Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

18/02/2017

Thời sự Châu Á : ma túy Phi, sư Thái, lãnh tụ Khmer, tư sản Nam Hàn

tổng hợp

Giáo dân Philippines biểu tình chống chiến dịch bài trừ ma túy của tổng thống (RFI, 18/02/2017)

Hàng nghìn giáo dân Philippines đã xuống đường biểu tình ngày 18/02/2017 tại thủ đô Manila theo lời kêu gọi của Giáo Hội để phản đối cuộc chiến bài trừ ma túy của tổng thống Duterte. Đây là cuộc biểu tình lớn nhất từ khi tổng thống Philippines nhậm chức cách đây 7 tháng.

phi1

Biểu tình tại Manila chống chiến dịch bài trừ ma túy của tổng thống Duterte ngày 18/02/2017. Reuters

Theo các nhà tổ chức, có khoảng 20.000 người tham gia biểu tình, còn phía cảnh sát đưa ra con số 10.000 người. Họ cầu nguyện và hát vang các bài thánh ca trên đường phố Manila để phản đối "sự bành trướng của chính sách bạo lực". Trả lời hãng tin AFP, giám mục Manila Broderik Pabillo cho biết mục đích của cuộc biểu tình là để "thể hiện sự phản đối xu hướng phi nhân tính".

Hơn 6.000 người đã thiệt mạng từ khi tổng thống Duterte phát động chiến dịch bài trừ ma túy. Gần một nửa trong số nạn nhân là người nghiện hoặc được cho là tội phạm ma túy, số còn lại bị chết trong hoàn cảnh không rõ ràng.

Không chỉ bị lên án vì chính sách mạnh tay chống nạn ma túy, tổng thống Philippines còn bị ông Antonio Trillanes, một thượng nghị sĩ đối lập, cáo buộc che dấu nhiều triệu đô la. Ngày 17/02/2017, ông Duterte tuyên bố đã ra lệnh cho cơ quan chống rửa tiền Philippines công khai tài khoản cá nhân và cho rằng những cáo buộc của ông Antonio Trillanes chỉ là "rác rưởi".

Ngày 31/01, tổng thống Duterte đã ra lệnh cho cảnh sát rút khỏi cuộc chiến chống túy, sau khi bị lên án gay gắt kể từ khi hàng nghìn người chết vào cuối năm 2016. Tuy nhiên, Wilnor Papa, một nhà hoạt động của Amnesty International tại Philippines, cho biết khoảng 146 người Philippines đã thiệt mạng kể từ khi lệnh cấm có hiệu lực. Các nhóm sát thủ vô danh vẫn tiếp tục giết khoảng 9-10 người mỗi ngày. Theo nhà hoạt động nhân quyền, "nạn nhân vẫn là những người có quan hệ với ma túy và sống trong những khu ổ chuột".

Amnesty International vừa công bố một bản báo cáo lên án những vụ sát hại trên tương tự với tội ác chống nhân loại. Tổ chức này cũng cáo buộc cảnh sát Philippines vi phạm nhân quyền, trong đó có việc hạ sát người không có vũ trang, lập bằng chứng giả, thuê người thứ ba ra tay sát hại nghi phạm và cướp tài sản của nạn nhân.

Thu Hằng

************************

Philippines : Số người bị bắn liên quan ma túy không giảm (RFA, 17/02/2017)

phi2

Nhân viên nhà quàn lấy xác một nghi can ma túy bị giết ở Manila vào ngày 10 tháng 11 năm 2016. AFP photo

Số người bị giết phi pháp trong cuộc chiến chống ma túy tại Philippines tiếp tục xảy ra sau khi có lệnh của tổng thống Rodrigo Duterte rút lực lượng cảnh sát ra khỏi chiến dịch này.

Tổ chức Ân Xá Quốc tế tại Philippines lên tiếng cảnh báo mục tiêu bị sát hại vẫn là những người có lính líu đến ma túy và những người sống tại những khu nghèo khó.

Một viên chức của Ân Xá Quốc tế cho biết những kẻ tấn công nặc danh ra tay giết mỗi ngày chừng 10 người. So với trước đây khi cảnh sát còn tham gia chiến dịch thì số này mỗi ngày là 30 người.

********************

Thái Lan : Một nhà sư bị cáo buộc nhũng lạm tiền công đức (RFA, 17/02/2017)

phi3

Các nhà sư Phật giáo Thái Lan tại tỉnh Pathumthani hôm 20/7/2010. AFP photo

Cảnh sát Thái Lan hôm qua phát hiện một đường hầm dưới một ngôi chùa ở ngoại ô thủ đô Bangkok khi săn lùng một vị sư già bị cáo buộc nhũng lạm tiền công đức.

Hằng ngàn viên chức cảnh sát tham gia vào cuộc săn lùng mà hôm nay sang đến ngày thứ hai.

Đường hầm được phát hiện có độ dài 1,5 kilomet và tách ra hai nhánh nằm dưới ngôi chùa Dhammakaya.

Người bị truy tìm có tên Phra Dhamachayo từng đứng ra thành lập một giáo phái Phật giáo vào năm 1970. Ông này bị cáo buộc rửa tiền và nhận quĩ hối lộ tương đương 33 triệu đô la Mỹ từ một chủ ngân hàng đang bị tù.

