Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Formosa, đại khái nói rằng nhà nước cần đóng cửa Formosa. Để có tiền bồi thường (cho Formosa) nhà nước in "công trái" để bán cho dân.

formosa1

Nhà nước nhiều lần đàn áp, tìm mọi cách cản trở người dân đi kiện Formosa trước các Tòa án Việt Nam cho thấy Formosa đã phủi trách nhiệm của họ.

Có người viết rằng ý kiến của Huy Đức là "tào lao". Tôi cũng có cùng ý nghĩ như vậy !

Bởi vì Việt Nam là một "quốc gia có chủ quyền". Formosa hoạt động trong lãnh thổ Việt Nam thì Formosa phải tuân thủ theo luật lệ của Việt Nam. Tức là, muốn "đóng của" Formosa thì chỉ cần cho hãng này đi vào hoạt động. Sau đó chăm chú theo dõi nguồn "nước thải" của hãng này. Chỉ cần chất thải có nồng độ cao quá mức được qui định theo hợp đồng thì nhà nước Việt Nam có thể bắt Formosa đóng phạt, thậm chí đóng cửa vĩnh viễn.

Tôi cũng thấy nhiều người (có lẽ bị thuốc của các học giả Việt Nam) là muốn nhà nước cho phép dân đi kiện Formosa để đòi bồi thường.

Theo nguyên tắc cơ bản của luật học thì một người không thể bị trừng phạt hai lần vì một tội.

Vấn đề là chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, đại diện cho quốc gia Việt Nam, đã ký kết với Formosa để nhận 500 triệu tền bồi thường (những thiệt hại do xả thải ở các tỉnh miền Trung).

Hợp đồng bồi thường này ra sao, chưa thấy ai biết được nội dung của nó.

Nhưng việc nhà nước nhiều lần đàn áp, tìm mọi cách cản trở người dân đi kiện Formosa trước các Tòa án Việt Nam (như Hà Tĩnh), cho thấy Formosa đã phủi trách nhiệm của họ (về vụ làm ô nhiễm biển).

Tức là, theo nguyên tắc luật học, dân Việt Nam không thể kiện Formosa để đòi bồi thường lần nữa. Bởi vì nhà nước đại diện cho dân đã ký kết các thỏa thuận bồi thường rồi.

Vì vậy làm sao người dân có thể kiện Formosa, như các học giả Việt Nam đề nghị ?

Ý kiến của tôi, nhắc đi nhắc lại nhiều lần, nếu người dân muốn đi kiện, hoặc là phải kiện nhà nước Việt Nam. Còn nếu muốn kiện Formosa (ra tòa án Việt Nam hay tòa quốc tế), điều tiên quyết là quốc hội Việt Nam phải ra luật hủy bỏ cam kết bồi thường giữa Formosa và chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Vụ Formosa đã nhì nhằng cả năm nay, kết quả không đi tới đâu hết. Bởi vì định hướng sai thì đi lạc đường.

Không biết những người chủ trương đi kiện Formosa, khi nhận tiền quyên góp của dân chúng, mà không thực hiện được ý nguyện của những người quyên góp, thì phải trả lời ra sao ?

Từ lâu tôi đã đề nghị giải pháp hướng dẫn người dân đệ đơn khiếu nại ở các Đại biểu quốc hội (Hà tĩnh, Nghệ An...). Cần phải biểu tình làm áp lực lâu dài, để vấn đề được chuyển lên Quốc hội và để được nơi đây giải quyết.

