũng như tại Pháp các cuộc bầu cử sơ bộ ưu đãi những cá nhân được coi là "chống hệ thống" –những Donald Trump, Emmanuel Macron, Benoît Hamon, v.v.- nhưng thực ra là những sản phẩm của của hệ thống, hay đúng hơn sản phẩm của của tình trạng bệnh hoạn của hệ thống. Tại Mỹ cũng như tại Pháp không có đảng cầm quyền nào đủ mạnh để áp đặt những cải tổ cần thiết. Tại Mỹ cũng như tại Pháp các cuộc bầu cử sơ bộ được sử dụng như một giải pháp chữa chạy cho sự suy yếu của các chính đảng nhưng hiệu ứng của chúng lại khiến các chính đảng tan nát hơn. Thuốc làm cho bệnh nặng hơn. Như vậy phải hiểu rằng chế độ tổng thống không có thuốc chữa. Nó không chỉ dở mà còn rất độc hại. Nó là một tàn dư của chế độ quân chủ cần phải vất bỏ một cách dứt khoát không nể nang.

Nhưng đối với người Việt Nam chúng ta bàn chuyện thể chế chính trị vào lúc này có lạc điệu không khi mà chế độ độc tài toàn trị vẫn còn đứng sừng sững một cách thách đố trước mặt chúng ta ? Không, vì ít nhất hai lý do.

Lý do thứ nhất là vì một số rất đông trí thức Việt Nam vẫn còn một thứ "phản xạ tổng thống" coi chế độ tổng thống như là đương nhiên sau chế độ cộng sản. Đây là một sai lầm lớn và nguy hiểm. Nó sẽ khiến chúng ta bối rối, chịu nhiều hậu quả tai hại và mất rất nhiều thì giờ sau chế độ cộng sản, trong khi chúng ta đã quá tụt hậu.

Lý do thứ hai là nếu biết một cách chính xác sẽ làm lại đất nước như thế nào một khi đã giành được thắng lợi cho dân chủ chúng ta sẽ tự tin hơn, quyết tâm hơn và đấu tranh hiệu quả hơn.

Nguyễn Gia Kiểng

(11/02/2017)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Gia Kiểng
Read 2255 times

2 comments

  • Comment Link Yến Vương lundi, 20 février 2017 12:41 posted by Yến Vương

    Chào bạn, chúng tôi chủ trương chế độ dân chủ đại nghị được rất nhiều nước sử dụng, như Đức, Ý, Iceland....Chứ đâu phải tư sáng chế gì?

  • Comment Link Viet Nguyễn mercredi, 15 février 2017 14:27 posted by Viet Nguyễn

    Chế độ Cộng Hòa kiểu Mỹ chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu cho người dân nhưng cũng đã chạy tốt sau gần 300 năm thử nghiệm, nhất là hệ thống thắng khá an toàn qua qui chế bầu cử đại cử tri và quy trình làm việc hoàn toàn độc lập giữa Hành, Lập, và Tư pháp. Ngoài ra có chế độ quân chủ ngồi chơi xơi nước như ở Bắc Âu, Anh, Nhật chạy tốt không kém. Muốn thử nghiệm một mô hình mới cần phải có cả vài chục ngàn tỉ usd thời giá hiện nay, thậm chí cần cả MÁU của vài chục triệu người như thử nghiệm của người cs và Đức Quốc Xã, Bạn ạ.

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)