Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tại Syria, liên minh người Kurdistan và người Ả Rập được Mỹ hậu thuẫn mang tên Lực Lượng Dân Chủ Syria FDS, ngày 15/10/2017 loan báo là trận đánh Raqqa đã bước vào giai đoạn tối hậu, mà mục tiêu là triệt hạ toàn bộ các ổ kháng cự của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo Daesh còn sót lại trong thành phố.

sỷia1

Syria : Một quang cảnh thành phố Raqqa, ngày 12/10/2017. Reuters/Erik De Castro

Cuộc tấn công được mệnh danh là tối hậu này đã được tung ra sau khi nhiều chiến binh thánh chiến ngoại quốc đã rời khỏi Raqqa trong khuôn khổ một thỏa thuận mà các lãnh đạo bộ tộc đã đúc kết. Chính một lãnh đạo Hội Đồng Dân Sự Raqqa đã cho biết như trên, qua đó đã giải tỏa phần nào tình trạng mập mờ hôm 14/10, bao quanh việc di tản các chiến binh thánh chiến.

Theo thông tín viên RFI từ Beyrouth, Paul Khalifeh, chiến dịch di tản những chiến binh Daesh ra khỏi Raqqa đã gặp vướng mắc do việc tình báo Pháp không muốn để sổng một cán bộ Daesh bị nghi là chủ mưu loạt khủng bố đẫm máu tại Paris vào tháng 11 năm 2015 :

Số phận các chiến binh nước ngoài đã làm chậm lại việc di tản quân thánh chiến ra khỏi Raqqa. Rốt cuộc, việc di tản đã bắt đầu được tiến hành vào ngày thứ Bảy và tiếp tục trong đêm sang Chủ Nhât.

Theo giám đốc Đài Quan Sát Nhân Quyền Syria, ông Rami Abdel Rahman, việc thực hiện thỏa thuận bị chậm lại là do phản đối của tình báo Pháp liên quan đến một trong những chiến binh nói trên. Paris không muốn kẻ tình nghi đã lên kế hoạch vụ khủng bố ngày 13/11/2015 tại Paris được đưa ra khỏi Raqqa.

Ông Rami Abdel Rahman muốn nói đến Abdelilah Himich, được mệnh danh là "Abdel, người lính lê dương" hay "Abou Souleyman al-Faransi". Nghi phạm này từng là lính lê dương Pháp, sinh ra tại Rabat, Maroc, và bị tình báo Mỹ tố cáo là đầu não vụ khủng bố tại Paris và Bruxelles.

Là người mang quốc tịch Pháp có vị trí cao nhất trong hàng ngũ tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, Himich chỉ huy một lữ đoàn 300 người, chủ yếu là quân thánh chiến Châu Âu. Theo giám đốc Đài Quan Sát Nhân Quyền, cơ quan tình báo Pháp dường như đã yêu cầu là phải bắt giữ, hoặc trừ khử hẳn Abdelilah Himich.

Sau cùng, cản lực của Pháp được tháo gỡ nhưng không biết là trên cơ sở nào. Cuối cùng thì quân thánh chiến đã rời Raqqa với 400 thường dân làm bia đỡ đạn cho họ, theo một lãnh đạo bộ tộc đã tham gia các vụ thương lượng".

Trọng Nghĩa

Published in Quốc tế

Hàng loạt thủ lĩnh của nhóm khủng bố IS đang tháo chạy khỏi Raqqa, Syria - việc chạy trốn diễn ra ngay sau khi Mỹ lộ kế hoạch điều quân đến đây.

Theo Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 17/2, nhiều tay súng cấp cao của nhóm IS đang rời khỏi thành trì của lực lượng này tại Raqqa, Syria khi phải đối mặt với các cuộc tấn công uy lực của lực lượng người Kurd - Ả Rập được liên minh quốc tế hậu thuẫn.