Trương Nhân Tuấn

Nguồn : fb. nhantuan.truong, 17/04/2017

Published in Diễn đàn

Thảm họa môi trường biển do công ty Formosa có trụ sở tại Vũng Áng-Hà Tĩnh gây ra hồi tháng 4 năm 2016 trên một khu vực rộng lớn, bao gồm 4 tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế đã đẩy hàng triệu người dân nơi đây vào một hoàn cảnh vô cùng bi đát.

formosa1

Cuộc tuần hành ra Kỳ Anh để khởi kiện Formosa của giáo dân giáo xứ Song Ngọc xã Quỳnh Ngọc

Sau khi Formosa và các cơ quan chức năng của Việt Nam "cãi chày cãi cối" không được thì Formosa đã đứng ra nhận hoàn toàn trách nhiệm và sau một thời gian thỏa thuận với chính quyền Việt Nam, phía Formosa đã chấp nhận đền bù thiệt hại cho ngư dân 4 tỉnh miền Trung với số tiền 500 triệu đôla Mỹ.

Sự việc vẫn chưa kết thúc ở đây. Do số tiền đền bù quá ít ỏi và không đến được với người dân bị thiệt hại nên các cuộc biểu tình của người dân Hà Tĩnh đã diễn ra liên tục từ đó đến nay.

Ngày 26/9/2016 linh mục Đặng Hữu Nam đã dẫn đầu 600 giáo dân thuộc giáo xứ Phú Yên ra tòa án Kỳ Anh để nộp đơn kiện công ty Formosa nhưng tòa không nhận.

Sáng chủ nhật 2/10/2016, người dân từ các giáo xứ Đông Yên, Mỹ Dụ, Dũ Lộc, Qu‎‎y Hòa, Tây Thành thuộc giáo hạt Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã biểu tình trước cổng công ty Formosa với số người lên đến 18.000 người.

Mới đây nhất là cuộc tuần hành ra Kỳ Anh để khởi kiện Formosa của giáo dân giáo xứ Song Ngọc xã Quỳnh Ngọc, Quỳnh Lưu- Nghệ An ngày 14/2/2017. Cuộc tuần hành đã bị chính quyền tỉnh Nghệ An đàn áp thẳng tay với hàng chục giáo dân bị thương.

Báo chí và chính quyền Việt Nam vẫn như mọi khi, lập tức kích động và vu khống giáo dân Song Ngọc : "16 cán bộ, cảnh sát đã bị thương trong vụ xô xát với hàng trăm giáo dân, giáo xứ Song Ngọc ngày 14/02/2017. Trong số 16 cán bộ, cảnh sát bị thương có Giám đốc công an tỉnh Nghệ An, một người nặng nhất phải phẫu thuật tại bệnh viện chấn thương chỉnh hình và 3 ô tô bị hư hỏng". Những luận điệu dối trá và vu khống trắng trợn này đã bị cư dân mạng bóc mẽ trên các mạng xã hội.

Trong kỷ nguyên của internet và truyền thông số thì mọi sự thật và giả dối lập tức bị phơi bày. Chính quyền Việt Nam đang cố gắng trong tuyệt vọng để làm công việc "lấy thúng úp voi". Những hình ảnh ôn hòa của giáo dân Song Ngọc và sự đàn áp dã man của chính quyền Việt Nam nhanh chóng được truyền tải đến mọi người dân Việt Nam và dư luận thế giới.

Chúng ta thấy được gì qua những cuộc biểu tình của giáo dân miền Trung ? Thảm họa do Formosa gây ra đã ảnh hưởng đến tất cả mọi người dân 4 tỉnh miền Trung cũng như cả nước. Chừng nào Formosa chưa đóng cửa thì thảm họa ô nhiễm đối với người dân Việt Nam vẫn chưa thể kết thúc. Những bức ảnh vừa được lan truyền trên mạng cho thấy biển miền Trung vẫn đang bị ô nhiễm nặng từ chất thải độc hại của Formosa. Tất nhiên là như vậy. Formosa không thải ra biển thì thải đi đâu ? Hệ thống xử lý nước thải của Formosa muốn đạt chuẩn phải tốn một khoản tiền lên đến 3 tỉ đôla Mỹ. Formosa sẽ không bỏ ra một số tiền lớn như vậy để làm hệ thống xử lý nước thải.