Tuy nhiên những người có chức trách tại chùa nói rằng nhà sư không có tội và họ cũng không biết tông tích ông này hiện ở đâu.

Chính quyền Xứ Chùa Vàng thường miễn cưỡng can thiệp vào những vụ việc của giới tăng lữ thuộc quốc gia mà Phật giáo là quốc giáo này.

Tuy nhiên gần đây một số nhà sư bị cư dân mạng tung lên những cảnh sống xa hoa, không phù hợp với giáo lý Nhà Phật. Riêng đối với giáo phái của nhà sư Phra Dhammachayo thì bị chỉ trích cổ xúy cho tư tưởng chi tiền để lên cõi niết bàn.

************************

Campuchia : Một người bị bắt do nói xấu thủ tướng Hun Sen (RFA, 17/02/2017)

phi4

Thủ tướng Campuchia Hun Sen phát biểu trong lễ khai mạc Diễn đàn Kinh tế Thế giới - Vùng Mekong tại Hà Nội vào ngày 25 tháng 10 năm 2016. AFP photo

Một nhà phân tích chính trị của Campuchia vừa bị bắt giữ vào hôm 17 tháng hai với cáo buộc nói xấu Thủ tướng Hun Sen trong một cuộc phỏng vấn trên radio.

Thủ tướng Hun Sen trước đó đã gửi đơn kiện lên tòa đối với ông Kim Sok vì ông này khi trả lời phỏng vấn đài Á Châu Tự Do đã nói rằng chính phủ của ông Hun Sen đã đứng đằng sau âm mưu giết hại nhà phân tích chính trị đối lập nổi tiếng của Campuchia là ông Kem Ley hồi năm ngoái. Ông Hun Sen cũng đòi một khoản tiền bồi thường là 502.500 đô la Mỹ.

Hãng tin AP trích lời phát ngôn nhân Tòa án Phnompenh cho biết tòa đã chấp nhận cáo buộc nói xấu và kích động đối với ông Kim Sok. Tòa cũng ra lệnh giam ông này trước khi đưa ra xét xử. Nếu bị kết án, ông Kim Sok có thể phải đối mặt với án tù tối đa hai năm.

Khoảng 200 người ủng hộ đã đi bộ 5 km cùng với Kim Sok tới tòa theo lệnh. Ông Kim Sok nói với phóng viên báo chí rằng ông không sợ ông Hun Sen hay khả năng bị đi tù ngay kể cả khi luật không công bằng được áp dụng để chống lại ông.

Ông Hun Sen đã ở vị trí Thủ tướng Campuchia suốt 3 thập niên qua và cũng đã tuyên bố là ông chưa có ý định nghỉ hưu. Hồi năm ngoái, chính phủ của ông Hun Sen đã gia tăng sức ép về pháp lý đối với những người đối lập với chính phủ. Tòa án được cho là chịu sự chi phối của chính phủ.

**********************

Hàn Quốc bắt tạm giam lãnh đạo tập đoàn Samsung (RFI, 17/02/2017)

phi5

Ông Lee Jae-yong (G) ra khỏi tòa án ở Seoul, sau khi bị tư pháp quyết định tạm giam, ngày 17/02/2017 - Shin Wong-soo/News1

Lee Jae-yong, người thừa kế tập đoàn Samsung hôm nay 17/02/2017 đã bị bắt vì tội tham nhũng, khai man và biển thủ công quỹ liên quan tới vụ tai tiếng chính trị-tài chính khiến tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye bị Quốc Hội phế truất hồi tháng 12/2016.

Từ Seoul, thông tín viên RFI Frédéric Ojardias giải thích :

"Sau lần từ chối đầu tiên hồi tháng Giêng và sau những cuộc thảo luận đến tận sáng sớm, tòa án Seoul cuối cùng đã quyết định dứt khoát : Lee Jae-yong, 48 tuổi, con trai của chủ tịch tập đoàn Samsung, đã bị tạm giam. 

Để thuyết phục các thẩm phán, nhóm điều tra đã trình ra các bằng chứng mới. Lee Jae-yong bị cáo buộc rót 38 triệu đô la cho một người thân tín của tổng thống Park Geun-hye và đổi lại là để được chính phủ tạo điều kiện thuận lợi cho quy trình thừa kế tập đoàn.

Những tổ chức cấp tiến của Hàn Quốc từ nhiều tuần nay đã yêu cầu bắt giữ Lee Jae-yong vì quá bất mãn khi thấy tư pháp nương nhẹ tay với các tập đoàn. Các đại tập đoàn gia đình trị này đang thống trị nền kinh tế Hàn Quốc. 

Cứ thứ Bảy hàng tuần, nhiều người lại biểu tình đòi tổng thống phải ra đi. Họ cũng giương cao các tấm biển minh họa Lee Jae-yong bị giam trong tù. 

Samsung đã phủ nhận hối lộ tổng thống. Trong một thông cáo ngắn gọn, tập đoàn này bảo đảm là "sự thật sẽ được làm sáng tỏ trong những phiên tòa sắp tới".

Quay lại trang chủ
Read 707 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)