Middleeast news dẫn tuyên bố của Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Jeff Davis cho biết : "Giờ đây chúng tôi đã nhìn thấy nhiều lãnh đạo cấp cao của IS, rất nhiều quan chức của nhóm khủng bố... đang bắt đầu quá trình rời khỏi Raqqa. Họ đã chắc chắn biết được một thực tế là họ sắp bị thất thủ ở Raqqa".

is1

Việc chiến binh IS tháo chạy khỏi Raqqa được cho rằng có liên quan đến kế hoạch của Mỹ.

Hình ảnh thủ lĩnh IS tháo chạy khỏi Raqqa được nhìn thấy gần như ngay sau khi Bộ Quốc phòng Mỹ có kế hoạch điều động lực lượng chiến đấu mặt đất vào miền Bắc Syria.

Thông tin về kế hoạch điều quân của Mỹ được CNN ngày 16/2 cho biết, Bộ Quốc phòng Mỹ đang đề xuất điều động lực lượng chiến đấu mặt đất vào miền Bắc Syria lần đầu tiên để tăng tốc cuộc chiến chống khủng bố.

''Có thể các bạn sẽ thấy lực lượng bộ binh chiến đấu trên chiến trường Syria trong một thời gian'', một quan chức quốc phòng Mỹ nói với CNN. Quan chức này nhấn mạnh, mọi quyết định cuối cùng phải trình lên Tổng thống Donald Trump ra lệnh cho Bộ trưởng Quốc phòng giải trình đề xuất chống tổ chức khủng bố IS trước khi kết thúc tháng 2.

Động thái này sẽ thay đổi đáng kể hoạt động của quân đội Mỹ ở Syria nếu được chấp thuận và có thể triển khai lực lượng mặt đất trong vài tuần tới. Cho đến nay, chỉ có một nhóm nhỏ thuộc Lực lượng Đặc biệt hoạt động ở Syria, thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ và huấn luyện lực lượng đối lập chống IS trên mặt đất.

Các đơn vị chiến đấu thông thường hoạt động với số lượng lớn và sẽ có yêu cầu nghiêm ngặt hơn về bảo vệ an ninh trên mặt đất và trên không. Về nguyên tắc, ông Trump có quyền quyết định các vấn đề liên quan tới lợi ích an ninh quốc gia và triển khai quân đội tới vùng chiến sự theo Đạo luật quyền tiến hành chiến tranh của Mỹ, mà không cần sự chấp thuận của Quốc hội trong 60 ngày (có thể mở rộng thêm 30 ngày).

Nếu sau khoảng thời gian này Nhà Trắng không nhận được sự ủy quyền của Quốc hội thì quân đội Mỹ mới ngừng hoạt động và rút lui khỏi vùng chiến sự. Chính quyền thời Tổng thống Barack Obama chưa bao giờ chấp nhận ý tưởng triển khai lực lượng chiến đấu mặt đất đến Syria, bởi vì những rủi ro liên quan.

Nếu ý tưởng mới được phê chuẩn, nó sẽ cho thấy một dấu hiệu chuyển biến cơ bản của chính quyền Donald Trump sẵn sàng chấp nhận rủi ro để tiêu diệt tận gốc tổ chức khủng bố IS.

Sau một chuỗi những thất bại lớn ở cả Iraq và Syria, hai thành trì chính của phiến quân là Mosul và Raqqa hiện đang phải hứng chịu những cuộc tấn công uy lực từ các lực lượng được hậu thuẫn bởi một liên minh do Mỹ dẫn đầu.

Liên minh người Kurd- Ả Rập, các lực lượng dân chủ Syria (SDF), đã đạt được bước tiến đáng kể khi mới đây họ vừa cắt đứt tuyến đường xâm nhập vào Raqqa của IS. Theo phát ngôn viên Lầu Năm Góc, nhóm khủng bố giờ chỉ đang kiểm soát duy nhất một con đường ở phía đông nam của thành phố.

Tuấn Hưng

Published in Quốc tế