Câu hỏi vì sao chỉ có giáo dân miền Trung biểu tình và phản đối Formosa trong khi những người dân khác thì không? Đất nước này đâu chỉ mỗi mình người công giáo ? Câu trả lời không khó nếu chúng ta nắm bắt được vấn đề. Đúng là thảm họa Formosa đã ảnh hưởng lên tất cả mọi người dân nhưng không ai dám lên tiếng vì sợ chính quyền đàn áp bắt bớ. Hơn 70 năm sống dưới chế độ cộng sản người dân biết rõ bản chất khủng bố của chính quyền Việt Nam.

Giáo dân cũng vậy, họ biết rõ cái giá phải trả khi đi biểu tình nhưng vì cuộc sống của họ đã bị ảnh hưởng quá nặng nề nên họ phải đứng dậy. Lý do để họ có được dũng khí là vì họ có người lãnh đạo, dẫn dắt và vì có đức tin. Chính cũng vì lý do là giáo dân luôn tin tưởng vào những người chủ chăn của họ hơn là tin vào hệ thống tuyên truyền khổng lồ của nhà nước Việt Nam vì thế chính quyền cộng sản rất thù ghét người công giáo.

Trái với sự tuyên truyền của chế độ cộng sản rằng người công giáo là cực đoan và luôn chống đối chính quyền thì ngược lại giáo dân Việt Nam nói chung và giáo dân miền Trung nói riêng rất ôn hòa và hiền lành. Người công giáo chỉ chiếm khoảng 10% dân số Việt Nam. Dù bị chính quyền tấn công gây thương tích nhưng họ vẫn giữ thái độ ôn hòa và nhẫn nhục. Công bằng mà nói thì "dân trí" của giáo dân miền Trung cũng ngang bằng với dân trí của người Việt Nam nói chung chứ không cao hơn. Vậy tại sao họ có thể làm được những việc phi thường như vậy ? Tại sao một giáo xứ chỉ có hơn 2.000 người như giáo xứ Song Ngọc có thể làm cho chính quyền Nghệ An rúng động khi phải điều động đủ mọi ban ngành chức năng, công an, cảnh sát cơ động để đối phó ? Trong ngày 14/2 tại hiện trường có mặt cả bí thư tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh, giám đốc công an tỉnh Nguyễn Hữu Cầu…Câu trả lời cũng giản dị. Giáo dân Song Ngọc làm được như vậy vì họ có tổ chức và người lãnh đạo. Cụ thể ở đây là linh mục Nguyễn Đình Thục.

Xã luận của báo Thông Luận, cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã khẳng định sự ủng hộ đối với của chúng tôi đối với giáo dân Song Ngọc : "Xin cảm ơn linh mục Nguyễn Đình Thục và giáo dân Song Ngọc. Trong những ngày vừa qua quý vị và các bạn đã là dân tộc Việt Nam". Là một tổ chức dân chủ đối lập chủ chúng tôi hoàn toàn ủng hộ những đòi hỏi và yêu cầu chính đáng của giáo dân khi khởi kiện Formosa. Chúng tôi xin được "đồng hành" cùng giáo dân Song Ngọc và mọi người dân miền Trung trong các cuộc biểu tình đòi quyền lợi.

Chúng tôi cũng xin được cảm ơn bà con giáo dân Song Ngọc đã dạy cho chúng tôi một bài học bổ ích là muốn có được các cuộc biểu tình thì phải có ít nhất hai yếu tố đó là "phải có tổ chức" và "phải có người lãnh đạo, dẫn dắt". Chúng tôi tin rằng cuộc biểu tình của bà con giáo dân Song Ngọc sẽ tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo cho mọi người Việt Nam về một thảm họa môi trường vô cùng nguy hiểm do công ty Formosa gây ra.

Việt Hoàng (20/2/2017)  

Published in Quan điểm